sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 04

Chương 4: Cây đàn piano được xe bò chở đến “Đàn cho đàng hoàng xem nào! Nhìn bản nhạc cho kỹ chứ! Xem này, tôi đã nói mấy lần rồi mà vẫn chưa hiểu à? Sai rồi! Chú ý từng nốt từng nốt chứ, đàn chính xác cho tôi xem nào!” Ở phố Tống Duy Tân, Hà Nội, có một ngôi nhà ba tầng, từ căn nhà đó, lúc nào người ta cũng nghe những tiếng la mắng học trò thật nghiêm khắc. Người thầy liên tục nhắc nhở học trò cho đến khi chúng đàn đúng mới thôi, nếu không làm được thì chúng sẽ tiếp tục bị mắng. Đứa nào mà hơi nhát một tí là sẽ khóc từ đầu đến cuối buổi học. Người thầy nóng tính đó chính là bà Thái Thị Liên, mẹ của Đặng Thái Sơn, phụ trách giảng dạy tại khoa piano của nhạc viện Hà Nội. Bà là một nghệ sĩ piano tiêu biểu của Việt Nam. Trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt, tính cách của bà rất kiên cường, cứng rắn, cũng vì lẽ đó mà bà dạy học rất nghiêm khắc. Bà Liên giảng dạy ở nhạc viện đã lâu năm lắm rồi, từ lúc nhạc viện Hà Nội mới bắt đầu thành lập, còn mang tên Trường Âm nhạc Việt Nam; giáo viên giảng dạy chỉ có bảy người, và bà là một trong số đó. Sơn được mẹ dạy dỗ rất nghiêm khắc. Sơn lớn lên trong tiếng đàn piano của mẹ, của chị Trần Thu Hà, hay của anh Trần Thanh Bình, mỗi lần họ tập đánh đàn, cậu lúc nào cũng im lặng lắng nghe. Dường như tiếng đàn ấy dần ngấm sâu vào lòng Sơn, cậu tự dưng muốn được chạm tay lên những phím đàn. Cậu bỗng cảm thấy đam mê những âm thanh đó, thường nhẩm những bài hát trẻ con rồi thử gõ nó lên phím đàn, và có thể đàn được một vài giai điệu, rất vui. Thế nhưng bà Liên chẳng nhận ra điều đó, bà cho rằng trong ngôi nhà này không cần thêm một nghệ sĩ piano nữa, hơn nữa, bà cũng không có thời gian để dạy anh. Người đầu tiên nhận ra nhạc cảm tốt của Sơn là bố Sơn, ông Đặng Đình Hưng. Ông cho cậu con trai nghe nhiều âm thanh khác nhau và ông khẳng định rằng Sơn quả thật cảm thụ âm thanh cực nhạy, ông muốn hướng Sơn bước vào con đường âm nhạc. “Thằng bé này có cái tai âm nhạc rất nhạy, bà nên cho nó học piano đi!” “Ông nói gì vậy, đủ rồi, tôi không thể dạy nó được nữa, ông làm ơn bỏ cái suy nghĩ ấy đi, tôi bận thế này, ông không thấy sao!” “Nhưng thằng Sơn đặc biệt lắm đấy! Xem này, trông nó thật vui khi sờ vào cây đàn piano, chẳng có đứa con nít nào lại có hành động như thế!” Ông Hưng ra sức thuyết phục bà Liên, cuối cùng bà cũng đồng ý dạy piano cho Sơn khi cậu được sáu tuổi. Quyển sách Sơn được học đầu tiên là quyển Methode Rose, do Ernest Van de Velde, giáo sư piano người Pháp biên soạn. Đây là giáo trình cơ bản mà ông đã cố gắng trình bày sao cho trẻ em Pháp có thể đàn piano một cách tự nhiên những giai điệu hay những bài hát. Đặc biệt trong đó có trình bày phần đàn piano cho những người thuận tay trái, viết cho những người mới nhập môn piano. Hiện nay, nó là giáo trình phổ biến trên thế giới. Sơn rất vui sướng khi được mẹ dạy piano. Hồi đó đến giờ, cậu chẳng khi nào được phép sờ vào cây đàn piano, nhưng từ bây giờ trở đi, cậu đã là “đồng môn” với chị và anh mình. Mỗi lần mẹ cho bài tập, lúc nào Sơn cũng luyện đi luyện lại nhiều lần, vì thế, cậu tiến bộ nhanh chóng. Dạo gần đây, bà Liên muốn kiếm thêm thu nhập nên bắt đầu đi dạy cho mấy đứa bé ở đại sứ quán Liên Xô. Dĩ nhiên không phải dạy ở nhạc viện mà ở nhà bà. Sơn rất thích được phụ huynh của mấy đứa bé Liên Xô đó cho bánh kẹo. Khi sắp đến giờ học, lúc nào Sơn cũng chạy xuống dưới nhà, chờ họ ở ngoài cổng. “Здравствуйте!” (Xin chào!) Sơn chào họ bằng một câu tiếng Nga mà cậu đã học được, các bà mẹ mỉm cười và lấy ra cho Sơn mấy thỏi sôcôla hay mấy cái kẹo. “Ngoan quá! Cho con này. Thôi mình vào nhà đi!” Sơn vừa cười khoái chí vừa dắt họ vào gặp mẹ. Năm 1965, khi được bảy tuổi, Sơn vào lớp sơ cấp của nhạc viện Hà Nội. Đặng Thái Sơn sinh ngày 2 tháng 7 năm 1958 tại Hà Nội. Ngày nay Hà Nội đầy xe máy và đường phố lúc nào cũng huyên náo, ồn ào, thế nhưng Hà Nội ở thời điểm Sơn sinh ra vẫn là một thành phố xinh đẹp và yên bình. Thời đó, đời sống người dân vẫn còn rất khó khăn, ở thành phố ít ai có được nhà riêng. Mẹ Sơn đã thuê hai phòng của căn nhà ba tầng ở phố Tống Duy Tân. Một phòng rộng 13m2, một phòng nhỏ hơn là 4,5m2. Nơi này chính là không gian sinh hoạt của gia đình năm người bao gồm bố, mẹ, chị, anh và Sơn. Trong gian phòng rộng 13m2 có đặt một cái giường lớn, mọi thành viên trong gia đình đều ngủ chung trên cái giường ấy. Ngoài ra còn có một đặt một cây đàn piano tủ mà mẹ Sơn đã mượn của nhạc viện, một cái tủ treo quần áo, chỉ bấy nhiêu đó thôi cũng đã chật nhà. Ở tầng ba có hai căn phòng do nhà Sơn thuê, và một phòng của hộ gia đình khác, giữa hai phòng này có một hành lang nhỏ. Đây không phải là nhà bếp nhưng mẹ Sơn vẫn dùng nó làm nơi nấu nướng. Bà Liên dạy nhạc cho học trò cũng tại phòng riêng. Mỗi lần mẹ dạy học là Sơn không chịu nổi những lời mắng mỏ của mẹ với học trò, Sơn lúc nào cũng bịt tai, thu người lại. “Mẹ không muốn nổi giận như thế đâu, nếu con chịu tập đàng hoàng thì mẹ đâu cần làm thế. Thôi được rồi, để mấy đứa học trò này ra về rồi con hãy tập đàn ngay!” Từ lúc này, Sơn đã cố gắng chăm chỉ học cũng như luyện tập piano để không làm mẹ giận nữa. Sau khi tan học, bạn bè Sơn, ai cũng đi chơi tới chiều tối, nhưng Sơn thì lúc nào cũng về sớm để không bị mẹ la rầy. “Mấy đứa bạn mình có đi chơi về trễ cũng không bị mẹ mắng, tại sao vậy nhỉ?” Sơn lúc nào cũng lấy làm khó hiểu về điều này. Nhưng cũng từ đó trở đi, Sơn dần thay đổi, trong trường, lúc nào cũng là học sinh xuất sắc, luôn giữ nội quy nhà trường, không phá phách. Đến năm 1965, nhà nhà có thể sử dụng điện, nước. Chưa được bao lâu thì máy bay Mỹ bắt đầu ném bom phá hoại miền Bắc, lại mất điện, mất nước. Mọi người phải đi lấy nước ở vòi nước nằm ngoài đường. Một ngày không biết bao nhiêu lần, Sơn phải chạy từ trên lầu xuống nhà lấy nước rồi lại xách lên. Vì xách nước nặng nên bàn tay sưng tấy lên. Nhưng Sơn không phàn nàn một lời, vì gia đình nào cũng vậy thôi. Đầu tiên, nước dùng để nấu cơm hay nấu nước, phần còn lại để rửa rau, giặt đồ, sau cùng dùng để dội nhà vệ sinh. Không có điện, mọi người đều sinh hoạt trong bóng tối. Quần áo của Sơn đều toàn là đồ cũ của anh trai, lúc nào cũng nhàu nát, và đi chân đất. Chiến tranh khốc liệt, học sinh của nhạc viện Hà Nội phải sơ tán về các làng xã. Bà Liên cùng học trò mình di chuyển đến ở cùng một làng. Lúc này mọi gia đình đều ly tán, mỗi người một ngả. Gia đình Sơn cũng vậy, sơ tán đến làng Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Hà Bắc, cách Hà Nội khoảng bảy mươi kilomet về phía đông bắc. Sơn thấy lạ lẫm khi phải sống ở ngôi làng này, cuộc sống khác xa với đời sống nơi đô thành. Nhà ở đây lợp mái lá, vách đất, khung nhà toàn làm bằng tre, tất nhiên là không có điện, đối với việc bếp núc thì người ta lấy ba cục gạch xếp lại rồi đặt nồi lên, đốt lá tre để đun nấu. Cũng có nhiều nhà dùng rơm để lợp, những nhà này khoảng hơn một năm thì phải phải lợp lại mái, nếu không sẽ bị mưa dột. Trong chiến tranh, những ngôi nhà lá này không bao giờ được lành lặn, Sơn ngạc nhiên khi ngồi trong nhà mà có thể thấy được bầu trời qua mái nhà, bức vách. Vào mùa đông, gió luồn qua các khe hở vào nhà rất lạnh. Sơn chợt nghĩ: “Mình phải sống ở một nơi như thế này sao! Không biết phải ở đến bao giờ...” Thời điểm này, miền Bắc Việt Nam bị máy bay Mỹ ném bom dữ dội, những nơi thường bị thả bom là các con đường lớn, cầu, nhà ga, đài phát thanh, công trường... Ngôi làng mà Sơn đang sơ tán ít bị oanh tạc. Mặc dù vậy, cách làng độ mười cây số có một cây cầu. Cây cầu này liên tục bị ném bom và cứ mỗi lần như thế, nó được mọi người bắc lại một cái mới, rồi lại bị phá hỏng. Để không bị các mảnh vỡ của bom rơi trúng đầu, những đứa trẻ phải đội một cái mũ làm bằng rơm khi đi ra ngoài. Mấy bộ quần áo màu trắng hay bất cứ màu sáng nào cũng đều không được mặc, mà chỉ được phép mặc những bộ đồ màu xanh đậm, đồng với màu xanh của cây cối. Bà Liên và Sơn ở nhà của một người dân trong làng. Ở đây có một cái giường do hai tấm ván lớn ghép lại với nhau, cả nhà của chủ nhà và mẹ con Sơn sẽ cùng ăn, ngủ trên đó. Ở nhà này có để một cây đàn piano đem từ nhạc viện Hà Nội lên, học trò sẽ thay phiên nhau để tập với cây đàn duy nhất này. Thỉnh thoảng khi nghe tiếng báy may oanh tạc của giặc sắp đến gần, mấy người lớn bảo: “Sơn, ngừng tập đàn ngay! Máy bay giặc sắp đến rồi kìa!” Dân làng thường hay chỉ cho mọi người biết cách phân biệt tiếng động của máy bay. Nếu một chiếc máy bay đang bay trên bầu trời là của Mỹ, tức là máy bay đó đang đi ném bom, nếu là của Liên Xô thì đó chỉ là máy bay đi trinh sát, thăm dò tình hình mà thôi, và âm thanh của hai loại máy bay này có khác nhau. Sơn cũng có thể phân biệt được tiếng động cơ của hai loại máy bay này, nếu là tiếng động cơ của máy bay Liên Xô, anh vẫn tiếp tục ngồi tập đàn. Song, mấy người lớn lại rất thận trọng, hễ nghe tiếng động cơ máy bay hay tiếng bom dội từ đằng xa là họ liền giục đám trẻ con chui xuống hầm. “Nhanh lên, nhanh lên, chui vào hầm ngay!” “Chừng nào máy bay đi khỏi mới được chui ra đấy nhé!” Nhà nào cũng tự đào cho mình một cái hầm ở dưới gầm giường, do hầm nằm dưới lòng đất nên rất ẩm thấp, bẩn và có rất nhiều muỗi. Bọn trẻ con rất ghét chui vào hầm, nếu không có người lớn thúc giục thì chúng cũng chẳng thèm chui xuống đó, mặc cho tiếng bom đang rền vang. Một lần nọ, một máy bay Mỹ bị quân đội Việt Nam bắn tên lửa, nổ tan xác. Bọn trẻ con đồng loạt nhảy cẫng lên reo hò: “Hoan hô!” Và chúng đi lượm mấy cái dù còn sót lại, cắt vụn ra mà chơi. Chiến tranh, chết chóc xảy ra như cơm bữa, Sơn không biết bao giờ mới có hòa bình. Việt Nam bị nước khác đô hộ trong một thời gian dài, chiến tranh vẫn liên tục xảy ra. Nhà nước ra sức kêu gọi những tấm lòng yêu nước cùng nhau giành lại nền độc lập. Và vai trò của âm nhạc tuyên truyền, cổ động rất được xem trọng. Những người được nhà nước cho đào tạo âm nhạc bài bản, hoặc những người có tài năng về âm nhạc, sau khi ra trường sẽ được tập hợp lại để đi biểu diễn khắp nơi, từ thành phố về tới thôn làng. Trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt như thế, họ đi từ làng này sang làng nọ để ca hát, kêu gọi lòng yêu nước của người dân. Việc vận chuyển cây đàn piano rất khó khăn, nên học sinh chuyên học về piano, sẽ đổi sang học đàn accordeon. Sơn cũng học nhạc cụ này từ năm mười lăm tuổi. Lúc đầu, khi thầy trò mới sơ tán đến làng này, vẫn chưa có cây đàn piano. Từ Hà Nội đến làng Xuân Phú, phải băng qua bốn con sông, hầu hết những cây cầu ở đây đều bị ném bom tan tành hết rồi, nên việc vận chuyển cây đàn này trên đường bộ là điều rất khó khăn. Một ngày nọ, bà Liên mừng rỡ nói với Sơn rằng: “Sơn, cây đàn sắp đến đây rồi. Là cây đàn piano tủ của nhạc viện đấy. Người ta dùng xe bò chở nó đến.” Sơn chờ điều này đã lâu lắm rồi, chờ đến dài cổ. Hà Nội cách ngôi làng này bảy mươi cây số, nếu đi bằng ôtô thì sẽ đến đây nhanh chóng thôi nhưng đằng này, người ta vận chuyển bằng xe bò, vì chỉ có xe bò mới có thể chở được những cây đàn như piano. Hôm nay là ngày mấy cây đàn đó tới nơi, Sơn chạy ra bờ sông chờ đợi, khuôn mặt đầy vẻ lo ngại. Một lát sau, anh nhận thấy, ở phía bên kia sông, có cái gì đó đang di chuyển, nó rung lắc dữ dội, và đang tiến về phía bên này. Có ai đó hét lớn: “A, xe bò, xe bò tới rồi, đàn piano tới rồi!” Bọn trẻ con reo hò, người lớn, ai cũng mặt mày hớn hở. Con bò từ từ lội qua dòng nước, chiếc xe kéo bị ngập nước, cây đàn bị ướt hết, trông như nó sắp rơi ra: “Cố lên! Cố lên!” Mọi người cổ vũ cho con bò tội nghiệp đang gắng sức. Cuối cùng nó cũng kéo xe lên được bờ, cây đàn cũng đã xuất hiện. Nhưng dây đàn thì đứt, bàn đạp bị gỉ sét, đầu cần cũng không có, khi kéo được cây đàn lên thì nó cũng chẳng còn nguyên vẹn. Thế là mọi người cùng nhau mò mẫm sửa lại nó. Nhiều ngày sau, cây đàn cũng sửa xong. Học trò thay phiên nhau đàn, cuối cùng Sơn cũng có thể chạm tay vào những phím đàn, chỉ có khi đàn, anh mới tạm thời quên đi cái thảm cảnh chiến tranh đang diễn ra từng ngày.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx