sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Dưới cái nhìn của anh hề - Chương 15 phần 4

- Còn nhiều chuyện khác nữa, - tôi nói, - như về những “viên kẹo cam thảo và những quả bóng của trẻ con”. Mẹ cho việc mua bóng cho trẻ con chơi là một sự lãng phí không hơn không kém. Đó là một sự lãng phí không hơn không kém, đồng ý, nhưng sự ham chơi bóng của trẻ con không bao giờ có thể làm bay lên trời tất cả những đồng tiền điếm nhục của bố mẹ, dưới dạng các quả bóng được. Còn về những viên kẹo gần như không tốn kém gì, mẹ có những lí luận đặc biệt chí lí nhằm chứng minh rằng chúng chẳng qua chỉ là chất độc. Nhưng mẹ lại không cho chúng con thứ gì khác ít độc hại hơn: đơn giản là chúng con không bao giờ có kẹo. ở nội trú, con làm các bạn con ngạc nhiên, vì con là đứa duy nhất không bao giờ chê các món ăn và ngốn tất, còn tuyên bố là thấy chúng rất ngon.

- A! Con thấy đấy, - giọng bố tôi nghẹn ngào, - dù sao vấn đề cũng có mặt tốt của nó.

Nhưng giọng ông thật thiếu tin tưởng và không có gì là vui vẻ.

- Ô, - tôi nói, - con hoàn toàn tin vào giá trị tính lí luận và tính sư phạm của một sự dạy dỗ như vậy, nhưng tất cả chỉ là lí thuyết, là giáo dục học, là tâm lí học, là hóa học... chán chết, ở nhà Wieneken, con biết ngày thứ sáu là ngày trong nhà họ có tiền, cũng như ở nhà Schniewind và ở nhà Holerath. Sự khác biệt rất rõ của ngày hôm đó so với những ngày khác là bao giờ cũng có món ăn bổ sung: mỗi người một khoanh xúc xích đặc biệt dày hoặc một chiếc bánh ga tô. Và sáng thứ sáu nào bà Wieneken cũng đến cửa hiệu làm đầu bởi vì vào cuối ngày... phải: người ta dâng lễ hiến sinh lên thần Vệ nữ, bố sẽ nói như vậy đấy.

- Sao! Bố tôi kêu lên, lẽ nào con không muốn nói là... Ông tím mặt lại và nhìn tôi lắc đầu.

- Đúng thế, chính đó là việc con muốn nói tới. Vào chiều thứ sáu, người ta cho bọn trẻ đi xem phim. Trước kia chúng được phép đi ăn kem để khi người mẹ sau khi đi làm đầu và người bố trở về với tiền lương, có được một buổi cuối ngày hoàn toàn của riêng họ. Ba biết là những căn hộ của những người thợ không rộng rãi...

- Con muốn nói... con muốn nói là các con biết lí do người ta cho trẻ con đi xem phim?

- Tất nhiên không thật chính xác. Chỉ đến sau này, suy nghĩ lại con mới hiểu ra nhiều chuyện, và không cần lâu lắm về sau con đã hiểu tại sao bà Wieneken đỏ mặt đến cảm động khi chúng con đi xem phim về để ăn món khoai tây trộn xà lách. Cũng sau này, khi ông Wieneken nhận nhiệm vụ trông coi sân thể thao, mọi việc thay đổi: ông ta thường hay ở nhà. Điều duy nhất con nhận ra là cứ vào ngày thứ sáu thì bà Wieneken lúng túng, và chỉ đến sau này rất lâu con mới hiểu ra lí do chuyện đó. Nhưng một căn hộ chỉ gồm có một phòng lớn và một gian bếp, với ba đứa con, thật họ không thể có cách nào khác.

Bố tôi có vẻ ngán ngẩm đến mức tôi không còn dám nghĩ đến chuyện lại đưa ra vấn đề tiền nong nữa: chắc ông sẽ thấy vấn đề đó thật vô duyên. Sự gặp gỡ của chúng tôi, dưới con mắt của ông, hoàn toàn rõ ràng mang tính chất bi thảm, nhưng ông đã bắt đầu nếm tí chút “nỗi đau khổ thanh cao” và còn bén mùi nó nữa, và nếu để chậm lại hơn nữa thì rất khó có thể nhắc lại rằng ông đã hứa cho tôi ba trăm mác. Tiền nong, nó như là “sự ham muốn nhục dục”, không ai có thể nói ra được một cách cụ thể, ngay cả nghĩ đến một cách cụ thể. Hoặc là người ta “thanh cao hóa nó” - như một giáo sĩ đã nói với Marie về sự ham muốn nhục dục - hoặc người ta cho nó vốn là dung tục, nhưng không bao giờ nghĩ đến nó trong chức năng nó trực tiếp biểu thị: thức ăn hoặc xe taxi, bao thuốc lá hoặc phòng ngủ có buồng tắm.

Bố tôi rõ ràng đương đau khổ, trông thật đáng thương. Ông quay người về phía cửa sổ, rút khăn tay trong túi ra lau nước mắt. Tôi chưa bao giờ thấy ông khóc, ngay cả dùng khăn tay. Mỗi buổi sáng người ta để ra cho ông hai khăn tay sạch, đến tối ông quẳng chúng vào sọt quần áo bẩn trong buồng tắm, hơi nhàu nhưng không có vết nhơ. Có một thời gian, để tiết kiệm xà phòng lúc đó khan hiếm, mẹ tôi đã tranh luận với ông rất lâu xem ông có thể cứ dùng những chiếc khăn tay của ông hai hoặc ba ngày được không. “Ông mới dắt chúng trong túi áo ông, chưa hề bẩn chút nào...” và chúng ta dù sao cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng dân tộc”. Nói vậy, bà muốn ám chỉ “cuộc đấu tranh chống tệ lãng phí” theo lệnh của thượng cấp. Nhưng - theo như tôi nhớ ra, đây là lần duy nhất - bố tôi đã tỏ ra cương quyết, ông đòi mỗi buổi sáng vẫn phải có hai chiếc khăn tay sạch cho ông. Tôi chưa hề thấy ở ông một giọt nhỏ, một hạt bụi hoặc một vấy bẩn nào để ông phải dùng đến khăn tay. Vậy mà giờ đây, đứng trước cửa sổ, không chỉ lau nước mắt, ông còn có một cử chỉ đến tầm thường là lau mồ hôi đọng giọt ở môi trên của ông. Vì ông vẫn cứ khóc, tôi quyết định đi vào trong bếp và ở đó tôi nghe thấy cả tiếng ông còn thổn thức tí tỉnh. Hiếm có người nào muốn thấy ai đó khi mình đang khóc và tôi cho rằng trong trường hợp này nếu đó lại chính là người con trai của mình mà mình còn biết rất ít thì càng không đúng lúc chút nào. Riêng tôi, tôi biết chỉ có một người trước mặt người đó tôi có thể khóc: Marie, và tôi không biết người tình của bố tôi có phải là loại người trước mặt người đó ông có thể khóc được không. Tôi chỉ thấy bà ta có một lần, trông bà ta đẹp, dễ ưa và ngốc nghếch một cách có thể nói là dễ chịu. Nhưng ngược lại tôi được nghe nói nhiều về bà ta. Một số người họ hàng của chúng tôi đã miêu tả bà ta như một người phụ nữ hám của, nhưng ở nhà chúng tôi nếu nhận xét ai đó đôi khi cần ăn, cần uống hay cần mua giày dép là hám của thì thật là xấc xược. Còn ai tuyên bố thuốc lá, tắm nước nóng, hoa và rượu là cần thiết cho cuộc sống thì có khả năng được đưa vào biên niên của gia đình với nét đặc sắc là “kẻ hoang phí mất trí”. Theo tôi nghĩ chức năng của bà chủ gia đình kéo theo những nhu cầu lớn về tiền bạc: dĩ nhiên bà ta cần phải mua sắm bít tất, áo dài, trả tiền nhà và lại phải luôn luôn tỏ ra vui vẻ, điều đó chỉ có thể có được - như bố tôi đã công thức hóa - “chừng nào mà hoàn cảnh tài chính tỏ ra hoàn toàn lành mạnh”. Sau khi đã tắm trong đại dương những buồn phiền ở các hội đồng quản trị, bố tôi tìm đến bà, lúc ấy bà phải tỏ ra có tâm trạng vui vẻ trông ngon mắt và đã qua hiệu làm đầu rồi. Tôi không thể tưởng tượng được là bà ta xấc xược. Bà ta chỉ có thể tiêu hoang, nhưng ở nhà chúng tôi hai từ đó đồng nghĩa với nhau. Khi người trưởng vườn Henkels, thỉnh thoảng đến giúp ông già Furhmann nơi chúng tôi, có lưu ý chúng tôi - với một sự kín đáo đến lạ lùng! - về việc đã từ ba năm nay những người phụ vườn ở nơi khác được trả tiền hậu hơn ông ta ở nơi chúng tôi, là mẹ tôi nói đến chối tai trong suốt hai tiếng đồng hồ về “tính hám lợi” của một số người. Một hôm bà đã đưa hai mươi nhăm pfenning, tiền phong bao cho người đưa thư, đến hôm sau bà hết sức công phẫn khi thấy trong hòm thư một chiếc phong bì trong đó có hai mươi nhăm pfenning của bà, với lời nói nhỏ của người đưa thư diễn đạt như sau: “Thưa bà, tôi sẽ tự trách mình nếu tước đoạt hết tiền của bà”. Tất nhiên bà có quen biết một ông tổng trưởng tổng cục bưu điện và bà đã phàn nàn ngay với ông ta “về tính hám tiền và sự xấc xược của người đưa thư”.

Vòng qua bãi nước cà phê, tôi ra khỏi bếp, đi qua phòng ngoài và vào buồng tắm để tháo nước ở bể tắm... và bỗng nhận thấy đây là lần đầu tiên từ nhiều năm nay, tôi đã tắm rửa mà không cất tiếng hát, dù là những bài Kinh Cầu nguyện. Vừa lấy vòi hoa sen cọ rửa cho hết rêu bám vào thành bể tắm, tôi vừa hát lầm rầm bài Tantum ergo [101].

[101] Tên một bài Thánh ca.

Rồi tôi bắt giọng sang bài Kinh Cầu nguyện chúc tụng Marie, tôi luôn luôn mê người thiếu nữ Do Thái Marie, đến nỗi thỉnh thoảng lòng tin của tôi gần như thành kính. Nhưng bài Kinh Cầu nguyện, cũng như bài Tantum ergo không giúp ích gì cho tôi: quá nặng chất đạo Cơ Đốc mà tôi thì lại đương điên đầu với đạo Cơ Đốc nói chung và những tín đồ Cơ Đốc nói riêng. Lúc ấy tôi quyết định gọi cho Heinrich Behlen và Karl Edmonds. Từ việc kinh khủng đã xảy ra giữa chúng tôi, hai năm trước đây, tôi không nói gì với Karl Edmonds nữa... và chúng tôi không bao giờ viết thư cho nhau.

Hắn xử sự một cách hèn mạt đối với tôi, như vậy vì một lí do hoàn toàn ngớ ngẩn: tôi trộn trứng tươi vào sữa cho đứa con út của hắn, bé Gregor lúc ấy lên một, tôi trông giúp để Sabine và hắn đi xem phim với Marie ở “Câu lạc bộ” của họ. Sabine dặn tôi hâm lại bibơrông sữa và cho đứa bé uống vào lúc mười giờ. Tôi thấy đứa bé tội nghiệp xanh xao và ốm yếu (nó không có cả sức để khỏe, chỉ rên rỉ rất đáng thương) tôi cho là một quả trứng tươi đập vào sữa chỉ có lợi cho nó. Trong khi sữa đang được đun sôi, tôi ôm đứa bé trong tay đi trong bếp, vừa đi vừa lên tiếng diễn thuyết với nó: “Người ta sắp cho nó cái gì đây, hả bé con? Một quả trứng nhỏ! Nó sẽ có được cái gì ngon lành đây, con người bé nhỏ của chúng ta? Một quả trứng nhỏ!” và vân vân. Rồi khi đập trứng, tôi cho trứng vào máy trộn thực phẩm, trộn lên và đổ vào sữa của Gregor. Những đứa trẻ khác nhà Karl đương ngủ say; chúng tôi hoàn toàn được yên ổn ở trong bếp, đứa bé và tôi. Tôi cho nó bú bầu sữa và có cảm giác sữa có đập trứng rất tốt đối với nó. Nó nhoẻn miệng cười và sau đó ngủ luôn, hết rên rỉ. Đi xem phim về, Karl trông thấy vỏ trứng trong bếp và đi theo Sabine và tôi ra phòng khách, nói với tôi: “Cậu ăn một quả trứng là rất nên”. Tôi mới vừa cho hắn biết không phải tôi ăn mà là tôi cho Gregor ăn trứng, lập tức những lời thóa mạ trút lên đầu tôi. Sabine nổ ra một cơn ictêri thực sự và gán cho tôi là “tên sát nhân”, còn Karl thì hét lên: “Thằng lang thang, tên macô!” Những lời phỉ báng ấy làm tôi giận điên lên, mắng hắn là “mất dạy” và cầm lấy áo ra đi luôn. Hắn còn đi theo tôi đến tận đầu cầu thang và chúng tôi tiếp tục sỉ vả nhau khi tôi lao xuống cầu thang. “Thằng diễn viên tồi khốn khổ!” hắn hét lên, và tôi: “Đồ tiểu thị dân bẩn thỉu ictêríc”. Tôi rất yêu trẻ con, nhất là trẻ sơ sinh và tôi rất hợp với chúng. Vả lại tôi không hiểu làm sao một quả trứng lại có thể tai hại đối với một đứa bé một tuổi. Tôi phải nói rằng từ “sát nhân” của Sabine ít tác động đến tôi hơn là từ” ma cô” của Karl. Dù sao, cư xử của một người mẹ bị xúc động, trong lúc thảng thốt còn có thể hiểu được, kể cả đáng được tha thứ, và Karl thì hắn biết chính xác tôi không phải là một tên macô. Mối bất hòa giữa chúng tôi không phải vì thế mà kém ngớ ngẩn bởi vì, trong thâm tâm hắn khâm phục “cuộc sống tự lập” của tôi, tôi cũng vậy trong thâm tâm tôi bị lôi cuốn bởi cuộc sống tiểu thị dân của hắn. Không bao giờ tôi có thể làm cho hắn hiểu được là tôi phải sống theo giờ giấc một cách đến thảm hại chết người được (hành trình bằng xe lửa, thuê phòng ở khách sạn, tập luyện và trình diễn và ngoài ra là chơi cờ tào cáo và uống bia) trong khi cuộc sống của hắn trái lại lôi cuốn tôi chính là ở khía cạnh tiểu thị dân của nó. Cũng như những người khác, Karl tất nhiên nghĩ việc chúng tôi không có con, việc Marie mấy lần sẩy thai là có chủ định, do chúng tôi không muốn có con, đối với họ những lần sẩy thai của Marie là rất “đáng ngờ”, hắn không biết rằng chúng tôi tha thiết muốn có con đến chừng nào. Tuy nhiên tôi vẫn muốn điện cho hắn yêu cầu hắn telephon cho tôi, dứt khoát không có ý định moi tiền của hắn: là một người bố có bốn đứa con, hắn khó có thể đủ chi tiêu.

Tôi cọ lại bể tắm một lẫn nữa, rón chân đi ra phòng ngoài và, qua cánh cửa mở, tôi ghé nhìn vào phòng khách: bố tôi, bây giờ đứng quay lưng vào cửa sổ, ông không còn khóc. Mũi ông đỏ lên, đôi má nhăn dúm và ướt làm ông giống như bất cứ một người có tuổi nào đó đã hơi run rẩy và, điều lạ lùng, hơi kì cục. Tôi rót một ít cognac vào một chiếc li mang ra mời ông. Ông uống cạn một hơi mặt vẫn không mất đi vẻ ngơ ngẩn. Cái lối uống cạn một hơi của ông rồi đưa chiếc li lại cho tôi với một con mắt cầu khẩn, vẻ đần độn của ông, tất cả những cái đó thật mới mẻ đối với tôi. Người ta có thể coi đây là một loại người đã chán hết mọi thứ ngoài những cuốn tiểu thuyết trinh thám, rượu vang tốt và những trò đùa tầm thường. Ông đã bỏ chiếc khăn tay ướt, nhàu của ông lên mặt bàn và cái cử chỉ không thích đáng ấy (một khiếm khuyết quan trọng về phần ông) đối với tôi rõ ràng là sự biểu hiện của một tâm trạng bực bội đúng như là của một đứa trẻ con khó bảo đã được người ta nhắc hàng trăm lần là không được để khăn tay của mình lên mặt bàn. Tôi rót cho ông một ít cognac nữa. Sau khi uống, ông phác ra một cử chỉ có ý nghĩa rõ rệt là “xin đi lấy áo khoác cho tôi”. Tung đồng mác một lần nữa lên trần nhà và bắt lấy nó lần này trên các ngón chân phải mà tôi nhấc cao lên gần như dưới mũi ông; nhưng ông chỉ phát ra một tiếng càu nhàu kèm theo một cử chỉ tỏ vẻ phật ý: “Như thế đủ rồi!”, tôi nhún vai, đi lấy áo khoác đem vào cho ông, nhặt lên đôi găng tay từ mũ ông rơi ra và đưa chúng cho ông. Một lần nữa, như gần phát khóc và với một cái nhăn mũi kì cục, ông thì thầm:

- Vậy là con không có điều gì tử tế để nói với ba sao?

- Có đấy, - tôi nói nhẹ nhàng, - thật là tử tế khi ba đã đặt tay lên vai con hôm bọn ngu xuẩn ấy kết án con và còn rất tử tế nữa, khi ba đã ngăn không cho cái tên chỉ huy đần độn đưa xử bắn bà Wieneken.

- A, ba đã gần như quên hết những chuyện đó...

- Thói hay quên đặc biệt thanh tao của ba... Trái lại con không quên gì hết.

Ông nhìn tôi, với một cái nhìn như muốn van xin tôi đừng nhắc đến tên của Henriette. Vì vậy, kìm lại, mặc dầu thật ra tôi sẵn sàng muốn hỏi vì sao ông đã không đủ tốt để ngăn cản không cho con gái của ông tham gia vào cái D.C.A. ấy. Trước vẻ đồng tình của tôi, ông hiểu là tôi sẽ không nói gì về chuyện của chị. Trong nhiều buổi họp hội đồng quản trị mà ông đến dự, hẳn là ông đã nguệch ngoạc vào lốc lịch bỏ túi các hình vẽ người, đôi khi viết một chữ H, biết đâu hoàn toàn cả cái tên, Henriette. Ông không phải là thủ phạm, nhưng chỉ dại dột đến nỗi không nghĩ ra mặt bi thảm của vấn đề, nếu không nói là sự báo hiệu cho vấn đề đó, ai biết đâu? Sao mà ông tế nhị, tinh tế và có vẻ tốt bụng đến như thế! Điều đó không ngăn cản ông nghĩ đến chuyện không cho tôi một xu nào trong suốt thời gian tôi sống ở Cologne với Marie. Vậy điều gì đã làm cho ông, con người đáng mến ấy, bố tôi, lại cứng rắn và quá quắt đến như thế. Tại sao lại có những bài thuyết lí dài dòng trên màn ảnh truyền hình về nghĩa vụ đối với xã hội, về ý thức trách nhiệm đối với xã hội, về nước Đức, ngay cả về cái đạo Cơ Đốc mà chính ông đã thú thực là không tin tưởng? Và tại sao ông lại có thể nói dông dài như vậy với cái vẻ bề ngoài hoàn toàn tin tưởng đến nỗi người ta bắt buộc phải tin vào những lời nói của ông? Chỉ có tiền mới có thể tạo cho ông sức mạnh ấy, không phải theo ý nghĩa cụ thể (để mua sữa, đi taxi, bao gái hay đi xem phim) mà là theo ý nghĩa trừu tượng. Tôi e ngại ông và ông e ngại tôi, chúng tôi biết rằng chúng tôi, cả ông lẫn tôi, đều không phải là những con người có đầu óc thực tế và đều một lòng coi thường những ai nói chính sách thực tế. Cái đó bỏ qua khá xa những gì mà bọn ngu xuẩn kia có thể hiểu được. Tôi đọc thấy trong mắt ông điều mà ông không thể tự giải quyết được về chuyện ông đưa tiền cho một diễn viên hài không biết gì hơn là tiêu nó cho bằng hết, ngược lại với đúng điều người ta phải đối xử với đồng tiền. Vả chăng tôi biết là, dù có cho tôi một triệu đồng, thì tôi cũng tiêu hết. Mà tiêu tiền đối với ông là đồng nghĩa với hoang phí.

Trong khi rút lui trước hết vào trong bếp, rồi vào buồng tắm, tôi để ông khóc một mình, tôi hi vọng trong lúc tâm hồn bị xáo động, ông sẽ cho tôi một số tiền lớn mà không áp đặt với tôi những điều kiện ngu ngốc nào; nhưng bây giờ tôi đọc thấy trong mắt ông là điều đó vượt quá sức của ông. Chúng tôi không phải là những con người thực tế và chúng tôi biết rằng, trong tất cả tính tầm thường của họ, những con người thực tế cũng ngu ngốc như các con rối, đưa tay hàng trăm lần lên cổ vẫn không bao giờ tìm ra được sợi dây chúng đương cựa quậy ở cuối đoạn.

Để cho ông được hoàn toàn yên tâm, tôi biểu lộ thêm một dấu hiệu đồng tình: tôi không nói gì nữa về vấn đề tiền, về Henriette, nhưng không phải tôi ít nghĩ nhiều hơn đến chị và điều đó biểu hiện trong thái độ của tôi bề ngoài rõ ràng rất bất lịch sự: tôi thấy chị như hiện diện hôm nay, ba mươi ba tuổi đời và có thể đã li dị với một nhà công nghiệp. Tôi không thể tưởng tượng được là chị đã dính líu vào tất cả những chuyện vô vị kia: những cuộc hẹn hò, những cuộc họp mặt với giới ăn chơi trong xã hội thượng lưu, những uỷ ban đủ loại, mù quáng tuân theo những khẩu hiệu: “hãy trung thành với đạo Cơ Đốc”, hãy tỏ ra đặc biệt tử tế đối với những người của SPD để tránh cho họ thêm mặc cảm”. Tôi chỉ có thể tưởng tượng được chị sẽ thất vọng khi thấy sau mỗi hành động thiếu đầu óc tưởng tượng những con người thực tế kia sẽ coi như là một biểu hiện của thói đua đòi: đổ rượu cocktail vào cổ một trong những người có danh hiệu chủ tịch hoặc dùng xe hơi của họ va móp chiếc xe Mercédès của một tay lang băm cao cấp khoa răng hàm mặt. Chị có thể làm được điều gì khác nếu không phải là vẽ tranh hoặc làm những chiếc bình nhỏ trên một bàn quay của thợ gốm? Nếu Henriette còn sống trên đời này, chị cũng không tránh khỏi cảm thấy như bản thân tôi là ở đâu có sự biểu hiện của sự sống, thì ở đấy có bức tường vô hình của đồng tiền bất khả xâm phạm, không phải làm ra để tiêu đi mà là để găm lại trong các khám thờ dưới dạng những con số.

Tôi quyết định buông tha bố tôi: ông đã lại bắt đầu toát mồ hôi làm tôi mủi lòng. Mau chóng trở lại phòng khách, tôi cầm lên chiếc khăn tay bẩn còn bỏ lại trên mặt bàn, nhét nó vào túi áo khoác của ông. Hàng tháng, lúc mẹ tôi soát lại quần áo lót, mẹ tôi có thể sẽ kêu toáng lên khi thấy thiếu bất cứ thứ gì và sẽ buộc tội các gia nhân là đã ăn cắp hoặc cẩu thả.

- Con có cần gọi taxi cho ba không? - Tôi hỏi.

- Không, cám ơn, ba đi bộ một quãng, Fuhrmann đợi bố ở gần nhà ga.

Ông bước qua tôi, tôi mở cửa, đưa ông ra cầu thang máy và ấn nút. Rút ở túi ra một lần nữa đồng mác, tôi đặt nó lên gan bàn tay trái của tôi, trừng trừng nhìn nó. Bố tôi quay nhìn đi chỗ khác, vẻ chán ghét và lắc đầu. Tôi nghĩ là có thể ông sẽ rút ví của ông ra lấy cho tôi năm mươi hoặc một trăm mác, nhưng sự đau khổ, phẩm giá và ý thức về sự bi thảm trong tình thế của ông đã đặt ông vào bình diện của một sự thanh cao hóa mà một chút gợi ý nào đó về tiền bạc đối với ông cũng đều bỉ ổi và mọi mưu toan đưa ông vào lĩnh vực ấy đối với ông đều là phạm thượng. Tôi mở cửa khoang thang máy cho ông, ông ôm hôn tôi và bỗng sịt mũi ông nhăn mặt nói:

- Người con sặc mùi cà phê... Tiếc quá, ba đã sẵn sàng pha cà phê cho con... Con biết không, ba thạo chuyện này!

Chia tay tôi, ông bước vào khoang thang máy và trước khi thang máy chuyển động tôi còn kịp thấy ông ấn nút thang máy, miệng mỉm cười ranh mãnh. Tôi đứng đó, bất động, nhìn các chữ số bật sáng: bốn, ba, hai, một... rồi ánh sáng phụt tắt.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx