sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 32: Uống Trà Đi

Có sang Singapore bao lần thì vẫn thấy mình như một đứa trẻ mới lần đầu được ba mẹ dẫn đi chơi khi đứng dưới chân tượng Merlion[9] để ngó nghiêng lên chiếc du thuyền khổng lồ nằm vắt vẻo giữa trời, bắc ngang tòa nhà Marina Bay Sands cao nhất quốc đảo. Tự nhiên nhìn con thuyền kỳ vĩ ấy rồi chợt nghĩ bản thân cũng hệt như là Sinbad, muốn dong buồm ra khơi và đi tới bất cứ nơi đâu mình muốn. Hình như Singapore là một trong những đất nước du lịch hiếm hoi khiến cho người ta chợt thấy mình “phi thường” nhờ những điều bình thường dung dị như thế.

Nhắc tới Marina Bay Sands xôn xao và tất tả, lại chợt nhớ có một tiệm trà nhỏ xíu nằm lọt thỏm giữa cả trăm cửa hàng xa xỉ phẩm. Giữa tiệm trà, tôi cũng đôi ba lần ngồi lọt thỏm, một mình, bình thản ngó người lại qua. Nhờ vậy nên được dịp thư thả nghĩ về ba chữ “Uống trà đi” - một triết lý xưa của những vị Thiền sư phương Đông đã bị lọt thỏm giữa bộn bề cuộc sống tân kỳ.

Người ta bảo uống trà là một cách để định tâm và dặn mình biết từ bi hỉ xả với những tham sân si của cuộc đời. Bởi cái khoảnh khắc nước vừa đun sôi, trà vừa chín tới, hương tỏa quanh tách, vị đắng chạm môi... là lúc bạn hoàn toàn buông bỏ hết thực tại, vị lai lẫn quá khứ. Chỉ sống cho khoảnh khắc. Chỉ biết đến khoảnh khắc. Chỉ là chính mình trong khoảnh khắc.

Trong một chén trà thơm, có hồ sen gió mát, có bát ngát trùng dương, có tất cả để chúng ta nhận ra mình-không-là-gì-cả. Bởi, mùi hương và sắc vị của trà là những gì sẵn có trong đời thường. Hương trà hòa cùng nhịp hải hà mùa trôi, đắng chát ngọt thơm như chính buồn vui lên xuống giữa cuộc trần chìm nổi. Cạn chén trà tức là ta đang sống và chấp nhận chung cùng với cuộc sống ở chính sát na này.

Người châu Á uống trà, thâm trầm là thế.

Nó khác hẳn kiểu trà chiều Anh quốc của Tây phương - nơi mỗi buổi tiệc trà là một cuộc vui đúng nghĩa với trà thơm Bá tước, bánh ngọt bơ đường và hằng hà sa số các món ăn tinh tế để hưởng thụ cuộc sống. Dĩ nhiên, ở đây không so sánh kiểu thưởng trà ở đâu thi vị hơn, vì mỗi nền văn hóa tất yếu sẽ có những chuẩn mực thẩm mỹ hoàn toàn khác biệt. Ngược lại, dông dài nãy giờ chỉ là để nhấn mạnh rằng khi ngồi lọt thỏm trong tiệm trà giữa lòng một trung tâm thương mại sang trọng của một đất nước phát triển bậc nhất châu Á, tôi thấy mình như đang sống giao thoa giữa hai nền văn hóa Á - Âu, nhấm nháp cả hai kiểu thưởng trà Đông - Tây.

Tôi vẫn nhớ cảm giác ngồi giữa không gian rất Tây ấy và thưởng trà theo đúng kiểu Á đông. Nghĩa là ủ tay quanh tách rồi dịu dặt nâng lên gần mình, để nghe mùi lá trà thoảng nhẹ, mùi nước ấm thanh thanh, và mùi thời gian lẳng lặng chậm rãi vỗ nhẹ vào vai...

Hôm ấy, tôi gọi ấm trà No.12 thơm lừng mùi cà phê và vanilla ngầy ngậy, thêm vài lát bánh macarons giòn rụm đậm mùi chanh dây. Chưa kể thực đơn còn có ba món gồm khai vị salad trái cây, món chính cá hồi sốt mù tạc và tráng miệng creme brulee. Chỉ biết gật gù sau bữa ăn: Thiên đường là đây!

Nhưng trên hết, bỏ qua cái cảm giác tận hưởng sự nhàn nhã và phủ phê của một không gian ẩm thực ngon lành, thì điều làm tôi muốn được đến đây mỗi ngày chính là vì một chữ - TRÀ. Mà chính xác hơn, là sự tĩnh tại và điềm nhiên khi chạm môi đến vị trà.

Cạn hết tách là thấy lòng nhẹ không. Bởi như triết lý xưa của trà đạo đã dạy, phải can đảm một lần buông sạch mới mong nếm được hương vị trà Thiền. Chẳng cần biết đắng ngọt, chỉ cần ngay lúc ấy, chỉ có bạn và trà hòa làm một, thì tức khắc vạn sự trong lòng đều quy về một chốn tâm an.

Vậy nên, chúng ta có thể cùng một lần ngồi xuống, bất kể thương giận thân sơ, chỉ nhìn nhau và bảo: “Uống trà đi”, có được không? Vì bạn biết đấy, hơn lúc nào hết, những “đứa trẻ lớn xác” đang chật vật trong hành trình trưởng thành - như chúng ta - cần lắm một khoảnh khắc buông bỏ tất cả, để được là chính mình, được sống cho mình.

[9] Linh vật của Singapore, đầu Sư tử, đuôi cá và toàn thân có vây.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx