sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 11 phần 1

XI

Tôi vào buồng tắm, rót vào bể một ít dầu tắm - Monika Silvs đãđể sẵn một lọ dầu trên ván kệ - và mở vòi nước nóng. Tắm có tác dụng cũng gần như ngủ, cũng như ngủ có tác dụng gần tốt như làm “việc ấy”. Đấy là công thức của Marie, và khi tôi nghĩ đến “việc ấy”, bao giờ cũng là bằng từ của em. Tôi không thể hình dung được Marie làm “việc ấy” với Zỹpfner; trong đầu óc tôi không có khả năng sinh ra loại hình ảnh ấy, và vì thế không bao giờ tôi thực sự muốn lục lọi quần áo của Marie. Ngược lại tôi có thể tưởng tượng thấy em ngồi đánh cờ tào cáo với Zỹpfner, điều đó làm tôi điên người. Có thể nào em làm với hắn cái việc mà em làm với tôi mà lại không để hắn coi em là một con người phụ bạc hoặc là một gái điếm. Không thể được, kể cả việc phết bơ vào các lát bánh mì cho hắn. Chỉ nghĩ đến Marie cầm lên điếu thuốc hút dở của Zỹpfner ở gạt tàn để hút nốt, tôi đã điên tiết rồi. Tôi cố tự nhủ, sau khi nghĩ kĩ là Zỹpfner không hút thuốc và có lẽ thích chơi cờ chiếu tướng hơn, ý nghĩ đó cũng không an ủi tôi chút nào. Nhất định là em phải làm một cái gì đó với hắn, khiêu vũ hoặc chơi bài, hoặc người nọ đọc sách cho người kia nghe, và rồi họ phải nói chuyện với nhau, về thời tiết, về tiền nong? Tóm lại điều duy nhất em có thể làm cho hắn mà không bắt buộc phải nghĩ đến tôi, là việc chuẩn bị các bữa ăn cho hắn. Em rất ít khi chuẩn bị bữa ăn cho tôi vì thế trong trường hợp ấy không thể nói là phản bội hay hủ hóa được. Có lẽ tôi đã sẵn sàng gọi telephon cho Sommerwild, nhưng hãy còn quá sớm. Tôi thực có ý định lôi hắn ra khỏi giường vào lúc hai giờ ba mươi sáng để đưa hắn vào một cuộc nói chuyện dông dài về nghệ thuật. Tám giờ tối, thời gian này còn quá tử tế đối với hắn, dù trước hết chỉ để hỏi xem đã có bao nhiêu nguyên tắc hắn nhồi nhét cho Marie, và sau đó dưới dạng nào Zỹpfner sẽ trả công cho hắn: thánh giá tu viện cấp cao thế kỉ XIII hay bức tranh Đức Mẹ rênan thế kỉ XIV? Tôi cũng nghĩ đến cách khử hắn. Cách tốt nhất để khử một tay duy mĩ là sử dụng một văn hóa phẩm có giá trị, để dẫu gần chết, hắn vẫn có thể phẫn nộ trước tội ác như vậy đối với nghệ thuật. Một bức tranh Đức Mẹ không đáp ứng được yêu cầu này: vừa quá quý giá, vừa quá bền chắc, tay duy mĩ vẫn có thể chết mà vẫn còn hi vọng giữ được nó nguyên vẹn. Một bức họa thường không đủ nặng, cùng lắm thì bộ khung có thể được việc, nhưng tay duy mĩ còn có thể tự an ủi được khi hắn nghĩ là bức họa chưa bị ảnh hưởng. Có một cách giải quyết khác: cạo hết mầu ở bức họa có giá trị đi, và dùng tấm vải vẽ ấy bóp nghẹt hoặc thắt cổ Sommerwild. Không hẳn là một vụ ám sát hoàn toàn, nhưng ít ra cũng là một vụ giết người hoàn toàn duy mĩ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng đưa được sang thế giới bên kia một tay táo tợn như hắn. Sommerwild cao lớn, người dong dỏng, “nhân vật đáng kính” với bộ tóc bạc trắng và vẻ mặt “nhân từ”, lại còn là một tay leo núi, tự hào đã từng tham gia hai cuộc chiến tranh thế giới và được thưởng huy chương bạc trong một cuộc thi thể thao. Vậy đây là một đối thủ cứng cựa và đã được rèn luyện tốt. Nhất thiết phải tìm ra bằng được một văn hóa phẩm thật đẹp, làm bằng chất kim loại, bằng đồng hoặc bằng vàng, kể cả bằng đá cẩm thạch; nhưng tôi khó có thể khởi đầu bằng việc đi Rome để xoáy một thứ đạo cụ như ý muốn trong một Viện bảo tàng Vatican.

Trong khi bể tắm ngập đầy nước, tôi bỗng nghĩ đến Blothert, thành viên quan trọng của câu lạc bộ, tôi mới chỉ gặp có hai lần. Hắn gần như là “cánh tay phải” của Kinkel, cũng làm chính trị, nhưng xuất thân từ một giới khác hẳn. Blothert đối với Zỹpfner nhưlà Kinkel đối với Fredebeul: một kiểu phó và “thừa kế tinh thần”. Nhưng gọi cho Blothert thì còn ngu ngốc hơn là húc đầu vào tường. Chỉ những bức tranh Đức Mẹ barốc của Kinkel là có thể làm thức tỉnh ở hắn dấu hiệu hơi rõ hơn của sự sống. Cái cách chúng so sánh những bức tranh với nhau cho thấy về bản chất hai tay này căm ghét nhau đến thế nào. Blothert là chủ tịch một hội mà Kinkel sẵn sàng muốn thay thế. Là bạn học cùng lớp, chúng mày tao chi tớ với nhau từ hồi nhỏ. Gặp Blothert có hai lần, tôi đã thấy hãi hùng. Vóc người tầm thước trung bình, tóc hoe, trông hắn như hai nhăm tuổi. Nếu hắn cảm thấy bị quan sát, hắn nhăn mặt và trước khi mở miệng nói gì là hắn bắt đầu nghiến răng kèn kẹt đến ba mươi giây; trong bốn từ hắn thốt ra ít nhất có hai từ bao giờ cũng là “capitaliste” hoặc “catholon” [66]), và lúc ấy người ta mới nhận ra là hắn đã ngoài năm mươi tuổi: người ta có thể nói đây là một chàng trai già khọm đi vì một tật xấu bí ẩn.

[66] Capitaliste, catholon: nhà tư bản, tín đồ Cơ Đốc giáo... (có ý giễu cợt).

Một nhân vật đến là độc địa! Bị một loại chứng cơ cứng, đôi khi đang nói, hắn bắt đầu ấp úng: “ca-ca-ca”, trông đến thảm hại, cho đến lúc hắn có thể bật tiếp ra được: “... pitaliste” hoặc “... tholon”. Marie đã nói với tôi về hắn, khẳng định trí thông minh sắc sảo của hắn. Sự khẳng định mà tôi chưa bao giờ thấy được chí ít một sự chứng minh xác thực. Chỉ có một lần tôi nghe hắn nói ra được khoảng hai mươi từ, hôm người ta tranh luận về án tử hình... Hắn tuyên bố hoàn toàn tán thành và điều duy nhất làm tôi ngạc nhiên về hắn là việc hắn không buồn giả vờ chống lại. Hắn đã tỏ ra hân hoan khi phát biểu, nhưng rồi lại một lần nữa lúng túng trong những ca-ca-ca của hắn, cứ như với mỗi tiếng “ca” hắn lại chặt một đầu người. Hắn đã nhìn tôi nhiều lần, và mỗi lần lại tỏ vẻ ngạc nhiên, như muốn kìm mình khỏi thốt ra một “không thể tưởng tượng được!”. Nhưng hắn không thể không lắc đầu. Tôi cho là đối với hắn một người không phải là tín đồ Cơ Đốc giáo thì đơn giản là không thể tồn tại được. Và tôi nghĩ rằng nếu người ta lặp lại án tử hình thì hắn sẽ không bỏ lỡ cơ hội ca tụng việc hành quyết tất cả những người không phải là tín đồ Cơ Đốc giáo. Hắn có một bà vợ, các đứa con và máy telephon. Nhưng, tóm lại, có lẽ tốt nhất là nên gọi lại một lần nữa cho mẹ tôi. Như vậy chỉ là để gợi lại hình ảnh Marie mà bỗng nhiên tôi nhớ ra Blothert. Hẳn là hắn thường lui tới chỗ em - hắn có một số liên hệ với Liên đoàn quốc gia - và ý nghĩ về việc hắn phải nằm trong số những khách thường xuyên lui tới chỗ Marie không thể không làm tôi lo lắng. Tôi gắn bó sâu sắc với Marie và sự diễn cảm kiểu hướng đạo của em “em phải đi con đường mà em phải theo” có thể tôi phải hiểu như một công thức về sự vĩnh biệt của một nữ tín đồ ở vào những tuổi ban đầu sắp được ném vào miệng sư tử? Thế rồi nghĩ đến Monika Silvs, tôi biết rằng cuối cùng tôi sẽ chấp nhận tình thương của cô ta. Cô thật xinh, thật tử tế đối với tôi, cô còn tỏ ra chưa ở vào đúng vị trí của cô so với Marie giữa những hội viên của câu lạc bộ.

Dù cô bận rộn trong việc bếp núc - có hôm tôi đã giúp cả cô nướng bánh mì - dù cô cười, khiêu vũ hoặc chải tóc, tất cả những gì cô làm đều tỏ ra thật tự nhiên... dù tôi không thích những loại tranh cô vẽ. Cần phải nói rằng bị Sommerwild hết sức phỉnh phờ nên cô chỉ thể hiện những bức tranh Đức Mẹ. Có lẽ tôi sẽ cố gắng cắt bỏ chuyện đó ra khỏi đầu óc của cô. Bởi vì cuối cùng, lòng tin tưởng và sự hiểu biết hội họa không nhất định đã đủ để có thể vẽ nên được một bức tranh đẹp. Cần phải để cho trẻ em và các tu sĩ sùng đạo nhiệm vụ vẽ các bức tranh Đức Mẹ, dù họ không tự coi mình là nghệ sĩ. Nhưng liệu tôi có thuyết phục được Monika rời bỏ công việc ấy không? Chỉ mới là một người mê nghệ thuật thôi, còn trẻ, hai mươi hai hay hai mươi ba tuổi đời, chắc là còn trinh bạch và đấy chính là điều làm tôi kinh hãi! Nhưng bỗng nhiên tôi nảy ra một ý nghĩ rất tồi: phải chăng các tay Cơ Đốc giáo đã dành cho tôi vai trò của Siegfried? Rồi điều gì sẽ xảy ra? Cô đã sống thân thiết với tôi từ nhiều năm, cho đến ngày những nguyên tắc đạo đức ước thúc cô phải trở về Bonn và lấy Von Severn ở đấy. Tôi gạt bỏ ý nghĩ ấy, nó làm tôi thấy xấu hổ. Monika tốt đến mức tôi không muốn cô là đối tượng của những ý nghĩ xấu xa nảy sinh ở tôi. Trường hợp thuận tiện với cả hai, tôi sẽ phải bắt đầu gạt bỏ ảnh hưởng của Sommerwild khỏi đầu óc cô, cái tên bảnh bao của các phòng khách xã hội thượng lưu ấy, giống như cha tôi. Mặc dù cha tôi không có ý định nào khác hơn là hành động gần như một kẻ bóc lột nhân loại, vả chăng ông lại thực hiện được đầy đủ ý định ấy. Còn Sommerwild bao giờ cũng gây ra cho tôi ấn tượng về một giám đốc một trạm bán nước khoáng hoặc một phòng hòa nhạc, trưởng “phòng giao dịch” một nhà máy đóng giày, ca sĩ thời thượng, thậm chí ngay cả chủ bút một tờ tạp chí thời trang, hiểu là “đúng mốt”. Mỗi tối chủ nhật, hắn đọc một bài thuyết giáo ở nhà thờ St Corbinian. Marie đã kéo tôi đến đấy hai lần. Tôi không hiểu tại sao các cấp trên của Sommerwild lại cho phép hắn phô trương một cách khó chịu đến như vậy. Tôi rất muốn đọc riêng rẽ Rilke [67], Hotmannsthal [68] và Newman [69], nhưng không muốn người ta cho ăn một món hổ lốn đem cả ba trộn vào có vị rượu mật ong.

[67] Rilke (1875-1926): nhà thơ áo viết bằng tiếng Đức, thể hiện tình cảm cô đơn, buồn thảm, hoang mang, băn khoăn về cuộc đời và cái chết, tìm thấy trong cái chết ý nghĩa của cuộc sống phù du và coi nghệ thuật, thơ là một thứ tôn giáo, cứu cánh của cuộc sống.

[68] Hotmannsthal (1874-1929): nhà văn, nhà thơ Áo viết bằng tiếng Đức. Sáng tác bộc lộ những khuynh hướng trái ngược: tư tưởng nhân đạo tư sản, truyền thống văn hóa Thiên Chúa giáo, khuynh hướng suy đồi; giai đoạn sau của cuộc đời sáng tác chán ghét thực tế của xã hội đế quốc, tìm cách thoát li vào dĩ vãng, truyềnthống Thiên Chúa giáo và tạo một nền sân khấu tôn giáo (canh tân bi kịch cổ điển Hi Lạp, kịch của Anh thời kì Trung cổ về đời Chúa Jêsu, kịch barốc áo.

[69] Newman (1801-1890): Hồng y giáo chủ và nhà thần học người Anh. Tác giả cuốn Ngữ pháp của sự tán đồng.

Tôi ngồi nghe vã mồ hôi trong suốt cả buổi thuyết giáo. Hệ thần kinh sinh dưỡng của tôi không thể chịu đựng được một số thể loại quái gở. “Cái gì tồn tại cứ tồn tại, cái gì bay lượn cứ bay lượn”, một loại thành ngữ đủ để gieo rắc trong tôi nỗi kinh hoàng. Cái ông mục sư to lớn, hơi thiển cận, đứng trên bục ấp úng những chân lí tôn giáo khó hiểu của ông ta nhưng không có tham vọng tuyên bố “lời cuối cùng” còn làm tôi thích thú hơn. Marie buồn vì thấy những lời thuyết giáo của Sommerwild không thuyết phục được tôi. Nhưng đấy chưa phải là điều khó chịu nhất đối với tôi: quả nhiên sau buổi thuyết giáo, khi chúng tôi vào ngồi ở một quán cà phê gần nhà thờ St Corbinian, chẳng mấy chốc quán này đã đầy người, họ cũng vừa nghe Sommerwild thuyết giáo, ai nấy mặt mày rạng rỡ. Rồi đích thân vị Tổng giám mục bước vào, một vòng người vây quanh ông ta, trong đó có hai chúng tôi. Lúc đó người ta còn nhai lại hai, ba hoặc đến bốn lần cái bài ca não nuột hắn vừa mới tuôn ra từ trên bục cao. Khi ấy tôi thấy một nữ diễn viên trẻ, đẹp như một bông hoa, với bộ tóc dài mượt vàng óng bao quanh một khuôn mặt thiên thần mà Marie rỉ tai tôi là đã “ba phần tư” quy đạo, đến cúi hôn vào chân của Sommerwild. Tôi cho đúng là hắn đã không làm gì hết để ngăn lại cử chỉ của cô ta.

Tôi đóng vòi nước bể tắm, cởi quần áo, kéo qua khỏi đầu sơmi và áo gilê vứt chúng vào góc buồng và vừa cởi xong quần áo thì có tiếng chuông telephon. Tôi biết chỉ có một người có thể quay chuông mạnh mẽ đến như thế, hùng tráng đến như thế: Zohnerer, ông bầu của tôi. Rất khổ là ông ta có cái kiểu nói áp mồm vào máy, đến nỗi tôi vẫn lo là nước bọt từ mồm ông ta có thể bắn vào tôi. Nếu để tỏ ra thân ái thì mở đầu ông phải nói với tôi: “Tối hôm qua anh thật tuyệt vời!” Như vậy, không cần biết là trong trường hợp nào. Nhưng nếu muốn tỏ ra không bằng lòng, ông ta sẽ mở đầu bằng: “Này, Schnier, dù sao anh cũng không phải là Chaplin!” Như thế hoàn toàn không có nghĩa là ông nghĩ rằng tài nghệ của tôi thua kém Chaplin, nhưng đơn giản là tôi không nổi tiếng đến mức có thể tự cho phép mình một vài sự ngông cuồng làm cho ông, Zohnerer, phải phẫn nộ. Hôm nay, có thể ông ta sẽ không nói điều gì khó chịu, sẽ không thông báo với tôi, theo thói quen của ông mỗi lần tôi hủy bỏ một buổi biểu diễn, là ngày tận thế đã đến gần. Ông ta cũng sẽ không gọi tôi là tên “cuồng loạn phản lệnh”. Offenbach, Bamberg và Nỹremburg [70] hẳn là đã hủy hợp đồng của họ, ông sắp sửa liệt kê các khoản chi phí tính vào sổ nợ của tôi.

[70] Các thành phố ở Tây Đức.

Chuông telephon vẫn réo lên, mạnh mẽ và hùng tráng, và tôi thoáng đã có ý định đem máy telephon nhét xuống dưới đệm đivăng; tuy nhiên, nghĩ lại, tôi khoác áo tắm vào, đi ra phòng khách và đứng sững một lúc trước máy telephon. Thần kinh và khả năng chịu đựng của các ông bầu vượt qua mọi thử thách; đối với họ một công thức như “tính nhạy cảm nghệ sĩ” có quyền lực không kém gì “công ty vô danh bia Dormund”, và người ta sẽ chỉ tốn nước bọt nếu thật muốn tranh luận một cách nghiêm túc về nghệ thuật và về những người nghệ sĩ với những người như họ. Họ biết thừa là người nghệ sĩ kém ý thức trách nhiệm nhất còn có tinh thần trách nhiệm gấp nghìn lần, so với một ông bầu có tinh thần trách nhiệm nhất, nhưng họ có một thứ vũ khí mà người nghệ sĩ không thể chống lại được: họ biết chính xác là anh ta không có thể làm được điều gì khác ngoài việc: vẽ tranh, đi khắp nước làm diễn viên hài, ca hát hoặc tạc “sự vĩnh cửu” vào đá cẩm thạch hoặc đá hoa cương. Mọi nghệ sĩ đều như những người phụ nữ không có khả năng làm gì khác hơn là yêu thương và ngả vào vòng tay của một tên ngu xuẩn đầu tiên bắt gặp. Có thể thấy trước, nghệ sĩ và phụ nữ là những con người dễ bị bóc lột nhất, mà mọi ông bầu thì đều ít nhiều mang tâm hồn của tên ma cô. Tiếng chuông telephon dứt khoát là của tên ma cô. Koster đúng là đã báo cho ông Zohnerer biết việc tôi rời khỏi Bochum, vì vậy ông ta biết chắc là lúc này có thể tóm được tôi ở nhà. Tôi buộc dải áo choàng bông của tôi lại và nhấc ống nghe lên. Mùi da sặc sụa phả ngay vào mặt tôi.

- Alô, Schnier, cái kiểu gì để phải đợi lâu đến như vậy, có ý gì hả?

- Tôi vừa mới có ý định khiêm tốn tắm một cái. Như thế có trái với các điều khoản thỏa thuận của chúng ta không?

- Anh bạn thân mến, trò hài hước của anh không có giá trị bằng sợi dây thừng để treo cổ đâu!

- Ở đâu nhỉ, sợi dây thừng? Nó đã treo lủng lẳng rồi à?

- Hãy để đấy những biểu tượng và chúng ta đi vào việc, đồng ý chứ?

- Không phải tôi là người đầu tiên dùng biểu tượng.

- Ai nói trước không quan trọng! - Ông ta hét to. - Điều đó không ngăn cản trên bình diện nghệ thuật anh có vẻ hoàn toàn có ý định muốn tự sát!

- Ông Zohnerer thân mến, - tôi nói nhẹ nhàng, - ông có thể để miệng ông ra xa ống nói một chút được không, tôi thấy hơi bia phả vào mặt tôi.

Ông ta bắt đầu rủa tục rồi vừa cười vừa tuyên bố:

- Theo tôi, tính láo xược của anh có vẻ còn nguyên vẹn... nhưng chúng ta đương nói về chuyện gì nhỉ?

- Về nghệ thuật. Nhưng nếu ông muốn thì chúng ta sẽ nói về chuyện làm ăn.

- Trong trường hợp ấy, chúng ta gần như không còn gì để nói với nhau nữa. Nên hiểu tôi, Schnier, tôi không có ý định bỏ rơi anh, anh hiểu chứ?

Sự kinh ngạc như khóa miệng tôi lại.

- Chúng tôi sẽ rút anh ra khỏi chu trình trong thời gian sáu tháng, ông ta nói tiếp, sau đó tôi sẽ lại giúp anh tiến hành công việc. Tôi hi vọng cái tên nhóc bẩn thỉu ở Bochum không xen vào việc của anh một cách quá mức?

- Có đấy! Hắn lừa đảo tôi... một chai rượu trắng và tiền chênh lệch giữa một vé tàu hạng nhất với một vé tàu hạng nhì Bochum - Bonn.

- Anh phạm vào một hành động ngu ngốc khi chấp nhận việc giảm bớt tiền thù lao. Hợp đồng là hợp đồng. Nhưng sự thất bại của anh giải thích sự đầu hàng ấy.

- Zohnerer, tôi nói khẽ, có thật ông có tình người không, vậy thì...

- Thôi đừng đùa cợt nữa! Tôi rất mến anh, Schnier. Nếu anh chưa nhận ra, thì đúng là anh còn ngốc hơn tôi tưởng đấy, hơn nữa anh còn có giá, nói theo kiểu thương mại. Nhưng trước hết hãy thôi cái chuyện bí tỉ trò trẻ ấy đi.

Ông ta có lí: Trò trẻ là từ chính xác.

- Nhưng cái đó đã giúp tôi đứng vững.

- Thế là thế nào?

- Về tâm lí.

- Vô lí! Bỏ ngay cái chuyện tâm lí ấy ra ngoài đi. Đồng ý là chúng ta có thể kiện Mayenco về việc hủy bỏ hợp đồng và còn có thể có cơ may thắng cuộc nữa... nhưng tôi không tán thành. Ngừng hoạt động trong thời gian sáu tháng, sau đó lại tiến hành công việc.

- Thế trong thời gian đó, tôi được coi như sống bằng gì?

- Chà! Anh có thể moi ở ông bố của anh cái gì đó?

- Nếu không được?

- Lúc ấy chịu khó tìm ra cho được một cô bạn nhỏ có thể bao anh trong thời gian cần thiết.

- Tôi đi làm trò ở các chợ còn hơn, từ nông thôn ra thị trấn và từ thị trấn về nông thôn.

- Tỉnh lại đi, anh bạn! ở các thị trấn và ở nông thôn người ta cũng đọc báo, và lúc này tôi không thể nào tìm ra được cho anh một tối biểu diễn ở một hội thanh niên với tiền thù lao hai mươi mác một tối đâu.

- Ông đã thử chưa?

- Còn hơn thế! Tôi không rời khỏi telephon trong suốt một ngày để làm việc cho anh. Con số không, không có gì làm tinh thần công chúng sa sút hơn là một diễn viên hài chỉ đáng để thương hại. Như thế một anh hầu bàn trong quán cà phê phải ngồi trong ghế di động đến phục vụ rượu cho anh. Anh ảo tưởng quá đấy, hãy tin ở tôi.

- Còn ông không à? Và như hắn không trả lời, tôi tấn công luôn: ông không thấy là chính ông đã ảo tưởng khi ông nghĩ là tôi có khả năng bắt đầu hoạt động trở lại trong vòng sáu tháng?

- Có lẽ thế, nhưng đây là cơ hội duy nhất của chúng ta. Tất nhiên như vậy còn hơn là phải đợi mất một năm.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx