sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

— Mục sư đã gặp ông ta chưa?

Lại thay các món ăn một lần nữa. Lần này là một đùi giăm-bông to tướng, màu đỏ ngói, dưới lót bánh mì, trên rưới nước sốt màu cánh gián, cạnh dĩa bao nhiêu là xà lách, tưởng chừng như ăn ngần ấy xà lách, mọi người cũng đã no căng bụng ra rồi, cụ Lebrecht Kröger lặng lẽ nhận phần việc thái giăm-bông. Cụ khuỳnh hai cùi tay hết sức tự nhiên, thoải mái, cái ngón tay trỏ dài ngoằng, cụ đặt vào sống dao, chăm chú cắt thành những lát giăm-bông béo ngậy. Lúc đó, chị hầu gái lại bê lên “món ăn Nga”, món ăn sở trường của bà tham Buddenbrook. Đây là món thập cẩm, làm bằng các loại trái cây, cho thêm ít rượu vào, thơm nức mũi.

— Chưa! - Mục sư Wunderlich rất lấy làm tiếc là chưa được chính mắt nhìn thấy Bonapart. Nhưng cụ Buddenbrook và cụ Jean Jacques Hoffstede thì đã nhìn thấy tận mắt rồi. Cụ Buddenbrook nhìn thấy ở Paris, lúc làm lễ duyệt binh ở điện Tuileries, trước khi đại quân của Napoleon viễn chinh sang Nga. Còn cụ Hoffstede thì nhìn thấy ở thành phố Danzig...

— Nói thực tình, trông mặt mũi ông ta chẳng hiền lành gì đâu! - Vừa nói, cụ vừa nhếch lông mày lên, đút miếng giăm-bông cặp sẵn với cà-rốt, khoai tây cắm trên cái nĩa vào miệng. - Mặc dù ai cũng bảo, lúc ở Danzig, ông ta vui tính lắm. Lúc bấy giờ, người ta đồn rằng, ban ngày ông ta đánh bạc với người Đức, đánh rất to, còn ban đêm thì đánh bạc với bọn tướng tá của ông ta. Một lần ông ta cầm một nắm tiền vàng ở bàn lên, nói: “Có phải không, ông Rapp[24]? Người Đức rất thích những Napoleon nhỏ này phải không?”

“Tâu bệ hạ! Thích hơn là thích Napoleon lớn[25]”! - Rapp trả lời...

Cụ Hoffstede nói chuyện rất có duyên, hơn nữa, một đôi lần, cụ bắt chước vẻ mặt của vị hoàng đế đó, khiến mọi người cười ồ lên. Giữa lúc ấy, cụ Buddenbrook nói:

— Không phải đùa đâu, tôi rất phục nhân cách vĩ đại của ông ta... Khí phách lớn lắm!

Ông tham cho là không đúng, lắc đầu.

— Không, không phải như vậy. Lớp trẻ chúng tôi không thấy con người đó đáng tôn kính ở chỗ nào cả. Ông ta mưu sát bá tước Enghien, giết tám trăm tù binh ở Ai Cập:

— Chắc người ta phóng đại những chuyện đó lên, rồi một đồn mười, mười đồn trăm. - Mục sư Wunderlich nói - Có thể bá tước là một tên phản phúc lật lọng, còn như xử tử những tên tù binh kia thì chắc là ông ta quyết định sau khi được Hội đồng tướng lãnh suy xét cẩn thận, thấy cần phải làm như vậy...

Rồi mục sư nói đến quyển sách xuất bản cách đây mấy năm, chính ông ta đã được đọc qua; quyển sách này do một vị bí thư cận thần của Hoàng đế viết, rất hay...

— Nói thì nói vậy, chứ... - Ông tham vẫn giữ ý kiến riêng của mình. Lúc đó, cây nến cắm trên cái cọc để trước mặt cháy phụt lên, tiện tay ông cắt ngắn đoạn bấc đi... - Chứ tôi vẫn không thể hiểu tại sao thiên hạ lại sùng bái con người quái quỷ ấy đến như vậy! Là một người theo đạo Cơ đốc, là một người thờ phụng Đức Chúa Trời, tôi không làm sao có thứ tình cảm ấy được.

Nét mặt ông lộ vẻ trầm tư, mơ mộng, đầu ông nghiêng hẳn sang một bên. Cụ Buddenbrook và mục sư đưa mắt nhìn nhau, rồi cùng cười nhạt...

— Đúng, đúng! - Cụ Buddenbrook như có ý bông đùa - muốn nói thế nào thì nói, cuối cùng Napoleon nhỏ vẫn quý hơn cả, phải không nào! Hình như ông con trai tôi sùng bái Louis Philipp[26] hơn thì phải.

— Sùng bái? - Cụ Jean Jacques Hoffstede nói giọng châm biếm - Thật là một sự kết hợp kỳ lạ! Philipp Egalité và sùng bái!

— Tôi cho là có nhiều điều chúng ta nên học ở Nền quân chủ tháng Bảy[27]... - Ông tham nói giọng nghiêm túc - Chúng ta nên biết ơn sâu sắc chính thể lập hiến Pháp đã có một thái độ thân thiện, thiết thực đối với những tư tưởng mới đề cao thực tế, đối với lợi ích của thời đại mới...

— Tư tưởng mới đề cao thực tế... đúng... - Cụ Buddenbrook để xương quai hàm nghỉ một lát, tay mân mê cái tẩu thuốc dát vàng - Tư tưởng đề cao thực tế... hừ... Tôi thì tôi không tán thành! - Hễ nói đến chuyện gì bực bội, cụ tuôn ra từng tràng tiếng địa phương của cụ - Nào là trường học nghề, trường kỹ thuật, trường thương nghiệp mọc lên khắp nơi, như nấm mùa xuân sau trận mưa rào; còn như trường phổ thông và nền giáo dục cũ thì trở thành chuyện hoang đường, nực cười. Trong đầu óc người ta chỉ có hầm mỏ, công nghiệp... các cách làm tiền. Đúng, những cái đó rất nên làm. Có điều, từ phía khác mà nhìn thì có vẻ hơi ngu xuẩn. Các ông bảo có đúng không? Chính tôi cũng không thể nói rõ tại sao mình lại ghét các thứ đó... Anh Jean này, tất nhiên là ba cũng không tuyệt đối cho rằng... Nền quân chủ tháng Bảy có lẽ cũng là một chính quyền tốt...

Ông nghị Langhals, ông Grätjens và ông Köppen đều đứng về phía ông tham... Đúng như thế, họ cho rằng những cố gắng giống nhau của chính phủ Pháp và của nước Đức đều làm cho mọi người phải tôn kính... - chữ “tôn kính” này, ông Köppen phát âm sai. Cơm rượu vào, mặt đỏ hơn lúc nãy, ông ta cứ ngồi thở hổn hển. Mục sư Wunderlich mặt vẫn tái, nhưng trông vẫn nhã nhặn, sôi nổi, mặc dù ông ta đã thong thả thoải mái uống hết chén rượu này đến chén rượu khác.

Nến mỗi lúc một ngắn dần, thỉnh thoảng ánh lửa ngả sang một bên theo chiều gió rồi bỗng cháy bùng lên một lúc. Trên bàn tiệc thoang thoảng mùi nến.

Mọi người ngồi trên chiếc ghế nặng chình chịch có lưng tựa cao, ăn những món cao lương mỹ vị đựng trong loại bát đĩa bằng bạc khá dày và to, uống rượu mạnh, đồng thời trao đổi với nhau cách nhìn nhận của họ đối với mọi sự việc trên đời. Một lúc sau, họ quay sang chuyện buôn bán. Bất giác, họ nói với nhau toàn bằng tiếng địa phương, nghe thì nặng, nhưng lại suôn miệng, hầu như bản thân thứ tiếng đó bao hàm cái đặc điểm thích đơn giản, qua quýt, thích tùy tiện, thoải mái của các thương gia. Thậm chí có lúc họ cố tình nói thứ tiếng ấy cho nặng thêm hơn nữa, để đùa cợt với chính mình cho vui. Khi nói “ở sở giao dịch” thì họ cố phát âm chữ “d” thành chữ “r”[28], trông có vẻ thích thú lắm.

Nghe nói chuyện buôn bán một lúc, các bà có vẻ hơi chán. Cụ bà Kröger bắt sang chuyện khác. Cụ giải thích với mọi người cách hấp cá chép với rượu vang, rất ngon, khiến mọi người thèm rỏ dãi...

— Cá cắt thành khúc, lớn bé tùy mình, cho tiêu hành, húng lìu, bánh mì rán vào nồi, rán lên. Sau đó cho thêm ít đường, một thìa bơ, lại bắc lên bếp. Có điều, cá thì dứt khoát là không được rửa, nhất định phải để cả máu tươi, các bà ạ!...

Cụ Kröger nói những câu chuyện vui có ý nghĩa nhất để chiều khách. Con trai cụ, ông tham Justus, bác sĩ Grabow ngồi gần lũ trẻ con ở cuối bàn; thừa dịp này, ông ta bắt chuyện với chị Jungmann, chả hiểu nói đùa gì mà chị cười híp đôi mắt màu nâu lại, tay cứ dựng ngược sống dao lên, khẽ đưa đi đưa lại, theo thói quen hằng ngày. Ngay cả hai vợ chồng cụ Överdieck cũng hứng chí lên, cười nói sang sảng. Cụ bà Överdieck lại đặt cho chồng cái biệt hiệu thân mật “chú cừu non”. Cụ bà vừa nói vừa cười, cái mũ mềm đội trên đầu cứ lắc đi lắc lại.

Khi cụ Jean Jacques Hoffstede nói đến chuyện đi du lịch nước Ý, mà cụ nói mãi vẫn không chán, thì mọi người không chuyện riêng nữa, tất cả đều im lặng, chăm chú nghe cụ kể. Mười lăm năm trước, cụ cùng một người bà con giàu có ở Hamburg sang chơi nước Ý. Cụ nói đến Venice, Rome, núi lửa Vesuvius và biệt thự Borghese mà Goethe[29] đã từng viết một phần tác phẩm Faust[30] ở đấy. Cụ còn nói đến cái suối phun nước mát rượi, thời kỳ Văn nghệ phục hưng, những con đường râm mát, cắt xén gọn gàng, đi dạo chơi ở đấy thì quả là thú vị thật. Nói những chuyện đó, cụ tỏ ra say sưa thật sự. Khi cụ tả những con đường rừng râm mát, không hiểu ai nói xen vào rằng, phía ngoài cổng thành, cụ Buddenbrook còn có một vườn hoa rộng lớn, đang để hoang...

— Thực tình - cụ Buddenbrook nói - mỗi lần nghĩ rằng cho mãi đến bây giờ tôi vẫn chưa thể dọn dẹp cái vườn ấy cho ra hồn, thì tôi giận lắm! Gần đây, tôi ra đó trông như là rừng thời nguyên thủy, tôi cảm thấy xấu hổ quá! Giá xén cỏ cho bằng phẳng, cắt ngọn cây thành hình thù các con vật thì chỗ ấy không đến nỗi tồi tệ lắm.

Nhưng ông tham vội phản đối:

— Đừng làm thế, ba ạ! Mùa hè con rất thích đi dạo trong cái vườn hoang dại ấy; bây giờ mang kéo ra cắt xén cái cảnh thiên nhiên vô cùng đẹp đẽ ấy đi thì hỏng hết, không còn gì nữa...

— Nhưng cái cảnh trí thiên nhiên ấy đã thuộc về ba, chả nhẽ ba không có quyền sửa sang theo ý muốn của ba hay sao?

— Chao ôi, ba không biết đấy thôi! Mỗi lần con nằm trong đám cỏ dại dưới rừng cây um tùm ấy, con có cảm giác như mình thuộc về thiên nhiên, không có quyền bắt nó theo ý mình nữa.

— Krischan, đừng ăn no quá đấy! - Bỗng cụ Buddenbrook nói to - Còn Tilda thì cứ ăn, không việc gì đâu!... Nó ăn khỏe hơn bảy chú thợ cày cơ mà! Con bé...

Quả không sai tí nào, con bé người khô đét, ít nói, có khuôn mặt dài như khuôn mặt bà già, ăn khỏe kinh người. Khi người ta hỏi nó có cần lấy thêm xúp không thì nó kéo dài giọng nói the thé: “vâ... âng - là... ấy...!”. Cá hay giăm-bông cũng vậy, ngoài xà lách ăn kèm, món nào nó cũng lấy hai lần, lần nào cũng chọn hai miếng to nhất. Mặt cúi xuống đĩa như người cận thị, nó lặng lẽ, khoan thai, ăn hết miếng này sang miếng khác. Mỗi lần cụ Buddenbrook hỏi gì thì nó làm bộ ngớ ngẩn, không biết gì hết, rồi kéo dài giọng the thé trả lời: “Dạ... thưa...!”. Con bé không hề khúm núm, cứ cặm cụi ngồi ăn, dù cho món ăn có hợp khẩu vị hay không, hoặc người khác có cười hay không, cũng mặc. Như một người ăn bám nhà bà con giàu có, con bé có cái dạ dày ăn không hề biết no. Nó không cười, chỉ chọn thức ăn ngon, lấy đầy đĩa. Nó gầy còm, đói ăn, nhưng nhẫn nại, chưa đạt được mục đích thì chưa chịu thôi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx