sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 20: Cinque Terre - Nắng Chiều Đẹp Vô Hạn, Chỉ Tiếc Sắp Hoàng Hôn[*]

* Hoàng hôn Địa Trung Hải

Thật ra ý định ban đầu của chuyến “đi bụi” châu Âu này là sẽ ăn ở kiêng khem, chủ yếu chỉ đi lang bạt ở hang cùng ngõ hẻm để nghe chuyện nhân sinh xứ người. Nhưng rồi ẩm thực Ý là một thứ “rù quến” khó cưỡng, chưa kể rượu vang bên đây rẻ hơn cả... nước suối, thành ra bữa ăn nào cũng ngập tràn trong pasta và men rượu. Kế hoạch “phượt” cuối cùng đã trượt dài trong ăn uống tung tăng, nghỉ dưỡng phủ phê.

Cũng may nhờ có Cinque Terre mà tôi còn vớt vát được một chuyến đi “vận động” đúng nghĩa.

Trong tiếng Ý, Cinque Terre có nghĩa là “năm ngôi làng”, và đúng như nghĩa đen của tên gọi, vùng này có chính xác năm ngôi làng nằm dọc theo triền núi và hướng nhìn ra bờ Tây của Địa Trung Hải. Mỗi làng đều có tàu thủy vượt biển và tàu điện vượt núi dẫn qua nhau mỗi ngày, mỗi chuyến chỉ từ 5-7 phút. Có điều, người ta đến Cinque Terre lại chỉ thích đi đường bộ, băng qua những hẻm núi quanh co để nhìn những ngôi làng dần hiện ra nhỏ xíu từ trên cao. Ở đó, có những mái nhà đủ màu sắc hiền hòa nép mình bên triền núi, xếp tầng tầng lớp lớp tựa như mây gối đầu lên nhau, đứng hứng nắng gió trên đầu và sóng biển dưới chân.

Ai quen thân đều biết tôi lười vận động lắm, bởi bản thân khá dị ứng với mồ hôi nhễ nhại và hơi thở phì phò lúc đuối sức. Nhưng cả hai ngày leo núi để băng qua năm ngôi làng ở Cinque Terre thì hoàn toàn xứng đáng. Mặc dù theo chỉ dẫn ban đầu thì con đường băng đèo từ làng này qua làng kia chỉ khoảng 90 phút thì tôi mất tận... ba tiếng đồng hồ mới tới nơi! Nhưng cảnh tượng dần hiện lên trước mắt mình thì không một ngôn từ lẫn hình ảnh nào có thể diễn tả được. Chỉ có thể tự cảm nhận bằng tất cả giác quan khi đó. Mắt nhìn ráng chiều, tai nghe tiếng sóng, mũi hít mùi biển, môi nếm vị mặn của vùng duyên hải và da thịt được vỗ về bằng màu hoàng hôn đang nhuộm vàng lên thân mình.

Nếu hỏi so với các thành phố khác của nước Ý tôi đã đi qua thì Cinque Terre xếp thứ mấy, quả thật không trả lời được. Vì Cinque Terre không phải là một nơi để du lịch thông thường, không phải một đô thị hiện đại, càng không là thành phố lãng mạn của các đôi tình nhân, mà đơn giản, nó chỉ là một nơi an trú để bạn đến nhẩn nha một cuộc sống điềm nhiên tự tại, lánh mình sau những rặng núi và ngồi bên ô cửa sổ xây dọc triền đá như những tổ chim biển.

Để ngắm nhìn hoàng hôn Địa Trung Hải.

Nơi đó, không bon chen tất bật, không náo động tiếng người, chỉ có riêng mình bầu bạn cùng gió núi - mây trời - biển khơi. Nơi đó, chỉ có tiếng mình hòa cùng tiếng sóng, chỉ có điềm nhiên chầm chậm mà sống, chỉ có nắm tay một người tìm hơi ủ ấm và lắng nghe tiếng đồng vọng tim mình, bảo: “Nè, bình yên ở sát cạnh kìa! Nhớ giữ chặt nghen chưa!”.

** Tuổi trẻ đi rong

Làng Riomaggiore là nơi tôi ngủ lại trong suốt thời gian ở Cinque Terre. So với bốn ngôi làng còn lại thì nơi đây đón đông du khách nhất vì có nhiều quán bar xôm tụ và nhà hàng nấu món mì Ý thơm lừng. Nói nhiều vậy chứ tầm 9 giờ tối là các nơi dần đóng cửa hết, cả làng chìm trong một giấc ngủ đến sớm!!?

Tôi có phần hơi hoang mang khi rời khỏi quán ăn lúc 8 giờ 30 tối và phát hiện cả con đường dốc dẫn từ bãi biển đầu làng đến ngọn đồi cuối làng đều thưa thớt cả người lẫn đèn vàng (từ ngọn đồi này có thể leo bộ đường núi sang làng kế bên vào buổi sáng, còn vào giờ này mọi người sẽ đón tàu điện để đi lại cho nhanh chóng, an toàn). Ấy là tôi đã cố gắng nhâm nhi và điềm đạm hết sức có thể để ăn chậm, uống say cho đúng phong cách bữa tối từ tốn của người phương Tây, nhưng chỉ tầm hơn một tiếng, tôi đã dùng hết từ món khai vị đến món chính lẫn tráng miệng, đành thanh toán ra về trong sự ngỡ ngàng của người xung quanh. Tôi thầm nghĩ, ánh mắt họ khi ấy rõ ràng đang dò xét với vẻ ngạc nhiên “Ăn gì mà nhanh gọn lẹ như đánh du kích vậy?”. Bởi lẽ thông thường, nhà hàng bên đây chỉ mở cửa sau 7 giờ tối (nếu bạn có lỡ đói bụng sớm hơn thì xin thưa, cũng ráng nhịn chờ tới đúng giờ “hoàng đạo”) và bữa ăn trung bình sẽ kéo dài ít nhất hai giờ đồng hồ, hoặc hơn, với những cuộc nói chuyện huyên náo rộn ràng và không hề ngưng nghỉ lấy hơi - trừ những khi nhấp rượu. Dẫu sao, giọng Ý và tiếng Ý, nghe qua dù không hiểu cũng sẽ cảm thấy một sự dịu dàng quá đỗi, hệt như những người yêu đang thủ thỉ kể chuyện cổ tích cho nhau vậy.

Trở lại với tình cảnh ăn tối xong sớm và ra phố khi chẳng có ai. Một phần vì đang là mùa thấp điểm du lịch khi trời đã sang Đông, phần khác mọi người vẫn đang thong thả bên bàn ăn ấm cúng. Với một kẻ thèm ăn đêm và khuya nào cũng dọc ngang Sài Gòn tìm cơm tấm lề đường, cà phê thức trắng... thì việc đi ngủ trước 12 giờ là bất khả, thành ra tôi quyết định vào tiệm tạp hóa tìm mua vài thứ bỏ bụng “cứu đói” về khuya. Hóa ra, đây lại quyết định sáng suốt vì hàng quán nào cũng có sẵn những tảng thịt nguội xông khói đúng kiểu Ý, đủ kích cỡ mùi vị, dùng hẳn những máy xắt chuyên dụng, thái thành từng lát mỏng như giấy óng ánh phần thịt mỡ trắng ngần. Trên hết thảy, rượu vang làm từ vườn nho của chính xứ này có giá rẻ đến bất ngờ. Tôi mua hẳn sáu chai vang với giá chưa tới 500.000 đồng trong sự ngờ ngợ sợ rằng “tiền nào của nấy”, nhưng rốt cục nó ngon hơn cả những chai vang bạc triệu của những tiệm rượu xa xỉ ở Sài Gòn. Sau này được anh chàng bồi bàn nhà hàng kể lại, tôi mới biết hầu hết vang nước Ý được sản xuất để dùng ngay ở thị trường trong nước nên chẳng cần pha thêm bất kỳ chất bảo quản nào. Đúng nghĩa chỉ là nho lên men. Nên mùi thơm lừng và vị nồng chát cứ dịu dặt làm say lòng du khách mà không hề để lại chút “dư chấn” lạc lõng của hậu vị the đắng.

Tôi cùng hai người bạn thiết nghĩ không thể nào uống hết sáu chai vang, thành ra cứ thản nhiên cầm rượu và vài lát thịt xông khói, đi loanh quanh làng, khe khẽ gọi: “Có ai muốn nhậu chung không?” để xem có dân “phượt” tứ xứ nào muốn nhập bọn hàn huyên.

Sự thong dong, vô ưu và tự tại khi ấy của tuổi trẻ chúng tôi giữa làng chài ven biển một tối mùa Đông, có lẽ khó bao giờ có lại lần thứ hai. Không phải vì tôi chưa từng có ý định trở lại Cinque Terre, mà vì tuổi trẻ cũng như hoàng hôn trên Địa Trung Hải. Đẹp vô cùng nhưng chóng vánh qua nhanh. Chính vào lúc mỹ miều hoan hỉ nhất cũng là khoảnh khắc phải tức tốc rời đi, nhất nhất không thể hồi đầu. Tuổi trẻ, ngay khi bạn nhận ra rằng đẹp đẽ dường nào, cũng là khi nó đành đoạn trôi dần khỏi tầm tay lẫn tuổi đời hữu hạn.

Cảm giác khi Mặt trời lặn đi ngay sau đó, quả thật có chút bẽ bàng lẫn co ro. Nhất là ở miền duyên hải mùa này, đang phong phanh áo mỏng nhưng vừa tắt nắng là nhiệt độ lập tức hạ thấp, người cứ rúm ró lại, hai tay tự choàng ấm mình rồi xuýt xoa. Chỉ trong tích tắc, hết nắng hết ấm. Cũng như tuổi trẻ, chốc chốc băng qua.

*** Chuyện đời phố núi

Đi bộ leo núi cũng là dịp để chứng kiến nhiều cảnh đời thú vị. Tôi đã thấy những bậc lão niên vẫn đầy nhiệt huyết và xăm xăm băng đèo, có người yêu chiều cún cưng quá nên... bồng hẳn em cún trên tay vượt đường khúc khuỷu. Cần nói thêm là toàn bộ đường đều khá dốc, có đoạn hẹp đến độ bạn phải mon men đi sát bên mép núi - một bên là vách đá thẳng đứng, một bên là đáy biển xanh điệp trùng. Có nhiều anh chàng khi ở chân núi thì khăn áo kín mít do gió biển thổi lạnh, nhưng khi leo đến giữa đường thì ai nấy đều cởi trần hoặc phanh nút cho... dễ thở vì đổ mồ hôi. Hoặc những cô nàng lãng đãng, trầm tư thì ngồi ngẩn ngơ giữa lưng chừng đèo say sưa vẽ lại cảnh làng biển từ trên cao. Dường như ai cũng tìm thấy cho mình một không gian riêng để “đi lạc” trên những cung đường đèo - hay nói chính xác hơn, là để tâm hồn được “lạc” vào sự ung dung thong thả với đất trời ngút ngàn. Thậm chí cả những chú mèo hoang trên núi cũng có hẳn một nơi cư ngụ ngay mõm đá kèm một tấm bảng thông báo nhã nhặn của dân bản xứ: “Nếu có thể, hãy để lại đây ít thức ăn nuôi mèo!”. Chả trách, mèo ở xứ này, mập như heo và đủng đỉnh hết sức!

Tôi còn nhớ buổi chiều đi bộ vượt núi từ làng Monterosso sang Vernazza (ngôi làng đẹp nhất trong năm làng ở Cinque Terre và cũng là hình ảnh thường thấy trên bưu thiếp của vùng đất này). Khi ấy, những mái nhà đủ màu sặc sỡ nằm dưới chân núi cùng với đường đèo dốc cỏ xanh mơn mởn đều đồng loạt ươm vàng theo sắc ráng chiều của hoàng hôn. Mặt trời như lòng đỏ trứng gà khổng lồ được nhấn chìm xuống mặt biển (mà trong tâm hồn ăn uống của tôi thì biển khơi trước mặt trông cũng hệt một tô phở “siêu kích cỡ” đang loang láng nước béo). Đến khi Mặt trời lặn hẳn xuống chân trời để ráng chiều pha vàng sóng nước thì chẳng khác nào một chị phụ bếp vụng về vừa đập vỡ lòng đỏ trứng gà chảy tràn tô phở. Đến lúc này, tôi tự thấy có lẽ bụng đói cồn cào không còn thích hợp để đứng hứng gió lạnh thêm nữa, không thôi thì cảnh tượng thi vị kia cũng bị “phàm tục” đi ít nhiều.

Rời Vernazza lúc trời đã chập choạng, tôi chọn cách đi tàu băng qua làng Corniglia để đến làng Manarola cho kịp trước tối. Lúc này, những ngôi nhà vừa lên đèn, lung linh như một bài ca sao của bầu trời vừa thắp dưới trần gian. Tôi đứng bên đường ray, nhìn ra một bên là biển đêm ngút mắt, một bên là những ô cửa trải dọc sườn đèo, tự hỏi sau những buổi chiều tà như thế, con người ta biết phải về đâu? Màn đêm mông lung và vô tận kia dù được điểm xuyết bằng vài ngọn đèn lóa mắt, thì cơ bản màu của đêm vẫn là kiệt-cùng-đen. Người ta biết phải băng qua cái vũng lầy bóng tối ấy ra sao, nếu không có một bàn tay nương đỡ hoặc một bờ vai tựa vào?

Cô đơn chưa bao giờ là một lựa chọn mong muốn, nhưng đúng vào lúc một mình ở xứ xa, tôi chợt nhận ra, cũng may mình còn có một chuyện tình đã qua. Để ôm vào lòng những ký ức dịu dàng xưa cũ mà đối diện với khoảng không dày đặc trước mặt. Rằng, tôi sẽ khẽ khàng thỏ thẻ với đêm, tôi không thấy lọt thõm vào những mênh mang vô cùng, bởi tôi còn có một niềm yêu ái cũ để bám víu vào cho mình bớt chênh chao.

Trước khi đi, tôi cứ nghĩ mỗi cuộc hành trình đều có một ý nghĩa sau cùng, kiểu như ra đi để biết có ai nhớ mình? Ai dè chưa kịp đợi người ta nhớ là mình đã nhớ quá nhớ Sài Gòn và triệu điều thân-thuộc-cũ.

Đi chưa được phân nửa hành trình, đường còn dài mà xem chừng nỗi nhớ còn dài hơn. Rốt cục chỉ có bản thân là nhỏ bé và quá ngắn ngủi khi đối diện với đằng đẳng phức cảm nhiêu khê của lòng mình, mỗi lần nhớ về những nơi-thương-lâu và bền-sâu ở lại...

[*] Thơ Lý Thương Ẩn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx