sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

— Xin cho phép chúng tôi được nói lên những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đối với cụ chủ nhà!

Ông Köppen nói sang sảng, át cả tiếng ồn ào của mọi người. Giữa lúc đó, chị đày tớ mặc váy hoa rộng, đội chiếc mũ trắng bé tí, hai cánh tay trần vừa đỏ vừa thô, cùng chị Jungmann và cô hầu bà tham ở trên gác hai, bê vào những món ăn khói bốc nghi ngút và những khoanh bánh mì nóng giòn. Các vị khách bắt đầu lấy xúp vào đĩa, vẻ thận trọng.

— Những lời chúc mừng tốt đẹp nhất! Phải nói là... rộng lắm, đẹp lắm!... Phải nói là tòa nhà này ở thú lắm! Phải nói là... - Ông Köppen vốn không quen biết ông chủ cũ tòa nhà này. Ông ta mới khấm khá sau này chứ chẳng phải là con nhà giàu có, nên nói năng thường không được lịch sự lắm, hình như lúc nào cũng lặp đi lặp lại mấy tiếng “phải nói là” v.v... Với lại, khi nói hai chữ “chúc mừng”, ông ta cũng nói ngòng ngọng, không được rõ lắm.

— Mà cũng chẳng tốn kém gì! - Chắc chắn ông Grätjens biết cặn kẽ tòa nhà này nên mới lạnh lùng nói như vậy; đồng thời ông ta cuộn tròn bàn tay lại như ngắm bức tranh sơn dầu.

Chỗ ngồi sắp đặt theo nguyên tắc đàn ông, đàn bà xen kẽ nhau, người nhà ngồi lẫn với khách. Nhưng rồi cũng không theo được đúng như thế. Ví dụ như cặp vợ chồng cụ Överdieck vẫn ngồi kề gối nhau như thường lệ, thỉnh thoảng hai cụ lại gật đầu nhìn nhau rất tình tứ. Cụ Kröger ngồi ưỡn thẳng người, giữa bà nghị Langhals và cụ bà Antoinette, luôn luôn múa tay trước mặt hai bà, nói những câu bông đùa đã được chuẩn bị từ trước.

— Tòa nhà này làm từ năm nào nhỉ? - Cụ Hoffstede ngồi chếch phía bên kia bàn, hỏi cụ Buddenbrook đang vui vẻ pha trò với bà Köppen.

— Để tôi xem thử nào!... Nếu tôi không nhầm thì vào khoảng năm... năm 1680. Ngày tháng thì ông con giai tôi nhớ rõ hơn tôi.

— Năm tám hai chứ ạ! - Ông tham nói giọng quả quyết, rồi cúi người về phía trước. Ông ngồi cuối bàn, cạnh ông nghị Langhals, bên kia không có ai là phụ nữ. - Làm xong mùa đông năm 1682. Bấy giờ, Công ty Ratenkamp đang lên dốc, phát tài lắm... Có đau xót không! Ai ngờ một công ty như vậy, chỉ trong vòng hai mươi năm trở lại, đã sạch sành sanh, không còn gì!

Bất giác câu chuyện dừng lại. Im lặng khoảng ba mươi giây. Ai nấy chăm chú nhìn vào chiếc đĩa trước mặt, nghĩ đến cái gia đình từng hiển hách một thời ấy. Họ xây tòa nhà này, ở bao nhiêu năm rồi, không ngờ về sau lại sa sút, nghèo túng đến nỗi không thể không dọn đi nơi khác...

— Hừ! Đau lòng thật! - Ông Grätjens nói, giọng vô cùng thương tiếc - Các vị nghĩ cho kỹ thì sẽ biết sai lầm nào đã đưa họ đến chỗ sa sút như thế kia. Giả thử lúc bấy giờ ông Dietrich Ratenkamp không mời cái lão Geelmaack ấy góp cổ phần vào thì nhất định ông ta sẽ không đến nông nỗi này! Khi cái lão ấy nắm quyền hành thì tôi đã lo lo trong bụng. Tôi biết việc này là qua một người rất đáng tin cậy, các vị ạ! Lão ta làm liều đầu cơ mà không hề cho ông Ratenkamp hay biết gì hết. Không những thế, lão ta còn lấy danh nghĩa công ty mở tài khoản ở nhà băng này, nhà băng nọ... Cuối cùng, bị bại lộ... không được nhà băng tín nhiệm nữa. Tiền dự trữ của công ty cạn... Quả thật, các vị không thể tưởng tượng nổi là ai đã quản lý kho hàng? Chắc cũng lại là lão Geelmaack đấy thôi! Bọn họ làm tổ như chuột ở đấy, hết năm này qua năm khác. Ấy thế mà ông Ratenkamp không hề để ý gì đến cả.

— Ông ta như người bị tê liệt! - Ông tham nói, mặt thoáng đượm vẻ buồn rầu, rồi hơi cúi về phía trước, lấy thìa quấy xúp, thỉnh thoảng đảo đôi mắt ti hí, sâu và tròn nhìn những người ngồi trong bàn tiệc.

— Ông ta như bị một gánh nặng đè lên người. Tôi nghĩ: cái cảm giác phải đỡ lấy cái gánh nặng đó như thế nào, thì dễ biết lắm. Cái gì buộc ông ta phải gắn bó với lão Geelmaack, con người vốn liếng chẳng có là bao nhiêu, nhưng tiếng tăm thì vô cùng lừng lẫy? Chắc là ông ta cần bất cứ người nào có thể gánh bớt cái gánh nặng ấy cho ông ta, vì ông ta biết ông ta đang lao xuống dốc không sao kìm lại được! Cái công ty ấy bị phá sản rồi, dòng họ lâu đời ấy sa sút, lão Geelmaack chỉ là người cuối cùng đứng bên lề đường xô ông ta ngã nhào xuống mà thôi!

Mục sư Wunderlich tươi cười rót rượu vang vào cốc bà bạn ngồi cạnh và cốc mình, rồi nói:

— Ông tham thân mến này! Có phải là ông cho rằng dù không có lão Geelmaack và những việc bậy bạ lão ta làm, thì sự thể vẫn dẫn đến kết quả thế kia chứ gì?

— Có lẽ không hẳn như vậy - Ông tham trầm ngâm một lát rồi nói giữa trời - Nhưng tôi cho việc ông Dietrich Ratenkamp đánh bạn với lão Geelmaack cũng là tất nhiên thôi, không tránh khỏi được. Vận mệnh của ông ta phải dựa vào sự thể ấy mới thể hiện rõ ràng... Nhất định là do cái sức ép tất nhiên, không sao chống nổi ấy, ông ta mới làm như vậy... Tôi quả quyết rằng ít nhiều ông ta cũng biết ông bạn của ông ta đã làm những trò gì. Tình hình kho hàng thế nào, cũng không phải ông ta không biết tí gì hết. Chẳng qua là ông ta như người bị tê liệt nên mới...

— Thôi, đủ rồi![22] anh Jean ạ - Cụ Buddenbrook bỏ cái thìa xúp xuống - Đó là ý kiến của anh.

Ông tham cười, vẻ không để ý đến chuyện ấy lắm rồi nâng cốc rượu về phía ông bố. Cụ Lebrecht Kröger nói:

— Thôi chúng ta hãy nói đến những chuyện vui hiện tại thôi!

Cụ vừa nói vừa cầm lấy cổ chai rượu trắng, có cái nút in hình chú hươu con bằng bạc để trước mặt, với một động tác thật nhẹ nhàng, uyển chuyển, rồi giơ nghiêng nghiêng lên nhìn tấm nhãn có mấy chữ C.F KÖPPEN. Đọc xong, cụ quay sang phía ông chủ hiệu rượu vang, gật đầu nói:

— Ôi chao, không có ông thì chẳng thành cái gì hết!

Một món ăn đựng trong đĩa sứ Meissen viền chỉ vàng được bưng lên bàn tiệc. Cụ bà Antoinette đưa cặp mắt sắc nhìn các cô hầu gái thay thức ăn. Chị Jungmann truyền lệnh qua cái loa liên lạc phòng ăn với nhà bếp. Lần này là món cá. Mục sư Wunderlich vừa thận trọng lấy thức ăn vào đĩa mình vừa nói:

— Có được cuộc vui hôm nay cũng không phải dễ dàng gì đâu. Chắc các ông các bà còn ít tuổi cùng dự tiệc vui với bọn già chúng tôi hôm nay không tưởng tượng nổi điều đó. Sự việc có thể đã diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn khác hẳn như bây giờ... Tôi xin táo tợn nói một câu, mấy lần vận mệnh bản thân tôi gắn liền với vận mệnh gia đình cụ Buddenbrook... Mỗi khi nhìn thấy những thứ này - Nói đến đây, ông ta vừa quay đầu sang phía cụ bà Antoinette vừa cầm cái thìa bạc nặng chình chịch lên - mỗi khi nhìn thấy những cái thìa này, tôi không khỏi tự hỏi: “Đây có phải là bộ đồ ăn mà năm 1806, nhà “triết học” Lenoir, bạn của chúng ta, đã cầm trong tay không? Có lẽ là bộ đồ viên sĩ quan hầu cận hoàng đế Napoleon đã cầm trong tay không? Thế là tôi liền nhớ lại cảnh chúng ta gặp nhau ở phố Alf, bà...

Cụ bà Buddenbrook cúi đầu xuống cười. Tuy cụ bà có vẻ ngượng, nhưng rõ ràng là cụ bà đang nhớ lại quá khứ xa xăm kia. Tom và Tony ngồi cuối bàn, vốn không thích ăn cá, chăm chú nghe người lớn nói chuyện, bỗng reo ầm lên:

— Phải rồi, bà nội kể chuyện đi!

Mục sư biết cụ bà không muốn kể lại cuộc gặp gỡ không lấy gì làm vui vẻ ấy, bèn bắt đầu kể thay. Câu chuyện này, trẻ con nghe hàng trăm lần không thấy chán, huống hồ biết đâu trong bữa tiệc này, lại chả có một vài người chưa nghe...

— “Như thế này này! Các vị tưởng tượng một buổi chiều tháng một, trời giá lạnh, mưa như trút nước. Làm xong mọi công việc ở nhà thờ về, tôi đang đi trên phố Alf, đầu óc nghĩ đến cảnh gian khổ thời ấy. Công tước Blücher đi rồi, lính Pháp đang đóng trong thành phố. Bề ngoài thì vẫn êm ả, nhưng ai cũng nơm nớp lo sợ. Đường phố vắng tanh, không một bóng người. Ai nấy ngồi ru rú ở nhà, đề phòng những việc không hay có thể xảy ra. Anh hàng thịt Prahl chỉ vì đút tay túi quần, đứng ở cửa, giận dữ chửi đổng một câu: “Chó má thật? Không còn pháp luật gì nữa!” tức thì “pằng” một tiếng, một viên đạn xuyên qua sọ!... Lúc đó, tôi nghĩ thầm trong bụng: “Mình bớt chút thì giờ đến thăm gia đình ông bạn Buddenbrook, an ủi ông bà ấy một vài câu. Ông đang mọc cái nhọt ở đầu, không dậy được, lính tráng lại đóng ngay trong nhà, chắc thế nào bà cũng gặp những chuyện bực dọc”.

“Các vị thử đoán xem, giữa lúc đó, người nào đang đi về phía tôi? Chính bà Buddenbrook sang trọng của chúng ta. Trông thiểu não quá! Bà đầu trần, khoác áo choàng trên vai, đi vội vã giữa mưa. Không phải bà đi, mà bước thất thểu, đầu tóc rối bù... Đúng như thế, không sai chút nào, bà nhỉ! Đầu tóc rối bù, không chải.

“Thật là may quá! Tôi đang định đến đằng nhà thăm bà đấy!” Tôi nói. Vì bà không nhìn thấy tôi, nên tôi đành mạo muội kéo tay bà lại. Tôi đã cảm thấy có chuyện gì không hay xảy ra... “Bận như thế mà đi đâu vậy hở bà bạn thân mến?”. Bà nhận ra tôi, nhìn tôi hồi lâu mới thốt được một câu: “Ông đấy à!... Xin chào ông nhé! Thế là hỏng hết! Tôi đi nhảy xuống sông Trave đây!”.

“Chúa không cho phép đâu đấy!”. Tôi nói và cảm thấy mặt mình tái mét. “Đó không phải là chỗ bà đến đâu, bà Buddenbrook thân mến ạ! Có chuyện gì thế bà?”. Tôi vừa nói vừa giữ chặt bà lại, trong phạm vi mà sự lễ độ cho phép.

“Chuyện gì à?” Bà gào lên, người cứ run cầm cập “Họ đang cướp hết bộ đồ bạc của nhà tôi rồi. Ông Wunderlich ơi! Chỉ có thế thôi! Ông nhà tôi đang mọc nhọt, không thể dậy được, không giúp gì tôi được cả! Vả lại, có dậy được thì ông ấy đã làm được gì? Chúng nó cướp muỗng nĩa của tôi, cướp bộ đồ ăn bằng bạc của tôi rồi đấy, ông Wunderlich ạ! Tôi đi nhảy xuống sông Trave đây!”.

Tôi vẫn giữ chặt bà lại không buông ra, rồi nói một vài câu an ủi, mà trong những trường hợp như vậy, không thể không nói.

Tôi bảo: “Hãy dũng cảm lên, bà Buddenbrook thân mến ạ! Rồi đâu sẽ vào đấy cả! Chúng ta sẽ nói chuyện với họ. Bà không nên quá xúc động! Tôi van bà! Chúng ta về đi!”. Thế là tôi đưa bà về nhà. Cảnh tượng vẫn y hệt như lúc bà đi khỏi nhà: ở phòng ăn trên gác hai, một bọn lính đang phá cái hòm lớn đựng toàn đồ dùng bằng bạc.

Tôi lễ phép hỏi: “Thưa các ông, tôi có vài lời muốn thưa chuyện, vậy có thể nói với vị nào ở đây?”. Bọn họ cười ồ lên, nói với tôi: “Nói với chúng tớ, ông già ạ!”. Nhưng ngay lúc đó, có một người bước ra. Hắn gầy và cao như một thân cây, để bộ ria mép rậm rì, hai cánh tay hồng hào to béo duỗi ra khỏi ống tay áo viền vải xanh lá cây:

“Ta, Lenoir”. Hắn tự giới thiệu, rồi giơ tay trái lên chào, vì tay phải đang cầm năm sáu cái thìa bạc. “Sĩ quan hầu cận Lenoir. Ông cần hỏi gì?”.

“Thưa ngài sĩ quan”. Tôi muốn dùng thể diện con người để ngăn chặn hắn lại. “Ngài không cảm thấy việc ngài làm không hợp với địa vị cao sang của ngài hay sao?... Thành phố chúng tôi lúc nào cũng thành tâm thành ý thuần phục Hoàng đế...”.

“Ông nói vậy là thế nào?” hắn trả lời, “Chiến tranh là chiến tranh! Bọn lính chúng tao cũng biết dùng những thứ này...”.

“Các ông cũng nên thận trọng một tí!”. Tôi cắt ngang lời hắn. Lúc bấy giờ, tôi cuống lên nên nảy ra ý định nói những lời mà ai lâm vào hoàn cảnh đó cũng phải nói như vậy. “Bà này... Bà chủ ngôi nhà này không phải người Đức đâu. Có thể nói bà đây là người cùng quê với ngài. Bà ấy là người Pháp”.

“Thế nào? Người Pháp à?”. Hắn hỏi lại. Các vị thử đoán xem cuối cùng tên lính già xảo quyệt này nói gì nào? Hắn bảo: “Trốn sang đây, phải không? Như vậy thì bà ta là kẻ thù của triết học rồi!”.

Suýt nữa tôi bật cười, nhưng tôi cố kìm lại được. Tôi nói với hắn: “Ngài quả là một con người thông minh. Tôi xin nói thêm câu nữa, tôi cảm thấy hành động đó của ngài đã làm ngài mất thể diện!”.

Hắn im lặng một lúc, rồi bỗng đỏ bừng mặt lên. Hắn ném năm sáu cái thìa cầm trong tay vào hòm, rồi nói bô bô: “Ta chỉ xem xem thôi mà! Ai bảo là ta có ý định gì khác? Những cái này đẹp đấy! Nếu trong bọn chúng tao có ai lấy chiếc nào làm kỷ niệm...”.

Bọn chúng nó đã lấy rất nhiều chiếc làm kỷ niệm. Dù van xin chúng nó hãy nghĩ đến lương tâm, nói cho chúng nó biết là Đức Chúa Trời cầm cân nảy mực ở trên thế gian này, cũng chả có ích gì hết!... Chắc ngoài cái thằng choăn choắt đáng sợ kia[23], chúng nó không còn tin vào Đức Chúa Trời nào khác nữa!”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx