sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 05

Chương 5: Kỹ thuật nấu cơm điêu luyện Công việc của Sơn ở nơi lánh nạn này rất là nhiều. Bà Liên thì bận rộn với việc dạy học, nên Sơn phải đảm nhiệm hết những công việc lặt vặt hàng ngày. Cái việc tốn nhiều thời gian nhất là nấu cơm. Sơn đã được mọi người trong làng chỉ cho cách nhóm lửa, để lửa sao cho cơm nấu không bị khê. Thứ dùng để đốt là lá tre, trong làng có nhiều tre lắm, đâu đâu cũng thấy tre. Mỗi khi có gió mạnh, lá tre rơi rụng rất nhiều. Vì vậy, Sơn rất thích có gió mạnh vào mỗi tối, để sáng hôm sau, anh sẽ có thể gom đống lá lại, đem đi nhóm bếp. Lá tre rất bén lửa nên việc nấu cơm cần có một kỹ thuật “siêu đẳng” để cơm không khê, phải biết giữ sao cho lửa không quá lớn cũng không quá nhỏ. Tay trái bỏ lá vào lửa nhóm bếp, tay phải xới cơm cho tơi, anh làm điều đó một cách thuần thục. Nếu nước quá ít, anh sẽ phủ lên nồi nhiều lớp lá, bên dưới để lửa mạnh, như vậy thì cơm sẽ rất ngon. Bảy tuổi, Sơn đã nắm vững được “kỹ thuật” này, và anh rất lấy làm thích thú. Ngoài ra còn một “kỹ thuật” đặc biệt hơn nữa là việc đi bắt cua đồng. Trong chiến tranh, vì hoàn cảnh khó khăn nên bữa ăn của mọi người rất đạm bạc, do vậy mà không đủ chất đạm. Vì thế, bọn trẻ thường hay đi bắt mấy con cua đồng nhỏ để bổ sung cho bữa ăn của mình. Đặc biệt là vào những ngày oi bức, rất thích hợp để bắt cua. Mỗi khi trời nóng, mấy con cua này sẽ đào một cái lỗ sâu rồi chui vào bùn. Nếu thọc tay vào cái lỗ, dù chỉ một chấn động nhỏ thôi, mấy con cua cũng sẽ tự vệ bằng cách kẹp vào ngón tay đó. Cánh tay của Sơn thì nhỏ, và gầy nên anh có thể thọc tay vào sâu trong hang; đầu ngón tay anh đang tiến gần đến con cua, anh từ từ, khéo léo lôi ra một con cua thật to và nói: “Hôm nay ta sẽ bắt mày làm thịt! Và tối nay mình có thể ăn được món cua đồng rồi!” Sơn cười đắc ý. Nhưng mà con cua đồng thì lại quá nhỏ, không đủ chia phần cho mọi người trong nhà. Những lúc như thế này thì người ta sẽ cho thật nhiều muối khi chế biến món cua đồng, vì khi ăn mặn quá thì mọi người sẽ cảm thấy no bụng. Bữa cơm của người Việt Nam khi đó cơ bản là gồm cơm và nước mắm. Mọi người thường hay nói đùa với nhau rằng hai loại thực phẩm này chính là nguồn năng lượng cung cấp cho người dân Việt Nam để họ giành được chiến thắng trong những cuộc chiến tranh khốc liệt. Nước mắm là gia vị làm từ cá, hầu như món ăn nào của Việt Nam cũng có sử dụng nước mắm, nó rất giàu chất đạm. Cơm và nước mắm, sự kết hợp giữa văn hóa nông nghiệp và văn hóa ngư nghiệp này đã cho ra đời những món ăn Việt Nam thật tuyệt vời. Dạo gần đây, người dân Hà Nội được trợ cấp lương thực. Cứ hai, ba tháng một lần Sơn và mẹ ra Hà Nội để nhận lương thực. Hai mẹ con đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, lại đèo thêm bao gạo nên rất khổ. Một lần nọ, khi chạy đến gần bờ sông, thì ở đó có một con lạch nhỏ, Sơn bẻ tay lái tránh nó nhưng không may, cả lương thực, xe và người đều té xuống dòng nước. Từ Hà Nội trở về làng thì phải băng qua bốn con sông, các cây cầu ở đây đều bị phá hỏng nên mọi người phải chèo đò qua. Để đi đến chỗ con đò này cũng khá vất vả. Chất đồ đạc lên đò, chở đi rồi lại vác xuống. Trong lúc máy bay giặc chưa phát hiện thì phải đi thật nhanh chóng. Sơn thì nhỏ con, lại ốm yếu, vì vậy công việc này khá là nặng nhọc. Phần lương thực được cấp phát có quy định mỗi tháng là 100g đường, 200g thịt, 10kg gạo. Đó là khẩu phần dành cho những học sinh bộ môn piano, còn những học sinh học khí nhạc hay thanh nhạc thì cần nhiều sức hơn nên họ sẽ được tăng thêm phần thịt là 400g. Ngoài ra, Sơn còn đảm trách việc nuôi thêm mấy con gà. Vì không đủ thức ăn để nuôi chúng nên hàng ngày Sơn phải đi bắt giun đất để làm thức ăn cho gà. Sơn thường lấy một ít trứng, số còn lại để ấp. Một hôm, một người mách cho Sơn biết: “Hôm nay trứng sẽ nở.” Sơn chạy đến chuồng gà, nhìn các chú gà con thật xinh xắn, Sơn thấy rất vui. “Chà, sao mà đáng yêu thế! Ngày mai tao sẽ đi bắt giun cho chúng mày ăn nhé!”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx