sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi Thứ Mười Ba

Việt nữ kiếm trở về cùng người Đại Việt

Hận Liên Trì, hào kiệt ứa lệ đề thơ.

*

Hồng Liệt đứng sau lưng Văn Hiến từ nãy giờ, lên tiếng ngâm:

Mới hay oan trái chữ tình

Đôi khi mình tự buộc mình vào trong

Có khi cũng bởi hóa công

Đẩy cho trần thế vào vòng khổ đau.

Văn Hiến không quay lại nói:

- Ngươi nói hay lắm! Có khi mình tự buộc mình, mà cũng có khi do con tạo trớ trêu buộc người vào đó.

- Coi bộ nàng đã nặng tình. Còn ngươi?

- Tình càng nặng chỉ càng thêm khổ đau mà thôi. Ngươi có biết gia thế của nàng thế nào không?

Hồng Liệt đến ngồi trước mũi thuyền cạnh Văn Hiến:

- Nói nghe thử.

- Bà ngoại của nàng là con gái của Ngô Tam Quế và Trần Viên Viên. Cha nàng lại chính là giọt máu của Sấm Vương Lý Tự Thành sót lại. Cuộc tao ngộ của họ thật là ly kỳ và đầy nước mắt.

- Thảo nào mọi người gọi nàng là công chúa.

Tiếng cười của Văn Hiến pha chút mỉa mai, cay đắng:

- Còn ta thì sao? Ha ha... Ngươi lại đi hỏi ta có nặng tình không?

- Tình yêu là sự rung động của hai trái tim chứ đâu phải của hai dòng họ, cũng chẳng phải của giàu nghèo, sang hèn.

- Đó chỉ là lý tưởng, hay đúng hơn là hoang tưởng. Trong thực tế đời thường lại hoàn toàn khác. Hoang tưởng dễ dẫn con người ta đi đến vực thẳm của khổ đau.

- Nàng có hỏi ngươi bao giờ trở lại không?

- Có. Ta thật hổ thẹn khi phải nối dối với nàng. Bao nhiêu đó thôi cũng đủ khiến ta thấy mình hèn mọn, nhỏ nhoi trước nàng.

- Ngươi cũng vì việc lớn mà thôi.

- Không thể dùng nó để biện minh được. Đó cũng chính là đầu mối của sợi dây oan nghiệt. Tốt hơn hết là phải tránh xa ra, ngay từ bây giờ.

- Lúc ngươi và nàng đấu nhau ở Hội An ta có hơi ngờ ngợ rồi. Cho đến khi ngươi cứu nàng ở trong động đá ở vịnh Vĩnh Hy thì ta cảm giác đây chính là chữ duyên mà người ta thường nói.

- Chỉ e nó là nghiệt duyên.

- Thì đành ôm hận thôi. Mà có khi là lương duyên, nào ai biết trước được?

Văn Hiến bỗng đứng lên.

- Gần đến Nhà Bè rồi, chúng ta vào nói với chú Dụng đi.

Cả hai bèn vào tách riêng Hữu Dụng ra nói chuyện. Văn Hiến nói rõ ý định của mình. Hữu Dụng hơi ngạc nhiên nhưng ông nói:

- Làm như thế hay đấy! Chúc hai cậu may mắn. Nhưng sao phải xuống đến Nhà Bè mới lên bộ?

Hồng Liệt đáp:

- Sư huynh cháu có một cơ sở lớn ở xã Minh Hương vùng Gia Định. Bọn cháu muốn dùng ngựa đi một vòng vùng đất Phiên Trấn cho biết.

Văn Hiến tiếp lời:

- Cháu có phong thư, chú nhờ ai đó mang ra Trần gia ở Liên Trì, gần chợ Trà Câu, Quảng Ngãi trao cho anh Đại Bằng, hoặc giao cho người nhà Trần gia nhờ họ chuyển cho anh ấy giúp. Lúc chú trở vô, cháu muốn biết tin của bọn họ ở ngoài đó thế nào, chú lưu tâm hộ cháu nhé.

Hữu Dụng gật đầu:

- Được, tôi sẽ sai Đỗ Trọng mang đi.

- Cảm ơn chú! Khi nào chú trở vào, bọn cháu sẽ ghé thăm.

Hữu Dụng ra dấu cho thuyền rẽ vào nhánh sông nhỏ xuống xã Minh Hương. Hồng Liệt và Văn Hiến lên bờ tìm đến cơ sở Thần Quyền Môn lấy hai con ngựa tốt, họ đi một vòng lên tận Bình Dương rồi trở ngược về bến Bửu Long lúc trời đã tối. Cả hai đến Long Thiền tự, được nhà sư trẻ Từ Huệ tiếp đón rồi đưa vào hậu đường. Hai người làm lễ chào sư Phật Chiếu và nho hiệp. Văn Hiến lo lắng hỏi:

- Sư phụ bị thương hôm đó đến nay đã đỡ chưa? Vết thương có độc phải không? Mấy hôm nay con lo quá.

Nho hiệp mỉm cười nói:

- Thầy đã không sao. Thiên Ưng trảo quả nhiên lợi hại. Không ngờ hắn còn luyện những móng tay mình với chất kịch độc nữa. Thầy đã uống linh đan ngừa trước, lại phải mất hai ngày đêm vận khí trục độc nếu không thì cánh tay trái e đã tàn phế rồi.

Sư Phật Chiếu nói:

- A Di Đà Phật. Ngả Phật từ bi. Tên Thiên Ưng lão quỉ đó bàn tay phải bị xoi thủng ngay huyệt lao cung, tay trái lại bị Như Lai chỉ điểm trúng huyệt thái uyên, đời này coi như hắn không còn có thể giết ai được nữa rồi. Đó cũng là quả báo cho ác nghiệp của hắn.

Nho hiệp nói với Văn Hiến và Hồng Liệt:

- Tên Lý Văn Quang này thế lực rất lớn. Cao thủ dưới tay hắn nhiều vô kể, đa phần là bọn ác đạo ở Trung Quốc. Hiến nhi và hiền điệt cùng Thần Quyền Môn muốn chống lại hắn không phải là chuyện dễ. Trước tiên phải luyện tập thêm võ công, thứ đến phải tìm thêm người trợ thủ. Nếu đụng việc lớn hơn nữa thì phải nhờ đến binh lực của Trấn Biên. Ta thấy Cẩn Thành hầu là người nghĩa khí và đởm lược, các con nên bàn bạc với ông ta. Hiền điệt đã bàn thảo cùng sư huynh chưa?

Hồng Liệt đáp:

- Dạ rồi!

Chàng quay sang chắp tay vái sư Phật Chiếu:

- Xin thứ cho đệ tử vì đã có sư môn nên không thể bái thiền sư làm thầy. Đệ tử nhất tâm thụ nghệ, nguyện đem hết sức mình phục vụ cho đồng bào và đất nước để khỏi phụ lòng kỳ vọng của thiền sư.

Phật Chiếu nở nụ cười từ hòa:

- Lành thay, lành thay! Ta cũng sắp đến ngày về hầu dưới chân Phật tổ, muốn để lại cho đời một chút công quả. Vốn biết con có tâm căn tốt nên việc truyền thụ công phu hoàn toàn do ta tự nguyện, con không phải áy náy.

Hồng Liệt quì xuống lạy Phật Chiếu một lạy nói:

- Xin nhận của con một lạy này để đáp tạ thâm ân!

Phật Chiếu nhận một lạy xong đỡ Hồng Liệt đứng lên:

- Được rồi, các con đi nghỉ đi. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu.

Hôm sau, Phật Chiếu đưa hai người vào hang động kín đáo và yên tịnh sâu trong núi. Trong động thạch nhũ treo từng chùm lóng lánh, ánh dương quang bên ngoài hắt vào làm cho chúng tỏa sáng như những chùm minh châu trông đẹp vô cùng. Phật Chiếu thiền sư nói:

- Hai con ở lại đây mà luyện công, mọi nhu cầu ăn uống ta sẽ bảo Từ Huệ bảy ngày mang vào một lần. Có gì trở ngại trong lúc tập luyện thì cho ta hay. Môn nội công mà ta sắp truyền cho các con có tên Tiên thiên vô cực huyền công. Đây là sự kết hợp giữa huyền môn công phu của nho hiệp và thiền công của Phật môn du nhập từ Ấn Độ sang. Giờ các con chú ý nghe mà luyện tập.

Thiền sư bắt đầu giảng giải:

- Trước hết phải ngồi tọa công bằng tư thế kiết già, gạt bỏ mọi tạp niệm, tập trung ý chí. Khi tạp niệm không còn, vừa hít vào vừa dùng ý để thu hút linh khí trời đất từ bên ngoài xuyên qua huyệt thần đình, theo âm kinh của nhâm mạch qua huyệt đản trung rồi đưa xuống đan điền. Tụ khí ở đan điền trong một thời gian ngắn rồi thở ra từ từ, đưa chân khí tản mát khắp các huyệt đạo ở châu thân. Đó là bước đầu luyện khí khai thông nhâm mạch. Luyện như thế liên tục cho đến khi các con cảm thấy lúc thở ra, chân khí lưu thông khắp châu thân một cách thông suốt thì luyện sang giai đoạn hai. Giai đoạn hai là giai đoạn luân chuyển vòng tiểu chu thiên, luyện nội công. Ở giai đoạn này, khi khí tụ đan điền rồi thì ngưng hô hấp, dùng ý chuyển khí qua các huyệt trường cường, hội âm, theo dương kinh của đốc mạch lên huyệt mệnh môn, đến huyệt đại chùy, lên huyệt bách hội rồi trở lại thần đình. Đến đây là hết một vòng tiểu chu thiên. Luyện vận hành khí theo vòng tiểu chu thiên càng nhiều, chân khí trong người càng thông suốt, giúp đả thông mọi bế tắc trong hai hệ kinh mạch nhâm và đốc, đồng thời giúp cho hai khí âm, dương trong cơ thể và kỳ kinh bát mạch giao thông, hòa hợp với nhau. Khi khí đã lưu thông một vòng tiểu chu thiên được thuần thục các con sẽ thấy mỗi lần đề khí, khí sẽ tụ ở đan điền rất sung mãn. Từ đó, nội lực sẽ tăng lên rất nhanh. Đến đây các con đã qua được giai đoạn khai thông nhâm đốc nhị mạch. Sau đó sẽ tập luyện chuyển chân khí khắp châu thân theo vòng đại chu thiên để bước vào giai đoạn thứ ba là phát triển ngoại công. Nhờ khí lực sung mãn ở đan điền, dùng ý đưa chân khí đi qua các đại tiểu huyệt khắp châu thân theo các hệ túc thái dương kinh, túc thiếu dương kinh... Thực hiện vòng đại chu thiên này thông suốt sẽ đả thông được sinh tử huyền quan, chân khí đầy thân thể, thu phát tự nhiên theo ý muốn. Nên nhớ rằng, ý đâu thì thần và khí ở đó. Việc đả thông được sinh tử huyền quan ở ngọc chẩm huyệt là mức thành tựu tối cần của võ học để trở thành cao thủ thượng thừa. Đạt được cảnh giới Tam hoa tụ đính, Ngũ khí triều nguyên là bước tối hậu của một cao thủ tuyệt đỉnh, nhưng điều này hoàn toàn tùy thuộc vào căn cốt bẩm sinh của từng cao thủ, không thể miễn cưỡng được. Trăm năm chỉ có một, nếu miễn cưỡng sẽ đưa đến hậu quả thảm khốc là tẩu hỏa nhập ma hay mất mạng. Vì nguyên lý cơ bản của sự tu luyện là phải để nội khí vận hành theo luật tự nhiên của cấu tạo cơ thể, hòa hợp với sự vận hành tự nhiên của hai khí âm dương trong trời đất nên không thể cưỡng cầu. Hai con hiểu thông suốt cả ba giai đoạn này không?

Văn Hiến và Hồng Liệt đồng thanh đáp:

- Dạ, chúng con đã thông suốt!

- Tốt lắm! Hai con đã có căn bản võ học nên việc thực hiện hai giai đoạn đầu sẽ không khó khăn lắm. Từ hôm nay cứ bắt đầu tập luyện cho thật thông suốt rồi hãy sang giai đoạn thứ ba. Giai đoạn thứ tư ta sẽ hướng dẫn sau.

Văn Hiến hỏi:

- Tư thế ngồi kiết già có tác dụng thế nào trong việc đả thông hai mạch nhâm đốc và sinh tử huyền quan, thưa sư bá?

- Luyện công theo lối đả tọa mà các con đã theo từ trước là cách thức thông thường của người học võ. Nhưng luyện công kết hợp với tư thế ngồi kiết già sẽ giúp người luyện công cùng lúc đả thông kỳ kinh bát mạch và khai mở bảy Luân Xa dọc theo cột sống để phát triển thêm năng lượng, bổ sung thêm khí lực cho cơ thể. Đây chính là giai đoạn thứ tư.

Hồng Liệt hỏi:

- Luân Xa là gì, thưa sư bá?

- Đó là tên gọi của bảy vùng năng lượng nằm tại sáu đại huyệt có gốc từ cột sống và một đại huyệt ở đỉnh đầu, chi phối những chức năng riêng của cơ thể. Tiếng Phạn cổ gọi là “Chakra”, chúng ta gọi là Luân Xa. Nó là những điểm xoáy dùng làm nơi trao đổi năng lượng của cơ thể với năng lượng của vũ trụ. Khai mở Luân Xa nào thì cơ thể sẽ có thể hấp thu năng lượng của vũ trụ và giúp phát triển tốt chức năng của cơ thể thuộc hệ kinh mạch ảnh hưởng bởi Luân Xa đó. Sự khai mở Luân Xa nếu sai lệch sẽ dẫn đến nguy hiểm, dễ bị tẩu hỏa nhập ma, có khi đưa con người vào ma cảnh. Do đó, thế ngồi kiết già vừa giúp tập luyện được tâm tịnh vừa giúp cho nội khí lưu chuyển dễ dàng từ Luân Xa này đến Luân Xa khác.

Sau đó, Phật Chiếu vừa giải thích vừa chỉ rõ cho hai người:

- Luân Xa thứ nhất nằm tại huyệt hội âm, thứ hai tại huyệt trường cường, thứ ba tại huyệt khí hải, thứ tư tại huyệt đản trung, thứ năm tại huyệt đại chùy, thứ sáu tại huyệt ấn đường và thứ bảy là huyệt bách hội. Khai mở hoàn toàn được cả bảy Luân Xa này con người sẽ trở thành bậc đại thánh. Tuy nhiên, điều này rất hiếm, vì bất kỳ người nào cũng có những khiếm khuyết trên cơ thể, cho nên Luân Xa của bộ phận khiếm khuyết đó không thể khai mở hoàn toàn được.

Từ đó, Văn Hiến và Hồng Liệt mỗi người một gian động chu trì tập luyện. Trong khi Hồng Liệt an nhiên tu tập thì Văn Hiến lại bị bao nhiêu tạp niệm quấy rối. Hình bóng của Dung Dung, những giọt nước mắt, chiếc khăn tay và bài thơ cứ lảng vảng trong đầu. Phải mất gần bảy ngày với sự cố gắng ghê gớm chàng mới dẹp bỏ được những tạp niệm mà chuyên tâm tịnh trí tĩnh tọa. Khi đói thì đã có thức ăn do Từ Huệ mang vào, khi khát đã có dòng suối chảy qua lòng động đá cho nên hai người cứ như vậy mà chuyên tâm tập luyện đến quên cả thời gian. Thỉnh thoảng, sư Phật Chiếu ghé lên hỏi thăm thành quả đạt được, chỉ dẫn thêm cách đưa chân khí theo vòng đại chu thiên đến từng kinh mạch nhỏ khắp cơ thể. Trong suốt thời gian đó, mọi liên lạc với bên ngoài đều bị thiền sư cắt đứt để tránh phiền nhiễu đến tâm của hai người.

***

Nhắc lại Hữu Dụng, khi về đến Quy Nhơn ông liền đưa bức thư của Văn Hiến cho Đỗ Trọng đem ra Liên Trì trao lại cho Đại Bằng. Đại Bằng và Kim Hùng đọc thư xong, thấy tình hình tạm ổn nên từ giã Nguyên Hào để trở về Phú Xuân bắt đầu triển khai việc thành lập bang Hành Khất. Về đến Phú Xuân, Đại Bằng tìm gặp Đoàn Phong tại tư gia để báo cho chàng biết mọi việc. Nghe xong, Đoàn Phong mừng rỡ nói:

- Như vậy cũng hay. Tuyết Hoa vừa sanh nở xong, tiểu đệ cũng cần có chút thời gian ở nhà để chăm sóc cho hai mẹ con nàng.

Đại Bằng hân hoan:

- Vậy sao? Mẹ tròn con vuông chứ? Chị nhà sinh cháu trai hay gái?

- Cảm ơn anh, cả hai đều tốt. Nàng sinh cháu trai.

- Chúc mừng anh! Vậy là anh thoát được cái tội “vô hậu vi đại” rồi. Chả bù với tôi, tôi mong hoài một mụn con mà không được. Có thể cho tôi nhìn mặt cháu được không?

- Được chứ! Tôi còn đang muốn nhờ anh xem thử mai này tương lai của cháu sẽ ra sao.

Tuyết Hoa vừa sanh xong chưa tròn tháng, nàng theo chân Đoàn Phong ra phòng khách để chào Đại Bằng. Đoàn Phong bế đứa bé trên tay nói:

- Đây là Tuyết Hoa, mẹ của cháu. Anh Trần Đại Bằng, người bạn mới quen của anh. Còn đây là công tử nhà họ Đoàn và họ Lê của chúng tôi.

Tuyết Hoa dịu dàng nói:

- Muội xin ra mắt Bằng huynh.

Đại Bằng vội cúi chào đáp lễ:

- Xin chào chị! Chị chưa khỏe hẳn không cần phải đa lễ, là bạn bè cả mà. Đâu, để tôi xem công tử nào.

Đoàn Phong trao thằng bé cho Đại Bằng. Quan sát một lúc, Đại Bằng trao con lại cho Đoàn Phong rồi nghiêm giọng nói:

- Đứa bé này ngũ quan đoan chính, tú khí khắp người, là long là phượng trong đời. Nếu gặp thời loạn tất nổi danh hào kiệt nhất phương, vẫy vùng một cõi. Duy với cái nét mỹ nam tử quá đặc biệt này, chỉ e về sau sẽ khốn đốn trong tình trường nhi nữ. Cháu tên gì?

Đoàn Phong trao con lại cho vợ, cả hai không giấu được nét vui mừng:

- Tên cháu là Đoàn Phi. Cảm ơn anh đã thương cháu mà nói như vậy. Vợ chồng tôi sẽ cố gắng dạy dỗ nó nên người hữu dụng.

Tuyết Hoa chào Đại Bằng rồi bế con vào trong. Đại Bằng hỏi:

- Công việc ở chỗ Võ Trụ huynh thế nào rồi?

- Rất tốt! Võ Trụ huynh là người trung thực và liêm chính. Mỏ vàng hứa hẹn một trữ lượng lớn, tình hình đang phát triển theo chiều hướng tốt đẹp.

- Chúa Võ vừa đăng vương đã gặp được chuyện may mắn như thế, đó là điềm lành cho đất nước.

- Mong mọi sự đều tốt lành. Việc ở Trần gia thì sao?

- Trần huynh cho rằng một khi đã lộ diện thì có lánh mặt cũng không được, tránh được một lúc nhưng không tránh được cả đời. Việc gì phải đến sẽ đến.

- Cũng đành vậy thôi. Giờ chỉ còn lưu tâm đến động tịnh của bọn Diệp Sanh Ký.

- Tôi sẽ bắt đầu việc thành lập bang Hành Khất để có thêm người giúp cho những bà con đói rách lang thang bỏ Đàng Ngoài chạy vào đây lánh nạn. Có việc gì cần thiết chúng ta liên lạc với nhau nhé.

- Vâng!

Đại Bằng kiếu từ ra về. Đoàn Phong tiễn bạn về xong vào trong nói với Tuyết Hoa:

- Nàng thấy nhận xét của Đại Bằng giống ta không? Con chúng ta mai sau chắc chắn sẽ là tay hào kiệt trong đời, không như cha nó chạy ngược chạy xuôi mà chẳng nên cơm cháo gì. Có một người vợ tuyệt vời như nàng mà cũng không lo nổi một cuộc sống sung túc, thật chẳng ra gì!

Tuyết Hoa âu yếm nhìn con rồi quay sang chồng nói:

- Chàng là một anh hùng, chỉ vì sinh không đúng thời nên lận đận mà thôi. Giờ đã có Phi nhi, chúng ta coi như không kể đến đời chúng ta, hãy gom hết sức mà đào tạo cho tương lai của nó. Họ Đoàn và họ Lê mai sau nhờ nó mà lưu danh thì chúng ta mãn nguyện rồi.

Đoàn Phong nắm tay vợ mỉm cười nói đùa:

- Hay nàng sinh thêm một thằng cu nữa đi, rồi cho nó mang họ Lê của nàng thì ta mới an tâm.

- Ham quá! Lo cho thằng nhóc này trước đã.

Hai vợ chồng từ khi lưu lạc xứ người, nhờ chút bổng lộc của triều đình cấp cho nên cuộc sống tương đối cũng dễ chịu. Nay họ có thêm đứa con như ý, hạnh phúc càng tràn trề. Tuyết Hoa vốn là con gái của Thượng thư Lê Anh Tuấn, người đã bị Trịnh Giang biếm chức, đày lên Lạng Sơn đến phải uống thuốc độc tự vận.

***

Rằm tháng bảy, năm Bính Dần 1746, đời Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ 7.

Nhân việc mỏ vàng Kim Sơn năm ngoái mang về cho quốc khố một lượng rất lớn nên quan ngoại tả Trương Phúc Loan và một số đại thần dâng biểu tâu rằng mùa lễ Vu Lan năm nay nên lập đàn cúng tế để tạ ơn trời đất, mở kho chẩn bần cũng như khuyến khích dân chúng trong nước nhớ đến mùa đại lễ báo hiếu. Võ vương đẹp ý bèn chuẩn tấu. Các triều thần đề nghị việc cúng tế nên làm ở chùa Thiên Mụ, giao cho thiền sư Minh Giác và sư đệ là Vô Danh thiền sư phụ trách. Võ vương cũng muốn gặp mặt Vô Danh thiền sư để tỏ lời ngợi khen thầy trò ông nhưng biết Vô Danh thiền sư rất ít khi chịu xuất hiện trước nơi đông người nên đã đích thân hạ chiếu, cho người mang vào tận Bích Khê để triệu thỉnh. Vô Danh thiền sư không thể từ chối đành phải theo thuyền của phủ Chúa ra Phú Xuân để cùng sư huynh lo việc đăng đàn chẩn tế.

Đại lễ Vu Lan năm đó được triều đình tổ chức trọng thể, Võ vương cho mở kho cấp phát cho những kẻ nghèo khó, bọn ăn mày khắp đất nước. Thật là một ngày hội lớn của quốc gia. Sau khi đại lễ hoàn tất, Vô Danh thiền sư định rời Phú Xuân trở về Bích Khê thì quan ngoại tả Phúc Loan đã đích thân đến gặp. Quan ngoại tả khẩn khoảng:

- Không dễ mấy khi được gặp thiền sư, nay nhân cơ hội hiếm có này dám mong thiền sư ghé đến tư gia phóng bút đề cho mấy chữ để lưu truyền lại cho con cháu đời sau. Đó là phúc ba đời của họ Trương chúng tôi vậy.

Vô Danh thiền sư thấy quan ngoại tả đích thân tìm đến năn nỉ nên không tiện từ chối. Ông nói:

- Quan ngoại tả đã nhờ, bần tăng đâu dám chối từ.

Phúc Loan mừng rỡ bèn mời thiền sư lên xe ngựa về tư dinh của mình ở mé sông Hương, cách chùa Thiên Mụ không xa. Dinh thự họ Trương mấy đời công hầu nên rất rộng lớn và tráng lệ. Trương Phúc Loan mời Vô Danh thiền sư vào nhà thờ tổ của dòng họ, bày giấy, nghiên, nhiều loại bút lên bàn xong nói:

- Cũng không dám phiền đến thiền sư nhiều, chỉ mong ngài phóng bút viết cho một chữ “Trương” thật lớn để treo vào bức vách bên trên các linh vị tổ tiên nhà chúng tôi là đủ.

Vô Danh thiền sư niệm một câu Phật hiệu rồi bước đến chọn cây bút lớn nhất, chấm mực, khoa tay phóng bút. Nét bút sinh động, vừa có thần vừa có uy. Trương Phúc Loan tuy không sành về nghệ thuật tự họa nhưng cũng biết đây là một tuyệt bút trên đời hiếm thấy nên cảm ơn rối rít:

- Đa tạ thiền sư! Họ Trương nhà tôi thật có duyên phước lớn mới được thiền sư ban cho bức tự họa này. Chúng tôi sẽ treo lên đây để cho con cháu đời đời chiêm ngưỡng.

Vô Danh thiền sư chắp tay niệm Phật hiệu nói:

- Ngài ngoại tả không nên nói quá. Giờ bần tăng xin cáo từ.

Phúc Loan vội nói:

- Cũng đúng ngọ rồi, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn một bữa cơm chay gọi là tỏ chút lòng thành kính. Mời thiền sư thọ trai, xong tôi cho người đưa xuống thuyền sang sông cũng chưa muộn.

- Đã vậy bần đạo cũng không khách sáo.

Phúc Loan lịch sự ngồi cùng để tiếp đãi, ông nói:

- Đáng tiếc người con rể của tôi là Tôn Thất Dục hôm nay lại không có mặt ở đây, nếu không để nó tiếp thiền sư thì hay biết mấy.

- Quí hiền tế tinh thông cả cầm kỳ thi họa, là một nhân tài của đất nước. Tôi rất ái mộ ông ta.

- Cũng là nhờ phước đức tổ tiên để lại nên mới chọn được người con rể giỏi giang như thiền sư đã ngợi khen.

Buổi cơm chay xong, Phúc Loan cho người mang trà lên mời thiền sư. Phúc Loan vì có bệnh nên dùng một chén thuốc riêng, ông nói:

- Tôi không uống trà được vì đang thời kỳ dùng thuốc. Mời thiền sư dùng thử loại trà Thiết Quan Âm của Tàu này xem có thích hơn trà Thái Nguyên của mình không?

Vô Danh thiền sư bưng tách trà uống từng hớp nhỏ xong gật gù khen:

- Ngon, rất ngon. Hương thơm thanh nhã, vị đậm đà. Đúng với cái tên Thiết Quan Âm.

- Nếu thiền sư không chê, tôi xin kính một ít để thiền sư hàng ngày dâng Phật.

Nói xong Phúc Loan rót thêm trà vào tách, quay qua dặn gia nhân vào gói mấy hộp Thiết Quan Âm mang ra. Phúc Loan cung kính:

- Chút lòng hiếu kính dâng Phật, mong thiền sư nhận cho.

Vô Danh thiền sư mỉm cười:

- Đa tạ! Giờ xin cáo từ.

Phúc Loan lại nói:

- Tôi có con thiên lý mã ngày đi ngàn dặm muốn tặng thiền sư để làm phương tiện trở về cho chóng, việc gì phải đi bộ cho nhọc sức?

- A Di Đà Phật. Mọi chúng sinh đều bình đẳng. Đã là kẻ tu hành sao còn bắt ngựa phục vụ cho thân ta? Ý đẹp của ngài ngoại tả tôi xin tâm lãnh.

Phúc Loan chắp tay nói:

- Nhưng cũng phải để cho gia nhân dùng xe đưa ngài xuống bến thuyền cho trọn tình chủ khách mới được.

Phúc Loan tiễn thiền sư ra trước sân, sai người dùng xe ngựa đưa thiền sư xuống bến thuyền. Chờ cho xe đi khuất ông mới trở vào trong nhà.

Một người đàn ông từ phía sau bước lên cúi đầu cung kính nói:

- Mọi việc coi như thu xếp đã ổn rồi. Giờ hạ nhân phải trở về Bồng Sơn gấp để chuẩn bị khởi sự.

Người đàn ông đó không ai khác ngoài Trần Đại Chí. Hắn ở tù ra, lấy cớ phải tạ ơn quan Ngoại tả đã giúp đỡ nên khẩn cầu Hoàng Công Đức tiến cử cho hắn gặp mặt Trương Phúc Loan. Được Phúc Loan nhận lời, hắn bèn mang theo một ngàn lượng vàng dâng lên để tạ ơn. Phúc Loan thấy hắn có tiền, lại khéo léo bợ đỡ nên tin dùng. Từ đó, hắn thường xuyên ghé thăm ngài ngoại tả, thỉnh thoảng lại đề cập tới chuyện mỏ vàng Kim Sơn để kích động lòng tham của Phúc Loan. Phúc Loan từ lâu cũng thèm cái mỏ vàng đó lắm, ngặt nỗi Võ Trụ là người của Võ vương đặc trách bổ nhiệm nên không tiện thay thế tay chân của mình vào. Đang suy tính để tìm cách gạt tên Võ Trụ cứng đầu ra khỏi miếng mồi béo bở đó thì Trần Đại Chí lại hiến kế lên. Hắn nói mọi chuyện cứ để hắn lo, chắc chắn Võ Trụ sẽ nhanh chóng không còn là chướng ngại vật ngăn cản vàng chảy vào túi của quan ngoại tả nữa. Phúc Loan nghe nói mùi tai bèn y kế.

Từ lâu Trần Đại Chí đã rất muốn giết Võ Trụ để Hoàng Kim Môn của hắn có thể kiếm ăn trong vụ khai thác vàng này. Nhưng hắn sợ có Vô Danh thiền sư ở kế bên làm hỏng việc nên bèn nhờ Trương Phúc Loan tìm cách triệu thiền sư về Phú Xuân để ở nhà hắn tiện ra tay. Không ngờ, lực lượng trợ thủ của Diệp Sanh Ký đưa sang có một người rất sành về chất độc, hắn liền thay đổi ý định, quyết giết luôn Vô Danh thiền sư để khỏi lo hậu hoạn về sau. Do đó, trong bình trà Thiết Quan Âm lúc nãy hắn đã bỏ vào một loại độc dược không mùi không vị, lại chậm phát tán. Loại độc dược này có tên “Tam Nhật Đoạn Trường tán”, uống vào sau ba ngày thì độc sẽ bộc phát, phá nát ruột gan dẫn đến tử vong, vô phương cứu chữa.

Phúc Loan nhìn Đại Chí hỏi:

- Ngươi có chắc là loại thuốc này hiệu nghiệm như đã nói không?

- Xin ngài ngoại tả an tâm. Hạ dân xin lấy tính mạng mình bảo đảm.

- Tốt! Vậy hãy làm cho gọn gàng. Việc xong ta sẽ cho ngươi thế chỗ của Võ Trụ, rồi ráng mà coi sóc tốt mỏ vàng đó cho ta.

Đại Chí cười nịnh:

- Ngài ngoại tả cứ an mười cái tâm. Chuyện mỏ vàng, gia đình hạ nhân đã có kinh nghiệm đến bốn năm đời nay rồi. Vài tháng nữa thôi, vàng sẽ chảy đầy túi ngài ngoại tả cho mà coi. Hạ nhân xin cáo từ.

- Ừ, cứ lo cho tốt đi, ngươi không mất phần đâu. Nhưng mà mọi việc phải kín đáo và thận trọng. Thôi đi đi!

Trần Đại Chí cúi đầu chào lần nữa rồi đi thụt lui ra gần cửa mới quay người lại đi nhanh ra sau nhà. Hắn lên ngựa phi nước đại ra bến sông để sang đò về thẳng Bồng Sơn.

***

Cuối tháng bảy năm đó, một cái tin chấn động khắp Đàng Trong được mọi người xôn xao bàn tán không ngớt. Đó là hai vụ đại huyết án rùng rợn xảy ra cùng một đêm trong cảnh mưa gió bão bùng, một ở núi Bích Khê, huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn; một ở Liên Trì, xã Liên Chiểu, huyện Mộ Hoa, phủ Quảng Ngãi. Cả hai gia đình Võ Trụ ở Bích Khê và Trần Nguyên Hào ở Liên Trì đều bị những kẻ lạ mặt sát hại không còn một ai sống sót. Tổng cộng số người bị giết lên đến hơn ba mươi nhân mạng nhưng tất cả lại bị đốt thành than cùng với gia trang.

Ở Phú Xuân, người biết hung tin trước tiên là Trần Đại Bằng. Nhờ có phi vũ truyền thư nên chỉ một hôm sau vụ thảm sát, ông đã nhận được tin gởi ra. Đại Bằng vội vàng cùng Kim Hùng đi tìm Đoàn Phong báo tin. Đoàn Phong nghe tin giật mình kinh hoảng, vội tìm Ngô Mãnh cùng báo cho Tôn Thất Dục hay. Sau đó, cả bốn người tức tốc dùng bốn con tuấn mã đi suốt ngày đêm tới thăm hiện trường. Trưa hôm sau, họ vào đến Liên Trì. Toàn bộ nông trang bị thiêu rụi, viên tuần sát ở huyện Mộ Hoa và viên trương thừa của xã Liên Chiểu đang có mặt ở hiện trường để lấy tang chứng và làm báo cáo lên thượng cấp. Đoàn Phong đến gặp họ, viên trương thừa báo:

- Thưa ngài hộ vệ, theo lời bàn tán của dân chúng quanh đây thì chuyện xảy ra đúng vào lúc cơn mưa lớn, sấm sét đầy trời nên không một ai hay biết gì cả. Dưới đống tro tàn kia hạ chức đếm được có tất cả hai mươi ba xác chết bị thiêu, không còn nhận diện ra được ai là ai nữa.

Đoàn Phong hỏi:

- Thật chẳng một ai hay biết gì sao?

- Dạ, hạ chức có hỏi nhưng không một ai chịu nhận là có chứng kiến cảnh thảm sát đó.

Đại Bằng chen vào:

- Thế lời đồn có người nhìn thấy hai con ngựa chạy thoát về hướng núi Long Cốt kia từ đâu mà ra?

Viên Tuần sát đáp:

- Theo hạ chức nghĩ đã có người chứng kiến, nhưng vì họ sợ liên lụy nên không dám nhận.

Đoàn Phong cùng mọi người xem xét tỉ mỉ các nơi, coi lại các xác chết nhưng ngoài việc đoán ra là xác con nít, phụ nữ và đàn ông thì không còn nhận rõ ai là ai nữa. Quanh hiện trường cũng chẳng để lại dấu vết gì sau một đêm mưa to gió lớn. Ngay cả những món binh khí tìm thấy trong đống tro tàn cũng khó có thể nhận ra hình dạng ban đầu của chúng. Dường như đã có thêm vật dẫn lửa để đám cháy bùng phát mạnh hơn. Bọn hung thủ làm việc thật sạch sẽ, gọn gàng, chứng tỏ âm mưu này đã được chuẩn bị chu đáo, trù tính kỹ càng mọi mặt từ lâu.

Đoàn Phong nói với viên tuần sát và viên trương thừa:

- Nhờ hai vị tiếp tục thu thập tất cả chứng cứ, càng nhiều càng tốt. Cho người khoanh vùng và giữ nguyên hiện trường, canh giữ không cho ai được vào đây. Chúng tôi còn phải vào Bích Khê ngay hôm nay để xem tình hình vụ án trong đó thế nào. Việc mai táng xin chờ chúng tôi trở lại rồi cùng nhau thực hiện.

Viên tuần sát nói:

- Xin ngài hộ vệ an tâm, hạ chức sẽ lo chu đáo việc này.

Bốn người lại tiếp tục phóng ngựa lên đường. Khi ngang qua Bồng Sơn, Ngô Mãnh lên tiếng, giọng tức giận:

- Trong vụ này, tôi tin chắc tên Trần Đại Chí là kẻ chủ mưu chứ không ai khác. Chúng ta ghé lại bắt hắn trước rồi tìm chứng cứ sau.

Đoàn Phong ngăn:

- Dù cho đó là sự thật nhưng chúng ta không có chứng cứ rõ ràng thì làm sao buộc tội hắn? Chi bằng cứ để từ hắn, ta lần ra những kẻ đứng phía sau, trong vụ này hắn dù sao cũng chỉ là con chốt mà thôi.

Đại Bằng tán thành:

- Phong huynh nói đúng. Dù biết Đại Chí và Diệp Sanh Ký có dính líu đến vụ án Ô Long đao của Trần gia nhưng chúng ta chẳng có chứng cứ gì. Thêm vào đó vụ án nhà Võ Trụ, ai là kẻ chủ mưu phía sau, ai là người trực tiếp hành sự thì hãy còn là vấn đề cần phải tìm hiểu.

Kim Hùng chợt lên tiếng:

- Có khi nào bọn Dương Tử Tam Kiếm vì mối thù Võ Trụ chặt đứt cánh tay mà ra tay thảm sát cả nhà anh ấy không?

Đoàn Phong đáp:

- Cũng có thể, nhưng lý do đó không được xác đáng lắm.

- Vì sao?

- Thứ nhất, theo lẽ bọn Tam Kiếm phải có mặt ở Trần gia để dùng Ỷ Thiên trường kiếm đối đầu với Ô Long đao. Thứ hai, vì một cánh tay mà thảm sát toàn gia Võ Trụ thì có hơi quá đáng, dù bọn đó thật sự có khát máu đến đâu đi nữa cũng không thể làm việc này để người khác chú ý.

- Theo Phong huynh thì nguyên nhân do đâu?

- Chỉ có thể là vì mỏ vàng Kim Sơn mà Võ Trụ huynh đang làm tổng quản ở đó.

Đại Bằng lại tán thành ý kiến của Đoàn Phong nên gật gù:

- Đúng vậy, tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Phong huynh có biết gì nhiều về mỏ vàng này không?

- Theo lời Tôn Thất Dục thúc thúc nói thì trữ lượng mỏ vàng rất lớn, dưới sự quản lý chặt chẽ của Võ Trụ huynh, chỉ trong vòng một năm mà lượng vàng nộp về quốc khố rất nhiều. Chính điều này đã mang lại tai họa cho Võ Trụ.

Ngô Mãnh hỏi:

- Vì sao?

- Vì với một món ăn béo bở như vàng mà bọn tham quan lại bị Võ Trụ bịt miệng bằng những chứng từ rõ ràng gởi đến bộ Công, bộ Hình và Võ vương hàng tháng, chúng không ăn được nên phải tìm cách triệt hạ người bịt miệng chúng.

Kim Hùng nghe Đoàn Phong phân tích thì máu nóng nổi lên đùng đùng:

- Chỉ vì mất ăn một chút vàng mà chúng lại ra tay giết hại mấy mươi mạng người à? Bọn ác nhân này đáng bằm thây ra trăm mảnh!

Đoàn Phong nói:

- Đúng vậy! Nhưng không phải một chút vàng đâu. Chúng nhẫn tâm giết nhiều người như vậy chứng tỏ số lượng vàng rất lớn. Nhưng ai là kẻ có thể thu được lượng vàng lớn ấy nếu người quản lý mỏ Kim Sơn là tay chân của họ?

Đại Bằng nói ngay:

- Chỉ có đại quan với thế lực lớn trong triều mới đủ điều kiện làm được điều này.

Ngô Mãnh la lớn:

- Vậy thì kẻ đó không ai khác ngoài Trương Phúc Loan ra!

Đoàn Phong vội chặn miệng Ngô Mãnh lại:

- Đừng la lớn! Nếu để lộ ra mình đang nghi ngờ và theo dõi họ thì họ sẽ dùng uy quyền mà tiên hạ thủ vi cường, bịt luôn bốn cái miệng nhỏ của bọn mình ngay. Chưa biết chừng còn liên lụy đến Dục thúc và nhiều người khác nữa.

Ngô Mãnh tức tối hỏi:

- Vậy phải làm sao?

- Người chết cũng đã chết rồi. Quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Chúng ta phải nhẫn nại và khéo léo để tìm cho ra thủ phạm. Quân cờ chủ chốt là Trần Đại Chí. Từ hắn, ta có thể lần ra manh mối để tìm đáp án cuối cùng. Tuyệt đối không nên lỗ mãng hành sự mà hư chuyện.

Đại Bằng hỏi:

- Như vậy cả hai vụ án này Đại Chí đều có liên quan đến hay sao?

Đoàn Phong đáp:

- Tôi tin là như vậy. Bởi vì hai vụ án xảy ra cùng một lúc ở hai nơi cách xa nhau. Nếu họ không tập trung ở một nơi rồi cùng xuất phát thì không thể lợi dụng đúng thời điểm đêm mưa gió mà ra tay một lúc được. Nơi tập trung và xuất phát đó phải ở Bồng Sơn này mới thích hợp.

- Như vậy bọn Diệp Sanh Ký và Trương Phúc Loan có liên quan với nhau à?

- Có thể có mà cũng có thể không. Nếu có thì cũng do tên Đại Chí đứng giữa làm mắt xích liên lạc. Bảo đao và vàng là thứ mà những người kinh doanh như Diệp Sanh Ký đều ham muốn.

Đại Bằng nói:

- Sau vụ này tôi phải vào Giản Phố xem tình hình trong đó thế nào, nhân tiện giúp cho Văn Hiến và Hồng Liệt một tay.

Kim Hùng chen vào:

- Đệ cũng muốn đi!

Đại Bằng cản:

- Chú phải ở lại để tiếp tục mở rộng tầm hoạt động của Hành Khất bang và giúp Phong huynh một tay ở ngoài này. Anh vào trong đó sẽ liên lạc ra, nếu cần sẽ gửi tin cho mấy người vào cũng chưa muộn.

- Bọn trẻ ở chỗ Hồng Liệt cũng nóng ruột về tin tức của hắn và tam đệ, chúng muốn vào trong đó một chuyến. Anh có đi nên cho chúng theo một thể.

- Cũng được. Chú đưa tin cho chúng biết, trong bọn chúng ai muốn đi thì bảo vào Liên Trì gặp chúng ta. Vào Bích Khê xong, anh phải liên lạc với chú Hữu Dụng xem chừng nào họ có chuyến vào Giản Phố.

Bốn người đến trại ngựa của Võ Trụ, tình hình cũng giống như ở Trần gia. Tất cả không còn gì ngoài một đống tro tàn với gần mười lăm bộ hài cốt. Chính quyền địa phương đã cho người khoanh vùng khu trang trại và canh gác không cho ai vào. Vì đây là vụ đại huyết án nên địa phương không thể tự mình giải quyết mà phải chờ người của Hình bộ. Đoàn Phong xem xét tỉ mỉ xong thở phào nhẹ nhõm nói:

- Không thấy xác con nít, lại chỉ có một xác phụ nữ, nghe người quanh đây nói thì xác phụ nữ này có thể là chị dâu của vợ Võ Trụ huynh. Như vậy lời đồn có một con bạch mã chở một người đàn bà và một đứa trẻ chạy thoát trong đêm thảm sát là đúng. Võ Trụ huynh dù gì vẫn còn có người nối dõi. Trời Phật hãy còn thương họ Võ nên lưu lại kẻ kế thừa. Tạ ơn Phật tổ từ bi. Mối huyết thù này chắc chắn sẽ được thanh toán sòng phẳng sau này.

Đại Bằng hỏi:

- Vì đâu mà Phong huynh khẳng định như vậy?

- Tôi đã thấy qua đứa con trai của Võ Trụ. Nó như một pho tượng thần hộ pháp canh giữ ở đền chùa. Đứa trẻ như nó, lại mang thêm mối huyết hải thâm thù thì trên đời này không còn ai có thể cản ngăn được. Bọn hung thủ chắc chắn sẽ phải trả một cái giá rất đắt mai này. Dù cho kẻ đó là ai.

Kim Hùng nói:

- Được vậy thì thật tốt. Tên nó là gì?

- Võ Văn Doan.

Bốn người đang nói chuyện thì có hai con ngựa chở một già một trẻ từ trên quan lộ phóng như bay đến. Đại Bằng nhận ra người trẻ là Đỗ Trọng, còn người già chàng đoán chừng là Hữu Dụng. Đại Bằng lên tiếng:

- A, Đỗ Trọng huynh! Chúng ta gặp lại nhau rồi. Vị này có phải là chú Hữu Dụng không?

Đỗ Trọng và Hữu Dụng nhảy xuống ngựa. Đỗ Trọng đáp:

- Vâng, đây là chú Hữu Dụng. Còn đây là anh Đại Bằng, anh cả của Trương huynh.

Đại Bằng giới thiệu mọi người với nhau. Đỗ Trọng nói:

- Chú Dụng nghe hung tin của hai vụ án liền cùng tôi ra đây xem sự thể thế nào để vào Giản Phố nói lại cho Trương huynh và Đinh huynh hay, không ngờ gặp được các vị ở đây.

Đại Bằng mừng rỡ nói:

- Cháu đang có ý định xuống đầm Hải Hạc hỏi thăm chú xem khi nào thuyền vào lại Giản Phố. Cháu định quá giang vào trong đó một chuyến.

Hữu Dụng vui vẻ nói:

- Vừa hay, hai hôm nữa chúng tôi sẽ rời bến. Bằng huynh thu xếp xong mọi việc rồi chúng ta cùng đi.

- Cảm ơn chú trước. Cháu sẽ có mặt ở dưới đó đúng hẹn.

- Có tìm ra được ai là hung thủ chưa?

Đoàn Phong buồn bã đáp:

- Dạ chưa. Bọn chúng làm việc rất chu đáo, cả hai nơi đều không để lại một vết tích gì ngoài một đống tro tàn thế này đây. Cơn mưa lớn đêm đó đã giúp chúng xóa sạch mọi dấu vết.

Đỗ Trọng hỏi:

- Không có một nghi vấn nào sao?

- Có thì cũng có, nhưng chưa thể khẳng định được điều gì. Phải có thời gian tìm hiểu thêm.

Ngô Mãnh hỏi:

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

- Chúng ta ghé lại huyện Phù Ly để tổng kết biên bản vụ án. Sáng mai làm lễ an táng cho gia đình Võ Trụ, sau đó trở lại Liên Trì an táng cho Trần gia.

Đại Bằng như sực nhớ điều gì nên liền hỏi:

- Còn sư phụ của Võ Trụ huynh trên núi đâu? Ông ta có bị giết trong đêm đó không?

Đoàn Phong giật nảy mình:

- Đúng rồi! Sao tôi lại có thể quên thiền sư được nhỉ? Hôm rằm tháng bảy tôi và Dục thúc có gặp thiền sư ở chùa Thiên Mụ chuẩn bị đại lễ Vu Lan. Sau lễ, nghe nói thiền sư trở về Bích Khê ngay mà. Lẽ ra thiền sư phải có mặt ở đây trong đêm xảy ra vụ thảm sát mới đúng chứ. Không lẽ ngài cũng bị sát hại rồi ư?

- Thiền sư xưa kia là tay kiếm tuyệt, nổi danh đệ nhất kiếm thủ. Lẽ nào lại bị hại dễ dàng như thế? Chúng ta lên núi xem sao?

- Đúng! Chúng ta cùng đi xem sao.

Sáu người bèn phóng ngựa lên núi. Vào đến am của Vô Danh thiền sư thì thấy mọi vật đều bị phá nát nhưng không phải do có cuộc đánh nhau mà là do bàn tay con người đập phá. Đoàn Phong thở dài nói:

- Ở đây không có dấu tích của sự xô xát. Vậy là bọn hung thủ sau khi giết cả nhà Võ Trụ mới kéo lên phá nát chỗ này. Không biết thiền sư đã ở đâu, làm gì trong đêm xảy ra huyết án? Một người như ông ta làm sao có thể bị giết dễ dàng như thế được. Mà nếu không bị giết thì vì lý do gì lại không thấy xuất hiện ở đây?

Đại Bằng nói:

- Như vậy chỉ có hai cách giải thích. Một là thiền sư đã bị hại trên đường từ Phú Xuân trở về Bích Khê. Hai là ông ấy cũng bị giết trong đêm đó cùng với Võ gia.

- Nếu như vậy bọn hung thủ phải có tay đại kiếm thủ và rất có thể hắn đến từ Trung Quốc.

- Đúng vậy! Tôi đã thấy thân thủ của Võ Trụ huynh trong cuộc đấu với hai anh em họ Tư Đồ. Kiếm pháp của Võ huynh đáng liệt vào hàng tuyệt đỉnh cao thủ. Điều này cho thấy Vô Danh thiền sư còn cao siêu đến bậc nào. Chúng ta phải cẩn thận mới được.

Ngô Mãnh nổi máu anh hùng xen vào:

- Càng hay! Tôi thật sự muốn gặp một đối thủ như vậy.

Đoàn Phong nói:

- Thôi, mọi việc rồi từ từ cũng sẽ sáng tỏ. Chúng ta lên Phù Ly nghỉ ngơi ở đó đêm nay. Mai lo cho xong việc an táng của hai gia đình họ.

Sáng hôm sau, với sự trợ giúp của địa phương, ngôi mộ của Võ gia đã được lập lên ngay tại trang trại dưới chân núi Bích Khê. Dân chúng trong vùng nhớ đến ơn đức của họ Võ nên đến dự rất đông, họ than khóc như chính người thân trong gia đình họ vừa mất vậy. Bọn Đoàn Phong sáu người cũng không cầm được nước mắt khi lạy trước mộ người bạn tốt, đầy nghĩa khí của mình. Họ dùng rượu rưới xuống đất trước mộ, không ai nói lời nào nhưng trong thâm tâm, họ đã thề sẽ tìm cho ra những tên hung thủ khát máu để trả thù cho bạn. Việc xong, cả sáu người lại phóng ngựa trở lại Liên Trì để an táng cho Trần gia. Mộ lập xong, nhân dân quanh vùng đều đến tế mộ, họ khóc thương cho Trần gia bao đời nhân đức nay phải chịu nạn diệt gia vô cùng thảm thương. Vừa hay, Hiền Nhi cũng từ cửa Hàn vào Liên Trì đúng lúc mọi người đang cúng tế trước mộ phần. Đêm xuống, người dân và viên chức địa phương trở về hết chỉ còn lại bọn người của Đoàn Phong. Hữu Dụng nói:

- Chúng tôi phải trở về Quy Nhơn để thu xếp cho chuyến đi ngày mốt. Bằng huynh chuẩn bị để tối mai có mặt ở đó thì được rồi. Giờ xin cáo từ.

Đại Bằng nói:

- Cảm ơn chú và Đỗ huynh. Chúng cháu sẽ có mặt ở Quy Nhơn tối mai.

Hữu Dụng cùng Đỗ Trọng lên ngựa về Quy Nhơn. Còn lại năm người bọn Đoàn Phong ngồi trước mộ uống rượu. Ánh trăng già hắt ánh sáng nhàn nhạt soi xuống hồ sen, gió nhẹ đưa hương sen thơm ngát lan tỏa khắp vùng. Đêm ở đây thật u tịch, có ai ngờ mấy hôm trước nơi đây lại xảy ra cuộc thảm sát máu lệ rơi đầy, biến cảnh non bồng thành nơi mộ địa. Đại Bằng mắt rướm lệ nâng chung rượu lên uống cạn rồi cất tiếng ngâm:

Hồi vấn cố tri thiên lý mưu

Bàng hoàng tặc loạn một thiên vưu

Phương liên thẩm thẩm Liên Trì hận

Thanh thảo thê thê Long Cốt cừu

Phủ khốc hàn tinh xuy vạn ảnh

Ngưỡng hào oán khí phún thiên ưu

Phiêu phiêu ma ảnh uất triêm lệ

Túy thệ truy thù tế vĩ lưu.

Tạm dịch:

Ta quay về hỏi cố tri về mưu ngàn dặm

Bàng hoàng thấy giặc loạn làm mất của quý trời đất

Sen thơm gãy chìm khắp gây nên hận Liên Trì

Cỏ xanh thảm thiết in mối thù núi Long Cốt

Cúi xuống khóc, những điểm hàn tinh thổi vạn ảnh

Ngửa lên la to oán khí phun ngàn mối ưu phiền

Ma ảnh bay bay đẫm lệ tức uất

Say thề đuổi giết quân thù tế dòng tộc lớn.

Giọng ngâm chứa chan niềm bi thương, uất hận. Đoàn Phong nói:

- Tuyệt tác! Bài thơ nghe thống hận tận tâm can.

Kim Hùng tiếp lời, giọng kiên quyết:

- Tôi thề sẽ tìm cho ra tên hung thủ chính đứng sau hai vụ án này, phanh thây hắn ra trăm ngàn mảnh để trả thù cho gần bốn mươi nhân mạng của Võ gia và Trần gia.

Hiền Nhi nghe xong bài thơ không cầm được nước mắt, nàng nức nở:

- Bài thơ này Bằng huynh nên đặt cho nó một cái tên chứ?

Đại Bằng nói:

- Đặt là Liên Trì - Long Cốt hận tạm vậy!

Ngô Mãnh gằn giọng:

- Hay lắm! Mối hận ở Liên Trì và núi Long Cốt này chúng ta không trả được thề không làm người!

Cả bốn người bưng bốn chung rượu vừa rót xuống đất vừa đồng thanh nói:

- Không trả được thù thề không làm người!!!

***

Trong khi ở dinh Quảng Nam xảy ra hai vụ huyết án kinh thiên động địa thì trên núi Bửu Long, Văn Hiến và Hồng Liệt đã khai thông được Sinh Tử Huyền Quan nên nội lực cả hai giờ đây sung mãn vô cùng. Một hôm, Phật Chiếu thiền sư ghé lên động và nói:

- Về nội, ngoại công phu hai con đều đã thành tựu mỹ mãn, riêng các Luân Xa không phải trong một sớm một chiều là có thể khai mở tất cả được. Đời các con còn dài, hãy thường xuyên tập luyện rồi theo thời gian nó sẽ bổ sung thêm nội khí cho cơ thể. Hôm nay ta bắt đầu truyền thụ quyền pháp và kiếm pháp cho các con. Cả hai con đều dùng kiếm cả phải không?

Hai người đồng thanh đáp:

- Dạ!

- Tốt! Quyền và kiếm pháp này do ta và nho hiệp đã tinh lọc ra từ tinh hoa của võ thuật Đại Việt và Trung Hoa rồi đúc kết lại mà thành. Đó là Long quyền, tức là quyền của Lạc Long Quân và Phụng kiếm, tức bài kiếm của người Việt nữ thuở xưa. Nói là Long quyền nhưng thực sự là Tiềm long phục hổ vì nó kết hợp sự uyển chuyển dẻo dai của rồng và sự mạnh bạo mau lẹ của hổ. Bộ pháp của bài quyền này dựa trên căn bản của Cửu cung bát quái mà thay đổi phương vị. Bài Phụng kiếm gồm một số chiêu thức của bài Việt nữ kiếm mà ngày xưa cô gái Việt đã giúp cho quân của Việt vương Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai còn lưu truyền lại. Nó kết hợp với tinh hoa kiếm pháp Đại Việt và Trung Hoa mà thành. Vì vậy, dù có tên là Phụng kiếm nhưng thế kiếm không quá uyển chuyển như chim phụng múa mà lại hàm chứa sát khí rất nặng bên trong. Tên gọi Phụng kiếm chỉ là cách để nhắc nhở chúng ta về người Việt nữ tài ba thuở xưa mà thôi.

Văn Hiến hỏi:

- Bài Việt nữ kiếm nghe nói đã thất truyền từ lâu rồi làm sao sư phụ và sư bá có được?

Phật Chiếu đáp:

- Có lẽ do anh linh của tổ tiên dòng Bách Việt phù hộ nên xui khiến sư phụ con trong một lần đi vào vùng núi Vũ Di ở Phúc Kiến đã gặp được một truyền nhân của Việt nữ kiếm tại một bộ lạc người Mân. Họ là hậu nhân của Vô Chư, vị Mân vương cuối cùng của nước Mân Việt thời nhà Hán. Tuy bài kiếm đã bị biến đổi nhiều qua hơn hai mươi thế kỷ nhưng bấy nhiêu thôi cũng là quá may mắn cho người Việt ta rồi.

Văn Hiến và Hồng Liệt lại mất thêm nửa tháng nữa để lĩnh hội tất cả những yếu quyết của Long quyền và Phụng kiếm. Trình độ võ công của hai người xấp xỉ nhau nên việc luyện tập rất mau chóng và đạt nhiều hiệu quả. Thiền sư Phật Chiếu sau khi quan sát kiểm tra lại việc học tập của hai người, ngài cho phép họ về chùa. Nhà sư dặn dò:

- Thành tựu của hai con thật vượt quá sự mong đợi của ta và nho hiệp. Bây giờ, hai con có thể xuống núi hành hiệp trượng nghĩa mà không lo gặp nhiều nguy hiểm, trở ngại nữa. Tuy nhiên núi này cao ắt có núi khác cao hơn, vả lại võ học mênh mông vô bờ bến nên hai con đừng bao giờ tự phụ vào võ công của mình, hãy luôn cố gắng luyện tập mọi lúc để tăng tiến hơn. Và điều quan trọng nhất là phải lấy hai chữ từ bi làm gốc, tình thương làm trọng. Dù là kẻ thù, nếu có thể tha được thì nên tha. Mong các con nhớ kỹ lời ta nói.

Cả hai đồng thanh đáp:

- Chúng con xin ghi nhớ lời dặn của sư bá!

Phật Chiếu gật đầu rồi vào trong mang ra hai thanh kiếm và hỏi:

- Hai con có từng nghe nói về một người tên Âu Dã Tử ở nước Việt xưa không?

Hồng Liệt đáp ngay:

- Dạ có! Âu Dã Tử nước Việt và Can Tương nước Ngô sống cùng thời với nhau, họ là hai là bậc thầy luyện kiếm trong thiên hạ tự cổ chí kim.

- Đúng! Còn gì nữa?

- Việt vương Doãn Thường biết Âu Dã Tử có tài luyện kiếm nên cho mời tới và nhờ rèn kiếm báu. Âu Dã Tử vâng lệnh đi khắp nước Việt để tìm kim loại quí, khi ngang qua vùng suối Long Tuyền ở Tần Khê, Chiết Giang thì thấy có ánh sáng kim loại tỏa lên trong trời đêm, ông biết nơi đây có kim loại quí nên đào xới và tìm được một khối sắt tốt. Ông luyện ra năm thanh kiếm báu cho Việt vương là Trảm Lư, Cự Khuyết, Thắng Tà, Ngư Trường và Thuần Quân. Sau, vua Việt đem thanh Trảm Lư tặng Ngô Phù Sai để tâng công. Nhưng khi Việt Câu Tiễn diệt được Ngô vương đã thu hồi lại thanh Trảm Lư và đem chôn theo mình lúc tạ thế. Vua nước Sở là Sở Chiêu vương nghe danh Âu Dã Tử bèn nhờ Phong Hồ Tử là bạn của Âu Dã Tử rước về rèn kiếm cho mình. Âu Dã Tử đã rèn cho vua Sở ba thanh Long Tuyền, Thái A và Công Bố. Tất cả đều là bảo kiếm trong thiên hạ.

- Còn Can Tương?

Hồng Liệt nghe hỏi đúng với sở thích của mình nên say sưa đáp:

- Can Tương có vợ là Mạc Gia. Vua Ngô sai Can Tương rèn kiếm, ông tìm được một lõi kim loại rất quí đem luyện nhưng luyện mãi kim loại vẫn không chảy. Mạc Gia nghe chồng nói kim loại này cần linh khí của người, bèn tắm gội sạch sẽ rồi nhảy vào lò lửa, kim loại liền chảy ra. Can Tương đã luyện được hai thanh kiếm báu đặt tên là Can Tương và Mạc Gia nhưng ông chỉ giao cho vua Ngô thanh Can Tương, còn thanh Mạc Gia thì giữ lại cho con cháu mình. Sau vua Ngô phát hiện bắt đem nộp lên. Khi nước Ngô mất, hai thanh kiếm đó đã thất lạc không biết về đâu. Sau này con cháu của Can Tương lại theo nghề tổ tiên rèn ra hai thanh Ỷ Thiên trường kiếm và Thanh Hồng kiếm. Đời Tam Quốc hai thanh này rơi vào tay Tào Tháo. Mới đây con đã có dịp nhìn thấy thanh Ỷ Thiên trường kiếm này trong tay tên Lãnh Diện Truy Hồn khi bọn chúng tấn công Trần gia để mưu đoạt thanh Ô Long bảo đao của Đại Việt ta.

Phật Chiếu đã nghe nho hiệp kể lại chuyện này nên nhìn Hồng Liệt hỏi tiếp:

- Con biết gì về lai lịch thanh Ô Long đao?

Hồng Liệt bèn đem lai lịch thanh đao do Trần Nguyên Hào kể hôm trước nói lại. Phật Chiếu hỏi:

- Còn gì nữa không?

- Con chỉ biết có thế thôi.

Phật Chiếu thở dài rồi nói:

- Kỹ thuật luyện kiếm, đúc gươm của dòng Bách Việt đã đạt đến trình độ rất cao như Âu Dã Tử chẳng hạn. Về sau, người Hán thống trị Trung Nguyên và các nước nhỏ lân bang nên đã sở hữu luôn kho tàng trí tuệ đó. Họ lại cố xóa đi hoặc bưng bít, cấm đoán các dân tộc nhỏ nhắc nhở về cội nguồn tinh hoa trí tuệ của tổ tiên mình. Cho nên lâu dần chúng ta cứ ngỡ rằng những tài năng và tài sản quí báu kia là của người Hán. Những thanh kiếm báu con vừa kể chẳng hạn, đó đều là tinh hoa trí tuệ của người Bách Việt chứ không phải của người Hán. Riêng Âu Lạc ta, tài rèn kiếm đúc gươm, chế tạo nỏ của Cao Lỗ không thua kém gì Âu Dã Tử nước Việt. Ngoài cây Ô Long đao, Cao Lỗ còn rèn một thanh kiếm tên là Thanh Long, sắc bén vô cùng. Cặp đao kiếm này thuở xưa được coi là vật trấn quốc của nước Âu Lạc. Thanh kiếm này ông rèn xong dâng lên cho An Dương Vương, sau An Dương Vương bại trận đã dùng nó chém chết con gái rồi mang nó theo mà nhảy xuống biển tự vẫn ở vùng Châu Hoan xứ Nghệ.

Nói đến đó, thiền sư cầm một thanh kiếm lên rút ra khỏi vỏ, một làn ánh sáng xanh mát lạnh tỏa khắp gian phòng. Thiền sư hỏi hai người:

- Hai con ai biết thanh kiếm này?

Cả hai nhìn thanh kiếm vừa ngạc nhiên trước ánh thép xanh ngời và luồng hàn khí toát ra từ nó vừa lắc đầu. Phật Chiếu nói:

- Đây chính là Thanh Long kiếm của tổ tiên ta ngày xưa. Ở gần cán kiếm có hai chữ “Âu Lạc” viết theo lối cổ tự.

Hồng Liệt vốn sành về bảo kiếm nên nói:

- Về thanh sắc và khí thế, thanh kiếm này hơn hẳn thanh Ỷ Thiên của Tào Tháo. Sư bá làm sao tìm được nó vậy?

- Là nho hiệp đã tìm được chứ không phải ta. Tương truyền thanh kiếm này từng xuất hiện trong tay một kiếm khách ở Thăng Long vào thời gian nhà Trần đánh đuổi quân Mông Cổ, đồng thời với thanh Ô Long đao trong tay của Thượng tướng Trần Quang Khải. Sau đó, thanh kiếm lại biệt tích giang hồ. Hơn trăm năm sau, Lê Thái Tổ đã được một người dân ở Nghệ An tặng thanh kiếm này và ngài đặt cho nó cái tên là Thuận Thiên bảo kiếm. Như đã biết, ngài dùng nó tung hoành ngang dọc trong suốt cuộc kháng chiến mười năm chống giặc Minh. Sau khi đánh đuổi được quân thù, ngài đã hoàn trả thanh kiếm lại cho một con linh qui ở hồ Lục Thủy gần thành Thăng Long nên hồ đó đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm đến giờ. Trong một đêm trăng cách đây bảy năm, nho hiệp đi chơi thuyền trên hồ Hoàn Kiếm và đã tìm thấy thanh kiếm.

Văn Hiến cảm thán:

- Thanh kiếm này đã trở thành linh vật mang hồn thiêng của sông núi nước Nam ta. Kiếm xuất hiện chắc lại sắp có can qua và chân chúa sẽ ra đời.

Phật Chiếu trao thanh kiếm cho Văn Hiến và nói:

- Đó cũng là lời của thầy con đã nói. Nho hiệp nhờ ta trao thanh kiếm lại cho con, dặn con khi nào gặp được bậc minh quân thì tặng kiếm.

Văn Hiến vội vàng quì xuống cung kính nhận lấy thanh kiếm.

- Tạ ơn thầy và sư bá. Con sẽ ghi nhớ điều này.

Phật Chiếu lại rút thanh kiếm thứ hai ra, ánh kiếm màu hồng buốt lạnh. Hồng Liệt nhìn kỹ thanh kiếm hỏi:

- Đây có phải là thanh Thắng Tà của Âu Dã Tử không sư bá?

- Đúng rồi. Kiến thức về binh khí cổ của con khá lắm. Thanh kiếm này là của người Mân Việt ở Vũ Di sơn tặng cho Nho hiệp. Họ nói bảo vật trở về cố chủ vì giang san của họ giờ đã từ Việt tộc chuyển sang Hán tộc, nay lại chuyển tiếp qua Mãn tộc rồi. Bách Việt giờ chỉ còn lại dòng Âu Lạc chúng ta mà thôi.

Thiền sư nói xong trao thanh kiếm cho Hồng Liệt.

- Nho hiệp tặng con thanh kiếm này, hãy cùng với Thanh Long kiếm giúp đời và bảo vệ giang san.

Hồng Liệt quì xuống nhận kiếm thưa:

- Tạ ơn hai vị sư bá. Con nguyện đem thân mình phục vụ cho đất nước và dân tộc.

Phật Chiếu nở nụ cười mãn nguyện:

- Thôi hai con đi đi, mấy hôm trước Bạch Mai nữ thí chủ ghé lên đây nói có tin quan trọng của Thần Quyền Môn nhưng ta thấy hai con đang trong giai đoạn cuối của việc luyện công nên đã hẹn với thí chủ mươi hôm trở lại hai con sẽ xuống thăm.

Văn Hiến hỏi:

- Thầy con đâu rồi sư bá?

- Ông ấy ra đi từ mùa xuân và nhờ ta nói lại với con là duyên thầy trò đã tận, con phải tự lo liệu về sau và dặn con nhớ kỹ hai điều: Thứ nhất, giang sơn thống nhất, đối kháng Trung Hoa. Thứ hai, Tây khởi nghĩa, Bắc thu công.

Văn Hiến nghe nói thầy đã ra đi thì mắt rướm lệ hỏi:

- Thầy có nói sẽ đi về đâu không sư bá?

- Không. Chỉ nói là đi về hướng bắc.

Văn Hiến vội quay về hướng bắc quì xuống lạy bốn lạy:

- Thầy đã không muốn cho con hầu hạ, con chỉ còn biết cầu mong cho thầy luôn có những ngày an lạc cuối đời. Con nguyện thực hiện kỳ được những ước nguyện còn lỡ dở của thầy để đền đáp công ơn dạy dỗ.

Chàng quay sang Phật Chiếu thiền sư, ra hiệu cho Hồng Liệt cùng sụp xuống lạy bốn lạy và đồng thanh nói:

- Hai con xin kiếu từ sư bá. Cầu Phật tổ gia hộ cho người.

Phật Chiếu nở nụ cười từ hòa:

- Được rồi. Các con đi đi.

Hai người lên ngựa về đến Giản Phố lúc trời vừa sập tối, đèn lồng đủ màu sắc giăng đầy khắp các đường phố để chờ đón tết Trung Thu. Hồng Liệt nói:

- Hai hôm nữa là tết Trung Thu rồi. Mới đây mà một năm đã trôi qua. Nhanh thật! Không biết bọn trẻ ngoài đó sinh hoạt thế nào. Ta thật nhớ chúng.

Văn Hiến thở dài:

- Ừ! Mới đây mà đã một năm rồi. Về đến Thần Quyền Môn sẽ biết chứ gì.

Họ vừa đến cổng trang viện thì bọn đệ tử đã vui mừng reo lên:

- A! Sư thúc đã về! Chúng đệ tử xin chào sư thúc! Chào Trương sư thúc!

Hồng Liệt và Văn Hiến nhảy xuống ngựa. Hồng Liệt hỏi:

- Sư phụ và cô cô đâu?

Một tên trong bọn đáp:

- Dạ, vừa mới ra ngoài bến tàu. Có chuyến hàng từ Quy Nhơn mới cập bến lúc chạng vạng hôm nay.

Văn Hiến mừng rỡ:

- Tàu ở Quy Nhơn vào à? Chúng ta ra bến tàu đi. Chú Dụng thế nào cũng mang tin tức ngoài đó vào.

Hai người vội vã ra bến tàu. Đại Kỳ và Bạch Mai đang đứng trên bến sông. Bạch Mai vừa nhìn thấy hai người đã reo lên:

- A! Hai người đã trở về rồi. Gớm, trốn kỹ đến thế. Người ta lên thăm mấy bận, lần nào cũng bị đuổi về cả. Tức chết đi được.

Hồng Liệt cười nói:

- Xin lỗi muội. Chỉ vì sư bá sợ bọn huynh bị phân tâm mà thôi. Công việc thế nào? Có gì lạ không?

Đại Kỳ mừng rỡ nắm tay hai người:

- Có chứ! Nhiều chuyện lắm. Hai người về lúc này thật đúng lúc.

Văn Hiến hỏi:

- Tàu của chú Dụng vào phải không?

- Phải! Họ mới tới, còn đang hạ buồm. Chú ấy sẽ lên bờ ngay thôi.

Hồng Liệt hỏi Bạch Mai:

- Bấy lâu nay có tin gì của bọn trẻ không?

Bạch Mai đáp:

- Có! Chuyến trước Hiền Nhi có viết thư gởi vào nói bọn trẻ học hành và tập luyện cũng như sinh hoạt rất tốt. Muội có gởi thêm tiền ra cho bọn chúng, dặn là anh cả và anh hai đang có việc quan trọng nên còn ở lại đây một thời gian nữa mới về được.

- Như vậy là yên tâm rồi. Huynh cứ lo cho bọn chúng.

Lúc ấy Hữu Dụng và hai người nữa từ dưới thuyền nhảy lên bờ. Đó là Đại Bằng và Hiền Nhi. Hồng Liệt và Bạch Mai vội chạy lại:

- Hiền Nhi! Em khỏe không? Bọn nhỏ ra sao? Em vào đây bỏ tụi nó ngoài đó ai lo?

Hiền Nhi hai mắt đỏ hoe, đứng cúi đầu ấp úng:

- Em nghe tin dữ nên lo cho anh cả và anh hai. Bọn nhỏ khuyên em vào đây coi tình hình hai anh thế nào. Bọn chúng em ngoài đó cứ lo lắng không yên.

Hồng Liệt hỏi:

- Tin dữ là tin gì mà bọn em lo đến như vậy?

- Dạ, anh cả hỏi anh Đại Bằng thì rõ hơn em.

Văn Hiến xen vào:

- Thôi được. Mọi người bình an là vui rồi. Anh em chúng ta sẽ nói chuyện sau.

Rồi chàng giới thiệu mọi người với nhau. Đại Kỳ vui vẻ nói:

- Xin mời tất cả vào nhà đàm đạo. Đường xa chắc đã mệt lắm rồi. Chuyến này mọi việc ổn cả chứ chú Dụng?

Hữu Dụng đáp:

- Ổn cả. Có gió to sóng lớn nhưng cả năm chiếc thuyền đều vô sự.

- Mùa này được như vậy là quí lắm rồi.

Bạch Mai quàng vai Hiền Nhi nói:

- Đi với chị! Em có mệt không? Vào tắm rửa thay đồ, mặc tạm quần áo của chị nhé. Chị em mình còn nhiều chuyện để nói lắm. Mai chị đưa em đi sắm quần áo mới. Em bây giờ đã là cô thiếu nữ xinh đẹp rồi đó, phải chưng diện một chút để các chàng trai mê mệt cho bõ ghét chứ.

Hiền Nhi mắc cỡ đỏ mặt:

- Chị đừng ghẹo em mà. Em mà đẹp nỗi gì. Em đi bên chị giống như cú quạ đi bên phượng hoàng vậy.

Bạch Mai nhéo nhẹ má Hiền Nhi:

- Thôi đi! Đừng có mặc cảm. Em bây giờ là sư muội của chị, hãy ngẩng cao đầu lên. Người nào nói Hiền Nhi của chị xấu, chị sẽ cho họ biết tay để bỏ cái tội ngu ngốc.

Hai chị em cười khúc khích rồi kéo nhau vào nhà trong. Bọn nam nhân vào sảnh khách ngồi uống trà trên bộ tràng kỷ. Văn Hiến trông sắc diện của Đại Bằng, ngạc nhiên hỏi:

- Có việc gì không vui sao anh cả? Tin dữ là tin gì mà Hiền Nhi lo lắng quá vậy?

Đại Bằng buồn bã đáp:

- Có! Việc rất lớn xảy ra làm ta ân hận vô cùng.

Văn Hiến hỏi dồn:

- Việc gì lớn khiến anh phải ân hận?

Đại Bằng đôi mắt đỏ hoe, ánh mắt như tóe lửa đáp:

- Cả hai nhà Trần gia và Võ Trụ trong cùng một đêm đều lâm cảnh toàn gia thảm sát không còn một ai sống sót.

Trừ Hữu Dụng ra, mọi người có mặt ở đó khi nghe cái tin động trời này đều hồn bay phách lạc. Họ ngẩn người ra, mắt trợn tròn, miệng há hốc không thốt nên lời. Mãi một lúc sau Hồng Liệt mới chồm người tới hỏi lớn:

- Anh nói sao? Cả nhà Võ Trụ huynh bị thảm sát không còn một người à? Trời ơi, anh ấy là một người vừa tốt bụng vừa nghĩa khí ngất trời. Hung thủ là ai mà nhẫn tâm đến vậy? Anh có biết không?

Mọi người bây giờ đã hết cơn bàng hoàng, đồng thanh hỏi:

- Thật vậy ư?

Đại Bằng gật đầu, giọng trĩu nặng:

- Thật vậy! Hung thủ là ai vẫn chưa biết được. Bọn chúng không để lại một dấu vết gì.

Văn Hiến hỏi:

- Chuyện xảy ra lúc nào? Cả hai nhà không còn một ai sống sót à? Ô Long đao đã rơi vào tay bọn chúng rồi phải không?

- Tai họa xảy ra vào đêm hai mươi mốt tháng trước. Theo tin tức lan truyền, đã có người thấy một người trong Trần gia phóng ngựa chạy thoát, rồi có người phóng ngựa rượt theo nhưng sau đó thế nào không ai biết. Bên nhà Võ Trụ, thiên hạ cũng nói có một con bạch mã chở một người phụ nữ và một đứa trẻ chạy thoát được. Nhưng tất cả chỉ là lời đồn đoán, còn thực hư thế nào phải điều tra mới biết được. Cái khó là không một ai chịu thừa nhận mình đã chứng kiến thảm cảnh đó. Có lẽ họ quá kinh hoàng và sợ bị liên lụy.

Hồng Liệt nét mặt hầm hầm đập tay xuống bàn lớn giọng:

- Vụ Trần gia chắc chắn là có bàn tay của Trần Đại Chí nhúng vào rồi. Hắn ra tù nên mới lớn mật làm càn. Anh có tìm đến hắn ta không?

Đại Bằng lắc đầu:

- Nghe báo hung tin, tôi và Kim Hùng vội đi tìm Đoàn Phong và Ngô Mãnh. Sau chúng tôi lập tức cùng nhau vào hiện trường xem xét. Cả hai nơi bọn hung thủ đều không để lại dấu vết gì ngoài hai đống tro tàn và những bộ xương bị cháy đen. Ngô Mãnh đòi tìm đến nhà Trần Đại Chí hỏi tội nhưng Đoàn Phong không cho, nói rằng Đại Chí bất quá chỉ là con cờ trong cuộc chơi này. Phải để hắn sống tự do mới có đầu mối tìm ra kẻ chủ mưu được.

Văn Hiến nói:

- Đoàn Phong nói đúng. Vụ Trần gia thì chúng ta đã biết chắc là do bọn Đại Chí và Diệp Sanh Ký làm, chỉ còn tìm đủ chứng cứ minh bạch nữa mà thôi. Còn vụ Võ Trụ, Đoàn Phong nói sao?

Đại Bằng bèn đem suy luận của Đoàn Phong nói lại. Văn Hiến nghe xong vỗ trán than:

- Tai họa là ở chỗ đó! Chuyện động trời này chỉ có Trương Phúc Loan mới có đủ thế lực thực hiện mà thôi.

Đại Kỳ nãy giờ im lặng bỗng lên tiếng:

- Lối suy luận của Phong huynh thật chính xác. Chỉ những kẻ có thể thâm thủng được một số lượng vàng lớn từ khu mỏ thì họ mới không ngại giết sạch bao nhiêu nhân mạng như vậy. Tóm lại kẻ chủ chốt phải là kẻ có thế lực lớn tại phủ Chúa.

Văn Hiến chợt hỏi:

- Tung tích của Vô Danh thiền sư cũng không có manh mối gì à?

- Nghe Đoàn Phong nói, trước đó Võ vương có mời ông ấy ra Phú Xuân để cùng với sư huynh là thiền sư Minh Giác chủ trì lễ Vu Lan ở đại nội nên không có mặt tại Bích Khê đêm xảy ra tai họa. Sau hình như có ghé nhà Trương Phúc Loan.

- Sớm không sớm, muộn không muộn, sao lại ra đi đúng lúc thế? Như vậy ta có thêm dữ liệu để khẳng định Trương Phúc Loan ít nhiều có dính líu đến vụ này. Nếu điều đó là thật, Phong - Mãnh hai người không khéo sẽ lâm nguy, có khi còn kéo luôn cả quan Hình bộ nữa.

- Hai người ấy cũng biết như vậy. Nhưng Đoàn Phong là người rất cơ mưu và thâm trầm, hi vọng bọn họ không gặp nguy hiểm gì. Việc ở đây thế nào mà chú ở lại lâu vậy?

- Đệ gặp lại thầy và ở trên núi suốt một năm nay để tu học thêm võ nghệ. Bọn đệ vừa trở lại đây hôm nay. Đại Kỳ huynh nói nghe tình hình ở đây đi.

Đại Kỳ trầm ngâm một lúc rồi nói:

- Từ ngày hai người lên núi đến nay, Giản Phố gần như đã thuộc vào tay bọn Diệp Sanh Ký. Họ bỏ tiền mua đứt hầu hết những thương hiệu lớn ở đây, chỉ còn chúng tôi, chú Trần An Hảo và năm thương hiệu khác là họ không mua được mà thôi. Nhưng không dùng tiền được thì họ dùng sức. Tháng trước họ gửi thiệp mời Thần Quyền Môn tham dự võ đài thi tài cùng Kim Cương Môn cũng vào ngày lễ kỷ niệm xây miếu Quan Đế như năm rồi.

Hồng Liệt hỏi:

- Trong thiệp họ nói gì?

- Họ đề nghị năm trận đấu. Bốn nam hạng võ sư và chưởng môn, còn một của nữ.

Hồng Liệt giật mình hỏi:

- Chưởng môn Phùng Đạo Đức của họ cũng đã sang đây rồi à?

Đại Kỳ lắc đầu:

- Việc này ta không rõ lắm. Có thể Tạ Tam thay mặt chưởng môn. Cũng có thể hắn đã sang đây vì lần trước Thiên Ưng lão quỉ bị thảm bại dưới tay sư phụ của Trương huynh nên chúng sợ.

- Nếu quả thật Phùng Đạo Đức có mặt thì phiền toái lắm đấy. Chúng ta sẽ thiếu nhân sự đối địch.

Văn Hiến mỉm cười:

- Có anh Đại Bằng ở đây thì chúng ta không sợ thiếu đâu.

Hồng Liệt hỏi Đại Kỳ:

- Sư huynh nghĩ sao khi hai môn phái thi tài nhau mà lại yêu cầu võ sư và chưởng môn ra đánh thay vì là bọn đệ tử?

Đại Kỳ đáp:

- Ta có hội ý với chú An Hảo và những người khác, tất cả đều cho rằng bọn Kim Cương Môn muốn một cú đánh phủ đầu tất cả những người chủ chốt còn chống lại họ ở Giản Phố này. Họ muốn sau trận thi tài này thì tất cả phải khuất phục họ.

Lúc ấy Bạch Mai nắm tay dẫn Hiền Nhi bước ra. Bạch Mai nói:

- Mọi người xem đây! Có ai nhận ra cô tiểu thư này không?

Nói xong nàng đưa tay chỉ Hiền Nhi. Hiền Nhi đã thay bộ xiêm y mới của Bạch Mai, tóc búi cao bằng trâm cài, mặt điểm chút phấn son, trông nàng giờ đây đẹp lộng lẫy chẳng kém gì Bạch Mai. Nàng vốn không quen ăn mặc như thế nên trong lòng đã thấy thẹn, giờ nghe Bạch Mai giới thiệu là “tiểu thư” lại càng khiến cho mặt nàng đỏ lựng lên như gấc chín. Cái nét thẹn thùng ấy làm nàng thêm phần khả ái. Nàng cúi mặt không dám ngẩng lên nhìn ai. Đại Kỳ cười lớn nói:

- Hay quá! Không ngờ tôi lại có được một cô tiểu sư muội xinh đẹp và hiền thục thế này. Thật là tốt quá!

Hiền Nhi xấu hổ quá nên bỏ chạy nhanh vào trong thay quần áo, chùi hết những phấn son. Mọi người nhìn theo cười vui vẻ.

Hồng Liệt nói:

- Tội nghiệp! Từ bé Hiền Nhi và lũ trẻ đã lam lũ lo từng miếng ăn cái mặc, có bao giờ được chưng diện như thế này đâu.

Bạch Mai tiếp lời:

- Cho nên muội mới đề nghị đưa bọn chúng vào đây.

Văn Hiến xen vào:

- Để sau vụ này đã. Lần này Bạch muội sẽ đấu với ai?

Bạch Mai cười đáp:

- Muội cũng chưa biết. Nghe nói nàng ta là tứ sư muội, thứ tự kế Diệp Hồng Sanh. Thân thủ cũng khá lắm.

- Huynh muốn giúp muội vài chiêu số để thủ thắng, muội bằng lòng không?

Bạch Mai vui vẻ ôm quyền nói:

- Đệ tử xin tạ ơn sư phụ!

Văn Hiến cười lớn:

- Không dám, không dám! Là huynh giúp muội vài ngón mà thôi. Ai dám nhận chức sư phụ của Bạch muội.

Lúc ấy, Hiền Nhi đã thay đổi y phục trở lại. Nàng vẫn còn mắc cỡ vì chuyện lúc nãy. Đại Kỳ khen:

- Hiền Nhi bình dị cũng đẹp mà sang trọng cũng đẹp. Đúng không mọi người?

Hiền Nhi thẹn đỏ cả mặt, bối rối:

- Mọi người chọc Hiền Nhi nữa, Hiền Nhi về lại cửa Hàn liền cho coi.

Bạch Mai vội ôm nàng lại cười nói:

- Thôi thôi, đừng giận. Hiền Nhi bỏ đi chị sẽ đi theo đó.

Rồi cả hai nhìn nhau cười khúc khích. Hồng Liệt hỏi Đại Kỳ:

- Phương thức thi đấu thế nào?

Đại Kỳ tức giận đáp:

- Họ đề nghị với nam là hai trận đấu quyền và hai trận đấu binh khí, riêng trận nữ sẽ đấu cả hai thứ. Họ nói giao đấu chỉ để trau dồi võ thuật nhưng đao kiếm vô tình, nếu lỡ có sát thương, hai bên đành phải chịu.

- Họ tự tin có thể thắng chắc nên vừa dọa vừa mở đường trước để có cớ mà giết người bên mình thị uy đó. Sư huynh trả lời họ thế nào rồi?

- Nghe thiền sư nói đệ sắp xuống núi nên ta có ý chờ đệ về bàn bạc rồi mới trả lời. Ý đệ thế nào?

- Họ đã mời thì mình phải nhận lời thôi. Nếu họ thật sự ra sát chiêu thì mình cứ giết bớt vài tên mà trả thù cho Trần gia và Võ gia cũng được lắm chứ.

Đại Bằng hỏi:

- Các bạn cho tôi tham gia một tay với chứ?

Đại Kỳ vui vẻ đáp:

- Rất sẵn sàng, nhưng hãy để xem họ đưa ra đấu thủ như thế nào đã.

Văn Hiến bày kế:

- Chúng ta nên nắm rõ tình hình của bọn họ trước để lần ra quân này thắng cả năm trận một lúc, vừa đập tan nhuệ khí của chúng vừa chọc cho bọn chúng sớm để lộ âm mưu ra.

Đại Kỳ nói:

- Tôi đã căn dặn người của tôi việc đó rồi.

Hồng Liệt hỏi Văn Hiến:

- Ta muốn dọ thám chúng một phen, ngươi nghĩ sao?

- Tốt thôi! Nhưng nên đợi sát ngày đã.

Bạch Mai kéo Hiền Nhi đến ngồi vào chiếc ghế cuối bàn và hỏi Văn Hiến:

- Chừng nào sư phụ mới bắt đầu dạy đệ tử đây? Sắp đến ngày đấu rồi, đệ tử lại ngu muội sợ rằng không học kịp đâu.

Văn Hiến mỉm cười đáp:

- Ngay hôm nay! Coi chừng tối dạ quá là sư phụ cho ăn đòn đấy. Cả Hiền Nhi nữa.

Hai cô gái thè lưỡi làm mặt xấu khiến mọi người đều bật cười. Bầu không khí trong phòng sau hai trận cười đã mất đi sự nặng nề ban nãy. Đại Kỳ nói:

- Gì thì gì, để gia chủ đãi khách một bữa cho trọn tình đã chứ? Mọi người về phòng thay quần áo đi, chúng ta phải uống vài ly mừng ngày gặp mặt.

Văn Hiến nói nhỏ với Hồng Liệt:

- Ta mới sáng chế được ba chiêu kiếm, ta sẽ truyền lại cho Bạch muội cùng với “Viên Viên Miên chưởng” dùng đấu trong trận này. Ngươi cũng nên đem hai bài Long quyền và Phụng kiếm dạy lại cho các đệ tử đi. Sắp tới chưa biết chừng có cuộc đụng độ lớn với Kim Cương Môn, bắt bọn chúng phải tập luyện ráo riết mới được.

Hồng Liệt gật đầu.

Sau đó, một bữa tiệc thịnh soạn được bày biện ra. Trong lúc ăn uống vui vẻ, Trần Đại Bằng nói:

- Nguyên Hào có chỉ tôi cách huấn luyện bồ câu đưa thư, tôi đang huấn luyện chúng và có mang theo một số vào đây để sau này cần, chúng ta dùng nó liên lạc với nhau cho tiện.

Văn Hiến mừng rỡ nói:

- Anh đã làm được việc này rồi à? Tốt quá! Mai chúng ta thử gửi một bức thư cho anh Kim Hùng xem kết quả thế nào? Cần xác định coi mất bao lâu bồ câu mới về đến ngoài ấy. Xa hàng ngàn dặm như thế không biết chúng có thể bay đến nơi không?

- Theo kinh nghiệm của người xưa thì chúng có thể về đến nơi đấy. Anh Đại Kỳ cũng nên nuôi một số, sau này chúng tôi sẽ mang về ngoài ấy để liên lạc vào Nam.

Đại Kỳ vui vẻ nói:

- Được như vậy thật hay quá! Mai tôi sẽ cho người mua bồ câu về nhờ anh huấn luyện hộ nhé?

- Được chứ! Việc huấn luyện cũng không có gì khó lắm.

Đại Kỳ rót đầy các chung rượu nói:

- Chúng ta uống mừng hội ngộ!

Khuya hôm đó Văn Hiến gọi Bạch Mai và Hiền Nhi đến võ đường, chàng nói:

- Hiền Nhi nếu chưa khỏe thì ngồi quan sát cũng được, em cũng nên học bài quyền và kiếm này để phòng thân. Trước hết là bài Viên Viên Miên chưởng, Bạch muội chú ý nhé.

Chàng đem lý thuyết của bài Miên chưởng phân tích cặn kẽ cho hai cô gái nghe. Hiền Nhi lúc trước đã được Văn Hiến truyền thụ Miên quyền cho nên nàng tiếp thu rất nhanh. Phần Bạch Mai, cô vốn thông minh lại có tư chất luyện võ nên nghe phần lý thuyết và khẩu quyết xong cũng lãnh hội được ngay. Văn Hiến vui mừng nói:

- Hai người thông minh vượt quá sự suy nghĩ của tôi rồi. Rất tốt! Bây giờ chú ý đến chiêu thức nhé?

Hai cô gái nghe khen mặt mày rạng rỡ, nháy mắt nhìn nhau mỉm cười. Văn Hiến bắt đầu những chiêu thức của bài quyền, chàng đánh thật chậm cho hai cô gái học theo. Hết bài quyền chàng hỏi:

- Nhớ kịp không?

Bạch Mai đáp:

- Nhớ kịp, nhưng sao muội thấy giống như chỉ có một chiêu thôi vậy?

- Đó là yếu quyết của bài quyền. Tất cả mười hai chiêu, biến chiêu thành ba mươi sáu thức được đánh liên tục không ngưng nghỉ cho nên giống như ta đang đánh ra chỉ có một chiêu. Chiêu thức càng liên tục sẽ càng kín đáo và khiến cho địch thủ không có cơ hội tấn công hoặc phản đòn. Miên quyền chủ yếu là mượn sức người để đánh người. Địch càng mạnh, đòn phản lại càng mạnh. Hai muội nghe kịp không?

Bạch Mai và Hiền Nhi đồng thanh đáp:

- Dạ kịp!

- Tốt lắm! Hai muội bắt đầu tập luyện đi. Ngày mai, chúng ta sẽ học đến ba chiêu kiếm gọi là “Việt nữ tam chiêu”.

Hiền Nhi hỏi:

- Như vậy chắc ba chiêu này vừa hay vừa khó học lắm phải không anh hai?

- Với sự thông minh của hai muội, huynh tin chắc không có cái gì trên đời này lại làm khó được cả.

Hai cô gái nhìn nhau cười rồi đồng thanh nói lớn:

- Đa tạ huynh đã quá khen!

****


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx