sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Cùng con trưởng thành - Chương 07 - Phần 1

Chương VII

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CỦA CON, CON ĐI NGÀY MỘT XA

Bây giờ con đã lớn rồi, không cần tôi dắt đi nữa. Buông tay con, để con tự đối mặt với mưa gió, dùng đôi chân của mình để bước đi trên con đường đời. Là một người cha, lúc này tôi chỉ cần đứng sau lưng con, âm thầm dõi theo bước chân con đi về phía trước.

Trường đại học của con gái

Bây giờ con gái chưa đầy mười sáu tuổi Phạm Khương Quốc Nhất của tôi đã trở thành sinh viên đại học của trường Đại học Hắc Long Giang, bắt đầu một cuộc sống mới trong trường đại học.

Mặc dù chỉ mới bước chân vào cổng trường đại học nhưng “trường đại học” không phải là thứ gì xa lạ đối với con, thứ nhất một vài năm trước tôi từng dạy ở một số trường đại học, hai là tôi thường xuyên đến trường đại học thuyết trình cho các bạn sinh viên, thứ ba là tôi có một vài người bạn làm trong trường đại học, vì thế từ khi sinh ra cho đến nay con gái chưa lúc nào rời xa “trường đại học”. Cho dù là vậy, con cũng chỉ là “người ngoài”, nhưng một trường đại học thực sự “thuộc về” con thì phải kể đến năm 2011 khi con học lớp mười hai.

Theo quan niệm giáo dục vui vẻ của tôi con được “nuông chiều”, con vẫn vừa chơi vừa học, những đứa trẻ khác dùng cả mười phần sức lực, thậm chí là mười hai phần sức lực nhưng con chỉ dùng bảy, tám phần. Cho đến mãi cuối năm 2011, khi cô giáo chủ nhiệm khuyên nhủ, tôi mới nói lại với con, bảo con chơi ít đi một chút, để nhiều thời gian hơn cho việc học: “Cha không muốn con phải dùng 120% sức lực để học, nhưng con buộc phải dùng 100% sức lực để học, cuối cùng con thi được bao nhiêu điểm, học trường nào không quan trọng, nhưng con phải cố gắng hết sức để không cảm thấy lãng phí quãng thời gian này”.

Vì thế mà học kỳ II năm lớp mười hai, con gái điều chỉnh lại trạng thái, sau nửa năm học hành vất vả, con bước vào kỳ thi đại học.

Ngày thứ hai sau kỳ thi đại học, con gái đã về Yên Đài, Sơn Đông thăm họ hàng, ngày 20 tháng 6, con gái quay về, buổi tối hôm đó cháu Quốc Huy đã nói với tôi: “Ngày 21 sẽ thông báo kết quả thi đại học, 12 giờ tối nay sẽ có kết quả thi của Y Y”. Tôi nói hình như là ngày 22, cháu vẫn kiên quyết nói là ngày 21.

Sáu giờ sáng ngày hôm sau, giống như mọi ngày tôi dậy và mở máy tính, bắt đầu xem tin tức. Một tiếng sau, tôi đột nhiên nhớ ra lời Quốc Huy nói ngày hôm qua, vì thế tôi mở website Tin tức giáo dục tỉnh Cát Lâm, quả nhiên là có tra cứu kết quả thi đại học, tôi nhập số báo danh của Y Y, và điểm số của Y Y lập tức hiện ra: “Phạm Khương Quốc Nhất: Ngữ văn 115 điểm, Toán học 82 điểm, Tổng hợp 224 điểm, Ngoại ngữ 117 điểm, tổng điểm 538 điểm”.

Điểm số này hoàn toàn ngoài sức tưởng tượng của tôi, con gái thi xong, theo lời kể và thành tích học tập trước đó của con, tôi dự đoán điểm của con ở mức từ 475 đến 490, thi tốt thì có thể đạt trên 500 điểm một chút, thấp nhất thì không dưới 450 điểm.

Từ năm lớp mười một đến nay còn đều ở mức 500 điểm, thành tích này cao hơn thành tích bình thường đến 30 điểm, mà một nửa những thí sinh tham gia kỳ thi đại học, thành tích của chúng đều thấp hơn so với lúc học trung học phổ thông một chút, có đứa thậm chí còn ít hơn gần 100 điểm, số thí sinh có điểm cao hơn chỉ chiếm khoảng 1/5 số thí sinh tham dự, cao hơn 20 đến 30 điểm chỉ chiếm khoảng 2%~3%.

Mặc dù từ trước tới nay tôi chưa bao giờ ủng hộ giáo dục để thi cử, nhưng dù thế nào đây cũng là thành tích mà con gái vất vả học tập mới có được, vì thế mà tôi phải báo cho con trước tiên. Tôi khẽ đánh thức con dậy: “Con gái, kết quả thi đại học có rồi”. “Thật ạ?”, con dụi dụi mắt hỏi tôi. “Con được 538 điểm”. “Á, thật vậy ạ?”. Sau đó con cùng tôi ra máy tính xem, xác nhận lại điểm số. Sau đó con mở điện thoại, một lúc nhận được mấy tin nhắn, thời gian gửi đến là từ ba giờ sáng đến bảy giờ, đều là các bạn con hỏi con thi được bao nhiêu điểm, Y Y lần lượt trả lời lại tin nhắn của các bạn.

Bốn giờ chiều ngày hôm đó, điểm sàn ban xã hội của tỉnh Cát Lâm được công bố: Nguyện vọng 1 (trọng điểm) 529, nguyện vọng 2 (phổ thông) 435 điểm, những học viện độc lập (là bộ phận cơ bản cấu thành nên trường dân lập) và các trường dân lập (nguyện vọng 3) là 348 điểm. Như vậy, điểm của Y Y nhiều hơn 9 điểm so với nguyện vọng 1 và nhiều hơn 103 điểm so với nguyện vọng 2.

Sau đó tôi có thăm dò ý kiến của những anh chị trong ngành, hơn 9 điểm thì ở mức không đảm bảo, nếu đăng ký vào những ngành không được ưa chuộng lắm thì có thể được, nếu đăng ký những chuyên ngành tốt hơn một chút, ngành mà mình yêu thích thì rất mạo hiểm, nhưng nếu học ở những trường nguyện vọng 2 thì lại không cam tâm chút nào, bản thân tôi cũng thấy rất băn khoăn. Nếu xét theo trường hợp của Y Y thì có thể tham gia kỳ thi tuyển chọn của riêng các trường đại học (trước kỳ thi đại học, học sinh nộp hồ sơ và tham gia kỳ thi của trường xét tuyển, nếu đạt yêu cầu và sau đó kết quả kỳ thi đại học chung, đạt mức điểm số thấp hơn 20 điểm trở xuống so với mức điểm sàn thì trúng tuyển), ngoài phẩm chất đạo đức và năng lực, con gái Y Y xuất bản hai cuốn sách bán chạy, có mấy chục bài văn được đăng báo, hơn nữa lại là một sinh viên đại học chưa đầy mười sáu tuổi, tất cả những điều này hoàn toàn có thể là lợi thế để có một xuất tuyển đặc biệt cho các thí sinh có thành tích xuất sắc hoặc là tham gia kỳ thi tuyển chọn của trường để giảm điểm trúng tuyển, nhưng đáng tiếc là nhà trường đã dành những xuất tự chiêu sinh cho những bạn học tốt hơn Y Y, nếu Y Y được cộng điểm, con sẽ dễ dàng trúng tuyển nguyện vọng 1 và học những ngành học mà con yêu thích. Vì thế mà tôi muốn kể nỗi khổ này với truyền thông, mong muốn nhà trường sẽ xét tuyển đặc biệt (bởi vì trước đó đã có tiền lệ). Nhưng con lại không đồng ý với cách làm của tôi, con nói: “Cha ơi, con không muốn mình được ưu tiên đặc biệt, chúng ta cứ thuận theo tự nhiên, đợi đến lúc thi cao học con sẽ cố gắng hơn, sẽ có nhiều trường tốt hơn chờ đợi con”. Sau khi bàn bạc, cuối cùng hai cha con cũng thống nhất: để được học chuyên ngành yêu thích, từ bỏ nguyện vọng 1, lựa chọn nguyện vọng 2 (trường đại học trọng điểm của tỉnh).

Ngày hôm sau hai cha con đến trường họp phụ huynh về việc điền nguyện vọng, hiệu trưởng và cô chủ nhiệm đều cho rằng chỉ cần đạt mức điểm nguyện vọng 1 thì không nên từ bỏ, thầy cô cũng lấy vài ví dụ về những thí sinh chỉ hơn mức điểm sàn nguyện vọng 1 một đến hai điểm nhưng vẫn trúng tuyển. Hai cha con tôi lại bàn bạc một lúc, quyết định tiếp thu ý kiến của thầy cô, đăng ký cả nguyện vọng 1 bởi vì nguyện vọng 2 thì không phải suy nghĩ gì, chắc chắn con đỗ.

Buổi tối hôm đó, hai cha con cùng nghiên cứu thông tin các trường, học viện ở trên mạng, cuối cùng quyết định nguyện vọng 1 là trường đại học Đông Bắc, nguyện vọng 2 là Đại học Hắc Long Giang, cả hai trường đều đăng ký chuyên ngành báo chí.

Ngày hôm sau Y Y đến trường chính thức nộp đăng ký nguyện vọng cho cô giáo, theo như con nói thì con là người đăng ký ít nhất, các bạn khác đều đăng ký năm đến sáu trường, thậm chí còn hơn mười trường. Từ trường về, hai cha con về trang viên ở quê nhà - Đông Viên

Đưa con đến trường đại học

Sau bao mong mỏi và chờ đợi, cuối cùng ngày khai giảng cũng tới.

Ngày 28 tháng 8 năm 2012, sau bữa sáng, hai cha con đi theo đường lớn Á Thái Bắc Đại, sau đó vào đường cao tốc Bắc Kinh - Cáp Nhĩ Tân, đi về phía Bắc, sau hơn hai tiếng đồng hồ thì đến Cáp Nhĩ Tân, theo kế hoạch, trước tiên hai cha con sẽ đến ngân hàng để làm thẻ ngân hàng, sau đó ăn trưa ở “Mỳ trộn Bắc Kinh xưa” ở phố 4 đường Học Phủ (gần các trường đại học). Sau khi ăn trưa, theo yêu cầu ghi trên giấy báo trúng tuyển, Y Y mang theo giấy báo trúng tuyển, thẻ dự thi, giấy chứng minh nhân dân, còn tôi mang theo máy ảnh, máy quay phim cùng con đến chỗ đăng ký nhập học.

Hai cha con vừa đi vừa tìm và cuối cùng cũng đến được địa điểm đăng ký nhập học của Học viện Báo chí và Truyền thông, khi người tiếp đón nhìn thấy giấy báo trúng tuyển của Y Y thì vui mừng nói: “Phạm Khương Quốc Nhất đã đến”, lúc này một số thầy cô giáo và các bạn sinh viên vây quanh, một giáo viên trẻ giới thiệu thầy ấy là người hướng dẫn của Phạm Khương Quốc Nhất tên là Cao Cường, thầy cho biết khi lãnh đạo học viện xem tài liệu về Phạm Khương Quốc Nhất đã chỉ thị cho các thầy cô làm tốt công tác tiếp đón, sau đó thầy chỉ về phía một sinh viên nam và giới thiệu: “Đây là phó chủ tịch hội sinh viên học viện tên Vương Tương Ninh, cậu ấy sẽ hướng dẫn hai cha con làm những thủ tục nhập học liên quan”.

Do ảnh hưởng của bão Bolaven, buổi tối thành phố Cáp Nhĩ Tân mưa to gió lớn, cây cối nghiêng ngả, giao thông ùn tắc, buổi sáng ngày hôm sau quãng đường một kilômét từ khách sạn đến trường, tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ lái xe.

Sau khi ăn sáng xong tôi cùng Y Y đến Học viện Báo chí và Truyền thông, gặp mặt viện trưởng - giáo sư Trịnh Á Nam và bí thư - giáo sư Trương Học Thành.

Trước tiên tôi giới thiệu với hai vị lãnh đạo học viện về quá trình trưởng thành của Y Y cũng như quan niệm giáo dục của bản thân, sau đó nói về hướng phát triển của con khi học trong trường đại học. Bí thư Học Thành giới thiệu tỉ mỉ cho hai cha con về tình hình của nhà trường và của Học viện Báo chí và Truyền thông, viện trưởng Á Nam cũng hỏi thăm tình hình của Y Y.

Về vấn đề học tập của Y Y hai thầy đều rất yên tâm, bởi vì con đỗ vào trường với mức điểm cao, nhưng hai thầy vẫn có một số điều lo lắng: Thứ nhất là con còn nhỏ như vậy, lo lắng khả năng tự lập kém; thứ hai là vấn đề thích ứng, bởi vì con tuổi còn nhỏ, sợ khi tiếp xúc với những bạn lớn hơn sẽ gặp khó khăn, do đó khó mà thích nghi với cuộc sống trong trường đại học; thứ ba là kiêu căng ngạo mạn, dù sao thì Y Y cũng là một cô bé có chút danh tiếng, sợ là con sẽ khinh thường người khác, không thể hòa đồng với mọi người.

Mấy vấn đề trên tôi lần lượt giải thích cho hai thầy để hai thầy yên tâm, những vấn đề này đều không cần lo lắng, thậm chí hai điều đầu tiên Y Y còn làm tốt hơn những bạn lớn tuổi hơn, còn điều cuối cùng thì lại càng không phải lo lắng, bởi vì từ trước tới nay Y Y đều rất khiêm tốn, hòa đồng, những năm gần đây con không ngừng nhắc nhở tôi: “Cha ơi, cha đừng lúc nào cũng kể chuyện con ra sách và vượt lớp nhé, con không muốn mọi người để ý đến con, con muốn làm một đứa trẻ vui vẻ bình thường”.

Tôi nói với lãnh đạo học viện, không hy vọng con nhận được sự ưu ái đặc biệt nào, chỉ mong là quan niệm giáo dục “dạy học theo đối tượng” của tôi vẫn được tiếp tục, con gái được vui vẻ trong bốn năm học ở trường Đại học Hắc Long Giang. Trước lúc ra về Y Y cũng đã trình bày với hai thầy là không cần bất kỳ sự quan tâm đặc biệt nào, chỉ mong muốn có thể yên tâm học hành ở đây, cạnh tranh công bằng với tất cả các bạn và cùng nhau tiến bộ.

Sau bữa cơm trưa, hai cha con ôm nhau từ biệt, trên đường trở về nhà, khi lên đường cao tốc, tôi nhận được tin nhắn của con gái: “Cha ơi, cha yên tâm, con đã lớn rồi, cha hãy luôn chờ tin tốt lành của con nhé! Trời vừa mưa, đường rất trơn, cha lái xe chậm thôi ạ, về đến nhà cha nhớ nhắn tin cho con. Con gái của cha - Y Y”.

Những người đã đọc những bài viết của tôi hoặc đã nghe tôi thuyết trình thì đều biết tôi là người không tán thành việc “kèm đọc”, “kèm học” và việc đưa con đi học, tôi có cảm giác như vậy trẻ sẽ không rèn được tính tự lập. Nhưng không phải tôi cũng đưa con đi học đấy sao? Thực ra, xét về khả năng tự lập thì Y Y không cần bất kỳ ai đi cùng cả.

Hàng năm khi trường đại học khai giảng, qua báo chí và truyền thông chúng ta đều nhìn thấy một đội quân phụ huynh hùng hậu đưa con cái đến trường, có thể là do những nguyên nhân dưới đây: Thứ nhất là tình thân khó xa cách; thứ hai là không yên tâm về con cái; thứ ba là tiện đường đi du lịch; thứ tư là giúp con chụp vài bức ảnh kỷ niệm.

Nguyên nhân vì sao tôi đưa con đến nhập học có lẽ là không giống với nhiều phụ huynh khác, mục đích chủ yếu là cái cuối cùng, giúp con quay lại mọi thứ để làm tư liệu. Nhiều năm nay từ khi con mới sinh, đi học mẫu giáo, học tiểu học và bây giờ là học đại học, mỗi bước trưởng thành của con đều được tôi cẩn thận ghi chép lại, cùng với đó là những tư liệu audio, video, những tiếng khóc, tiếng cười của con từ khi con sinh ra và lớn lên đều được đưa vào hồ sơ trưởng thành của con, tất nhiên là tệp hồ sơ này không thể thiếu những tư liệu video khi con bắt đầu cuộc sống mới ở trường đại học.

Mặc dù con rất tự lập, hoàn toàn có thể tự mình đến trường nhập học và làm các thủ tục, nhưng cũng không thể tự mình quay phim. Tất nhiên, từ trong thâm tâm tôi dù ít hay nhiều thì vẫn không muốn rời xa con, đưa con đến trường cũng là một điều an ủi với tôi. Một tuần sau khi con gái nhập học, một nữ phóng viên của tờ Báo gia đình thuộc Tập đoàn Báo chí Cáp Nhĩ Tân gọi điện cho tôi, mời hai cha con làm một buổi nói chuyện với các phụ huynh ở Cáp Nhĩ Tân, tôi nói thời gian gấp gáp quá, gần đây không thể đến Cáp Nhĩ Tân, như thế cô phóng viên đó mới biết là tôi không ở cùng thành phố với con gái để chăm sóc kèm cặp con. Cô ấy nghĩ một sinh viên đại học ở tuổi thiếu niên đương nhiên là vẫn chưa thể “cai sữa”, cuộc sống không có cha mẹ bên cạnh kèm cặp thì sẽ ra sao. Những suy nghĩ kiểu đó đã “đúc” ra những đứa trẻ “ốm yếu”. Vì thế, tôi hạnh phúc và không phải lo lắng nhiều vì con gái tôi tự lập.

Những ngày con gái xa nhà

Trước tiên nói mấy điều tôi căn dặn con trước khi con xa nhà.

Ngày 27 tháng 8, sau khi ăn tối xong tôi nói với Y Y: “Con gái, ngày mai con đi rồi, trước khi đi cha có mấy điều muốn nói với con, đến đây, hai cha con ta trò chuyện một lát”. Lúc bắt đầu, tôi nắm bàn tay con một lúc lâu mà không nói gì. Con gái giục tôi: “Cha, cha nói đi, con đang nghe đây ạ”.

Buông tay con ra, tôi bắt đầu căn dặn những vấn đề liên quan đến việc sau khi nhập học:

Tôi nói với con tuần đầu tiên khi khai giảng, mỗi ngày đều phải gọi điện về nhà, báo cáo tất cả tình hình để cha đỡ nhớ mong. Sau đó thì cách hai, ba ngày gọi về một lần là được, có thời gian thì nhắn tin cho cha báo con vẫn bình an cũng được.

Tôi đặc biệt nhấn mạnh là phải chú ý đến sức khỏe và tinh thần, nhất định phải ăn tốt ngủ tốt, phải chấm dứt mọi hoạt động ảnh hưởng đến việc ăn uống và ngủ nghỉ, không có tinh thần và sức khỏe thì không thể có được những thứ khác. Khi đã có sức khỏe thì việc học phải đặt lên trước nhất, phải chăm chỉ học hành, phải hoàn thành tốt các môn học. Ngoài thời gian lên lớp, phải tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể do nhà trường tổ chức, tham gia một hai câu lạc bộ mà mình yêu thích, sức khỏe có hạn thì không nên tham gia quá nhiều.

Trong thời gian ở trường có hai con đường học tập quan trọng, phải tích cực tham gia và tận dụng. Thứ nhất là tham gia các buổi thuyết trình, là một sinh viên chuyên ngành báo chí, phải có một kiến thức sâu rộng, nghe thuyết trình là một cách học tập rất tốt, ngoài những buổi thuyết trình về những môn khoa học tự nhiên mang tính chuyên ngành cao thì những buổi thuyết trình các môn khoa học nhân văn, đặc biệt là buổi thuyết trình của những người nổi tiếng thì nhất định phải đi nghe, đồng thời phải ghi chép cẩn thận, có cơ hội thì nên đặt câu hỏi liên quan cho người thuyết trình.

Một cách học tập nữa đó là học ở thư viện, thư viện của trường đại học là nơi cất giữ những báu vật dinh dưỡng của tinh thần, rất nhiều người thành công khi còn ở đại học thường xuyên giam mình ở thư viện. Trong thời gian học đại học thay vì yêu đương con chăm chỉ dành thời gian đó để đến thư viện, học thức và tu dưỡng đạo đức của con sẽ có sự khác biệt lớn. Rất nhiều sinh viên sau khi ra trường đi làm đều ca thán rằng khi còn là sinh viên đã không tận dụng tốt thời gian để đến thư viện học, nếu không thì kiến thức học được sẽ càng nhiều, chúng ta không thể để phải hối hận như họ.

Mấy năm trước tôi đã từng đến trường đại học để thuyết trình về quan hệ giữa người với người, nói về vấn đề quan hệ giữa sinh viên và những người khác, trong buổi thuyết trình tôi đã nói: “Không có mối quan hệ hòa đồng với mọi người thì sẽ không có một cuộc sống sinh viên vui vẻ. Nếu bạn muốn thời sinh viên của mình vui vẻ và thu hoạch được điều gì đó, thì hãy chú trọng đến quan hệ giữa người và người của bản thân mình”. Trong trường đại học, ba mối quan hệ chủ yếu là: quan hệ giữa thầy trò, quan hệ giữa các bạn học và quan hệ xã hội.

Là một trong số các nhân vật chính trong mối quan hệ thầy trò, phải tôn trọng thầy cô giáo, phải hiểu và ủng hộ công việc dạy học cũng như những hoạt động liên quan đến việc dạy học của các thầy cô; quan hệ giữa các bạn học có duy trì được hay không quyết định bởi sự thấu hiểu, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau, phải đối xử chân thành với các bạn học. Tôi còn đặc biệt nhắc nhở con, nhất định phải quan hệ tốt với các bạn ở cùng ký túc xá, đây là mối quan hệ quan trọng nhất trong bốn năm học đại học; quan hệ xã hội thì tiếp xúc không nhiều, một là nhận phỏng vấn của báo chí, hai là khi thực tập thì phỏng vấn thực tế, mình cứ chân thành là được, nhưng là con gái thì phải đặc biệt chú ý tự bảo vệ mình.

Còn về vấn đề giao lưu với người khác giới, tôi đã nói chuyện với con gái rất tỉ mỉ. Trong cuộc sống không thể không có bạn bè khác giới, nhưng khi tiếp xúc với người khác giới thì phải ở một mức độ thích hợp, nếu không thì sẽ dẫn đến những phiền phức không đáng có thậm chí là bị tổn thương. Trong thời gian này, việc giao lưu với người khác giới của con chủ yếu là những sinh viên trong trường, các bạn cùng học, các anh, các em trong câu lạc bộ, con phải chan hòa với tất cả mọi người, cố gắng không ở một mình với nam sinh viên.

Tôi nói rõ với con gái, trước khi đầy mười tám tuổi thì không được yêu đương, sau mười tám tuổi thì tự quyết định (khi học năm thứ ba đại học Y Y mới tròn mười tám tuổi), nhưng tôi không tán thành chuyện yêu đương, bởi vì khi tốt nghiệp đại học con gái chưa đầy hai mươi tuổi, tôi hy vọng con gái toàn tâm toàn ý hoàn thành việc học, học tốt những kiến thức trong nhà trường, đợi khi học cao học thì vừa học vừa yêu cũng không muộn. Hoa nở phải có mùa, hoa nở trái mùa không đẹp, không rực rỡ và chóng tàn.

Cuối cùng, tôi nói với con về vấn đề viết sách, lúc con còn học trung học phổ thông, có vài nhà xuất bản đã có lời đặt bản thảo, muốn con viết về những câu chuyện vui vẻ về sự trưởng thành trong những năm qua, trong thời gian này con cũng liên tục viết, sau khi thi đại học xong cũng tập trung viết một số bài, còn 1/3 bản thảo vẫn chưa hoàn thành, vì vậy trong thời gian học đại học phải dành thời gian hoàn thành việc viết bản thảo này.

Mang theo những lời căn dặn của tôi, con gái bước chân vào trường đại học. Buổi tối ngày tôi rời Cáp Nhĩ Tân, con gái gọi cuộc điện thoại đầu tiên về nhà sau khi xa nhà, kể cho tôi việc con vừa tham gia cuộc gặp mặt sinh viên mới và cảm nhận của con về cuộc gặp đó.

Những ngày sau đó hầu như ngày nào con cũng gọi điện về, có ngày gọi hai cuộc, những cuộc điện thoại này đều gọi để thông báo tình hình, mỗi cuộc thời gian đều rất ngắn, thông thường ba đến năm phút, thi thoảng có gọi dài hơn một chút nhưng cũng không đến mười phút đồng hồ, phần lớn là thông báo những chuyện vui, vì thế mà mỗi lần nghe điện thoại của con đều thấy con rất vui vẻ, con kể chuyện khai giảng, tập quân sự, phỏng vấn của đài truyền hình, đăng ký thành viên mới của câu lạc bộ, chuyện đi nghe thuyết trình, nghe cuộc thi hùng biện, thi tiếng Anh…

Ngày tập quân sự đầu tiên con gái phấn chấn gọi điện thoại về cho tôi nói, kỹ năng gấp chăn màn, dọn dẹp chỗ ở chỉ có con đạt, vì thế mà được giáo viên huấn luyện khen ngợi và được thầy giao nhiệm vụ hướng dẫn các bạn gấp chăn màn, giúp đỡ các bạn đến khi đạt tiêu chuẩn. Khi con đang nói chuyện điện thoại thì trong điện thoại vọng ra tiếng của bạn cùng phòng: “Đừng gọi nữa, mau đến giúp mình gấp chăn”.

Tại sao những bạn lớn hơn con ba tuổi lại không biết gấp chăn màn như con? Con làm được như vậy không phải là ngày một ngày hai mà luyện thành, từ nhỏ tôi đã dạy con phải biết tự làm mọi việc, nhưng nhiều phụ huynh khác lại chỉ lo việc học hành của con cái, làm mọi việc thay con chỉ vì muốn con thi đạt điểm cao, vì thế mà làm thui chột khả năng làm việc của các con, do đó việc tự chăm sóc bản thân của các học sinh sinh viên Trung Quốc tương đối kém.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx