sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 12

Chương 12: Richter vĩ đại Nước Nga chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ tình cờ giữa Sơn với với nghệ sĩ vĩ đại Richter. Và đây là kỷ niệm, là dấu ấn quan trọng cả cuộc đời anh. Sviatoslav Teofilovich Richter được sinh ra ở Zytomierz, Ucraina, vào ngày 20 tháng 3 năm 1915. Lúc đó cha ông bốn mươi hai tuổi, mẹ ông mới hai mươi hai tuổi. Quá trình thành công của Richter có sự đóng góp rất lớn từ gia đình. Ông của Richter là một nghệ sĩ nổi tiếng về chỉnh âm, xuất thân trong một gia đình quý tộc; bà của Richter là một họa sĩ nổi tiếng; mẹ của Richter lại là người rất giỏi về dương cầm. Richter từ nhỏ đã cảm thụ được tiếng đàn piano từ người cha của mình, một thầy dạy đàn, sau đó thì tự mình luyện tập. Năm mười sáu tuổi, Richter đã là một nghệ sĩ piano có tiếng ở vùng Odessa. Ông đã biểu diễn lần đầu tiên với tư cách là một nghệ sĩ piano thực thụ vào năm mười chín tuổi. Năm hai mươi hai tuổi, Richter vào Nhạc viện Matxcơva, bắt đầu học piano một cách bài bản dưới sự dìu dắt của Heinrich Neuhaus. Chính Neuhaus là người phát hiện ra tài năng tuyệt vời của Richter. Những ngày cuối đời ông đã ghi lại cảm nhận của mình về Richter như sau: “Đến ngày cuối đời tôi không chỉ là cảm phục tài năng của Richter mà có lẽ tôi cần học hỏi thêm nữa từ anh ta.” Mùa thu năm 1940, Richter đã tổ chức buổi sơ diễn, bản nhạc được chọn là Sonat số 6 cung La thứ dành cho piano của Prokofiev tại căn phòng nhỏ trong Nhạc viện Matxcơva. Lần biểu diễn đầu tiên đã gặt hái được thành công không ngờ. Sau khi nghe buổi diễn này, Prokofiev đã đề nghị cùng biểu diễn bản Concerto cho piano số 5 cung Sol trưởng. Sau đó, mối quan hệ của Richter và nhà soạn nhạc Prokofiev ngày càng sâu đậm hơn. Năm 1953, Prokofiev qua đời. Richter biết được chuyện này khi ông đang đi trên một chuyến xe lửa. Ông đã kể lại rằng: “Dù có băng qua Biển Đen phủ đầy tuyết cũng không kinh khủng bằng việc tôi nhận được tin về cái chết đó.” Năm 1941, chiến tranh thế giới thứ hai lan tới Liên Xô. Mẹ của Richter bị chết. Vượt qua mọi khổ đau trong chiến tranh, Richter đã nhận được giải thưởng danh dự trong cuộc thi piano toàn Liên Xô năm 1945. Năm 1955 nhận được danh hiệu nghệ sĩ nhân dân Liên bang Xô Viết. Trong những năm 50, ông bắt đầu ghi âm. Những năm sau này, Richter đã trở thành một nghệ sĩ lừng danh, là đề tài bàn luận lớn ở phương Tây. Buổi trình diễn đầu tiên ở phương Tây của Richter là vào năm 1960. Đầu tiên là Phần Lan, tiếp theo là Chicago, New York (Mỹ). Từ năm 1981 ông chủ trì lễ hội âm nhạc mùa đông “Đêm trắng 20” ở căn phòng trắng trong Viện bảo tàng Nghệ thuật Pushkin, Matxcơva. Chương trình này được tổ chức mỗi năm với những chủ đề khác nhau. Tại mỗi buổi diễn, Richter thường thay đổi toàn bộ những bức tranh trong phòng để thích hợp với nội dung chương trình biểu diễn. Ông thích tự mình vẽ tranh. Đó là tính cách được thừa hưởng từ mẹ. Thỉnh thoảng ông còn mượn tranh của Picasso và Delacroix để trưng bày ở đây. Mùa đông năm 1990, Sơn cũng có mặt vào biểu diễn trong “Đêm trắng 20”. Sơn vô cùng hạnh phúc khi được mời tham gia vào lễ hội âm nhạc này. Đề tài vào năm đó là: “Boris Pasternak”. Richter rất yêu thích nhà thơ này nên ông tổ chức lễ kỉ niệm một trăm năm ngày sinh của Pasternak. Chương trình biểu diễn gồm những tác phẩm của những nhà soạn nhạc Brahms, Chopin, Skryabin. Thi sĩ Pasternak sinh năm 1890 tại Matxcơva. Ông được biết trên cả thế giới với tác phẩm lớn “Bác sĩ Zhivago”. Năm 1958, ông được trao giải Nobel văn học, nhưng đã viết thư từ chối nhận giải, lý do được cho là vì những áp lực chính trị. Ông tái hôn với Gina, vợ của Heinrich Neuhaus, và sống cùng hai con trai của vợ. Trong hai người con, con trai thứ là Stanislav Neygaus đã trở thành nghệ sĩ piano và là cha của Stanislav Bunin, cũng là một nghệ sĩ piano tên tuổi. Pasternak và chồng cũ của vợ là Heinrich Neuhaus cùng là học trò của Skryabin và bạn thân của nhau. Tình bạn của hai người vẫn tiếp tục cho đến hết cuộc đời. Từ nhỏ, Pasternak đã rất thích piano và thể hiện niềm đam mê của mình bằng những tác phẩm âm nhạc, nhưng năm mười chín tuổi ông lại học khoa Triết tại trường Đại học Matxcơva và sau đó chuyển qua học văn học thay vì chọn con đường âm nhạc. Pasternak khi sáng tác rất muốn viết những vần thơ yêu nước, nhưng lại ngại ngần, như tâm trạng của nhiều tri thức, nghệ sĩ hay nhà văn lúc ấy. Vì thế nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của Pasternak, Richter tổ chức trình diễn không gì khác hơn là để an ủi Pasternak trên trời bằng âm nhạc. Biết được những điều này, tâm trạng Sơn rất nhức nhối. Bản nhạc mà Sơn được mời biểu diễn đương nhiên là của Chopin. Nhận được lời mời, Sơn nhanh chóng gửi hồi âm, và chờ đợi ngày đó, trong lòng hồi hộp khôn tả. Phòng trắng của Viện bảo tàng nghệ thuật Pushkin chỉ có bốn trăm ghế. Mỗi năm chỉ dùng để tổ chức mừng Giáng Sinh, nên chỉ đủ ghế cho những thân hữu trong lĩnh vực âm nhạc và những người quen biết của Richter. Sơn đã choáng ngợp trước vẻ đẹp của căn phòng mà lần đầu tiên được phép đặt chân vào. Trần nhà cao, kiến trúc tuyệt đẹp, với những hàng cột trang hoàng lộng lẫy. Âm thanh ở đây cũng rất tuyệt vời. Trong suốt cuộc trình diễn, nghệ thuật dàn dựng ánh sáng khiến không gian như bồng bềnh mờ ảo, khiến cho người thưởng thức như bất giác như đi vào những thế giới khác nhau. Khi biểu diễn, Sơn có cảm tưởng mình và mọi người đang đi vào thời đại của Pasternak. Trong nhà của Pasternak ở ngoại ô Matxcơva lúc nào cũng phát ra tiếng đàn piano. Ở đó tập trung rất nhiều người khác nhau đến để tranh luận về nghệ thuật, tổ chức giao lưu trao đổi ý kiến với nhau về văn hóa, chính trị. Sơn có cảm giác tiến gần đến lịch sử.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx