sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 06 - Phần 1

Chương VI

CON GÁI HỌC TRUNG HỌC PHỔ THÔNG, TÔI LÀM HẬU PHƯƠNG VỮNG CHẮC CỦA CON

Điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ không phải là trẻ đã học được bao nhiêu kiến thức văn hóa mà là rèn luyện phẩm chất đạo đức như thế nào, tiếp đó là năng lực và sau đó mới là kết quả học tập. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có năng lực sinh tồn, để trẻ phát triển toàn diện, từ đó vui vẻ, thong dong mỗi ngày trong cuộc đời.

Bước vào trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính

Ngày 27 tháng 8 năm 2012, một ngày trước khi con gái đến Đại học Hắc Long Giang làm thủ tập nhập học, tôi đưa con gái đến trường Trung học Hy Vọng thành phố Trường Xuân thăm thầy hiệu trưởng Tông Vĩnh Cường, chuyến đi lần này có hai mục đích, một là báo tin vui, chia sẻ cùng thầy niềm vui trưởng thành của Y Y, hai là cảm ơn tấm ân tình của thầy năm đó đã giúp đỡ tạo điều kiện thuận lợi cho Y Y.

Đầu tháng 7 năm 2009, sau khi hoàn thành nửa năm tự học ở nhà, tất cả mọi kế hoạch đặt ra đều đã được thực hiện, tôi bắt đầu lo việc học trung học phổ thông của Y Y, trước tiên tôi và con tìm thông tin các trường trung học phổ thông ở Trường Xuân trên internet, hai cha tôi con loại trừ ngay những trường trọng điểm như trường Trung học phổ thông thuộc Đại học sư phạm Cát Lâm hay trường Thực nghiệm tỉnh Cát Lâm, tất nhiên là hai chúng tôi cũng loại trừ luôn những trường tương đối kém về cả vật chất lẫn chất lượng giáo dục. Như vậy có khoảng mười trường lọt vào danh sách lựa chọn. Tiêu chuẩn lựa chọn của cha con tôi là trường đó phải có căng tin cho học sinh, có ký túc xá, hơn nữa phải gần nhà, tổng hợp những tiêu chuẩn này có một nửa số trường bị loại.

Ngày 6 tháng 7, tôi dẫn Y Y lần lượt đến tham quan năm ngôi trường mà hai cha con đã lựa chọn, ngôi trường đầu tiên mà chúng tôi đến là trường Trung học số 1 thành phố Trường Xuân, tất cả lãnh đạo từ hiệu trưởng, hiệu phó đều không có mặt, chủ nhiệm phòng giáo vụ và phòng giáo dục đạo đức học sinh tiếp đón hai cha con tôi. Sau khi nghe sự giới thiệu cũng như nguyện vọng của hai cha con, họ rất vui mừng, giới thiệu cho chúng tôi về tình hình của trường và hứa rằng khi nào thầy hiệu trưởng quay lại nhất định sẽ lập tức thông báo với thầy, nhanh chóng trả lời chúng tôi. Khi chào tạm biệt họ, cha con tôi đã đi dạo một vòng quanh trường, tham quan một lượt từ phòng học, căng tin, ký túc xá, nhà vệ sinh. Sau đó hai cha con lại đến trường Trung học số 29 thành phố Trường Xuân.

Hai cha con may mắn được gặp cô hiệu trưởng của trường, một phụ nữ trung niên giỏi giang, nhưng khi cô biết là Y Y chưa tham gia kỳ thi vào trung học phổ thông thì lập tức có thái độ nghi ngại: “Một đứa trẻ nhỏ như vậy, ngay cả kỳ thi vào trung học phổ thông cũng không tham gia (ý của cô là không dám tham gia hoặc không có đủ năng lực để tham gia), không có điểm thì làm sao mà học trung học phổ thông được”. Mặc dù tôi vẫn nhẫn nại, cố gắng giải thích cho cô hiệu trưởng hiểu nhưng cuối cùng vẫn bị từ chối. Tôi dắt tay Y Y ra về trong lòng rất buồn bã, nhưng tôi không thể để cho con thấy tâm trạng của mình, tôi cố ra vẻ cười nói với con: “Trường này không được, chúng ta vẫn còn vài trường tốt nữa, đi thôi, hai cha con mình ăn cơm đã, buổi chiều hai chúng ta sẽ đến trường Trung học Dưỡng Chính xem sao”.

Sau khi ăn xong, chúng tôi đến trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân.

Trước tiên khi nói đến ngôi trường này, rất nhiều người khi nghe tên trường đều cho rằng đây là một trường dân lập, ngay cả cha của bạn Y Y khi con thi vào đại học còn hỏi tôi: “Trường Dưỡng Chính này rốt cuộc có phải là một trường dân lập hay không?”. Trên website của trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân và trên trang Baidu đều có giới thiệu về trường như thế này:

Trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân được thành lập trên cơ sở hai trường là trường trung học số 12 và trường trung học số 4 của thành phố, tiền thân của trường trung học số 12 là trường học đầu tiên do nhà nước xây dựng - Thư viện Dưỡng Chính, đến nay đã có lịch sử 128 năm, có danh hiệu là “Trường học số 1 Trường Xuân”. Trường mới được thành lập từ tháng 11 năm 2007, được đầu tư 130 triệu nhân dân tệ, diện tích 80.500 mét vuông, diện tích cơ sở hạ tầng là 38.100 mét vuông, có nhà tổng hợp, phòng học, tòa nhà khoa học kỹ thuật, ký túc xá cho học sinh, trung tâm phục vụ, nhà thi đấu, toàn trường có 48 lớp và hơn 2.500 học sinh…

Khi đến trường, chúng tôi tham quan trường một lát, đi xem các phòng học, ký túc xá, căng tin. Phòng học và hành lang của tòa nhà phòng học đều rất rộng và sáng sủa, trong khuôn viên trường hương hoa ngào ngạt, hoa cỏ tốt tươi. Con gái lập tức thích ngôi trường này, con nói với tôi: “Cha ơi, hiệu trưởng liệu có nhận con không, con rất muốn được học ở đây”, “Đi thôi, chúng ta đi hỏi hiệu trưởng”. Tôi dắt tay con đi lên lầu, mở “cửa vào phòng” chỗ thầy hiệu trưởng Tôn Vĩnh Cường, hiệu trưởng Tôn cũng cao gầy như tôi, phong độ nho nhã, thầy nhiệt tình tiếp đón chúng tôi.

Thầy chăm chú lắng nghe tôi kể sự trưởng thành của con gái và quan niệm giáo dục liên quan, khi nghe tôi nói thầy không ngừng gật đầu, sau đó thì thầy nói chuyện vài câu với Y Y. Thầy nói với tôi: “Quan niệm giáo dục của anh rất hay, tôi luôn luôn suy nghĩ làm thế nào để bọn trẻ vẫn trưởng thành trong niềm vui khi không thể tránh khỏi nền giáo dục để thi cử, kinh nghiệm thành công của anh là tấm gương để chúng tôi noi theo, rất vui vì anh có thể tin tưởng chúng tôi, gửi con gái anh đến trường chúng tôi học, Phạm Khương Quốc Nhất là một cô gái nhỏ vui vẻ, rạng rỡ, tôi hy vọng tất cả học sinh của chúng tôi đều có thể vui vẻ rạng rỡ được như Phạm Khương Quốc Nhất, chúng tôi chào đón cháu đến với đại gia đình ‘Dưỡng Chính’”.

Sau khi từ trường Dưỡng Chính ra về, Y Y nói với tôi: “Cha ơi, chúng ta không đến trường khác nữa, chúng ta chọn trường này được không ạ?”. “Con thực sự thích ngôi trường này ư?”, tôi hỏi lại con.

“Vâng ạ, môi trường ở đây tốt, mà thầy hiệu trưởng cũng rất tốt”. “Được rồi, chỉ cần con thích, vậy chúng ta chọn trường này, đi thôi, chúng ta về nhà nào…”.

Một tháng sau, tôi đưa con đến trường Trung học phổ thông Dưỡng Chính thành phố Trường Xuân, Y Y được xếp vào lớp mười bốn khối mười, cô giáo chủ nhiệm là cô Từ Lệ Cầm, lớp có năm mươi sáu bạn, và con đã bắt đầu cuộc sống trong trường trung học phổ thông như thế.

Sau đó, tôi có tâm sự với thầy hiệu trưởng Vĩnh Cường về tương lai của con. Từ trước tới nay tôi chưa hề có ý định cho con thi đại học, thầy Vĩnh Cường cho rằng căn cứ vào tình hình riêng của Phạm Khương Quốc Nhất và hiện trạng giáo dục Trung Quốc, tham gia kỳ thi đại học có ý nghĩa tích cực hơn nhiều đối với sự phát triển của con. Tôi tiếp thu ý kiến của thầy, tôn trọng sự lựa chọn của con gái, vì thế mà bây giờ mới có sinh viên Đại học Hắc Long Giang - Phạm Khương Quốc Nhất.

Trước khi con gái vào lớp mười hai, ban giám hiệu của nhà trường có sự thay đổi, thầy Vĩnh Cường được điều đến trường Trung học Hy Vọng thành phố làm hiệu trưởng, thầy Trương Kình Tống đảm nhận cương vị hiệu trưởng trường Dưỡng Chính thay thầy Vĩnh Cường, thầy cũng rất quan tâm đến Y Y.

Dưới sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ của lãnh đạo, thầy cô trường Dưỡng Chính và cả sự quan tâm của bạn bè, Phạm Khương Quốc Nhất đã trải qua những năm trung học phổ thông thật vui vẻ. Con gái là một đứa trẻ biết cảm ơn, trong “Lưu bút tốt nghiệp” con đã viết như thế này:

Em sẽ mãi mãi không bao giờ quên thầy hiệu trưởng Tôn Vĩnh Cường, thầy đã đồng ý cho em vào học trường Dưỡng Chính; cô giáo Từ Lệ Cầm, mặc dù tiếng Anh của em không giỏi nhưng cô vẫn cho em làm cán sự môn để em có thể rèn luyện bản thân; cô giáo Lưu Thục Yến luôn luôn quan tâm và cổ vũ em; cô Lý Lệ người đã tin tưởng, giúp đỡ em, cổ vũ em khi em không đạt kết quả tốt trong kỳ thi. Còn rất nhiều thầy cô giáo đã vất vả dạy dỗ em, cảm ơn các thầy cô đã hy sinh vì em! Em cảm ơn tất cả!

Lớp 13 khối 12 - Phạm Khương Quốc Nhất

Ba lần bị triệu về gấp

Những năm học trung học phổ thông là giai đoạn duy nhất con gái được học liền mạch, hoàn chỉnh, vì đã được bồi dưỡng, rèn luyện trước, con gái có đầy đủ phẩm chất và năng lực, thói quen hành vi cơ bản được hình thành, tuy nhiên đối với một cô gái vừa mới bước chân vào “thời thanh xuân” thì ba năm trung học phổ thông là một giai đoạn vô cùng quan trọng.

Tôi vốn là người rất coi trọng việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường, chỉ có cách liên lạc với nhà trường, hiểu được con mình một cách toàn diện thì phụ huynh mới có thể hướng dẫn, giáo dục con cái mình một cách khoa học và hiệu quả hơn. Vì thế từ khi Y Y đi học, trước tiên tôi đều giới thiệu về tình hình của con cũng như quan niệm giáo dục của bản thân tôi, mục đích là có thể tìm một phương pháp tốt nhất để dạy con, thiết nghĩ, nếu như quan niệm giáo dục của tôi và nhà trường hoàn toàn đối lập thì con tất nhiên không thể thích nghi, như vậy thì việc học của con sẽ dở dang, không thể nói đến thành tài hay không.

Viết đến đây tôi lại nhớ đến lần họp phụ huynh đầu tiên khi Y Y học lớp mười. Cô giáo chủ nhiệm Từ Lệ Cầm nói, các thầy cô giáo phát hiện một số học sinh cung cấp số điện thoại giả của phụ huynh, không có cách nào để liên lạc với phụ huynh. Để tiện liên lạc, cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn đều viết số điện thoại của mình lên bảng, hầu hết các phụ huynh đều chép lại những số điện thoại đó, nhưng tôi lại không, bởi vì buổi học đầu tiên tôi đã có số điện thoại của cô giáo con, đồng thời cũng để lại số điện thoại của tôi cho cô giáo, hơn thế nữa chúng tôi đã liên lạc một lần. Vì thế tôi suy đoán rằng đại đa số phụ huynh đều không chủ động liên lạc với thầy cô giáo, tất nhiên là cũng không có ý định cung cấp số điện thoại của mình cho thầy cô.

Điều này cho thấy, nhiều bậc phụ huynh không coi trọng việc liên lạc giữa gia đình và nhà trường, mà một số chỉ coi trọng việc tặng quà cho thầy cô giáo, để thầy cô quan tâm đến con cái mình, có một số các thầy cô cá biệt, không có lương tâm nhận quà của phụ huynh, có quan tâm đến học sinh, chỉ báo những tin vui còn tin không hay thì không thông báo tới phụ huynh, bảo vệ học sinh một cách vô nguyên tắc, cuối cùng là hại học sinh.

Ngày đầu tiên khi Y Y đến trường tôi đã kể qua cho cô chủ nhiệm Từ Lệ Cầm tình hình của con, cô giáo Từ rất thích cô gái vui vẻ Y Y, sau này ở trường có gì liên quan đến Y Y cô giáo Từ đều kịp thời thông tin trao đổi với tôi.

Một ngày nọ, sau hai tháng học trong trường trung học phổ thông (ngày 28 tháng 10 năm 2009), cô giáo chủ nhiệm Từ phản ánh với tôi, Y Y nói chuyện trong giờ ngữ văn, mua đồ ăn vặt trong giờ tự học buổi tối. Mặc dù đó là những việc thường xuyên xảy ra ở trường, nhưng theo những gì mà tôi đã dạy con thì điều này là hoàn toàn không thể được, trong bất kỳ môi trường nào con người ta cũng phải tuân theo quy định. Hai điều này là hai điều cấm kỵ của nhà trường, đây cũng là những thói quen xấu, vi phạm nội quy của nhà trường, vì thế ngày hôm đó khi tan học, tôi đến trường đón con về nhà nói chuyện.

Con có bất cứ chuyện gì, tôi không trách mắng hay phê bình khi chỉ nghe ý kiến một phía, hoặc chỉ nhìn biểu hiện bên ngoài. Khi về đến nhà, con kể đầu đuôi sự việc cho tôi nghe, giờ ngữ văn con nói chuyện là bởi vì khi ra chơi nói chuyện với bạn nhưng chưa nói xong, lúc trong giờ lại tiếp tục chủ đề nói thêm một lúc, còn việc mua đồ ăn vặt là vì nhìn thấy bạn cùng ký túc xá mua đồ ăn vặt, con cũng mua theo. Con tự nhận ra là mình mắc lỗi ở đâu, hứa sẽ tích cực sửa chữa, vì thế mà tôi cũng không nói thêm nhiều, mà chỉ nhắc nhở con không được làm những điều xấu. Sau khi vấn đề được giải quyết, buổi sáng hôm sau con tự quay lại trường, sau đó không còn lặp lại những lỗi tương tự nữa.

Lần thứ hai “triệu tập” con về nhà là khi sắp đến kỳ thi cuối kỳ II năm lớp mười một (ngày 20 tháng 2 năm 2001, cô chủ nhiệm Lý Lệ phản ánh với tôi, gần đây Y Y thường xuyên ngủ trong giờ học, không có hứng thú học, tôi lập tức gọi điện cho con để nắm rõ tình hình, con nói buối tối con ngủ cũng không ít những vẫn thấy buồn ngủ, có lúc ngủ quên trong giờ học. Tôi cảm thấy vấn đề rất nghiêm trọng vì vậy lập tức đến trường đón con đến bệnh viện Cảnh sát để kiểm tra, bác sĩ cho biết con bị như vậy là do thiếu ngủ và áp lực học tập căng thẳng.

Nghe lời khuyên của bác sĩ tôi đưa con về nhà, hai cha con nói chuyện về vấn đề học tập và phát triển của con. Buổi tối hai cha con chơi vài ván cờ carô, và cùng xem tivi, rồi con đi ngủ sớm. Ngày hôm sau Y Y lại dậy sớm, tinh thần sảng khoái phấn chấn trở lại trường.

Lần cuối cùng là hai tháng trước kỳ thi đại học (4 giờ chiều ngày 21 tháng 3 năm 2012), Y Y từ trường gọi điện về nhà, tâm trạng rất xấu nói với tôi: “Cha ơi, kết quả thi thử lần hai không tốt, con định cuối tuần này không về nhà nữa”. Từ ngày Y Y ở trường, bình thường con sẽ nhắn tin hoặc cách hai ngày thì gọi điện thoại cho tôi một lần nói tình hình của con, nhưng thường là vào buổi tối hoặc sau khi tan học buổi tối, nhưng đây là lần đầu tiên con gọi vào giờ này, tôi cảm giác có gì đó không ổn, do lúc đó tôi ở ngoại tỉnh, phải đến ngày hôm sau mới về nhà, vì vậy chỉ có thể an ủi con vài câu qua điện thoại.

Ngày hôm sau khi tôi về tới Trường Xuân, việc đầu tiên tôi làm là tìm cô chủ nhiệm Lý Lệ để nói chuyện, hiểu rõ nguyên nhân vì sao kỳ thi lần này con lại không đạt thành tích như mong muốn. Theo như phân tích của cô Lý, có hai nguyên nhân chủ yếu, thứ nhất là con không chăm chỉ, những bạn khác thì cố gắng hết sức nhưng con lại không làm được như vậy; thứ hai là hình như gần đây con có tâm sự, không tập trung.

Tôi xin phép cô giáo cho con được nghỉ học, đến trường đón con về nhà. Khi đã hỏi kỹ lưỡng về chuyện học hành và cuộc sống của con, tôi nghiêm khắc nói với con: “Con đã chọn đi con đường này thì con phải cho mình một mục tiêu, một kết quả, học như thế nào thi ra sao không thành vấn đề, nhưng chí ít thì mình cũng đã cố gắng. Nếu như con không cố gắng và tụt lại phía sau so với các bạn khác thì con đã có lỗi với những năm tháng tuổi trẻ của mình. Con ạ, con có tâm sự gì thì có thể nói với cha, cha không chỉ là một người cha theo nghĩa thông thường mà còn là bác sĩ tâm lý với hai mươi năm kinh nghiệm tư vấn, một người bạn lớn mà con có thể dựa dẫm. Cha mong con có thể vui vẻ, hạnh phúc, cô bé vui tươi rạng rỡ mà bao người ngưỡng mộ đi đâu mất rồi, cha nhất định sẽ giúp con tìm lại”.

Con nói thực ra con không có tâm sự gì, chủ yếu là kỳ nghỉ đông vừa rồi chơi nhiều quá, chưa lấy lại tinh thần học tập, bản thân cũng không biết phải điều chỉnh như thế nào, vì vậy mà thi không tốt, cảm thấy đã phụ sự kỳ vọng của cha và các thầy cô, cũng không có mặt mũi nào nhìn bạn bè. Để giải quyết triệt để vấn đề không chú tâm học hành và không chịu khó học, con quyết định học hỏi bạn cùng bàn Uông Miêu, sau này hai tuần mới về nhà một tuần, chủ nhật nào cũng cùng làm đề với Uông Miêu.

Cô bé Uông Miêu mặc dù tôi chưa từng gặp lần nào nhưng cũng phần nào biết về cô bé, lần đầu biết đến cô bé là trong buổi họp phụ huynh học sinh, lúc đó Uông Miêu vẫn chưa ngồi cùng bàn với Y Y, hầu như lần họp phụ huynh học sinh nào cô giáo cũng biểu dương Uông Miêu cần mẫn và cầu tiến, về thành tích học tập Uông Miêu lúc nào cũng là lá cờ đầu của lớp. Khi Y Y được xếp ngồi cùng bàn với Uông Miêu tôi đã nói với con là phải học tập bạn Uông Miêu, giờ đây xem ra là con đã không giữ đúng lời hứa với tôi, vì thế mà tôi rất giận, nhưng tôi cũng biết trách mắng nhiều không có lợi gì, bởi vì con mình mình hiểu, khi mà con đã nhận ra những khuyết điểm của mình thì con lập tức sẽ sửa lỗi, sau đó cố gắng hết sức để theo kịp các bạn.

Khi con đề xuất là học nhóm cùng với Uông Miêu thì có thể thấy con đã suy nghĩ rất nhiều, tôi không trách con nữa mà an ủi, động viên con, tán thành việc con học nhóm cùng bạn, tôi nói với con học tập bạn Uông Miêu là điều tốt nhưng không cần phải đến hai tuần mới về nhà một lần, chỉ cần sử dụng thời gian một cách hợp lý, khoa học, tuần nào cũng về nhà cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc học. Vì vậy tôi còn chủ động tìm cô bé Uông Miêu, ngồi nói chuyện với hai cô bé, bàn bạc về vấn đề học tập của Y Y. Uông Miêu rất vui vẻ vì bản thân có thể giúp được Y Y, cô bé còn hứa với tôi: “Chú yên tâm ạ, chúng cháu sẽ cùng nhau học tập thật chăm chỉ”.

Hai tháng sau đó, dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của Uông Miêu, việc học của Y Y có tiến bộ rõ rệt, cuối cùng hai cô bạn nhỏ đều đã thi đỗ trường đại học mà mình yêu thích.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx