sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 31: Ruy-Băng Vàng Thắp Sáng Giữa Lo Toan

Hong Kong đón khách bằng một cơn mưa, thành ra tôi được dịp lười biếng ngồi bên cửa sổ phòng ngắm bến cảng Victoria chuyển chiều sang tối, chuyển từ ánh sáng trong vắt của Mặt trời sang ánh sáng đủ màu lóa mắt của đèn led, néon giăng khắp mọi cao ốc chọc trời.

Mưa dầm dề vậy đó, mà vẫn không đủ làm dịu lại “cái nóng” của Hong Kong trong những ngày biểu tình đòi dân chủ. Đây có lẽ là cuộc chính biến lớn nhất trong suốt mấy chục năm qua kể từ sau khi Hong Kong được trao trả về cho Đại lục. Trước khi sang đây, trong đầu tôi cũng mường tượng cảnh bạo động xô xát, căng thẳng leo thang, ảm đạm bao trùm... nhưng rốt cục, Hương Cảng vẫn tấp nập rộn ràng! Có điều đó là sự rộn ràng của một thành phố du lịch, như chưa hề có một sự xáo trộn đang kiên cố diễn ra.

Bằng chứng là đứng ngay giữa khu mua sắm ở Causeway Bay mà khách bộ hành vẫn lũ lượt chen chúc nhau trên vỉa hè san sát, còn dưới lòng đường thì những hàng rào chiếm cứ của người biểu tình cứ đường hoàng nằm chắn ngang.

Hình ảnh các cây dù vàng và ruy-băng vàng được vẽ, dán, giăng khắp mọi nơi như một biểu tượng hòa bình đang được cả thế giới hướng về. Người biểu tình cầm ô để chống lại xô xát cũng như giương cao biểu tượng của chiến dịch “Chiếm cứ khu Trung Hoàn” (Occupy Central) đang là tâm điểm của toàn châu Á. Còn người dân thường lẫn khách thập phương cũng cầm ô nhưng chỉ với mục đích... che mưa trong một ngày thời tiết đành hanh và hy vọng giữ ấm mình khỏi ướt để làm cho xong việc trong ngày. Những chiếc ô mang phận sự riêng của những cuộc đời riêng, và ai ai cũng cố gắng làm cho tròn sứ mệnh trong tay của mình - dù là cao cả hay vẩn vơ đến đâu. Điển hình dễ thấy nhất là các khu vui chơi, ngắm cảnh, mua sắm... ở Tsim Sha Tsui hay Đại lộ Ngôi sao cạnh cảng Victoria vẫn tấp nập đông đúc và đầy náo động không thua kém ở khu vực biểu tình. Mỗi đám đông một nghĩa vụ. Và nhiệm vụ của bầu trời là vẫn cứ xanh thôi...

Trên đường đi bộ dọc khu Trung Hoàn, tôi thấy người biểu tình dễ thương một cách... hồn nhiên lắm! Kiểu như một cậu học sinh tranh thủ giờ nghỉ học giữa buổi, ra giữa khu vực chiếm cứ để ngồi chụp hình “tự sướng” rồi chơi Facebook, vài cô cậu sinh viên thì gắn tai phone nghe nhạc, đọc sách, còn khách nước ngoài thì nhiệt tình vào hỏi han tình hình, chụp ảnh lưu niệm... Đó không phải là vì nhởn nhơ, mà bởi như Lee - cậu sinh viên tôi tình cờ nói chuyện trên đường - đã bảo: “Chúng tôi không muốn bạo lực, không muốn gây hấn, không muốn xáo trộn cuộc sống thường nhật của bất cứ ai. Những người trẻ chúng tôi chỉ muốn được chính quyền lắng nghe và tôn trọng ý nguyện!”

Hình ảnh làm ấm lòng tôi nhất trong những ngày mưa và biểu tình ở Hong Kong chính là khi bước lên tàu điện ngầm, thấy hầu hết các em học sinh mặc đồng phục cấp 2 - 3 đều đeo sẵn trên balo chiếc ruy-băng vàng như lời cầu chúc cho bình an và công lý. Có bạn gái còn điệu đà thắt ruy-băng làm mặt dây chuyền đeo trước ngực, và màu vàng đã nhuộm khắp mọi ngõ ngách của thành phố đa sắc đèn màu ở Hong Kong. Lời bài hát “Hãy buộc ruy-băng vàng lên cây sồi già” của những năm 1970 thế kỷ trước như nhắc nhớ vang lên, bảo ban người hiện tại nhớ cho rằng, ở cuối con đường luôn sẽ có bình an và yêu thương dành cho những ai bền lòng.

Câu chuyện từ nửa vòng thế giới ở phương Tây bất ngờ được nhắc lại rất nhiều trong những ngày này. Vào thập niên 70, trên một chuyến xe buýt, nhóm sinh viên trẻ vô tình bắt chuyện với một cựu tù đang trên đường trở về nhà sau khi mãn hạn. Câu chuyện bắt đầu bằng lá thư mà anh chàng vừa rời vòng lao lý gửi về cho người vợ, trong đó ghi vỏn vẹn: “Anh mãn hạn tù, anh sắp tự do, nếu em còn muốn gặp anh, hãy buộc một dải ruy-băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về”. Chuyến xe càng gần điểm đến, càng thấy anh ta bồn chồn lo lắng và không đủ can đảm nhìn ra ngoài cửa sổ vì sợ không thấy dải ruy-băng vàng, mọi chuyện sẽ kết thúc.

Nhưng rồi, chiều hôm đó, hàng trăm người dân có mặt tại quảng trường đã ngạc nhiên khi thấy một chàng trai bật khóc nức nở dưới tán sồi già. Hóa ra, cả vòm cây đã ươm màu vàng rực vì được treo kín không chỉ một sợi ruy-băng, mà là cả hàng trăm dải.

Bài học cảm động từ chiếc ruy-băng vàng đã thắp sáng lại phần nào những hỗn mang mà thành phố xứ Cảng thơm đang trải qua. Tình yêu, công lý, sự vị tha và niềm tưởng nhớ được gửi gắm trong màu vàng của dải ruy-băng năm xưa treo trên cây sồi già, bây giờ đã nằm trọn trên tay, trên vai của những người trẻ. Và cho dẫu kết quả cuối cùng có ra sao, màu vàng ấy, chắc chắn sẽ còn sưởi ấm lòng những ai luôn đứng về lẽ phải trong suốt nhiều năm sau nữa.

Bất giác, tôi chợt nhớ tới màu vàng ruộm như nắng trời của những chiếc ruy-băng nhỏ li ti được ướm lên hàng cây cổ thụ suốt dọc đường Tôn Đức Thắng. Hành động tự phát của một nhóm bạn trẻ Sài Gòn ngay trước ngày hàng cây trăm tuổi bị đốn ngã để phục vụ cho quá trình đô thị hóa, bỗng chốc trở thành một hình ảnh đẹp của nỗi nhớ còn sót lại cho một điều quá vãng.

Lời tạm biệt trên chiếc ruy-băng vàng gửi đến hàng xà cừ có thể rồi sẽ chẳng ai còn nhớ chỉ sau vài tuần, vài tháng, thậm chí vài năm khi màu xanh của cây già đã không còn soi bóng mát xuống mặt đường nắng rát. Nhưng, nỗi tiếc thương và ký ức của người Sài Gòn gửi lại nơi hàng cây, có lẽ sẽ là dải ruy-băng tự thắt chặt vào tâm trí, là thứ màu vàng như lá rụng nhàu nhĩ ám ảnh suốt những năm tháng còn lại trong tâm khảm những ai từng gắn bó với đời cổ thụ trên đoạn đường này. Có lẽ, chiếc ruy-băng vàng đã một lần nói thay lòng những ai biết tưởng tiếc, rằng, họ cũng thấy đau như một cái cây, khi bị đốn ngã, phạt lá, chặt cành, bứng đi...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx