sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 8: Phận Người Ngã Tư

Tôi rất sợ phải dừng xe mỗi khi đèn đỏ ở ngã tư đông người.

Không phải sợ chờ vài giây một phút làm lỡ chuyện của mình. Càng không phải sợ đứng lâu giữa nắng gắt hay mưa ào của trời Sài Gòn thất thường thời tiết. Mà sợ mình sẽ bật khóc rưng rưng vì thấy bản thân trơ ra bất lực trước quá nhiều nỗi-nhân-sinh-cực-cùng. Bởi những ngã tư là nơi chứng kiến nhiều cảnh đời khốn cùng lao khổ nhất của thành phố này. Người ta gọi Sài Gòn là “thiên đường chắp vá”, cũng từ những ngã tư đó mà ra.

Ở đó, có những cụ già tóc bạc tay run vẫn đang còng lưng hứng bụi đường để bán buôn đổi vài đồng bạc lẻ. Ở đó, có bà mẹ thất thần bồng đứa nhỏ gầy rạc đang ngủ vật vờ trên tay, chìa nón lá rách tươm xin chút lòng thương hại. Ở đó, có những trẻ mồ côi lấm lem cuộc đời giữa khô khốc tình thương, ngơ ngác nhìn lên từng mặt người trên xe với ánh mắt van nài một vòng tay bồng ẵm. Ở đó, trong khi người người đứng chờ vài giây đèn đỏ để vội lăn bánh đi nhanh về phía nhiều niềm vui tất bật, thì những phận người ngã tư, vẫn đứng lại, chờ mòn mỏi một điều gì không biết nữa, Sài Gòn ơi!

Tôi vẫn nhớ ngã tư dưới chân cầu Nguyễn Thái Học, có một cụ bà ngồi kết hoa nhài thành vòng dây mang bán. Mỗi lần đi ngang, gặp khi đèn đỏ, tôi dừng xe, còn em tự khắc bước xuống, băng qua dòng người xuôi ngược để lại gần mua giúp cụ vài dây hoa. Suốt chặng đường về của hai đứa, mùi hoa cứ thanh thanh quẩn quanh. Một tay đan lấy tay anh, một tay ủ hoa trên gối, em cười trong lành như nụ hoa trắng ngần đang lặng lẽ tỏa hương. Về đến nhà mà đêm đó anh vẫn cứ đưa tay lên hít hà cái mùi hoa dịu dàng để nhắc nhớ về bàn tay nhỏ nhắn của em đan lấy mình.

Từ ngày em xa, mỗi lần một mình ngang ngã tư cũ, xe cộ xiên quàng nên anh chẳng thể băng qua nơi bà cụ vẫn nhẫn nại ngồi kết từng nụ hoa. Cứ thấy có lỗi với một kỷ niệm và mắc tội với một kiếp nhân sinh mà mình không thể giúp gì hơn được nữa. Đành quay đi. Tự nhủ, mắt không thấy thì sống mũi bớt cay cay.

Thế rồi thành quen, cứ đến mỗi ngã tư, những nỗi sợ cứ lởn vởn dệt thành bao câu hỏi, liên hồi vang lên như một nỗi tự vấn. Giúp hay không giúp? Thương tình hay vô tình? Cưu mang được một người nhưng đâu thể gánh vác hết bao phận đời buồn bã khác vẫn đang cúi gầm mặt ngoài kia? Rồi biết đâu là thật, đâu là giả, giữa thời đại lắm kẻ ma cô bắt ép cụ già đi hành khất, bắt cóc con trẻ đi xin ăn... để cung phụng cho lối sống bất nhẫn hưởng thụ trên niềm đau của người khác? Những lo nghĩ lẫn hoài nghi cứ cuốn chúng ta đi miết như thiêu thân giữa bao ngọn đèn đỏ xanh, theo bao dòng xe nhanh chạy. Và ta lóa mắt không còn thấy thêm gì.

Và ta không dừng lại.

Và đó là lúc tôi thấy sợ nhất những ngã tư. Sợ mình sẽ trở nên cạn rỗng và ráo hoảnh tình người. Sợ mình bất nhã lẫn bất lực trước những nỗi đau phận người.

Nhưng sẽ đáng sợ hơn hết thảy, nếu chúng ta cứ vịn vào những nỗi sợ của chính mình mà từ chối dang tay ra nâng đỡ. Cũng như sẽ đáng buồn hơn biết bao, nếu chỉ vì chứng kiến những cảnh đời cơ cực mà chúng ta mất hết niềm tin vào sự chia sẻ và lòng bao dung.

Tôi thật sự không tài nào ưa nổi câu nói sặc mùi giai cấp “Sài Gòn hoa lệ - hoa cho người giàu và lệ cho người nghèo”. Tại sao cứ phải rạch ròi giàu - nghèo rồi ướm cho thành phố cái vẻ bấp bênh, chênh lệch sang hèn rồi đánh đồng niềm vui - nỗi buồn với các giá trị vật chất, tinh thần khác? Có ai dám chắc, ở thành phố này, lệ không chảy trên gương mặt của tất cả chúng ta, bất kể phú quý hay bần hàn? Có ai dám chắc, dù cùng cực với mưu sinh hay xa xỉ với mưu cầu thì con người không một lần nao lòng khi tay mình ươm đầy mùi hoa?

Ừ thì, Sài Gòn hoa lệ. Thật! Và sẽ mãi còn như thế trong sự ngưỡng vọng tự hào của mỗi người dân xứ này. Nên những giọt lệ - nếu có - xin hãy được lau khô và thấm dần vào từng cánh mềm của hoa. Bởi chung nhất, Sài Gòn là một, xin đừng đẩy xa cái ranh giới giữa lệ và hoa, giữa sang và hèn, giữa những ngã tư dừng lại nhìn ngẫm và những đường thẳng chạy miết vô tâm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx