Làm thế nào để họ đạt được như vậy? Con đường dễ dàng nhất là học chuyên môn.
Nhìn lại sự nghiệp của mình, tôi thấy công thức dẫn đến thành công hiện rõ mồn một: Tôi bắt kịp những khái niệm mới nhất, tiên tiến nhất trong thế giới kinh doanh. Tôi thật sự đắm chìm trong đó, làm quen với những nhà tư tưởng đầu ngành ủng hộ khái niệm này, và tìm đọc tất cả những tài liệu về nó. Sau đó tôi diễn giải nó thành một thông điệp về tầm ảnh hưởng rộng lớn của khái niệm này cho người khác, và cách thức vận dụng nó vào ngành công nghiệp tôi đang làm. Đó chính là làm những gì chuyên gia phải làm: Tôi giảng dạy, tôi viết lách, tôi phát biểu về kiến thức chuyên môn của mình.
Tôi tìm lại được công việc đầu tiên trong chương trình quản trị viên tập sự tại ICI sau khi tốt nghiệp đại học bằng cách thuyết phục những nhà phỏng vấn nên tuyển những bạn tốt nghiệp chuyên ngành khoa học xã hội như một thử nghiệm. Trước đó các quản trị viên tập sự đều có trong tay một văn bằng rất kêu như kĩ sư hóa chất, khoa học vật liệu, hay tương tự.
Tôi không có cách chi có thể vượt lên tại ICI dựa trên mớ kiến thức kĩ thuật ít ỏi của mình. Tuy nhiên, trong những tháng đầu tiên tham gia công ty, tôi nhận thấy TQM (Quản trị chất lượng toàn diện) đang là đề tài thời thượng, một trong những xu hướng kinh doanh do các nhà tư vấn khởi xướng có thể bùng phát theo chu kỳ vài năm.
Trong thời gian rảnh rỗi, tôi đọc tất cả những tài liệu nào tìm được. Sau vài tháng làm việc, tôi tình nguyện hỗ trợ “chuyên môn”, dựa trên kiến thức tôi đã học về hành vi tổ chức (mà tôi có học qua hai môn trong trường!). Chỉ bằng một hành động, tôi trở thành một trong ba nhân vật TQM của ICI. Thực tế, tôi chỉ là chuyên gia khi tôi cố gắng truyền đạt kiến thức lại trong công ty. Tôi phải vận dụng tất cả kinh nghiệm về phát biểu, viết lách, và kết nối với một số nhân vật hàng đầu trong nước. Sau một thời gian ngắn, tôi còn thuyết phục được chàng khổng lồ ICI thiết kế một chức vụ mới cho tôi trong một nhóm mới thành lập với tư cách là một trong những nhà chuyên môn hàng đầu về TQM tại Bắc Mỹ.
Giảng dạy là cách tốt nhất để học hỏi và trở thành chuyên gia trong một đề tài nào đó. Nhiều CEO giỏi nhất mà tôi được biết không bao giờ chịu từ bỏ những cơ hội kinh doanh ngay cả khi nó đòi hỏi những kĩ năng hay kinh nghiệm mà công ty họ chưa có. Những vị CEO này xem mỗi tình huống là một cơ hội. “Chúng ta làm được mà,” họ sẽ nói. Trong quá trình thực hiện, cả CEO và nhân viên đều học những kĩ năng cần thiết. Họ chộp lấy những cơ hội làm điều gì mới mẻ, và họ làm tốt công việc này. Trên thực tế, sau khi đọc xong quyển sách này, chẳng có lý do gì bạn không thể soạn thảo một giáo trình dạy xây dựng mối quan hệ hay thiết kế nội dung dạy môn này cho trường đại học cộng đồng trong vùng của bạn. Bạn sẽ học hỏi trong quy trình chuẩn bị, và thu về nhiều hơn khi giao tiếp với học viên.
Nói tóm lại, hãy quên đi chức vụ và bản mô tả công việc của bạn (ít nhất là trong lúc này). Ngay từ bây giờ, bạn phải xác định một lĩnh vực chuyên môn đặc biệt nào đó cho riêng mình, một lĩnh vực có thể mang lại giá trị thật sự cho mạng lưới hay công ty của mình.
Bạn sẽ bắt đầu như thế nào?
Có hai cách, cách đơn giản và cách phức tạp, và tôi đã thử cả hai cách. Như cách tôi áp dụng tại ICI và Deloitte, bạn có thể tìm đến người nào đó đã kết nối những mảnh rời rạc và trở thành một chuyên gia về nội dung này. Đó là cách đơn giản.
Cách phức tạp là phải tự mình tìm ra cách kết nối những mảnh rời rạc. Tin buồn là không có một công thức cụ thể nào hay bản hướng dẫn sử dụng chỉ ra từng bước để bạn thực hiện quy trình này. Tin vui là thiết kế nội dung không cần một trực giác siêu phàm hay chỉ dành riêng cho những người thông minh. Mặc dù tôi công nhận thông minh và trực giác có thể giúp ít nhiều, tôi không dám tự nhận mình được ban phát hai yếu tố này một cách rộng rãi. Thay vào đó, tôi trông chờ vào một số hướng dẫn, một vài thói quen, và một số kĩ thuật đã được kiểm chứng hiệu quả tuyệt vời trong thực tế.
Sau đây là 10 lời khuyên để giúp bạn trên con đường trở thành một chuyên gia:
1. Cập nhật thông tin, phân tích xu hướng, tìm cơ hội
Biết trước thông tin giúp bạn và công ty có thể linh hoạt thích nghi với thay đổi. Sự sáng tạo giúp bạn tận dụng được những thông tin này. Ngày nay, khi sự sáng tạo quan trọng hơn sản xuất, nếu bạn không tiến tới nghĩa là bạn đang thụt lùi. Những người thích ứng sớm, phát hiện xu hướng mới, nối kết kiến thức, tác động thay đổi, cũng như những người sớm nhìn thấy tiền đồ hay biết trước ý tưởng nào sẽ tỏa sáng có thể trở thành những ngôi sao trong thế giới kinh doanh.
Xác định những người nào trong ngành được xem là tiên phong, và dùng tất cả những kĩ năng tạo dựng mối quan hệ để kết nối với họ. Rủ họ đi ăn trưa. Đọc những bản tin của họ. Hay tốt hơn, đọc tất cả những gì bạn có thể. Trên mạng có hàng trăm người đang ngày đêm phát tán thông tin, phân tích, và đưa ra những dự báo. Những nhà phân tích trong nhà này chính là tai mắt của sự nghiệp sáng tạo. Bạn hãy truy cập mạng và đọc, đọc, đọc. Đăng ký tạp chí, mua sách, và trò chuyện với nững nhà thông thái mà bạn tìm ra. Cuối cùng thì tất cả những kiến thức này sẽ tích góp lại, và bạn có thể tìm ra được những nối kết mà người khác không nhìn thấy.
2. Đặt những câu hỏi tưởng chừng như ngu xuẩn
Nếu bạn đặt câu hỏi không giống ai, bạn sẽ nhận được những kết quả không giống với những gì cả thế giới nhìn thấy. Có bao nhiêu người đủ can đảm đặt ra những câu hỏi như vậy? Câu trả lời là: tất cả những người tạo ra những phát kiến vĩ đại nhất. “Bạn nghĩ sao nếu lưu được tất cả những file MP3 trên một thiết bị như chiếc Walkman?” Thế là iPod ra đời. “Tại sao ta không xem được hình chụp ngay lập tức?” Thế là ngành công nghiệp chụp ảnh lấy liền ra đời. “Người ta ai cũng thích ăn bánh humberger và khoai tây chiên. Sao ta không tìm cách bán cho họ thật nhanh?” Thế là McDonald’s và ngành thức ăn nhanh ra đời.
Quyền năng thực sự của sự ngây thơ trong kinh doanh được lột tả một cách tuyệt vời bằng một cảnh trong phim Big, khi Tom Hanks đóng vai một cậu bé bỗng chốc biến đổi thành người lớn. Hanks đang chủ trì tại một cuộc họp lãnh đạo của một công ty đồ chơi lớn, và một vị phó chủ tịch đang trình bày trên PowerPoint về một món đồ chơi mới. Tất cả những con số đều hợp lý. Tất cả các đồ thị đều cho thấy sản phẩm này sẽ đạt thành công rực rỡ. Nhưng sự ngây thơ hồn nhiên của Hanks đã làm bật lên câu nói: “Tôi không hiểu.” Khi thật sự cầm món đồ chơi trong tay, như tình huống cho thấy, tất cả những con số hay đồ thị này không có ý nghĩa gì cả: Đơn giản là món đồ chơi chẳng hay ho gì. Đôi khi cả những con số cũng có thể không thật. Đôi khi tất cả những bài trình bày PowerPoint cũng không thể che giấu được sự thật về một công ty đã quên đặt ra cho mình câu hỏi căn bản nhất.
3. Hiểu rõ bản thân và tài năng của mình
Tôi không có chút mảy may hi vọng để cạnh tranh ngang hàng với những tay chuyên nghiệp về kĩ thuật tại ICI. Nhờ tập trung phát triển một chuyên môn làm nổi bật điểm mạnh của mình, tôi đã vượt qua được điểm yếu. Điều quan trọng là không cần phải lao đầu vào xây dựng những kĩ năng hay tài năng mà bạn còn thiếu, tốt hơn hết là nên tập trung và nuôi dưỡng những điểm mạnh để điểm yếu không còn là vấn đề nữa. Tôi đã áp dụng quy luật 80/20 theo ý nghĩa bạn nên dành ít thời gian để hoàn thiện điểm yếu của mình, nhưng thật sự nên tập trung xây dựng điểm mạnh.
4. Luôn học hỏi
Bạn phải học hỏi thêm để kiếm thêm nhiều tiền. Tất cả những người xây dựng nội dung đều là những người giỏi đọc hiểu, hay ít nhất là phải biết đặt câu hỏi và giao tiếp khôn khéo. Họ cũng rất kiên trì khi nói đến vấn đề tự hoàn thiện. Chương trình tự hoàn thiện của bạn phải để dành chỗ cho việc đọc sách và tạp chí, nghe băng giảng dạy, tham gia từ ba đến năm hội thảo mỗi năm, theo học một hai khóa học, và xây dựng mối quan hệ với những nhà lãnh đạo trong lĩnh vực bạn theo đuổi.
5. Giữ sức khỏe
Nghiên cứu cho thấy vào khoảng xế chiều, do thiếu ngủ, một nhà lãnh đạo công ty bình thường chỉ đạt mức độ tỉnh táo bằng một người già bảy mươi tuổi. Bạn nghĩ các nhà lãnh đạo có thể sáng tạo và kết nối các mảnh vụn? Không hề. Nghe thì có vẻ như một lời khuyên rẻ tiền, nhưng bạn phải biết tự chăm sóc bản thân – tinh thần, thể xác, trí óc – để luôn đạt mức tối đa. Mặc dù lịch làm việc của tôi đôi khi bận khủng khiếp, tôi chưa bao giờ bỏ qua giờ tập thể dục (năm lần mỗi tuần). Tôi cố gắng nghỉ ngơi du lịch năm ngày cứ mỗi hai tháng (mặc dù vẫn đọc email và tranh thủ đọc sách). Tôi tham gia vào chương trình thư giãn tinh thần mỗi tháng một lần, có khi đơn giản chỉ là một ngày ngồi thiền. Tôi cũng tham gia chương trình tâm linh hàng tuần, thường là đến nhà thờ. Tất cả những việc này giúp tôi nạp đầy năng lượng để theo đuổi một lịch trình làm việc đặc kín suốt hai mươi tư giờ.
6. Trải nghiệm cuộc sống
Khi được hỏi về điều gì giúp người ta vượt lên trong kinh doanh, Peter Drucker, cha đẻ của ngành quản trị trả lời, “Học chơi violin.” Những trải nghiệm khác nhau mang đến cho ta những công cụ khác nhau. Thử tìm hiểu xem con bạn thích những gì và tại sao. Khơi dậy sức sáng tạo của bạn. Học những thứ không nhất thiết phải theo truyền thống. Du lịch đến những đất nước kỳ lạ, độc đáo. Hiểu biết về ngành công nghiệp của mình và thị trường nội địa không thôi chưa đủ để cạnh tranh trong tương lai. Hãy để cho óc tò mò được thỏa mãn và mở rộng hướng về những thứ nằm ngoài nghề nghiệp hay ngoài cuộc sống bản thân của mình.
7. Đừng nản lòng
Email đầu tiên tôi gửi cho CEO của ICI về vấn đề TQM không bao giờ được phúc đáp. Thậm chí ngày nay, tôi vẫn phải đối mặt với sự từ chối một cách thường xuyên. Nếu bạn là người sáng tạo, đi tiên phong, khác thường, bạn nên làm quen với việc làm cho người khác không thoải mái. Và nghĩ thử xem, khi bạn đe dọa nồi cơm của họ, thế nào cũng có người cố gắng đuổi bạn xuống. Đó là một phần công việc mà bạn phải chấp nhận. Những nhà chuyên nghiệp thật sự gắn bó với nghề hiểu rõ một điều: Niềm đam mê sẽ giúp bạn vượt qua lúc khó khăn, thất bại hay thành công, và chắc bạn sẽ gặp cả hai. Bạn sẽ luôn gặp phải những thay đổi hay thử thách đòi hỏi bản thân phải kiên định và gắn bó. Hãy nghĩ đến kết quả và mở to mắt tìm kiếm những gì đang diễn ra trên thị trường.
8. Tiếp cận công nghệ mới
Không có ngành công nghiệp nào thay đổi nhanh chóng và lệ thuộc vào sức sáng tạo hơn công nghệ. Bạn không nhất thiết phải là một người am hiểu công nghệ, nhưng bạn cần phải nắm được tầm ảnh hưởng của khoa học công nghệ đến công việc kinh doanh của bạn và có khả năng vận dụng nó mang lại lợi ích cho mình. Hãy làm quen hay thuê một người am hiểu công nghệ.
9. Phát triển một phân khúc hẹp
Những doanh nghiệp nhỏ thành công và được nhiều người biết tiếng nhờ định vị trong một phân khúc thị trường nhỏ mà họ có thể thống trị. Cá nhân cũng có thể áp dụng chiến lược tương tự. Tìm hiểu một số lĩnh vực mà công ty bạn đang thua kém, và chọn một lĩnh vực ít người quan tâm nhất.
Một anh chàng do tôi đỡ đầu trước đây làm việc cho một công ty mới thành lập cung cấp một loại sản phẩm mới dành cho thú cưng. Không lâu sau khi được tuyển dụng, anh ta phát hiện ra một trong những vấn đề thường gặp của công ty mới là làm sao không để chi phí giao dịch thư từ ăn mất vào lợi nhuận. Thật tình mà nói, đây không phải là một vấn đề được quan tâm lắm trong bảng thứ tự ưu tiên của một công ty mới, nhưng đồng thời, anh chàng này cũng không phải là người được quan tâm lắm.
Anh ta tự động tìm hiểu về vấn đề này bằng cách liên lạc với các nhân viên chính thức phụ trách doanh nghiệp nhỏ tại UPS, FedEx, và nhiều công ty thư tín khác. Vài tuần lễ sau, anh ta gửi một bức thư chi tiết cho CEO về khả năng cắt giảm chi phí thư tín. Vị CEO rất vui mừng. Chuyên môn sâu trong một lĩnh vực hẹp của anh chàng đã tạo cho anh ta một uy tín là người có giá trị đối với công ty, và hiện nay anh ta đang tập trung vào những chuyên môn khác nhau quan trọng hơn nhiều trong danh sách ưu tiên.
10. Theo đuổi đồng tiền
Sáng tạo không mang lại ý nghĩa gì nếu không thể áp dụng vào thực tế. Cốt lõi cuối cùng của một nội dung bạn xây dựng là: Nó phải mang lại thêm doanh thu. Máu thịt của bất cứ công ty nào là doanh thu và đồng tiền. Tất cả những ý tưởng vĩ đại đều không có ý nghĩa gì trong kinh doanh trừ khi ai đó chịu bỏ tiền ra mua nó.
TIỂU SỬ NGƯỜI NỔI TIẾNG
Dalai Lama
“Dùng nội dung kể chuyện lay động lòng người.”
Mặc dù được cả thế giới biết đến như một vị lãnh đạo đất nước, một tu sĩ, nhà ngoại giao, người anh hùng, một Ghandi của Tibet, nhưng Dalai Lama chỉ thích được nhắc đến như là “một tu sĩ Phật giáo đơn giản – không hơn, không kém.”
Trong quá trình tạo dựng tên tuổi trên toàn cầu từ khi ông sống lưu vong khỏi Trung Quốc vào cuối thập niên 1950 – Ông đã thu hút được sự chú ý của công chúng, quyên góp được hàng triệu đôla, và kêu gọi sự ủng hộ cho chính nghĩa đòi lại vùng chủ quyền dân tộc của nhiều nhân vật nổi tiếng, chính trị gia và dân thường.
Một người có tham vọng kết nối học được gì từ vị tu sĩ khiêm tốn này?
Câu trả lời: Nội dung mạnh mẽ được thể hiện thông qua một câu chuyện thuyết phục có thể tiếp thêm sức mạnh cho mạng lưới để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.
Đây chính là kết quả vị lãnh đạo tinh thần của người Tibet đang làm được: Người ta mang đến cho ông tiền tài trợ, tình yêu, sự hỗ trợ mặc dù ông không bán sản phẩm hay dịch vụ gì cả. Người ta chi tiền, số tiền lớn, mặc dù ông không hề hứa hẹn mang lại cho họ lợi nhuận. Người ta chấp nhận trả tiền chỉ để nghe ông nói chuyện về cuộc sống nói chung, hay về sự đấu tranh của Tibet, quê hương của ông.
Bạn có thể nghĩ rằng cần phải có một văn bằng trong kinh doanh, hay bằng MBA, để có thể trở thành nhà lãnh đạo hay một người biết nội dung. Không hẳn thế. Vị Dalai Lama không hề có một tấm bằng nào cả. Tuy nhiên ông có khả năng trình bày một thông điệp sâu sắc về hòa bình, thế giới và tình yêu nhân loại thông qua những câu chuyện có thật và thú vị - thông điệp này đã giúp ông được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989.
Bây giờ có thể bạn đang nghĩ: “Khoan đã. Anh không thể nào so sánh ước nguyện kết nối của một nhân viên văn phòng như tôi – và những câu chuyện mà tôi sẽ kể để thu hút bạn bè hay tạo ảnh hưởng đến người khác – với những câu chuyện mà Dalai Lama trình bày. Tôi ăn ba bữa mỗi ngày. Ông ấy đã sống lưu vong từ những năm 1950.”
Và bạn đúng chứ không sai. Câu chuyện của bạn không sâu sắc và cảm động như ông ấy. Nhưng cách bạn kể chuyện thì có đấy. Sau đây là phương pháp:
Để kể được một câu chuyện thu hút, Dalai Lama hiểu được rằng thông điệp phải đơn giản và dễ hiểu cho tất cả mọi người. Nhà báo Chris Colin, khi phán đoán vì sao lý tưởng của Dalai Lama lại trở nên rất phổ biến, đã viết, “Có thể chính sự rõ ràng của tội ác đã lay động phương Tây, nơi mà ít có vụ tranh chấp trên thế giới nào lại được thể hiện chính xác như vậy... Tại đây, trong một đất nước vẫn còn hoài niệm về giai đoạn nội chiến da trắng, da đen của một quá khứ tương tự, chính nghĩa “Giải phóng Tibet” được sự ủng hộ rất cao.”
Mặc dù ông là một trong những học giả uyên thâm nhất của một trong những triết lý phức tạp nhất trên thế giới, Dalai Lama không chỉ trình bày chính nghĩa của mình dưới một tầm nhìn rõ ràng, dễ hiểu, ông còn tìm mọi cách để chứng minh cho thấy chính nghĩa này có quan hệ với từng người trong chúng ta như thế nào.
Những câu chuyện thu hút nhất là những câu chuyện kể về nhân thân – chúng ta là ai, chúng ta từ đâu đến, và chúng ta sẽ đi về đâu. Những câu chuyện này chạm đến một điều gì đó chung nhất trong chúng ta. Dalai Lama mượn những câu chuyện này để cho ta thấy mối quan tâm của ta dành cho Tibet chính là mối quan tâm đến bản thân mình. “Chúng ta càng quan tâm đến hạnh phúc của người khác nhiều chừng nào,” ông nói, “thì chúng ta càng có cảm giác an nhiên chừng đó.” Bằng cách này, ông đã chỉ ra mối quan tâm của tất cả mọi người – hạnh phúc xây dựng trên nền tảng sự hài lòng, xoa dịu nỗi đau, và xây dựng mối quan hệ đầy ý nghĩa – có thể trở thành nền tảng đạo đức trong xã hội ngày nay. Từ đó, ông tác động đến chính nghĩa của mình bằng cách tác động đến chính nghĩa của mọi người.
Điều này hoàn toàn không có nghĩa là công việc kinh doanh của bạn, lý lịch tự thuật của bạn, hay bất cứ nội dung nào bạn muốn truyền đạt đều phải được tối giản hay phổ quát trên thế giới. Bạn nên tìm hiểu làm thế nào để trải lòng ra theo một cách a) dễ hiểu, và b) ai cũng thấy có liên quan đến mình. Một cách khác để thực hiện điều này là tự hỏi bản thân: “nội dung của mình sẽ giúp người khác trả lời được câu hỏi họ là ai, họ từ đâu đến, và họ sẽ đi về đâu như thế nào?”
Ở một mức độ nào đó, người ta vẫn ngạc nhiên tại sao lại có người quyên góp tiền vì chính nghĩa của Tibet. Chính nghĩa của người Tibet có thể nói là đã mất, sau bốn thập kỉ, Trung Quốc vẫn không hề tỏ ý sẽ rút lui.
Thế mà Dalai Lama vẫn tiếp tục thuyết phục được mọi người đóng góp tiền bạc và công sức của họ. Ông đã làm thế nào? Một điều được ông áp dụng là sử dụng dữ liệu và ví dụ lịch sử trong câu chuyện của mình để khơi dậy sự đồng cảm. Ông không làm như các doanh nhân là dùng biểu đồ, phân tích, cố gắng đánh vào lý trí để thuyết phục người khác về niềm tin của mình. Ông làm cho chúng ta cảm nhận được niềm tin đó. Để minh họa, mời bạn tìm đọc đoạn hỏi đáp này, trích từ cuộc phỏng vấn năm 1997 trên Mother Jones:
Hỏi: theo ý kiến của ông thì cần phải làm gì để Trung Quốc thay đổi chính sách về Tibet?
Dalai Lama: cần có hai điều: thứ nhất, một nhà lãnh đạo Trung Quốc biết nhìn về tương lai thay vì chỉ nhìn thấy quá khứ, biết hướng đến hòa hợp dân tộc và quan tâm đến ý kiến của thế giới và của chính người dân Trung Quốc đòi dân chủ; thứ hai, một nhóm nhà lãnh đạo các nước trên thế giới biết lắng nghe nguyện vọng của người dân nước họ về Tibet, và biết thẳng thắn đối thoại cứng rắn với Trung Quốc về nhu cầu cấp thiết phải tìm ra một giải pháp dựa trên sự thật và công bằng. Hiện nay chúng ta chưa có được hai điều này, vì vậy quá trình mang lại hòa bình cho Tibet đang bị bế tắc.
Nhưng chúng ta không nên mất niềm tin vào sức mạnh của sự thật. Mọi thứ đều thay đổi trong thế giới này. Hãy nhìn vào Nam Phi, Liên Xô cũ, và Trung Đông. Họ vẫn có rất nhiều vấn đề, bước tiến lẫn bước lùi, nhưng cơ bản những thay đổi đã diễn ra là những điều không tưởng cách đó chừng một thập kỉ.
Điều thật sự làm lay động chúng ta, buộc chúng ta phải hành động, chính là xúc cảm. Mặc dù còn nhiều bất lợi, Dalai Lama vẫn khiến chúng ta tin rằng việc dù có vẻ là bất khả, trên thực tế, vẫn có thể xảy ra. Trong những câu chuyện của bạn, hãy dùng cảm xúc để thuyết phục những người còn nghi ngờ rằng kèo dưới nhiều khi vẫn thắng, và gã khổng lồ đôi lúc vẫn ngã gục.
Hãy học theo ví dụ về Dalai Lama, hướng cái thần và cái tâm vào những câu chuyện lay động lòng người, mang lại nguồn cảm hứng cho rất nhiều người khác nhau nổi lên hành động. Trong thời đại của thương hiệu, trong nền kinh tế đặt cảm xúc lên trên con số, những nhà thuật chuyện sẽ luôn có lợi thế. Micheal Hattersley đã viết trong một bài báo trên tạp chí Havard Business Review, “Rất nhiều khi chúng ta phạm sai lầm khi nghĩ về công việc kinh doanh như là những tính toán lý trí, một công việc mà chỉ trong vài năm nữa máy tính sẽ làm tốt hơn con người. Người ta đã từng nghe nhắc đến trong số các cuộc hội thảo: “Con số này nghĩa là gì?” ‘Đưa cho tôi số liệu thôi.’ ‘Hãy cân nhắc các bằng chứng hiển nhiên và đưa ra quyết định đúng đắn.’ Nhưng thành thật mà nói, ít có tài năng nào quan trọng hơn đối với thành công trong công tác quản lý bằng kĩ năng thuật chuyện tốt.”
Thế nhé, bạn hãy quên đi những cái gạch đầu dòng hay những bài trình bày trên PowerPoint. Một khi bạn đã xác định được đâu là nội dung, bạn cần phải kể một câu chuyện thuyết phục để buộc bạn bè hay cộng sự của mình phải hành động một cách hăng hái và không ngập ngừng, phải làm sao cho họ bị dẫn dắt hoàn toàn bởi câu chuyện tuy đơn giản nhưng sâu lắng của bạn.
@by txiuqw4