Ông cụ Phang vốn là một người hiền lành và gắn bó với cách mạng từ lâu.
Ông cụ gốc thuộc dân Thượng. Hồi còn ít tuổi, bố mẹ chết sớm, ông cụ dã từng theo dãy Trường Sơn mà đi như một kẻ cuồng cẳng, vì sức vóc thì có hơn người mà chẳng biết dùng để làm gì. Người con trai Thượng ấy đã từng đi bộ vào tận Gia Rai, Kon Tum để làm quản tượng cho các hãng buôn chở thuốc phiện bằng voi từ Hạ Lào về. Những con voi Kon Tum và Gia Rai hiền lành, quản Gia Rai thường cột sau đít voi, cạnh các kiện thuốc phiện, bên ngoài xếp toàn trầu không một cái cũi nhốt một con chó để giữ hàng. Anh thanh niên Thượng ấy cũng đã từng đặt chân ra tới đất Mường Xén làm con đường số 8 xuyên Nghệ An sang Lào. Từng xuôi sông Lam xuống tận Bến Thuỷ. Một quãng thời gian khá lâu, ông cụ lại về Quảng Trị làm cu ly "bốc" ngựa ở ga. Bằng sức khỏe hiếm có, ông chỉ cần dùng cạnh bàn tay chém nhẹ vào chỗ eo hai chân sau cho con ngựa khuỵu xuống, trong lúc con vật nằm nghiêng đang vùng vẫy chực chổng bốn vó lật mình dậy thì cái bàn tay cứng như sắt đã vỗ một cái đánh đét vào bên hõm hông, rồi nhanh như cắt, túm lấy hai chân lật nghiêng con ngựa lên. Chúng thò cổ ra bên ngoài nhe những hàm răng trắng nhởn rất dữ tợn chực cắn vào tay, ông cụ liền bắt lấy những cái mõm ngựa đầy nước dãi, xông lên một mùi hăng nồng ẩy vào bên trong, ông cụ vỗ về chúng một cách âu yếm rồi cầm hai đầu dây xích ngoắc vào nhau kêu đánh xoảng. Những chuyến tàu chạy ra khỏi nhà ga vẫn nghe tiếng ngựa đang cắn nhau và hí vang, tiếng bánh nện sầm sập trên con đường sắt.
Đoàn tàu chạy ra khỏi cái thị trấn có nhiều tán bàng đỏ như tiết. Lúc bấy giờ trên vạt đất sân ga in đầy dấu chân ngựa, những đoàn tù chính trị vừa xuống vẫn còn đang túm tụm trước cơn gió rét. Họ là những tù nhân đợi để đưa đi an trí ở Lao Bảo. Đám người tù đưa những cặp mắt gan góc và lạnh lẽo ngắm phong cảnh chung quanh. Con đường từ nhà ga nối với đường 9 hai bên có những dãy nhà lợp tranh. Lá bàng mùa đông rụng đầy trên mái tranh dãy quán xiêu vẹo. Những tên lính khố đỏ khoác súng rường lắp lê, mặt mũi tên nào tên nấy tái xám trước trận gió như roi quất, chúng vụt đen đét roi gân bò vào khoảng không, miệng lẩm bẩm đếm số, chân chạy như phát điên chung quanh đám người đầu trần tay bị xích. Thế xem như đã điểm số xong, bọn lính áp giải liền dẫn tù nhân đi bộ qua giữa hai hàng phu phen và khách ăn để ra ngã ba đường 9. Một hôm vào mùa đông năm đó, sau khi "bốc" hết ngựa lên toa tàu hoả, ông cụ Phang đang đứng rửa tay bên chỗ đầu tàu đỗ lấy nước thì một người nhân viên ga, theo sau một tên lính khố đỏ khoác súng và lưỡi lê sáng quắc, bước tới. Chúng đập tay lên vai ông cụ gọi riêng ra một góc sân, hai thằng xỉa vào giữa bàn tay ông già một đồng hào trắng rồi chẳng nói chẳng rằng, dắt tới bên một toa tàu vừa được cắt rời ra. Ông lão ghé mắt nhìn vào bên trong, mãi mới nhận thấy dưới một tấm chăn vải xám có một người nằm. Một người tù bị bắn chết không biết từ lúc nào, cái xác đã lạnh, dòng máu đỏ sẫm như nước vỏ già chảy từ bên ngực xuống sàn gỗ bẩn thỉu đầy lá bánh, bã mía và lông ngựa. Ông cụ cẩn thận nâng cái xác lên, thò tay lục hết các túi nhưng không tìm thấy một mẩu giấy tờ nào cả. Không biết người quê quán ở đâu, tên cũng không biết, chỉ biết có hàng chữ số tù màu đen sau lưng. ông cụ bất giác rỏ giọt nước mắt, vòng hai cánh tay ôm cái xác nhẹ như xác đứa trẻ đem đặt lên chiếc xe bò kéo ra ngoài ga. Chiếc xe lăn lọc cọc trên đoạn đường đá, vài giọt máu đặc rỏ xuống mặt các viên sỏi rải đường tưởng không thể nào tan được. Cánh đồng ngoại ô rộng đầy gió. Ông cụ cẩn thận moi một cái huyệt rất sâu, chôn người tù trong chiếc áo dạ lính tẩy của mình, cả đồng hào trắng trong túi. Vài hôm sau, ông cụ lần vào phố tìm đến nhà người thợ đá nhờ đánh một cái bia. Người thợ đá dùng đục khắc lên mặt dòng chữ "Mộ một người tù chính trị phạm" và từ chối không lấy của ông già một đồng tiền nào.
Chẳng bao lâu ông cụ Phang bỏ trốn khỏi nhà ga và thôi hẳn việc "bốc" ngựa, sau một lần gây sự đánh nhau với một tên lính khố đỏ. Lại đi lang thang phiêu bạt khắp nơi, nhưng câu chuyện đã xảy ra và hình ảnh những người tù chính trị không thể nào quên được. Ngoài bốn mươi tuổi ông cụ mới quay trở về quê lấy vợ và lập một cái phường săn. Những người trong đoàn tù chính trị ông cụ gặp thoáng qua hồi làm ở nhà ga Quảng Trị, sau mấy năm vẫn nằm ở nhà giam an trí Lao Bảo. Từ bản Chây cũ tới Lao Bảo chỉ một buổi đường. Phường săn đi khắp nơi. Những người tù chính trị bắt mối được với ông cụ một cách hết sức dễ dàng. Chỉ trong khoảng gần một năm trước khởi nghĩa tháng Tám, ông cụ đã có công giúp nhiều đồng chí vượt ngục trở về hoạt động cho phong trào Việt minh bí mật hồi bấy giờ.
Ông cụ Phang là một người có tinh thần nhưng về mặt đời riêng lại chẳng có gì vui vẻ cả.
Hai người đàn bà Vân Kiều lần lượt sống chung với ông nhưng cuối cùng cho đến năm năm mươi tuổi, ông già vẫn là người goá bụa, như một con gà trống to lớn và vụng về phải chăm nom một chú gà con mới đạp vỏ chui ra ngoài. Thằng Kiếm năm đó mới lọt lòng được mấy ngày, đang còn đỏ hỏn thì người mẹ nó chết vì băng huyết. Ông cụ nuôi giọt máu của mình bằng sữa ngựa từ đấy cho đến khi hắn trở thành một thằng bé tóc hung dựng ngược, đen như quả trám, mới tí tuổi đầu đã biết dùng hai bàn tay túm chặt lấy cái bờm ngựa và nằm rạp xuống khi con ngựa cao lớn của ông cụ lồng lên tha thằng bé đi săn hổ, đi bẫy cáo, đi làm rẫy, đi phục kích những toán quân Pháp từ ngoài đường 9 sục vào bản.
Tất cả mọi người cha không phải bao giờ cũng biết trước con cái của mình khi lớn lên sẽ thành người thế nào. Thằng Kiếm đã lớn lên đúng vào thời kỳ quân Mỹ kéo vào con đường 9. Không biết ông trời nào phú cho thằng con trai ấy cái tính nết trái ngược với tất cả mọi người như vậy. Từ một thanh niên can đảm, hắn trở nên một đứa hung hãn, hung hãn đến mức man rợ! Hắn thích đánh bạc và chơi gái. Hắn thích chơi bời và ăn mặc những thứ quần áo lạ lùng. Những thứ văn minh vật chất của bọn lính Mỹ đã khiến hắn lóa mắt, những thứ ấy thiếu gì ngoài thị trấn Khe Sanh và trong các ấp chiến lược? Ông cụ đã khuyên răn hắn nhiều lần nhưng vẫn không được.
Cái lần thằng Kiếm bỏ đi lính cho Mỹ, ông già gầm lên như một con hổ bị thương: "Con trai ông già Phang mà bỏ chạy theo giặc? Chúng nó cướp mất đứa con của ông từ bao giờ?". Ông lão đau đớn đến muốn phát điên lên. Tội nghiệp, giá có thể chết đi hay trở thành điên dại được? Nhưng ông lão vẫn phải sống tỉnh táo để theo dõi tất cả những công việc của đứa con. Ông lão nuôi trong lòng cái ý định giết nó, giết hòn máu độc nhất của mình như một sự trả thù chính mình. Cái ý định ấy thật dứt khoát sau khi ông lão đã suy nghĩ kỹ. Ông lão mang trong lòng cái ý định ghê gớm ấy đồng thời phải chịu đựng nó một cách vất vả gấp nhiều lần so với ngày xưa ông phải nuôi đứa con. Từ ngày thị trấn Khe Sanh được giải phóng, ông cụ Phang được Uỷ ban Giải phóng huyện giao nhiệm vụ vận động nhân dân các ấp chiến lược ra ngoài vùng giải phóng. Mỗi đêm đưa được một số đồng bào trở về bên mình, ông lại nghĩ đến thằng con trai hiện đang ở trong đồn Tà Cơn. Ông cụ nhớ nó, vừa căm giận vừa nhớ nó, bằng một chút tình thương còn sót lại ẩn một chỗ rất sâu tận dưới đáy lòng người cha. Ông lão làm công tác hết sức chăm chỉ và có kết quả. Trên các ngả đường mòn trong rừng, từ tháng giêng tới nay vẫn không bao giờ ngớt những đoàn bà con Vân Kiều tìm đường trở về bản cũ. Người ta vẫn gặp dẫn đầu những đoàn người ấy, một ông già cao lớn và rất ít nói, cái tẩu thuốc bằng đất nung ngậm chặt bên mép, vẻ mặt nghiêm nghị, bao giờ cũng mặc bộ quần áo xanh của bộ đội Giải phóng và đeo chéo bên vai chiếc túi dết đạn của lính Mỹ.
Cuộc sống mới mở ra vẫn cứ như một dòng suối lũ chảy băng qua mọi ghềnh thác không bao giờ biết trì hoãn để tìm tới cái đích hợp lưu cuối cùng. Từ hơn một tháng nay, bà con Vân Kiều từ các ấp chiến lược vẫn cuồn cuộn đổ ra ngoài. Những bản làng mới lại tiếp tục hình thành thêm mỗi ngày một nhiều. Những đám khói đốt rẫy lại nhen lên, màu xám nhạt nom thanh bình xen lẫn với khói bom hình nấm bốc lên cuồn cuộn. Cuộc sống mới đã bắt rễ. Hạt thóc mới vãi ngoài nương đã sắp đến ngày gặt. Túp nhà của mọi người trở về dựng lên vội vã mỗi ngày được tu sửa chắc chắn hơn. Bữa cơm độn bắp buổi tối bên bếp lửa ấm cúng đã gần đông đủ mọi người trong gia đình.
Khác với các gia đình trong bản, gia đình ông cụ
Phang, cũng như từ trước, vẫn chỉ có hai người. Túp nhà sàn bằng nứa đứng nép bên dãy núi đá suốt ngày vẫn lạnh lẽo và phải đốt lửa. Đời sống trong gia đình lúc nào cũng như đang bị thiếu đi một nửa. Cũng như trước kia, từ ngày thằng Kiếm đi lính Mỹ và nghe tin hắn đã chạy theo một con đĩ Mỹ, ông già đối xử với Xiêm nửa như con dâu, nửa như khách trong nhà. Từ trong lương tâm công bằng của mình, ông lão cũng không coi Xiêm như là vợ thằng Kiếm nữa. Bởi vì ông cụ biết Xiêm là một người con gái tốt. Rồi cuộc đời Xiêm, ông cụ thấy cũng cần phải làm lại.
Mối quan hệ tình cảm mới nảy nở giữa Lượng và Xiêm, không phải ông cụ Phang không biết gì. Ông lão vốn rất quý Lượng và thầm công nhận mối quan hệ ấy. Ngọn gió mùa xuân năm nay thổi qua thung lũng Khe Sanh có lẽ nồng nàn hơn mọi năm. Ông lão chăm chú theo dõi thấy con dâu mỗi ngày một trẻ và đẹp ra, còn ông lão thì mỗi ngày một già đi trông thấy. Có đôi lúc ông lão không khỏi so sánh hoàn cảnh hai người trong gia đình: Nay mai Xiêm có thể lấy Lượng hoặc bất cứ người con trai nào khác. Điều đó hết sức chính đáng. Và sau này Xiêm có thể quên hẳn thằng Kiếm cùng quãng đời cũ của mình. Còn ông là một người cha, dù thằng con trai có hư hỏng tội lỗi đến đâu thì suốt đời ông vẫn là cha nó, người đã sinh ra và dạy dỗ nó. Vì thế ông lão đã đi làm cán bộ mà vẫn không nguôi mối hận đối với con trai. Có lúc nào ông lão không phải nghĩ tới nó?
Vào giữa tháng ba, ở một bản trong vùng Cơ Plang có một tên lính ngụy được bộ đội phóng thích đến trình diện trước Uỷ ban giải phóng. Tên lính ngụy là người Vân Kiều bé loắt choắt, bộ quần áo lính bó lấy người hắn thành từng khúc một. Đã thế, hắn còn để ria "con kiến" và hút thuốc lá nhồi trong một cái tẩu rất lớn. Tên lính ngồi trên chiếc ghế dài làm bằng hai thân cây gỗ ghép lại, trong khi mẹ hắn đi theo đang ngồi tựa gốc cây bên ngoài. Người mẹ trông thật là tội nghiệp: Bà ta ước khoảng ngoài bảy mươi tuổi, là một bà già rách rưới ốm yếu. Bà mẹ khoác trên cổ một vòng dây gai. Những ngón tay đen nhọ than lúc nào cũng cử động máy mó trên khuôn ngực để trần, chốc chốc hai bàn tay lại chắp vào nhau vái một cái.
Ông cụ Phang ngắm hai mái tóc mai nhọn hoắt của tên lính ngụy ngồi trước mặt. Từ lúc hắn tới, ông lão chưa bao giờ thấy hắn để cho cái mồm yên một lúc nào. Hắn nhai cái tẩu thuốc. Có khi y như hắn nhai một cái gì rất dai giấu trong khoé miệng.
Ông cụ hỏi:
- Trước kia mày ở đâu?
- Trong Tà Cơn - Hắn đáp.
- Bị bắt trong lúc đánh ra bên ngoài à?
- Phải đấy!
- Mày phải khai hết tình hình trong ấy với bộ đội chưa?
- Rồi. Khai hết rồi.
- Mày nhai cái gì trong mồm vậy?
Hắn cười ngượng nghịu:
- Trước thì có kẹo cao su, bây giờ không có kẹo cao su nữa đâu.
Ông lão quắc mắt:
- Mày hãy nhổ cái thứ kẹo Mỹ ấy ra rồi hãy nói chuyện với tao, mày có muốn thành đứa tốt không hử?
Ông lão bất thần giận sôi lên. Người đàn bà già nua ngồi ngoài vội vàng chắp tay sụp đầu vái lia lịa. Người đàn bà khoác cả chiếc gùi đựng đầy những vòng dây gai đã xe lết đến bên chân ông già Phang, vừa lạy vừa khóc mếu máo. Tội nghiệp, người mẹ tên lính ngụy cứ tưởng "ông cụ uỷ ban" sẽ đem con trai mình bỏ tù.
Ông cụ Phang đứng dậy dìu bà cụ già Vân Kiều ngồi trên ghế, bên cạnh đứa con trai của bà. Ông lão không hề giấu giếm, nói thẳng với bà ta chính mình cũng có một thằng con đi lính Mỹ hiện đang nằm trong vòng vây Tà Cơn của bộ đội Giải phóng.
Lần đó, chính tên ngụy binh được phóng thích vừa đến trình diện đã cho ông cụ Phang biết nhiều tin tức về thằng Kiếm.
Tên ngụy binh khai: Trước kia hắn ở một đại đội ngụy làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài cho quân Mỹ trong đồn Tà Cơn, đại đội hắn đóng ngay sát hàng rào. Mấy tháng sau vì hắn mất tinh thần nên bị thuyên chuyển sang một đơn vị đóng phía tây. Hồi còn ở phía nam, hắn đã từng ở cùng đại đội với thằng Kiếm. Hắn nhắc tới thằng con trai ông già Phang bằng giọng thán phục như nhắc tới một người anh hùng. Hắn cho ông già biết thằng Kiếm đã được phong chức thượng sĩ, hắn vốn là lính biệt kích cũ nên có hồi thường được bọn Mỹ phái ra ngoài hàng rào để rải mìn lá và thăm dò lực lượng bộ đội. Hiện nay hắn là trung đội trưởng. Tên lính ngụy còn cho ông lão biết từ ngày được đề bạt trung đội trưởng, thằng Kiếm càng xông xáo.
Từ hôm ấy, ông lão Phang cảng trở nên âm thầm.
Ông lão lại thích ngồi uống rượu một mình và hay nổi giận vô cớ. Một hôm, ông lão bảo Xiêm gói cho mình một nắm cơm nắm rồi khoác khẩu súng săn và chiếc túi đạn vào người y như ngày xưa ông lão sắp sửa đi với phường săn. Xiêm hỏi một cách lo lắng:
- Bố đi đâu vậy?
- Tao đi hỏi tội thằng Kiếm trong đồn Tà Cơn.- Ông lão quắc mắt lên với con dâu - Có ai hỏi, bảo tao đang ở trong đồn Tà Cơn.
Thế là ông lão bỏ đi.
Ta có thể xem ông cụ Phang và chính uỷ Kinh là hai người cha đều có chung một niềm mong mỏi đối với con cái nhưng hoàn cảnh giữa hai người khác nhau biết chừng nào! Hai người đã có dịp gặp nhau vài bận. Lần thứ nhất, khi trung đoàn mới hành quân vào, Kinh trông thấy ở chỗ làm việc của Nhẫn và anh em trinh sát đi trước chuẩn bị chiến trường có một ông già địa phương. Ngay khi thoạt nhìn thấy, Kinh đã tưởng đó là một nhân vật trong sách "Việt Nam dị nhân", một con người cao lớn quá khuôn khổ bình thường, ông lão mặc chiếc sơ mi bộ đội như mặc chiếc áo của đứa trẻ, hai chiếc "con đỉa" chỉ dính đến nửa vai. Khi được nghe Nhẫn và Lượng giới thiệu, Kinh vội vàng chạy đến chào và làm quen với ông già kỳ dị. Kinh không ngờ chính đó là người đã có công giúp Lượng thoát khỏi nhà giam, chuyến Lượng cùng với Kinh đi công tác vào chiến trường. Sau vài buổi nói chuyện thân mật, Kinh dần dần biết được đời tư và nỗi đau khổ của người cha hết sức nghiêm khắc ấy. Từ đó Kinh càng nể ông cụ, đồng thời hoàn cảnh con cái cùng nỗi băn khoăn của ông cụ Phang đã khiến cho Kinh nhận thức thấy hết niềm hạnh phúc lớn lao của mình: Đối với hoàn cảnh xã hội và bước đường đời của một đứa con, chưa bao giờ Kinh phải lo lắng đến như thế.
Cũng vì vậy từ đó Kinh thường xuyên quan tâm đến ông cụ và số phận đứa con của ông. Kinh hỏi thăm luôn. ông cụ Phang cũng nhận thấy trong số những đồng chí cán bộ bộ đội, chính uỷ Kinh là người có thể thông cảm với mình hơn cả.
Đêm hôm ấy, chính uỷ Kinh và Khuê đang đi thăm các chiến sĩ giữ chốt phía nam. Hai người từ khu vực trận địa hoả lực trở về đến trung đội bộ binh thì trăng đã sắp lặn. Địch bắn pháo và "tọa độ" liên tục. Về phía chân trời, mảnh trăng thượng tuần vàng vọt vẫn chưa tắt hẳn. Mảnh trăng khuất sau màn sương thỉnh thoảng bị xé ra bởi ánh chớp của một chùm bom nổ. Tiếng AD.6 liệng không bao giờ tắt. Bóng chiếc máy bay cánh quạt lao qua những chùm pháo sáng thay nhau treo lơ lửng trên hàng rào.
Kinh lợi dụng khoảng đất trũng theo Khuê bò trở về phía sau. Hai người trở về đến chỗ đồng chí đại đội phó bộ binh thì trông thấy hai cậu chiến sĩ chống xẻng ngồi bên cửa hàm ếch. Kinh được hai cậu chiến sĩ báo cáo: Trong lúc bộ đội đào chiến hào ngầm xuyên qua hàng rào, họ bắt được một tên địch mặc cải trang quần áo bộ đội, đang nằm phục giữa bãi rác.
Kinh ngỏ ý muốn gặp. Lát sau tên tù binh theo lệnh của đồng chí đại đội phó được dẫn tới. Một ánh đèn pin soi tận mặt tên địch cao lớn. Kinh hết sức ngạc nhiên tưởng như mình đang nằm mơ vậy! Bới vì người tù binh ngồi trước mặt ông chính là ông cụ Phang.
Kinh lập tức hạ lệnh cởi trói và cầm tay ông cụ dắt vào trong hầm.
- Cụ Phang à, cụ có nhận ra tôi không? - Kinh hỏi - Cụ lên đây có việc gì?
- Có. Thưa đồng chí chính uỷ, tôi muốn đi tìm thằng con trai của tôi - ông lão ngồi xuống trước mặt Kinh và các đồng chí bộ đội, đáp bằng giọng buồn bã.
Kinh sực hiểu. Nhưng ông không thể hiểu tất cả ý định lạ lùng của ông lão? Không biết ông già tự động tìm lên tận đây nằm đã lâu chưa? Sao bộ đội bây giờ mới biết? Trông ông lão vẫn vững chãi và bình thản như thường. Chỉ có nước da dầm sương trở nên bờn bợt và thần sắc nhìn kỹ có vẻ ngơ ngác, mệt mỏi.
- Cụ nằm trong cái bãi rác đã mấy ngày? - Kinh hỏi tiếp.
- Mới từ chiều hôm qua thôi!
- Tôi xin hỏi cụ, cụ định kế hoạch thế nào để gặp mặt được "nó" trong ấy?
- Tôi định tối nay, tôi bò vào bên trong ấy, tìm được "nó"... tôi sẽ bắt nó phải về nhà.
- Nếu "nó" không chịu về thì sao?
- Tôi sẽ xử tội nó trước mặt bọn chúng nó!
- Nếu cụ không thể vào tới nơi, hoặc có thể vào được nhưng chúng nó đem cụ giết đi thì sao?
Ông lão Phang vẫn bình tĩnh trả lời:
- Thì tôi chết, chẳng sao cả!
- Cụ là cán bộ, khi lên đây sao không báo cáo cho anh em bộ đội biết?
- Đây là việc riêng trong nhà. Công việc của bộ đội thì bộ đội làm, còn công việc riêng của tôi, tôi phải làm.
Ông lão ngồi bệt lưng tựa bên vách hàm ếch lần lượt trả lời các câu hỏi bằng giọng từ tốn và bình tĩnh. Kinh ngắm cái thân hình "khổng lồ" và khuôn mặt kiên nghị của ông lão, lúc bấy giờ như đang hiện lên tất cả vẻ đau khổ khôn cùng từ đáy lòng một người cha. "Một con người đầy nghị lực và dũng mãnh như thế kia thì không có sức mạnh nào từ bên ngoài có thể tác động tới được!" Kinh biết nếu có động viên hoặc an ủi ông lão vài lời cũng là hết sức vô ích. Tuy vậy, Kinh cũng lựa lời bàn với ông lão không nên hành động vì sự nóng nảy và nên từ bỏ cái ý định tìm cách giáp mặt thằng con một cách nguy hiểm. Kinh tìm cách thuyết phục ông cụ bằng cách trình bày quan niệm của mình: đối với ông cụ cũng như đối với mọi người, vấn đề cần thiết là phải thanh toán cho được thằng Mỹ. Đấy là vấn đề chung của tất cả mọi người Việt Nam hiện nay chứ không phải việc riêng của một gia đình hay của một người nào. Kinh khuyên ông lão hãy trở về tiếp tục công việc đưa đồng bào trở về với cách mạng, còn việc thằng Kiếm hiện đang cầm súng theo giặc thì ở mặt trận đã có bộ đội giải quyết.
Hành động của ông cụ, người cha của một tên lính ngụy đêm hôm ấy đã gây cho Kinh và anh em bộ đội trên chốt một ấn tượng mãnh liệt.
Mấy ngày sau Kinh trở về sở chỉ huy trung đoàn. Ông và Nhẫn dành phần lớn thời gian vào việc chuẩn bị cho kế hoạch đánh lấn sâu vào Tà Cơn. Kinh bận họp hành lu bù đến nỗi có một lá thư của vợ cũng để quên trong túi áo, mãi mấy ngày sau mới giở ra đọc:
"Bố thằng Lữ,
Ông có khỏe không? Có ốm đau gì không? Bữa trước một đồng chí từ trong chiến trường ra đến nhà ta chơi, nói rằng cả ông và thằng Lữ đều ở trung đoàn pháo binh hiện đang đánh nhau ở Khe Sanh.
Ở nhà mọi người đều bình yên và đang tích cực sản xuất để góp phần cùng tiền tuyến chống Mỹ, cứu nước. Thằng Trí vừa nhận được giấy trên gửi xuống cho đi học nước ngoài. ông Kinh ơi, ở nhà mọi việc tôi xin lo liệu lấy được nhưng mong ông hãy bỏ chút thì giờ thỉnh thoảng đến thăm nom thằng Lữ hộ cho tôi, bảo với nó tôi ở nhà nhớ nó lắm. Vắn tắt mấy lời chúc hai bố ông khoẻ mạnh kiên quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!
Kính thư
TRẦN THỊ DẬM
Kinh đọc đi đọc lại hai ba lần, lá thư quá ngắn ngủi như một bức điện tín của vợ, viết bằng phẩm tím trên giấy vở học trò. Kinh cười và nói với Nhẫn rằng từ khi hai người lấy nhau, vợ ông viết cho ông khoảng năm bảy lá thư, lá nào cũng ngắn ngủi khoảng vài ba chục chữ. Tính vợ Kinh như thế nếu chồng ở hậu phương, dù xa nhà và lâu không về chị cũng không hề biên một lá thư nào. Hình như theo quan niệm của nhiều người đàn bà ở quê, thư viết cho chồng bao giờ cũng là dấu hiệu của giặc giã và chiến tranh, và là chút tình cảm của người hậu phương gửi ra tiền tuyến. Vì thế Kinh chỉ có dịp được nhìn thấy nét chữ nắn nót như trẻ con viết tập của bà vợ mình giữa hai trận đánh ở ngoài mặt trận, và đừng hòng bao giờ tìm thấy một chi tiết những công việc cụ thể, những lo toan của người ở nhà.
Vợ chồng Kinh có năm con. Hai đứa con trai mỗi đứa ra đời sau một chiến dịch hồi kháng chiến chống Pháp. Hai đứa con trai lớn từ bé tính nết đã xung khắc nhau. Thằng anh làm việc gì cũng tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Thằng em thì can đảm thông minh, hồi bé cầm cái gì cũng đổ vỡ. Kinh còn nhớ một chi tiết buồn cười do vợ kể: thằng Lữ sinh ra đặt nằm trên chiếc chõng tre hàng tiếng đồng hồ sau mà vẫn không thấy cất tiếng khóc. Một ông bác họ nằm nhà ngoài lẳng lặng lôi thằng Trí tới bên cửa buồng, quật cho thằng anh vẫn còn đang ngái ngủ mấy roi. Thằng bé mới sinh nghe thằng anh khóc mới bắt chước mà khóc theo. Vợ Kinh và cả gia đình đều nức nở khen cái thằng bé vừa lọt lòng ra mà đã gan lỳ, mọi người đều đoán nhất định sau này thằng bé lớn lên sẽ đi bộ đội được.
Kinh trao cho Nhẫn cùng đọc bức thư của vợ mình và lá thứ rất dài của thằng Trí. Thằng con trai đầu lòng của ông chắc hẳn lúc này đã đi xa, không còn có mặt ở trong nước nữa. Lá thư dài bốn trang của nó viết trên một thứ giấy giang địa phương tự sản xuất lấy, những tờ giấy màu sạm đen, dày và cứng.
Thư thằng Trí viết cho ông có đoạn:
"... Bố ạ, con viết thư này cho bố sau mấy ngày chúng con được về nghỉ phép ở nhà để ngày mai lên đường trở lại địa điểm tập trung các học sinh đi học nước ngoài.
Vùng ta hồi này địch đánh phá có thưa đi ít nhiều. Các đồng chí cán bộ trên huyện xuống giải thích cho nhân dân, địch đang tập trung lực lượng máy bay để đối phó với ta ở chiến trường Khe Sanh. Năm nay nhân dân chỉ ăn Tết có một ngày rồi đổ ra đồng. Những tin tức Tổng tấn công mùa Xuân đang làm mọi người nức lòng, ai cũng muốn làm việc hết sức để xứng đáng với tiền tuyến. Làng xóm nào cũng như ngày hội chiến thắng cả!
Vùng ta trong năm cấy chậm quá, đáng lẽ có thể cấy nhanh hơn nữa. Tuy vậy ra giêng đã huy động được nhân công để cấy bù vào. Đó là do khí thế chiến thắng của tiền tuyến đã ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của mọi người và do việc địch đánh phá thưa hơn. Theo con, việc làm ăn của vùng ta chưa được sắp xếp thật là khoa học và tỉ mỉ, sử dung nhân lực chưa thật có kế hoạch nên hãy còn lãng phí.
Bố ạ, suốt những năm học chống Mỹ, cứu nước, con đã trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp trong xã, điều khiến con nhớ mãi là tinh thần hy sinh vì tiền tuyến của bà con chung quanh, không thể nào kể hết những vất vả hy sinh âm thầm của những người dân yêu nước bình thường giữa những ngày tháng này.
Vừa qua, con ở nhà được năm ngày, ngày hai buổi con chỉ đi cấy với mẹ.
Trong những năm học ở nước ngoài, có lẽ con không được về nước, khi nào học xong mới về một thể để khỏi tốn kém cho Nhà nước. Con đã nói với mẹ điều đó. Từ ngày mặt trận Khe Sanh nổ súng, tin tức chiến thắng ở nhà ta được nghe thường xuyên. Ngày nào nghe loa truyền tin xong, mẹ nhắc tới bố và em Lữ.
Bố, chắc lúc này bố đang đọc thư của con trong hầm chỉ huy hay trong chiến hào? Con ra đi mà không được gặp bố và em. Chúng con hiểu chúng con phải đi xa đất nước giữa những ngày tháng này là một điều thiệt thòi. Con hứa với bố con sẽ sống và học tập với tinh thần như một chiến sĩ ở ngoài mặt trận. Con sẽ không bao giờ dám quên giữa lúc này, những người thanh niên đầy tài năng và ưu tú nhất cùng lứa tuổi với con đều đang cầm súng chiến đấu ngoài tiền tuyến...
Cũng như tất cả mọi gia đình Việt Nam chúng ta hiện nay, gia đình chính uỷ Kinh đang tự xé ra, chia nhau mỗi người đi mỗi ngả để gánh vác công việc khác nhau của đất nước.
Trước ngày nhận được thư vợ và con trai đầu lòng ở nhà, Kinh cũng đã biết tin đứa con trai thứ hai của ông. Lữ hiện đang ở trên đài quan sát của trung đoàn pháo binh đặt trên điểm cao 475. Gần như một phần lớn trung đoàn 5 của Kinh đã rải quân dưới chân phía đông đồi 475. Từ các con đường hào trục, chiến sĩ bộ binh ngày nào cũng trông thấy quả đồi "A.1" với ba mỏm cao sừng sững, như một hòn núi lửa đang đang khuất sau làn sương mù.
Đường dây điện thoại từ chỗ Lượng liên lạc với 475 vừa mắc xong thì bị địch đánh đứt tung. Một lần đường dây vừa được nối lại, từ sở chỉ huy trung đoàn, Kinh gọi qua máy của Lượng để xin đài quan sát pháo binh. Ông đề nghị "A.1" cho nói chuyện với Lữ. Không biết một chiến sĩ nào đó ở đầu dây bên kia liền hỏi Kinh bằng giọng hấp tấp như người nói lắp:
- Đồng chí thuộc đơn vị nào?
- Tôi ở nông trường 5 - Kinh đáp - tôi có chút việc riêng muốn gặp đồng chí Lữ.
Cậu chiến sĩ điện thoại "A.1" nghe giọng miền Trung nằng nặng, có lẽ phỏng đoán được liền hấp tấp trả lời:
- Có phải đồng chí là chính uỷ nông rường 5 phải không? Đợi nhé, thú trưởng đừng bỏ máy, chờ tôi đi gọi đồng chí Lữ!
Kinh cầm ống nghe đợi một hồi lâu vẫn không thấy gì. Cái ống nghe nhẹ tênh. Đường dây lại bị đánh đứt rồi!
Con đường dây điện thoại liên lạc với đài quan sát Sông Cầu đã trở thành mối lo của Nhẫn. Trong những trận đánh sắp tới theo như trong kế hoạch Nhẫn muốn dành cho đơn vị của mình sự yểm hộ đắc lực của pháo binh. Thế mà đường dây liên lạc với họ chỉ dài khoảng vài ba cây số, không thể nào đảm bảo thường xuyên được. Nhẫn bàn bạc với tham mưu trưởng, quyết định giao cho Khuê chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức lại con đường điện thoại này, hẹn trong hai ngày đêm phải hoàn thành.
Khuê chấp hành nhiệm vụ ấy với một tinh thần khẩn trương. Anh trực tiếp đi nghiên cứu thực địa xong rồi mới cho liên lạc triệu tập đồng chí trung đội phó hữu tuyến tới ban tham mưu trung đoàn.
Đồng chí trung đội phó phụ trách đường dây 475 tới gặp Khuê, với một niềm kiêu hãnh ngấm ngầm: "Tao vừa ở chỗ thừa chết thiếu sống bước ra đây! ". Đầu và cánh tay đều quấn băng, da mặt đỏ như người bị bệnh áp huyết cao, anh ta ngồi xếp bằng trên đống dây điện thoại trước hầm tham mưu, thận trọng cong mười ngón tay vấn một điếu thuốc lá sâu kèn. Khi thè lưỡi dấp nước miếng vào lần giấy báo, anh ta mới thèm đá ngang cặp mắt nhìn lướt từ phía trên đầu Khuê, miệng hỏi: "Ông Nhẫn "chửi" chúng tớ ghê lắm thì phải?". Vừa nói anh ta vừa bật lửa châm thuốc hút.
Khuê trải tấm bản đồ một phần hai mười lăm nghìn trước mặt anh trung đội phó, cặp mắt hẹp và sắc sảo hơi ánh lên một tia sáng giễu cợt:
- Cậu nhầm đấy! Anh Nhẫn lại còn nói sẽ đề nghị tặng huân chương cho bộ phận các cậu là đằng khác.
- Thôi đi, cậu xuống ở dưới đơn vị xông pha bom đạn một dạo rồi cậu khắc biết làm một đường dây như đường "A.1" không dễ như cậu ngồi đây quan niệm đâu.
- Vừa ban nãy, mình nói thật đấy - Khuê nghiêm sắc mặt - dù sao thì đấy vẫn là con đường dây điện thoại khó nhất. Nào, cậu cho tớ biết những khó khăn hiện nay của các cậu?
- Khó nhất là người. Tôi đề nghị ban tham mưu cho thêm năm người.
- Hiện giờ còn mấy người?
- Ba thôi, cả tôi nữa.
- Chúng mình sẽ đề nghị tham mưu trưởng bổ sung thêm người - Khuê đáp - Những cậu hữu tuyến đã qua chiến đấu rồi hẳn hoi. Nhưng không có nhiều đâu, vừa đủ cho các cậu đặt hai tổ cố định phụ trách từng đoạn để kịp thời đi chữa khi bị đánh đứt... Còn gì nữa?
- Thứ hai là dây - trung đội phó chỉ cuộn dây điện cháy quăn, đứt nhiều chỗ treo trước cửa hầm - Cậu xem đó!
- Biết rồi (Khuê không nhìn ra). Cậu hãy cho anh em đi nhặt dây của địch mà dùng. Tớ thấy dọc đường 9 còn khối dây của thằng Mỹ để lại, chịu khó tìm có thể có!
- Như thế là không được bổ sung thêm nữa?
Khuê ôn tồn:
- Nếu ở sở chỉ huy còn dây thì mình tiếc với các cậu làm gì. Còn khó khăn gì nữa? Còn vấn đề thằng địch đánh rát quá phải không?
- Tất nhiên! - Anh trung đội phó đáp chủng chẳng.
Khuê nói bình thản:
- Mình sẽ đi với các cậu để tìm một con đường kéo dây tới 475 đảm bảo hơn, sẽ xa hơn con đường cũ, nhưng mình tin là các cậu có thể đảm bảo được.
Đồng chí trung đội phó thông tin tỏ vẻ ngạc nhiên, da mặt càng căng đỏ tía lên:
- Đi theo chúng mình? Bao giờ cậu có thể đi được?
- Đi ngay tối nay. Bảy giờ tối xuất phát được chứ? Mấy tối vừa qua mình đã tranh thủ mò đi trước để xem địa hình - Khuê chỉ bản đồ - Mình đã đi theo con đường này... Mình sẽ dẫn các cậu đi lại thử xem sao.
Từ hôm đó, Nhẫn cùng tham mưu trưởng chăm chú chờ đợi kết quả công việc của Khuê báo cáo về sở chỉ huy trung đoàn. Sau một đêm và một ngày trôi qua, trung đoàn mới nhận được báo cáo của Lượng: "Bộ phận điện thoại do Khuê dẫn đi rải dây lên được tới chân 475 nhưng đường dây lại vừa bị đánh đứt!"
Vào buổi sớm ngày thứ hai, Nhẫn và Kinh đang hội ý công việc với nhau thì tham mưu trưởng vào với nét mặt buồn rầu:
- Thằng Khuê hy sinh rồi, anh Nhẫn ạ!
Nhẫn và Kinh đều quay về phía tham mưu trưởng.
- Tin ở đâu vậy? - Kinh hỏi.
Tham mưu trưởng rút trong túi áo đặt trước mặt hai người tấm "Chứng minh thư Quân giải phóng" và một vài thứ giấy tờ khác. Tất cả các thứ giấy tờ đúng là của Khuê rồi! Tham mưu trưởng báo cáo vắn tắt: Một cán bộ bên tiểu đoàn công binh sư đoàn bạn vừa tìm thấy một chiến sĩ vóc người bé nhỏ bị bom hy sinh dưới chân 475. Đồng chí đó đã chôn cất chu đáo, vẽ sơ đồ mộ chí và chiếu theo địa chỉ đơn vị gửi các tư trang của đồng chí tử sĩ về cho trung đoàn.
Nhẫn xếp tờ chứng minh thư và các giấy má, cả tấm sơ đồ mộ chí mà ngôi mộ đánh dấu bằng một ngôi sao đỏ vào túi bản đồ riêng bằng mê ca. Anh quay sang báo tham mưu trưởng: "Hãy bảo đại đội trưởng thông tin cho một tổ đi tìm bộ phận rải dây lên 475. Anh lệnh cho đi ngay!" Rồi Nhẫn vẫn bình thản tiếp tục trao đổi công việc với Kinh và sau đó điều khiển cuộc hội ý giao ban như thường lệ.
Kinh bỏ bữa cơm trưa hôm ấy.
Sau khi làm việc với một cán bộ tuyên huấn của cơ quan chính trị Mặt trận vừa mới xuống lấy tình hình, Kinh chắp tay sau lưng lững thững dọc con suối dưới chân đồi cửa sở chỉ huy trung đoàn. Gặp cậu chiến sĩ nào Kinh cũng bắt chuyện hình như để khuây khoả. Rồi ông trở về ngồi một mình hồi lâu bên chiếc hầm trước đây chính tay Khuê đã đào cho ông. Kinh trách thầm mình: Có biết bao nhiêu chiến sĩ và cán bộ trung đoàn đã ngã xuống vì nhiệm vụ một cách vinh quang, sao mình quá thương cảm đối với một cậu chiến sĩ quen thuộc gần gũi với mình?
Suốt đêm hầu như Kinh trằn trọc không ngủ. Thế là thằng Khuê hy sinh rồi! Ông tiếc. Giá thằng ấy còn sống nó có thể làm được bao nhiêu việc, cả bây giờ và về sau này nữa. Kinh nghĩ miên man đến những người chiến sĩ của mình trong trung đoàn. Chẳng phải tại đây trên chiến trường, chung quanh ông đang tập hợp những người thanh niên dũng cảm và đầy triển vọng tài năng của đất nước? Có phải đấy chính là điều mà thằng Trí, thằng con trai ông sắp đi học nước ngoài đã phát biểu trong bức thư gửi cho ông? Trong những ngày đang kháng chiến, ai chẳng có thể dễ dàng nhìn thấy tinh thần dũng cảm cũng như sự hy sinh cao quý của những người đang cầm súng đánh giặc. Nhưng còn về sau này, khi thằng con trai của ông từ nước ngoài trở về thì đất nước đã đổi thay, nó sẽ gặp những người anh hùng vô danh hôm nay trong tư thế và địa vị của những người bình thường, lúc ấy nó sẽ nói với họ điều gì phỏng nó có nghĩ như bây giờ?
Gần sáng Kinh nằm trong hầm bên cạnh cậu cần vụ mới, vừa chợp mắt được một lát đã bị đánh thức dậy bởi những loạt bom nổ làm rung chuyển các xà vỉ trên đầu.
Tiếng chuông điện thoại bỗng đổ lanh lảnh.
Kinh nhổm dậy, áp chiếc ống nghe lạnh buốt vào bên tai, cất giọng khàn khàn:
- Kinh đây, đồng chí là ai đấy?
- Khuê đây! Thủ trưởng nói chuyện với cậu Lữ trên 475 đi!
Kinh ngồi bật dậy, chân tay luống cuống, ông cứ rối rít như một đứa trẻ suýt nữa đánh rơi mất chiếc ống nghe. Ông hét vào máy chẳng ra câu kệ gì hết:
- Có thật thằng Khuê, mày thật đấy phải không?
- Khuê đây - Đầu dây bên kia Khuê vẫn nói chậm rãi và bình tĩnh - Thủ trưởng nói chuyện với đồng chí Lữ trên 475 đi!
- Lữ! Con đợi nhé! - Kinh vẫn thét vào máy điện thoại
- Khuê nghe đây, thế mà ở nhà tao với anh Nhẫn vừa nhận được tin chính xác là mày đã hy sinh rồi!
Tiếng Khuê cười:
- Tin "phiễu" đấy, thủ trưởng ạ. Tôi đang sống đây! Tôi đang ngồi trong hầm anh Lượng đây mà! Thủ trưởng hãy nói chuyện với cậu Lữ kẻo cậu ấy đang sốt ruột.
- Con chào bố!
Kinh chợt nghe rõ tiếng Lữ, tiếng nói vừa quen vừa lạ của đứa con trai yêu quý chen giữa tiếng nói của Khuê. Kinh bàng hoàng bởi một thứ cảm giác lạ lùng. Ngay phút đầu tiên vừa nghe tiếng nói của con, Kinh cứ tưởng hình như đầu bên kia không phải đứa con của mình, mà chính là một chiến sĩ như tất cả mọi chiến sĩ khác, nghĩa là một người không còn bị phụ thuộc với ông bởi mối quan hệ gia đình nữa.
Lâu lắm Kinh lại mới được nghe cái tiếng rất trong trẻo của Lữ cất lên không phải ở nhà hay trên đường hành quân như những lần trước kia, mà ngay giữa mặt trận, ở đây.
Câu chuyện giữa hai bố con thật sôi nổi và "bốc đồng".
Kinh:
- Trên ấy sống thế nào, hả con?
- Chúng con sống vui vẻ, như ở nhà thôi. Bố có khoẻ không?
- Mày chỉ nói thế, cái thằng này chỉ tếu?
- Thật đấy mà, bố! Hồi đầu hôm chúng con vừa tổ chức một cuộc liên hoan.
- Liên hoan thế nào?
- Mấy đứa trinh sát chúng con hát và ngâm thơ qua máy vô tuyến điện cho anh chị em văn công nghe.
- Con phải biết rằng bố con mình được nói chuyện được với nhau như thế này là nhờ các đồng chí thông tin vượt qua mấy vòng lửa đạn mới mắc được con đường dây này. Có anh em đã hy sinh...
- Con biết. Bố không nhắc con cũng biết vậy. Ở chỗ con không có mảnh đất nào là không có mảnh bom đạn...
- À, anh ngầm khoe chỗ anh là điểm khó khăn ác liệt nhất chứ gì? Mà cũng đúng thế đấy? Người dát gan không "trụ" được trên 475 đâu. Con có sức mà "trụ" được cho hết chiến dịch không?
- Bố cứ yên chí! Anh em chúng con trên này đều sống quen rồi, tinh thần vững vàng lắm. Bom đạn chẳng đáng xem mùi mẽ gì. Giá vắt cơm hàng ngày nhỉnh nhỉnh hơn một tý thì thật hoàn toàn ung dung!
Kinh hỏi:
- Trên ấy trung đoàn cho mỗi người mấy lạng?
- Lâu nay mỗi người chỉ được ăn mỗi ngày bốn lạng.
- Bốn lạng là có thể sống chiến đấu được rồi! Ngày xưa Nguyễn Trãi, Lê Lợi chỉ "cơm rau cháo giền" mười năm còn đánh giặc lấy lại nước được kia mà!... À này Lữ, mẹ mày vừa gửi thư cho bố.
- Mẹ có nhắc gì con không?
- Mẹ con nói rằng rất nhớ con! Bố sẽ gởi thư của mẹ mày và thư thằng Trí cho mà đọc. Bố con mình nói chuyện thế là đủ, để máy còn làm việc. Bảo với anh em rằng "nông trường 5" ở dưới này gửi lời hỏi thăm tất cả những người chiến sĩ gang thép trên 475 nghe không?
@by txiuqw4