sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Mùa hè đến, mới khoảng tháng năm hoặc đầu tháng sáu, Tony Buddenbrook đến nhà ông bà ngoại ở ngoại ô. Lần nào đến ở đó, cô cũng mừng lắm.

Ở ngoài thành phố, lại được sống trong cái biệt thự trang hoàng vô cùng lộng lẫy ấy, thật là thú vị! Ở đấy, có những tòa nhà cao rộng, có dãy nhà ngang rất nhiều phòng, có chuồng ngựa, có vườn cây ăn quả, vườn hoa, vườn rau rộng mênh mông, thoai thoải chạy ra tận bờ sông Trave. Gia đình Kröger sang trọng lắm. Cảnh giàu sang ở đây khác cảnh giàu sang chân chất, hơi có vẻ cứng nhắc ở nhà bố mẹ Tony. Ông bà ngoại sống xa hoa hơn nhiều, cô tiểu thư Buddenbrook giữ một ấn tượng vô cùng sâu sắc về điểm ấy.

Ở đây, cô không phải giúp người khác làm việc vặt, dù trên nhà hay dưới bếp cũng vậy. Còn ở phố Meng, trừ ông nội và mẹ không để ý gì đến chuyện đó, chứ bà nội và bố thì thường hay rầy la cô, không bảo lấy phất trần phẩy bụi ở nơi nào đó, cũng bảo học tập người chị họ Klothilde biết vâng lời, có lễ độ, lại căn cơ, chăm chỉ. Lúc cô ngồi trên ghế xích đu sai khiến con sen thằng nhỏ là lúc tác phong đài các của dòng máu mẹ truyền sang người cô đang trỗi dậy. Nhà này, ngoài con sen thằng nhỏ, còn có hai cô gái rất trẻ và một anh xà ích hầu hạ cụ ông, cụ bà.

Nói thế nào thì nói, cứ sáng sớm tỉnh dậy, mở mắt ra thấy mình nằm trong một căn phòng rộng lớn, bốn vách xung quanh treo kín những tấm màn gấm thêu hoa, duỗi tay một cái là chạm vào cái chăn bọc gấm mềm mại, quả thật là sung sướng vô cùng! Lại nữa, ngồi trước ban công ăn sáng, không khí trong lành ngoài vườn hoa thổi qua cửa kính mở rộng; ngày nào cũng uống sô-cô-la thường dùng trong ngày lễ, chứ không phải cà phê hay trà; rồi ăn thêm miếng bánh ga tô mới hấp, dày cộp, cũng là chuyện đáng nói đến!

Tất nhiên, trừ ngày chủ nhật, Tony thường ngồi ăn sáng một mình, vì cô đi học một lúc lâu, ông ngoại bà ngoại mới ở trên gác xuống. Ăn bánh ga tô với sô-cô-la xong, Tony lấy cặp sách, bước xuống sàn, qua vườn hoa hồng ngăn nắp tề chỉnh ở cạnh đường, đi ra phố.

Cô bé Tony Buddenbrook rất xinh. Mái tóc dày xoắn tít, màu vàng nhạt, cứ bồng bồng dưới cái mũ cói. Càng lớn lên thì màu tóc từ vàng nhạt đổi sang vàng thẫm; đôi mắt xanh màu tro, tinh anh; đôi môi hơi bĩu ra một ít, làm cho khuôn mặt nhỏ bé xinh đẹp hơi có vẻ nghịch ngợm; cái vẻ nghịch ngợm ấy cũng lại thấy ở dáng người kiều diễm của cô; đôi chân thon thon đi tất trắng, khi bước thì cứ nhảy nhót như chim, người đưa đi đưa lại, đầy tự tin. Nhiều người quen biết cô con gái ông tham Buddenbrook, nên khi cô bước ra cổng vườn hoa, đến con đường râm mát hai bên trồng cây dẻ, nhiều người gặp, đều chào hỏi. Chị hàng rau, đội mũ cói rộng vành, thắt nơ màu hoa thiên lý, đẩy chiếc xe con chở đầy rau từ làng lên, thân mật hỏi: “Chào cô!”. Anh cu ly Matthiesen, người cao to, mặc áo ngắn màu đen, quần rộng ống, đi giày vải cài nút, trông thấy cô đi tới cũng lễ phép bỏ cái mũ cối xấu xí đội trên đầu xuống.

Tony dừng lại một lát, chờ Julchen Hagenström, cô bạn hàng xóm thường đi học với nhau. Julchen vai ngang, có đôi mắt to, đen nhánh, ở trong cái biệt thự có giàn nho xum xuê ngay bên cạnh. Gia đình ấy dọn đến đây chưa được bao lâu. Ông Hagenström, bố Julchen, vừa cưới một người con gái ở Frankfurt, còn trẻ lắm. Chị ta có mái tóc đen và rất dày, tai đeo hạt kim cương, trong thành phố không kiếm đâu ra hạt to như thế! Chị ta họ Semlinger. Ông Hagenström có cổ phần trong công ty xuất khẩu Strunck - Hagenström, lại thường nhiệt tình tham gia một số hoạt động trong thành phố. Tóm lại, ông là người có nhiều tham vọng, nhưng vì cuộc hôn nhân của ông, một số người có đầu óc thủ cựu như các ông Möllendorpf, Langhals và Buddenbrook, không chơi thân với ông lắm. Tuy ông cũng là người tích cực trong các Ủy ban, Hội ái hữu, hoặc Ban trị sự, nhưng vẫn không được lòng ai mấy. Hầu như ông đã dùng trăm phương nghìn kế đối nghịch với những danh môn cư tộc kia. Ông dùng đủ mánh khóe cản trở chủ trương của họ, thực hiện bằng được kế hoạch của ông, để họ thấy ông tài giỏi hơn họ và là người cần thiết không thể thiếu được. Khi nói đến ông, ông tham Buddenbrook thường bảo: “Cái lão Hinrich Hagenström ấy, chúa là hay gây phiền phức cho người khác!... Hình như lúc nào lão cũng chống lại mình! Sơ hở một cái là y như rằng kiếm chuyện ngay... Hôm nay, ở Tổng hội cứu tế, mắng cho một trận. Hôm kia ở Sở tài chính...”. Cụ Johann Buddenbrook tiếp thêm: “Thật là đồ tiểu nhân!”. Có một lần, lúc đang ăn cơm, hai cha con cụ bực bội và buồn thỉu buồn thiu... Chuyện gì vậy? Chà, có gì đâu! Họ hỏng mất một chuyến buôn lớn, chở lúa mạch sang Hà Lan, vì Strunck và Hagenström phỗng tay trên mất. Lão Hinrich Hagenström đúng là một con cáo!

Tony thường được nghe những chuyện như vậy, nên cũng không thể không ghét lây cả Julchen. Vì ở cạnh nhà nhau, hai cô rủ nhau đi học, chứ thường vẫn cãi nhau luôn.

— Ba tớ có những một nghìn thaler cơ! - Biết mình đang nói khoác nhưng Julchen vẫn nói - Ba cậu thế nào?

Vì đố kỵ và tự ti, Tony làm thinh. Một lúc lâu, cô lạnh nhạt nói:

— Hôm nay, mình uống sô-cô-la, thơm quá! Buổi sáng, cậu điểm tâm với gì, Julchen?

— Ồ, suýt nữa thì quên mất! - Julchen trả lời - Cậu thích ăn táo không? Ê, mình không cho cậu đâu nhé!

Nói xong, Julchen bĩu môi, đôi mắt đen nhánh long lanh vì tự mãn.

Cũng có khi Hermann, anh trai Julchen, lớn hơn hai tuổi, cùng đi học với hai cô. Ngoài ra, Julchen còn một anh nữa tên là Moritz, đau ốm luôn, mời thầy về nhà dạy. Hermann có mái tóc vàng ánh, nhưng mũi hơi tẹt. Cậu ta thở đằng miệng luôn cho nên môi lúc nào cũng mấp máy.

— Bậy nào! - Cậu bé nói - Ba tớ có trên một nghìn thaler cơ!

Hermann có một thứ Tony rất thích, tức là phần quà sáng để ăn lần thứ hai [59] cậu hay mang theo đến trường. Không phải bánh mì, mà là thứ bánh hình bầu dục, trong có chanh, bơ, nho khô, vừa mềm vừa dẻo, lại còn cặp xúc xích lưỡi lợn hoặc một lát lườn ngỗng. Hình như thứ bánh này rất hợp khẩu vị của cậu ta.

Đối với Tony thì đó là món ăn lạ. Bánh ga tô chanh, bơ cặp thịt ngỗng, thì quả là khiến người ta thèm đến nhỏ dãi! Hermann cho Tony nhìn vào cái hộp của mình; Tony không kìm được nữa, nói thẳng ra là muốn nếm thử một miếng xem sao.

Hermann nói:

— Hôm nay không thể cho cậu được, ngày mai tớ sẽ mang thêm một phần cho cậu, nếu bằng lòng mang cái gì đó đến đổi cho tớ!

Hôm sau, Tony đến ngõ, chờ năm phút. Nhưng Julchen vẫn chưa ra. Một phút sau, chỉ có Hermann đi ra một mình, cậu bé lắc cái hộp buộc dây da, miệng cứ mấp máy.

— Này! - Cậu ta nói - Trong này có bánh ga tô chanh cặp thịt ngỗng, toàn nạc, không có tí mỡ nào. Cậu đổi gì cho tớ?

— Một đồng schilling, được không? - Tony hỏi, cả hai đứa cùng đứng giữa con đường râm mát.

— Một đồng schilling à? - Hermann lặp lại. Bỗng cậu ta nuốt nước bọt, nói tiếp - Không được, mình thích cái khác cơ!

— Thích gì? - Tony hỏi, vì cái bánh ga tô ngon lành đó, thích gì cô cũng bằng lòng cả.

— Một cái hôn!

Hermann nói to, rồi đưa nhanh hai tay ôm Tony, hôn loạn xạ lên mặt và đầu, nhưng cậu ta vẫn không ghé sát vào mặt Tony được vì cô đã quay nhanh mặt ra phía sau, tay trái đưa cặp sách chặn lấy ngực Hermann, còn tay phải tát vào mặt cậu ta ba bốn cái rất mạnh. Cậu ta thất thểu lùi lại hai bước. Ngay khi đó, Julchen, em gái Hermann, từ sau thân cây nhảy bổ ra như một bóng ma, giận dữ chồm vào người Tony, giật mũ xuống, lấy tay cào vào mặt... Sau chuyện ấy, hai cô giận nhau một thời gian.

Tony cự tuyệt không cho Hermann hôn, không phải vì xấu hổ. Cô là một cô gái khá bạo. Tính tự do phóng túng của cô từng làm cho bố mẹ, nhất là ông tham, lo lắng. Cô thông minh, tiếp thu bài vở nhanh, nhưng hạnh kiểm vào loại kém, đến nỗi cô hiệu trưởng Agathe Vermehren cũng phải đến gặp gia đình ở phố Meng. Đi đường mệt mỏi, mồ hôi chảy đầm đìa, nhưng cô hiệu trưởng vẫn lễ phép khuyên bà tham nên nghiêm khắc dạy bảo con bé, cô giáo đã răn đe nhiều lần nhưng nó vẫn chứng nào tật ấy, vừa rồi lại gây chuyện lôi thôi ngoài phố.

Đi trong thành phố, gặp ai Tony cũng chào hỏi và hay bắt chuyện. Ông tham rất khen con gái về mặt đó, chứ không coi là một thói hư. Theo ông, như vậy chứng tỏ người nhà ông không cao đạo, đối với ai cũng hòa nhã, lễ độ. Tony thường cùng với Thomas ra chơi ở dãy nhà kho trên bờ sông Trave, trèo lên các đống yến mạch hay tiểu mạch, chuyện trò với phu khuân vác hay nhân viên trong phòng kế toán. Căn phòng ấy vừa nhỏ vừa tối, cửa sổ sát mặt đất. Thậm chí có lúc Tony còn giúp họ kéo những bao lương thực ở ngoài sân. Ngoài ra, cô còn quen rất nhiều người: các anh hàng thịt choàng tạp dề trắng, mang cái chậu gỗ đi qua phố; các chị chở sữa bò đựng trong thùng nhôm chất trên xe ngựa, từ quê ra tỉnh, Tony thường ngồi lên xe để họ chở cô đi một đoạn đường; các bác thợ vàng, râu bạc phơ, ở cửa hàng lát gỗ bán đồ nữ trang, dưới mái hiên trong chợ. Cô còn quen cả các chị hàng cá, hàng hoa quả hay hàng rau, và những người phu khuân vác đứng ở góc đường hút thuốc lá... Thôi, không cần thiết phải kể ra từng người, từng người làm gì nữa!

Nhưng không phải Tony chỉ chào hỏi mà thôi đâu. Có một người đàn ông da trắng bệch, không râu, khó mà đoán được bao nhiêu tuổi, sáng sớm nào cũng vác bộ mặt thiểu não đi bát phố. Thần kinh anh ta rất yếu, nếu ai thình lình “òa” hay “hèm” lên một tiếng sau lưng, là anh ta sợ hết hồn, co chân chạy một mạch. Ấy thế mà, lần nào gặp, Tony cũng không buông tha, cứ làm anh ta nhảy như choi choi mới thôi. Lại nữa, ngoài phố có một bà già bé nhỏ, người khô đét, đầu rất to, thời tiết nào cũng che cái ô rách, gãy gọng; lần nào gặp, Tony cũng phải trêu ghẹo cho bằng được. Cô cứ gọi bà ta là “bà ô rách” hay “cây nấm hương!”. Tất nhiên những hành vi đó không lấy gì làm hay lắm. Còn chuyện nữa, Tony thường cùng hai ba cô bạn đến một ngõ ngang ở phố Johanniss, trong ngõ có bà già bán búp bê vải. Bà ta có đôi mắt đỏ một cách kỳ quặc và sống một mình trong căn nhà nhỏ bé. Bọn Tony đến trước cửa nhà bà ta cứ giật chuông lia lịa. Lúc bà ta ra, thì làm ra bộ niềm nở hỏi thăm là “ông ống nhổ” “bà ống nhỏ” có ở ngõ này không, hỏi xong, cả bọn cười ồ lên, rồi bỏ chạy... Tất cả những trò đùa tai quái đó, đều có mặt Tony. Hơn nữa, lúc đùa nghịch, cô vẫn thản nhiên như không. Nếu người bị trêu ghẹo dọa một vài câu, thì sẽ thấy cô lùi bước lại, bĩu môi, ngoảnh khuôn mặt xinh xinh ra phía sau, nhổ nước bọt đánh “phẹt”, làm ra vẻ vừa giận dữ vừa đùa cợt như muốn nói: “Dám à! Ta là con ông tham Buddenbrook đây, bảo cho mà biết!”.

Tony đi lại trong thành phố y hệt một bà hoàng con. Đối với những người thân thuộc, cô hoàn toàn có quyền tỏ ra rộng lượng hay tàn nhẫn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx