sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 02

II

Ở Bonn, quá trình diễn biến hoàn toàn khác: đấy là nơi tôi ở. ở đây không bao giờ tôi biểu diễn, và từ nhà ga xe taxi không bao giờ đưa tôi đến trước một khách sạn mà là đưa tôi về nhà. Đáng lẽ tôi phải nói: đưa chúng tôi, Marie và tôi. Không có người gác cổng để tôi có thể nhầm với một nhân viên hỏa xa. Tuy vậy ngôi nhà này, tôi chỉ về ở có ba hoặc bốn tuần lễ trong một năm, với tôi nó xa lạ hơn bất cứ khách sạn đầu tiên nào tôi đến.

Khi ra khỏi ga Bonn, tôi đã phải tự kìm mình không gọi taxi, một cử chỉ máy móc làm tôi xót xa lúng túng. Trong túi tôi chỉ còn có một mác. Tôi sững người lại trên bậc sân ga, kiểm tra xem có mang theo chùm chìa khóa không: chìa khóa nhà, chìa khóa căn hộ, chìa khóa tủ bàn giấy. Trong tủ bàn giấy có chìa khóa thiết bị an toàn chiếc xe đạp của tôi. Từ lâu tôi đã nghĩ đến một tiết mục kịch câm về những chiếc chìa khóa: có một chùm chìa khóa bằng nước đóng băng, chúng sẽ tan ra cùng thời gian tôi biểu diễn.

Không có tiền, không có taxi, lần đầu tiên trong đời tôi đúng là cần có tiền. Đầu gối sưng, bước thấp bước cao, tôi đi qua sân ga một cách khó khăn rồi đi vào phố Bưu Điện. Chỉ mất khoảng hai phút đi bộ từ nhà ga đến nhà tôi mà sao quãng thời gian đó đối với tôi như dài vô tận. Tựa mình vào một máy bán thuốc lá tự động, tôi ngắm nhìn ngôi nhà nơi ông nội cho tôi được hưởng một căn hộ. Năm tầng nhà khớp vào nhau một cách trang nhã với các ban công có lớp phủ hài hòa: năm tầng, năm ban công mầu sắc khác nhau. Tầng năm, toàn bộ lớp phủ mầu gỉ sắt, là chỗ tôi ở.

Có phải đó là một tiết mục tôi đã trình diễn? Cắm chìa vào ổ khóa cửa; chẳng ngạc nhiên khi thấy nó không tan ra nước; mở cửa thang máy; bấm nút tầng năm, được nâng lên trong tiếng suýt suýt; ở mỗi chiều cao của thềm nghỉ, qua cửa sổ nhỏ thang máy nhìn ra ngoài thềm, xa xa nhận ra mặt hậu của một công trình, khu quảng trường với ngôi nhà thờ, tất cả sáng trưng, rồi một khoảng tối đen, trần nhà bê tông, và rồi lại, dưới một góc độ hơi khác: mặt hậu, quảng trường, nhà thờ, tất cả sáng trưng; và lặp lại như vậy ba lần; đến lần thứ tư không còn quảng trường và nhà thờ; cắm chìa vào ổ khóa cửa phòng và chẳng ngạc nhiên thấy nó vẫn mở ra được.

Nơi tôi ở, toàn mầu gỉ sắt: các cánh cửa, các lớp trát, các tủ tường. Rất ăn khớp nếu có một người phụ nữ mặc quần áo ngủ mầu gỉ sắt nằm dài ra trên chiếc tràng kỉ màu đen. Có lẽ cũng tốt nếu tôi kiếm được một người phụ nữ như thế, nhưng ngoài bệnh u uất, những cơn đau đầu, chất uể oải ở tôi và khứu giác gần như siêu tự nhiên qua telephon, tôi còn một căn bệnh ghê gớm hơn: thiên hướng một vợ một chồng. Trên thế giới chỉ có một người phụ nữ, với nàng tôi có thể làm tất cả những gì mà đàn ông và đàn bà có thể làm với nhau: Marie, và từ khi em bỏ tôi, tôi sống như một thầy tu, chỉ có khác ở chỗ tôi không phải là thầy tu. Tôi tự hỏi không biết có nên đi hỏi ý kiến một trong những cha cố ở trường học cũ của tôi, nhưng tất cả những ông cha cố này lại cứ nhất định coi đàn ông đều là loại đa thê (vì thế họ đứng ra làm người bảo vệ kiên quyết cho chế độ một vợ một chồng), và dưới con mắt họ tôi được coi là một con quỷ. Họ sẽ không có lời khuyên nào cho tôi khác hơn - tất nhiên với những lời lẽ kín đáo - là quay về những nơi nào theo họ tình yêu có thể mua bán được. Đối với các cha Tin Lành, tôi còn gặp đủ mọi sự bất ngờ, như Kostert chẳng hạn, hắn đã hoàn toàn làm tôi ngơ ngác; nhưng về cánh Cơ Đốc giáo thì không có gì làm tôi phải ngạc nhiên nữa. Trước kia Cơ Đốc giáo vẫn có vẻ hấp dẫn đối với tôi, ngay cả cái ngày, cách đây bốn năm, lần đầu tiên Marie đưa tôi đến một “Câu lạc bộ những người Cơ Đốc giáo tiến bộ” chủ ý giới thiệu với tôi những người theo đạo Cơ Đốc có trí tuệ, tất nhiên với ẩn ý giúp tôi ngày nào đó sẽ quy đạo (ẩn ý chung của mọi tín đồ Cơ Đốc giáo). Ngay từ những giây phút đầu tiên không khí nơi này đã làm tôi khiếp sợ. Lúc đó tôi đương trải qua thời kì tiến triển rất khó nhọc về nghề nghiệp: tôi vừa mới ở tuổi hai mươi hai, suốt ngày luyện vai hề. Mặc dù mệt bã người, tôi vẫn đi, đặt nhiều hi vọng vào buổi dạ hội, tin rằng sẽ có một cuộc họp mặt vui vẻ với những món ăn tinh tế và rượu ngon thừa thãi (không một đồng xu dính túi như chúng tôi, Marie và tôi, hiếm có rượu và thức ăn ngon), rồi còn có thể có cả khiêu vũ nữa chứ? Thay vào đó, chúng tôi chỉ có được một chút rượu nho tồi, và mọi việc diễn ra hẳn giống như đối với một sinh viên xã hội học buộc phải học với một ông thày hoàn toàn chán ngắt. Thật quá quắt, mệt kinh người. Mở đầu là đọc kinh tập thể, trong suốt buổi tôi không còn biết phải làm gì với đôi tay và bộ mặt của tôi nữa. Tưởng người ta không nên bắt một người không tin đạo phải chịu một sự thử thách như vậy. Họ không chỉ bằng lòng với một Pater hoặc một Ave [8] (đã là quá nặng nề với tôi, vì được giáo dục theo đạo Tin Lành, tôi không quen đọc kinh tập thể), không, mà là một bài do Kinkel soạn thảo, cái trò: Và chúng con xin Người cho chúng con sức mạnh để có thể công bằng đối với những người bảo thủ cũng như đối với những người tân tiến, v.v... Chỉ sau đó, người ta mới đi vào “chủ đề của buổi họp”, về “sự nghèo khó trong xã hội của chúng ta”. Trong đời tôi đây là một buổi tối khó chịu nhất. Tôi không thể tin được rằng một cuộc nói chuyện về tôn giáo lại cần phải nặng nề đến như vậy. Ôi, tôi biết! Rất khó có thể tin vào một tôn giáo như vậy. Phục sinh và cực lạc. Marie thường đọc cho tôi nghe các đoạn Kinh Thánh. Không phải dễ mà tin được tất cả những chuyện đó. Sau này tôi đọc cả Kierkegaard [9] (việc này rất bổ ích đối với một diễn viên hài): cố nhiên là khó nhưng không đến nỗi mệt. Tôi không biết có hay không những người tự dệt cho mình những chiếc khăn lót theo kiểu Klee hoặc Picasso [10], nhưng đối với tôi hình như tối hôm đó, theo Thánh Thomas Aquin, Thánh Franỗois d'Assise, Thánh Bonaventure và Leon XIII [11] các tín đồ Cơ Đốc giáo của tôi như được thêu thành hình vào những chiếc khố, tất nhiên không phải để che đậy một sự lõa lồ nào, vì không một ai trong đám cử tọa (trừ tôi) lại không có thu nhập dưới nghìn rưỡi mác một tháng. Với khả năng ấy mà phải chịu như vậy, họ cũng thấy quả là nghịch cảnh, đành ngồi trơ ra, theo phép lịch sự. Chỉ có Zỹpfner, thật sự không chịu nổi cực hình, cuối cùng đã hỏi xin tôi một điếu thuốc. Lần đầu tiên trong đời hắn. Hắn vụng về nhả xuống bên dưới từng cuộn khói lớn, rõ ràng sung sướng giấu được bộ mặt của hắn trong làn khói. Tôi hết sức lúng túng với Marie, em ngồi đó xanh xao, run rẩy trong khi Kinkel kể một câu chuyện về một người bắt đầu chỉ kiếm được năm trăm mác một tháng, với số tiền đó hắn hoàn toàn có thể sống được, cho đến khi hắn kiếm được một nghìn, hắn bỗng thấy khó sống hơn, rồi hắn gặp những khó khăn thực không sao khắc phục được khi hắn kiếm được hai nghìn. May sao khi vượt qua mức ba nghìn hắn nhận ra được là hắn lại có thể sống được một cách dễ chịu, từ kinh nghiệm bản thân hắn rút ra kết luận sau: “Với năm trăm mác một tháng thì không có vấn đề gì, nhưng giữa năm trăm và ba nghìn mác thì quả là nỗi khốn khổ”. Kinkel như không hề nhận ra sự bất lịch sự của câu chuyện hắn kể. Hắn rít điếu xì gà gộc của hắn, đưa cốc rượu vang lên miệng, tọng thêm bánh quy, phó mát và không ngừng lải nhải với một sự thanh thản hết sức oai vệ. Cuối cùng chính ông cố vấn tinh thần của hội, Đức Giám mục Sommerwild, cũng bắt đầu cựa quậy, phải tìm cách chuyển đề tài câu chuyện. Tôi thấy rõ là ông ta tung ra cái từ tủ của ông “phản động” làm mồi nhử. Lập tức cắn mồi, Kinkel nổi khùng ngừng lại giữa bài diễn văn của hắn, đúng vào đoạn hắn đương nói về một chiếc xe hơi trị giá mười hai nghìn mác rẻ tiền hơn một chiếc trị giá bốn nghìn năm trăm. Ngay đến vợ hắn, mặc dầu quen tâng bốc hắn đến tận mây xanh một cách thiếu tinh tế đến kinh khủng, khi ấy cũng thở phào nhẹ nhõm.

[8] Kinh Lạy cha, Kinh Thánh mẫu

[9] Kierkgaard (1813-1855): nhà triết học và thần học Đan Mạch. Tư tưởng cơ bản: ghê tởm cuộc đời, sợ chết, lo âu khắc khoải, bi quan. Đầu thế kỉ 20 có ảnh hưởng lớn đến triết học và văn học tư sản (chủ nghĩa hiện sinh).

[10] Picasso (1881-1973) nghệ sĩ tạo hình và điêu khắc Tây Ban Nha, có ảnh hưởng hàng đầu đến tiến trình nghệ thuật hiện đại.

- Klee (1879 -1840): nghệ sĩ và nhà lí luận tạo hình Thụy Sĩ.

[11] Các Thánh người Italia.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx