Khuê ngồi sát vách hầm, bên cạnh mấy chiến sĩ điện thoại đang lăn ra ngủ. Anh chăm chú theo dõi câu chuyện trao đổi giữa Lữ và chính uỷ Kinh.
Thỉnh thoảng Khuê mỉm cười: "Ông cụ Kinh nhà mình nói chuyện với con trai cũng chẳng khác gì nói chuyện với bộ đội". Câu chuyện giữa hai cha con người chính uỷ khiến Khuê nhớ lần đầu tiên mình khoác ba lô tới trung đoàn bộ nhận công tác cần vụ, chính uỷ Kinh cũng nói với anh bằng một kiểu cách gần như vậy.
Anh nhìn theo vệt khói đèn dù trắng lởn vởn trên nền trời đang rạng dần. Một ổ súng bắn tỉa bên ngoài hàng rào như vừa thức giấc thỉnh thoảng nổ một phát đánh chát vào phía trong đồn. Trời sáng được một lát thì Lượng và một chiến sĩ trinh sát từ trên hố cảnh giới bò về hầm, hai người dùng mũi dao găm gạt đất trên các khuỷu tay áo. Lượng hỏi Khuê công việc làm con đường dây vừa được hoàn thành. Lượng cười hỏi Khuê:
- Thế mà dưới sở chỉ huy cứ bảo cậu "đi đứt" rồi?
Khuê nói rõ về cái tin ấy:
- Có một cậu cũng là lính thông tin của sư đoàn vừa bổ sung về, cậu ta không có quần áo, tôi cởi chiếc sơ mi và chiếc quần dài của tôi cho cậu ấy mặc để đi chữa dây. Vội quá cũng chẳng xem trong bộ quần áo vừa cởi ra có giấy má đồ đạc gì, cứ thế đưa cho mặc. Hình như cậu ta tên là An, người bé nhỏ, gan và nhanh lắm. Cậu ta chẳng may tí nào, vừa nối xong mối dây, từ trên sườn đồi 475 chạy xuống thì bị một chập pháo. Thế là cậu ta bị hy sinh ngay tại chỗ.
Chờ cho Kinh và Lữ nói chuyện xong. Khuê đưa ống nói cho Lượng:
- Anh làm việc với đài trưởng "A.1" đi!
Lượng tỏ ý lưỡng lự rồi quyết định:
- Cậu nắm được ý định của anh Nhẫn chắc hơn, cậu cứ nói chuyện với họ thì hơn.
Khuê gọi đài trưởng "A.1". Hai người thống nhất kế hoạch hiệp đồng giữa tổ trinh sát của Lượng và đài quan sát pháo binh "A.1". Cuối cùng, một lần nữa Khuê nhắc lại nhiệm vụ của đài "A.1" sẽ phải gọi bắn theo yêu cầu của trung đoàn mình. Đài trưởng "A.1" công nhận nhiệm vụ ấy, nhưng lại tỏ ý hoài nghi về cương vị người đang nói chuyện:
- Hình như đồng chí không phải tham mưu trưởng "nông rường 5"?
- Tôi là phái viên tác chiến của "nông trường 5" - Khuê nhấn mạnh ý kiến vừa phát biểu một lần nữa - Nhiệm vụ phối thuộc giữa hai bên đã được phòng tham mưu Mặt trận quy định và thông báo cho các trung đoàn trưởng. Tôi chỉ làm công việc nhắc lại với đồng chí để sau này khi cần thiết, hai bên tiện làm việc với nhau mà thôi!
Lượng đứng bên cạnh nghe Khuê nói chuyện với đài trưởng pháo binh Sông Cầu bụng nghĩ thầm: Làm sao mà khả năng của hắn tiến nhanh vậy? Bất kỳ nói chuyện với ai hay làm việc gì hắn cũng tỏ ra nắm chắc công việc, lúc nào hắn cũng tin vào khả năng của mình!
Lượng hỏi Khuê:
- Liệu con đường dây mới mắc với "A.1" có thể "họ" đến ngày tổ chức đánh lấn uy hiếp được không?
- Tôi tin anh em điện thoại lần này họ đảm bảo được. Tôi đã phải tìm một con đường dài gấp đôi nhưng chỉ có năm trăm thước chạy qua trọng điểm.
Khuê phát biểu thêm:
- Đáng lý theo nguyên tắc phối thuộc, bên Sông Cầu phải đảm bảo con đường dây này. Nhưng thôi, trước mắt anh bộ binh cần anh pháo binh chứ chưa phải đã đến lúc anh pháo binh cần đến chúng mình, những thằng bộ binh, để bảo vệ cho họ.
"Cái thằng này ghê gớm thật!". Lượng không thể nào nghĩ trước đây chỉ mấy tháng, Khuê còn là một tiểu dội trưởng trong đại đội trinh sát của anh. "Hắn tiến bộ nhanh lắm. Nom hắn vẫn như một thằng bé con vậy mà việc gì khó khăn đến tay hắn cũng làm được như không". Trong hàng ngũ cán bộ đại đội, Lượng đã là một người xông xáo và giầu năng lực, được trung đoàn trưởng vì nể. Nhưng giữa chiến trường, Lượng chưa bao giờ tỏ ra dám coi thường khả năng quân sự của Khuê, người mà có một hồi anh đã coi như một thằng trẻ con!
Một lần hai người nằm trên chốt, Lượng hỏi Khuê:
- Năm nay cậu bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi.
- Tớ đoán chắc, đến năm hai mươi nhăm tuổi, cậu có thể làm trung đoàn trưởng được.
- Tôi làm sao được! Anh chỉ nói đùa...
- Tớ nói thật đấy!
Gần đây mỗi khi ngồi với nhau, các câu chuyện trao đổi giữa Lượng và Khuê chỉ đóng khung trong phạm vi công việc chung như vậy. Hai người không hay nói chuyện với nhau những chuyện đời tư như trước kia.
Khuê biết hiện giờ Lượng đang chú ý đến một người đàn bà có chồng mà Khuê có gặp qua một đôi lần. Đó là một người đàn bà đẹp, theo như lời bình phẩm của những tay trinh sát sành sỏi đã từng lăn lộn trên cái địa bàn này từ lâu thì "giá có đi khắp cả thung lũng Khe Sanh cũng không thể tìm dâu ra một bông hoa rừng rực rỡ hơn thế!".
Về phía Khuê, đứng trước tình hình ấy, một phần nào anh thấy hơi tự ái. Từ ngày vào chiến rường, Khuê không nói với Lượng thêm một điều nào về người chị ruột của mình hiện đang làm y tá ở trạm phẫu thuật 25. Anh nhận được tin ấy và cũng không hề nói với Lượng. Về phía anh, anh muốn đến trạm phẫu thuật thăm chị nhưng lại ngại cái tính uỷ mị và đa cảm của đàn bà. Khuê đã hình dung ra cảnh tượng nếu anh tìm đến, thế nào chị trông thấy anh cũng khóc lóc như một đứa trẻ, và sau đó anh phải ngồi kể lể dòng dài đầu đuôi câu chuyện thương tâm đã xảy ra từ lâu ở nhà. Làm sao anh có thể chịu được những giọt nước mắt nhiều như mưa sa ấy? Chị anh vốn không phải là cô gái ít nước mắt!
Khuê nghĩ thế và với bản tính thích cứng rắn và dứt khoát, anh quyết định không đến thăm và cũng không tìm cách liên lạc gì cả, mặc dầu trạm phẫu thuật chỉ cách trung đoàn 5 khoảng gần một ngày đường.
Tuy vậy, bao giờ Khuê cũng vẫn thấy thương chị. Anh vẫn còn giữ tất cả những kỷ niệm về một người chị dịu dàng và hiền từ trong gia đình. Chị anh, Nết, là một cô gái thông minh và đảm đang, tuy đã thoát ly công tác nhưng vẫn còn mang nặng tư tưởng gia đình. Chị là con gái đầu lòng trong nhà. Con gái đầu lòng nhà nghèo đất đồng chiêm trũng thường vất vả. Bao giờ nghĩ về chị, Khuê cũng nhớ ngay tới lần chị anh ở đơn vị thanh niên xung phong được về phép. Lần đó nhà Khuê vừa bị trận bom đầu tiên. Đêm sáng trăng mờ mờ. Một quả bom rơi đầu hồi nhà khiến nửa mái nhà bay mất, chỉ còn những chiếc rui bằng tre trơ ra như hàng xương, ánh trăng lọt vào giường mấy anh em nằm. Quanh nhà chỗ nào cũng ngửi thấy mùi khét. Quãng nửa đêm, Khuê thấy một người đội nón, mặc áo bộ đội, quần đen, đi giày vải đến đứng bên giường. Cả Khuê và bốn đứa em cùng hét lên: "Chị Nết về! ". Khuê thấy chị mình thấp bé lủn củn, chẳng nhớn hơn được tí nào. Nhưng khi chị bỏ chiếc ba lô con cóc ra, anh ngạc nhiên thấy chị cao lớn và chững chạc, như một người lớn! Thế là mấy anh em liền quây lấy người chị vừa ở "tuyến lửa" về. Cái ba lô của chị to phồng nhưng mở ra chỉ có một bộ quần áo, còn toàn là thư. Chị bắc thang trèo lên ngồi ngất nghểu trên mái nhà như con trai. Lợp lại nhà xong, chị hối hả mang thư đến tận các nhà chúng bạn. Suốt một tuần lễ, cứ thế, có ngày đi bộ sang huyện bạn cách mười lăm, hai mươi cây số. Ngày nào cũng đi đến tối mới về, lại mang đủ thứ quần áo, vải, giày dép, cặp tóc, gương lược. Những thứ người ta gửi mang về xếp đầy một giường, những đứa em hỏi: "Rồi chị mang đi thế nào cho hết?". Chị ngồi gập chân trên giường, chỉ cười: "Làm sao mà tao không mang được, có gì?". Khuê ngắm chị thấy từ hồi đi ra đã lớn phổng phao và đẹp hơn thật. Những đứa em nhỏ cũng biết hỏi đùa: "Hay chị sắp lấy chồng?". Chị cau mày, rơm rớm nước mắt: "Công cha mẹ chưa báo đáp được gì, tao chưa lấy chồng! ". Ngày hết phép, chị lại trở vào "tuyến lửa", người ngập trong đống ba lô và túi dết hành lý. Chị lại đội chiếc nón như hôm mới về, trông cứ lủn củn như đứa bé. Ngày đó tàu hoả vẫn chạy suốt. Chuyến tàu chạy qua làng vào ban đêm để tránh máy bay. Mẹ Khuê và năm anh em cùng kéo nhau ra đứng bên đường tàu. Nết ngồi trên toa hàng chật ních, nhô nửa người ra ngoài cửa sổ khoát nón vẫy rối rít. Trong đêm tối, Khuê đoán lúc ấy giá nhìn được thế nào cả nhà cũng thấy chị mình đang khóc.
Suốt buổi sáng, Khuê nghỉ trong hầm của Lượng. Hai người không hề nhắc đến việc gia đình nhà cửa một lời nào, chỉ bàn cái việc đánh nhau.
Khuê hỏi Lượng:
- Mấy hôm nay, công việc chuẩn bị tác chiến sắp tới, anh làm đến đâu rồi?
- Chúng mình đã nắm khá chắc cái thằng ngụy trước mặt.
- Anh đã biết ý định của anh Nhẫn về việc cử cán bộ chỉ huy trận đánh sắp tới chưa?
- Chưa, chắc là một cậu tiểu đoàn phó nào đó. Bởi vì lực lượng sử dụng lần này chỉ khoảng chừng một đại đội là cùng.
- Hình như anh Nhẫn đã bàn với anh Kinh, sẽ chỉ định anh.
Lượng đột ngột hỏi:
- Cậu có biết một cụ già cao lớn, người địa phương...
- Có ông cụ Phang đã giúp bộ phận trinh sát của anh hồi đầu phải không?
- Thằng con trai ông lão hiện đang ở trong chiến hào bọn ngụy, trước mặt chúng mình đây này!
Khuê cười cười và nhìn Lượng bằng cặp mắt sắc sảo:
- Thế là không khéo lần này anh chạm trán với nó?
Ngày đêm bom đạn vẫn giội trên đồi 475. Các chiến sĩ đài quan sát lại đang gặp thêm khó khăn về tiếp tế lương thực. Trung đoàn đóng ở xa, một vài đơn vị bộ binh trước đây đài thường dựa vào để được cấp gạo đã chuyển đi các chiến trường khác. Sau hôm nói chuyện với Lữ bằng đường điện thoại mới làm, Kinh lệnh cho chủ nhiệm hậu cần trung đoàn mang lên cho anh em pháo binh mấy bì gạo và một ít đồ hộp. Lần đầu tiên Lữ nhận được của bố gửi kèm theo chuyến gạo hai bức thư gia đình cùng một ít thuốc men. Lữ đem chia cho Moan nửa gói thuốc bổ "tăng lực", những viên thuốc bổ màu đỏ bên ngoài bọc đường giống như một thứ kẹo ngọt.
Giữa tháng ba, Cận đưa một số anh em trở về trung đoàn để lĩnh gạo và các thứ thực phẩm khác, lúc quay trở về đài, chỉ sau mấy ngày địa hình đã khác lạ hẳn đi: ở những chỗ trước đây địch ít đánh tới và dưới các khe giữa hai sườn núi mới mấy ngày trước vẫn còn những thân cây hoặc những bụi gai nho nhỏ, bây giờ tất cả đều bị đánh quang hết. Cận bắt được dưới chân đồi 475 một con chim điếc. Một bầy chim có con bé bằng hòn cuội, có con to hơn và tròn trịa như chim cu, lông cũng dày xam xám màu tro. Chúng đậu im trên mấy cái thân cây cháy đứng trơ trụi, giữa một vùng bãi bom B.52 tan hoang. Anh em bộ đội đi lấy gạo về tới sát gần bên cạnh, những con chim vẫn đậu yên. Họ thử nhặt đá ném, những hòn đá rơi đánh chát vào thân cây làm vỡ ra một lớp than nhưng bầy chim vẫn như chẳng nghe thấy gì hết. Chúng bị điếc!
Cận tìm thấy con chim điếc giữa một búi cỏ tranh khô xác. Những lá tranh đài và sắc như gươm đã úa vàng héo rũ xuống, phủ kín một cái hốc đá. Cận đứng nhìn con vật bé nhỏ đứng thu mình trong những đám lá tranh, tận trong hốc đá sâu. Anh ngồi xuống, nhẹ nhàng chìa bàn tay túm lấy đem ủ trong lần áo sợi dệt kim màu xanh sặc mùi mồ hôi và mùi dầu lau súng.
Cận chạy lạch bạch bằng đôi chân ngắn ngủn nom rất buồn cười đến bên cứa hầm máy, gọi rối rít:
- Lữ ơi, tớ mang quà về cho cậu đây này!
Lữ, Moan và mấy cậu trinh sát liền vây lấy Cận lúc ấy vẫn đang khoác trên vai những bao gạo hai chục cân khiến đầu cổ rụt cả lại. Giữa đất này mà kiếm được con chim cũng là điều thú vị. Mọi người ngắm nghía say sưa. Con chim Cận bắt được giống như con chích chòe nhưng bé hơn, sắc lông nhạt hơn, mào cũng nhạt hơn. Con vật đứng trên một chân, giữa cái lòng bàn tay ram rám rất dày của Cận, đưa cặp mắt lồi hơi vàng nhìn những người lính. Con vật xù lông, vẫy vẫy đôi cánh như sắp bay đi nhưng rồi vẫn đứng yên.
- Con này tên là chim gì vậy? - Lữ hỏi.
Tất cả các chiến sĩ xúm vào vỗ tay, huýt sáo rồi tranh luận ầm ĩ về cái tên của nó.
Có người nói tên đó là chim "Pơla", có người cho là giống chim "Kirông".
- Chim bông lau đấy! - Cận thủng thẳng đáp.
Cuộc cãi vã thế là chấm dứt, ai nấy đều thống nhất ý kiến với Cận, người nổi tiếng là một nhà thực tiễn về động vật học. Các giống chim trên trời hay cá dưới suối, giống nào Cận cũng hiểu tường tận từ đặc điểm tính nết đến hương vị xương thịt.
- Các cậu này, chim bông lau thì phải thấy nó hót chứ sao không thấy nó hót? - Một cậu có cặp má bầu như con gái, hỏi rất ngây thơ.
- Cậu yên chí - Cận giải thích và trao con vật cho Lữ - Chốc nữa quen với chúng mình, nó sẽ hót cho mà nghe. Nhưng phải kiếm cái gì cho nó đậu, cái gì mềm mại một chút, một cái đọt lau chẳng hạn.
Một anh chàng trinh sát mắt xếch nổi tiếng vui tính cúi xuống nói chuyện với con vật:
- Chúng mình tìm đâu ra một cái gì mềm mại cho "anh bạn" được cái đất này? Dưới đất toàn mảnh bom là mảnh bom thế này! Phải tập đậu trên cái mảnh bom mà hót chứ, như tớ đây này, lúc nào tớ cũng vui vẻ, cũng hát hò...!
- Cậu hát thì ma quỷ cũng không nghe được!
- Thế mà hôm nọ cu cậu dám hát cho văn công nghe, cứ y như người ta lăn cái thừng tô nô vậy!
Cận tiếp tục giảng giải:
- Người ta đặt tên giống chim này là bông lau bởi vì vào dạo nào các bãi lau trổ bông như cờ thì nó bắt đầu bay về đậu. Nó ưa đậu trên những rừng lau đang trổ hoa. Hồi ở nhà, chúng mình thường cắm nhựa trên các bông lau, hai thanh nhựa buộc chéo nhau, con chim xoè cánh bay tới đậu liền bị dính nhựa, con chim nào cũng dính hai thanh nhựa hai bên cánh. Chúng mình thường chọn con chim nào hót hay nhất làm chim mồi. Nhưng bất kỳ con chim mồi nào cũng không hót hay bằng con chim đã bay cao. Cái anh bông lau đến lạ! Càng bay cao hót càng khỏe và càng hay. Hồi ở nhà, vào mùa tháng năm khi hoa trổ bông, có khi chúng mình đánh được một lồng đầy chật ních, đem về vặt lông tẩm hành mỡ rồi rán lên, thật tuyệt, thịt nó còn thơm hơn thịt chim ngói hay chim cu cơ đấy!
Nhờ có Cận và Moan thỉnh thoảng giới thiệu nên Lữ đã biết thêm nhiều giống chim rừng. Thung lũng Khe Sanh trước đây là xứ sở của các loài chim. Chim đa đa chuyên môn lủi kiếm ăn dưới các lùm cây thấp. Khướu, chim vẹt, bay từng bầy trong các khu rừng rậm và khô ráo, ngày mới vào chiến rường, chỉ sau một trận mưa những người lính đã nghe khướu hót vang động cả rừng núi. Rồi chim sâu. Và một giống chim gì đó chỉ nhỏ bằng hòn cuội, lông cũng trăng trắng xam xám nom chẳng có gì đáng chú ý nhưng tiếng hót của nó còn ồn ào náo nức hơn tất thảy mọi loài chim khác. Ngoài ra còn chim xanh, rất nhiều loại chim xanh, có con mỏ vàng, con mỏ đỏ. Nhưng ở đây chính là xứ sở của các loài chim lớn và quý: Công từ rừng Lào bay về tùng cặp thường đậu trên các vạt đất thấp và bằng phẳng. Các chiến sĩ trinh sát hồi mới vào chiến rường thỉnh thoảng hay đứng nấp sau các bụi cây để mải mê xem một đôi công múa. Ở đây còn là xứ rừng của chim đại bàng: Đại bàng thường đậu trên các đỉnh núi đá. Lữ đã được trông thấy trên đường giao liên cái dáng một con đại bàng đang vỗ cánh trên một chóp núi đứng nghiêng nghiêng, giống như trong bức tranh chỉ còn thấy treo ở các gia đình có người già và các nhà hoạ sĩ bây giờ không còn ai vẽ nữa. Hồi ở nhà, Lữ được đọc một cuốn sách nói mỗi giống chim có một chỗ ở quen thuộc, có giống quen ở rừng, có giống quen ở biển, có giống quen ở thảo nguyên hay vùng đồng bằng. Chim đại bàng là loài chim cánh cứng có thể bay đi khắp nơi. Tuy vậy đại bàng cũng chỉ tìm nơi đậu ở các cánh rừng đại thụ. Ngay giữa những khu rừng đại thụ, nó cũng tìm chỗ đặt chân trên các mỏm núi đá cao, dáng con đại bàng đậu bao giờ cũng im phăng phắc, như một cái mỏm đá trơ trụi.
Khoảng một vài tuần, Cận lại trực tiếp dẫn anh em về trung đoàn lĩnh thực phẩm và nhân tiện dự các cuộc họp cần thiết hoặc để hội ý công tác Đảng. Một lần trước khi trở về đài Cận dự một cuộc họp tổ Đảng của trung đội trinh sát.
Giữa một chục đồng chí Đảng viên từ các đài quan sát và các mặt trận trở về ngồi chung quanh ngọn đèn. Mặt trước lán, phía nhìn thẳng xuống suối căng tấm ny lông để che bớt ánh sáng ngọn đèn bão. Các Đảng viên ngồi quây quần trên tấm sạp nứa. So với ngày bắt đầu chiến dịch, trông khuôn mặt người nào cũng dày dạn hơn và đã gầy đi. Mấy tháng qua, họ chia nhau đi chiến đấu và lãnh đạo quần chúng ở các đài quan sát nên ít khi có dịp gặp nhau đông đủ.
Các đảng viên tự kiểm điểm vai trò của mình và nhận định những quần chúng tốt trong trung đội, những anh em có thể đưa vào "diện" chuẩn bị kết nạp.
Cận là người từ lâu đã được tổ Đảng phân công phụ trách Lữ. Sang phần nhận định quần chúng, Cận nhận xét Lữ là quần chúng tốt và anh nêu ý kiến có thể đưa Lữ vào "diện" bồi dưỡng. Anh chỉ phát biểu một vài lời ngắn ngủi rồi lại tiếp tục ngồi bó gối nghe các đồng chí khác.
Tổ trưởng Đảng, một đồng chí đại đội phó phụ trách trung đội trinh sát, tóc húi móng lừa, cổ quấn mảnh vải dù pháo sáng, anh thấy ý kiến của Cận quá vắn tắt nên phải hỏi lại lần nữa:
- Đồng chí Cận nhận định Lữ thế nào?
- Cậu ấy tốt - Cận đáp - Tôi thấy có thể kết nạp được!
Tổ trưởng Đảng muốn biết thêm:
- Đồng chí đã tuyên truyền giáo dục "quần chúng" được mấy lần?
Cận báo cáo thành thật:
- Tôi có khuyết điểm... chưa tuyên truyền giáo dục được lần nào cả!
- Trên đấy bận lắm hả? - Một đồng chí thuộc tiểu đội khác hỏi.
- Chẳng phải đâu - Cận trả lời ngượng nghịu - Tôi thì chẳng biết lý luận gì cả, mà quần chúng thì có văn hoá...
- Nhưng quần chúng có mến phục đồng chí không? - Tổ tưởng Đảng gợi ý thêm - Trong chiến đấu và cả trong công tác hằng ngày, đồng chí có gương mẫu trước quần chúng không?
- Về những mặt ấy thì tôi làm được, các đồng chí cứ yên chí!
Tổ Đảng đã nhận định những ý kiến chính xác: Lữ là một đoàn viên có ý thức phấn đấu và rèn luyện, xuất thân gia đình tốt nhưng bản tính hãy còn là một anh học sinh. Tất cả các đồng chí trong tổ cũng đều biết Cận là một đảng viên thuộc thành phần cơ bản vốn nghèo khổ từ bé, tuy trình độ lý luận và văn hóa còn kém nhưng có trình độ giác ngộ giai cấp và chiến đấu hết sức dũng cảm.
Tồ Đảng quyết định giao cho Cận tiếp tục phụ trách quần chúng Lữ, tuyên truyền giáo dục về Đảng cho Lữ.
Từ hôm dự cuộc họp, Cận trở về đơn vị tỏ ra hết sức lo lắng. Anh không biết với trình độ lý luận của mình sẽ ăn nói với quần chúng những chuyện gì? Tuyên truyền giáo dục về Đảng cho quần chúng ư? Vậy thì nói chuyện gì? Cận nhớ trước khi anh được kết nạp vào Đảng, người phụ trách dìu dắt anh cũng chẳng nói với anh nhiều lắm. Lý luận nào đã thuyết phục Cận vào Đảng? - Chính là cuộc đời nghèo khổ của anh, điều đó chẳng cần một thứ lý luận nào cao xa cả. Anh đến với Đảng như một điều tất nhiên, như đời anh phải có Đảng mới có quyền sống và quyền làm người. Anh cần Đảng như người ta cần có cơm ăn, áo mặc và phải có không khí để thở.
Cận là đứa trẻ mồ côi. Năm 1954 kháng chiến kết thúc, anh lên mười một tuổi và vẫn đi ở. Anh chỉ biết gia đình người chủ nhà mà chưa biết họ hàng gia đình nhà mình. Đến hồi "cải cách", Cận mới hoàn toàn được giải phóng. Anh được chia một gian nhà rộng thênh thang trong một toà nhà ngói bảy gian hết sức đẹp đẽ. Anh còn bé ở một mình không tiện nên ra chùa ở chung với vợ chồng "ông sư" ngoài đầu làng. Suốt những năm kháng chiến vị "sư ông" đảng viên trong làng nhiều lần buộc tóc giả lên đầu và xách mã tấu đi chém Tây giữa chợ. Hoà bình lập lại nhà sư để tóc cua và lấy vợ. Vợ nhà sư là một chị gái goá, cũng là đảng viên trong làng, chồng trước làm trung đội trưởng du kích bị Tây bắt mổ bụng. Hai vợ chồng "nhà sư" đã tuyên truyền giáo dục và đứng ra giới thiệu Cận vào Đảng. Ngày ấy, hai người đã nói chuyện với Cận lúc bên cầu ao nhà chùa, lúc bên cái cối xay, tất cả câu chuyện tóm tắt chỉ có một câu: "Đảng là của giai cấp nghèo khổ!..." Cận hiểu câu ấy thấm thía vì chính anh là người của giai cấp nghèo khổ. Biết về mình, bao giờ anh cũng biết trước hết cái điều ấy. Suốt cả quãng đời trẻ thơ, anh chỉ biết có một điều mình nghèo và khổ.
Chẳng phải đối với Cận mà với nhiều người, từ khi Đảng hãy còn hoạt động trong bóng tối, những người đảng viên đầu tiên đã tìm đến những người nghèo khổ để tuyên truyền, phát triển Đảng. Trong ý thức của người nghèo đã sẵn có ý thức Đảng, cũng như cái quả có hạt. Suốt mấy chục năm, hạt giống ươm và nảy mầm trên miếng đất ấy. Những hạt giống đã mọc lên thành rừng cây. Nhưng có điều thực tế là cho đến ngày hôm nay, Đảng đã đào tạo được một thế hệ thanh niên mới. Bàn tay họ đã được cầm bút, con mắt đã được nhìn vào mặt nhiều cuốn sách, tất cả được nuôi nấng lớn lên trong một chế độ xã hội tốt đẹp và công bằng. Đời sống vật chất trong gia đình của họ tuy chưa phải là giàu có nhưng cũng có thể gọi là tạm đủ. Hôm nay, những người thanh niên ấy đang cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ đang tìm đến với Đảng bằng những hiểu biết và lý tưởng xã hội đẹp đẽ mà Đảng đã giáo dục cho họ từ khi còn là những thiếu niên mang khăn quàng đỏ.
Vậy thì hôm nay, công việc tuyên truyền giáo dục cho họ sẽ ra sao? Đảng sẽ nói với những người quần chúng trẻ tuổi ấy những điều gì?
Một hôm, Cận xách hai chiếc ống vầu xuống chân dốc lấy nước. Gạn hàng tiếng đồng hồ mới được hai lưng ống vầu. Khi quay trở về, Cận ghé vào hầm máy bảo nhỏ với Lữ:
- Bao giờ rồi cậu lên chỗ tớ... tớ muốn nói với cậu một việc này...
Lữ hỏi bằng giọng vồn vã:
- Việc gì vậy hả anh?
- Nhưng cậu có rỗi không đã?
- Tôi đang rỗi rãi đây.
Cận bảo Lữ đi theo mình. Tổ trinh sát ở hai cái hầm trên sườn dốc cao nhất. Hầm của Cận xếp đầy những chiếc mặt nạ phòng hơi độc, quần áo ngụy trang, thước đo và bàn đạc. Cận dựa cái ống vầu nước bên bậc cửa, ngồi xuống giữa đống áo ngụy trang ban đêm, bên cạnh một đồng chí trinh sát nằm quay mặt vào bên trong đang ngủ say. Lữ đoán thấy Cận đang sửa soạn nói với mình một câu chuyện rất quan trọng nhưng anh lại mở đầu bằng những chuyện đâu đâu:
- Dạo này đang là tháng hai ta - Cận ngước nhìn ra ngoài bầu trời se lạnh hơi tai tái - Vào vụ này ở nhà quê tớ là mùa đánh cò. Trời lạnh, lại có gió may, đấy chính là mùa cò, vạc! Cậu biết không? Sau ngôi chùa đầu làng mình có một lùm tre rậm lắm. Đêm nào cò cũng về đậu trắng trên các ngọn. Tớ cứ leo lên đấy ngồi, mặt quay về hướng gió, cầm một hòn đá ném ra phía trước mặt. Thế là cả họ hàng nhà cò kêu váng lên, chúng cứ theo chiều gió mà bay giạt đi từng đàn. Tớ chỉ cần quơ hai tay một lúc cũng túm được vài cặp. Họ nhà cò là giống rất lười, chẳng bao giờ chúng chịu bay đậu nơi khác đâu. Chúng kêu váng, bay loạn xạ một lúc lại quay về ngủ chỗ cũ. Mình lại móc túi lấy một hòn đá khác. Cứ thế suốt đêm. Đánh cò bằng cách thô sơ như thế, mỗi đêm cũng kiếm được vài chục con là ít.
Cận nói "chuyện cò chuyện vạc" một lát rồi mới bắt đầu vào câu chuyện chính:
- Vừa qua mình về đại đội, các đồng chí trong tổ Đảng có ý kiến nhận xét về cậu.
- Các đồng chí thấy tôi thế nào hả anh? - Lữ hồi hộp hỏi Cận.
- Chúng mình nhận xét cậu chiến đấu và công tác được, có ý thức phấn đấu rèn luyện... nhưng tính nết hãy còn "học sinh viển vông" thế nào ấy.
Lữ đáp thành thực:
- Các đồng chí nhận xét khuyết điểm của tôi rất đúng. Tôi biết mình hãy còn non nớt, cần pháả thử thách trong công tác và chiến đấu nhiều hơn nữa.
- Cậu được kết nạp Đoàn ở nhà trường phải không?
- Phải.
- Từ bao giờ?
- Từ năm tôi mười sáu.
- Cậu có nguyện vọng vào Đảng không?
- Có. Đấy là nguyện vọng thiết tha nhất của tôi...
Lữ chăm chú nghe Cận phát biểu một hồi. Anh nói chuyện về Đảng, về tôn chỉ mục đích, về vai trò của Đảng viên. Cận càng nói càng tỏ ra lúng túng khó nhọc, như "đánh vật" với chữ nghĩa và các vấn đề khái niệm. Cuối cùng, Cận kết luận:
- Tớ chỉ mong hết chiến dịch này... tớ được giới thiệu cậu vào Đảng.
- Anh cứ tin ở tôi. Tôi hứa sẽ cố gắng!... Lữ cảm động và cũng trở nên lúng túng. Anh ngồi im. Trong ý thức, anh hiểu đây là chuyện hết sức nghiêm chỉnh và quan trọng đối với cả cuộc đời của mình. Nhưng cũng không phải là chuyện nói cho hay, mà phải biểu lộ ra bằng công việc làm, chăng hạn như Cận...
Hồi ở trên đài Q.4, Cận thường dạy cho Lữ một miếng võ ta. Bất ngờ, Lữ ôm ngang lưng Cận, rất chặt.
- Buông ra! - Cận kêu to và biết rằng Lữ đang muốn tỏ dấu hiệu được gần gũi mình.
Lữ càng xiết chặt hai cánh tay, mặt đỏ bừng:
- Tôi đã "khoá" anh rồi đấy nhé!
- Được nhé, được nhé! - Cận quay nửa người trong tư thế đang ngồi, một cánh tay nhanh nhẹn quờ về sau. Trong một chớp mắt, chỉ bằng một tay, Cận đã vật đánh đét anh chàng Lữ lẻo khoẻo xuống nền đất.
- Thằng tồi! - Trông Cận linh hoạt hẳn lên, và anh mắng Lữ bằng giọng thân mật âu yếm.
Cậu trinh sát viên đang ngủ bên cạnh choàng thức dậy, càu nhàu mấy tiếng rồi díp đôi mắt lại, tiếp tục ngủ ngon lành. Lữ nằm "đo ván" trong góc hầm tối, tự nhiên một giọt nước mắt vỡ từ bên khoé mắt. Không khí ẩm ướt trong hầm khiến Lữ nhớ lại tất cả cảm giác hiu quạnh lúc anh nằm một mình dưới cái khe sâu dạo nào, lúc ấy Cận đang đi tìm anh... Ánh sáng ngoài cửa rọi xiên vào, viền một đường chung quanh cái thân hình chắc lẳn của Cận, y như một vầng hào quang - "Một người thật bình thường sao mà khi đứng trước kẻ thù đã lẫm liệt như vậy?" Một niềm vui phấn chấn tràn ngập tâm hồn Lữ. Niềm hạnh phúc của người ta có khi chỉ vì được đứng bên cạnh một người khác, được dẫn dắt bởi bàn tay một người khác - "Anh Cận, Lữ nằm đó suy nghĩ, những điều quan trọng anh vừa nói, tôi hiểu hết. Có lẽ tôi còn có thể nói hay hơn anh, nhưng làm sao tôi có thể làm như anh? Anh là người chân thực và dũng cảm, một người không quen nói mà chỉ quen nhận lấy những phần việc khó khăn nhất Các đồng chí nhận xét về tôi rất đúng. Tôi vẫn còn chưa thay đổi được dáng dấp một cậu học sinh non nớt hay suy nghĩ viển vông! Tôi đã được tham gia chiến đấu nhưng vẫn chưa được thử sức trong những hoàn cảnh khó khăn nhất Tôi không muốn làm con chim bông lau, nhưng chưa thể trở thành con đại bàng có đôi cánh cứng có thể một mình bay qua giông bão!".
@by txiuqw4