sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Đặng Thái Sơn - Người được Chopin chọn - Chương 17

Chương 17: Magaloff và ngày chủ nhật tuyệt vời Lúc còn ở Nhạc viện Matxcơva, Sơn có thể thưởng thức nhiều buổi biểu diễn của những nghệ sĩ piano Nga tài ba qua các buổi hòa nhạc hay băng ghi âm. Qua các buổi biểu diễn đó Sơn đã rút ra được những “chân lý” của nghệ thuật biểu diễn piano phong cách Nga. Ấn tượng còn đọng lại là các băng ghi âm của Sofronitsky và Maria Yudina. Các buổi biểu diễn của họ rất thu hút, thể hiện mạnh nhẹ rất chính xác, đúng lúc. Phong cách biểu diễn của hai người đặc trưng truyền thống Nga, cho đến thời điểm này không còn ai kế thừa cả. Vladimir Sofronitsky sinh năm 1901 tại Saint Peterbourg. Cha ông là giáo sư dạy vật lý. Mẹ ông là họa sĩ nổi tiếng. Khi cả gia đình chuyển đến Vácxava, Sofronitsky đã học piano ở đó. Ông quay lại quê hương khi thế chiến thứ nhất xảy ra và vào học tại Nhạc viện Saint Petersburg. Sau này được biết đến như người đầu tiên biểu diễn nhạc của Skryabin. Từ năm 1943, ông dạy tại Nhạc viện Matxcơva và tỏ ra rất thích hợp với công việc giảng dạy. Các buổi biểu diễn của ông tạo được cảm tình sâu sắc trong khán giả, nhờ sức tưởng tượng phong phú và tình cảm thiết tha trong từng tiếng đàn, đã làm người nghe cảm động. Ông được đánh giá cao khi biểu diễn Beethoven, Schubert, Chopin, Liszt... Heinrich Neuhaus đã từng đánh giá âm nhạc của Sofronitsky thế này: “Tiếng đàn piano của ông ấy cũng giống như hoa lan chuông, hoa đồng tiền, chỉ nở rộ vào mùa xuân rồi tàn đi nhanh chóng. Thơm ngát, đẹp đẽ và thật thuần khiết.” Còn Maria Yudina sinh năm 1899 tại Belarus. Bà cũng học tại Nhạc viện Saint Petersburg như Sofronitsky. Đến năm 1936 được mời về dạy tại Nhạc viện Matxcơva. Trong suốt thế chiến thứ hai, bà vừa dạy nhạc vừa biểu diễn đủ các loại nhạc từ cổ điển đến hiện đại. Yudina yêu văn, thơ, không ham danh lợi tiền bạc, quen với cách sống độc lập. Lúc nào bà cũng mang giày thể thao cũ và mặc đầm đen. Trong biểu diễn cũng rất phóng khoáng, thể hiện âm nhạc tự do không theo khuôn mẫu nào nên tạo được sức thu hút mạnh đối với người nghe. Còn một người nữa cũng làm Đặng Thái Sơn ấn tượng về phong cách biểu diễn. Đó là Vladimir Horowitz. Sơn nhận xét như sau: “Là người chơi rất bóng bẩy. Một cách chơi hoàn toàn khác, cách đánh những nốt nhạc đẹp như là Arturo Benedetti Michelangeli đang hát vậy. Như vậy chẳng phải là có cá tính hơn những người nghệ sĩ piano khác sao?” Khi nghe những nghệ sĩ này biểu diễn Sơn cảm thấy họ có điểm chung căn bản nhất là âm nhạc bay bổng. Đó chính là điều mà anh muốn đạt được. Vào một ngày của năm 1984 lúc Sơn bắt đầu tổ chức buổi biểu diễn ở phương Tây thì nhận được điện thoại của Nikita Magalov. Lúc đó Sơn đang trong khách sạn ở Torino, Ý. “Sao hả anh bạn? Có khỏe không? Thật đúng lúc tôi cũng đang ở Torino. Nếu được anh có thể đến khách sạn tôi đang ở không?” Sơn phấn khởi vô cùng vì có dịp trò chuyện cùng với Magalov. Sơn đã nói rất nhiều những gì nghe được về những hoạt động sau cuộc thi Chopin hay về những hoạt động sau này. “Sơn này, nếu lần tới có dịp biểu diễn ở Thụy Sĩ thì hãy ở lại nhà tôi nhé. Rất vui khi gặp anh đó.” “Vâng, tôi cũng rất vui.” Sơn cũng nhanh chóng thực hiện những điều đã nói. Vào một ngày chủ nhật, anh đã ngồi trước cây đàn piano trong phòng khách nhà Magalov. “Cái gì cũng được. Anh hãy đàn cho tôi nghe một bản đi.” Magalov đã nói thì thầm trong miệng như thế. Và Sơn bắt đầu chơi bài “Lễ tạ ơn” của Schumann và một số bản Rachmaninov. Tại nhà của Magalov, Sơn được xem như người nhà, anh luôn được hưởng bầu không khí vô cùng ấm áp. Khi bản nhạc vừa kết thúc, Magalov nói là muốn chơi một bài cho Sơn nghe. Đó là bản Sonata số 29 cho piano của Beethoven. Sơn tràn ngập cảm xúc hạnh phúc khi nghe Beethoven do Magalov đàn. “Thật ra thì tôi định chơi bài này trong cuộc trình diễn âm nhạc. vì thế tôi đã luyện tập thật tốt để cho anh nghe. Thấy được không?” Magalov nói. Vợ của Magalov là con gái của Joseph Szigeti, nghệ sĩ violon nổi tiếng của Hungari. Sơn cũng từng được bà mời uống một loại trà ngon. Nikita Magalov sinh năm 1912 trong một gia đình quý tộc Nga ở Saint Petersburg. Khi cách mạng Nga xảy ra, ông chuyển đến Tây Âu, vào học tại Nhạc viện Paris. Thầy dạy của ông sau này cũng là người dạy bà Liên, mẹ của Sơn. Magalov tốt nghiệp thủ khoa vào năm mười bảy tuổi và tổ chức buổi biểu diễn đầu tiên cùng năm. Ban đầu ông được biết đến như một nhà soạn nhạc. Sau khi lập gia đình, Magalov chú tâm đến hoạt động biểu diễn piano như một nghệ sĩ piano thực thụ. Sở trường của ông là nhạc của Mozart, Chopin. Ngày 26 tháng 2 năm 1992 ông mất tại Thụy Sĩ. Sơn vẫn nhớ mãi những lời ông đã nói với anh: “Tôi đã học được nhiều từ những nghệ sĩ piano trẻ giống như anh. Có thể nói rằng các anh luôn biểu diễn đúng theo nốt nhạc và cả những tâm tư mà tác giả muốn nói. Những nghệ sĩ piano trẻ biểu diễn Chopin như bộc lộ rõ hiểu biết của bản thân về ông. Tôi thật sự cảm ơn.” Chỉ nói chuyện một chút nhưng Sơn có cảm giác như có luồng gió mát thổi qua tâm hồn mình. “Vì nghệ sĩ biểu diễn rất cô độc nên phải làm thế nào để có thể đủ sức mạnh tinh thần mà bay bổng trên sân khấu.” Từ nhỏ, Sơn đã không thích nhận sự giúp đỡ người khác. Sau này, làm gì cũng phải theo chỉ thị, tình trạng như thế kéo dài nhiều năm, đã hình thành nên một Đặng Thái Sơn thụ động. “Tôi không có dũng khí đấu tranh làm nên việc gì. Nhưng duy chỉ âm nhạc là tôi quyết định theo hướng của mình. Tôi đương nhiên không mang trong người bản chất của một ngôi sao. Không nổi bật rực rỡ trên sân khấu. Chỉ trong âm nhạc tôi phải quyết phân thắng thua.” Sơn đã vài lần nói như thế, phải tiếp tục tiến theo con đường mình đã chọn. “Anh thử thay đổi động tác chơi piano một chút xem sao? Không cần phải có nhiều động tác dư thừa.” Có một lần nào đó Magalov đã hướng dẫn cho Sơn như vậy. Sơn rất ngạc nhiên. Nhưng anh rất cảm kích về sự hướng dẫn của Magalov. Những điều đó cũng được Bashkirov hướng dẫn rồi. “Trước đây ở Matxcơva tôi cũng từng bị nói giống như vậy. Hình như dáng vẻ của tôi vẫn còn chưa đạt.” “Đúng vậy. Nhưng nếu cậu cảm thấy tự nhiên hơn thì cũng được thôi. Được rồi đó. Hãy chú tâm vào phím đàn giống như nhận thức một phần trên cơ thể vậy đó.” Những lời chỉ dạy của Magalov đã bổ sung thêm những kiến thức mà Bashkirov đã dạy. Để có thể hoàn thành dáng vẻ biểu diễn hợp lý nhất, Sơn kéo dài sống lưng ra và cố giữ dáng vẻ đẹp, tự nhiên nhất khi hướng tới piano. Danh mục biểu diễn nhiều lên, những tác phẩm đòi hỏi thể lực cũng nhiều hơn. Cùng với sự thay đổi về cách biểu diễn, Sơn bắt đầu có thể chơi những tác phẩm lớn. Và Sơn bắt đầu tập trung biểu diễn các tác phẩm âm nhạc Nga.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx