sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Hồi Thứ Mười Sáu

Xuân Đinh Mão Cẩn Thành Hầu tử nạn

Thiếu Lâm quyền thúc thủ tại An Nam

*

Tối hôm đó, Văn Hiến viết ngay một bức thư ngắn nói sơ lược tình hình bọn Diệp Sanh Ký muốn cấu kết với Nặc Ông Nguyên. Sau đó dùng phi cáp truyền thư gởi về cho Kim Hùng, dặn dò Đoàn Phong, Ngô Mãnh cùng Kim Hùng thu xếp vào Giản Phố vào khoảng cuối năm này để cùng nhau bàn sách lược đối phó với lực lượng Kim Cương Môn. Hôm sau, Văn Hiến và Đại Kỳ sang gặp Nguyễn Cư Cẩn để bàn bạc cách đối phó với tình hình sắp tới. Nguyễn Cư Cẩn mời hai người vào khách sảnh trò chuyện. Ông hỏi:

- Hai vị hôm nay sang thăm tôi đàm đạo hay là có chuyện gì chăng?

Đại Kỳ đáp:

- Vâng, có một việc hết sức quan trọng chúng tôi muốn báo lại cho Hầu gia biết để ngài tìm cách đối phó.

- Chuyện gì vậy?

Văn Hiến bèn đem việc mình theo dõi bọn Diệp Sanh Ký và biết được âm mưu của chúng với Nặc Ông Nguyên kể lại chi tiết cho Nguyễn Cư Cẩn nghe. Cư Cẩn giật mình nói:

- Bọn thương buôn này lộng hành thật! Dám cả gan tính đến chuyện mưu bá đồ vương ở miền Nam này. Hà, ta không cho chúng biết tay thì chúng còn coi thường quân dân Đại Việt ta lắm. Cảm ơn tin tức quí báu của hai vị, tôi sẽ báo cáo về Phú Xuân ngay rồi bàn bạc với quan lưu thủ để tính cách đối phó.

Văn Hiến ngăn:

- Ngài nên giữ mọi việc trong vòng bí mật, âm thầm chuẩn bị mọi thứ, chờ bọn chúng khởi sự thì ra tay bắt gọn. Tới chừng đó chúng ta đã có chứng cứ đàng hoàng để buộc tội bọn chúng. Giờ nếu để lộ là ta đã chuẩn bị, e bọn chúng sẽ rút êm. Khi ấy mối lo cứ còn hoài ở Giản Phố, chưa biết chừng nào sẽ nổ ra.

- Ý kiến của Trương huynh rất hay. Dù sao việc thiết lập một trại lính ở bên kia cầu là cần thiết. Một mặt tôi sẽ liên lạc với dinh Long Hồ, dặn họ tăng cường phòng thủ tuyến đường thủy ở Cửu Long. Phần đạo binh mà Cao Miên dự trù sẽ đổ bộ qua lối núi Bà Đen, Tây Ninh thì tôi thông báo với bên Phiên Trấn để họ tăng cường quân đội ở vùng đó. Có lẽ phải nhờ thêm lực lượng ở dinh Bình Khang tăng viện cho tuyến này. Tôi cũng sẽ xin Đại Thắng hầu Tống Phước Đại chuẩn bị đạo quân ở Mô Xoài sẵn sàng tiếp ứng cho Trấn Biên.

- Chúng ta thực hiện kế giăng lưới mở ngõ để cá vào rồi bắt, đừng làm động nước cá sẽ lặn mất.

- Trương huynh quả nhiên là người mưu lược và cẩn thận. Tôi sẽ y lời.

Văn Hiến nói với Đại Kỳ:

- Lý Văn Quang kỳ rồi bị thua to nên rất bẽ mặt, tôi chắc là lần này về Tàu, hắn sẽ mang thêm rất đông cao thủ Trung Nguyên sang để đối phó với chúng ta.

Đại Kỳ gật đầu tán thành:

- Đúng vậy! E rằng sẽ có một trận ác chiến giữa Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn. So về thực lực thì ta yếu thế hơn nhiều đấy.

- Trần huynh nên thu xếp cho đại tẩu và những phụ nữ, trẻ con trong nhà đi nơi khác, chỉ để lại Giản Phố những đệ tử có thể chiến đấu được. Bọn Diệp Sanh Ký một khi quyết định làm loạn chúng sẽ quét sạch Thần Quyền Môn trước. Cũng nên tính đến đường rút lui để bảo toàn lực lượng nếu thấy không thể đương đầu được với bọn chúng, tránh gây tử vong vô ích cho bọn đệ tử.

Cư Cẩn tức tối nói:

- Nếu Võ vương không có lệnh phải đối xử đặc biệt với những thương buôn người Hoa ở đây thì tôi đã gông cổ tên Lý Văn Quang rồi, đâu cần gì phải lo lắng không yên thế này. Bọn khốn kiếp đó cứ ỷ thế Thiên triều rồi mặc sức hống hách làm càn, nghĩ thật căm gan. Theo Trương huynh chừng nào chúng khởi sự?

- Còn chưa biết được. Tôi cho rằng sớm nhất cũng phải đến đầu năm tới, khi bọn Lý Văn Quang trở lại đây.

Cư Cẩn gật gù:

- Đúng thế. Tôi sẽ cho người theo dõi các nơi.

Đại Kỳ đứng lên nói:

- Mọi việc Hầu gia đã nắm rõ rồi, giờ chúng tôi xin cáo từ.

Cư Cẩn đứng lên tiễn khách.

***

Mùa đông năm đó tiết trời khá lạnh, đến tháng chạp thỉnh thoảng vẫn còn đổ vài cơn mưa nhẹ khiến từ thiên nhiên đến con người đều nhuốm sắc màu buồn bã. Từ sau cuộc tỉ võ đẫm máu mùa thu, người dân vùng Giản Phố cảm thấy có một bầu không khí nặng nề đang bao trùm khắp khu thương cảng sầm uất. Nét sinh hoạt vui tươi, thân thiện ngày xưa như không còn nữa. Ở cả hai võ đường Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn, ngày nào người ta cũng nghe thấy tiếng võ sinh luyện tập hò hét không ngừng bên trong bức tường cao. Ai nấy đều cho rằng rồi sẽ có một trận ác chiến nữa xảy ra giữa hai võ đường này. Cũng may bên Trấn Biên đã cho thiết lập một đồn lính trên bờ Sa Hà để giữ gìn trật tự nên người dân Giản Phố cũng an tâm phần nào. Đáng mừng là việc mua bán của thương cảng vẫn tốt đẹp như xưa, không có gì thay đổi cả. Hàng ngày tàu buôn các nơi vẫn tấp nập xuất nhập các bến cảng để mua bán hàng hóa. Khoảng rằm tháng chạp, bọn Đoàn Phong, Ngô Mãnh và Kim Hùng theo chuyến tàu buôn của Hữu Dụng từ Quy Nhơn vào Giản Phố. Bọn Đại Kỳ ra bến tàu đón họ. Mọi người gặp lại nhau vô cùng mừng rỡ. Đại Kỳ ôm quyền chào:

- Nghe tiểu muội nhắc đến các vị rất nhiều.

Ba người vội ôm quyền đáp lễ. Kim Hùng nói:

- Không cần phải khách sáo như vậy. Anh em cả mà, có rượu thịt bày ra uống một trận mừng gặp mặt thì hay hơn.

Đại Kỳ cười ha hả nói:

- Kim Hùng huynh thật sảng khoái! Được, được! Mời tất cả vào trong chúng ta cùng uống rượu hàn huyên.

Mọi người vào khách sảnh. Rượu thịt chẳng mấy chốc đã được bày lên. Văn Hiến nhìn Đoàn Phong hỏi:

- Phong huynh đã có chút manh mối gì về những kẻ đứng sau Đại Chí chưa?

Đoàn Phong đáp:

- Đại Chí quả là tên cáo già. Sau vụ thảm sát, hắn nằm im trong nhà cả tháng không có động tịnh gì. Nhưng mới đây người của tôi đã thấy hắn lén lút đến phủ của quan ngoại tả. Tiếc rằng nội dung các cuộc gặp gỡ giữa hắn và quan ngoại tả chúng tôi không biết được.

- Đã có ai thay thế Võ Trụ huynh cai quản mỏ vàng Kim Sơn chưa?

- Việc này còn chưa ngã ngũ. Phúc Loan muốn đưa tay chân của ông ta ở Công bộ về thay, Dục thúc phản đối đòi đưa người khác. Hai người vì việc này mà cãi nhau gay gắt trước mặt Võ vương trong một lần thiết triều. Tình hình hiện còn chờ quyết định của Võ vương.

Ngô Mãnh tức giận nói:

- Tên Trịnh Tham mà Phúc Loan đề cử là một tên nịnh thần vô sỉ. Nhìn thấy mặt hắn và cách hắn xum xoe bợ đỡ quan ngoại tả chỉ khiến tôi nôn mửa. Hạng người này mà quản lý mỏ thì vàng sẽ chảy sạch vào túi của bọn chúng.

Đoàn Phong nói:

- Cho nên Dục thúc mới cương quyết cãi lại cha vợ mình, nhất định không đồng ý việc đề cử này.

Kim Hùng gằn giọng:

- Cũng vì tranh giành miếng ăn này mà bọn chúng đã nhẫn tâm sát hại cả nhà Võ Trụ huynh. Vụ này đến nay thì hung thủ đã lộ mặt rõ ràng rồi.

Hồng Liệt cũng tức giận nói:

- Đợi xong việc ở đây tôi sẽ đeo theo tên Đại Chí đó như một âm hồn, trước sau gì cũng phanh phui được âm mưu của bọn chúng với tên Trương Phúc Loan ra ánh sáng thôi. Có đầy đủ chứng cứ Hình bộ có thể bắt giam cả lũ từ lớn đến nhỏ chứ gì!

Đoàn Phong thở dài nói:

- Theo luật pháp là như vậy. Nhưng tình hình phủ Chúa bây giờ đã khác rồi. Tôi đang lo cho sự an nguy của Dục thúc đây. Làm không khéo, người bị bắt giam không phải là bọn hung thủ mà là người của Hình bộ.

Ngô Mãnh nói:

- Đợi theo dõi tên Đại Chí để moi ra những kẻ đứng sau rồi tôi sẽ đích thân giết hắn. Giết không cần ra công đường!

Văn Hiến xen vào:

- Ngô huynh là người của Hình bộ, làm càn như thế sẽ ảnh hưởng đến tiếng tăm của Dục thúc. Việc giết tên Đại Chí cứ để cho bọn giang hồ chúng tôi thực hiện. À, bấy nay Phong huynh có dò la xem chuyện con bạch mã chở người đàn bà và đứa bé ở nhà Võ Trụ thực hư thế nào chưa?

Đoàn Phong buồn bã đáp:

- Trong số các xác chết ở nhà Võ Trụ không thấy có xác trẻ con và chỉ có một xác của đàn bà cho nên việc con bạch mã chở họ chạy thoát có lẽ là thật. Sau khi an táng hai nhà xong, tôi có dò hỏi quê quán của vợ Võ Trụ huynh thì được biết là ở thôn Phú Lạc, huyện Tây Sơn. Tôi tìm đến nơi hỏi thăm thì dân Phú Lạc nói rằng năm ngoái vợ Võ Trụ đã đưa gia đình anh mình từ Phú Lạc về Bích Khê sống chung trong trang trại. Có lẽ xác người đàn bà kia là chị dâu của vợ Võ Trụ.

Hồng Liệt hỏi:

- Không thấy vợ Võ Trụ trở về đó phải không?

Đoàn Phong buồn bã lắc đầu. Kim Hùng nói:

- Tôi cũng đã đến đó tìm kiếm kỹ rồi. Không có tung tích gì cả.

Văn Hiến hỏi:

- Còn sư phụ của Võ Trụ?

Đoàn Phong đáp:

- Dục thúc điều tra được Vô Danh thiền sư trước khi trở về Bích Khê, Phúc Loan có mời ngài đến nhà viết cho một bức tự họa để thờ. Sau đó có thọ trai ở nhà Phúc Loan rồi xuống thuyền qua Sông Hương trở về và bặt vô âm tín từ đó.

Văn Hiến nhíu đôi mày suy nghĩ một lúc rồi nói:

- Có lẽ thiền sư đã bị Phúc Loan hạ độc thủ trong bữa cơm chay đó rồi.

Đoàn Phong thở dài nói:

- Cầu cho ngài ấy thoát khỏi tai nạn này. Đó là một vị thiền sư đạo hạnh cao thâm.

Văn Hiến nói:

- Báo cho mọi người một tin mừng là Trần Nguyên Hào đã chạy thoát khỏi Liên Trì đêm đó. Nhưng ông ta đã ôm thanh bảo đao nhảy xuống một cái hồ nước. Nghe nói bọn người của Đại Chí đã lặn xuống hồ đó cố tìm nhưng bị chết rất nhiều còn tung tích của Trần huynh và thanh đao không thấy đâu cả.

Mọi người a lên một tiếng vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ. Kim Hùng hỏi:

- Chú nghe tin này ở đâu vậy?

Văn Hiến bèn kể lại cuộc nói chuyện của Lý Văn Quang và đám thuộc hạ đêm nọ cho mọi người nghe. Cuối cùng chàng hỏi:

- Có ai nghe nói gì về một hồ nước như thế ở vùng Quy Nhơn mình không?

Hồng Liệt nói:

- Ta có nghe người ta nhắc đến hồ này một lần, hình như nó ở vùng An Khê, Tây Sơn thượng. Khi trở về mình sẽ tìm đến đó xem sao.

- Chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Tình hình ở đây cũng đã chín muồi rồi, e rằng không tránh khỏi một trận tai kiếp nữa.

Đoàn Phong hỏi:

- Tình hình thế nào?

Đại Kỳ đáp:

- Bọn Diệp Sanh Ký đã tăng cường nhân sự lên từ từ. Có lẽ giờ này bọn thuộc hạ của chúng đã có hơn hai trăm người, chỉ còn chờ bọn đầu não xuất hiện nữa thôi. Việc đối phó với Cao Miên, phủ Chúa xúc tiến thế nào?

- Nghe nói Võ vương đã lệnh cho tăng cường lực lượng quân đội ở cả hai tuyến thủy và bộ rồi. Về mặt Cao Miên chúng ta không cần lo, chỉ lo ở đây mà thôi. Tôi phải sang Trấn Biên một chuyến.

- Thế thì hay quá! Khi nào Phong huynh muốn tôi sẽ đưa đi.

Bạch Mai đề nghị:

- Hôm trước Phong huynh đã đưa muội đi uống rượu xem hát, tối mai muội xin mời lại các huynh để đáp lễ được không? Ở đây tuy không có mỹ nhân như nàng Ngọc Lan Hương nhưng cũng có lắm bông hoa để cho các huynh ngắm thỏa thích.

Đoàn Phong cười nói:

- Được chứ! Chúng tôi cũng muốn tham quan khu thương cảng sầm uất bậc nhất miền Nam này để mở rộng tầm mắt. Bạch muội làm người hướng dẫn nhé.

- Tất nhiên rồi. Hôm nay các huynh cứ nghỉ ngơi, chiều mai muội sẽ đưa các huynh đi chơi.

Như chợt nhớ ra điều gì, Đoàn Phong vội nói:

- Bạch muội nhắc đến Ngọc Lan Hương mới nhớ, nàng không còn làm ca kỹ nữa rồi. Cao Đường đã xin cưới nàng, chúng tôi dự đám cưới xong mới vào đây đấy.

Bạch Mai lộ rõ vẻ vui mừng:

- Thế mới đúng chứ! Một người tài sắc vẹn toàn như Ngọc Lan Hương phải có một cuộc sống êm ấm mới phải đạo. Tuy muội mới xem nàng hát có một lần nhưng lại rất có cảm tình với nàng.

Chiều hôm sau, Hồng Liệt phải ở nhà coi bọn đệ tử luyện tập, Đại Kỳ lo việc ở bến cảng nên không đi, Bạch Mai đưa ba anh em Phong Điền Tam Hữu và Phong, Mãnh hai người đi thăm các nơi ở thương cảng. Ngô Mãnh vốn là người ít nói nhưng cũng không khỏi buột miệng khen:

- Giản Phố quả là viên ngọc quí của miền Nam. Có đến đây mới thấy Trần Thượng Công là người tài giỏi cả về mặt quân sự lẫn thương mại.

Văn Hiến nói:

- Hôm rồi tôi có xuống thăm vùng Mỹ Tho của Dương gia, trong lòng thật thấy khâm phục khả năng canh tác nông nghiệp của họ. Vùng đồng bằng và sông nước mênh mông đó có thể cung cấp lúa gạo cho cả Đàng Trong mình. Nếu phủ Chúa chịu gia công khai thác thêm thì lượng lương thực sản xuất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long còn có thể dư dả để bán cho nước ngoài. Dân ta suốt đời sẽ được cơm no áo ấm.

Bạch Mai hỏi:

- Hôm trước Bằng huynh và ca ca xuống gặp Dương huynh để bàn về việc đưa người hành khất ở ngoài ấy vào trong này, kế hoạch thế nào rồi?

Đại Bằng đáp:

- Dương huynh hết sức hoan hỉ tiếp nhận những người di tản vào đây. Xong việc ở đây, chúng tôi sẽ tiến hành. Số người Đàng Ngoài vào Đàng Trong ăn xin vất vưởng ngày càng nhiều, sau này còn phải nhờ vào sự giúp đỡ của Trần gia và Dương gia, nhất là phương tiện chở người.

- Việc đó làm được. Đích thân muội sẽ ra ngoài đó đón người vào. Chúng ta sẽ dùng thuyền chở lương thực từ trong này ra ngoài đó rồi dùng số thuyền ấy đưa người vào đây.

Đại Bằng mừng rỡ nói:

- Được như vậy thì còn gì bằng. Bạch muội có tấm lòng nhân ái như vậy chắc chắn Trời Phật sẽ phù hộ suốt đời gặp được nhiều duyên lành.

Bạch Mai nghe khen nên mắc cỡ đỏ mặt. Lúc này trông nàng mới thật đáng yêu làm sao.

- Để đền ơn lời nói đẹp của huynh, Bạch Mai sẽ mời mọi người một bữa thật ngon, không say không về.

Họ rời khỏi tửu quán khi vầng trăng tròn tháng chạp đã treo lơ lửng trên cao.

***

Xuân Đinh Mão 1747, đời Lê Hiển Tông Cảnh Hưng năm thứ tám, Võ vương Nguyễn Phúc Khoát năm thứ mười.

Cả Đàng Trong đang cảnh thái bình, nhân dân no ấm, quốc thái dân an, thanh bình thịnh trị. Cũng như mọi nơi trên đất nước, người dân Giản Phố và Trấn Biên đang tưng bừng chuẩn bị đón tết. Khắp thương cảng vàng rực màu hoa mai, nhà nhà giăng đèn chưng hoa, không khí thật vui tươi náo nhiệt. Sau ngày đưa ông Táo về trời, các dịch vụ ở bến cảng thưa dần, những đoàn tàu buôn trong và ngoài nước đều rời bến để trở về đón tết nơi quê nhà. Đến hai tám tháng chạp thì mọi việc buôn bán đã tạm ngưng cho đến hết rằm tháng giêng để bà con đón tết.

Năm nay Thần Quyền Môn đón Tết có khác hơn những năm trước vì Đại Kỳ đã bắt Bạch Mai đưa vợ mình đang mang thai sắp sanh về nhà mẹ bên Trấn Biên, kể cả những tên đệ tử trẻ và những gia đình nhân công, thợ thuyền cũng bị bắt phải dời sang Trấn Biên hoặc xuống cơ sở hai dưới làng Minh Hương, Gia Định. Theo tin tức của các bộ hạ Thần Quyền Môn và của bên Cẩn Thành hầu, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy bọn Diệp Sanh Ký sẽ nổi loạn trong dịp tết này. Tuy vậy toàn thể Thần Quyền Môn vẫn đón tết trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Trong khi đó, bên Kim Cương Môn lại chuẩn bị đón tết rất linh đình, trọng thể. Quanh khu thương cảng Diệp Sanh Ký và trang viện Kim Cương Môn, hoa mai vàng rực, đèn hoa giăng khắp nơi, không khí tưng bừng hơn mọi năm rất nhiều.

Như thông lệ hằng năm, vào sáng mồng một tết, hai đoàn lân của người Việt và đoàn múa rồng của người Hoa sẽ cùng nhau biểu diễn khắp các khu phố cảng để chúc tết cho bà con trong vùng. Đến trưa họ tụ tập tại hai điểm là chùa Đại Giác và miếu Quan Đế để cùng đồng bào Phật tử đón mừng đại lễ năm mới và tạ ơn đức Quan Đế Thánh Quân đã phù hộ cho họ suốt năm qua cũng như cầu xin cho mọi sự may mắn trong năm tới.

Lúc Trần Thượng Công còn tại thế, hàng năm cứ đến ngày mồng hai tết, đại diện các thương hiệu sẽ mang quà lễ đầu năm cùng đoàn lân, rồng sang Trấn Biên để hiếu kính và chúc mừng năm mới vị quan trấn thủ. Thông lệ đó vẫn duy trì cho đến nay. Tuy nhiên hai ba năm trở lại đây, từ khi thế lực Diệp Sanh Ký lớn mạnh thì nét sinh hoạt chung ấy của thương cảng đã có sự phân chia. Việc chúc tết các đơn vị chính quyền bên Trấn Biên đã chia ra làm hai toán, một toán đi cùng đoàn lân của Thần Quyền Môn, một toán đi theo đoàn rồng của Kim Cương Môn. Họ chia ra chúc tết hai nơi, một là dinh của quan lưu thủ và hai là dinh của vị võ quan trông coi về binh bị ở Trấn Biên.

Năm nay đoàn lân của Thần Quyền Môn do Đại Kỳ, Đoàn Phong và Trần An Hảo cùng năm đại diện của năm hãng buôn chưa qui thuận Diệp Sanh Ký dẫn đầu, theo sau là năm sáu mươi người chủ các hiệu buôn nhỏ khác. Từ sáng sớm họ đã kéo sang thủ phủ Trấn Biên, múa lân đánh trống tưng bừng quanh các khu phố để chúc mừng xuân mới cho bà con, cảnh tượng hết sức nhộn nhịp vui vẻ. Cuối cùng họ ghé lại tư dinh của quan lưu thủ Cường Oai hầu. Tiếp theo sau đoàn lân là đoàn múa rồng của Kim Cương Môn với số người lên đến hàng trăm. Họ cũng cho múa rồng qua các khu phố rồi dừng lại ở tư dinh của Cẩn Thành hầu. Năm nay, đoàn rồng đặc biệt có sự hiện diện của Lý Văn Quang. Họ mang theo năm mươi phần quà lễ do năm mươi người ôm trên tay.

Việc các thương hiệu bên Giản Phố chúc tết hàng năm đã thành thông lệ nên tư dinh Cẩn Thành hầu đã mở cửa từ sáng sớm và chuẩn bị trà rượu để tiếp các đại diện đến chúc mừng. Nguyễn Cư Cẩn sáng nay mặc áo dài xanh có in dấu vạn thọ, đầu đội khăn đóng cũng màu xanh theo truyền thống, ông hớn hở ra tận cửa để đón đại diện đoàn rồng. Thấy Lý Văn Quang đích thân đến chúc tết, Cư Cẩn hơi ngạc nhiên nhưng rồi ông cũng niềm nở chào:

- Chào Lý vương gia! Mời mọi người vào trong.

Lý Văn Quang chắp tay chào:

- Xin chào ngài cai đội. Lý tôi xin thay mặt bà con Giản Phố chúc ngài và gia quyến một năm mới vạn sự cát tường, đường mây nhẹ bước.

Ông nói xong quay lại ra hiệu cho hai mươi người đi đầu mang quà lễ vào sảnh khách. Họ để các phần quà lên chiếc bàn cạnh giá binh khí rồi lui ra. Diệp Hồng Sanh bưng một chiếc hộp đặt cẩn thận xuống tràng kỷ. Bên ngoài, đoàn rồng bắt đầu múa trước cửa dinh. Cẩn Thành hầu mời Lý Văn Quang, Tạ Tam và Hồng Sanh ngồi, rót rượu ra chung nói:

- Xin cạn chung rượu đầu năm. Thật vinh dự cho tôi năm nay đã được đại giá của vương gia ghé thăm.

Lý Văn Quang nâng chung rượu lên nói:

- Lý tôi hôm trước tình cờ mua được đôi ngọc mã bằng bích ngọc rất quí, nghĩ rằng rất thích hợp cho một võ tướng như ngài cai đội đây nên muốn đích thân mang đến tặng ngài.

Tạ Tam đưa tay mở chiếc hộp đựng hai con ngựa bằng ngọc xanh biếc được điêu khắc tinh vi như hai con ngựa thật đang phi rồi đẩy sang trước mặt Cẩn Thành hầu. Cư Cẩn ngắm đôi ngọc mã, mặt không giấu được nét vui mừng. Ông cười ha hả nói:

- Cẩn tôi suốt đời ngồi trên lưng chiến mã nên bình sinh rất yêu thích kiếm đao và ngựa quí. Đôi ngọc mã này thật là vật hiếm có trên thế gian. Ông đã có lòng và biết được thị hiếu của tôi, tôi không khách sáo. Cảm ơn.

Lý Văn Quang cười nói:

- Hầu gia thật sảng khoái. Tôi rất thích phong độ của ngài. Chúng ta uống thêm chung rượu đầu năm nữa đi.

Bốn người vui vẻ nâng chung uống cạn. Nguyễn Cư Cẩn ngồi uống rượu mà trong bụng nghĩ thầm: “Không biết bọn này đang muốn giở trò gì đây? Dùng những thứ này để mua chuộc thì quả là đã quá xem thường ta rồi!” Nói chuyện thêm một lát nữa Lý Văn Quang mới đứng lên nói:

- Chúng tôi xin phép cáo từ để sang chúc tết cho ngài lưu thủ. Một lần nữa xin chúc Cẩn Thành hầu và gia quyến một năm mới vạn sự cát tường.

Cư Cẩn đứng lên tiễn khách. Ông sánh vai Lý Văn Quang đi trước, Tạ Tam và Diệp Hồng Sanh theo sau. Đến cửa, Lý Văn Quang quay lại ôm quyền nói:

- Xin phép! Đã quấy rầy ngài!

Cư Cẩn cũng ôm quyền đáp lễ:

- Đa tạ phần quà lễ và những lời chúc phúc của...

Nói tới đó, ông giật mình nhìn thấy trong miếng hắc ngọc Lý Văn Quang đang đeo trước ngực phản chiếu bóng của Tạ Tam đang cầm một con dao nhỏ từ sau lưng đâm tới. Vốn là người võ nghệ cao cường lại rất cảnh giác, Cư Cẩn vội nghiêng người sang bên để tránh nhưng vẫn không kịp và ông đã lãnh trọn một nhát dao vào hông. Tuy không đến độ mất mạng ngay tại chỗ nhưng thương tích khá trầm trọng, máu tuôn như suối. Cư Cẩn thét to:

- Người đâu! Phản rồi!

Vừa hét ông vừa phóng người đến giá binh khí rút nhanh thanh cương đao, cùng lúc ấy có một tên múa rồng rút vội hai thanh kiếm trong đầu rồng ra ném về phía Tạ Tam và Hồng Sanh, một tên khác rút một thanh kiếm ra cung kính đưa cho Lý Văn Quang. Tạ Tam và Diệp Hồng Sanh lao người theo Cư Cẩn vung kiếm tấn công, Cư Cẩn múa tít thanh cương đao trong tay chống trả. Ba người quần nhau trong gian đại sảnh, Cư Cẩn một phải đấu với hai, lưng lại bị thương nặng nên đường đao chỉ một lát sau đã dần yếu thế, ông bị trúng thêm hai nhát kiếm nữa, khắp người nhuộm đầy máu tươi trông thật khủng khiếp. Bên ngoài, toán lính canh nghe hỗn loạn liền xông vào cứu chủ nhưng đã bị bọn người múa rồng rút vũ khí giấu trong các gói đồ chặn đánh. Một trận hỗn chiến ác liệt diễn ra trước tư dinh, bọn võ sĩ Kim Cương Môn võ nghệ cao cường, lại đông người hơn đám lính nên chẳng mấy chốc đám lính bị đánh tan rã, tử thương gần sạch.

Bên trong Cư Cẩn vẫn kiêu dũng một mình chiến đấu với hai địch thủ. Từ phía sau khách sảnh bỗng có một người xông vào tấn công Diệp Hồng Sanh. Cư Cẩn nhìn thấy vội la lớn:

- Đại Thiện, cứ để mặc ta! Ngươi lo bảo vệ phu nhân và công tử chạy trốn đi.

Người mới vào là tùy tướng của Cư Cẩn. Hắn vội nói:

- Nhưng còn ở đây...

Cư Cẩn hét lớn:

- Đi ngay đi! Ở đây cứ để mặc ta!

Vì phân tâm, Cư Cẩn lại bị trúng thêm một kiếm nữa của Tạ Tam. Ông thét lớn trong sự đau đớn:

- Đi ngay đi!

Tiếng thét chấn động khắp không gian. Đại Thiện không còn cách nào khác bèn chém Hồng Sanh liên tục mấy kiếm rồi quay người chạy vào trong. Hồng Sanh hét lên:

- Chạy đi đâu?

Miệng hét, chân hắn lao theo Đại Thiện. Cư Cẩn vội phóng người sang vung đao chém Hồng Sanh một nhát chặn đường. Hồng Sanh hốt hoảng vội vung kiếm lên đỡ. Cư Cẩn tràn người đứng chặn ngay cửa hậu, tay đao vun vút đánh trả lại hai người. Bọn Tạ Tam vừa đánh vừa khâm phục sự uy dũng của viên tướng vùng Trấn Biên. Lý Văn Quang quan sát tình hình thấy phe mình đã giết gần hết bọn lính, ông ta liền lấy trong người một chiếc pháo thăng thiên ra đốt. Một tia sáng bắn vọt lên không trung rồi nổ một tiếng lớn, khói đỏ tỏa mịt mù như một làn mây giữa bầu trời Trấn Biên. Bắn xong pháo hiệu ông bước vào trong hét lớn:

- Dừng tay!

Ba người đang hăng say chiến đấu nghe tiếng hét vội ngừng lại. Tạ Tam và Hồng Sanh bước dạt sang một bên nhường chỗ cho Lý Văn Quang. Hắn đưa ánh mắt như luồng điện nhìn Cư Cẩn nói:

- Cẩn Thành Hầu, ông đầu hàng đi. Ta tiếc tài của ông sẽ tha cho mạng sống.

Cư Cẩn chống đao ngửa mặt cười ha ha nói:

- Đầu hàng? Họ Nguyễn ta bao đời làm tướng chưa hề biết tới hai chữ đầu hàng. Bọn giặc cỏ các ngươi chưa đủ tư cách để buộc ta đầu hàng đâu. Ha ha...

Tuy đã bị thương rất nặng nhưng tiếng nói của ông vẫn còn sang sảng, uy thế kinh người. Lý Văn Quang cười gằn:

- Khá lắm! Vậy để ta cho ngươi được chết như một võ tướng.

Nói xong, hắn rút kiếm ra. Tiếng ngân trong trẻo, ánh kiếm vàng chói lọi. Cư Cẩn nói:

- Ỷ Thiên trường kiếm! Ha ha... Hôm nay ta cũng muốn thử xem uy lực của thanh kiếm này thế nào.

Dứt lời ông xông lên vung đao chém tới, bóng đao loang loáng phủ trùm cả người Lý Văn Quang. Đây là chiêu cuối cùng trong Thiên Cương đao pháp mang tên Thiên hôn địa ám. Ông xuất chiêu này với tất cả dư lực còn sót lại với thâm ý muốn chết chung cùng địch thủ. Tia mắt Lý Văn Quang phóng ra luồng sát khí, tay vung thanh Ỷ Thiên kiếm một vòng, ánh kiếm tạo thành bảy ngôi sao lóe lên trong vùng đao ảnh. Keng một tiếng, thanh cương đao trên tay của Cư Cẩn đã bị chặt đứt ngọt phần lưỡi, trên ngực bị đâm một lỗ thủng ngay tim, máu từ đó phun ra thành vòi. Chiêu kiếm Thất tinh đoạn ngục của Lý Văn Quang cộng thêm sự sắc bén của Ỷ Thiên kiếm uy lực thật vô song. Cư Cẩn chết đứng ngay giữa gian khách sảnh của mình, tay cầm thanh đao cụt lưỡi trong khí thế kiêu hùng của một trang dũng tướng.

Lý Văn Quang chùi máu trên mũi kiếm, tra vào vỏ rồi ra lệnh:

- Tiêu diệt hết bọn lính ở đây rồi sang tiếp viện cho toán quân bên dinh lưu thủ.

Diệp Hồng Sanh sực nhớ đến tên Đại Thiện, hắn vội băng mình vào trong. Chẳng mất quá nhiều thời gian, toàn bộ quân lính của dinh Cẩn Thành hầu đã bị bọn Lý Văn Quang giết sạch. Chúng gom hết các xác chết bỏ vào trong nhà rồi nổi lửa đốt. Đó là kiểu dọn dẹp tàn dư nhanh gọn sạch sẽ của chúng. Xong, chúng vội vã kéo nhau theo ngả tắt sang tư dinh quan lưu thủ. Sau lưng, tiếng kêu la cầu cứu chữa lửa của người dân sống quanh dinh ngài cai đội mới bắt đầu ồn ã vang lên.

Trong lúc đó, đoàn lân của Thần Quyền Môn cũng vừa rời tư dinh quan lưu thủ, họ tiếp tục hướng về phía tư dinh của Cẩn Thành hầu. Chợt thấy tín hiệu pháo bông trên trời, Đoàn Phong nói nhanh:

- Là ám hiệu của bọn Kim Cương Môn! Chúng khởi sự rồi, e rằng Cẩn Thành hầu đã gặp nguy hiểm.

Đại Kỳ nói:

- Chúng ta chạy nhanh đến đó xem sao. Đoàn Phong nói:

- Các anh đi đi, tôi phải trở lại bảo vệ ngài lưu thủ. Chúng ta chia ra làm hai. Nhanh lên, nếu không sẽ hỏng tất.

Vừa lúc đó có một tên lính từ phía dinh Cẩn Thành hầu mình mẩy bê bết máu từ xa chạy lại. Hắn chỉ kịp nói:

- Làm ph...a...ản...

Rồi trợn trừng mắt ngã lăn ra chết ngay tại chỗ. Đoàn Phong bỗng thét lớn:

- Chúng ta mau trở lại bảo vệ Cường Oai hầu, không cần đến cứu Cẩn Thành hầu nữa. Muộn rồi!

Dứt lời chàng tung mình như cơn gió lốc chạy nhanh về dinh Trấn Biên. Cả bọn Đại Kỳ cũng vội rút vũ khí giấu trong đầu lân ra rồi phóng người chạy theo. Còn cách dinh chừng bảy tám trăm thước đã nghe tiếng hò hét vang trời xen lẫn với tiếng khí giới chạm nhau chan chát. Một bọn người lạ mặt sau khi thấy pháo hiệu đỏ trên trời đã từ các đường phố nhanh chóng kéo đến tấn công dinh Trấn Biên. Bình thường, quanh dinh có bốn đội lính gồm hai trăm binh sĩ chia làm hai trại tả hữu bảo vệ dinh trấn, nhưng trong những ngày đầu năm, quan lưu thủ cho phép lính tráng thay phiên nhau một nửa trực một nửa về nhà ăn Tết. Bọn người lạ mặt thân thủ cao cường, chúng chỉ có độ năm sáu mươi tên nhưng đã đánh cho quân lính tơi tả, giết chết không ít những binh lính đang cố ngăn giữ bọn chúng tràn vào cửa dinh.

Đoàn Phong dẫn đầu đoàn người Thần Quyền Môn vừa đến nơi đã xông vào xuất thủ. Chàng tung một cú đấm vào mặt một tên phiến loạn rồi tiện tay đoạt luôn thanh kiếm của hắn. Nhanh như cắt, chàng đâm một nhát kiếm xuyên tâm vào tên đứng cạnh đó. Với thanh kiếm trên tay, Đoàn Phong như con mãnh long lao vào đám người đang loạn đả. Bước chân chàng đi đến đâu, nơi đó có người của phe địch ngã xuống. Đoàn người của Đại Kỳ cũng họp với đội lính đánh trả. Bọn lạ mặt có rất nhiều cao thủ, đường đao mũi kiếm của chúng rất hung hiểm, bọn lính canh không chống đỡ nổi đã thương vong rất nhiều. Nhưng từ lúc bọn người của Thần Quyền Môn xông vào tiếp chiến, bọn lính lấy lại tinh thần vừa đánh vừa hò hét, khí thế rất hùng dũng. Khi bọn phiến loạn bắt đầu núng thế thì bọn người của Lý Văn Quang đến nơi, chúng lăn xả vào tấn công nhóm người Thần Quyền Môn. Thấy có viện binh, bọn phiến loạn lại lên tinh thần ra sức chém giết. Lý Văn Quang với thanh Ỷ Thiên kiếm trên tay đi tới đâu dọn đường sạch sẽ đến đó, tất cả những vũ khí chống trả đều bị thanh báu kiếm chém đứt như chém bùn. Đoàn Phong thấy khí thế thanh bảo kiếm quá lợi hại, chàng vội la lớn:

- Trần huynh mau vào bảo vệ quan lưu thủ chạy về Mô Xoài, chúng ta tạm thời rút lui. Đi ngay đi, để tôi đoạn hậu!

Đại Kỳ nhìn thấy tình thế quả nhiên bất lợi nên nói lớn:

- Được! Phong huynh cẩn thận! Coi chừng thanh bảo kiếm!

Nói xong, Đại Kỳ cùng An Hảo xông vào bên trong dinh. Mấy tên phiến loạn cố gắng ngăn cản nhưng bọn lính canh liều chết bảo vệ để bọn Đại Kỳ an toàn vào dinh. Đoàn Phong hét lớn:

- Tất cả rút lui vào trong dinh! Nhanh lên!

Hét xong chàng lao người xông tới, tung liền mấy chiêu kiếm đánh dạt bọn phiến loạn để mọi người chạy vào trong dinh, sau đó chàng đứng trấn giữ ngay cửa dinh. Lý Văn Quang giận dữ lướt tới vung kiếm đâm Đoàn Phong một nhát. Biết thanh kiếm rất sắc bén nên Đoàn Phong vội áp dụng nhu kiếm, đưa thanh kiếm của mình nhẹ nhàng lướt theo má thanh Ỷ Thiên kiếm rồi hất nhanh, tiện đà phóng mũi kiếm vào yết hầu của Lý Văn Quang. Hắn thất kinh vội nhảy lùi ra sau la lớn:

- Hảo kiếm pháp! Ngươi là ai?

Đoàn Phong lớn tiếng đáp:

- Đoàn Phong!

Lý Văn Quang giật mình hỏi:

- Có phải là thủ Phong một chiêu đánh bại Lại Thừa Ân năm ngoái không?

- Chính ta! Các người làm loạn, rồi sẽ vào ngục tất cả.

Lý Văn Quang nổi giận nói:

- Chỉ bằng vào sức của ngươi à?

Dứt lời, hắn liền xuất chiêu Thất điểm hàn tinh, mũi kiếm lóe lên bảy đốm hàn tinh bắn vào bảy bộ vị trên người đối thủ. Đoàn Phong vội vung kiếm lên chống đỡ. Bảy tiếng keng liên tục vang lên, thanh kiếm trên tay chàng đã bị chém đứt thành bảy khúc nhỏ, chỉ còn một đoạn ngắn trên tay. Biết mình không thể thắng nổi thanh báu kiếm trên tay địch thủ, lại thấy mọi người đã rút an toàn nên Đoàn Phong vừa chạy thẳng vào bên trong vừa nói lớn:

- Hôm nay ta tạm thời rút lui, mai này sẽ tranh tài cao thấp.

Một tên phiến loạn liền tung người đuổi theo, thân thủ của hắn nhanh như gió, chứng tỏ cũng là một tay thượng đẳng giang hồ. Hắn hét lớn:

- Chạy đi đâu!

Đoàn Phong quay nhanh người lại, sử dụng tuyệt kỹ phi kiếm phóng vút đoạn kiếm cụt vào tên đuổi theo. Tuyệt kỹ này bình sinh chàng chưa từng sử dụng vì không có dịp. Tên đuổi theo đang đà phóng tới rất nhanh, phi kiếm bay ngược chiều lại với một tốc độ kinh hồn khiến hắn vô phương tránh né và lãnh trọn đoạn kiếm vào ngực. Hắn thét lên một tiếng, người lao thêm tới trước mấy bước nữa rồi ngã vật xuống chết tại chỗ. Đoàn Phong hơi sựng người vì tính sát thương của chiêu phi kiếm mình vừa sử dụng, sau chàng quay người chạy đuổi theo bọn Đại Kỳ. Lý Văn Quang và đồng bọn vào bên trong, nhìn thấy cái chết thảm thương của tên kiếm thủ thì giật mình kinh hãi. Văn Quang nói:

- Chiêu phi kiếm này thật lợi hại. Lần sau chúng ta phải coi chừng.

Nói xong, hắn sai bọn thủ hạ lục tìm khắp nơi trong dinh nhưng vô ích, tất cả đều trống không. Mọi người đã theo cửa sau bỏ chạy về hướng Mô Xoài. Lý Văn Quang chiếm được dinh Trấn Biên một cách dễ dàng nên đắc ý cười ha hả:

- Bây giờ chỉ còn chờ tin Kim Cương Môn hủy diệt bọn Thần Quyền Môn nữa thì mọi sự đã hoàn tất một nửa. Chúng ta chuẩn bị chào đón binh đội của Tống Phước Đại từ Mô Xoài. Ha ha... Nếu mọi chuyện suôn sẻ thì hai lộ binh của Cao Miên sẽ tiến xuống đây nội trong ngày mai, chừng đó Tống Phước Đại có mang quân đến đây cũng sẽ bị chúng ta tiêu diệt.

Tạ Tam cười nói:

- Xin chúc mừng đại vương nhất cử thành công. Bây giờ chúng ta phải cho người do thám xem bọn Cường Oai hầu và Tống Phước Đại động tịnh ra sao. Mặt khác trở về xem tình hình bên Giản Phố thế nào nữa.

Lý Văn Quang gật đầu nói:

- Đúng thế! Ngươi cắt đặt bọn thủ hạ thực hiện hai việc đó ngay đi. Bắn pháo hoa báo cho Hà Huy biết tình hình bên này.

Tạ Tam “dạ” vang một tiếng rồi quay đi cắt đặt bọn thuộc hạ. Xong xuôi hắn trở ra bên ngoài bắn lên trời một chiếc pháo hoa màu đỏ. Đây là ký hiệu mọi việc đã thành công.

Nhắc lại bọn Hà Huy đang ở Kim Cương Môn chờ tin tức bên Trấn Biên. Khi thấy pháo hiệu màu đỏ bắn lên, hắn biết việc hạ thủ Cẩn Thành hầu đã thành công. Hắn mừng rỡ nói với Phùng Đạo Đức vừa bí mật cập bến Giản Phố đêm giao thừa.

- Thưa chưởng môn nhân, đã đến lúc chúng ta tiêu diệt bọn Thần Quyền Môn rồi đó.

Phùng Đạo Đức tuổi ngoài năm mươi, mặt vuông, mắt nhỏ, hàm râu đen điểm bạc cứng như thép, ánh mắt sắc như dao ngời ngời sát khí. Cả người ông ta toát lên một nét hung dữ gây khiếp đảm lòng người. Từ khi chùa Nam Thiếu Lâm bị đốt, sư phụ Hồng Mi lão tổ qua đời, lão không còn coi mình là môn đồ của Thiếu Lâm nữa. Lão đem một thân võ nghệ siêu phàm qui phục nhà Thanh, tổ chức Kim Cương Môn và một đội sát thủ gồm những tay ác đạo giang hồ chuyên đi lùng bắt các chí sĩ Thiên Địa Hội ở cả hai miệt nam bắc Trường Giang. Đã có không biết bao nhiêu anh hùng hảo hán của Thiên Địa Hội bị bắt giết bởi tay lão. Vì thế nên giới hiệp khách Trung Nguyên căm thù Phùng Đạo Đức tận xương tủy, họ bao phen muốn trừ khử lão ta nhưng luôn bị thất bại vì võ công của lão rất cao cường và xung quanh lúc nào cũng có đội sát thủ đi theo. Bởi thế đến nay Phùng Đạo Đức vẫn ung dung ngồi cao hưởng phước mà tác oai tác quái.

Khi Lý Văn Quang bành trướng thế lực ở Phúc Kiến và Hạ Môn, hắn đã bỏ ra rất nhiều vàng bạc châu báu để mua chuộc Phùng Đạo Đức và tay chân của lão ta nhằm đối phó với những người chống đối hắn. Ở Giản Phố, hắn tưởng chỉ cần bọn học trò của Phùng Đạo Đức thôi cũng đủ sức để giúp hắn gây nên cơ nghiệp. Không ngờ qua trận so tài lần trước, mọi việc xảy ra ngoài sức tưởng tượng của hắn nên lần khởi sự này hắn quyết định mời Phùng Đạo Đức sang để trừ khử các tay hiệp sĩ Đại Việt. Đạo Đức nghe tin bọn đệ tử của mình thua tan tác thì tức giận vô cùng, vì vậy khi Lý Văn Quang mời, lão đồng ý ngay, lão còn dẫn theo những thủ hạ đắc lực nhất của mình để trợ lực. Khi nghe Hà Huy cho biết đã đến lúc khởi sự, lão cười hô hố nói:

- Hay lắm! Lần này ta sẽ cho bọn võ sĩ An Nam biết thế nào là lợi hại. Đi!

Tạ Tứ hăng hái nhất trong bọn. Hắn tin chắc có sư phụ giúp sức thì bọn Thần Quyền Môn sẽ tan tành không còn manh giáp nên hớn hở ra mặt. Hà Huy cung kính nói với Phùng Đạo Đức:

- Chúc chưởng môn mã đáo thành công! Giờ tôi phải điều động nhân mã thanh toán bọn lính đóng ở gần cầu ván.

Nói xong, họ chia ra làm hai tốp lên đường.

Trong khi đó, từ lúc bọn người của Đại Kỳ kéo nhau sang chúc tết bên Trấn Biên, số người còn lại của Thần Quyền Môn lúc nào cũng trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Văn Hiến nói:

- Tình hình này thật khó đoán là bọn chúng có hành động gì không. Cả ba bốn hôm nay không thấy chúng có động tịnh gì khả nghi cả.

Hồng Liệt tỏ ra lo lắng:

- Tên đệ tử của chúng ta mấy hôm nay cũng không thấy liên lạc về. Không biết hắn đã bị phát hiện hay là vì bọn chúng cấm tuyệt đệ tử ra ngoài?

Đại Bằng trấn an mọi người:

- Chúng ta đã bàn bạc với bên Trấn Biên rồi, hi vọng họ có chuẩn bị. Phần chúng ta cứ tùy tình hình mà đối phó thôi. Lo lắng cũng chẳng có ích gì.

Ngô Mãnh nói với giọng tự tin:

- Có Đoàn Phong đi theo trong đoàn, tôi tin mọi sự sẽ ổn thôi. Anh ta là người rất giỏi ứng biến với mọi tình huống.

Mọi người đang nói chuyện thì từ ngoài bến sông có một tên đệ tử chạy vào báo:

- Trên bầu trời Trấn Biên có pháo hoa màu đỏ vừa nổ, đám mây hồng vẫn còn ở đó.

Mọi người vội vàng chạy ra xem, làn khói màu hồng đã tản mác đi chỉ còn lờ mờ nhạt. Văn Hiến nói:

- Bọn chúng đã hành động rồi. Chúng phóng tín hiệu để báo về Kim Cương Môn. Tất cả chúng ta hãy chuẩn bị.

Chàng quay sang hai tên đệ tử nói:

- Hai người dùng thuyền nhẹ sang gấp bên Trấn Biên xem tình hình thế nào rồi trở về đây báo cáo. Trường hợp ở đây có biến thì sang bên kia bờ gặp nhau.

Hai tên đệ tử tuân lệnh đi ngay. Văn Hiến dặn hai tên đệ tử khác:

- Hai người đưa hết ngựa trong chuồng xuống thuyền, chở sang chờ ở ngôi miếu bên kia bờ.

Hai tên đệ tử vội vã đi lo phận sự. Văn Hiến lại dặn năm tên đệ tử khác nữa:

- Năm người các ngươi mau chuẩn bị thuyền và lương thực chờ sẵn sàng dưới bến ở khúc ngoặt ngã ba sông, trường hợp chúng ta không chống cự nổi sẽ xuống thuyền chạy sang bên kia bờ.

Năm tên đệ tử vâng dạ thi hành. Cắt đặt mọi việc xong, bọn Văn Hiến kéo nhau vào nhà chờ đợi. Chẳng bao lâu sau một đệ tử chạy vào thở hổn hển báo:

- Đệ tử thấy bọn Kim Cương Môn kéo nhau ra khỏi trang viện và đang tiến về phía chúng ta đông lắm.

Văn Hiến hỏi:

- Đông lắm là chừng bao nhiêu người?

- Đệ tử ướm chừng cũng phải đến ba bốn mươi người.

- Tốt lắm. Chúng ta không nên giao chiến ở đây để tránh gây thiệt hại cho gia trang này. Hãy ra đón đầu bọn chúng ở khu đất trống gần khúc ngoặt bên bờ sông.

Mọi người răm rắp mang vũ khí kéo nhau xuống hướng Sa Hà. Trong số các đệ tử của Thần Quyền Môn, mười tên đệ tử đi theo bọn Văn Hiến đều là những tên xuất sắc. Bấy lâu nay chúng tập luyện ráo riết và rất hăng hái muốn đụng độ với bọn Kim Cương Môn một trận để thử tài sức xem đã tiến bộ đến đâu. Sự háo hức và phấn chấn hiện rõ trên nét mặt từng người. Khi họ vừa đến khúc ngoặt tại bờ sông cũng vừa lúc đoàn người của Kim Cương Môn đang tiến đến. Đi đầu là Phùng Đạo Đức, bên phải là Tạ Tứ, hôm nay trông hắn rất tự tin, nét mặt không giấu được vẻ dương dương tự đắc. Bên trái là một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, trên má phải có một vết thẹo dài trông rất dữ tợn, lưng giắt đao, hai tay khoanh phía trước, bước đi vững vàng như hổ báo. Phía sau là năm người đi hàng ngang, lưng giắt trường kiếm. Còn lại là khoảng hơn hai mươi đệ tử Kim Cương Môn đi sau cùng. Văn Hiến nói nhỏ với mọi người:

- Theo lời kể của sư phụ thì người đi giữa có lẽ là Phùng Đạo Đức. Khí thế của hắn kể cũng đáng sợ, không hổ là chưởng môn một phái. Tên giắt đao chắc là Thiên Sơn Nhất Đao, hắn sẽ là địch thủ đáng gờm của Hùng nhị ca đó. Còn năm tên kiếm thủ đi sau giống như năm tên sát thủ. Sát khí của bọn này thật ghê gớm!

Văn Hiến nói đến đây thì bọn Kim Cương Môn đã đến đứng đối diện với họ. Tạ Tứ nói nhỏ với Phùng Đạo Đức:

- Tên thư sinh đó đã một chiêu giết chết Trung Nguyên Nhất Kiếm. Thanh kiếm trên vai hắn là báu kiếm, sư phụ nên đề phòng. Còn tên có dáng nho sĩ kia đã chặt đứt cánh tay của Lãnh Diện Truy Hồn.

Xong, hắn đưa Thanh Hồng kiếm đang cầm trên tay cho Phùng Đạo Đức. Lão nhận thanh kiếm rồi đưa cặp mắt tinh ma quan sát bên địch. Một lúc sau, lão ta hất hàm hỏi Văn Hiến:

- Ngươi là thủ Hiến?

Văn Hiến đáp:

- Vâng, chính là vãn bối. Ngài đây chắc là Phùng chưởng môn?

Đạo Đức ngạc nhiên:

- Ngươi biết ta à?

- Phùng chưởng môn danh tiếng lẫy lừng cả miền nam Trung Quốc. Một tay ngài đã nhuốm không biết bao nhiêu máu của nhân sĩ yêu nước Trung Hoa, còn ai mà không biết chứ?

Câu trả lời của Văn Hiến vừa có ý khen vừa có ý châm chọc tội danh bán nước của Phùng Đạo Đức khiến lão ta tuy giận nhưng không biết phải nói sao. Lão cười khằng khặc nói:

- Nhãn quan của ngươi cũng khá lắm. Nghe nói ngươi một kiếm giết chết Quách Tử Dương?

- Cũng chỉ may mắn thôi. Có lẽ nhờ anh linh người bạn của vãn bối đã phù hộ cho để trả mối thù toàn gia thảm sát.

Đạo Đức nghe kiểu trả lời có vẻ khinh bạc liền trợn mắt nói:

- Hôm nay ta sẽ báo thù cho thuộc hạ của ta. Ngươi còn gì để nói nữa không?

- Ngài muốn báo thù cũng được, nhưng hãy đợi thêm chốc nữa.

Nói xong, Văn Hiến nhìn tên mặt sẹo hỏi:

- Ngài đây có phải là người lẫy lừng một dải Thiên Sơn với danh hiệu Thiên Sơn Nhất Đao Ngụy Báo huynh không?

Không chỉ tên mặt sẹo mà cả bọn Kim Cương Môn đều giật mình vì ngạc nhiên. Tên mặt sẹo cất giọng ồ ề hỏi:

- Sao ngươi biết ta?

Văn Hiến mỉm cười đáp:

- Ngụy huynh một đao giết chết sư phụ và sư huynh, hãm hiếp đại tẩu của mình rồi độc chiếm ngôi chưởng môn Thiên Sơn phái. Không ngờ sau lại bị sư đệ của mình báo thù, đánh cho thảm bại, giờ còn lưu vết sẹo trên mặt làm dấu. Từ đó huynh đã bỏ sư môn chạy về hàng phục nhà Thanh. Câu chuyện oai hùng ấy và vết sẹo trên mặt kia khắp Trung Nguyên còn ai chưa nghe nói đến?

Ngụy Báo bị Văn Hiến thọc trúng ngay vào vết nhục trước mặt đông người, hắn giận đến nỗi mặt mày tím ngắt. Hắn gầm lên như bò rống:

- Ai đã nói với ngươi chuyện này?

Vừa hét hắn vừa đưa tay nắm nhanh cán đao như muốn xuất thủ. Văn Hiến xua tay nói:

- Ngụy huynh không cần nóng giận vội. Ngọn nhất đao của huynh sẽ có người bồi tiếp xứng đáng. Giờ hãy đợi chúng ta chào hỏi nhau xong đã.

Văn Hiến hướng mắt nhìn qua Phùng Đạo Đức hỏi:

- Còn năm vị kiếm sĩ này có lẽ là năm sát thủ đắc ý nhất của chưởng môn mỗi khi cần giết ai đó phải không?

Phùng Đạo Đức ngửa mặt cười ha hả nói:

- Khá lắm, kiến thức khá lắm! Ta có lời khen ngợi tên tiểu tử nhà ngươi. Sư phụ ngươi chắc là một danh thủ từ Trung Nguyên trốn Đại Thanh triều chạy sang đây ẩn náu phải không?

- Không phải. Thầy vãn bối là người Đại Việt.

- Ngươi nói thật chứ? Nhờ đâu ngươi lại biết rõ chuyện của võ lâm Trung Nguyên đến thế?

Văn Hiến cố ý chọc cho địch thủ nổi giận nên chàng mỉm cười đáp:

- Ở đất nước chúng tôi có câu: “Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa”. Có lẽ danh tiếng của các vị đã vượt qua khỏi biên giới để vào Đại Việt nên vãn bối mới biết.

Cả bọn Kim Cương Môn, nhất là Phùng Đạo Đức nghe câu trả lời lập tức nổi giận đến độ râu tóc dựng ngược lên. Hắn gằn mạnh từng tiếng:

- Tên nhãi con này không biết trời cao đất dày! Ta không giết được ngươi thề sẽ không trở về Trung thổ. Nhưng để khỏi mang tiếng ỷ lớn hiếp nhỏ, ta cho ngươi chọn cách giao đấu. Kiếm hay quyền tùy ngươi!

Văn Hiến từng nghe sư phụ mình giảng giải về ngũ hành kiếm trận của năm tên sát thủ dưới trướng Phùng Đạo Đức nên chàng muốn nhường Thanh Long kiếm lại cho Đại Bằng để anh cùng với Hồng Liệt diệt sạch bọn chúng. Hơn nữa Văn Hiến cũng đã từng cùng sư phụ chiết chiêu và phá chiêu quyền pháp Thiếu Lâm trong một thời gian dài nên chàng tự nhủ có thể đối phó được với Phùng Đạo Đức. Đã định sẵn chủ ý trong đầu, chàng bèn trao Thanh Long kiếm cho Đại Bằng và nói nhỏ:

- Anh cùng Hồng Liệt cố giết cho sạch năm tên sát thủ kia để diệt trừ hậu hoạn. Lưu ý ngũ hành kiếm trận của bọn chúng.

Sau đó, chàng tóm tắt sơ lược nguyên tắc của kiếm trận cho Đại Bằng nghe. Xong, chàng quay sang Phùng Đạo Đức ôn tồn nói:

- Vãn bối từng nghe võ lâm Trung Nguyên truyền tụng câu “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm”, nay có cơ duyên gặp được chưởng môn nhân, người được chân truyền của Hồng Mi lão tổ Nam Thiếu Lâm nên vãn bối muốn được trao đổi quyền cước với ngài để có dịp mở mang thêm kiến thức.

Phùng Đạo Đức cười cao ngạo nói:

- Ngươi có thanh bảo kiếm sao không lợi dụng nó để chiếm ưu thế mà lại đòi giao đấu quyền cước với ta? Thật là tuổi trẻ ngông cuồng không biết tự lượng sức mình. Có chết cũng đừng trách ta nhé.

Nói xong, lão trả thanh kiếm lại cho Tạ Tứ. Bên nhóm Văn Hiến đã bàn định xong, ai nấy đều đưa mắt nhìn vào mắt đối thủ của mình. Bọn Kim Cương Môn biết họ khiêu chiến đích danh từng người nên cũng không ngần ngại mà chia nhau thành từng cặp một để tính cuộc quyết đấu. Tất cả đều rút binh khí cầm trên tay trong tư thế sẵn sàng. Bầu không khí trong lành buổi đầu xuân bên bờ sông Sa Hà bỗng trở nên căng thẳng đến nghẹt thở và nhuốm màu chết chóc.

Ngô Mãnh lưng đeo trường kiếm, hông giắt một thanh kiếm ngắn, loại kiếm Tanto của các Samurai Nhật dùng để tự sát. Thanh đoản kiếm này thuộc loại bảo kiếm của Nhật Bản. Trong một dịp tình cờ ở Hội An, Ngô Mãnh đã cứu được một Samurai Nhật bị bọn Tây Dương dùng súng hỏa mai ngắn bắn trọng thương và người Samurai đó đã tặng thanh kiếm này cho chàng. Từ đó, chàng đeo nó bên mình và sử dụng trong lúc lâm trận như song kiếm khi cần thiết. Chàng bước đến trước mặt Tạ Tứ khẽ chào rồi lên tiếng hỏi:

- Nghe nói ngươi một cước đá Văn Hiến bạn ta văng xuống đài phải không?

Tạ Tứ gật đầu. Ngô Mãnh hỏi tiếp:

- Hôm nay ngươi muốn dùng quyền cước hay binh khí?

Tạ Tứ đáp, giọng hằn học:

- Đừng giở giọng kẻ cả với ta! Ngươi mình đeo hai thanh kiếm thì chắc là sở trường về kiếm, ta muốn thử xem.

Biết Tạ Tứ ỷ lại vào thanh bảo kiếm trên tay nên mới chọn cách này nhưng Ngô Mãnh vẫn gật gù cười:

- Khá lắm! Có bản sắc! Đã vậy thì mời.

Họ tuốt kiếm chuẩn bị lao vào nhau.

Tạ Tứ từ lúc bái sư với Phùng Đạo Đức chỉ chuyên tâm vào quyền pháp Thiếu Lâm, hắn vốn không thích học đao pháp và chuộng kiếm pháp hơn. Lý Văn Quang thấy hắn có tài lại có chí luyện võ nên đích thân truyền bài kiếm tuyệt kỹ Thất Tinh kiếm của Võ Đang cho hắn. Tạ Tứ vừa học được bài kiếm trấn sơn của Võ Đang, lại vừa muốn lấy lòng Lý Văn Quang hòng ngấp nghé đến công chúa Lý Dung Dung nên đã chuyên cần tập luyện, do đó về kiếm thuật hắn giỏi hơn quyền thuật. Trong tay hắn hiện đang giữ thanh bảo kiếm Thanh Hồng lại càng như hổ thêm cánh. Hắn rất tự tin mình sẽ thắng được tên võ sĩ An Nam lạ mặt này một cách dễ dàng.

Ngô Mãnh vốn người Thuận Hóa, mồ côi từ bé, sống nhờ người chú. Năm mười tuổi chàng bỏ nhà đi theo một tiều phu thường đốn củi đem bán cho Sắc Tứ Ấn Tôn tự (năm 1841 vua Thiệu Trị đã đổi tên thành Từ Đàm tự). Người tiều phu đó vốn là đệ tử của ngài Sa Viên ở Sơn La, vì ông đã giết chết tên tri phủ Sơn La nên phải bỏ trốn vào Đàng Trong đốn củi bán cho chùa, đêm đêm nghe kinh Phật. Sau ông nhận Ngô Mãnh làm đồ đệ, truyền cho tuyệt kỹ Ngũ Long kiếm và Ngũ Long quyền pháp. Tuyệt kỹ này do ngài Sa Viên nhân một chuyến sang Trung thổ đã vẽ lại được ba bức tranh của Trương Tam Phong tặng cho Âu Dương Phương. Hai trong ba bức tranh đó có tên Ngũ long xuất động và Ngũ long nhập động. Ngài Sa Viên đã từ hai bức tranh đó mà sáng tạo ra hai bài quyền và kiếm trên.

Hai tuyệt kỹ gặp nhau đã tạo thành một trận thư hùng, kỳ phùng địch thủ hiếm thấy trong thiên hạ. Tạ Tứ có lợi thế hơn nhờ thanh bảo kiếm, trong khi Ngũ Long kiếm pháp của Ngô Mãnh thì như rồng bay, uốn quanh người địch thủ. Từ khi có thêm thanh đoản kiếm Nhật, Ngô Mãnh đã tập sử dụng nó như song kiếm để giao đấu. Thanh đoản kiếm vốn cũng là báu kiếm nên anh dùng nó để đỡ gạt Thanh Hồng kiếm, còn trường kiếm trong tay phải thì như mãnh long xuất động tung ra sát chiêu.

Kim Hùng và Ngụy Báo đứng đối diện nhau. Kim Hùng trầm mặt nói:

- Ngươi nổi danh là Thiên Sơn Nhất Đao, ta muốn xem chiêu đao tuyệt diệu ấy.

Ngụy Báo ậm ừ:

- Báo tên đi!

- Trần Kim Hùng!

- Được, một chiêu thôi!

Họ rút đao ra đứng bất động nhìn nhau. Một chiêu đao quyết định sinh tử, bởi vậy cả hai đều phải sử dụng tuyệt chiêu của mình. Thanh kim đao của Kim Hùng là bảo đao có từ thời nhà Trần. Lưỡi đao vàng rực dưới ánh nắng đầu xuân. Còn thanh đao trên tay của Ngụy Báo thuộc loại thiết cương màu trắng bạc, khí đao phát ra lạnh buốt chứng tỏ đó cũng là một thanh đao cực tốt. Cả hai im lặng nhìn nhau hồi lâu rồi cùng lúc thét lên một tiếng, thân ảnh như sao băng lao về phía đối phương. Hai vầng sáng một vàng một trắng quyện vào nhau, những tiếng xoảng xoảng vang lên chói tai rồi hai bóng người lại tách nhau ra lùi về vị trí đứng ban đầu. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó, thanh cương đao trên tay của Ngụy Báo đã xuất đủ ba chiêu, lưu lại trên người Kim Hùng hai vết chém một trên tay trái và một trước bụng. Thanh kim đao của Kim Hùng chỉ tung đúng một chiêu duy nhất. Chiêu Nhất trụ kình thiên đã lưu lại trên mặt Ngụy Báo thêm một vết thẹo, nhưng sẽ không còn ai có thể nhìn thấy vết thẹo hằn sâu nơi trán này nữa vì thân hình hắn sau khi đứng sựng lại trong vài giây đã từ từ đổ xuống như một thân cổ thụ bị cắt gốc. Bao nhiêu tội ác hắn gây ra ở Trung Nguyên đã bị báo ứng bên bờ sông Sa Hà xa xôi, lạ lẫm này. Kim Hùng đưa tay xé vạt áo bên cánh tay bị thương rồi quấn quanh bụng mình ngăn máu chảy ra xong đứng yên thở dốc.

Đám đệ tử hai bên thấy các bậc sư trưởng đã bắt đầu động thủ thì cũng đồng loạt lao vào nhau. Bọn đệ tử Thần Quyền Môn tuy nhân số chỉ bằng một nửa của Kim Cương Môn nhưng nhờ đã luyện tập ròng rã bài Việt nữ kiếm mấy tháng nay nên họ chống trả rất vững vàng. Vả lại Việt nữ kiếm pháp có ưu thế kết hợp toàn đội trong những trận đánh lớn nên tuy ít người hơn, họ vẫn tạo được sức mạnh ngang ngửa với đối phương. Bên bờ sông vắng, cuộc hỗn chiếc của gần năm mươi người với những tiếng la hét, tiếng đao kiếm chạm nhau đã khuấy động cả một vùng không gian xung quanh.

Phía đằng kia, Đại Bằng và Hồng Liệt cũng đã bắt đầu cuộc giao chiến với năm tên sát thủ. Chúng chia ra năm phương vị kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; áp dụng ngũ hành trận pháp bao vây hai người vào giữa. Đại Bằng quan sát vị thế của bọn sát thủ xong, dựa theo lý thuyết cơ bản mà Văn Hiến vừa giảng giải nói lại cho Hồng Liệt nghe:

- Loại trận pháp này dùng sự tương sinh và tương khắc của ngũ hành làm căn bản chiến đấu cho nên sẽ có hai loại hình biến. Một là theo thế tương sinh, bắt đầu từ hành thổ, tức là tên chủ trận, sinh ra kim rồi kim sinh thủy... cứ như thế khi trận pháp phát động. Phương vị thổ xuất chiêu thì người ra chiêu kế tiếp để trợ lực là ở phương vị hỏa và cứ liên tục như vậy theo vòng tương sinh. Cái khó của việc phá trận pháp này là phải phát hiện ra vị trí của tên giữ hành thổ chủ trận ngay từ đầu. Khó thứ hai là bọn chúng có thể thay đổi phương vị nhưng cái này ta có thể đối phó được vì dù sao chúng cũng phải tuân theo đúng nguyên tắc tương sinh khi xuất thủ. Trường hợp nếu chúng phát động trận thế theo hành tương khắc thì cũng phải dựa trên nguyên tắc này. Cho nên nếu là trận tương sinh thì các vị trí một, hai và bốn là chủ yếu; còn trận tương khắc thì là các vị trí một, ba và năm. Trường hợp nếu chúng ta chủ động tấn công trước thì sinh trận sẽ do hai và bốn giải nguy, đó là tử địa không nên đánh vào, còn ba và năm là sinh địa. Sinh địa là chỗ yếu của trận nên muốn phá trận ta phải đánh mạnh vào đó. Chúng ta có hai thanh bảo kiếm, khởi đầu cứ chém thẳng vào kiếm của bọn chúng để buộc chúng phải rút kiếm về rồi từ từ chờ đến khi nào phát hiện ra được các vị trí chủ yếu thì mới tấn công vào, lúc đó trận sẽ bị vỡ ngay. Nhưng kiên nhẫn đợi bọn chúng ra tay trước thì việc phát hiện tên số một sẽ dễ dàng hơn.

Đại Bằng nói xong, cả hai liền đứng đấu lưng vào nhau buông xuôi kiếm im lặng quan sát. Năm tên sát thủ cũng kiên nhẫn đứng yên bao vây hai người trong tư thế sẵn sàng phản công. Chúng không tấn công trước dù đông người hơn vì chúng biết rằng hai địch thủ mà chúng đang bao vây đều là cao thủ thượng thừa, ra tay trước là tạo cơ hội cho địch thủ khám phá bí quyết biến hóa của thế trận. Trong giao đấu, sự chờ đợi để xuất chiêu đầu tiên bao giờ cũng là những phút giây căng thẳng nhất. Bên nào kiên nhẫn hơn, hay nói cách khác là có định lực hơn sẽ chiếm ưu thế vì buộc được bên kia xuất chiêu trước. Sau khoảng thời gian yên lặng đến ngộp thở, một tên trong bọn sát thủ tỏ vẻ nóng nảy đưa mắt liếc nhìn một tên đồng bọn khác có ý bảo hãy tấn công. Hành động tuy rất nhỏ này nhưng vẫn không thoát khỏi được ánh mắt tinh tường của Đại Bằng. Không bỏ lỡ cơ hội, chàng hét lớn:

- Số ba!

Đồng thời với tiếng hét báo động cho Hồng Liệt biết tên số ba ở vị trí sinh địa, Đại Bằng lao nhanh vào tên được đồng bọn liếc nhìn lúc nãy xuất ngay tuyệt chiêu Cao sơn quán nhật, quyết một kiếm hạ thủ tên chủ trận số một này. Một màn ánh sáng xanh lạnh buốt toát ra từ cây Thanh Long bảo kiếm phủ xuống người tên chủ trận như một tia điện chớp, tên sát thủ vừa nhận tia nhìn của đồng bọn chưa kịp thu mắt về thì lưỡi kiếm đã tới nơi, hắn la lên một tiếng và vung kiếm đón đỡ. Choang! Thanh kiếm của hắn đã bị chặt đứt ngọt làm hai khúc và mũi Thanh Long kiếm tiện đà đâm lút vào tim hắn. Tên sát thủ chỉ kịp a lên một tiếng rồi ngã nhào xuống đất. Đại Bằng theo đà cây kiếm lao người về phía trước để tránh hai đường kiếm tập kích từ bên hông và phía sau của hai tên số hai và số bốn. Động tác của chàng tuy vô cùng thần tốc nhưng cũng không sao tránh được hai mũi kiếm đâm vào lưng của hai tên số hai và số bốn. Vết thương khá sâu, máu chảy ướt đỏ khắp lưng áo. Điều đó cho thấy sự liên kết của trận pháp ngũ hành chặt chẽ và ghê gớm dường nào.

Gần như xảy ra cùng một lúc với Đại Bằng, Hồng Liệt cũng lập tức tung thanh Thắng Tà, sử dụng thế Đơn phụng triều dương trong bài Phụng kiếm, hướng mũi kiếm chênh chếch từ dưới lên yết hầu của tên sát thủ đứng ở vị trí số ba. Theo nguyên tắc, tên này phải để tâm chờ hai tên số hai và bốn xuất chiêu thì hắn mới ra tay cho nên phản ứng của hắn đã chậm hơn một chút. Vả lại, hắn đang đứng ở vị trí xéo với Hồng Liệt nên hoàn toàn không ngờ rằng anh lại ra tay tấn công hắn. Cao thủ giao đấu, một tích tắc sơ hở cũng đủ để vong mạng. Kết quả là yết hầu của tên sát thủ số ba đã bị mũi Thắng Tà đâm thủng một lỗ, hắn chỉ kịp ặc một tiếng rồi hai tay ôm yết hầu ngã quị xuống. Ba tên sát thủ còn lại hết sức kinh ngạc trước cái chết nhanh chóng của đồng bọn. Sáu con mắt đỏ ngầu vì sát khí và uất hận, chúng cùng gầm lên và tức tốc lao vào tấn công địch thủ bằng những chiêu chí mạng. Máu hung tàn trong lòng chúng đang sôi sục cho nên chiêu thức tấn công của chúng đều là những chiêu lưỡng bại câu thương, đồng qui vu tận. Chúng biết hai thanh kiếm trên tay đối phương đều là báu kiếm nên chỉ còn cách duy nhất là lăn xả vào để cùng nhau chết chung hoặc ít nhất cũng khiến cho địch thủ mang thương tích.

Kiểu đánh vừa bất ngờ vừa liều mạng của những con dã thú đã lâm vào đường cùng khiến cho Đại Bằng và Hồng Liệt luống cuống. Hai người hét to một tiếng, cùng lúc tung mình lên cao thoát khỏi ba đường kiếm đoạt mạng kia rồi lướt người ra xa, sau đó cả hai đáp xuống đứng cạnh nhau chờ đợi. Ba tên sát thủ công hụt một chiêu, chúng lập tức xoay người lại lao vào tấn công tiếp. Bây giờ thì Đại Bằng và Hồng Liệt đã chuẩn bị sẵn sàng, họ cùng thét lên:

- Muốn chết!!!

Đại Bằng xuất chiêu Hồng quang triều đẩu, ánh kiếm như một cầu vồng màu xanh cuốn tròn hai thanh kiếm của địch thủ rồi vụt ngang như ánh chớp. Hai tiếng rú thất thanh vang lên cùng với hai tiếng keng rất giòn. Hai thanh kiếm trên tay hai tên sát thủ đã bị tiện đứt, còn trên ngực bọn chúng máu phụt ra như mưa. Tên thứ ba kết quả cũng chẳng khá gì hơn, với tuyệt chiêu Phụng hoàng đảo vũ, thanh Thắng Tà trên tay Hồng Liệt đã tiện đứt đôi thanh kiếm của hắn và vạch một đường chí mạng ngang bụng. Tên sát thủ chỉ kịp ú ớ thất kinh, ruột gan bết máu ngã nhào xuống tắt thở. Năm tên sát thủ tung hoành khắp một vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, kiếm của chúng đã vấy không biết bao nhiêu máu của những nhân sĩ yêu nước Trung Hoa, không ngờ giờ lại chết thảm nơi mảnh đất Giản Phố xa xôi này. Âu cũng là sinh nghề tử nghiệp!

Trận giao đấu giữa Văn Hiến và Phùng Đạo Đức tuy bằng tay không nhưng cũng sặc mùi tử khí. Một bên là cương quyền Thiếu Lâm, một bên là nhu quyền Việt võ đạo. Phùng Đạo Đức tuy tuổi đã cao nhưng quyền pháp rất dũng mãnh, đòn ra rít gió vù vù, toàn những chiêu tối độc đoạt mạng đối phương. Văn Hiến với thân pháp linh hoạt uyển chuyển, sử dụng tuyệt kỹ Viên Viên miên chưởng để hóa giải thế công dũng mãnh của địch thủ. Phùng Đạo Đức tuy là tôn sư một phái nhưng với quyền pháp liên miên bất tận của Viên Viên miên chưởng, ông không thể nào tìm ra được chỗ sở hở để tấn công kết liễu đối phương. Ông giở hết những tuyệt học Thiếu Lâm như Kim Cương quyền, Đại bi thiên thủ thức, Ba la mật thủ, Bát nhã chưởng hòng phá cho được vòng miên chưởng vô cùng vô tận của Văn Hiến. Văn Hiến thỉnh thoảng cũng thay đổi thế đánh của mình, vào những thời cơ thích hợp thì chàng giở tuyệt học Long quyền ra tấn công.

Hai bên quần thảo nhau một lúc lâu, cả hai đều đã trúng không ít đòn của đối thủ. Nếu tình hình này kéo dài có thể dẫn đến tình trạng lưỡng bại câu thương. Phùng Đạo Đức đã tỏ ra nóng nảy, lòng tự tôn bị thương tổn. Sau một đòn quyền sấm sét, lão bèn thay đổi thế đánh, chuyển từ quyền pháp sang tuyệt kỹ Cầm Long thủ, môn võ công mà nhờ đó lão đã thành danh. Đây là một trong những tuyệt kỹ khó luyện nhất của Thiếu Lâm tự. Người luyện nó phải vừa có nội lực dồi dào vừa kiên nhẫn và biết chịu đựng. Một khi luyện thành, Cầm Long thủ có thể dùng tay không bấu thủng đá, đập nát tường. Thủ pháp của Cầm Long thủ không tàn độc chí tử như Thiên Ưng trảo nhưng hiệu quả thắng địch lại cao hơn vì cách xuất thủ vừa linh hoạt vừa dũng mãnh lại vừa huyền ảo.

Sự biến chiêu bất ngờ của Đạo Đức khiến Văn Hiến thoáng bối rối, vì phản ứng chậm một chút nên kết quả là một bên vai của chàng đã bị năm vuốt sắt của Cầm Long thủ chộp trúng. Nếu không nhờ tấm áo giáp hộ thân thì xương vai của chàng đã bể nát, tuy vậy chàng vẫn có cảm giác đau buốt tận xương. Chàng vội bắn mình lui ra xa. Phùng Đạo Đức một chiêu đắc thắng nên không bỏ lỡ cơ hội liền phóng người theo, song trảo tấn công liên tục, bóng trảo mịt mờ như có trăm ngàn bàn tay với móng vuốt sắt thép bao phủ khắp người đối phương. Văn Hiến hai tay liên tục đỡ gạt, bộ pháp di chuyển thật nhanh cố thoát ra khỏi vùng trảo ảnh. Roạt một tiếng, chàng lại bị Long trảo chộp trúng làm rách mất một khoảng tay áo bên trái, năm ngón tay như móng sắt đã cào sâu vào cánh tay của chàng, máu tuôn thành dòng. Văn Hiến thất kinh vội di chuyển bộ pháp nhanh hơn nữa, đồng thời chàng vận công xuống ngón tay trỏ theo bí quyết Như Lai chỉ. Bỗng chàng hét to một tiếng, Như Lai chỉ với ngón tay đỏ hồng phóng nhanh vào lòng Long thủ của đối phương. Phùng Đạo Đức hốt hoảng la lớn:

- Như Lai chỉ!!!

Ông ta tung người về phía sau, tay trái ôm bàn tay phải bị xuyên thủng một lỗ, máu chảy ròng ròng. Cả bàn tay này của ông ta từ nay sẽ bị tàn phế trở nên vô dụng suốt đời. Ông ta đứng nhìn Văn Hiến bằng cặp mắt tóe lửa căm hờn. Dù có nằm mơ ông ta cũng không thể ngờ một chàng thanh niên có dáng dấp thư sinh trói gà không chặt lại có một bản lĩnh kinh người. Tuyệt kỹ Như Lai chỉ là chỉ pháp Phật môn của Thiên Trúc, nghe nói đã thất truyền từ lâu, không hiểu sao tên nhãi con này lại luyện được. Ông ta không biết rằng môn chỉ pháp này đã được Tì Ni Đa Lưu Chi mang vào Đại Việt từ thế kỷ thứ bảy và truyền lại cho cao đồ của ngài là sư Pháp Hiền và từ đó nó lưu truyền trong võ lâm Đại Việt. Phùng Đạo Đức buồn bã buông tiếng thở dài.

Phía bên kia, trận đấu giữa năm tên sát thủ và Đại Bằng, Hồng Liệt vừa kết thúc; trận đấu của Tạ Tứ và Ngô Mãnh cũng đã dừng lại. Tạ Tứ chống Thanh Hồng kiếm xuống đất đứng thở hổn hển, khắp người hắn máu me nhuộm đỏ. Hắn bị thương rất nặng. Ngô Mãnh trên tay phải cầm thanh kiếm cụt gần đến cán, tay trái cầm thanh đoản kiếm Tanto lưỡi còn vấy máu. Nơi ngực chàng, máu chảy xuống ướt cả vạt áo trước.

Đám đệ tử hai bên vẫn còn đang đánh nhau ầm ĩ, Hồng Liệt định xông vào giúp bọn đệ tử của mình thì chợt nhìn thấy từ xa có một toán người rất đông của Kim Cương Môn đang chạy đến. Anh bèn la lớn:

- Chúng ta rút lui mau! Bọn chúng có tiếp viện!

Dứt tiếng, chàng lao vào đám hỗn chiến của bọn đệ tử. Vì không muốn giết người nên chỉ vung kiếm chém đứt hàng loạt vũ khí của bọn Kim Cương Môn và nói to:

- Tất cả rút lui! Chạy mau xuống thuyền!

Bọn đệ tử vội vàng đánh rát một vài chiêu rồi kéo nhau chạy xuống bờ sông. Bên Kim Cương Môn thấy Hồng Liệt với thanh báu kiếm đầy uy lực nên sợ không dám ngăn cản. Có năm sáu tên đệ tử bị thương nặng chạy không nổi, Hồng Liệt và mấy tên đệ tử khác vội chạy lại đỡ chúng rồi cùng nhau rút xuống năm chiếc thuyền đang chờ sẵn. Những chiếc thuyền từ từ tách bến. Bọn Kim Cương Môn mới đến là toán người do Hà Huy dẫn đầu đánh phá trại lính ở gần cầu ván. Bọn lính lo ăn tết không chuẩn bị, tên chánh suất đội không có mặt ở trại nên bọn lính như rắn mất đầu, chỉ trong chớp mắt mà cả trại đã bị đánh tan tác, lớp chết lớp bỏ chạy hoặc nhảy xuống sông trốn thoát. Hà Huy đốt xong trại lính liền bảo bọn thuộc hạ đi tiếp viện cho nhóm Phùng Đạo Đức, riêng hắn dẫn vài tên đệ tử rồi dùng ngựa chạy sang Trấn Biên để gặp Lý Văn Quang. Tạ Tứ thấy bên mình thua thê thảm, bản thân lại bị thương nặng nên uất khí xông lên, hắn hét lớn:

- Đi đốt sạch cái Thần Quyền Môn con mẹ nó đi cho ta!

Bọn đệ tử Kim Cương Môn bị thương khá nhiều, chúng nghe nhị sư huynh nói thế liền cùng nhau hô lớn:

- Đốt sạch Thần Quyền Môn! Đốt sạch Thần Quyền Môn!

Xong, cả bọn kéo nhau đến trang viện Thần Quyền Môn đập phá cho hả giận rồi phóng hỏa đốt. Chỉ một lát sau ngọn lửa đã bốc cao, cơ nghiệp mấy đời của Trần gia chìm dần vào biển lửa. Đốt xong Thần Quyền Môn, đám đệ tử Kim Cương Môn đang cơn hăng máu lại hô lớn:

- Đi đốt luôn nhà của năm tên khốn kiếp hùa theo bọn Thần Quyền Môn. Đốt nhà của tên Trần An Hảo...

Một tên hô, cả bọn hùa theo, tiếng la ó làm dân cư trên thương cảng một phen khiếp đảm. Mọi người ở nhà đóng kín cửa, không ai dám bước ra ngoài vì lo sợ bọn hung thần đang cơn cuồng nộ sẽ đốt luôn nhà của mình. Thế là trong một khoảng thời gian ngắn lại có thêm năm căn nhà nữa bị bọn Kim Cương Môn tràn vào đập phá, phóng hỏa đốt. Nhà nào dám phản kháng, chúng ra tay đánh cho một trận tơi bời. Một trong số đó là anh em Trần An Vinh và Mỹ Phụng. Cả hai sau một hồi chống cự quyết liệt thì đều mang thương tích đầy mình. Sau khi nguôi nguôi cơn giận bọn Kim Cương Môn mới rút về, để lại sáu đám cháy lớn khiến người dân quanh vùng phải xúm nhau kêu gọi chữa lửa. Khu Giản Phố yên vui gần trăm năm nay bỗng hỗn loạn rối bời.

Bọn Văn Hiến sang tới bên bờ bên kia vẫn còn nhìn thấy những ngọn lửa đang bốc cao ở Giản Phố, ai nấy đều không khỏi đau lòng. Đám đệ tử tức giận chửi rủa bọn Kim Cương Môn thậm tệ và thề có ngày sẽ đốt sạch Kim Cương Môn để trả thù. Mọi người lên bờ và kéo nhau vào ngôi miếu của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh để băng bó các vết thương. Một lúc sau, hai tên đệ tử được sai đi dò thám tình hình bên Trấn Biên cũng vừa cập thuyền vào bến. Chúng chạy vội lên miếu báo tin. Văn Hiến hỏi nhanh:

- Tình hình bên ấy thế nào?

Một tên đáp:

- Dạ, nghe nói Cẩn Thành hầu đã bị giết cùng với vợ con và thuộc hạ. Tất cả đều bị bọn chúng thiêu rụi cùng với dinh thự. Dinh Trấn Biên đã bị một bọn người lạ mặt rất đông tấn công, sau được sư phụ và Phong sư thúc cứu thoát ra cửa sau, giờ chưa biết đã đi đâu. Toàn bộ khu vực trung tâm dinh Trấn Biên đã ở trong tay bọn Kim Cương Môn rồi.

Văn Hiến thở dài nói:

- Ngài Cẩn Thành hầu đã xem thường bọn Diệp Sanh Ký nên không phòng thủ chu đáo mới dẫn đến cảnh toàn gia chết thảm. Vậy là bọn chúng đã âm thầm đưa người sang Trấn Biên phục sẵn từ đêm qua. Hà, chỉ mong mọi người ở dinh Trấn Biên được an toàn và liên lạc được với đạo quân Mô Xoài.

Ngô Mãnh hỏi:

- Bây giờ chúng ta phải làm gì?

Văn Hiến đáp:

- Phải dò xem tình hình hai cánh quân của Cao Miên như thế nào mới quyết định được. Nếu triều đình không ngăn chặn được hai cánh quân này để chúng tấn công xuống đến đây thì chúng ta đành phải tìm cách chạy ra Mô Xoài để giúp cho cánh quân của Tống Phước Đại.

- Nếu vậy chúng ta cho người đi thăm dò lập tức để còn quyết định.

Văn Hiến hỏi:

- Thương thế của Ngô huynh, anh cả và anh hai thế nào?

Ba người đều trả lời:

- Không hề gì, chỉ bị thương bên ngoài.

Văn Hiến nghe nói an tâm nên phân phối công việc:

- Ngô huynh cùng mọi người theo đường thủy xuống Phiên Trấn, Gia Định, xin quan lưu thủ ở đó đem một đạo thủy quân lên tấn công bờ nam Giản Phố. Tôi và anh Đại Bằng sẽ theo đường bộ lên Bình Dương để trợ giúp cánh quân trên đó nhằm ngăn chặn đạo bộ binh của Cao Miên, sau đó sẽ kéo xuống tấn công mặt tây Trấn Biên. Hồng Liệt tìm cách liên lạc với Tống Phước Đại và Đoàn Phong rồi đem quân tấn công mặt bắc. Nếu chặn đứng được bọn Cao Miên, Diệp Sanh Ký buộc phải rút về Giản Phố, chừng đó chúng như cá trong nôm, chúng ta sẽ cùng lúc tấn công để bắt gọn cả bọn.

Đại Bằng hỏi:

- Nếu bọn Cao Miên thắng cả hai trận tuyến rồi kéo đến đây thì sao?

Văn Hiến đáp:

- Chúng ta chỉ còn cách hoặc chạy ra Mô Xoài hoặc tìm đến đội quân của phủ chúa ở gần nhất để giúp họ. Chiến trường bấy giờ sẽ được quyết định bởi lực lượng binh lính của phủ chúa chứ không phải của đám người giang hồ lẻ tẻ như chúng ta.

Chàng dặn hai tên đệ tử vừa lo việc do thám lúc nãy:

- Hai người trở lại Trấn Biên tiếp tục dò xét tình hình, có tin gì lạ thì liên lạc với ta ở Bình Dương. Nhớ phải hết sức cẩn thận.

Mọi người y theo kế hoạch sắp xếp của Văn Hiến chia ra hành động.

*****


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx