sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 14

Chương 14: Linh hoạt như độ rung của lá cây Khi biểu diễn các tác phẩm của Chopin, điều mà một nghệ sĩ piano phải chú ý đó là đưa được cá tính của mình vào trong màn trình diễn, và cần phải linh hoạt tùy theo từng tác phẩm. Vào khoảng thế kỉ 18 đã có cuộc trao đổi bàn luận về sự linh hoạt trong âm nhạc, đặc biệt là xoay quanh tác phẩm của Chopin. Các tác phẩm piano của Chopin rất đa dạng, nên việc thể hiện kỹ thuật hay cảm xúc là điều không đơn giản với người biểu diễn. Những tác phẩm ông sáng tác vào thời kì đầu sự nghiệp và vào những năm cuối đời đòi hỏi những cách thể hiện rất khác nhau. Biểu diễn âm nhạc của Chopin, khó hơn cả là thể hiện linh hoạt những sự khác biệt đó; giống như tay phải thì thể hiện những cảm xúc, tâm hồn một cách phóng túng, tay trái thì vừa giữ cho giai điệu chính xác từng nốt nhạc, vừa bay lượn biến hóa. Sự linh hoạt khi biểu diễn được hiểu như sau, mượn lời của Liszt: Thân cây vững chắc không chuyển động, chỉ có lá cây là chuyển động. Khi biểu diễn, nghệ sĩ phải giữ được cảm xúc của mình như nước sông chảy, như gió thổi, tự do mà vẫn có phương hướng, không nên tự do thái quá, cũng không nên chạy theo kỹ xảo cầu kỳ giả tạo. Trong huyết quản của Chopin chảy hai dòng máu Ba Lan và Pháp. Trong âm nhạc của Chopin, giai điệu như những điệu múa dân gian Ba Lan, cộng với cảm giác thanh tao nhẹ nhàng theo kiểu Pháp. Những yếu tố đó rất hòa hợp với nhau. Mặt khác, Chopin cả đời không may mắn trong vấn đề sức khỏe. Ông mang một cơ thể yếu ớt, nhưng âm nhạc của ông không bao giờ thể hiện ra điều đó, mà ngược lại, tinh thần âm nhạc của ông hết sức mạnh mẽ, như để nuôi dưỡng cơ thể yếu ớt của người nhạc sĩ. Để thấu hiểu những điều này trong con người và âm nhạc Chopin, cần phải hiểu biết về cuộc đời Chopin, đất nước và con người Ba Lan, đồng thời phải tìm hiểu về thế kỉ 19, là thời đại mà Chopin đã sống, tìm hiểu về phong cách sáng tác của ông, để hình dung ra ông đã sống ra sao, đã suy nghĩ những gì khi soạn ra các tác phẩm của mình. Có như thế chúng ta mới cảm nhận được âm nhạc của Chopin dễ dàng hơn. Các nghệ sĩ cảm thụ những điều đó và truyền đạt chúng đến những khán giả của ngày hôm nay, qua các buổi trình diễn. Từ lúc nhỏ, cuộc sống của Đặng Thái Sơn đã tuân theo những quy định rất chặt chẽ. Bắt đầu bằng việc tôn trọng thời gian. Mỗi ngày, Sơn rời khỏi nhà đúng giờ và cũng trở về nhà đúng giờ. Đối với nhiều người, sự nghiêm túc học hành, làm việc, luyện tập như Sơn dường như là những quy tắc khá khắt khe, không dễ gì tuân thủ. Với một cuộc sống như thế, người ta khó có thể hình thành một tính cách linh hoạt. Sau này, dù ở Matxcơva hay ở Nhật, Đặng Thái Sơn vẫn luôn phải đối mặt và vượt qua nhiều sai lầm, trong đó có cả những bốc đồng của tuổi trẻ. “Tuy nhiên, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó chưa ổn. Từ Matxcơva chuyển sang Nhật, tôi đã có cơ hội gặp gỡ với nhiều người hơn và có lẽ tôi đã trưởng thành hơn. Tôi bắt đầu tổ chức các buổi hòa nhạc. Những công việc tôi nghĩ có liên quan đến mình là tôi tự giác làm. Sau này, qua các nước phương Tây, tôi vẫn biểu diễn tốt; làm việc, nói năng tự do, linh hoạt.” Khi chuyển đến Canada, Đặng Thái Sơn cảm thấy tinh thần sảng khoái, như được giải phóng khỏi cơ thể. Đó quả là thời gian rất tự do, thoải mái. “Cuộc sống của tôi khi đó không bị ràng buộc bởi bất cứ quy tắc nào, đó là lúc tôi bắt đầu có thể thấu hiểu được cái gọi là sự linh hoạt.” Thường những nghệ sĩ châu Á, như Đặng Thái Sơn, khi nhìn thấy những nốt nhạc là tự nhiên chơi chính xác từng nốt. “Có thể là chúng tôi muốn trung thực với những gì đã được các nhạc sĩ viết ra. Khi đến Matxcơva, tôi đã nhận ra nhiều sự khác biệt. Cách biểu diễn của các nghệ sĩ mà tôi chứng kiến ở đây có nhiều khác biệt so với khi nhìn trên bản nhạc. Tôi đã biết là không nhất thiết phải chơi đúng tốc độ, sắc thái, trường độ mà cần phải có được sự linh hoạt, uyển chuyển.” Lúc đó Đặng Thái Sơn đã nghĩ rằng đây chính là sự linh hoạt trong nghệ thuật chơi đàn mà mọi người vẫn nói. Sự linh hoạt không thể dạy theo một quy tắc nào cả. Nghệ sĩ piano phải nắm bắt được bằng cảm giác nhạy bén của mình. Cho dù có bắt chước ai thì mãi mãi cũng chỉ là kỹ năng vay mượn, không thể thành của riêng mình được. Phải cảm được tác phẩm. Phải đặt nó trong chính cuộc đời mình, thể hiện một cách tự do, và đưa cảm giác tự do đó vào tác phẩm. Khi bắt tay vào một tác phẩm mới, Đặng Thái Sơn thường tưởng tượng như mình đang xây một căn nhà. Trước tiên, cần phải có nền và thiết kế, rồi hình dáng tổng thể sẽ như thế nào, xây bao nhiêu tầng, cuối cùng căn nhà trông ra sao?... Tác phẩm của Chopin là một thí dụ cho thấy tầm quan trọng hàng đầu của tinh thần, tính cách của tác phẩm. Tính nghệ thuật thế nào? Tính truyền cảm ra sao? Nghệ sĩ biểu diễn phải luôn hướng mình vào việc tìm kiếm những điều đó. Bước đầu, không cần đi quá sâu vào chi tiết, chỉ cần nắm được tổng thể tác phẩm. Quá trình tập có chậm cũng được, nhầm cũng không sao, chủ yếu cố gắng chơi hết bài. Giai đoạn tiếp theo là chơi chính xác từng nốt nhạc. Phải tập bằng hai tay. Sự cân bằng giữa hai tay rất quan trọng. Tập nhiều lần chầm chậm, không cần phải thật đúng nhịp, nhưng nốt nhạc, âm thanh thì phải chính xác. Sau khi làm được như vậy thì chơi đi chơi lại nhiều lần cả bài, mài giũa phương pháp đánh toàn bài. Và bắt đầu suy nghĩ xem tác phẩm này muốn thể hiện điều gì? Rồi sẽ đến lúc nốt nhạc đánh ra không phải bằng sự tính toán đầu óc mà như thể tự nhiên bật ra. Giai đoạn sau cùng là chơi nhiều lần trước mặt người khác, một cách tự nhiên. Đến đó có thể coi như đã chọn được tác phẩm cho danh mục biểu diễn của mình. Khi nói tới một ngôi nhà, ngoài nền móng, phối cảnh chung thì ta cũng phải tính xem đặt cửa sổ chỗ nào, cửa chính màu gì, màu sắc tường, trần nhà ra sao. Xong xuôi đẹp đẽ rồi mới mời bạn bè thân hữu tới ăn tân gia, khoe nhà mới. Thời gian đầu, Sơn tập trung tìm hiểu xem các nhà soạn nhạc muốn thể hiện tâm trạng, cảm xúc, niềm vui, nỗi buồn ra sao qua từng nốt nhạc, và anh nghĩ rằng để nắm được những điều đó, cần phải tập đi tập lại nhiều lần trong đêm, trong nhiều đêm. Có thể đó là cách để tìm được sự đồng cảm. Nhưng dường như phương pháp của anh có gì đó sai, nên kết quả không được như anh mong muốn: “Tôi nhớ các thầy đã nói rằng: Mỗi ngày hãy luyện tập khoảng ba tiếng. Không phải cứ tập thật lâu đã là tốt, chủ yếu là do khả năng bản thân mình đến đâu. Nếu không suy nghĩ chín chắn về những điều này, thì dù có luyện tập bốn, năm tiếng hay nhiều hơn, các ngón tay cũng chỉ hoạt động như cái máy thôi. Luôn nghĩ về âm nhạc trong đầu, không bị phân tâm, dù chỉ tập trong một tiếng vẫn có kết quả tốt. Tôi cũng phải mất nhiều năm để có thể làm được điều đó. Khi luyện tập, cần sự nhẫn nại rất lớn. Nhưng để có thể biểu diễn như ý, tôi nghĩ rằng cần phải có tâm trạng tốt, tốt nhất là một trạng thái hân hoan, phấn khởi.” Sơn đã nhiều năm chú tâm vào việc biểu diễn các tác phẩm Chopin, cùng với những tác phẩm Nga từ lúc còn ở Matxcơva; rồi nhanh chóng chuyển sang biểu diễn những tác phẩm Pháp như của Debussy. Còn bây giờ, anh biểu diễn nhạc của Prokofiev trên khắp thế giới. Trong một thời gian dài, Đặng Thái Sơn bị cho là chỉ có thể chơi nhạc của Chopin. “Ở nhiều nơi trên thế giới, tôi luôn nhận được yêu cầu biểu diễn Chopin. Đặc biệt là ở Nhật, ngoài các tác phẩm của Chopin, người ta không yêu cầu tác phẩm nào khác. Mặc dù tôi đã nói nhiều lần rằng tôi có thể chơi tốt nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ khác, nhưng người ta thường từ chối những đề nghị đó, với lí do là: Đặng Thái Sơn chỉ chơi nhạc của Chopin. Tôi đã đau đầu trong một thời gian dài, không biết phải làm sao để khẳng định rằng mình có khả năng biểu diễn phong phú. Tôi nhận ra những cái đó phải do mình tự quyết định, phải thuyết phục khán giả từ từ, bắt đầu bằng chương trình biểu diễn ở Nhật. Bây giờ tôi đang tập trung biểu diễn những tác phẩm của Pháp. Tôi cũng đã có được công thức tốt nhất cho mình: Từ nhỏ, tôi rất thích Mozart, sau đó là Schubert. Khi chơi nhạc của Chopin, tôi có cảm giác như đang đi đến gần Schubert, và thế là tôi bắt đầu chơi sang nhạc của Schubert. Tuy nhiên, khi chơi nhạc của Schubert, tôi luôn có cảm giác dường như có khoảng trống nào đó giữa các nốt nhạc. Nếu không học nghiêm chỉnh, tôi nghĩ là sẽ không bao giờ tiến gần đến Schubert.” “Nhưng bây giờ, nếu được hỏi: Tác phẩm của nhà soạn nhạc nào mà anh muốn chơi nhất?, tôi sẽ trả lời ngay: Mendelssohn.” Mendelssohn vừa nhìn vào có vẻ dễ, nhưng thật ra vô cùng khó. Đó cũng là điểm tương đồng với Mozart, các tác phẩm có ít nốt nhạc nên đòi hỏi phải có kỹ thuật hợp lý, nhưng cũng luôn đòi hỏi phải được biểu diễn một cách tự nhiên, thoải mái. Cách tiếp cận này khác với cách ta cảm nhận và xử lý các tác phẩm của Bach, Beethoven hay các tác phẩm hiện đại. Theo cách thông thường, dù với tác phẩm cổ điển hay hiện đại, ta thể hiện được tốt hay không là do khả năng thấu hiểu của ta về tác phẩm đó. Nhưng với các tác phẩm của Mozart hay Mendelssohn, những nghệ sĩ piano có thể tự do hơn khi biểu diễn, tất nhiên vẫn trong giới hạn nhất định để tuân thủ các chuẩn mực. “Các bản nhạc Songs without words (Bài ca không lời) của Mendelssohn phải chơi giống như đang hát mới thể hiện được tinh thần tác phẩm. Theo suy nghĩ của tôi, người biểu diễn cần phải nhập tâm vào bản nhạc và tấu lên những âm sắc trong sáng. Để bản nhạc vang lên vui tươi trong sáng, phải chú ý không nhấn phím đàn quá mạnh. Nếu làm được như vậy, ta có thể truyền đạt đến trái tim người nghe vẻ đẹp thật sự trong tác phẩm của Mendelssohn. Nếu sử dụng những âm sắc bình thường sẽ làm tác phẩm quá nhợt nhạt. Phải suy nghĩ để tạo ra những âm sắc thích hợp với từng tác phẩm, mà phải là những âm thanh đẹp. Cái hay của những tác phẩm này phải chăng là tính trừu tượng, không cụ thể như một bài hát rõ từng lời từng chữ? Người biểu diễn, do đó cần hiểu được tinh thần tác phẩm, điều mà nhạc sĩ muốn truyền đạt. Tôi nghĩ, nghệ sĩ biểu diễn phải truyền đạt tác phẩm như đang kể lại một câu chuyện bằng những lời ấm áp. Về mức độ mạnh - nhẹ khi nhấn phím đàn, thì âm nhạc của Mendelssohn và Debussy đòi hỏi những cách thức khác nhau. Mendelssohn nhấn mạnh vào yếu tố tình cảm, cảm xúc của người biểu diễn và người nghe, vì thế âm nhạc vang lên phải làm sao vừa trôi chảy mà vừa ấm ấp, dịu dàng. Các tác phẩm có nhiều nốt luyến, khi muốn tiếng vang rộng hơn âm vực thì dùng nhiều nốt réo rắt, như tiếng violon. Debussy thì nhắm tới việc sử dụng nhiều nốt, nhiều độ “touch” một cách tinh tế để tạo nên các hiệu ứng âm sắc. Biểu diễn mà như có cuộc công kích vào bàn phím. Người chơi piano đều rất hiểu điều này.” Để biểu diễn nhạc của Debussy, trước tiên phải cảm nhận được không gian âm nhạc của ông. Đối với Sơn, không gian đó giống như âm nhạc của thiên niên kỷ thứ ba. Để tái tạo được không gian âm nhạc ấy khi trình diễn, nghệ sĩ phải biết nhấn phím, nhấn pedal đúng lúc đúng chỗ. Cảm giác toàn hảo là làm sao cho mình có cảm giác bay bổng, mọi vật như chuyển động lúc gần lúc xa: “Cách chơi nhạc Debussy của tôi mỗi năm mỗi thay đổi. Khi mới bắt đầu chơi các tác phẩm của Debussy, tôi nghĩ rằng âm sắc hết sức quan trọng. Vì thế, khi biểu diễn tôi hết sức chú trọng cho nhiều âm sắc đặc biệt. Sau này, khi cảm nhận được sâu sắc hơn những nốt nhạc của ông, dần dần tôi đã có những thay đổi trong cách trình diễn. Với tôi, các tác phẩm của Debussy có những điều phi thường, nhiều lúc như những đoạn thơ. Tôi bắt đầu nghĩ Debussy là một nhà thơ và tôi diễn tả thơ của ông bằng âm nhạc. Nhìn theo tổng thể trường phái ấn tượng, người ta thường nghĩ âm nhạc có sự nhẹ nhàng thanh thoát, khoan thai. Nhưng biên giới của âm nhạc Debussy rất rộng, từ rất mạnh mẽ, sâu sắc đến nhẹ nhàng, mềm yếu. Đó là một thứ âm nhạc có tính quốc tế rất đặc sắc. Nếu đặt hết vào tác phẩm thì sẽ tạo nên âm nhạc mang tầm quốc tế đặc sắc. Âm nhạc của Brahms giống với âm nhạc Pháp nhưng cá tính lại khác nhau, cần đến một phương pháp biểu diễn nhiều tình cảm, nhưng lại không biểu hiện ra ngoài. Âm nhạc vang lên như thể có gì che giấu bên trong, nghệ sĩ piano là người phải biết được điều gì đang được che giấu. Âm nhạc của Brahms phản ánh được tâm hồn con người, nhưng cách phản ánh đó nhất định không phải là phê bình chỉ trích, mà hài hước hóm hỉnh.” Với Sơn, chơi nhạc Brahms như nếm trải mùi vị mới lạ trong một thế giới mình chưa hề biết. Về sau, Đặng Thái Sơn bắt đầu hướng tới các nhà soạn nhạc thế kỉ 20, hứng thú với các tác phẩm của Federico Mompou (Tây Ban Nha), Alberto Evaristo Ginastera (Argentina). Tác phẩm của những nhà soạn nhạc đó không mang tính tiên phong, cũng không trừu tượng nhưng thể hiện được thế giới mới khoáng đạt, rộng rãi hơn. Sơn suy nghĩ và thêm vào danh mục biểu diễn của mình các tác phẩm Pháp của Gabriel Fauré, César Franck, Olivier Messiaen,... các tác phẩm Ba Lan của Karol Maciej Szymanowski và của Alexander Skryabin (Nga). Với việc trình diễn rộng rãi những tác phẩm này qua các bản ghi âm phát trên radio, Sơn đã được công nhận là nghệ sĩ piano thực thụ. Lúc đầu, Sơn nghĩ rằng mình chủ yếu sẽ chỉ ghi âm và phát hành băng đĩa đúng như thực lực của mình, hơn là trình diễn trên sân khấu. Biểu diễn trên radio, sức tập trung cũng cao hơn. “Nhưng tôi không phải là Glenn Gould. Tôi không rời khỏi radio nhanh chóng. Nhưng dần dần, tôi đã biểu diễn các tác phẩm đó trên sân khấu. Ở trên sân khấu, tôi cảm thấy chưa lần nào mình biểu diễn hết trăm phần trăm những gì mình có. Chính vì cảm giác không hoàn thành được, nên tôi cứ phải đuổi theo chính mình, còn khó khăn hơn cả việc leo núi nữa. Cứ leo lên, leo lên mà không thấy được đỉnh. Vừa tới đích này thì phải ngay lập tức đặt ra đích cao hơn để tiếp tục leo lên. Chẳng lẽ đó là sứ mệnh của một nghệ sĩ piano?”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx