sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 13

Chương 13: Câu chuyện nhỏ về Bashkirov Thầy Natanson đã nhiều lần lặp đi lặp lại rằng: “Đánh bằng đầu ngón tay một cách dứt khoát!” “Phải gõ những phím dứt khoát hơn. Trước tiên phải chú tâm đến đầu ngón tay.” “Chỉ gõ được một nốt nhạc thôi là không được. Phải tập trung nhanh vào các đầu ngón tay.” Năm thứ nhất tại Nhạc viện Matxcơva, Sơn đã được thầy Natanson dạy là phải sửa lại hoàn toàn thủ thuật đánh đàn piano. Cách phân nhịp cũng phải căn bản. Dù đã học gì, thì bây giờ cũng phải đặt mình vào những yêu cầu cơ bản của việc đánh đàn piano. Việc đầu tiên được nói chính là việc phải đánh đàn bằng ngón tay mạnh mẽ. Trong nghệ thuật biểu diễn piano những nốt nhạc mạnh, giai điệu mạnh mẽ hay mềm mại, tất cả đều phải dùng ngón tay đánh một cách dứt khoát. Trong âm nhạc truyền thống của Việt Nam, giai điệu rất được coi trọng, tempo ít được coi trọng. Ngay từ nhỏ, lúc nào loại nhạc này cũng ở xung quanh Sơn nên nhược điểm của Sơn là tiết tấu. Điều đó được thầy Natanson ưu tiên sửa ngay. Việc khắc phục điểm yếu cũng mất khá nhiều thời gian. Ban đầu Sơn không thể cảm nhận tiết tấu bằng cơ thể được. Giáo sư Natanson vừa đánh đàn vừa chỉ cho Sơn những điểm sai: “Sai rồi, không phải như thế mà phải như thế này!”, nhưng Sơn vẫn không nhận biết được điểm sai đó. “Hãy xem cách cảm nhận tiết tấu bằng cơ thể. Xem cách chuyển động của cơ thể nhịp nhàng với tiết tấu. Xem này, tiết tấu này và tiết tấu này có sự khác nhau đúng không? Em có hiểu điểm khác nhau đó không?” Natanson đã rất nhẫn nại, nhưng cũng phải mất khá lâu để Sơn có thể cảm nhận được sự khác nhau. Nguyên nhân của việc không gõ bằng đầu ngón tay một cách mạnh mẽ dứt khoát là do thói quen luyện tập piano lúc còn ở Việt Nam. Tuy nhiên cũng do cây đàn piano lúc đó đang trong tình trạng chỉnh âm không tốt, phím rời rạc, cho nên để đánh được nốt nhạc mạnh mẽ bằng đầu ngón tay là không thể. Natanson rất thích opera; vợ ông là ca sĩ hát opera. Ông đã dạy cho Sơn phương pháp đánh đàn piano sử dụng nhiều thủ thuật đa dạng, mà lại nhịp nhàng với giai điệu của bài hát. Ông còn nhẫn nại dạy cho Sơn các phương pháp biểu diễn như ngâm thơ, phương pháp nghĩ giai điệu như bài thơ hát lên. Trẻ em Nga ngay từ nhỏ đã được dạy âm nhạc và học cách đánh đàn piano chuẩn xác; được học cả về dáng vẻ khi sử dụng nhạc cụ, cách thể hiện lực của cánh tay, nơi đặt của ngón tay và bàn tay. Vì Sơn không được học bài bản như thế nên thường đánh đàn piano theo phương pháp và dáng vẻ tự do của mình. Khi thi vào Nhạc viện Matxcơva, các bạn học đã nhận xét về lối chơi đàn của Sơn: “Theo tính cách âm nhạc thì đây là cách đánh rất ấn tượng nhưng có chút gì đó không đúng. Tôi cảm nhận được niềm vui của anh ta khi đánh đàn piano, nhưng mà cách đánh đàn cần phải thay đổi.” Qua năm sau, khi xem băng video các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc của Chopin một cách rất tình cảm mà không ủy mị, Sơn cảm thấy xấu hổ khi nhớ lại cách biểu diễn của mình. “Cách đánh đàn của họ bài bản không thể sánh được. Không biết khi nào mình mới được như thế. Thật là xấu hổ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình chỉ toàn biểu diễn theo cảm tính, không có quy tắc gì cả. Chỉ đánh tự do theo ý thích. Những gì xem trong băng video này như làm thức tỉnh tôi.” Sau khi đạt giải thưởng trong cuộc thi Chopin, tên tuổi của Đặng Thái Sơn được nhiều người biết đến và anh bắt đầu hoạt động biểu diễn. Năm 1983, Đặng Thái Sơn bắt đầu tham gia lớp cao học của Nhạc viện Matxcơva. “Tôi vẫn chưa đủ tự tin như nghệ sĩ chuyên nghiệp, giống như thầy Natanson đã nói, đầu ngón tay của tôi vẫn chưa đủ mạnh, cảm thụ giai điệu cũng không tốt, thủ thuật của các đầu ngón tay vẫn chưa được. Chỉ nhờ vào cách biểu diễn khá tình cảm, nếu không sửa đổi là không được.” Cần phải học thành thục cách biểu diễn này. Người có thể hướng dẫn Sơn đi đúng con đường của một nghệ sĩ piano hiện đại, lúc này chỉ có Bashkirov. Bashkirov sinh năm 1931 tại Tbilisi, Grudia. Ông đã theo học tại Nhạc viện Matxcơva và chịu ảnh hưởng nhiều từ Heinrich Neuhaus, Vladimir Sofronitsky, Richter. Từ năm 1957, Bashkirov được mời về giảng dạy tại Nhạc viện Matxcơva và dành nhiều thời gian cho việc dìu dắt lớp trẻ. Những tác phẩm ông tâm đắc là các bản nhạc thính phòng của Mozart, Skryabin, Prokofiev, Shostakovich... Bashkirov là người đã dạy cho Sơn phong cách biểu diễn truyền thống của Nga. Trong giờ học ông không nói nhiều, chỉ đưa ra một số ý kiến của mình, và: “Sau đó hãy tự mình suy nghĩ.” Không chỉ là những hướng dẫn lý thuyết, ông còn biết cách gợi cho học trò cảm giác như là trình diễn mà không có sân khấu và để cho mỗi người tự do thể hiện cá tính của chính mình. Trong thời gian theo học ông, dù là với tác phẩm của Chopin hay của những tác giả khác, Sơn cũng biểu diễn hết sức lãng mạn. Cơ thể có những chuyển động mạnh mẽ và dáng vẻ cũng uyển chuyển hơn trước. “Này, Sơn. Hãy kéo dài cánh tay và lưng ra và cứ làm như thế xem nào. Không nên dồn lực vào cánh tay và ngón tay. Nếu làm vậy bàn tay và ngón tay không thể di chuyển tự do được. Và cơ thể cũng không nên để chuyển động quá mức. Thấy sao hả? Với dáng vẻ như thế chẳng phải cậu có thể làm tiến sĩ âm nhạc rồi sao?” “Thật là khó. Cuối cùng rồi mình cũng quay lại cái ban đầu. Dù nói là cơ thể uyển chuyển, nhưng nếu cứ theo phương pháp như vậy thì không thể đánh đàn được. Nếu muốn sửa liền cũng không được. Thật là rắc rối, nếu chú ý đến cơ thể thì lại không tập trung vào âm nhạc.” Ngày này qua ngày nọ, Sơn vẫn tiếp tục kiên trì tập luyện. Để có thể từ cái sai chuyển sang cho đúng là cả một quá trình dài phủ đầy những nỗ lực không ngừng nghỉ. Có lúc, anh chợt nhận ra âm nhạc đã làm thay đổi bản thân mình, thể hiện qua cách đánh đàn mạnh mẽ hơn, và dường như anh đã tự tiến lên một bậc so với chính mình. “Thầy ơi. Em làm được rồi. Như thế này đúng không ạ?” Sơn chạy đến và nói với Bashkirov. “Cuối cùng rồi cũng được. Ừ, đúng rồi đó. Căn bản như thế này là được. Từ bây giờ cứ tiếp tục giữ như thế. Để không quên phải bắt cơ thể và cái đầu tự nhận biết cảm giác bây giờ. Khi có phương pháp biểu diễn rồi thì có biểu diễn bao nhiêu cũng không biết mệt.” Bashkirov đã thay đổi được Sơn. Tự tin đã tạo được một phong cách biểu diễn tốt, Sơn không còn e ngại gì nữa, sẵn sàng bước ra thế giới với tư cách một nghệ sĩ piano thực thụ. Đương thời, nghệ sĩ piano được ái mộ hơn cả là Arthur Rubinstein với dáng vẻ biểu diễn tuyệt đẹp như lướt theo từng phím đàn. Có thể nghĩ rằng vẻ đẹp của âm nhạc cũng sinh ra từ dáng vẻ như thế đó. Sau khi nhận ra được điểm yếu và nỗ lực vượt qua, Sơn dũng cảm đón nhận những cơ hội và thách thức mới. Vào thời điểm đó, anh đã bắt đầu nhận được nhiều lời mời biểu diễn khắp nơi. “Sơn này, tiếp theo cậu hãy học cách suy nghĩ nhiều hơn nữa để hoàn thành toàn bộ ý tưởng biểu diễn tác phẩm trong đầu. Sau đó truyền những điều đó lại cho ngón tay. Đầu sẽ là người chỉ đạo. Ngón tay sẽ là những nhạc cụ. Bình thường thì đầu óc nghĩ về âm nhạc rất hờ hững, vì vậy phải bắt nó quen với việc ra lệnh cho ngón tay. Lúc nào cũng phải nắm bắt toàn bộ chỉnh thể âm nhạc trong đầu. Và đặt tình cảm vào đó. Khi giữ tốt được sự cân bằng của lý tính và cảm tính thì buổi biểu diễn sẽ thành công.” Các tác phẩm âm nhạc Nga đòi hỏi người biểu diễn phải có thể lực. Cần có đủ năng lượng lớn cho cơ thể người biểu diễn. Trước đây Sơn không thể biểu diễn một cách hoàn hảo những tác phẩm như thế. “Vì thân hình tôi có đôi cánh tay hẹp, nên thường có cảm giác bất lực với các tác phẩm của Nga. Nhưng sau khi thay đổi phương pháp, tôi có thể biểu diễn thoải mái. Nếu chỉ kết hợp với cơ bắp của nửa thân trên thôi thì những tác phẩm lớn của Nga tôi cũng có thể biểu diễn tốt.” Năm 1998, Đặng Thái Sơn biểu diễn tại Nhật. Ở đất nước mặt trời mọc, anh đã tự tin trình diễn những tác phẩm âm nhạc cổ điển Nga rất nổi tiếng của Tchaikovsky, Rachmaninov, Prokofiev và Skrylabin. Bà giáo sư Tatiana Nikolayeva, cũng là một nghệ sĩ piano nổi tiếng, nghĩ rằng cách biểu diễn như thế là phương pháp giáo dục mang tính truyền thống của Nhạc viện Matxcơva. Bà nói: “Tại Nhạc viện Matxcơva, có bốn trường phái. Các nghệ sĩ piano nhận được sự giảng dạy nhiều cách khác nhau từ những người nghệ sĩ piano tên tuổi lớn. Thế hệ trước giảng dạy lại những kinh nghiệm cho thế hệ sau. Đó là truyền thống tốt đẹp tại nhạc viện này.” Bốn trường phái đó là: Heinrich Neuhaus, Alexander Goldenweiser, Constantin Igmunov, Samuel Feinberg. Cá tính, cách giải thích, cách biểu diễn của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Với tư cách nghệ sĩ piano hay một giảng viên, họ đều là những người để lại tiếng tăm trong lịch sử âm nhạc thế giới. Neuhaus sinh ra trong gia đình âm nhạc ở Ucraina năm 1888. Ông đã học piano từ cha ông. Sau này được học từ giáo sư Leopold Godowsky tại Nhạc viện Vienna. Sau khi tốt nghiệp đại học Nhạc viện Saint Petersburg, ông được mời giảng dạy tại Nhạc viện Kiev. Năm 1922, ông được mời giảng dạy tại Nhạc viện Matxcơva. Sở trường của ông là những nhà soạn nhạc như Debussy, Skryabin, Szymanowski cùng những tác phẩm theo trường phái Lãng mạn. Năm 1964 ông mất tại Matxcơva. Xem Heinrich Neuhaus biểu diễn, có người đã nhận xét: “Như Chopin sống lại và đang biểu diễn vậy!” Alexander Goldenweiser sinh ở nước cộng hòa Moldova vào năm 1875. Học sáng tác nhạc tại Nhạc viện Matxcơva. Năm 1896 lần đầu tiên có mặt trước công chúng cùng với Rachmaninov, Neuhaus... Goldenweiser có lối biểu diễn chuyên nghiệp, trung thực với bản nhạc cùng kỹ xảo chính xác. Từ năm 1906 đến khi qua đời vào năm 1961, ông giảng dạy tại Nhạc viện Matxcơva và từng được bầu vào ghế viện trưởng; ông cũng đã đào tạo nhiều tài năng trẻ. Trong số các học trò của ông có Samuel Feinberg, Dmitri Bashkirov, Grigory Ginsburg, Tatiana Nikolayeva... Goldenweiser cũng giao lưu thân thiết với những nhà soạn nhạc như Rachmaninov, Skryabin, Medtner. Từ họ, ông nhận được ảnh hưởng hết sức mạnh mẽ lên lối biểu diễn của nghệ sĩ piano. Ông cũng quen thân với Lev Tolstoi và cũng đã từng trình diễn tại nhà của văn hào này. Samuel Feinberg sinh năm 1890 ở Odessa (Ucraina). Ông học tại lớp của Goldenweiser tại Nhạc viện Matxcơva và cũng học ở lớp sáng tác. Biểu diễn đầy cá tính, ông được công nhận là người chơi nhạc của J. S. Bach rất thành công. Các buổi biểu diễn của ông đã tạo nên làn sóng: “Kéo âm nhạc cùng với Bach đi lên!” Năm 1922 Feinberg được mời về dạy ở trường cũ, nhưng ông lại thích việc tổ chức các buổi hòa nhạc với tư cách nghệ sĩ piano. Ông đã làm tên tuổi mình thêm nổi tiếng qua buổi biểu diễn trước Lênin với các tác phẩm sở trường của Beethoven, Liszt, Schuman, Skryabin. Học trò của ông cũng là những người có tên tuổi như: Vladimir Natanson, Victor Merjanov... Ông mất năm 1962. Như thế là Sơn được Vladimir Natanson và Dimitri Bashkirov dạy; Natanson được Samuel Feinberg dạy; Alexander Goldenweiser dạy cho cả Bashkirov và Feinberg. Họ như chảy cùng nhau trong dòng chảy.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx