sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 57: Lên Đường Đi Ốc Đảo

Trước mắt chúng tôi là một quang cảnh vô cùng hùng vĩ, không thể dùng ngôn ngữ mà miêu tả hết được cái đẹp này. Tất cả chỉ biết ngây người ra ngắm nhìn, tuy rằng đọc qua trong bút kí của Văn Cẩm có nhắc đến một ốc đảo nhưng trong đầu tôi không tưởng tượng nó lại rộng lớn tới mức này.

Bốn phía của ốc đảo rộng mênh mông, bằng mắt thường có thể thấy được sự tinh tế của tạo hóa khi sắp đặt nên một nơi tuyệt đẹp như vậy ở đây, Bàn Tử lại nói đây nhìn như một cái hố thiên thạch. Từ trên núi đá nhìn xuống chỉ thấy bên dưới lãng đãng mây bay khói tỏa và tầng tầng lớp lớp tán cây dày đặc, không thấy được toàn cảnh cụ thể trong ốc đảo.

Đây chính là Tháp Mộc Đà, không tưởng được là chúng tôi lại dùng cách như vậy mới tìm được ra nó, nghĩ thì thấy cũng rất đơn giản. Phan Tử lui xe trở về, mọi người lấy kính viễn vọng ra bắt đầu quan sát phía dưới, cân nhắc xem bên trong có gì. Phan Tử nói:

“Xem ra tòa nham sơn nơi Định Chủ Trác Mã và Văn Cẩm chia tay đã bị phong hóa không để lại dấu tích rồi, tòa nham sơn đó trong vài thập niên vừa qua đã sụp xuống dưới ốc đảo này, có thể là theo dòng nước xói mòn hoặc là do gió thổi đổ. Nhưng theo hướng dòng sông chúng ta vẫn có thể tìm được tới đây”

Trong bút ký của Văn Cẩm không viết tới điều này, tôi cũng không biết nữa nhưng hiện giờ đã phát hiện ra ốc đảo rồi thì chúng tôi nên làm gì tiếp đây, tôi lại hỏi Phan Tử xem anh ta có dự tính gì không.

Phan Tử nói sẽ đi xuống trước xem xét tình hình, tôi lúc gặp có kể qua cho anh ấy nghe chuyện bút ký và lời nhắn mà Định Chủ Trác Mã truyền lại. Biết được rằng Văn Cẩm khả năng đang ở ngay bên trong ốc đảo này, lại nói nếu tiếp tục chờ gặp được chú Ba thì thà cứ đi trước vào bên trong xem tình hình vẫn hơn. Đối với Phan Tử thì Văn Cẩm cũng như là sư mẫu của anh ấy, nếu vì chờ Tam Gia mà để sư mẫu gặp nạn thì anh ấy không làm được, thời gian đã gấp lắm rồi.

Tôi thầm nhủ, anh thật sự là cánh tay phải đắc lực nhất của chú tôi, nhưng tôi cũng không còn đầu óc đâu mà đi để ý tới chuyện đó nữa, lập tức chuẩn bị tinh thần. Đã qua mười ngày từ khi bước chân vào tới sa mạc, mọi người lại bảo tôi xem xem làm cách nào đi vào được trong ốc đảo này.

Trong bút ký của Văn Cẩm có ghi lại lộ trình tiến vào trong ốc đảo, bọn họ ngày trước là đi qua một cái khe núi, nhưng nơi này cảnh vật đã thay đổi ít nhiều. Thông qua con đường ngày trước đội Văn Cẩm đi thì không tìm thấy cái khe núi kia nữa, chúng tôi đành phải đi vòng quanh bồn địa để tìm. Sau vài tiếng cuối cùng cũng phát hiện được một cái khe núi rộng thênh thang.

Phan Tử cua một vòng lớn quanh bồn địa, đại khái là 4 km, tìm được đường vào rồi thì cứ thế cho xe chạy xuống, ban đầu thì có thể ngồi trên xe được, nhưng sau đá núi trở lên mấp mô, có nhiều chỗ hẹp hơn nên mới dừng lại. Mọi người đành xuống xe, lấy trang bị khoác lên lưng rồi bắt đầu cuốc bộ.

Đi tới khi nhìn thấy cây cối rợp mắt mới dừng lại để nghỉ ngơi, tôi cầm bút ký của Văn Cẩm ra xem những gì ghi lại bên trong. Sau khi nhìn bút ký, tôi không khỏi chột dạ, trong đó cô ấy có ghi lại rất nhiều chuyện, có một đoạn là nói về sự nguy hiểm của khe núi ở đây.

Tiếp tục đi vào trong khe núi, độ dốc dần giảm xuống, thảm thực vật nhiệt đới vô cùng rậm rạp, chướng khí tràn ngập, mặt nạ phòng độc của chúng tôi không thể hoạt động trong hoàn cảnh ẩm ướt này. Hơn nữa chỉ có một đường duy nhất đi vào Tây Lương Nữ Quốc nên trên đường đi gặp chuyện gì cũng khiến cho tôi cảm thấy quốc gia cổ đại này vô cùng quỷ dị, vừa đi vừa phải cẩn thận dè chừng.

Cuối khe núi chính là trung tâm của ốc đảo, nơi này có nhiều con sông đổ về, quanh hồ cây cối rậm rạp, xung quanh là đầm lầy ẩm ướt, tất cả chúng hình thành nên một rừng mưa nhiệt đới ngay trong lòng sa mạc. Chúng tôi chắc chắn quốc gia Tây Vực này hình thành ngay bên trong đầm lầy nên nếu muốn đi vào bên trong tìm kiếm cái gì đó thì không khác nào liều mạng.

Chúng tôi nghỉ một chút trong cái khe núi, tiện thể đọc qua vài đoạn miêu tả lộ trình trong quyển bút ký, vì không nghĩ sẽ tiến vào đầm lầy nên rất nhiều chỗ đọc không hiểu gì. Hơn nữa Văn Cẩm cũng đánh dấu hỏi ở nhiều điểm, chúng tôi không giải thích được những dấu hỏi này biểu thị cho cái gì. Càng xem càng thấy khó xử, cuối cùng đành gập lại, quyết định tự mình từng bước tiến vào bên trong.

Sau khi chỉnh đốn lại đội ngũ, chúng tôi bắt đầu từ từ lần mò theo khe núi đi xuống bên dưới, còn phải lo tới việc kiểm soát tiêu hao vật tư trang thiết bị sao cho tiết kiệm. Từ đây muốn đi vào tới tận hậu viện của Tây Vương Mẫu, chắc cũng sẽ phải dùng tới không ít pháo sáng, pháo lạnh, diêm, thuốc men, những cái gì có thể mang đi chúng tôi đều cho hết vào ba lô.

Phan Tử từng có thời kỳ tham chiến tại Việt Nam, giờ trở thành thủ lĩnh đoàn chúng tôi, anh ấy nói là men theo trên vách núi nhìn xuống tình hình cũng không khác khi còn ở chiến trường Việt Nam là mấy. Loại đầm lầy ẩm ướt này là nguy hiểm nhất, bên trên là rừng mưa nhiệt đới bao trùm rộng khắp toàn bộ ốc đảo. Thảm thực vật phát triển mạnh như vậy khẳng định phía dưới sẽ không nhìn thấy được ánh mặt trời. Dưới tán cây tối đen, chướng khí tràn ngập, địa hình như thế tạo điều kiện tốt cho muỗi vắt, đỉa và vô khối những trùng độc khác phát triển.

Hơn nữa không khí ở nơi này vô cùng nóng ẩm, nhiệt độ lên tới hơn ba mươi độ, chúng tôi vẫn phải mặc áo dài quần dài, quan trọng là không để lộ ra một mảng thịt nào, không thì sẽ trở thành mồi cho côn trùng ở đây. A Ninh còn hỏi cô ấy có mang theo thuốc diệt côn trùng, dùng trong này có được không?

Phan Tử cười nói cô chỉ đuổi được muỗi của cô đi chứ không giết được chúng, không đốt được người này nó chuyển sang đốt người khác, trong rừng mưa nhiệt đới thì tốt nhất không nên sử dụng thứ gì phát ra mùi lạ. Nếu không sẽ thu hút dã thú, mà trên tay cô chỉ có mỗi chai thuốc xịt côn trùng, lúc đấy đuổi bằng cách nào được. Không tính tới thú ăn thịt lớn, chỉ cần là con lợn rừng thôi cũng chạy không kịp rồi.

Phan Tử nói một khi tiến vào khu vực có đầm lầy nếu không phải bất đắc dĩ lắm thì không được bước xuống nước, hoặc là phải đi vào lớp bùn bên dưới. Anh kể là trước đây trong tiểu đội của anh ấy có một chiến hữu, bị phục kích vây lại trong đầm lầy. Chỉ một phút không nhấc chân ra mà đến lúc đi lên bờ toàn bộ trên đùi cậu ta bị cắn chi chít, không cảm thấy đau đớn gì, cũng không biết là con gì cắn.

Như trong hoàn cảnh này, nếu chuyện đó xảy ra thì chẳng khác nào toi mạng, thậm chí còn kinh hơn cả chết nữa.

Tôi nhìn trong ánh mắt Phan Tử không thấy như anh ấy đang kể chuyện dọa chơi mọi người, trong lòng cũng cảm thấy hơi sờ sợ nên nhìn ống quần mình rồi liên tục dùng tay phủi. Nghỉ mất hai giờ, chúng tôi sửa sang đóng gói đồ đạc, Phan Tử thét to một tiếng thông báo, chúng tôi liền xuất phát.

Muộn Du Bình tiên phong còn Phan Tử bọc hậu, chặt cây, rẽ lá, tiến vào bên trong khe núi. Chúng tôi đi được một lúc thì trời cũng trở nên âm u vô cùng, có vẻ như sắp có trận mưa lớn. Tôi trong lòng cảm khái, thiên nhiên quả là kỳ diệu không thể đoán trước được, lúc còn đi trên sa mạc Sài Đạt Mộc không tưởng là bên trong nó còn có một rừng mưa như thế này, thật sự là tạo hóa xếp đặt, không theo một khuôn mẫu nào.

Cái khe núi này không giống như là núi đá trong quỷ thành, không phải do bị phong hóa mà tạo thành, đây là vận động địa chất sinh ra khe nứt từ trong lòng núi đá, đáy cốc không bằng phẳng, quái thạch lởm chởm, tầng tầng lớp lớp, vách khe như bị đao bổ vào mà thành.

Nhưng tôi muốn nói là tôi đồng ý với cách nói của Bàn Tử, địa hình nơi này quả thật rất giống với một cái hố thiên thạch. Ốc đảo như bị một cái thiên thạch khổng lồ rơi xuống tạo thành, chắc hẳn lúc mới xuất hiện nó phải sâu lắm. Phong hóa dần dần thì mới dần bồi đắp lên như địa hình bây giờ. Như vậy khe núi này không hẳn là cái duy nhất trong bốn phía ốc đảo này.

Khe sâu rất rộng, sau khi tiến vào rừng rậm, bốn phía đột nhiên vô cùng oi bức, chúng tôi đầy người mồ hôi. Đến cả tảng đá trong này cũng phủ đầy rêu, không thể đi bình thường được, dưới chân nơi nơi đều là rêu ẩm ướt và rễ cây chằng chịt đan xen. Đang mải than rễ cây sao lại mọc đâm lung tung trước mặt như thế này thì chân đã đạp vào một vũng sìn, trên đầu tán cây dày đặc không nhìn thấy mặt trời.

Tôi lập tức liền cảm thấy là mình đã đi lạc vào rừng Amazon chứ không còn là trong sa mạc nữa. Vốn nghĩ sẽ rơi vào tình huống như thế này khi đi tới cuối khe núi nhưng không ngờ là địa thế trong này lại khó đi như vậy, càng đi càng thấy không xong.

Bàn Tử đi được một lúc thì bắt đầu thở hồng hộc, nhìn về tình hình phía trước, may mà trong cái rừng mưa này không có động vật gì kinh khủng. Con mẹ nó, đành cười mấy tiếng coi như là cũng nhờ phúc tổ tiên, bằng không chuyến này đi thật oan uổng.

Phan Tử nói rừng mưa trong này nói nhỏ thì không hề nhỏ, nhưng cũng không thể coi là lớn, chưa cần lo tới thú dữ, sợ nhất vẫn là côn trùng và rắn rết. Ở đây nhiều đầm lầy như vậy, chắc không ít tổ rắn. Bàn Tử nói rắn cũng được lắm chứ, ở Quảng Đông từng được nếm qua mùi vị của món rắn nướng than hoa, dù sao chỉ cần có gì mới mẻ, lão tử cũng coi như là không phí công vào đây.

Tôi lại nghĩ tới trong bút ký của Văn Cẩm có viết: “Vũng bùn có nhiều rắn, người ngốc thì không sợ“. Nói như Phan Tử quả không sai. Không biết những con rắn trong này lớn bé như thế nào, chứ như trong phim điện ảnh của Mĩ, mãng xà cứ phải to như thân cây cổ thụ, xe lu cán cũng không chết, nhưng nơi này chắc không có điều kiện như thế.

Hơn nữa hệ sinh thái ở đây cũng vô cùng đặc biệt, vì là một ốc đảo đơn độc bị quây lại trong sa mạc nên tôi nghĩ ngoài con người và một vài loài chim chóc ra ở đây cơ bản không còn loài nào có thể tiến vào. Hoặc là chỉ có một vài loài sinh vật tồn tại từ lúc ốc đảo hình thành.

Lúc ấy Sài Đạt Mộc vẫn còn là một mảnh đất giàu có, sông ngòi dày đặc, giống loài chắc hẳn phong phú. Có lẽ chúng tôi có thể may mắn tìm thấy được vài loài đã tuyệt chủng ở trong ốc đảo này, những sinh vật đó so với của cải trong cung Tây Vương Mẫu hẳn là có giá trị hơn nhiều.

Nhưng tôi nhanh chóng gạt suy nghĩ đó ra khỏi đầu, trong truyền thuyết Sơn Hải kinh có nhắc tới cung của Tây Vương Mẫu được một đám người mặt chim xanh bảo hộ. Khẳng định là một loài quái điểu mà chúng tôi không biết, không chừng còn có họ hàng với bọn quái điểu đã tấn công khi chúng tôi vào núi Trường Bạch, riêng giống này mà tuyệt chủng được thì quá là tốt.

Vì cây cối mọc chen nhau quá dày đặc mà chúng tôi lại đang trong một đáy khe núi chật hẹp, không có đường quay lại, chúng tôi chỉ có thể lấy dụng cụ chặt bớt cành cây tự tạo cho mình một đường đi. Điều này khiến cho thể lực của mọi người nhanh chóng bị tiêu hao, Bàn Tử và Muộn Du Bình thay nhau chặt chém xung quanh cũng không thay đổi được tình hình.

Cũng may bên cạnh vách núi vẫn còn nhìn thấy một khoảng trời xanh, giống như là đang đi trong tiên giới, cảnh sắc vô cùng huyền ảo. Còn thỉnh thoảng đi qua những thác nước trút xuống dưới, cảm giác cũng không đến nỗi chán. Đi một lúc lâu, chúng tôi phát hiện trên vách đá có rất nhiều hốc đá, chừng đến cả trăm cái, mặt trên phủ đầy rêu xanh, không biết bên trong khắc cái gì.

Chúng tôi lập tức gia tăng cước bộ, không còn tâm trạng để ngắm cảnh nữa, cả đoàn đi xuống đây mà không để ý tới di tích Tây Lương Nữ Quốc này. Lúc trước thì thấy có thiêu thiếu gì đó, giờ nghĩ lại thì đúng là thiếu thật, chúng tôi bắt đầu đang tiến gần tới trung tâm của quốc gia cổ thần bí này.

Nghĩ đến chuyện đó thật sự vô cùng hưng phấn, nhưng trong thực tế thì lại cảm thấy vô cùng khủng bố. Dẹp hết những trò đùa giỡn trên đường, chúng tôi tập trung quan sát hai bên vách núi. Hang đá này có nhiều kích cỡ, có lớn có bé, lớn thì to bằng cái đường cho xe tải, nhỏ thì chỉ cao hơn nửa người.

Không giống như ở Đôn Hoàng, hang đá đều rất nông, từ bên ngoài có thể nhìn thấy những pho tượng được điêu khắc bên trong, chỉ là bị rêu phong toàn bộ bốn phía. Tôi lấy ra một con chủy thủ, bắt đầu gạt hết thực vật bao trùm lên một pho tượng ra, ở bên trong lớp rêu lộ ra một thạch điêu kỳ quái.

Đó là một tượng đá khắc mặt người mình chim, giống với cái chúng tôi thấy trên bình sứ của con thuyền đắm trong quỷ thành, đây chính là điêu khắc của Tây Lương Nữ Quốc. Trải qua ăn mòn hàng nghìn năm, thạch điêu bên ngoài bị phủ kín bởi những lỗ hổng li ti, nhìn rất mơ hồ.

Tôi lấy tay xoa qua những lỗ đá trên mặt tượng, chỉnh thể điêu khắc hiện ra. Đó là một pho tượng được tạc trực tiếp trên vách đá, đầu chim trông giống như là đường nét của phái nữ, đuôi mắt dài đưa tình, mặt không thay đổi nhiều, nhìn ra vẻ lạnh lẽo dị thường. Dưới chân là tạo hình năm sọ đầu lâu, chim này được tạc ra bên trên có hai hài cốt trẻ con, có vẻ những sọ đầu lâu này đều lấy từ hài cốt của chúng.

Bàn Tử nhìn bên dưới, bỗng kinh hô một tiếng:

“Trời ơi, Tiểu Ngô, nhìn cái này xem, con mẹ nó chứ, có phải là…”

Tôi nhảy xuống, sau khi nhìn chỉnh thể thạch điêu, cũng không tự chủ được liền hít một ngụm khí lạnh. Vốn là trong vách đá có hình đầu người mình chim kia có hình hài rất giống với quái điểu đã gặp ở trong núi Trường Bạch.

Điêu khắc vô cùng sinh động, xem bên ngoài núi đá thì người ta lúc tạc tượng còn đổ thêm màu vào. Nếu không bị rêu phủ thì trong hoàn cảnh cây cối âm u như này, chắc tưởng quái điểu từ trong núi Trường Bạch bay tới đậu vào đây.

Tất cả mọi người đều lộ ra thần sắc kinh ngạc, ngay cả trên nét mặt Muộn Du Bình cũng có chút bất ngờ. Mọi người ở đây đều đã đi qua núi Trường Bạch, nhìn những thạch điêu này, khó tránh khỏi nhớ lại tình hình kinh khủng lúc đó.

Tôi cùng Bàn Tử lại đi xem những điêu khắc trên đá khác, phát hiện bên trong đều là điêu khắc chim mặt người, có to có nhỏ, hình thái khác nhau.

A Ninh hít vào một hơi nói:

“Xem ra chúng ta đã đoán đúng, quái điểu trong núi Trường Bạch và quái điểu trong đồ thờ của Tây Vương Mẫu là nguyên hình của chim xanh ba đầu. Tây Lương Nữ Quốc khả năng nắm trong tay một số kỹ thuật mà chúng ta không biết, có thể thuần dưỡng loài quái điểu này. Trong lăng mộ dưới lòng đất của núi Trường Bạch hẳn là có cùng nguyên nhân biến mất với Tây Lương Nữ Quốc. Quái điểu này khả năng cũng sống ở bên trong ốc đảo này, sau đó bị người ta đưa ra phương đông, làm công việc bảo vệ lăng mộ.”

Tôi nói:

“Không sai, tôi cũng cảm thấy như vậy, nơi này địa hình giống với địa hình của hoàng lăng trong lòng đất ở Trường Bạch, đều là trong một hố thiên thạch rất lớn. Xem ra nơi đó có thể là một phiên bản của cung Tây Vương Mẫu, những chuyện chúng ta ở trong núi Trường Bạch trải qua có thể coi là một cuộc diễn tập quy mô lớn, nơi này mới thực chất là hang ổ của nó.”

Bàn Tử nghe xong liền lau mồ hôi nói: “Con bà nó, như mấy người nói thì đây là chỗ ở của ông bà chim điên kia sao? Chúng ta đi vào đây không phải chịu chết sao?”

Chuyện này cũng rất khó nói, tôi quay đầu cười khổ, A Ninh tiếp lời:

“Cũng không đến mức đấy, đã nhiều năm trôi qua như vậy thảo nguyên trên kia cũng bị hoang hóa thành một sa mạc cằn cỗi, thực vật quá ít. Loại chim này chắc đã sớm tuyệt chủng ở đây lâu rồi, trong Trường Bạch thì còn có thể tìm được thức ăn. Nhưng dù thế nào đi nữa, Tây Lương Nữ Quốc lấy chim xanh làm thần bảo hộ, đồ thờ của nơi này có thể giải thích cho chúng ta thấy được nếu chúng ta muốn tiến vào bên trong cung Tây Vương Mẫu. Nhìn thấy những điêu khắc này cũng như nhìn thấy một loại ký hiệu cảnh báo, chúng ta tốt nhất nên đề cao cảnh giác”.

Chúng tôi đều gật đầu, Bàn Tử nói:

“Mẹ nó, cô nói thì hay lắm, lũ chim điên này nếu thật sự diệt sạch được thì mới an tâm, bằng không cả đoàn chắc chỉ đủ làm điểm tâm cho chúng nó.”

Nỗi lo của Bàn Tử cũng giống với nỗi lo cũng tất cả mọi người, chúng tôi nhìn nhau một chút, không ai nói gì cả, vẻ mặt rất phức tạp. Lại dùng dằng một lúc nữa, A Ninh chụp lại vài bức ảnh tượng đá, nhìn xung quanh một vòng ngoại trừ những tảng đá này thì không phát hiện thêm gì. Muộn Du Bình bảo chúng tôi nhanh xuất phát.

Chúng tôi nhìn lại mấy tượng đá một lần nữa, chấn chỉnh tinh thần rồi rời khỏi vách đá, tiếp tục đi vào trong khe núi. Do bị ảnh hưởng tinh thần bởi mấy pho tượng này mà trong một khắc chúng tôi chợt có cảm giác bất an trong lòng, mọi người như đang tiến vào một thế giời không người vô cùng quỷ dị.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx