sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11: Những Con Đường Vắng Bóng Hàng Cây

Trả lại em yêu khung trời đại học.

Con đường Duy Tân, cây dài bóng mát...[1]

Những ngày cuối tháng Bảy mưa dầm dề như kéo gió thành giông, lòng người cũng cồn cào như muối xát ngoài khơi mặn từng thớ sóng[2]. Những hàng cổ thụ mấy chục năm tuổi oằn mình ngã xuống. Những người dân Sài Gòn “khéo dư nước mắt khóc người đời xưa” cũng thấy mình đau như một cái cây bị phạt cành, đốn gốc. Những bầy chim non có kịp bay trốn trước khi thân gỗ từng là nơi nương náu giờ thành bình địa đè nặng đôi cánh đập yếu ớt chưa thể vỗ cao? Rồi chim mẹ sẽ đau lòng thế nào sau một ngày mòn mắt kiếm ăn, lúc quay về tổ hốt hoảng không còn chỗ trú thân, không còn ai thân gần.

Tự nhiên, tôi đứng khóc ngon lành khi nhớ ra tổ chim cú trắng toát ngay trên cây sao dầu trước mặt tiền Nhà hát Thành phố. Ngày xưa, thời tôi còn yêu người ấy lắm (đến giờ vẫn còn yêu, chỉ là nhắc hai chữ “ngày xưa” để biết kỷ niệm chưa thay khác trong lòng - chưa bao giờ), hai đứa từng lang thang khắp mọi ngõ ngách Sài Gòn để thỉnh thoảng bắt gặp một cánh chim trắng sải rộng cứ bay sà thấp trên đầu. Và ngay tại đây, dưới những vụn gỗ mạt cưa đang bay thốc tung trong gió vào khóe mắt đỏ hoe, ngày trước đã từng là hàng cây cao đều thẳng tắp, xanh ngắt màu hè - nơi hai đứa tình cờ gặp lại chú cú lông trắng như mây trời và trông hệt Hedwig của Harry Potter.

Lỡ khi người trở về, tôi biết ăn nói làm sao khi được hỏi đến chứng nhân bền sâu cho thâm tình của hai đứa với Sài Gòn - và với nhau? Khi hàng cổ thụ sao dầu từng rung lá xôn xao nghe tí tách như chuông gió trên cao, giờ đã bị mòn xói cắt lìa đến tận mấy chục mét rễ khuếch rỗng dưới sâu lòng đất?

Dẫu biết đốn hạ hàng cây là điều bất khả và cho dù chúng ta có “thủ cựu bài tân” thì cũng phải đến lúc quá khứ tất yếu nằm lại, nhường chỗ cho hiện tại và tương lai. Nhưng dẫu vậy, làm sao có thể đành lòng “đả cựu nghênh tân” mà không thấy ít nhiều xốn xang tần ngần?

Thành phố sẽ phải khác, như chúng ta cũng đổi thay từng ngày. Ngày của tù mù khói súng đã qua ngót nghét mấy chục năm, Sài Gòn cần phải đón những màu nắng mới. Như chúng ta, chỉ mười mấy hai mươi năm trưởng thành đã không còn mặc vừa bộ quần áo con nít xúng xính hồi xưa, vậy thì hà cớ gì cứ buộc Sài Gòn phải ướm hoài một diện mạo cũ? Cốt cách của xứ sở Nam kỳ vẫn chẳng thể mất đi dẫu nhịp sống tân kỳ đã khoác màu áo mới cho “người muôn năm cũ” Sài Gòn. Ga tàu điện ngầm thay thế hàng cây hẳn sẽ làm đẹp thêm cho niềm tự hào của những công dân thành phố đang ngày một nâng tầm xứng với bạn bè bốn phương. Và những hàng cây ngã xuống sẽ hoàn toàn xứng đáng cho ban mai mọc lên.

Nếu bạn hỏi tôi rằng, có đau không? Câu trả lời dĩ nhiên-chắc chắn-hoàn toàn là Có. Rất đau nữa là đằng khác!

Nhưng đâu thể nào vì đau mà ta từ chối bước tiếp để còn biết ngày mai màu nắng sẽ nồng-nhạt thế nào?

Đau, đâu phải là lý do để ta ngừng tin tưởng!

Thế nên, cổ thụ ơi, ta cúi đầu một lần nữa, để xin lỗi thật nhiều!

Có điều lòng cứ nhân nhẫn xót khi thấy những thân thương từng rất đỗi gần kề, bây giờ sao thành xa cách thế? Sợ đến lúc ngay cả bản thân cũng lạ lẫm với chính mình. Bởi Sài Gòn cứ thay khác từng ngày thì còn đâu những không-gian-chứng-nhân để ta tự nhắc nhở mình về một ký ức từng chung, về một ngày xưa còn gần? Vì đâu phải ai cũng còn nhớ mình đã từng có một tuổi thơ, coi cái cây như một người bạn trốn tìm, leo trèo, trốn nắng... Vì đâu phải ai cũng còn nhớ mình đã từng có những ngày trồng cây si, nấp dưới tán lá chờ một bóng hình rất đỗi thân thương đi ngang qua chung một đoạn đường cây dài bóng mát. Vì đâu phải ai cũng còn nhớ mình đã từng có lần nguyện được yêu người như một cái cây, vươn cao chân thành và xanh đến thiết tha?

Như bộ rễ của cây sao dầu đã ngã xuống hôm nay, có ai còn nhớ đó là loài cây hiếm hoi có thể đứng vững trên nền đất vốn yếu của Sài Gòn và thủy chung nương náu cùng thành phố chừng ấy năm tháng qua đi? Độ sâu hơn chục mét của rễ cây đã bám chắc, níu chặt vào lòng đô thị, đến nỗi bất kỳ công trình nào cách đó tận trăm mét, khi đào xuống vẫn sẽ gặp rễ của cây sao dầu lan xa và tỏa khắp.

Sẽ là một phước phần biết bao nếu chúng ta cũng có thể yêu và được yêu, tình sâu và bền lòng như cây sao dầu đối với Sài Gòn?

Tiếc rằng, đại đa số con người khi trưởng thành đều nhanh chóng học được cách buông tay.

Con người ta hay vậy đó, bạc như vôi vậy đó.

Dẫu biết ai cũng có ước mơ, nhưng xin đừng lạc lối rồi đánh mất mình trong đó. Ước mơ khác với tham vọng nhiều lắm, có biết không?

[1] Nhạc Phạm Duy.

[2] Người dân Sài Gòn và nhiều du khách tiếc nuối khi nhiều cây cổ thụ trước Nhà hát TP.HCM bị đốn hạ để chuẩn bị cho việc thi công nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - Báo Tuổi Trẻ Online đăng ngày 22/7/2014.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx