sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 2 - Chương 1

Hai năm rưỡi sau, vào trung tuần tháng tư. Năm nay xuân về sớm hơn mọi năm. Bấy giờ, gia đình cụ Buddenbrook bỗng xảy ra một việc. Việc ấy khiến cụ thích thú lắm, ca hát suốt ngày, người con trai cụ cũng vui như nở hoa trong bụng.

Một buổi sáng chủ nhật, khoảng chín giờ, ông tham ngồi trước cái bàn giấy to, đánh véc-ni, kê trước cửa sổ phòng ăn sáng. Nắp bàn hình vòng cung được đẩy vào giữa lòng bàn bằng một cái máy tinh xảo. Trước mắt ông là chiếc cặp da dày cộp, đựng giấy tờ căng phồng. Nhưng ông lấy trong đó ra một quyển sổ ghi chép, bìa các tông ép, in hoa văn nổi, xung quanh viền vàng, chứ không phải giấy tờ gì khác. Ông mải miết cúi đầu xuống ngoáy bút viết, chữ nho nhỏ rất đẹp. Trừ những khi chấm cái bút lông ngỗng vào lọ mực bằng kim loại nặng chình chịch, ông không nghỉ tay phút nào cả.

Hai cánh cửa sổ mở rộng, gió xuân từ vườn hoa mang theo mùi thơm tươi mát, dịu dàng thổi vào nhà, thỉnh thoảng khẽ lay động tấm rèm che. Ngoài vườn, những bông hoa nụ đang tắm mình trong nắng ấm. Một đôi chim không sợ sệt gì ai, cứ ríu rít gù nhau. Ánh nắng rọi vào nhà, chiếu xuống chiếc khăn bàn ăn trắng như tuyết và các đường viền vàng óng ánh trên những đồ sứ cổ, chói cả mắt...

Hai cánh cửa thông sang phòng ngủ mở rộng; nghe rõ tiếng cụ Buddenbrook đang khẽ hát bài hát hài hước cũ:

Người này vừa thật lại vừa nhanh,

Vui tươi, hòa nhã mọi người ưa,

Khéo đưa nôi, khéo nấu canh, Duy chỉ ngửi thấy toàn mùi chanh, Vừa đắng lại vừa chua...!

Cụ ngồi cạnh chiếc nôi nhỏ có treo cái màn gấm màu xanh lá cây đặt cạnh giường bà tham vẫn đang buông màn xuống, tay đưa đi đưa lại nhịp nhàng. Hai vợ chồng bà tham dọn tạm xuống đây để đầy tớ đỡ phải lên xuống. Còn căn phòng thứ ba tầng gác giữa thì nhường cho cụ ông cụ bà. Cụ bà Antoinette choàng tạp dề ngoài cái áo kẻ sọc, đội chiếc mũ lụa trên mái tóc dày, bạc trắng và xoăn tít, đang bận thu xếp các bộ quần áo may bằng nhung và vải lanh Pháp, chất đầy cái bàn kê phía sau.

Ông tham Buddenbrook chăm chú viết, hình như không hề nhìn sang căn phòng bên cạnh. Thái độ chân thành gần như đau khổ của ông làm cho nét mặt ông trở nên nghiêm nghị. Miệng ông hơi hé, cằm hơi xệ xuống, nước mắt thỉnh thoảng trào ra. Ông viết:

“Sáu giờ sáng hôm nay, 14 tháng 4 năm 1838, Elisabeth Kröger, vợ yêu quý của tôi, nhờ Chúa phù hộ, sinh đặng một con gái, bình yên vô sự. Làm lễ rửa tội xong, sẽ đặt tên cháu là Klara. Quả thật, Chúa đã nhân từ phù hộ cho vợ tôi, bởi vì, theo bác sĩ Grabow chẩn đoán thì cháu thiếu tháng, khi lâm sản, vợ tôi không được khỏe nên đau dữ lắm. Ôi! Hỡi Chúa tể của Chư thần! Ngoài Người ra, liệu ai có thể cứu giúp chúng con thoát khỏi cơn gian nguy như thế, dạy cho con hiểu được ý Người, để chúng con kính sợ Người! Ôi! Lạy Chúa, Người hãy dẫn dắt chúng con, chỉ bảo cho chúng con! Chúng con còn sống trên đời này một ngày thì...”

Cây bút của ông vẫn tiếp tục trên giấy, thành thạo trôi chảy, thỉnh thoảng lại viết một chữ hoa theo thói quen của các thương gia. Ông chuyện trò với Thượng đế dòng này sang dòng khác. Hai trang sau, ông viết như thế này:

“Tôi viết cho con gái nhỏ của tôi cái giấy bảo hiểm một trăm năm mươi thaler. Lạy Chúa! Chúa hãy dẫn dắt nó đi theo đường thẳng của Chúa, và cho nó một trái tim trong sạch để mai sau nó cũng được bước vào chốn Thiên đường cực lạc! Chúng ta biết rằng muốn cho lòng yêu Chúa của chúng ta hoàn toàn xuất phát từ Chúa là điều hết sức khó khăn, vì lòng chúng ta trần tục và yếu đuối...”.

Ba trang sau, ông tham viết hai chữ “A-men”, cây bút vẫn chưa dừng, vẫn soạt soạt nhẹ nhàng, chạy suốt mấy trang nữa. Ông ghi những câu như, nào là dòng suối ngọt ngào làm cho khách lữ hành hết mệt mỏi; nào là vết thương rỉ máu của Chúa Cứu thế; nào là con đường khúc khuỷu, quanh co; nào là con đường rộng rãi, thênh thang; nào là sự quang vinh của Thượng đế. Chúng tôi không định giấu giếm một điều gì. Có lúc, ông tham viết xong một đoạn dài, quả thực cảm thấy đã đủ rồi, định dừng bút đi vào phòng vợ hoặc đến chỗ làm việc, nhưng dừng làm sao được! Ông đang nói chuyện với Đấng Sáng thế, Đấng Cứu thế của ông, làm sao có thể mệt mỏi nhanh chóng như vậy được? Nếu bây giờ dừng bút thì có khác nào thôi không hiến dâng lên Chúa chút lòng thành kính đó! Ông lại trích nhiều chương dài trong Kinh thánh, ông cầu nguyện cho cha mẹ, vợ con, và cho chính ông, đồng thời cũng cầu nguyện cho cả anh Gotthold nữa. Cuối cùng, trước khi kết thúc, ông lại trích một câu châm ngôn trong Kinh thánh, viết ba chữ A-men, rắc bột vàng vào những chỗ vừa viết, thở phào một cái, ngả người vào lưng tựa.

Ông bắt tréo chân thong thả lật ngược các trang trong quyển sổ, dừng lại đây đó đọc một vài đoạn ghi chép sự việc hoặc ghi chép tâm tư, chính tay ông viết ra. Đọc xong mỗi đoạn, ông càng cảm thấy rộn ràng vui sướng trong lòng và vô cùng biết ơn Thượng đế bởi vì dù gặp cơn hoạn nạn nào, Thượng đế cũng đã cứu ông thoát khỏi. Có lần, ông bị bệnh đậu mùa rất nặng, ai cũng cho là không thể chạy chữa nổi, ấy thế mà ông vẫn sống! Lại có lần, vẫn là hồi còn nhỏ, đi xem nhà nọ sửa soạn đám cưới, gặp lúc người ta đang nấu rượu (lúc bấy giờ có tập quán lâu đời tự nấu lấy rượu ở nhà), một cái thùng gỗ dùng nấu rượu để trước cửa lớn chẳng biết thế nào mà lại lật nhào đổ rầm một cái vào đầu chú bé. Những người xung quanh nghe thấy giật mình kinh hãi, vội chạy tới. Sáu anh lực lưỡng đưa hết sức ra mới dựng cái thùng dậy được. Đầu chú bé bị thương nặng lắm, máu tươi cứ chảy theo cánh tay và chân xuống đất ròng ròng. Người ta khiêng chú vào một cửa hàng. Thấy chú còn thở thoi thóp, họ bèn cho đi mời thầy thuốc. Ai nấy đều an ủi bố chú bé chẳng qua là số trời định. Xem chừng chú không còn hy vọng sống nữa!... Nhưng rút cục thế nào? Khi chạy chữa, Thượng đế cao cả và vạn năng đã ra phép lạ, cứu chú khỏi! Hồi tưởng những chuyện bi thảm ấy xảy ra hồi nhỏ, ông tham lại cầm bút lên viết thêm một dòng nữa sau chữ A-men cuối cùng:

“Lạy Chúa, con sẽ mãi mãi ca ngợi Người!”.

Lại một chuyện nữa xảy ra lúc ông còn trẻ. Bấy giờ, ông đang trên đường đi đến Bergen, cũng may nhờ có Thượng đế cứu mà sống sót được! Về chuyện ấy, trong quyển sổ ghi lại như sau:

“Mỗi lần nước thủy triều dâng lên thì thuyền chở hàng đi Bắc hải vào cảng, họ phải mất khá nhiều công sức mới có thể lách qua được những chiếc xà lan chặn kín đường để cập bến. Bấy giờ tôi đang đứng trên mạn một chiếc thuyền đáy bằng, chân giẫm lên cọc chèo, lưng tựa vào cái phao cấp cứu, ra sức chèo vào bến. Bỗng cái cọc chèo bằng gỗ sồi ấy gãy, tôi lộn nhào xuống nước. Khi ngoi lên được mặt nước lần đầu, những người gần đến đấy không ai với tới kéo tôi lên. Khi ngoi lên được mặt nước lần thứ hai, một chiếc thuyền đáy bằng đi qua đầu tôi. Người trên thuyền ai cũng muốn cứu tôi, nhưng trước hết họ phải lái chiếc thuyền ra khỏi chiếc xà lan gần đó để cho cả hai chiếc khỏi đè lên đầu tôi. Lúc bấy giờ, nếu như dây neo của chiếc xà lan kia không đứt sẵn thì họ không thể nào tách hai chiếc ra được. Chiếc xà lan đứt dây neo, trôi giạt ra, nhờ Chúa phù hộ, tôi mới được ở giữa chỗ trống. Lần thứ ba, tuy tôi không thể nhô lên khỏi mặt nước được nữa, nhưng người ta nhìn thấy tóc tôi, vội nằm bẹp xuống hai bên mạn thuyền, cúi xuống mò. Một người nằm đầu mui túm được tóc tôi, nhân đà đó tôi bíu lấy tay người ấy, nhưng người ấy nằm ở một chỗ không vững, cứ lảo đảo, phải la ầm lên: những người kia nghe thấy, chạy tới đè lên lưng. Tôi bíu chặt tay người ấy không thả ra, người ấy hoảng quá phải cắn vào tay tôi... Như thế là cuối cùng tôi được kéo lên khỏi mặt nước...”.

Phía dưới là một đoạn ghi những lời cầu nguyện tỏ lòng cảm tạ.

Đọc xong, ông tham nước mắt tràn trề.

Ở một đoạn khác, ông viết: “Nếu tôi muốn bộc bạch tình cảm của tôi thì tôi có thể dẫn ra đây vô số chuyện. Có điều...”. Ông lật trang này, giở sang những trang viết về tuần trăng mật của hai vợ chồng ông, về những ngày đầu tiên khi ông mới làm bố, đọc một vài đoạn. Thật tình mà nói thì ông lấy vợ không phải vì yêu đương như người ta thường nói. Ông bố vỗ vào vai con trai bảo anh chú ý cô con gái họ Kröger giàu có, cô ta sẽ mang lại cho công ty một khoản tiền hồi môn lớn đấy! Anh làm theo lời bố. Từ đó, anh nghĩ rằng cô ta là người bạn đời đã được Chúa chỉ định trước, nên rất mực thương yêu, tôn trọng vợ.

Bố ông, cụ Buddenbrook, lấy người vợ thứ hai cũng trong hoàn cảnh y như vậy.

Người này vừa thật lại vừa nhanh, Vui tươi, hòa nhã mọi người ưa...

Cụ đang hát khe khẽ trong phòng ngủ. Đáng tiếc là cụ không thích ghi vào quyển sổ cũ kỹ này mấy. Hai chân cụ giẫm chắc vào hiện tại, cụ ít quan tâm đến những chuyện quá khứ của gia đình, mặc dù trước kia, thỉnh thoảng cụ cũng ghi chuyện này chuyện nọ vào quyển sổ viền vàng, dày cộp ấy bằng những nét chữ rất đẹp của mình. Những đoạn ghi chép ấy chỉ liên quan đến người vợ trước của cụ mà thôi.

Ông tham giở đến phần đó. Giấy ở phần này dày hơn thô hơn những trang ở phần ông đang ghi chép, và đã ngả sang màu vàng úa. Đúng như thế, cụ Buddenbrook rất yêu người vợ trước, con gái một thương gia ở Bremer. Hai vợ chồng chỉ sống với nhau được có một năm ngắn ngủi, nhưng đó chính là những ngày đẹp nhất trong đời cụ. “Năm hạnh phúc nhất trong đời tôi”[58] cụ viết như vậy và gạch dưới câu ấy. Cụ không hề nghĩ đến việc cụ bà Antoinette sau này sẽ đọc dòng chữ kia...

Sau đó, Gotthold ra đời. Cậu bé đã làm cho bà Josephinen thiệt mạng... Về chuyện ấy, trên những trang giấy sần sùi này đã ghi lại những điều rất kỳ lạ. Hình như cụ Buddenbrook không hề giấu giếm chút gì về lòng căm giận của mình đối với cậu bé vừa oa oa tiếng khóc chào đời, từ lúc cậu ta còn là cái thai nằm trong bụng mẹ cựa quậy làm mẹ vô cùng đau đớn khổ sở, cho đến khi cậu ta lọt khỏi lòng mẹ, khỏe mạnh, còn bà Josephinen thì mặt tái nhợt, nằm úp vào đống gối, từ giã cõi đời. Chưa bao giờ cụ có ý nghĩ tha tội cho cậu bé vừa bước vào đời đã hung hăng đến nỗi giết chết mẹ! Trái lại, Gotthold ngày càng khỏe mạnh, rắn rỏi và khôn lớn. Ông tham không sao hiểu nổi tâm trạng đó của bố. Ông cho rằng bà mẹ tuy qua đời nhưng đã làm trọn thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ. Ông nghĩ: “Giá là mình thì mình sẽ dồn hết tình thương yêu đầm ấm đối với vợ sang đứa con nhỏ bé mà người vợ đó đã để lại”... Nhưng ông cụ lại coi đứa con trai đầu lòng là kẻ đã phá hoại hạnh phúc của mình. Sau một thời gian, cụ lấy bà Antoinette Duchamps, con một gia đình giàu sang, có địa vị ở Hamburg. Hai vợ chồng sống trong tình thương yêu kính trọng lẫn nhau...

Tiện tay, ông tham lại giở tiếp. Cuối cùng, ông đọc phần ghi về con cái mình: Tom lên sởi. Antonie mắc bệnh hoàng đởm, Christian lên đậu rồi khỏi. Ông lại đọc sang chỗ ghi những chuyến đi du lịch nước ngoài: đến Paris, đến Thụy Sĩ, đến Marienbad, nơi này, ông cùng đi với vợ. Ông lại giở ngược lên những trang ở phía trên cùng, dày cộp tựa da dê, thủng lỗ chỗ. Ở đây có nét chữ mực đã phai của ông nội. Mở đầu là những trang ghi lại gia phả lâu đời của một chi thuộc dòng họ này. Được biết là cuối thế kỷ mười sáu, cụ tổ đầu tiên họ Buddenbrook đến ở Parchim. Con trai cụ tổ làm quan tham ở thành phố Grabau. Ngoài ra, một người nữa, cũng thuộc dòng họ Buddenbrook, làm nghề thợ may, nhà rất giàu (chữ này có gạch dưới), lấy vợ ở Rostock, sinh nhiều con, trong số đó có mấy người chết yểu. Lại một người nữa buôn bán ở Rostock, ông này cũng đặt tên là Johann. Cuối cùng, trải qua mấy đời, ông nội ông tham mới dọn đến đây, mở hiệu buôn ngũ cốc. Sự tích về ông nội thì đã được ghi rõ ràng: lúc nào phát ban, lúc nào bị bệnh đậu mùa, lúc nào ngã từ gác ba xuống lò sấy, mặc dù rất có thể đâm vào xà ngang chết tươi, nhưng rồi cũng thoát khỏi cảnh thập tử nhất sinh đó, và lúc nào thì lên cơn sốt, đầu óc bừng bừng như sắp điên loạn. Những việc đó đều được ghi tỉ mỉ, không sót một chi tiết nào. Ông nội lại còn ghi lại nhiều điều khuyên răn dạy bảo con cháu đời sau, trong đó có một câu viết rất to, bằng mực đen, đóng khung, đập ngay vào mắt: “Các con ơi! Ban ngày các con hãy chăm chỉ làm ăn nhưng chớ làm điều gì hổ thẹn với lương tâm để ban đêm được ngủ ngon lành!”. Ngoài ra, ông nội còn dặn là ông có một quyển Kinh thánh rất cổ, xuất bản ở Wittenberg, nhất thiết phải truyền lại cho con trưởng, và về sau, đời này qua đời khác, cũng con trưởng được thừa kế...

Ông tham Buddenbrook kéo cái cặp da lại gần, rút tập giấy khác ra, chọn xem, trong đó có lá thư của bà mẹ gửi cho con trai đang đi du lịch ở nơi xa xôi. Vì lâu năm, lá thư đã nhàu nát và ngả màu vàng. Trong thư còn có dòng chữ của người nhận viết: “Nhận được lời dạy bảo, xin vâng lời”. Ngoài ra, còn có giấy chứng nhận thị dân, do thành phố Hansestadt cấp, trên vẽ những đường hoa văn, đóng dấu đỏ; giấy bảo đảm con dấu, thơ chúc mừng, và thư của người nào đó mời người trong gia đình Buddenbrook làm bố đỡ đầu. Lại còn có thư của con trai từ Stockholm hoặc Amsterdam gửi về cho ông bố và những người chung cổ phần nói chuyện buôn bán làm ăn, lời lẽ đầy tình cảm, thư báo tin giá lúa mì đã ổn định, rất là phấn khởi, đồng thời cũng trình bày một số yêu cầu cần thiết, hỏi thăm sức khỏe vợ con... Lại còn có cả quyển nhật ký của ông tham ghi chuyến đi du lịch nước Anh và Brabant, bán các loại cỏ cây, in kẽm. Lại còn có cả bức thư của anh Gotthold gửi cho ông bố, giọng đầy phẫn uất, đọc mà phiền não, và bài thơ chúc mừng của cụ Jean Jacques Hoffstede với đoạn kết hết sức vui.

Một hồi chuông lanh lảnh dồn dập từ trong một bức tranh treo phía trên bàn giấy vọng ra. Bức tranh dầu, màu sắc ảm đạm, vẽ ngôi nhà thờ và cái chợ cổ kính, trên nóc nhà thờ gắn cái đồng hồ chuông thật, bé tí tẹo. Lúc bấy giờ nó gõ mười một tiếng rành rọt. Ông tham gấp cái cặp da đựng đầy giấy tờ, cẩn thận cất vào ngăn kéo ngầm rồi bước vào phòng ngủ.

Chung quanh bốn bức tường trong phòng ngủ treo màn vải vẽ những bông hoa màu thẫm, to tướng, ngay cả tấm màn to treo ở giường sản phụ cũng may thứ vải đó. Không khí ở đây là không khí yên lặng, thoải mái, sau những giờ phút lo sợ khủng khiếp. Lò sưởi sưởi ấm căn phòng sực mùi nước hoa lẫn mùi thuốc. Những tia sáng mờ mờ lọt qua rèm cửa sổ đóng chặt.

Cụ ông, cụ bà đứng cạnh cái nôi, cúi xuống ngắm nhìn đứa bé đang ngủ say. Bà tham mặc cái áo ngắn thêu hoa rất đẹp, mái tóc màu nâu chải gọn. Mặt bà còn xanh, nhưng luôn luôn hé nở những nụ cười đầy hạnh phúc. Bà đưa cánh tay xinh đẹp ra phía chồng đang đi tới, những vòng xuyến vàng đeo ở cổ tay chạm vào nhau, khẽ kêu leng keng. Lúc đưa tay, bà thường có thói quen để ngửa lòng bàn tay ra, làm cho dáng điệu của bà càng trở nên thân mật.

— Bethsy, sức khỏe em thế nào?

— Em khỏe lắm, anh Jean ạ!

Ông nắm tay vợ, bước lại gần hơn, đứng đối diện cụ ông, cụ bà, rồi cúi xuống nói. Nghe tiếng thở gấp gấp của đứa bé có đến một phút, ông hít hơi thở ấm áp đầy mùi sữa của nó, lòng xúc động không sao kể xiết.

— Thượng đế mừng cho con!

Ông vừa nói khẽ vừa hôn lên trán đứa trẻ. Ông thấy ngón tay bé tí tẹo, nhăn nheo, vàng vàng của nó giống hệt móng chân gà.

— Con bé ăn khỏe lắm! - Cụ bà Antoinette nói - Xem, nó nhớn trông thấy!...

— Cả nhà có tin nó giống bà nội nó không nào? - Vì sung sướng và tự hào, hôm nay mặt cụ Buddenbrook tươi hẳn lên - Hai con mắt nó đen nhánh, trong vắt.

Cụ bà không muốn thừa nhận lời cụ ông nói là đúng.

— Đâu nào! Bé thế thì làm gì biết được giống ai! Anh chưa đi nhà thờ hả, anh Jean?

— Vâng, mười giờ rồi đấy, con đang chờ các cháu...

Lũ trẻ đứng ngoài lên tiếng ngay. Chúng làm ồn lên ở cầu thang. Nghe tiếng Klothilde bảo chúng im lặng, nhưng lũ trẻ đã chạy vào phòng rồi. Chúng nó mặc áo da vì giờ này ở nhà thờ Sankt Marien vẫn giá lạnh như giữa mùa đông. Chúng bước rón rén, rất khẽ, một là sợ đánh thức em dậy, hai là trước khi đến nhà thờ làm lễ, không được nghịch ngợm. Đứa nào mặt mày cũng vui sướng mà trở nên hồng hào. Hôm nay là ngày vui lắm đấy! Chắc phải có một chú chim khách thật khỏe mới có thể mang em gái và bao nhiêu quà đến. Cái cặp sách bằng da cá sấu, cho Thomas; con búp bê tuyệt đẹp, to tướng, có tóc thật, cho Tony; quyển tranh màu, cho Klothilde biết vâng lời; nó cảm ơn lắm, nhưng nó vẫn lặng lẽ mân mê túi kẹo là món quà thứ hai cho nó. Christian được một hộp đồ chơi toàn con rối, nào là vua Thổ Nhĩ Kỳ, thần chết và ma quỷ.

Chúng nó rối rít hôn mẹ. Khi được phép, chúng rón rén nhìn vào phía sau cái màn gấm xanh màu lá cây. Ông tham khoác áo ngoài vào, tay cầm tập Kinh thánh; thế là lũ trẻ lặng lẽ, ngoan ngoãn đi theo bố đến nhà thờ. Lúc đó, sau lưng chúng vang lên tiếng khóc xé tai: vị thành viên mới ấy của gia đình vừa thức giấc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx