sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Cụ Jean Jacques Hoffstede là nhà thơ của thành phố này. Trong cuộc họp mặt hôm nay, thế nào cụ cũng làm sẵn mấy bài thơ ngắn để trong túi áo. Tuổi cụ xấp xỉ cụ Johann Buddenbrook; ăn mặc cũng kiểu như nhau, chỉ khác là cụ chọn màu xanh lá cây mà thôi. Cụ trông gầy hơn nhưng hoạt bát hơn ông bạn già của mình, đôi mắt lanh lợi của cụ cũng màu xanh phơn phớt, mũi vừa dài vừa nhọn.

— Xin đa tạ! - Bắt tay các vị chủ nhà xong, cụ lễ phép nghiêng mình chào các bà, nhất là đối với bà tham mà cụ rất kính nể. Kiểu chào của cụ thì bọn trẻ không tài nào bắt chước được. Vẻ mặt cụ lúc nào cũng tươi cười, hòa nhã - Rất đa tạ các vị đã mời đến. Ông bác sĩ và tôi gặp hai cháu trên đường Königstraße - Cụ chỉ Tom và Christian mặc véttông xanh, thắt lưng da, đứng cạnh - các cháu vừa đi học về. Các cháu ngoan lắm, phải không bà tham? Cháu Thomas có quy củ, lại có đầu óc thực tế, sau này nhất định sẽ trở thành thương gia, không ai nghi ngờ gì nữa. Còn cháu Christian, tôi xem cũng khôn ngoan lắm. Thế nào nhỉ? À, hơi đáo để một tí [13]... nhưng tôi lại rất thích[14] cháu đấy! Tôi cho thế nào cháu cũng sẽ khá. Cháu thông minh, lại có thiên tư...

Cụ Buddenbrook lấy hộp thuốc lá mạ vàng:

— Chỉ là một con khỉ thôi! Liệu nó có trở thành nhà thơ không, ông Hoffstede?

Chị Jungmann kéo cái màn cửa sổ lại; thế là trong phòng chỉ còn ánh sáng êm dịu, mát mắt, hơi rung rinh của những ngọn nến cắm trên cái đế thủy tinh tỏa ra như cành cây treo giữa phòng, và trên cái đế cũng hình cành cây đặt ở bàn sách nhỏ.

— Christian! - Bà tham gọi con. Ánh nến chiếu xuống tóc bà sáng lấp lánh - Chiều nay, con học những môn gì nào?

Hôm nay, Christian học các môn làm văn, toán và hát.

Christian lên bảy, dáng dấp giống hệt bố, trông có vẻ hơi buồn cười. Đôi mắt nho nhỏ, tròn tròn của nó cũng sâu như mắt bố. Dưới gò má đã có một vài nếp nhăn, khuôn mặt ấy e khó giữ mãi vẻ đầy đặn của tuổi thơ.

— Chúng con cười chết đi được! - Nó hết nhìn mặt người này, lại nhìn mặt người khác, rồi nói thao thao bất tuyệt - ông bà, ba mẹ, có đoán được thầy Stengel nói gì với thằng Siegmund Köstermann không? - Nó khom lưng xuống, lắc đầu, làm bộ nhìn lên không trung, rồi nói tiếp - “Cậu học trò ngoan của tôi ơi! Bề ngoài, cậu khéo léo lắm, nhưng ruột gan thì đen tối hơn ai hết...” - Không những nó bắt chước cái giọng kỳ quặc của thầy giáo, nói chữ “đen” thành chữ “đèn”, mà còn diễn lại một cách hài hước cái điệu bộ ghê tởm của thầy giáo khi nói câu “bề ngoài khéo léo” làm mọi người cười ồ lên.

Cụ Buddenbrook chỉ cười rồi nhắc lại như thế. Cụ Hoffstede thì chẳng hiểu sao mà khoái chí lắm.

— Tuyệt![15] - Cụ nói - Tuyệt lắm! Thế nào các vị cũng phải nhận ra ông Stengel. Bộ điệu ông ta giống y như vậy đấy! Úi cha cha! Tuyệt lắm!

Thomas không có tài bắt chước như em, chỉ đứng cạnh cười thành thật, hồn nhiên và không chút ghen tỵ. Hàm răng của nó đã khấp khểnh, lại nhỏ và vàng khè, nhưng mũi thì rất đẹp, đôi mắt và khuôn mặt giống hệt ông nội.

Khách và chủ đã ngồi xuống, kẻ ngồi ghế tựa, người ngồi xô-pha. Chuyện trò với lũ trẻ xong họ quay sang nói chuyện thời tiết, năm nay rét sớm. Sau đó, lại bàn tán đến tòa nhà này... Cụ Hoffstede thì đang ngồi ngắm cái lọ mực bằng sứ hình con chó săn màu đen, lốm đốm trắng, rất tinh xảo, sản phẩm của Sèvres[16], bày trên bàn sách. Bác sĩ Grabow trạc tuổi ông tham, phía sau bộ râu thưa là khuôn mặt dài dài, hiền lành, lúc nào cũng điểm nụ cười ôn hòa. Ông ta đang ngắm các thứ bày trên bàn: bánh ga-tô, bánh mì nho khô, âu đựng muối đủ các kiểu. “Bánh mì và muối” là của bạn bè thân thích gửi đến mừng nhà mới. Có điều “bánh mì” đây là những chiếc bánh ga-tô, to và ngon. Muối cũng đựng trong chiếc âu bằng vàng nặng chình chịch.

Nhìn thì biết những quà tặng này là của những người giàu có.

— Tôi không lo thiếu việc làm nữa! - Bác sĩ chỉ vào những dĩa bánh ngọt, dọa bọn trẻ con, lắc đầu, rồi cầm cái giá đựng các lọ tiêu, muối, tương ớt giơ lên.

— Của ông Lebrecht Kröger cho đấy! - Cụ Buddenbrook tươi cười nói - ông thông gia chúng tôi hào phóng lắm. Hồi ông ấy lạc thành tòa biệt thự trước cổng Burgtor ấy mà, lễ mừng của chúng tôi có được hậu hĩ thế này đâu! Tính ông ấy xưa nay vẫn thế... Dòng dõi quý tộc mà lại! Tiêu tiền như nước! Ông ta quả là người sống đúng thời thượng nhất[17].

Chuông cổng lại réo lên mấy hồi. Mục sư Wunderlich đến. Ông ta người vừa lùn vừa béo, mặc áo dài đen, tóc xoa phấn trắng. Trên khuôn mặt trắng bệch, tươi cười, có đôi mắt màu tro sắc sảo. Ông ta góa vợ đã lâu, tự cho mình là người độc thân thuộc về lớp trước, giống như ông Grätjens, làm nghề môi giới chào hàng, cùng đến với ông ta. Ông Grätjens người cao to, có thói quen đưa bàn tay gầy guộc lên trước mắt làm thành cái ống nhòm, như đang thưởng thức một bức tranh sơn dầu. Ông ta được mọi người công nhận là sành về nghệ thuật.

Rồi ông nghị tiến sĩ Langhals và vợ cùng đến. Ông ta là bạn cố cựu của gia đình này. Ngoài ra, còn có ông Köppen, chủ hiệu rượu vang, có khuôn mặt béo phị, đỏ gay, giữa đôi vai dô cao; bà vợ cũng đẫy đà chả kém gì ông chồng...

Cuối cùng, khi gia đình cụ Kröger bước vào thì đã quá bốn rưỡi. Cha con, ông cháu đều đến cả: vợ chồng cụ Kröger này, vợ chồng ông tham Justus Kröger này, cả hai đứa cháu là Jacob và Jürgen, trạc tuổi Tom và Christian nữa. Vợ chồng ông Överdieck, tức là bố mẹ bà tham Justus Kröger, chủ hiệu buôn gỗ, cũng đến ngay sau khi gia đình cụ Kröger đến. Đôi vợ chồng già này sống tình cảm lắm, mãi cho đến bây giờ vẫn xưng anh anh em em với nhau như ngày mới cưới, giữa đám đông, trước mặt mọi người cũng vậy!

— Khách quý bao giờ cũng đến muộn!

Ông tham Buddenbrook vừa nói vừa bước tới hôn tay mẹ vợ.

— Nhưng đã đến thì đến đông đủ!

Cụ Johann Buddenbrook, vẫy tay chào cả nhà, rồi quay sang bắt tay cụ Kröger...

Cụ Lebrecht Kröger, con người xã giao lịch thiệp ấy, thân hình cao to, trông rất bệ vệ, tuy trên tóc còn xoa một lớp phấn trắng mỏng, nhưng quần áo lại rất đúng mốt. Trên chiếc áo gi-lê nhung, đính hai dãy khuy kim cương sáng choang. Ông Justus, con trai cụ, có bộ râu quai nón và hai hàng râu mép vểnh lên, hình dáng và cử chỉ đều y hệt ông bố, thậm chí cả cách vẫy tay cũng y hệt, vừa khoan thai vừa nhã nhặn.

Không một ai chịu ngồi xuống. Họ cứ tụm năm tụm ba chuyện gẫu với nhau. Họ đang chờ đợi việc chính của buổi hôm nay. Cuối cùng, cụ Johann Kröger chìa tay về phía bà Köppen, nói giọng sang sảng.

— Xin mời các bà, các cụ, các ông [18]... Cũng đã đói cả rồi đấy!

Chị Jungmann và người hầu gái mở cái cửa hai cánh thông sang phòng ăn. Chủ và khách khoan thai bước vào, ai nấy yên trí hôm nay thế nào cũng được thưởng thức bữa cơm tối ngon lành ở nhà cụ Buddenbrook.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx