sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 18: Venice - Chẳng Nhạt Màu - Chẳng Quên Nhau

Nếu những màu sắc nhạt dần, anh sẽ vẽ em bằng màu nỗi nhớ..[4]

Nhưng em biết không, khi lững thững bước trên những con phố quanh co ôm trọn dòng kênh nhỏ ở đảo Burano của Venice, anh mới chặc lưỡi nghiệm ra một điều. Với hàng trăm ngôi nhà màu sắc sặc sỡ nằm kề nơi đây thì đố ai nhạt nhớ cho nổi!

Venice (tức Venezia trong tiếng địa phương) nổi tiếng là thành phố kênh đào với những chiếc thuyền gondola của những chàng trai Ý phong trần cứ thư thái chèo quanh. Nơi đây còn được biết đến như một đô thị cổ từng chứng kiến sự thịnh vượng bậc nhất dưới thời Phục Hưng. Và hơn hết, nhắc đến Venice là nhắc đến những ngôi nhà đủ màu như tranh vẽ nằm e ấp cạnh nhau, hoà dưới nắng trời Địa Trung Hải thành một bản palette ngọt ngào.

Cứ mỗi vài năm, chính quyền Venice lại chu cấp kinh phí cho người dân bản xứ sơn sửa lại màu sắc tư gia. Một phần để giữ chân du khách, vì hầu như ai đến đây cũng đều chỉ chăm chăm đi tìm “những ngôi nhà đủ màu bên dòng kênh” để chụp hình lưu niệm. Phần khác, họ cũng muốn giữ mãi màu trẻ trung trên từng bờ tường góc phố - bất chấp thời gian đã làm hao gầy đi trí nhớ gia chủ lẫn bạc màu ít nhiều bản sắc của đô thị nổi trên sóng nước này.

Người ta bảo Venice là thành phố của những cặp tình nhân, nhưng thật ra nếu để ý kỹ sẽ thấy người già neo đơn sống ở đây khá nhiều. Họ vẫn thản nhiên sống đời mình bình bình đạm đạm giữa phù phiếm đến đi và náo động yêu ái của giới trẻ hiện tại. Những người già neo đơn dạy cho những người lớn dù còn cô đơn hay đã có đôi hiểu rằng, hạnh phúc không quan trọng là ở đâu, với ai, bao lâu... Mà đơn giản, hạnh phúc là còn được mở mắt dậy mỗi ngày và thấy bầu trời trên đầu vẫn màu thiên thanh!

Khi đến đảo Burano của Venice, đừng đi theo dòng người tấp nập đến các khu nhà cửa đủ màu chụp ảnh, hãy tự tách mình khỏi đám đông và tìm một con hẻm nhỏ, em sẽ thấy bình yên len lỏi trên từng then cài, phiến gạch. Vài cô mèo nằm trên bệ cửa ngoan lành sưởi nắng, thỉnh thoảng lười nhác ngó nghiêng nửa mí mắt nhìn người lại qua. Những chú chim nhởn nhơ song hành cùng khách thập phương chẳng nề hà quen lạ. Và những cụ bà cụ ông cứ điềm nhiên bách bộ đi thăm bạn già hàng xóm.

Anh có duyên bắt chuyện với cụ Lauretta khi đang “lạc đường có chủ ý” vào khu sân sau của dãy phố nằm khuất cạnh bờ sông và thưa vắng du khách. Cụ đang phơi quần áo, những bộ y phục cũng sặc sỡ đủ màu, trên dây treo vắt ngang nền tường xanh vàng lam tím, với nụ cười hồn hậu của bà lão tuổi ngoài 60. Lauretta bảo, dân trong làng riết rồi thành quen với sự tấp nập xô bồ của khách khứa đến đi suốt năm suốt tháng. Từ sự bực bội ban đầu, giờ bà cũng quen dần với cảnh náo động thường nhật. “Ít ra để biết mình còn sống, còn gần với cuộc đời ngoài kia”, cụ gật gù.

Cụ ông đã mất ngót nghét hơn chục năm nay, giờ chỉ còn mỗi Lauretta sống cùng mấy chú mèo, thỉnh thoảng cô con gái từ Flonrence mới về thăm. Mạo muội hỏi cụ có buồn không, cụ chỉ cười một nụ cười tươi như nắng đang hắt lên bờ tường sặc sỡ bảo: “Buồn gì khi xung quanh toàn là những tươi tắn thế này?”.

Chào tạm biệt cụ Lauretta, anh bắt chuyến waterbus (dân Ý gọi là vaporetto - một dạng phà vận hành hệt như xe buýt, cũng là phương tiện di chuyển công cộng giữa các đảo và khu phố ở Venice) để về kịp quảng trường Thánh Marco (Piazza San Marco) trước khi trời tối. Đây là quảng trường quan trọng nhất của thành phố Venice nơi luôn tấp nập khách bộ hành. Họ đứng xếp hàng chờ viếng thăm Vương cung Thánh đường Thánh Marco (Basilica di San Marco) hoặc bách bộ quanh các cửa tiệm thủ công chế tác mặt nạ thủy tinh hay từ tốn dạo quanh bờ kênh nhìn ra các con thuyền gondola chập chờn trên sóng nước.

Khi len lỏi giữa các con phố đi bộ, anh nhìn qua dòng kênh và thấy bắc ngang giữa nền trời xanh là chiếc cầu kín bưng và xám xịt mang tên “Cầu Than Thở” (Ponticello dei Sighs). Lịch sử từ thế kỷ XVII viết rằng Ponticello dei Sighs được xây nên kiên cố để nối liền nhà tù với phòng xử án. Mỗi lần đi qua chiếc cầu này, tất cả những tù nhân trút xuống đây những lời than vãn không dứt cũng như buông tiếng thở dài khi nhìn ra khoảng trời tự do lần cuối.

Tù nhân một khi đã đi qua Cầu Than Thở thì ít có hy vọng nhìn thấy cuộc đời lần nữa bởi bên kia chính là nhà ngục mái chì. Trong đó, các hành lang hun hút gió tối om và tất thảy phòng giam đều được phủ các tấm chì khiến cho nơi này trở thành chốn “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

Nhưng đó chỉ là chuyện lịch sử ghi chép, còn khi đang ngồi trên gondola chèo ngang qua dưới chân cầu huyền thoại này, anh lại được nghe một truyền kỳ khác. Lãng mạn hơn nhiều.

Đó là câu chuyện tình yêu bị cấm đoán giữa cô gái dòng dõi quý tộc với anh chàng hào hoa Casanova (lãng tử nổi tiếng đa tình thời Phục Hưng với 122 người tình trong suốt đời mình). Cha cô vì muốn con gái đoạn tuyệt với gã trăng hoa nên đã vu cáo để chính quyền tống giam Casanova vào nhà ngục mái chì. Thế là cứ mỗi chiều, nàng tiểu thư lại chèo gondola ngang qua chiếc cầu đá vôi kiên cố để ngước nhìn lên thương nhớ người tình đang bị cầm giam. Những tiếng thở dài ai oán của một tình yêu bị cấm đoán rỉ rả khắp sông nước hoàng hôn, nhuộm tái cả ráng chiều. Và không biết có phải vì nỗi thương nhớ kiên tâm ấy của nàng đã làm Casanova thêm bền lòng, để rồi chỉ một năm sau, chàng đã vượt ngục thành công. Cuộc đào tẩu của Casanova vẫn là một huyền thoại cho đến tận bây giờ, bởi chàng là tù nhân duy nhất trong lịch sử trốn thoát khỏi nhà giam mái chì bất khả xâm phạm.

Anh không biết rốt cục thì lời than thở nào mới chính thực là lời than đã làm nên tên gọi chiếc cầu trứ danh này? Là lời ai oán của tình yêu hay là tiếng uất hận của kẻ tội đồ? Nhưng suy cho cùng, giữa Venice sặc sỡ những ngôi nhà đủ sắc, thì màu xám xịt bợt bạc của Cầu Than Thở như một giọt nước mắt nhỏ xuống những nụ cười tươi rói kia. Như một lời nhắc nhở, rằng trong những lúc tưởng chừng như nhạt màu nhàu nát nhất của niềm tin và thương nhớ, thì tình yêu vẫn luôn xanh màu thiên thanh. Để chúng ta vẫn luôn còn hướng về nhìn chung một khoảng trời. Và trở về bên nhau.

Vậy còn em, muốn tin vào câu chuyện “than thở” nào hơn?

Thôi thì, để anh kể lại thêm một lần nữa truyền kỳ về Cầu Than Thở rồi chúng ta sẽ từ từ quyết định nhé!

Ngày xửa ngày xưa, có chàng Casanova...

[4] Nhạc Trần Lê Quỳnh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx