sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 06 - Phần 4

Mười mấy năm tôi làm công tác tư vấn tâm lý, những trường hợp như vậy tôi đã gặp nhiều, đều có liên quan đến vấn đề giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh khi gặp phải tình huống như vậy đều rất hoảng sợ, không biết phải làm thế nào. Thực ra, khi con đưa ra những câu hỏi về giới tính, phụ huynh nên trả lời một cách thẳng thắn, nếu con có những khó khăn về vấn đề giới tính, cần phải kịp thời giúp đỡ con giải quyết. Trước khi con có những biến đổi sinh lý giới tính, phải cho con biết là chúng sẽ phải đối mặt với tình huống như thế nào, và làm sao để ứng phó, như vậy con sẽ không thấy băn khoăn, sợ hãi, như vậy con mới có thể phát triển khỏe mạnh qua giai đoạn dậy thì.

Ví dụ như trường hợp của người bạn tôi, đối diện với yêu cầu của con, trước tiên không nên hoảng sợ và cũng không nên trách móc con, khi con trai bắt đầu dậy thì, tự nhiên sẽ rất hiếu kỳ về người khác giới, không phải là có suy nghĩ gì bậy bạ mà chỉ đơn giản là hiếu kỳ, muốn biết bộ phận sinh dục của nữ giới có gì khác với của mình; thứ hai, phải nhẹ nhàng trao đổi với con về sự khác biệt giữa bộ phận sinh dục nam và nữ, nói cho con biết cùng với sự thay đổi của tuổi tác, nam và nữ cũng khác nhau, những bộ phận ở vùng kín không thể công khai cho người khác giới, cho dù là cha và con gái hay mẹ và con trai thì cũng không được…

Những người trưởng thành đã đi qua thời thanh xuân liệu có còn nhờ một thời “mù giáo dục giới tính” của chúng ta?

Còn nhớ hồi nhỏ tôi đã từng hỏi mẹ: “Con đến từ đâu ạ?”. Mẹ tôi trả lời: “Con được luyện ra con ạ”. Tôi lại hỏi mẹ là luyện thế nào, mẹ nói là luyện ra từ đống lửa. Từ đó đến nhiều năm sau, tôi thường xuyên đi xung quanh đống lửa, hy vọng sẽ có một đứa trẻ được luyện ra. Mãi cho đến năm mười mấy tuổi, xem những cuốn sách về sức khỏe sinh lý, tôi mới “ngộ ra mà không cần thầy”.

Sau đó, tôi được làm cha, khi con gái bốn tuổi, con cũng hỏi tôi câu tương tự, tôi trả lời: “Là thiên sứ đưa con vào trong bụng mẹ, đợi con lớn, bác sĩ mổ bụng mẹ và đưa con ra”. Đây không phải là câu trả lời khiến tôi hài lòng nhưng vì lúc đó con còn quá nhỏ nên tôi chỉ có cách trả lời như vậy.

Một lần con nhất định cứ muốn đứng để đi tiểu, lý do là các bạn nam ở lớp mẫu giáo đều như vậy. Tôi nói rõ với con: “Bạn nam và bạn nữ không giống nhau, vì thế mà khi đi tiểu các bạn nam phải đứng còn các bạn nữ phải ngồi”. Con gái đột nhiên ngộ ra: “Đúng rồi các bạn nam có con chim nhỏ”. Từ đó con gái không bao giờ đòi đứng tiểu nữa. Tôi không hề né tránh vấn đề giới tính với con, con gái có vấn đề gì tôi đều giúp con giải đáp vấn đề đó. Khi con gái lớn hơn một chút, tôi đưa giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục giúp con phát triển khỏe mạnh.

Khi Y Y được năm, sáu tuổi tôi đưa con đến Bảo tàng Tự nhiên để xem triển lãm về cơ thể người, để con hiểu được sự khác biệt về cơ thể của nam giới và nữ giới. Khi con được bảy, tám tuổi khả năng hiểu vấn đề tốt hơn một chút thì tôi kể cho con nghe về câu chuyện tạo ra một sinh mệnh, bắt đầu từ sự kết hợp giữa tinh trùng và trứng.

Lúc nhỏ tôi chẳng được dạy một chút gì về “giới tính”, vì thế lần đầu tiên mộng tinh, tôi cảm thấy sợ hãi vô cùng, nghĩ là mình bị bệnh gì, thời gian đó tôi ăn không ngon, ngủ không yên, lại không dám nói chuyện với ai. Phải qua rất nhiều năm sau tôi mới biết chuyện đó là như thế nào, vì thế tôi nghĩ sau này khi tôi làm cha, tôi nhất định sẽ nói trước với con về sự thay đổi ở tuổi dậy thì, để con cái vui vẻ hạnh phúc qua tuổi dậy thì.

Khi con gái hơn mười tuổi, ngoài việc mua những cuốn sách về lứa tuổi dậy thì đặt ở đầu giường con gái, tôi còn nói cho con biết những kiến thức liên quan, bảo với con khi con có kinh nguyệt, cha sẽ chúc mừng con.

Khi con mười hai tuổi rưỡi, lần đầu tiên con có kinh nguyệt, vì trước đó con đã được tìm hiểu kỹ càng về vấn đề này nên con không gặp khó khăn gì với sự thay đổi bất thường của cơ thể, con chào đón sự kiện này giống như chào đón một người bạn cũ, tất cả mọi thứ đều xử lý mạch lạc, theo thứ tự. Tôi còn giúp con tổ chức một buổi tiệc gia đình nhỏ để chúc mừng sự trưởng thành của con.

Từ khi con hơn mười tuổi trở đi ngoài giáo dục giới tính, tôi còn thường xuyên dạy con quan điểm về tình yêu.

Thực tế là những người khỏe mạnh, phát triển bình thường thì ai cũng có hành vi “yêu sớm” ở các mức độ khác nhau, tất nhiên “yêu sớm” ở đây chủ yếu là chỉ: “yêu thầm”, “yêu đơn phương”. Khi tôi còn nhỏ tôi cũng từng yêu thầm một bạn gái xinh xắn học cùng lớp, hơn nữa chỉ suy nghĩ đơn giản, sau này có thể cưới cô gái như thế làm vợ thì tốt biết mấy. Vì là yêu thầm nên không ảnh hưởng gì đến đối phương và bản thân, qua giai đoạn ngu ngơ dại khờ đó thì tất cả đều qua đi như mây khói.

Khi mười tám tuổi, tôi nhập ngũ, cũng từng yêu thầm em gái của anh chiến hữu khi cô gái đến thăm anh trai, tôi cũng chưa từng tỏ tình với cô gái ấy, trong lòng chỉ âm thầm thích cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát đó. Cứ như vậy yêu sớm, yêu thầm đã cùng tôi trưởng thành, cho đến khi thành niên, sự nghiệp ổn định tôi mới bắt đầu yêu, kết hôn và sinh con.

Tôi đã từng kể cho con gái nghe rất nhiều lần chuyện “yêu sớm” của mình, tôi cũng nói với con, yêu không đơn giản như thích, bởi vì yêu còn có trách nhiệm và nghĩa vụ, một thiếu niên thì không có đủ khả năng đảm đương trách nhiệm và nghĩa vụ như vậy. Con gái đã biết “yêu sớm” là như thế nào qua câu chuyện của tôi.

Năm Y Y mười bốn tuổi, đột nhiên tôi phát hiện con gái tìm hiểu thông tin để làm ngực đầy đặn, biết được thông tin đó, tôi kịp thời nói chuyện với con. Y Y ngại ngùng nói với tôi, rất nhiều bạn học của con có vùng ngực phát triển rất tốt, nhưng ngực của con thì hơi nhỏ, vì vậy mà con rất lo lắng, muốn tìm cách để có vùng ngực đầy đặn hơn.

Tôi nói với con: “Trước tiên cha rất mừng, điều này chứng tỏ con biết theo đuổi cái đẹp và quan tâm đến sức khỏe, nhưng cha cũng phải nói với con rằng các bạn của con đều lớn hơn con mấy tuổi, vì thế các bạn ấy dậy thì sớm hơn con, mấy năm nữa con cũng sẽ giống các bạn, nếu đến lúc đó mà không được như mong muốn thì tìm cách cũng không muộn. Hơn nữa, chỉ cần khỏe mạnh, vùng ngực phát triển không như ý cũng không phải là vấn đề lớn, có gì đâu mà phải lo lắng, phải có tâm lý thoải mái”.

“Con biết rồi ạ”, con gái cười và đi ra chỗ khác.

Một số phụ huynh khi cùng con cái đề cấp đến vấn đề giới tính thì lại quá nhạy cảm, cái gì cũng không nói, còn đề phòng con cái. Thậm chí lo lắng khi giáo dục giới tính cho con cái còn phản tác dụng, sợ con cái biết rồi lại xảy ra chuyện.

Có lẽ chúng ta đã quên rằng: Con cái chúng ta không chỉ cần trở thành một “nhà” gì đó, mà còn cần trở thành một người đàn ông tốt, một người phụ nữ tốt, một người chồng, người vợ tốt, người cha, người mẹ tốt, và hơn nữa con có mối quan hệ với những người khác giới khác như người thân, bạn bè, cấp trên, cấp dưới. Sự khỏe mạnh của tâm lý giới tính và nhân cách là những thứ sẽ quyết định cuộc sống của con có hạnh phúc hay không.

Tôi phải đảm bảo con gái ăn tốt ngủ đủ

Đã từng có sự so sánh rất hình tượng như thế này: học thức chỉ là số không, tình yêu là số không, tài sản cũng là số không, địa vị cũng là số không… nhưng sức khỏe lại là số một, có sức khỏe thì những thứ khác mới có thể là 1.000, 10.000, 100.000… Nếu như không có sức khỏe thì tất cả đều là con số không. Vì thế điều quan trọng nhất với sự phát triển của trẻ là sức khỏe.

Nhưng những đứa trẻ bây giờ, có mấy đứa là mạnh khỏe, xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu đứa trẻ người cao to nhưng lại ốm yếu, trên mũi thì đeo cặp kính cận với số đi-ốp ngày một tăng, mắt nhắm mắt mở đi học, về đến nhà thì trông như người mất hồn… Cuối năm 2011, Nhật báo nhân dân đã có loạt bài về sức khỏe của trẻ em tiểu học, với chủ đề là “Tại sao lại có nhiều trẻ béo phì?”, “Số lượng trẻ em bị cận thị ngày một tăng khiến xã hội lo lắng” và “Chất lượng cuộc sống tốt nhưng tại sao sức khỏe trẻ em lại không tốt?”, bài báo đã kết luận: Cận thị, béo phì, thể chất suy giảm đã trở thành ba “sát thủ” lớn tàn sát sức khỏe thanh thiếu niên Trung Quốc.

Trên thực tế, “sát thủ” thực sự lại chính là chúng ta, những người cha người mẹ “tốt”. Vì muốn con thi một trường đại học “tốt”, họ bắt con em ăn “tốt”, cá thịt nhiều, các loại hải sản, lại còn thêm các sản phẩm dinh dưỡng, các loại thực phẩm tăng cường sức khỏe, vì thế hiện nay nhiều đứa trẻ thừa chất dinh dưỡng; ngược lại bài tập nhiều đã chiếm hết thời gian ngủ của trẻ, rất nhiều đứa trẻ bị thiếu ngủ, vì thế mà xuất hiện một nhóm trẻ “ốm yếu”.

Tôi cũng giống như nhiều bậc phụ huynh khác, cũng mong muốn con gái được mạnh khỏe, nhưng tôi chú trọng việc làm thế nào để con “ăn tốt và ngủ đủ”.

Về việc “ăn tốt” tôi cho rằng có ba khái niệm cơ bản, thứ nhất là ăn no, tiếp đó là hợp khẩu vị, cuối cùng là dinh dưỡng. Cuộc sống ngày nay thì việc ăn no không thành vấn đề; “hợp khẩu vị” có nghĩa là thích hợp với khẩu vị của trẻ; còn về “dinh dưỡng”, chỉ có một số ít những trẻ của gia đình khó khăn thì có thể thiếu chất dinh dưỡng, còn lại đại đa số đều bị thừa chất dinh dưỡng, chỉ có bộ phận nhỏ là đủ dinh dưỡng.

Trong gia đình tôi việc cho con ăn no không thành vấn đề, hợp khẩu vị về cơ bản cũng được đáp ứng, con gái không kén ăn, tôi nấu nướng cũng khá, những món tôi làm con gái đều tương đối thích. Tôi hiểu về dinh dưỡng là cân bằng giữa các loại rau, cá, trứng, thịt và hải sản, kết hợp cơm và các loại thức ăn từ bột mỳ, các loại thức ăn làm từ bột lại chia thành nhiều loại như: bánh màn thầu, bánh mỳ̀ hấp, bánh bao, sủi cảo, mỳ̀, bánh. Con gái khá thích cơm trắng, vì vậy và các loại thức ăn làm từ bột mỳ chỉ là phụ thôi, cho dù là phụ nhưng tôi vẫn thường thay đổi món ăn, để con ăn được ngon miệng hơn.

Trong ba năm học trung học phổ thông, thời gian con ở nội trú hai năm, một năm học ngoại trú. Trong thời gian nội trú, mặc dù không thể tự tay nấu cho con ăn nhưng hàng ngày con ăn gì, ăn bao nhiêu, về cơ bản tôi đều nắm được, tôi dặn dò con: “Nhất định phải ăn uống tử tế, nếu tiền ăn không đủ, cha sẽ cho con thêm!”. Tôi và con đều biết việc ăn uống đầy đủ không có nghĩa là tiêu pha lãng phí, vì thế mà tiền ăn của con ở mức trung trong lớp.

Một năm trung học phổ thông con ở ngoại trú thì cũng giống như ba năm học trung học cơ sở, tôi phát huy khả năng nấu nướng của mình ở mức cao nhất, thay đổi liên tục các món ăn để con thấy hợp khẩu vị, điều này ở những phần trước tôi cũng nhắc đến.

Trong thời gian này, bữa trưa con ăn ở trường, bữa sáng thường là cháo, sữa tươi, sữa đậu nành, trứng ốp, kèm với đó là bánh kem, bánh mì, trứng gà luộc…, bữa tối tôi chuẩn bị cho con hai món ăn, một món canh ăn với cơm trắng hay các loại thức ăn làm từ bột mì. Mỗi sáng 6:20 con phải đến trước cổng khu nhà để đợi xe của trường, đi xuống lầu, đi bộ từ nhà đến cổng khu nhà mất khoảng sáu, bảy phút, hơn nữa để không bị nhỡ xe phải đến trước một lúc, như vậy con gái bắt buộc phải ăn sáng và chuẩn bị đồ đạc xong trước 6:10.

Thông thường thì ăn sáng mất khoảng mười phút, vì vậy trước sáu giờ tôi phải chuẩn bị xong bữa sáng.

Để con được ăn tốt, lại đảm bảo không muộn giờ học, ngày nào tôi cũng phải dậy từ năm giờ sáng để chuẩn bị. 5:50 tôi gõ cửa phòng con gái: “Con yêu, bữa sáng đã chuẩn bị xong, đã đến lúc con phải dậy rồi!”. Những ngày tháng đó, mặc dù có chút mệt, chút khổ nhưng nhìn con gái ăn ngon, cảm giác sự vất vả đó rất đáng, rất hạnh phúc, tôi biết rằng không phải người cha nào cũng có được niềm hạnh phúc đó.

Theo tôi được biết, để ứng phó với kỳ thi đại học, những học sinh trung học phổ thông của Trung Quốc thường sử dụng những sản phẩm dinh dưỡng, tăng cường sức khỏe, tôi kịch liệt bài xích những sản phẩm này, vì thế trong gia đình tôi, chưa có ai sử dụng những sản phẩm đó. Tôi luôn luôn cho rằng dinh dưỡng tốt nhất là những món ăn hợp khẩu vị và một tinh thần vui vẻ. Sản phẩm dinh dưỡng này khiến hai cha con tôi đều khỏe mạnh, ăn gì cũng ngon miệng.

Nói đến việc ăn uống thì không thể không nhắc đến những bữa ăn thịnh soạn vào dịp cuối tuần. Cứ đến cuối tuần là phải có hai bữa thịnh soạn, một bữa ở nhà, thông thường có bốn món ăn và một món canh, hai cha con mỗi người làm hai món, canh thì thay nhau nấu. Mặc dù số món ăn không nhiều nhưng đủ mùi, màu, vị; một bữa ở những nhà hàng có phong cách cổ, trang trí trang nhã, ăn những món ăn từ Nam đến Bắc của Trung Quốc, món ăn Bắc Kinh, món ăn Tứ Xuyên, món ăn Hồ Nam, món ăn Quảng Đông; có lúc thì ăn đồ ăn nhanh KFC, McDonald, Pizza Hut theo sở thích của con.

Trong những phần trước mọi người cũng đã biết, khi con gái tôi học tiểu học và trung học cơ sở, để đảm bảo việc ngủ của con, tôi đã nhiều lần (vì là mấy trường khác nhau) gặp hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm để xin miễn giảm bài tập về nhà cho con. Như thế đảm bảo được thời gian ngủ của con, từ đó mà sức khỏe của con cũng được đảm bảo. Đối với những học sinh trung học phổ thông mà nói, thông thường mỗi ngày phải ngủ đủ tám, chín tiếng bao gồm cả ngủ tối và ngủ trưa (những học sinh “nhỏ” như Y Y thì mỗi ngày phải đảm bảo ngủ chín tiếng). Tất nhiên việc ngủ của mỗi người là khác nhau, những người có giấc ngủ ngắn thì có thể ngủ ít hơn một chút nhưng vẫn phải ngủ đủ. Ngủ đủ có nghĩa là sau khi thức dậy đầu óc phải tỉnh táo, ban ngày không buồn ngủ, tinh thần phấn chấn, sảng khoái.

Nhưng do việc học quá nặng, chiếm cả thời gian ngủ, não không được nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến sự phản ứng, trí nhớ, năng lực tư duy của não, còn ảnh hưởng đến tâm trạng của học sinh. Chúng ta đều biết, đối với sự phát triển của trẻ, sức khỏe là số một, nếu không đảm bảo được giấc ngủ, trẻ không thể khỏe mạnh, vì thế từ trước tới nay tôi luôn luôn coi trọng giấc ngủ của Y Y.

Để đảm bảo thời gian ngủ của Y Y, thời gian con ở ngoại trú, mỗi ngày đều phải đi ngủ trước chín rưỡi, cho dù là lúc học lớp mười, lớp mười một hay thậm chí là lớp mười hai. Để con được ngủ lâu hơn một chút, mỗi buổi sáng khi không thể muộn hơn được nữa thì tôi mới đánh thức con dậy, như vậy mỗi ngày cơ bản con đều được ngủ chín tiếng.

Đảm bảo thời gian vẫn chưa đủ, còn phải đảm bảo chất lượng giấc ngủ, khiến con có tinh thần tỉnh táo, như vậy mới đảm bảo là con khỏe mạnh. Y Y từng bị thức giấc vì mơ thấy ác mộng và có vật rơi từ bệ cửa sổ xuống, để kịp an ủi con khi gặp phải những trường hợp tương tự như vậy, khi ngủ cửa phòng hai cha con đều để hé, nhưng con gái thường ngủ không sâu, chỉ cần có tiếng động nhỏ là tỉnh giấc. Để đảm bảo chất lượng giấc ngủ, khi con gái đi ngủ tôi chỉnh âm lượng tivi ở mức thấp, đi vệ sinh thì đều nhẹ chân nhẹ tay, ngày hôm sau khi tôi dậy sớm, việc đầu tiên tôi làm là đóng chặt cửa phòng con, để tránh việc tôi làm vệ sinh cá nhân, chuẩn bị bữa sáng khiến con tỉnh giấc.

Cha làm hậu cần tốt của con, đảm bảo con ăn tốt, ngủ đủ, đổi lại có một cô con gái mạnh khỏe, vui tươi, lạc quan, điều này quả thực là rất đáng.

Kỳ nghỉ hè tuyệt vời sau kỳ thi đại học

Kỳ nghỉ hè sau kỳ thi đại học là kỳ nghỉ hè được bọn trẻ chờ đón nhất, bởi vì không những là kỳ nghỉ dài (gần ba tháng) mà hơn nữa lại không có bất kỳ bài tập gì. Rời xa những phòng học ngột ngạt, rời xa những chiếc bàn học vô tri vô giác, rời xa những quyển sách cuốn vở đau đầu, cuối cùng thì bọn trẻ cũng được tận hưởng những ngày hè thuộc về chúng.

Mặc dù Y Y may mắn hơn các bạn khác là chịu đựng ít hơn các bạn hai năm học trong trường, mặc dù thời gian chơi của con nhiều hơn các bạn, nhưng nửa năm lớp mười hai học hành vất vả cũng khiến con đủ mệt, kỳ nghỉ hè hơn tám mươi ngày, con giống như chú chim được xổ lồng, có thể tự do tự tại bay lượn…

Ngày thứ hai sau khi kết thúc kỳ thi đại học, Y Y nhanh chóng về Yên Đài - Sơn Đông thăm họ hàng và tham quan, mười ngày sau con quay lại và đăng ký xong nguyện vọng, trước tiên tôi đưa con đi hái hoa dại trên núi ở ngoại ô thành phố Cát Lâm, đến sông Tống Hoa xem thả đèn trên sông, sau đó chúng tôi trở về trang viên ở quê nhà - Đông Viên.

Những ngày ở Đông Viên, ngày nào con cũng được ngủ cho đến khi tự tỉnh giấc, ngoài việc lên mạng, xem tivi, xem sách ra thì con còn đến các khu trong trang viên cho gà, cho chim, cho cá ăn, hái hoa nhổ cỏ, đi hái những quả dưa lê thơm ngọt, những quả dưa chuột non, giòn hay đi tìm các bạn nhỏ trong thôn chơi đùa…

Tất nhiên đối với một người yêu văn chương và lại sắp trở thành sinh viên đại học, chơi không phải là việc duy nhất, con còn phải viết sách, viết tác phẩm mới của con Chơi cũng là một cách để trưởng thành. Thực ra việc viết sách bản thân nó cũng là một cách chơi, con dùng ngòi bút vui tươi của mình để kể những câu chuyện vui về sự trưởng thành. Trong quãng thời gian này, Y Y còn dự lễ cưới của cháu gái, tiệc cám ơn thầy cô của bạn; con dạy tôi cách làm video; phụ trách việc chụp ảnh quay phim trong buổi họp lớp của tôi.

Trong thời gian này hai cha con còn có cuộc hành trình dài một nghìn ba trăm kilômét trong bốn ngày, tham quan du lịch Khu phong cảnh hồ Chagan ở Tống Nguyên Cát Lâm, hồ Đoàn Kết ở Bạch Thành Cát Lâm, Bảo tàng Dân tộc Nội Mông Cổ, bảo tàng Hưng An Nội Mông Cổ, Miếu Thành Cát Tư Hãn ở Ulanhot, thảo nguyên Horqin Zuoyi Zhongqi, Khu bảo tồn thiên nhiên Horqin Thông Liêu và những nơi như hồ Nguyệt Lượng, sông Đào Nhi, sông Hoắc Lâm, Liêu Hà…

Ngoài việc được thoải mái vui chơi, hai cha con được xem các môn thi đấu Olympic, con gái được xem rất nhiều môn mà con yêu thích, hai cha con ngồi trước màn hình tivi cổ vũ cho các vận động viên nước nhà.

Chơi vui thỏa thích, cuối cùng con gái cũng nhận được giấy báo trúng tuyển của Đại học Hắc Long Giang trong sự chờ đợi và mong ngóng. Cuối tháng tám con gái mang theo niềm vui tự tin bước vào cổng trường đại học.

Nhìn theo bóng con dần xa

Thấm thoát thoi đưa, con gái Phạm Khương Quốc Nhất giờ đây đã trở thành một cô gái, là một sinh viên đại học. Con không còn là cô gái nhỏ cưỡi trên cổ của cha, dắt tay cha khi đi đường nữa, không còn nằng nặc đòi cha kể chuyện, cùng cha chơi trò đuổi bắt, cùng cha trưởng thành nữa…

Bởi vì, con đã lớn thật rồi!

Giống như chim yến rời tổ, con cần phải tự bay bằng đôi cánh của mình…

Ngày 1 tháng 6 hai năm trước, khi đi công tác ở Thanh Đảo, tôi đã viết một bức thư gửi con gái với nhan đề “Tuổi thơ đã xa, niềm vui còn mãi - Viết cho con gái của cha”.

Y Y con yêu của cha, lại một ngày tết Thiếu nhi nữa sắp đến, cha có vài lời muốn nói với con:

Con à, đây là tết Thiếu nhi cuối cùng trong cuộc đời của con, chỉ còn năm tháng nữa thôi là con sẽ tròn mười bốn tuổi, những tết Thiếu nhi sau này không còn là ngày tết dành cho con nữa, tuổi thơ cũng theo đó mà rời xa con…

Tuổi thơ rời xa nhưng thời thiếu niên, thanh niên đang chào đón con!

Con sẽ ngày một lớn lên, ngày một trưởng thành.

Đó là quy luật cuộc đời, chúng ta không thể không tuân theo quy luật đó.

Mấy ngày hôm nay cha vô cùng bận rộn, hết thuyết trình, ký tặng rồi lại phỏng vấn… Ngày nào cha cũng rất mệt, tối qua cũng vậy, cha rất khó ngủ, lý do chính là cha nhớ con gái của cha, nhớ con của quá khứ, nhớ cả con của ngày hôm nay nữa.

Cha nhớ lại mùa thu của mười bốn năm trước, cánh cửa ký ức mở ra, mọi thứ hiện về như thác lũ, những hình ảnh từ khi con sinh ra và lớn lên đều hiện hữu trước mắt: từ lúc con bi bô tập nói đến khi con có thể thao thao bất tuyệt, từ lúc con chập chững học đi đến khi con có thể chạy nhảy khắp nơi, từ lúc chưa biết gì đến lúc hiểu được mọi thứ, từ lúc còn là một hài nhi bé bỏng đến lúc là một thiếu nữ…

Con yêu, con đã lớn thật rồi!

Nhìn thấy con lớn lên trong niềm vui, cha vui vì mình đã bỏ công sức nuôi con khôn lớn, vui vì con là một đứa con ngoan, hiểu chuyện. Trong quãng thời gian đó, mặc dù cha không thể cho con một cuộc sống vật chất đầy đủ, nhưng cha đã dạy cho con những phẩm chất đạo đức tốt và trang bị cho con những năng lực cần thiết, và đồng thời cha cũng tặng cho con một món quà vô cùng lớn, món quà có tên là “niềm vui”, và nó đã làm bạn cùng con mỗi ngày, đây là những gì mà một người cha phải làm cho đứa con yêu của mình.

Con yêu, cha thực sự cảm ơn con! Bởi vì nhờ con mà cha “được làm cha”, là con đã mang đến cho cha niềm vui vô tận, con đã cùng trưởng thành với cha, là con đã khiến cuộc sống của cha đầy màu sắc, là con đã khiến cha cảm nhận được hạnh phúc làm cha!

Cha luôn suy nghĩ rằng không có gì có thể đổi được một tuổi thơ vui vẻ, mười bốn năm nay, cha đã cố gắng để mang lại cho con một tuổi thơ vui vẻ.

Đến bây giờ, đôi vai của con ngày một cứng cáp, bước chân của con ngày một vững chắc, cha vui và tự hào về con. Con ngày một lớn khôn, cha không còn là bạn chơi của con nữa, nhưng cha vẫn luôn là người thầy, là người bạn của con, cha sẽ vẫn tiếp tục cùng con chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, sẽ dõi theo mỗi bước trưởng thành của con.

Mong niềm vui sẽ mãi theo con trong cuộc đời.

Nhưng con yêu con phải ghi nhớ, đường đời không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng có lúc sẽ gặp những khó khăn vất vả, con càng lớn, cùng với niềm vui, nỗi buồn cũng sẽ theo con, nhưng con phải luôn đối tốt với bản thân mình, khoan dung người khác, cứ đi theo con đường này, niềm vui sẽ theo con mãi mãi.

Cuối thư, ở nơi xa xôi nghìn dặm, cha chúc con tết Thiếu nhi vui vẻ!

Cha của con

Thanh Đảo ngày 1 tháng 6 năm 2010

Đầu mùa thu năm 2012, con gái Y Y, đứa con gái rượu yêu quý mà tôi rất đỗi tự hào bước chân vào trường Đại học Hắc Long Giang ở Cáp Nhĩ Tân, đầu mùa đông năm 2012, chỉ còn một mình tôi ở căn nhà náo nhiệt ngày xưa, làm bạn với máy tính viết bản thảo cho cuốn sách “Hạnh phúc làm cha”.

Mặc dù con gái đi học xa tôi có chút hụt hẫng nhưng nhiều hơn sự hụt hẫng là niềm hạnh phúc. Cũng giống như khi con tròn một tháng tuổi, tôi ở Tây An và viết cho con một bức thư: “Y Y, nếu ngày mai con có thể lớn lên, cha tình nguyện ngày hôm nay sẽ già đi”. Nhiều năm nay, tôi luôn mong con gái lớn khôn, bây giờ con đã lớn thực sự rồi, không cần tôi dắt đi nữa. Buông tay con, để con tự đối mặt với mưa gió, dùng đôi chân của mình để bước đi trên con đường đời.

Mười sáu năm nay, tôi đã nạp cho con rất nhiều năng lượng, tôi tin rằng bước chân của con sẽ ngày càng vững chắc. Là một người cha, lúc này tôi chỉ cần đứng sau lưng con, âm thầm dõi theo bước chân con đi về phía trước. Cho dù đi xa như thế nào, con sẽ không bao giờ rời khỏi tầm mắt của tôi, ánh mắt tôi sẽ luôn dõi theo hình bóng quen thuộc đó…


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx