sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 06 - Phần 3

Ý nghĩa tích cực khi thứ hạng giảm sút

Sau kỳ thi cuối kỳ II năm lớp mười một, con gái về nhà và buồn bã nói với tôi: “Cha ơi, hôm nay con phải báo với cha một tin buồn”. Con bé này từ khi học mẫu giáo, mỗi lần tan học về nhà đều có tin thông báo, hơn nữa tin nào cũng có tính từ để bổ nghĩa thêm, lúc thì tin tốt, lúc thì tin xấu, lúc tin vui, lúc tin buồn…

Tôi cười hỏi con: “Chuyện gì vậy? Tin gì mà buồn như vậy hả con? Con nói cho cha nghe xem nào?”. “Lần thi cuối kỳ này thành tích của con giảm sút, hơn nữa lại giảm sút rất nhiều”.

Tôi vẫn mỉm cười hỏi con: “Rốt cuộc là giảm bao nhiêu?”. “Từ thứ bảy tụt xuống thứ mười sáu ạ”.

“Ồ, thế cũng vẫn tốt con ạ”, tôi nói với con, “Đã là thi thì phải có thấp có cao, thành tích của con không thể cứ tăng mãi còn của các bạn khác cứ tụt mãi, thành tích (thứ hạng) lúc lên lúc xuống là lẽ thường tình”. “Điều này con biết, nhưng khi con nhìn thấy ánh mắt của các bạn và của cô giáo, con cảm thấy không thoải mái”, con gái nói với tôi với tâm trạng buồn rầu, không biết làm thế nào.

“Điều này rất bình thường, con người ta thường có những ánh mắt phàm tục như vậy. Không phải là cha thường nói với con rồi sao, thi được bao nhiêu điểm, đứng thứ bao nhiêu đều là thứ yếu, chỉ cần con sức khỏe tốt, tinh thần tốt, những thứ khác đều không quan trọng. Hơn nữa thành tích hiện giờ của con đã rất tốt rồi, chúng ta nên biết thỏa mãn với những gì mình có”. “Nhưng con sợ cô giáo tìm con và hỏi con tại sao lại thi không tốt”.

“Vậy thì con cứ nói thật cho cô nghe”, tôi đi vào bếp và nói với con: “Được rồi, chúng ta ăn cơm thôi!”, lúc ăn tối xong hai cha con lại nói chuyện một lát, rồi cùng xem tivi và sau đó con về phòng đọc sách.

Nếu phân tích thấu đáo, thì việc thành tích của con giảm sút mang ý nghĩa tích cực nhiều hơn là tiêu cực đến sự trưởng thành của con, giống như chuyện “Tái Ông thất mã” vậy.

Con học trung học cơ sở một năm rưỡi, những kỳ thi lớn nhỏ lần nào thành tích của con cũng chỉ tăng chứ không giảm. Khi vừa mới nhập học đứng top hơn sáu trăm, đến kỳ II năm lớp mười sau khi phân ban thành tích của con đứng thứ hơn một trăm (học sinh ban khoa học xã hội khoảng hơn bốn trăm học sinh), rồi xếp toàn khóa lần lượt thứ bốn mươi bảy, hai mươi chín và hai mươi hai, đến kỳ thi giữa kỳ lần trước là xếp thứ bảy.

Vì có thành tích trong top mười, con đạt danh hiệu “Học sinh kiểu mẫu”, cô chủ nhiệm và các thầy cô bộ môn đều đánh giá con rất cao, các thầy cô còn cho rằng con thậm chí có khả năng đứng thứ nhất, vì thế mà các thầy cô đặt kỳ vọng lớn vào con, con cũng vì thế mà rất tự tin. Nhưng trong lòng tôi rõ hơn ai hết, vì con không ngừng vượt lớp, kiến thức cơ bản của con không được vững lắm, thành tích của con chủ yếu có được là nhờ con có sự hứng thú và có phương pháp học, con không phải là thần đồng và cũng không phải là thiên tài, việc thành tích lên xuống là lẽ thường tình. Vì thế tôi cổ vũ con đồng thời cũng nói với con: “Khi con tiến bộ thì các bạn khác cũng đang tiến bộ, không có ai là luôn giữ vững ở top đầu, chúng ta vừa phải so sánh với người khác, vừa phải so sánh với bản thân, nhất định phải có một tâm lý vững vàng”.

Tôi nghĩ rằng, qua việc thành tích sụt giảm lần này, thành tích của con sẽ lại tốt lên, và sẽ ổn định hơn. Hơn nữa việc học không chỉ nhìn vào thành tích, chỉ cần học và có thể ứng dụng, việc thi được bao nhiêu điểm chẳng có ý nghĩa gì. Vẫn là câu nói: “Con khỏe mạnh, vui vẻ là quan trọng nhất!”.

Hai cha con kết thúc cuộc thảo luận về vấn đề “sụt giảm thứ hạng” trong không khí thân tình.

“Cha ơi, lần sau con nhất định sẽ vào top mười”.

“Cha nghĩ là mục tiêu top mười lăm thì sẽ hợp lý hơn”.

“Ha ha, được rồi, nhưng con vẫn sẽ cố gắng”.

“Ừ”.

“Bốp!”. Đập tay xong, chúng tôi đi xem tivi…

Ngày hôm sau khi tan học về, con lại vui vẻ nói hôm nay đã có bảng thành tích, ngày hôm qua thông báo có sự nhầm lẫn, con xếp thứ mười ba. Ha ha, đúng là một đứa trẻ, đây là sự trưởng thành của con.

Lớp mười hai, con gái bắt đầu chăm chỉ

Trưa ngày 9 tháng 1 năm 2012, con gái gọi điện về nhà vui mừng thông báo với tôi: “Cha à, mặc dù mấy hôm nay đều tan học sớm nhưng con không về nhà nữa, con ở lại học cùng các bạn, cha đừng nhớ con nhé”. Tôi đáp: “Được, học hành chăm chỉ vài hôm rồi vui vẻ về nhà ăn Tết!”.

Chỉ còn hơn một trăm ngày nữa là đến kỳ thi đại học, cuối cùng thì con gái cũng biết chăm chỉ học hành rồi!

Sự trưởng thành của Y Y khác với đại đa số những đứa trẻ khác: thứ nhất là không phải học liên tục ở trường; thứ hai con không học vất vả, học thuộc lòng, mà học một cách linh hoạt, vui học; thứ ba từ tiểu học đến trung học phổ thông, rất ít làm bài tập về nhà.

Bởi vì tôi cho rằng: Điều quan trọng nhất đối với sự phát triển của trẻ không phải là trẻ đã học được bao nhiêu kiến thức văn hóa mà là rèn luyện phẩm chất đạo đức như thế nào, tiếp đó là năng lực và sau đó mới là kết quả học tập. Mục đích cuối cùng của giáo dục là giúp trẻ có năng lực sinh tồn, để trẻ phát triển toàn diện, từ đó vui vẻ, ung dung sống mỗi ngày trong cuộc đời. Hiện thực cho chúng ta thấy rằng một đứa trẻ có năng lực tổng hợp tốt, tâm lý vui vẻ lạc quan, ở trường thành tích học tập chưa chắc đã tốt, nhưng sau khi ra trường bất luận là ở vị trí nào thì vì có năng lực thích nghi cao, năng lực sinh tồn tốt, đứa trẻ đó sẽ vẫn tìm thấy vị trí của mình và phát huy giá trị của bản thân. Vì thế, trẻ mạnh khỏe, vui vẻ trưởng thành không nằm ở việc thi được bao nhiêu điểm mà là trẻ có thể trở thành một con người hoàn chỉnh không.

Từ trước tới nay tôi luôn cho rằng: Chế độ giáo dục ở Trung Quốc không hợp lý, ở một mức độ nào đó có thể nói là lãng phí thời gian. Vì vậy mà khi học tiểu học Y Y vượt hai lớp, và sau đó xuất bản cuốn sách được yêu thích Chơi qua tiểu học. Sau khi “chơi qua tiểu học” con dùng thời gian hai năm rưỡi để “vui qua trung học cơ sở”, cho ra đời cuốn sách Thời trung học cơ sở vui vẻ của Phạm Khương Quốc Nhất, chia sẻ sự trưởng thành vui vẻ của bản thân cùng các bạn nhỏ. Để con được chơi vui, học vui, vài lần tôi đã trao đổi với cô giáo và hiệu trưởng miễn cho con không phải làm bài tập về nhà.

Về vấn đề học hành, yêu cầu của tôi đối với con là: thứ nhất phải học được kiến thức cơ bản; thứ hai là phải ứng dụng những điều đã học vào thực tế cuộc sống, còn về điểm số và thứ hạng tôi không có yêu cầu gì đặc biệt, chỉ nói với con là đừng làm ảnh hưởng đến thành tích chung của cả lớp. Bởi vì điểm số kém vài điểm hay mười mấy điểm, thậm chí mấy chục điểm không ảnh hưởng lớn đến việc trẻ có thành tài hay không, quan trọng hơn vẫn là trẻ “học được, hiểu được và ứng dụng được”.

Vì con gái chơi hết mình, học vui vẻ, hứng thú học tập cao, nên hiệu quả học tập cũng tương đối cao, cho dù là thời gian đầu tư cho việc học ít hơn những bạn khác, nhưng thành tích học tập vẫn rất tốt.

Với sự bầu bạn của quan niệm giáo dục vui vẻ của tôi, Y Y đã có quãng thời gian vui vẻ khi học trung học phổ thông.

Con gái học ở một trường trung học phổ thông bình thường, điều này đúng theo nguyên tắc mà tôi luôn tuân thủ: không học trường điểm. Từ khi học trung học phổ thông đến nay, thành tích của con từ bậc trung đã tiến bộ không ngừng, đến năm lớp mười một đứng top mười toàn khối, sau đó thì lúc lên lúc xuống, nhưng tôi cũng không quá để ý đến điều này. Học kỳ một năm lớp mười hai nhà trường tổ chức kỳ thi toàn Đông Bắc, lần này thành tích của con tụt xuống thứ mấy chục, tâm lý rất buồn bã, tôi an ủi con và cùng con phân tích nguyên nhân.

Cuối năm 2011, một tuần trước kỳ thi thử lần thứ nhất, tôi có cảm giác con học không được tập trung lắm, qua trao đổi với giáo viên, tôi đón con về nhà, trao đổi một buổi chiều với con về việc học cũng như sự phát triển của bản thân con. Con giải thích rằng, kỳ thi toàn Đông Bắc đã làm con mất đi sự tự tin và hứng thú học tập; hai là không tập trung học, con thừa nhận là con chỉ học khoảng bảy, tám phần.

Cô chủ nhiệm của Y Y nói với tôi không chỉ một lần rằng: “Những học sinh lớp mười hai đều tập trung hết sức lực cho việc học, rất nhiều em còn dùng 120% sức lực để cố gắng, nhưng Y Y chỉ dùng 80%, nếu em cố gắng hơn nữa thì vẫn có khả năng nâng cao thành tích”.

Sau khi nghe con tự phân tích tình hình của bản thân, tôi nói với con: “Cha không muốn con phải dùng đến 120% sức lực để học, nhưng con đã lựa chọn con đường thi đại học này thì con phải làm theo quy tắc của nó, con phải tập trung 100% sức lực, cuối cùng con thi được bao nhiêu điểm không quan trọng, nhưng con phải cố gắng để xứng đáng với thời gian của một năm qua. Thi được bao nhiêu điểm là vấn đề của việc học, nhưng chăm chỉ hay không chăm chỉ lại là vấn đề về thái độ, học tốt hay không tốt không quan trọng, nhưng không được uổng phí tuổi xuân”.

Sau đó hai cha con cùng giải quyết vấn đề: thứ nhất, phải điều chỉnh lại trạng thái, phải nhiệt tình học tập; thứ hai, dùng 100% sức lực, chăm chỉ học hành. Để đảm bảo một trạng thái học tập tốt, thời gian quay lại trường sẽ đổi thành buổi chiều tối ngày chủ nhật thay vì sáng ngày thứ hai như trước đây, như vậy con có thể tự học buổi tối cùng các bạn.

Mười ngày sau đó, khi công bố kết quả của kỳ thi thử lần thứ nhất, thành tích của con đã tăng thêm 51 điểm so với lần thi toàn Đông Bắc, xếp thứ sáu toàn khối. Con càng tự tin hơn, học hành càng hăng say hơn…

Những ngày con gái thi đại học

Qua chín năm rưỡi học hành vui vẻ và nửa năm học hành gấp rút, chưa đầy mười sáu tuổi con gái đã tham gia kỳ thi đại học, tham gia kỳ thi quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại, trở thành một thành viên trong số 9.150.000 thí sinh tham gia kỳ thi đại học trên toàn quốc.

Phần I

Buổi trưa ngày mồng 4 tháng 6, khi đã hoàn thành chương trình học của lớp mười hai, Y Y về nhà, ngủ suốt cả buổi chiều, chiều tối con lên mạng một lúc, sau bữa cơm tối cả nhà cùng ngồi xem một bộ phim trên tivi, mười giờ con đi ngủ. Ngày hôm sau, tám giờ con thức dậy, xem chương trình “Chứng minh hình học”, xem tin tức trên mạng, tìm tài liệu, sau đó xem phim, buổi chiều tối hai cha con đi dạo trong khu chung cư, sau bữa cơm cùng nói chuyện, xem tivi. Mười giờ tối con đi ngủ như bình thường.

Buổi sáng ngày mồng 6 tôi ra ngoài giải quyết công việc, tiện đường tôi đưa Y Y đến trường nơi mà con thi khẩu ngữ tiếng Anh để xem đường đi đến đó như thế nào, Y Y chín giờ mới dậy, buổi sáng xem một lúc sách địa lý, buổi trưa lên mạng chơi trò chơi một lúc. Buổi chiều tôi đưa con đến trường để làm quen với trường thi, chiều tối Y Y vào bếp trổ tài làm món lạp xường xào đậu Hà Lan, sau bữa cơm tối hai cha con chơi hai ván cờ carô, sau đó tôi viết nhật ký, con đi xem tivi, chín rưỡi đi ngủ.

Hai ngày này ngoài việc nhận phỏng vấn qua điện thoại về đề tài “giáo dục của người cha” của báo Tân Kinh, Tuần san Nam Đô và ra ngoài giải quyết một số công việc thì toàn bộ thời gian còn lại tôi đều ở nhà và ngồi viết bản thảo cho cuốn sách này. Công việc và cuộc sống vẫn diễn ra bình thường không có gì thay đổi, nhưng rất nhiều gia đình có con em thi đại học thì không được nhàn nhã như tôi.

Hôm nay khi ra ngoài giải quyết công việc, tôi tiện tay mua tờ Họa báo Tân Văn - một tờ báo đô thị của thành phố nơi tôi đang sống, ở trang bốn có đăng bài “Cha bảy lần vì con gái đi xem xét trường thi, hình thành phương án dự phòng bốn xe hiệp lực đưa con đi thi đại học”, bài báo này đã thu hút sự chú ý của tôi, bài báo có viết một người cha làm luật sư, ngày mai con anh ta sẽ tham gia kỳ thi đại học, để đảm bảo đến trường thi đúng giờ, liên tiếp hai ngày từ ngày mùng 3 đến ngày mùng 4 tháng 6, người cha này đã nghỉ làm, bảy lần lái xe khảo sát lộ trình từ nhà đến trường thi.

Khảo sát xong người cha này còn tập hợp họ hàng thân thích đến mở cuộc họp. Sau khi mọi người biểu quyết đã xác định được lộ trình đưa con đến trường thi. Lo lắng sẽ tắc đường, họ còn bố trí xe ở các nút giao thông, nếu như có sự cố tắc đường thì sẽ đổi xe, xét đến việc xe sẽ gặp sự cố trên đường, họ còn chuẩn bị một xe dự phòng bám đuôi phía sau…

Thấy việc làm của người cha “vĩ đại” này tôi không thể cảm động được, thậm chí còn thấy bi ai, chỉ là con cái đi thi thôi mà, có nhất thiết phải làm một cuộc tổng động viên như vậy không?

Trên tivi mấy ngày hôm nay, ngày nào cũng nói đến chuyện thi đại học, đài phát thanh ngày nào cũng đưa tin về thi đại học; báo chí, tờ nào cũng viết về thi đại học… “Thi đại học” lúc nào cũng xuất hiện trước mắt chúng ta, bên tai chúng ta, là ai đã đưa một kỳ thi lên cấp thông thường trở thành một điều gì đó quan trọng đến như vậy?!

Thi tốt thì thế nào? Mà thi không tốt thì sao? Phụ huynh vẫn là phụ huynh, con vẫn là con, một kỳ thi thực sự có thể quyết định cả cuộc đời hay sao?

Thực ra chúng ta đều biết, đối với một đứa trẻ, giai đoạn nào cũng đều quan trọng, chỉ cần bước từng bước vững chãi tiến về phía trước, trẻ sẽ được lớn lên hạnh phúc và tràn đầy năng lượng.

Phần II

Ngày 7 tháng 6 năm 2012 (Thứ năm, trời nắng chuyển nhiều mây, thời tiết Trường Xuân từ 160C- 280C)

6:50 - 7:40 Con gái thức dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng

7:45 - 8:00 Hai cha con đến trường thi

8: 20 Thí sinh bắt đầu vào phòng thi

8:30 - 10:45 Đông Tử về nhà, làm việc bình thường

10:50 - 11:05 Đông Tử chuẩn bị thức ăn, nấu cơm

11:00 - 11:25 Đông Tử đến trường đón Y Y

11:35 Y Y cùng các bạn ra khỏi phòng thi

11:40 - 11:55 Hai cha con trên đường về nhà

12:00 - 12:15 Đông Tử vào bếp xào nấu, Y Y dọn cơm

12:15 - 12:35 Hai cha con ăn trưa

12:35 - 12:50 Y Y xem tivi

12:50 - 13:50 Y Y ngủ trưa

13:50 - 14:00 Vệ sinh cá nhân

14:00 - 14:15 Hai cha con trên đường đến trường thi

14:30 Y Y vào phòng thi

14:35 - 16:40 Đông Tử về nhà, làm việc bình thường

16:40 - 16:55 Đông Tử trên đường đến đón Y Y

17:05 Y Y ra khỏi phòng thi

Chú thích: Trường thi của Y Y là trường trung học phổ thông nơi con đang học

Từ bảng thời gian biểu này, mọi người có thể thấy khoảng cách từ nhà tôi đến trường không xa lắm (nhà tôi và trường học đều ở Thành Bắc, khoảng cách giữa hai nơi chỉ có bốn kilômét), nếu đi một chiều chỉ cần thời gian mười lăm phút, nếu không tắc đường chỉ cần mười phút là đã đến trường. Ngày hôm qua bạn học của Y Y đã than vãn: “Nhà cậu ở gần, thật thuận lợi, không như nhà mình cách xa trường quá (nhà của bạn ấy ở phía Nam Trường Xuân, cách trường khoảng hơn hai mươi kilômét), chỉ đi thi thôi mà phải ở khách sạn mất mấy ngày”.

Kỳ thi này có điều thuận lợi là nhà cách trường thi không xa, có thể ăn nghỉ ở nhà, đảm bảo việc ăn uống và ngủ nghỉ của con. “Trường gần nhà” không phải là việc ngẫu nhiên mà là do quan điểm “gần đâu học đó” của tôi đã tạo nên sự thuận lợi này.

Buổi trưa khi Y Y ra khỏi phòng thi, tôi cũng giống như đại đa số phụ huynh khác hỏi con: “Con thi thế nào?”, “Cũng tốt ạ”, con trả lời tôi. Trên đường về nhà, tôi hỏi về đề làm văn, con nói: “Đề làm văn hơi kỳ kỳ, khi ra khỏi phòng thi con đã trao đổi với những bạn khác, các bạn ấy trả lời cơ bản là giống nhau, nhưng con lại làm khác, không biết có phải là lạc đề không”. Vì thế mà tôi hỏi con cụ thể hơn về đề làm văn, đề như sau:

Căn cứ vào tài liệu đã cho, hãy viết một bài văn: Một chủ thuyền thuê thợ sơn sơn thuyền, sau khi thợ sơn đã sơn xong, tiện thể cũng vá lại những vết nứt trên thuyền. Không lâu sau, ông chủ thuyền đưa cho người thợ sơn một món tiền lớn. Thợ sơn nói: “Tiền công đã trả rồi”. Ông chủ thuyền nói: “Đây là tiền cảm ơn anh đã vá những vết nứt trên thuyền. Khi tôi biết tin các con tôi lái thuyền ra biển, tôi đã biết là các con không thể trở về vì trên thuyền có những vết nứt. Nhưng chúng đã bình an quay về, vì vậy tôi cảm ơn anh!”.

Không biết là mọi người đọc xong có hiểu không, tôi thì cảm thấy mơ hồ. Thứ nhất, cuộc sống hiện thực sẽ chẳng bao giờ xảy ra những chuyện như vậy; thứ hai cách làm của chủ thuyền rất mâu thuẫn; tiếp đó là nội dung cho sẵn trên không logic, ngôn ngữ diễn đạt không rành mạch, không hiểu là những người ra đề nghĩ gì nữa.

Vì vậy tôi an ủi con: “Đề bài có chút vấn đề, cách trả lời của con độc đáo, mới mẻ, hơn nữa lại bám sát vào đề, có thể sẽ được điểm cao, chỉ cần con nghiêm túc làm bài, kết quả thế nào không quan trọng”.

Trong bữa trưa, hai cha con lại nói chuyện một lúc nữa. Con tâm sự lúc mới bắt đầu có hơi run, tôi hỏi con tại sao, con nói mọi người đều run, có thể là chịu ảnh hưởng tâm lý, một lúc sau khi bắt đầu làm bài rồi thì không run nữa, không có cảm giác là thi đại học mà giống như thi thử trước đây. Sau bữa cơm, con bật tivi xem rồi chợp mắt một lúc, sau đó lại đến trường thi.

Buổi chiều khi ra khỏi phòng thi, Y Y và bạn cùng bàn (hai cô bé cùng một trường thi) dắt tay nhau cùng đi ra, vẻ mặt của hai đứa có chút đờ đẫn, tôi mỉm cười hỏi: “Có phải là đề hơi khó không, thi không tốt cũng không sao”. Y Y nói nghe thấy có hai bạn nam nói là họ có thể được 100 điểm mà con lại không được 100 điểm, vì thế cho rằng không phải là vấn đề đề khó. Đúng lúc này thì có một cô bé đi ngang qua chúng tôi, cô bé nói với cha của mình: “Ngày mai con không muốn thi nữa”. Người cha liền vội hỏi con tại sao, cô bé đáp: “Đề khó quá ạ”.

Trên đường về nhà tôi an ủi Y Y: “Cho dù thế nào, chúng ta đã cố gắng hết sức là được, không có gì phải hối hận, hơn nữa không phải là con muốn có sự trải nghiệm như vậy ư, dù làm tốt hay không tốt thì đây đều là kinh nghiệm quý báu”.

Phần III

Thời gian biểu ngày hôm nay không khác mấy so với ngày hôm qua, chỉ là hôm nay thi những môn khác, buổi sáng thi môn xã hội tổng hợp (chính trị, lịch sử, địa lý), buổi chiều thi tiếng Anh.

Trong hai môn này, có thể nói môn xã hội tổng hợp là thế mạnh của Y Y, tiếng Anh thì có kém hơn một chút, lúc vượt lớp hồi tiểu học con từng xếp thứ nhất từ dưới lên, lúc mới lên trung học phổ thông cũng xếp gần cuối lớp. Sau đó dưới sự động viên khích lệ của tôi và cô giáo chủ nhiệm, con gái đã có sự tiến bộ vượt bậc, ở kỳ thi thử thành tích của con ở nửa đầu lớp.

Đúng 11:30 tôi đến trường đón Y Y, 11:35 cổng trường mở, bắt đầu có những thí sinh ra khỏi phòng thi, những bạn ra đầu tiên biểu hiện rất khó coi, một bà mẹ đứng bên cạnh tôi hỏi cô con gái đang không lấy gì làm vui vẻ của mình: “Con thi không tốt sao? Có phải là đề khó không, các con hôm nay sao đứa nào đứa nấy mặt cứ căng hết cả ra?”. Cô bé không trả lời mẹ mà cúi đầu theo mẹ ra về.

Một cô bé khác thì buồn bã nói với mẹ: “Đề thi năm nay đều là những cái đã biết từ năm ngoái, còn những gì mới học của năm nay thì lại không thi”. “Điểm không thấp hơn năm ngoái là được”, người mẹ an ủi cô con gái. “Như vậy không phải là năm nay ôn tập vô ích sao ạ?”. “Thì có thể làm gì được đây, việc này phải trách cha con, tại sao lại trách mẹ…”.

Những thí sinh lần lượt bước ra khỏi trường thi, mỗi người một vẻ mặt. Bảy, tám phút sau tôi vẫn chưa nhìn thấy bóng dáng của Y Y và bạn cùng bàn, tôi cố gắng mở to mắt để tìm kiếm nhưng vẫn không thấy Y Y. Khi chỉ còn lác đác người, tôi có chút thất thần thì nghe thấy tiếng gọi lanh lảnh “cha ơi”, tôi nhìn theo hướng có tiếng gọi thì thấy con gái chạy về phía tôi…

Vì từ bé Y Y đã chịu ảnh hưởng tư tưởng giáo dục của tôi là “thứ nhất là phẩm chất đạo đức, thứ hai là năng lực, tiếp đó mới là việc học hành” nên tốc độ làm bài của con thường chậm hơn đại đa số những bạn khác. Con đi học mười năm nay, chủ yếu tôi thực thi những ảnh hưởng tích cực đến phẩm chất đạo đức của con, rèn luyện con trở thành một đứa trẻ: “hiểu đạo lý, biết đúng sai, biết cảm ơn, chân thành giữ chữ tín, ngay thẳng lương thiện, nhiệt tình chia sẻ, biết giúp đỡ người khác”; sau đó là bồi dưỡng năng lực sinh tồn, giúp con trở thành một đứa trẻ có “tính độc lập cao, có khả năng làm việc, năng lực biểu đạt tốt, năng lực giao tiếp tốt, năng lực thích ứng tốt”; và cuối cùng mới là việc học văn hóa, đối với việc học của con tôi có yêu cầu: “học được, hiểu được, ứng dụng được”. Còn chuyện thi được bao nhiêu điểm, xếp thứ mấy đều là thứ yếu.

Do vậy trong những kỳ thi lớn nhỏ từ khi học trung học phổ thông, Y Y đều không làm hết đề, đề toán ngày hôm qua không làm hết, còn môn mà con lo lắng là môn xã hội tổng hợp con lại bất ngờ làm hết đề. Vì thế mà khi ra khỏi trường thi con vui vẻ nói với tôi: “Cha ạ, con trả lời hết thì vừa kịp thời gian, không thừa một phút”.

Sau bữa cơm trưa Y Y ngủ một tiếng, buổi chiều lại vui vẻ đến trường thi, chiến đấu với môn thi viết cuối cùng.

Buổi chiều 17 giờ 35 phút những thí sinh tham gia thi đều lần lượt ra khỏi trường thi, có điều khác với những lần khác là lần này mặt đứa nào đứa nấy đều tươi cười, một nam sinh vừa nhảy vừa hô lớn: “Thi xong rồi, thi xong rồi!”, một vài đứa thì đuổi theo nhau ra khỏi cổng trường, tìm cha mẹ của mình…

Cũng giống như các bạn khác Y Y vui vẻ nói với tôi: “Ha ha, cuối cùng thì cũng thi xong rồi!”. Tôi không hỏi con thi thế nào, lúc này kết quả đã không còn quan trọng nữa, chỉ cần con vui vẻ, thấp hơn mấy điểm cao hơn mấy điểm thì có ý nghĩa gì.

Cha nói với con gái về giáo dục giới tính

“Một người đàn ông nói với con gái mình về giới tính thì làm sao có thể mở lời được?”, một số người đã hỏi tôi như vậy khi biết tôi giáo dục giới tính cho con.

Đúng vậy, ở Trung Quốc, giáo dục giới tính vẫn luôn là một chủ đề không được bàn bạc sâu, bất luận là giáo dục nhà trường hay giáo dục gia đình thì trẻ đều không được trang bị những kiến thức về giới tính cần thiết, khoa học và toàn diện. Cho dù là ở một số thành phố lớn, thì rất nhiều người vẫn cảm thấy ngượng ngùng với từ “tình dục”, phụ huynh ở mức độ nào đó đã có cái nhìn phiến diện về vấn đề này, không biết phải hướng dẫn chỉ bảo con như thế nào.

“Anh chị sẽ nói chuyện về vấn đề giới tính với con chứ?”, khi Đông Tử hỏi một vài phụ huynh vấn đề này, rất nhiều người đều cho biết họ không hề xem xét đến, cũng có người nói: “Rất muốn nói chuyện với con nhưng không biết phải mở lời như thế nào”.

Gia đình vốn dĩ phải là lớp học đầu tiên về giáo dục giới tính, nhưng thực tế ở Trung Quốc việc giáo dục giới tính trong gia đình là điều hoàn toàn không có.

Một ngày của một năm trước đây một người bạn là nữ giới của tôi đã cảm thấy rất hoảng sợ khi kể cho tôi nghe khó khăn mà cô ấy gặp phải gần đây: cậu con trai mười một tuổi của cô ấy muốn xem phần dưới của cô ấy để tìm hiểu về kết cấu bộ phận sinh dục nữ…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx