sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Én Liệng Truông Mây - Hồi 06 - Phần 1

HỒI THỨ SÁU

Phủ Quy Nhơn, Huỳnh Hảo Hớn vào lòn ra cúi

Dinh Quảng Nam, Trần Bạch Mai bốc mộ người thân.

*

Khi Huỳnh Hảo Hớn cùng hai tên cận vệ vào đến phủ Quy Nhơn trời đã hoàng hôn. Phủ thành Quy Nhơn mới được xây dựng ở xã Thời Đôn, Phù Cát (sau thời Minh Mạng đổi tên là xã Châu Thành), qui mô không lớn lắm so với thành cũ ở Đồ Bàn. Chung quanh thành có tường cao một trượng rưỡi (6m), mặt tường thành dày sáu thước (khoảng 2m) trông rất vững vàng, bề thế. Bốn mặt đều có hào sâu bao bọc. Thành có hai cửa, cửa hậu phía bắc và cửa tiền phía nam. Trên mặt tường thành có nhiều tháp canh. Tuy đang thời bình nhưng các tháp canh vẫn luôn có lính gác túc trực, điều này chứng tỏ tân tuần phủ là người rất cẩn thận trong việc cai trị.

Huỳnh Hảo Hớn tìm đến tư dinh của Nguyễn Khắc Tuyên vừa lúc ông ta cùng với viên cai đội Phan Ngọc Chánh đang ngồi uống rượu sau vườn nhà.

Nguyễn Khắc Tuyên tuổi ngoài ba mươi, vốn người Thuận Hóa, huyện Hương Trà. Ông là người bà con cùng họ với cai cơ Nguyễn Cửu Thống, nhờ gia thế nên đỗ chức võ cử thời Chúa Nguyễn Phúc Chú. Cửu Thống đưa ông về giữ chức vệ úy trong đội quân túc vệ, sau được Trương Phúc Loan cất nhắc đưa vào làm tuần phủ Quy Nhơn để tạo thêm vây cánh cho mình. Khắc Tuyên có tính ham mê cổ vật và thích uống rượu. Phan Ngọc Chánh là anh em kết nghĩa, cũng là bạn rượu của ông từ thuở hàn vi nên khi được làm tuần phủ Quy Nhơn, ông đã đưa hắn theo và giao cho chức cai đội trông coi việc phòng thủ ở phủ thành. Thời bấy giờ, phủ Quy Nhơn nhất là vùng Tuy Viễn là nơi biên tái, tụ tập dân tứ phương từ khắp nơi đổ về khai hoang lập nghiệp nên tình hình trật tự trị an trong phủ huyện rất phức tạp. Ngày nào quan quân cũng phải ra sức can thiệp nhiều vụ ẩu đả lớn nhỏ. Bởi vậy, Nguyễn Khắc Tuyên đã không ngừng tăng cường việc tuần tra, canh gác khắp nơi.

Phan Ngọc Chánh vóc người cao lớn, mặt đỏ như táo, tính ngay thẳng và nóng như lửa. Ông xuất thân cơ hàn, từ nhỏ đã rất ham mê võ nghệ, sau may mắn gặp một vị sư truyền nghệ nên có được một bản lãnh kinh người, chuyên sử dụng một cây đồng côn muôn người khó địch. Khắc Tuyên nghe lính hầu báo có quan huyện Bồng Sơn xin vào gặp thì gật đầu cho đòi rồi hỏi Ngọc Chánh:

- Chú nghĩ xem hắn tìm ta ở nhà riêng vào giờ này với mục đích gì?

Ngọc Chánh mỉm cười:

- Chắc hắn đang gặp việc rắc rối nên tìm đến nhờ anh. Nghe nói tên này võ nghệ khá lắm, cũng là tay sành rượu.

- Tính hắn cũng hảo hớn giống như tên hắn vậy cho nên mới không được lòng ngài ngoại tả. Hắn mà có việc rắc rối thì cái ghế quan huyện của hắn có thể sẽ mất. Để xem sao.

Hai người nói đến đây thì đã thấy Huỳnh Hảo Hớn đi vào, trên tay ôm một gói đồ khá lớn. Hảo Hớn cúi đầu chào:

- Hạ chức xin ra mắt ngài tuần phủ, xin chào ngài cai đội. Xin lỗi đã làm mất tửu hứng của hai vị.

Ngọc Chánh đứng lên:

- Chào quan huyện Bồng Sơn, mời ngồi.

Khắc Tuyên vẫn ngồi trên ghế, mỉm cười nói với Hảo Hớn:

- Ngồi xuống đi. Ông vừa từ Bồng Sơn đến à? Uống chung rượu cho đỡ khát đi đã. Nghe nói ông cũng là người sành rượu phải không?

Hảo Hớn ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh Ngọc Chánh. Ngọc Chánh rót đầy ba chung rượu, đưa sang Hảo Hớn một chung. Hảo Hớn tiếp lấy rồi nói:

- Xin mời ngài tuần phủ, mời cai đội.

Ba người cùng nâng ly uống cạn. Hảo Hớn lên tiếng khen:

- Rượu ngon! Đây phải là thứ Bàu Đá hết sức đặc biệt đựng trong chum đất Gò Sành rồi ủ dưới đất hai năm mới có thể tạo ra được hương vị đặc biệt này.

Ngọc Chánh vỗ tay đánh “bốp” một cái, cười nói:

- Hay lắm! Thật đúng là tay hảo tửu! Đại ca, anh gặp được tri kỷ rồi đấy.

Khắc Tuyên cũng vỗ tay khen:

- Tuyệt! Mới uống một chung mà đã phân tích được chi tiết tính chất của rượu thì quả đúng là tay hảo tửu chứ chẳng chơi. Tôi mời ông thêm một chung nữa.

Nói xong, tự tay Khắc Tuyên rót đầy ba chung rượu. Hảo Hớn xoa hai bàn tay vào nhau mấy cái rồi đỡ lấy chung rượu, giọng từ tốn:

- Tuần phủ và cai đội quá khen rồi. Chẳng qua hạ chức là người Quy Nhơn nên đã quen với tính rượu Bàu Đá mà thôi. Hạ chức xin uống mừng sức khỏe của tuần phủ và cai đội.

Ba người uống cạn chung rượu thứ hai. Ngọc Chánh lại rót đầy ba chung khác rồi bưng chung rượu của mình lên nói:

- Tôi cũng xin mời quan huyện một ly để tỏ lòng ngưỡng mộ.

Lần thứ ba, vẫn một hơi cả ba người cạn sạch. Hảo Hớn đứng lên nói:

- Xin phép tuần phủ và cai đội để hạ quan được cái vinh hạnh mời lại hai ngài một chung được không ạ?

Khắc Tuyên đã có chút hảo cảm với tên quan huyện Bồng Sơn này nên mỉm cười:

- Ông ngồi xuống đi, không cần đa lễ. Tôi đang chờ uống ly rượu của ông đây.

Hảo Hớn “đa tạ,” một tiếng rồi cúi xuống lấy gói đồ mang theo để lên bàn và mở ra. Trong gói là ba chiếc hộp gỗ, bên ngoài hộp có chạm hình những vũ nữ cung đình của Chiêm quốc ngày xưa. Ông cẩn thận mở chiếc hộp thứ nhất ra, bên trong đựng một bộ đồ uống rượu gồm một chiếc bình nhỏ có vòi màu đất nâu và sáu cái chén làm bằng đất sét trắng tráng men. Ngoài thành bình rượu có khắc nổi hình hai con chim thần, biểu tượng thiêng liêng của người Chăm. Nét điêu khắc rất tinh vi, hai con chim sinh động như vật sống đậu trên thành bình. Sáu cái chén trắng mỏng có in hình những vũ nữ Chămpa đang múa hát. Hảo Hớn cầm hai cái chén khẽ va vào nhau, một tiếng “coong” thanh thoát vang lên khiến Nguyễn Khắc Tuyên bật khen:

- Chén quí!

Hảo Hớn mỉm cười đưa chén cho Khắc Tuyên rồi nói:

- Ngài tuần phủ cầm thử xem.

Khắc Tuyên đưa tay cầm cái chén, ông nói ngay:

- Nhẹ quá! Tiếng kêu lại rất thanh và chắc. Chà! Tôi chưa từng thấy qua loại chén này lần nào cả.

Hảo Hớn giọng trịnh trọng:

- Đây là bộ bình chén rượu trong cung đình Đồ Bàn, có từ thời Jaya Sinhavarman V, tức vua Ba Đích Lai ở thế kỷ thứ 15. Sau người Chăm bỏ Đồ Bàn chạy vào Thuận Thành nên đồ đạc trong cung bị cướp phá và lạc ra ngoài dân dã. Hạ quan may mắn mua lại được của một người Chăm thuộc Vương triều Bà Tranh ở Thuận Thành, Bình Thuận. Biết tuần phủ là người ưa thích cổ vật lại hảo tửu nên hôm nay hạ quan mang bộ chén rượu này vào tặng cho ngài, coi như bảo kiếm tặng tráng sĩ vậy.

Khắc Tuyên nghe nói không giấu được sự thích thú, ông chồm người tới trước:

- Ông không nói đùa đấy chứ?

- Hạ quan nào dám đùa với tuần phủ. Chỉ mong ngài không chê là hạ quan vui rồi.

Khắc Tuyên cười lớn:

- Không chê, không chê! Cảm ơn quan huyện. Ông gãi đúng chỗ ngứa của tôi rồi. Những thứ này tôi không khách sáo đâu. Tôi nhận! Ha ha...

- Bộ đồ rượu này cần phải có loại rượu đặc biệt của vua chúa Chiêm ngày xưa nữa thì mới xứng với nó.

Ngọc Chánh cảm thấy hào hứng với việc này nên lên tiếng:

- Ông đừng nói là ông cũng có loại rượu của vua Chiêm đó nhé?

Hảo Hớn nhìn Ngọc Chánh mỉm cười:

- Không nhiều nhưng một vò nhỏ thì có chứ.

Nói xong hắn mở chiếc hộp thứ hai, lấy ra một hũ rượu bằng sứ trắng Gò Sành, cổ có ba ngấn, quanh hũ chạm hình những ngôi tháp Chiêm Thành, miệng hũ được đậy bằng sáp kỹ lưỡng. Hũ chứa khoảng hai lít. Hảo Hớn trao hũ rượu cho Ngọc Chánh rồi nói với Khắc Tuyên:

- Hạ quan dự định tặng hũ rượu Tiên này cùng với bộ chén để tuần phủ thưởng thức. Nhưng nay gặp ngài cai đội ở đây nên hạ quan xin phép tặng hũ rượu lại cho ngài cai đội để làm quen. Hạ quan còn một hũ duy nhất ở nhà, xin khất lại, sẽ mang vào cho tuần phủ sau vậy.

Khắc Tuyên nói:

- Không sao. Cho ta hay cho Chánh đệ cũng vậy thôi mà. Ở đây chúng tôi vẫn chưa tìm được ai khác để cùng uống rượu cả.

Ngọc Chánh bưng hũ rượu trên tay nói:

- Đa tạ ngài quan huyện. Tôi là tên võ biền chỉ biết uống rượu, ngài tặng tôi thứ của quí này, tôi biết lấy gì tặng lại ngài để đáp lễ?

Hảo Hớn cười nói:

- Cai đội quan tâm làm gì đến chuyện đó. Ngài nhận cho là vui rồi.

Khắc Tuyên xen vào:

- Thôi đừng khách sáo nữa. Hãy mở ra, chúng ta cùng thưởng thức thứ rượu Tiên này xem sao.

Ngọc Chánh vui vẻ:

- Đúng vậy, đúng vậy!

Rồi ông ta mở nắp hũ rượu. Một mùi thơm rất dễ chịu xông vào mũi khiến mọi người cảm thấy thật sảng khoái. Khắc Tuyên thốt lên:

- Rượu ngon, rượu ngon! Chưa uống mà đã thấy ngất ngây rồi. Đây là loại rượu gì vậy?

Hảo Hớn đáp:

- Đây là rượu Tiên chỉ dành riêng cho hoàng gia Chiêm quốc. Rượu này được nấu bằng loại lúa Tiên thượng hạng, hạt nhỏ, dài và trắng muốt, vị gạo ngọt và thơm. Loại lúa Tiên này đặc biệt ngon và rất quí cho nên ngày xưa nhà Tống đã phải mang châu báu sang Chiêm Thành để đổi lấy giống mang về cho dân Trung Quốc trồng. Chiếc hũ này cũng rất đặc biệt. Rượu Tiên đựng trong hũ sành trắng, ủ dưới hầm càng lâu thì vị càng nồng nhưng lại không gắt mà hương thì thơm. Theo như người bạn của hạ quan cho biết thì hũ rượu này ông ta đã ủ hơn mười năm. Sau bán lại cho hạ quan nhưng hạ quan giữ đó chưa dám dùng. Tính ra tuổi của nó đã hơn mười lăm năm rồi đó.

Ngọc Chánh chiết rượu từ trong hũ sang chiếc bình nhỏ. Hảo Hớn mỉm cười đưa tay đỡ bình rượu nói:

- Cai đội để tôi rót cho.

Ông đưa bình lên cách ly rượu độ chừng một gang tay, trang trọng và thong thả rót rượu từ trên cao xuống từng chiếc ly. Rượu chảy từ vòi bình xuống chén thành một dòng tạo nên âm thanh trong trẻo vui tai. Rượu trong chén sủi tăm, nổi bọt thành từng cụm rồi phủ tràn khắp mặt chén. Cái hay của cách rót này ở chỗ, rượu từ trên cao chảy xuống chén mà không văng ra bên ngoài lấy một hạt nhỏ nào. Điều này cho thấy được tâm hồn bình thản, ổn định của người rót rượu cũng như tính chất keo đặc của rượu.

Khắc Tuyên khen:

- Chỉ nhìn cách rót rượu của ông, tôi đã thấy lòng thanh thản và tửu hứng dâng cao rồi. Ông đúng là tay hảo tửu bậc nhất mà tôi từng quen biết.

Hảo Hớn lại mỉm cười:

- Mời tuần phủ và cai đội. Hãy thưởng thức khi tăm rượu chưa tan.

Ba người cùng nâng chén. Khắc Tuyên đưa chén rượu lên ngang mũi và hít một hơi đầy buồng phổi để tận hưởng cái hương của rượu trước rồi mới chậm rãi thưởng thức vị của nó sau. Ông nức nở khen:

- Thật đúng với cái tên rượu Tiên của nó. Hương thơm, vị vừa nồng vừa ngọt hậu khiến người ta uống vào có cảm giác như bay bổng trên mây. Rượu quí! Đúng là Tiên tửu!

Ngọc Chánh cũng khen:

- Đúng như vậy! Đặc biệt vô cùng, cảm giác này là lần đầu tiên trong đời tôi được hưởng thụ. Để tôi rót thử nhé?

Nói rồi ông bắt chước cách rót của Huỳnh Hảo Hớn, đưa chiếc bình lên cao rót xuống ba cái chén nhỏ. Rượu phủ bọt trên mặt chén nhưng lại có nhiều giọt bắn tung tóe ra ngoài bàn. Ngọc Chánh cười lớn:

- Tôi đúng là tên võ phu thô lỗ vô tích sự mà. Thế mới biết nghề chơi cũng lắm công phu. Tôi chịu phục ngài quan huyện rồi đó. À, tôi nói không phải xin quan huyện bỏ qua cho nhé, nhìn bề ngoài của quan huyện không ai nghĩ ngài lại là tay phong nhã thế này đâu.

Hảo Hớn cười:

- Tôi cũng chỉ là tên võ biền lỗ mãng. Thú uống rượu tôi học được ở tiên phụ nên có được chút ngón riêng mà thôi.

Ba người cùng cười rồi nâng chén uống cạn. Uống thêm vài chén nữa, Khắc Tuyên nhìn Hảo Hớn hỏi:

- Nói đi, ông có việc gì cần đến tôi phải không?

Hảo Hớn biết mình đã chinh phục được cảm tình của tuần phủ rồi nên trong bụng mừng thầm. Ông rót thêm ba chén rượu nữa rồi nói:

- Dạ vâng, quả thật hạ quan đang gặp chút khó khăn muốn nhờ tuần phủ nói giúp cho một tiếng.

- Việc gì ông cứ nói ra xem nào?

Hảo Hớn bèn đem việc bọn Trần Đại Chí qua mặt mình để buôn hàng quốc cấm và trốn thuế trình bày thật lại cho Khắc Tuyên nghe. Xong ông nói:

- Thưa tuần phủ, quả thật hạ quan có vì chút lợi riêng nên lơ là trong việc quản lý để chúng qua mặt mà không biết. Nay sự việc đã bị ngài khâm sai đại thần cho điều tra, hạ quan nghĩ chỉ còn có tuần phủ mới có thể giúp cho hạ quan giảm nhẹ được tội mà thôi.

Khắc Tuyên nghe chuyện tỏ vẻ ngần ngừ hỏi:

- Ông cũng biết ngài Hình bộ thượng thư là người liêm khiết và cứng rắn như thái úy Tô Hiến Thành xưa kia rồi chứ?

- Dạ, hạ quan có biết.

- Đã thế sao ông biết ta có thể giúp được ông?

Hảo Hớn hít nhẹ một hơi, dè dặt nói:

- Hạ quan có biết tuần phủ là người quen thuộc với quan ngoại tả. Khâm sai đại thần lại là con rể của ngài ngoại tả, nếu được ngài ngoại tả nói cho một tiếng thì việc sẽ êm hơn.

Nói xong ông bưng bình rót thêm ba chén rượu đầy. Khắc Tuyên đưa tay cầm chén uống cạn:

- Hà! Việc này khó đấy! Thôi được, ông đã trình bày trung thực thì ta sẽ cố gắng nhờ anh ta nói giúp với ngài ngoại tả xem sao. Việc thành hay bại ta không chắc đâu nhé.

Hảo Hớn mừng rỡ đứng lên chắp tay cúi đầu:

- Đa tạ ngài tuần phủ! Chỉ cần ngài vui lòng giúp cho, hạ quan đã vui mừng lắm rồi. Ơn trọng này hạ quan nguyện sẽ đền đáp.

- Ông đừng cảm ơn vội, ta chỉ nói giúp thôi. Vẫn còn chưa nghe tin gì từ ngài khâm sai cả mà. Vả lại, ta là người trông coi việc binh bị, còn việc hành chính trong phủ đều do quan khám lý quyết định. Ông nên nhờ Hoàng Công Đức thì bảo đảm hơn.

- Vâng, hạ quan biết. Việc ở trên thì nhờ tuần phủ nói hộ, việc địa phương hạ quan sẽ cậy đến quan khám lý ạ.

Ngọc Chánh mỉm cười:

- Ông đụng tới hắn thì phải chuẩn bị trước cái hầu bao cho lớn.

Hảo Hớn nói:

- Cảm ơn cai đội đã mách nước.

Khắc Tuyên phẩy tay nói:

- Việc ấy cứ tạm như vậy đi. Chúng ta hãy uống rượu đã, không nên để hư mùi vị của loại quí tửu này.

Huỳnh Hảo Hớn trong lòng mừng vô cùng, ông nghĩ việc tưởng khó không ngờ lại dễ thành như vậy. Ông nhanh nhẹn rót rượu vào chung.

- Mời hai vị. Hạ quan ước gì được gần gũi để có thể cùng uống rượu với hai vị mỗi ngày thì vui biết bao.

Ngọc Chánh tỏ vẻ đồng tình:

- Tôi cũng mong được như vậy. Thiên hạ rộng lớn nhưng không dễ tìm được người tri kỷ để uống với nhau đâu. Mời quan huyện.

Ba người uống cạn ly xong Hảo Hớn đứng lên chắp tay nói:

- Cũng đã khuya, hạ quan xin cáo từ để hai vị nghỉ ngơi. Hạ quan sẽ trở lại thăm hai vị.

Khắc Tuyên và Ngọc Chánh cũng đứng lên:

- Ông về đi. Việc tôi hứa, tôi sẽ giúp cho.

Hảo Hớn cúi đầu:

- Đa tạ ngài tuần phủ, hạ quan cáo từ.

Ngọc Chánh tiễn chân Hảo Hớn ra bên ngoài. Khi ông quay trở lại bàn, Khắc Tuyên chỉ chiếc hộp nhỏ thứ ba mà Hảo Hớn còn để lại trên bàn chưa mở, mỉm cười nói:

- Hắn để quên chiếc hộp này lại. Tên này biết cách làm quan lắm. Chú mở ra xem trong đó có gì.

Ngọc Chánh mở chiếc hộp ra thấy bên trong đựng toàn là vàng liền nói:

- Ít gì cũng đến năm trăm lạng vàng ròng đấy. Hắn biết điều đó chứ đại ca.

Khắc Tuyên nói:

- Hắn thay cha giữ chiếc ghế quan huyện Bồng Sơn hơn mười năm nay, có lẽ cũng đã hốt của bá tánh nhiều lắm rồi. Hà, thời buổi này làm quan không nhận của đút lót là không xong. Ta cứ nhận rồi giúp hắn một tiếng cũng được.

Ngọc Chánh cười đẩy hộp vàng sang cho Khắc Tuyên. Tuyên lấy ra khoảng năm mươi lạng đưa cho Chánh:

- Chú cất đi để lo gia đình. Lương cai đội cũng chẳng là bao. Phần còn lại ta lấy một ít, còn bao nhiêu gửi cho anh Cửu Thống để hiếu kính ngài ngoại tả. Anh Cửu Thống vừa được Võ vương đồng ý gả đại công chúa Ngọc Huyên cho. Ta nhân số vàng này mượn hoa hiến Phật là tiện nhất.

Ngọc Chánh mỉm cười:

- Khi viết thư cho phò mã tương lai, anh cho em gởi kèm lời chúc phúc với nhé. Người ta nói một người làm quan cả làng được hưởng phúc mà.

Cả hai nhìn nhau cười.

Tối hôm sau Huỳnh Hảo Hớn ghé tư dinh của quan khám lý. Vợ Hoàng Công Đức vốn là em họ một người sủng thiếp của Trương Phúc Loan, nhờ thế bên vợ nên khi hắn đỗ xong Cử nhân dưới thời Chúa Phúc Chú thì được bổ về làm tri huyện Triệu Phong ở Thuận Châu, là châu Ô cũ (nay thuộc miền nam tỉnh Quảng Trị). Được tám năm, nhờ vào sự giỏi giang của vợ, hắn được Trương Phúc Loan đề bạt về làm khám lý phủ Quy Nhơn, tính đến nay đã ba năm (chức Khám lý sau đổi lại là chức quan Trấn thủ). Hoàng Công Đức tuổi độ ba mươi, còn trẻ nhưng đã có bụng nên trông bệ vệ ra dáng quan quyền. Thời còn làm tri huyện Triệu Phong, hắn đã khiến cho dân trong huyện kêu trời không thấu vì tính tham lam và hách dịch. Sau ba năm về làm khám lý ở vùng biên tái Quy Nhơn, xa “mặt trời”, hắn lại càng tham lam vộ độ và bạo ngược hơn nữa. Các hộ thương buôn phủ Quy Nhơn không hộ nào tránh được sự bòn rút có khi khéo léo có lúc trắng trợn của hắn. Quyền sinh sát hắn nắm trong tay, cho nên những vụ kiện cáo dù lớn đến đâu, nếu thân chủ chịu bỏ tiền ra thì tội nặng sẽ thành nhẹ và ngược lại.

Tuy lộng hành đến mức ấy nhưng hắn lại rất được lòng quan ngoại tả vì hàng năm hắn khôn khéo sai vợ về Phú Xuân hiếu kính hậu hĩ cho bà chị ái thiếp của Phúc Loan. Hắn còn khôn ngoan không quên bày tỏ sự hòa hảo với Nguyễn Khắc Tuyên bằng những món quà trọng hậu để quan tuần phủ vui vẻ mà lo giữ yên vùng đất biên tái nhưng màu mỡ này cho hắn tha hồ bòn rút, tác oai tác quái. Tuy nhiên giữa quan tuần phủ và quan khám lý, tính cách vốn khác biệt nhau nên trong quan hệ có vẻ bằng mặt mà không bằng lòng. Có điều họ biết rằng nếu thuận thảo với nhau thì cả hai đều có lợi, lại được ung dung làm vua một cõi nên chẳng ai dại gì mà ra mặt hiềm khích hay chống đối bên kia.

Hắn không thích rượu, chỉ mê nghe ca hát và đàn bà đẹp. Thấy đàn bà đẹp là hắn tít mắt, ác nỗi bà vợ bửu bối của hắn thuộc loại sư tử Hà Đông, lại không bao giờ rời mắt khỏi chồng nên hắn đành ôm hận nuốt nước bọt nhịn thèm. Cũng may mụ vợ hắn cũng thuộc loại mê nghe ca hát nên đêm đêm vẫn thường thuê những nàng ca kỹ hoặc đám hát vào trình diễn trong tư dinh. Công Đức nhờ thế mà con mắt đỡ phải chết thèm.

Huỳnh Hảo Hớn tìm đến xin ra mắt quan khám lý đương lúc vợ chồng Hoàng Công Đức đang xem hát. Nghe gia nhân vào báo có quan huyện Bồng Sơn ghé thăm, hắn gắt:

- Ra bảo hắn đợi một lát. Tuồng đang hồi hấp dẫn ngươi không thấy sao?

Tên gia nhân biết tính chủ nên “dạ” một tiếng rồi chạy ra nhà khách nói lại với Hảo Hớn:

- Quan huyện đợi một lát, ngài khám lý đang coi dở vở tuồng, chốc nữa ngài sẽ ra ngay.

Hảo Hớn vui vẻ nói:

- Không sao, tôi sẽ đợi.

Tên gia nhân trở gót vào trong, một lúc sau hắn bưng trà nóng ra mời khách:

- Mời quan huyện uống tách trà giải khát. Ngài khám lý sẽ ra ngay thôi.

Nói xong hắn quay trở lại nhà sau để tiếp tục coi tuồng. Hảo Hớn ngồi đợi hơn một canh giờ trong lòng vừa nóng nảy vừa bực tức. Ông ta đứng lên đi lui đi tới trong phòng khách, đi chán lại ngồi, ngồi một lúc lại đứng lên. Tên gia nhân thỉnh thoảng lại bưng một tách trà nóng khác ra thay và nói: “Ngài khám lý sẽ ra ngay thôi ạ” rồi bỏ vào trong coi hát tiếp. Hảo Hớn cố nén giận trong lòng, kiên nhẫn đợi như thế từ giữa giờ Dậu đến cuối giờ Tuất (khoảng 6-9 giờ tối), Hoàng Công Đức coi hát xong mới uể oải bước ra. Hắn nheo nheo đôi mắt buồn ngủ nhìn Hảo Hớn hỏi:

- Quan huyện mới đến à? Có việc gì mà tìm bổn quan vào giờ này vậy?

Hảo Hớn đứng lên nói:

- Chào ngài khám lý. Thật xin lỗi vì đã quấy rầy ngài đêm hôm thế này. Chỉ bởi hạ quan có chút việc gấp nên ghé thăm ngài, nhân tiện xin ngài giúp đỡ cho một việc. Hạ quan xin đội ơn ngài khám lý trước.

Công Đức bước đến chiếc tràng kỷ ngồi xuống:

- Ông ngồi xuống đi. Có phải chuyện ông để bọn con buôn buôn hàng quốc cấm và trốn thuế rồi bị ngài khâm sai đại thần bắt quả tang không?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx