sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 11

Chương 11: Bị hấp dẫn bởi Visconti Một trong những điều thú vị nhất với Sơn khi còn học tại Nhạc viện Matxcơva là được xem phim. Trong lúc Sơn đi du học, anh trai của Sơn là Bình cũng vào học đàn cello tại Nhạc viện Matxcơva. Khác hẳn với Sơn, một người e ngại trong xã giao, Bình là một người có tính cách hướng ngoại nên có rất nhiều bạn. Sơn lúc nào cũng chơi chung với những người bạn thân của Bình. “Sơn này, thứ bảy này có tổ chức buổi xem phim Ý, cậu có muốn đi không?” “Tất nhiên là đi rồi!” “Vậy thì lúc 8 giờ mọi người tập trung trước cổng kí túc xá!” Lúc này ở Matxcơva bên ngoài chẳng có gì thú vị cả, thông tin cũng hạn chế, phim ảnh cũng ít được chiếu. Vì thế có nhiều nhóm trí thức tập hợp lại gồm những người liên quan đến nghệ thuật như họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc gia hay nhà thơ, tiểu thuyết gia, những học giả... thường tập hợp lại để có thể xem phim phương Tây. Khi xem phim tại những cuộc tập trung bí mật đó, lúc nào Sơn cũng vô cùng thích thú. Cùng với cảm giác sợ sợ, Sơn thấy cảm động với những gì thuộc về văn hóa phương Tây mà mình tiếp xúc lúc ban đầu. Những bộ phim làm Sơn có thể mở rộng tầm nhìn và trái tim ra hơn nữa là phim Ý từ những năm 1950 đến những năm 1970 của những đạo diễn như: Luchino Visconti, Pier Paolo Pasolini, Michelangelo Antonioni, Federico Fellini, Vittorio De Sica, Pietro Germi... Chúng đã để lại ấn tượng đến độ cả đời Sơn không thể quên. Những tác phẩm gây ấn tượng mạnh như: “Con đường”, “Sa mạc đỏ”, “Nhà ga cuối cùng”, “Nhân viên đường sắt”, “Cuộc sống ngọt ngào”, “8 ½”, “Ngọn đồi kì tích”... Người có tác phẩm tác động đến Sơn mạnh nhất là Visconti. Ông làm những bộ phim mang lại cảm giác va chạm đầy kịch tính chẳng hạn như các phim: “Cơn bão mùa hạ”, “Mèo núi”, “Xuống địa ngục”, “Chết ở Venice”, “Ludwig - ngày tàn của các vị thần”... Nhạc nền được sử dụng cũng có sức hút sâu sắc. “Tuyệt vời! Âm nhạc tuyệt diệu như thế mà lại có trong thế gian này. Âm nhạc làm tăng thêm vẻ đẹp của hình ảnh.” Phim ảnh đã dạy cho Sơn nhiều về nền âm nhạc hiện đại của thế giới. Trong cuộc hội họp bí mật này cũng có nhiều tác phẩm của những đạo diễn người Pháp như đạo diễn Roger Vadim, Louis Malle, Francois Truffaut, Jean-Luc Godard, Claude Lelouch được trình chiếu. Qua những cuộc hội họp này, mọi người thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau có thể quen biết, trò chuyện. Họ cũng tổ chức liên tục những buổi tiệc riêng để trao đổi với nhau những thông tin thời sự hiện thời. Cũng nhờ đó mà Sơn có được những chiếc vé công diễn hòa nhạc, ballet hay opera được tổ chức tại nhà hát Bolchoi. Những người quen biết nhau trong các buổi tiệc sau đó còn liên lạc với nhau và duy trì những tình bạn thân thiết, nhiều người còn tiến xa hơn cả tình bạn thân. Người này giới thiệu người kia với nhau và tạo nên những mối quan hệ xã giao. Họ quan tâm tới những tác phẩm được chính phủ thừa nhận và cổ vũ họ hứng thú với những tác phẩm nằm trong vòng nghi ngờ. Những hoạt động chìm cũng rất phong phú, bất kể sự ngăn cản của chính phủ, các buổi trình diễn nghệ thuật dành riêng cho nhau xem vẫn được tổ chức thường xuyên tại những nơi thế. Cũng qua những cuộc hội họp thế này mà Sơn được biết đến các tác phẩm của Mikhail Bulgakov, người không tiếc lời châm biếm cái xấu trong xã hội hiện thời. Bulgakov sinh ở Kiev năm 1891. Ông bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình sau khi tốt nghiệp ngành y tại trường đại học Kiev. Năm 1920 ông tham gia vào các câu lạc bộ cấp tiến và bắt đầu sáng tác. Những tiểu thuyết, kịch của ông ra đời lại bị cấm xuất bản và công diễn. Vào những năm cuối đời, ông sống cô độc và rời bỏ thế giới một cách buồn bã vào năm 1940. Những kiệt tác của ông như “Nghệ nhân và Margarita”, “Trái tim chó”... sau này lần lượt được xuất bản. Qua những câu chuyện đó, Sơn đã biết được những điều sâu xa về đất nước này.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx