sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 19: Verona - Tình Thư Từ Ban Công Nhà Juliet

Verona nhỏ xinh và ngoan hiền như Đà Lạt xứ mình.

Xe lửa dừng ở nhà ga Verona vừa kịp lúc Mặt trời còn lơ đễnh chưa tắt nắng. Tranh thủ trước khi trời mùa Đông chuyển tối sớm, tôi bắt vội chuyến xe buýt rồi tất tả kéo hành lý đi tìm cho ra ngôi nhà trọ nằm trong một hẻm nhỏ gần Khán đài vòng cung Verona cổ đại[5]. Đang rướn người chạy theo nhịp lăn nhanh của bánh xe hành lý khi băng xuống dốc cầu Navi thì tôi ngẩn ngơ dừng lại. Trước mặt là dòng sông Adige chảy dài tít tắp, rộng như một thung lũng trắng bạc dưới chân, và nhìn sang phía hoàng hôn đang tắt là Nhà thờ Thánh Fermo & Rustico đĩnh đạc như đứng dang tay đón mình. Mọi thứ ở nơi này cứ bình êm và bé bỏng như một giọt nắng chiều rớt sót lại giữa đêm tối bao dung.

Ấy vậy mà thành phố chưa tới 1/5 triệu dân này luôn nằm trong số 5 địa danh du lịch đông khách nhất xứ sở hình chiếc ủng. Bởi một lẽ đơn giản, ai cũng muốn một lần đến đây thăm nhà nàng Juliet (Casa di Giulietta) để nghe lại câu chuyện tình đẹp và buồn nhất của thơ ca.

Thành ra, ban công trên phố Cappello cho đến giờ vẫn luôn xôn xao chen nghịt dòng người. Dường như đôi lứa yêu nhau luôn muốn đặt chân đứng lại đúng nơi Romeo đã nhờ “ái tình dẫn lối” đến với người yêu - theo lời kể của đại thi hào Shakespeare.

...

Gượm đã, đã gọi là thơ ca thì làm gì có thật nhân vật Juliet hay Romeo? Vậy ngôi nhà của Juliet với chiếc ban công tỏ tình ở thành Verona, rốt cục là ở đâu ra?

Chính tác giả Shakespeare cũng từng thừa nhận cả đời chưa một lần sang thăm nước Ý, vậy mà Verona hiện lên đầy sống động, chân thật đến từng bờ tường, hẻm phố trong vở kịch bất hủ của ông. Và việc truy nguyên phả hệ hai dòng họ Montague và Capulet có từng trú ngụ ở Verona hay không vẫn còn là một ẩn số gây tranh cãi. Nhưng đến tận giờ, thị dân ở Verona vẫn xem Shakespeare như một người ơn của thành phố vì chính nhờ thiên tình sử của ông mà Verona nổi danh là thành phố lãng mạn bậc nhất châu Âu. Bởi còn nơi đâu có thể lãng mạn cho bằng chính góc phố chứng nhân, chính quê hương của cặp đôi đã trở thành biểu tượng thiên trường địa cửu cho tình yêu?

Tôi đến nhà của Juliet khi trời đã tối hẳn, chắc mẩm trong bụng hẳn chẳng ai lai vãng giờ này. Hóa ra tôi lầm to! Nơi ban công hẹn thề của cặp tình nhân xưa cũ, vẫn luôn tấp nập những đôi lứa yêu nhau hiện thời. Hay bởi vì có đến đây vào khoảnh khắc phủ đầy bóng tối, người ta mới dễ đồng cảm cho tâm trạng của chàng trai lạc lối giữa mê mờ ái tình khi ấy? Bởi như chính trong đêm gặp gỡ lần đầu, Romeo đã ví Juliet như Mặt trời giữa màn tối, để khi nàng phải trở vào nhà theo tiếng gọi nhủ mẫu, chàng đã ngậm ngùi tự bảo: “Thiếu ánh sáng của nàng thì đêm chỉ thành nghìn lần xấu xa...”. Và đó cũng là khi Shakespeare khép lại cảnh tỏ tình sống mãi trong thơ ca bằng câu văn bất hủ rất đúng với tâm lý của tuổi vừa chớm yêu: “Tình yêu đi tìm tình yêu, vui như cậu học sinh được rời sách vở. Tình yêu phải xa tình yêu, buồn như chú bé trở lại trường”.

Trong Romeo và Juliet có ái tình và cừu hận, có gặp gỡ và chia ly, có cả hạnh phúc và tang tóc, nhưng vì sao bao thế hệ vẫn luôn nhớ và nhắc mãi khoảnh khắc đôi trẻ tỏ tình bên ban công? Hay dường như chúng ta chỉ muốn câu chuyện dừng lại mãi ở giây phút tình yêu bắt đầu, để thanh xuân đẹp đẽ của cả hai trở thành bất tử. Như chính mong ước muôn thuở của con người, rằng tuổi trẻ của mình sẽ mãi đứng yên ở nơi chốn lần đầu gặp gỡ người thương?

Ban công trên phố Cappello dù có thật trong quá khứ để chứng kiến hạnh phúc thành hình hay chỉ là một công trình “câu khách” của Verona thì có sao cơ chứ? Người người khắp nơi trên thế giới vẫn cứ đổ về để thăm nhà Juliet. Vì họ muốn tin. Và mong muốn đôi lúc còn quan trọng hơn cả sự thật. Bởi ban công không chỉ là nơi Juliet nhoài người ra khỏi sự bảo bọc của bố mẹ, để cam tâm hướng về phía Romeo - với đam mê lẫn xốc nổi, với hạnh phúc lẫn trắc trở - mà ở tại nơi này, mọi bi kịch và chết chóc chưa từng xảy đến, chỉ có tình yêu hiện diện. Đó là điều chúng ta vẫn muốn tin và sẽ luôn tin, dù hàng trăm năm đã trôi qua, dù câu chuyện trên trang giấy của Shakespeare có thể chưa một lần có thật trên đời.

Thế nên không có gì lạ khi dọc theo hai bức tường dẫn vào nhà Juliet ngày nay dán đầy những mẩu giấy đủ màu, ghi trên đó chi chít nét chữ. Người ta tin rằng nếu bạn nhắn gửi lời yêu và tình thư trên những mẩu giấy rồi đính chúng lên tường bằng kẹo chewing-gum thì tâm ý sẽ được toại nguyện. Thế nên mỗi ngày có cả ngàn lời nhắn gửi bằng nhiều ngôn ngữ, từ Ti amo, Ich liebe dich, Je t’aime... đến những lời thổ lộ dễ thương như, “Tôi hỏi cưới cô ấy. Và nàng đồng ý rồi!”, hoặc “Darren và Alisha đã đến nơi này. Chúng tôi sắp được làm cha mẹ!”... Dĩ nhiên không thể thiếu những lời dở dang và đau buồn, thậm chí khẩn khoản cầu xin: “Gửi Juliet, cô có thể cứu vãn tình yêu này hay không?” hay “Làm sao để người ấy đổi ý hồi đầu?”. Thôi thì đủ cả mọi cung bậc thăng trầm của những người yêu nhau.

Chẳng biết “tổ sư của ái tình” là chàng Romeo và Juliet có nghe thấy hay không, chỉ biết là tư gia nàng bây giờ đã trở thành những bức tường phủ kín chewing-gum đủ màu như ngàn viên đá sỏi sặc sỡ được khảm nạm lên. Mỗi tuần mỗi tháng, bộ phận dọn dẹp phải tháo bỏ cả trăm ngàn mẩu giấy và thư từ gửi đến những người-nhận-không-bao-giờ-đọc-thấy, để trơ lại bờ tường phong kín với các mảng màu hệt grafitti.

Thấy thế, tôi đành giấu kín mảnh giấy trong tay mình, sợ làm phiền các bác lao công. Trên giấy nhàu nát chỉ còn thấy rời rạc vài dòng:

“Gửi phía cũ!

Người có còn chút trí nhớ nào không?”...

[5] Arena Verona - tương tự Đấu trường La Mã Colosseum ở thủ đô Rome nhưng quy mô khiêm tốn hơn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx