sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 16

Chương 16: Trước đó, trước đó và trước đó nữa “Thầy ơi! Dường như em đang gặp nhiều phiền não. Trong đầu lúc nào cũng muốn tiến lên nhưng không thể làm được mà thoát ra cũng không thể. Em đánh đàn piano cũng không có chút hứng thú nào. Còn trước đây thì em lúc nào cũng muốn giỏi hơn, muốn tiến gần đến nhà soạn nhạc hơn và muốn khán giả biết đến mình nhiều hơn. Nhưng em không làm được. Em bắt đầu nghĩ rằng sẽ từ bỏ piano. Thầy cũng thấy em đã cố gắng thế nào trong thời gian dài ở nước ngoài. Nhưng cuối cùng cũng không được.” Đó là lời tâm sự tận đáy lòng của Sơn với thầy Natanson. Năm 1990, trong tâm trí Sơn đã nổi lên nhiều mâu thuẫn, dằn vặt. Vào lúc đó Sơn vừa giảng dạy trong một trường đại học âm nhạc công lập ở Nhật, vừa tổ chức các chương trình biểu diễn. Có thể thấy là sự nghiệp âm nhạc của Sơn đang hết sức thuận lợi, không có chuyện gì xảy ra cả. Nhưng tâm hồn Sơn lúc này lại hết sức ảm đạm. Tự do, sống ở một nơi an toàn, có thể làm bất cứ việc gì mình thích. Cũng không gặp khó khăn về chuyện ăn uống, cũng không có cảm giác nguy hiểm cho bản thân. Công việc cũng trôi chảy, mọi người thân thiện. Mặc dù vậy, trong lòng Sơn lúc nào cũng trống trải. Năm 1987 Sơn đến Nhật dạy học. Nhà Sơn ở lúc đó vừa rộng vừa sạch sẽ, lại có sẵn cây đàn piano. “Đúng là một điều kiện sống tuyệt vời. Ở đây có thể luyện tập từ sáng đến tối. Có lẽ tôi là người rất may mắn.” Lúc đầu từ Matxcơva đến Nhật Bản làm việc, mỗi ngày Sơn đều có những niềm vui. Một thế giới tuyệt vời đang mở rộng ra trước mắt Sơn. Nhưng ba năm sống ở Nhật, Sơn đã thay đổi ít nhiều. Và bắt đầu lo lắng rằng: “Không biết như vậy có thực sự tốt không?” Nhật Bản là nơi lý tưởng để phát triển sự nghiệp âm nhạc. Cũng được nhiều người biết đến, Sơn dành nhiều thời gian để giao lưu tiếp xúc với mọi người. Ban đầu, cảm giác của Sơn là người Nhật chỉ toàn làm việc, chẳng quan tâm đến gì khác. Nhưng không lâu sau Sơn đã quen dần với lối sống đó và cũng bắt đầu nghĩ đến công việc mọi lúc mọi nơi. Mọi thứ xung quanh đều tự mình phải giải quyết một cách nhanh chóng. Không chỉ là trách nhiệm cá nhân, mà còn danh dự của đất nước nữa. Ngay cả trong trình diễn, Sơn cũng thấy mình có sự thay đổi lớn. “Tôi đã bắt đầu có thể đánh đàn theo ý mình muốn. Cuộc sống tự lập đã ảnh hưởng đến cách biểu diễn.” Đặng Thái Sơn cũng tâm sự thêm về việc đi du học, để biết thêm về những nơi và hoàn cảnh ra đời của các tác phẩm, để tận mắt cảm nhận được tác phẩm chân thật hơn: “Dù chỉ trong một thời gian ngắn cũng không sao, miễn là có được nhiều trải nghiệm và tiếp cận với các nền âm nhạc khác nhau. Vừa có thể đến những nơi mà tác phẩm được sinh ra, vừa nhận được sự giáo dục nghiêm khắc của những người thầy. Ở đó còn có thể tự mình cảm nhận và sửa chữa những điều xa rời cuộc sống, từ những tác phẩm mà mình chỉ có thể biết được từ trước đến nay trên sách vở.” Ấn tượng mạnh nhất của Đặng Thái Sơn khi đến Nhật là bất cứ cái gì cũng tốn thật nhiều tiền. Vì thế Sơn đã từng nghĩ là không biết có tổ chức được những buổi biểu diễn tốt hay không. Để trở thành người biểu diễn hay thì phải nghe thật nhiều âm nhạc hay. Các buổi hòa nhạc cũng phải đi không bỏ sót. Và cũng cần thiết có được người thầy tốt. Tất cả những cái đó phải tốn một số tiền lớn. Để có tiền, Sơn phải đi dạy thêm. Sơn nói: “Nếu mà tôi sinh ra ở Nhật chắc có lẽ tôi không thể trở thành nghệ sĩ piano được. Những thứ đó quá xa xỉ và tôi không thể với tới.” “Ở Nhật cái gì cũng nhanh chóng. Người muốn đi chậm cũng chẳng được.” Sơn đang sống trong cuộc sống như thế và bắt đầu cảm thấy thất vọng về mình. Cuộc sống ở đây rất khác biệt so với cuộc sống ở Việt Nam hay ở Matxcơva; cảm thấy thiếu cái gì đó trong cuộc sống như là thiếu kĩ năng sống, làm việc. Bashkirov là người sâu sắc, tinh tế; ông nhận ra nỗi lo của Sơn. Dù không nói nhiều nhưng lúc nào ông cũng như thấu hiểu tâm tư tình cảm của Sơn. Ông nói: “Bây giờ cậu đang sống cuộc sống quá thoải mái đấy. Không có thách thức gì lớn cả. Sơn này, trong lòng cậu bao giờ cũng xảy ra những cuộc chiến đúng không? Sao hả? Đó là khi thay đổi môi trường sống phải không? Bây giờ cậu đang nghĩ tài năng mình đã hết mức rồi phải không? Nhưng mà khả năng của con người là vô hạn, không phải ai cũng biết trước con đường đi. Nếu cậu nghĩ thế thì cậu là người ngốc nghếch.” Lúc đó, Sơn muốn sống ở Mỹ, hoạt động âm nhạc ở Mỹ. Tuy nhiên, vào thời điểm đó quả thật rất khó khăn đối với người Việt Nam muốn tới Mỹ. Sơn nghĩ đến làm việc tại Canada cũng được và quyết định chuyển đến định cư ở Canada. Tại Montréal, anh quyết định làm lại từ đầu, mua nhà và bắt đầu đi biểu diễn khắp nơi trên thế giới. Sơn đã tự mình tìm ra mảnh đất mới và bắt đầu lại cuộc sống từ đầu. Hoàn toàn vì âm nhạc, vì bản thân mình và vì tương lai. Cuộc sống ở một đất nước hoàn toàn xa lạ quả là khó khăn, nhưng Sơn tin là mình xoay xở được để tiến lên phía trước. Ngôi nhà Sơn ở lúc đầu, ngay bên hồ, có rất nhiều cây xanh. Khung cảnh rất đẹp. Những chiếc lá rớt xuống làm Sơn tốn nhiều thời gian dọn dẹp hơn là xuống hồ để bơi lội. Ở nơi yên tĩnh này, Sơn có nhiều thời gian để thường xuyên luyện tập. Không lâu sau, Sơn lại chuyển đến căn nhà trên đồi, là nơi trước đây mẹ của Richter đã từng sống. Căn nhà được xây vào năm 1920, kiểu châu Âu, trần nhà cao, có một phòng chơi nhạc. Ở đây Sơn có thể sử dụng cả hai cây piano. “Chỉ cần đóng cửa lại là có thể bình thản mà chơi piano đến hai mươi bốn tiếng.” Từ bây giờ Sơn có thể đi đến nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Dù đi đâu, Sơn cũng nghĩ tới ngôi nhà của mình, trong lòng tràn ngập cảm giác yên tâm, được che chở. Khi về châu Âu, Sơn sống trong căn phòng nhỏ ở Paris. Đó là một trong những kiến trúc xây dựng vào thế kỉ 17. Không gian không rộng lắm nhưng yên tĩnh. Ở đây có nhiều công trình cổ kính, nhiều viện bảo tàng nghệ thuật. Khi đến Paris, Sơn nói dí dỏm là có cảm giác như được đặt trên kệ âm nhạc Pháp. Khi chuyển đến sống ở Canada, Sơn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Người giúp Sơn nhiều nhất là ông Hisashi Owada, cha của vương phi Masako. Khi đó ông đang giữ chức thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản. Khi Sơn ở Matxcơva ông Hisashi Owada cũng ở đó và nghe Sơn biểu diễn. Sau khi chuyển đi thì nhận được tin hôn lễ của Masako, Sơn đã gửi lời chúc mừng kèm theo đĩa CD ghi âm các tác phẩm của Chopin. Hai năm sau, thái tử Naruhito và vương phi Masako mời Sơn đến cung điện. Ở đó, Sơn đã biểu diễn bản “Venezia & Napoli” của Liszt. Sau khi bản nhạc kết thúc, họ cùng nhau nói chuyện vui vẻ. “Hoàng thái tử điện hạ thích ai nhất trong những nghệ sĩ piano biểu diễn nhạc Chopin?” Khi nghe Sơn đặt câu hỏi như thế, thái tử Naruhito cười tủm tỉm. “Tôi thích Samson Francois nhất đấy.” Sơn nhìn thấy ánh mắt của thái tử lấp lánh niềm vui và cứ trò chuyện quên cả thời gian. Vì không xem đồng hồ nên Sơn hết sức ngạc nhiên khi thấy đã quá hai tiếng trôi qua. “À, tôi quên cả thời gian. Thật là có lỗi. Hai vị bận thế mà phải tiếp tôi trong thời gian dài như vậy. Thành thật xin lỗi. Mong là buổi biểu diễn lần sau cũng có mặt hai vị.” Năm 1998, khi Sơn tổ chức trình diễn tại phòng hòa nhạc Suntory cũng có mặt thái tử Naruhito, vương phi Masako, cả mẹ của Masako cũng đến nghe. “Điện hạ hôm nay có yêu cầu bài nào không ạ?” Sau khi chào hỏi xong, Sơn tiếp lời. “Bài Sonata số 3 dành cho piano của Skryabin cũng rất hay. Tôi rất thích tác phẩm đó.” Sơn hết sức vui sướng. Tác phẩm này là tác phẩm lớn, rất khó. Chính vì vậy nó được chờ đến cuối chương trình. Đối với buổi trình diễn ở Tokyo, Sơn không biết dùng từ ngữ thế nào để miêu tả hạnh phúc của anh. Anh như được tiếp dũng khí để tiến lên bước nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx