sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4

Gia đình Buddenbrook dọn về tòa nhà mới ở phố Meng được khoảng sáu năm, thì một hôm trời tháng giêng giá lạnh, cụ bà Antoinette ốm nằm trên chiếc giường lớn trong phòng ngủ ở tầng giữa. Cụ ốm liệt giường không phải vì tuổi già sức yếu. Mấy ngày trước khi ốm, cụ vẫn khỏe mạnh tỉnh táo, mái tóc bạc trắng xoăn tít vẫn chải rất gọn ghẽ, tỏ ra là người đoan chính trang nghiêm. Các bữa tiệc lớn trong thành phố, cụ đều cùng chồng con đi dự. Những khi nhà có tiệc mời khách đến, cụ vẫn đứng ra chủ trì, không chịu để người con dâu, cử chỉ khoan thai, giành lấy. Nhưng bỗng một hôm cụ thấy trong người khó chịu, lúc đầu bác sĩ khám bảo là bệnh ỉa chảy. Bác sĩ Grabow kê thực đơn: ít thịt bồ câu, hai khoanh bánh mì Pháp. Nhưng sau đó cụ bỗng đau quặn lên ở bụng, nôn ọe mãi, người cụ yếu hẳn đi, cứ lả dần, ai thấy cũng phải hoảng sợ.

Bác sĩ Grabow và ông tham nghiêm nghị trao đổi qua lại ở cầu thang một lúc, rồi một bác sĩ khác, người béo lùn, râu đen, nét mặt rầu rĩ, cùng bác sĩ Grabow ra vào phòng hai ba bận. Sau đó, hình như không khí trong phòng thay đổi hẳn. Người nào cũng bước rón rén, nói rất khẽ, xe ngựa cũng không được chạy ồn ào ở hành lang phía dưới nhà. Hình như có chuyện gì lạ, không bình thường đến với tòa nhà cổ kính này. Điều bí mật đó, người ta nhìn vào mắt nhau có thể thấy được. Khái niệm về cái chết đã đến và đang lặng lẽ ngự trị ở đây.

Nhưng cũng không một ai được nhàn rỗi, bởi vì khách ra vào nhà thăm hỏi liên tiếp. Người ốm nằm liệt đi mười bốn mười lăm ngày liền. Cuối tuần đầu, cụ nghị Duchamps, anh ruột cụ bà Antoinette cùng con gái từ Hamburg đến thăm. Mấy hôm nay, em gái ông tham cùng chồng, chủ nhà băng ở Frankfurt, cũng đến. Mấy vị khách ấy đều ở lại trong nhà, khiến chị Jungmann bận luôn chân luôn tay. Chị vừa phải soạn phòng ngủ cho khách, vừa phải mang tôm khô ra bóc vỏ, chuẩn bị rượu vang cho khách ăn sáng, đồng thời công việc bếp núc cũng bận rộn gấp mấy ngày thường...

Trên gác, cụ Johann Buddenbrook ngồi cạnh giường bệnh, cầm bàn tay xanh xao nhợt nhạt của vợ. Cụ chau mày lại, môi dưới xệ xuống, mặt chăm chú nhìn phía trước, vẻ ngơ ngác. Cứ cách một khoảng thời gian nhất định, chiếc đồng hồ quả lắc lại “tích tắc” một tiếng, nghe rất trống trải. Khoảng cách ấy hình như khá dài nhưng so với hơi thở yếu đuối, ngắn ngủi của người ốm, rõ ràng tiếng “tích tắc” của đồng hồ chăm chỉ hơn nhiều. Một chị hộ lý mặc áo đen, đứng cạnh bàn, ép thịt bò lấy nước, định cho người ốm uống. Thỉnh thoảng có người nhà lặng lẽ đi vào rồi lặng lẽ đi ra.

Có lẽ cụ đang hồi tưởng lại, cách đây bốn mươi sáu năm, cụ ngồi trước giường bệnh của người vợ trước như thế nào. Có lẽ cụ đang so sánh tâm trạng đau khổ tuyệt vọng hồi bấy giờ với nỗi buồn rầu sâu sắc hôm nay. Dù sao, hiện nay cụ cũng đã già rồi nên khi nhìn khuôn mặt hoàn toàn đổi khác, trở nên đờ đẫn và lạnh lùng của vợ, cụ không còn xúc động mạnh như trước nữa. Người vợ này không làm cụ vui sướng hay đau khổ gì nhiều lắm, nhưng thông minh, cần mẫn, sống cạnh cụ bao nhiêu năm tháng, xưa nay chưa bao giờ quên thân phận của mình, thế mà bây giờ đang lặng lẽ bỏ cụ ra đi!

Cụ không nhớ được nhiều chuyện. Cụ chỉ chú ý ngoảnh nhìn lại cuộc đời cụ và cuộc đời nói chung. Hình như cuộc đời bỗng trở nên xa xôi và kỳ lạ! Cụ không khỏi khẽ lắc đầu. Sự ồn ào náo nhiệt vô vị, mà có dạo cụ lăn xả vào, hiện nay đang lặng lẽ rút lui, chỉ để mỗi mình cụ ở lại, kinh ngạc lắng nghe dư âm của những tiếng ồn ào từ xa vọng lại. Thỉnh thoảng cụ lại lẩm bẩm một mình:

— Kỳ thật! Kỳ thật!

Cho đến khi cụ bà Antoinette Buddenbrook thở hơi thở ngắn ngủi cuối cùng mà không giãy giụa gì cả, rồi làm lễ ở nhà ăn, cho đến khi những người phu kiệu khiêng cái quan tài trên chất đầy hoa tươi, bước những bước đi nặng nề ra ngoài, tâm trạng cụ vẫn cứ như thế, thậm chí cụ không khóc tiếng nào. Cụ chỉ khe khẽ lắc đầu, cảm thấy kinh ngạc, và cười như mếu, rồi lẩm bẩm “Kỳ thật!”. Cứ mở miệng ra là cụ nói câu đó. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc đời của cụ Johann Buddenbrook cũng đã đến ngày tận cùng rồi!

Từ đó về sau, những lúc ngồi với người nhà, cụ thường trầm ngâm, tâm trí để đâu đâu. Cũng có lúc cụ bế cháu Klara đặt lên đầu gối, hát cho cháu nghe mấy câu hát vui vui: “Cỗ xe ngựa lóc cóc chạy qua...” “Kìa một chú nhặng bay vù vù trên tường...”, nhưng rồi cụ lại ngồi trầm ngâm. Bỗng như vừa thoát ra khỏi dòng suy nghĩ mông lung kéo dài, cụ đặt cháu xuống đất, lắc đầu, lẩm bẩm: “Kỳ thật, kỳ thật!”, rồi quay người đi... Một hôm, cụ nói:

— Anh Jean, đã đến lúc rồi, phải không?

Sau đó ít lâu, một tờ thiếp in rất công phu, hai cha con cụ cùng ký tên, được gửi đi khắp các gia đình trong thành phố. Tờ thiếp viết: “Vì tuổi già sức yếu, cụ Johann Buddenbrook không thể kinh doanh tiếp được nữa. Kể từ hôm nay, Công ty Johann Buddenbrook do tổ tiên sáng lập năm 1768, cùng toàn bộ gia sản và các khoản nợ nần đều giao cho con trai là Johann Buddenbrook thừa kế. Từ nay, ông Johann Buddenbrook là người chủ duy nhất của công ty. Xin kính báo để thân bằng cố hữu được biết, và tiếp tục chiếu cố!”. Cuối cùng, cụ Johann Buddenbrook ký và tuyên bố từ nay cụ không ký vào bất cứ một loại giấy tờ nào của công ty nữa.

Gửi tờ thiếp ấy đi rồi, cụ từ chối không đến phòng giấy nữa, mà thái độ hờ hững của cụ trước mọi sự việc cũng lên một mức không thể cao hơn được. Trung tuần tháng ba, cách hôm cụ bà Antoinette mất khoảng hai tháng, bỗng một cơn gió độc quật ngã cụ. Chẳng bao lâu sau, vào một buổi tối, lại đến lượt người nhà ngồi xung quanh giường bệnh của cụ. Trước hết, cụ nói với ông tham:

— Anh Jean! Ba mong mọi việc đều như ý. Lúc nào cũng phải dũng cảm, anh ạ!

Cụ nói với Thomas:

— Cháu phải giúp đỡ ba cháu!

Lại nói với Christian:

— Cháu phải làm một con người có ích!

Sau đó, không nói gì nữa, chỉ nhìn những người đứng xung quanh khắp lượt, cuối cùng lại lẩm bẩm: “Kỳ thật!”, rồi quay mặt vào tường...

Cho đến khi tắt thở, cụ vẫn không đả động gì đến tên người con cả là Gotthold. Mặc dù ông Gotthold có nhận được thư ông tham báo về gặp bố trước khi bố tắt thở, ông ta vẫn làm thinh. Nhưng cụ qua đời được một hôm, tờ mờ sáng hôm sau, tuy giấy cáo phó chưa gửi đi, ông tham vừa ở cầu thang đi ra, định đến phòng giấy giải quyết một số việc cần, bỗng xảy ra chuyện không ngờ tới: Ông Gotthold, chủ hiệu quần áo lót Siegmund Stüwing ở phố Breitenn, hốt hoảng bước vào cổng. Ông khoảng bốn mươi sáu tuổi, người lùn và béo, trong bộ râu rậm màu vàng nhạt, có lẫn nhiều sợi trắng. Ống chân ngắn ngủn, mặc quần da ca-rô, trông tròn như một bao gạo. Đến cầu thang, gặp ông tham đang bước xuống, ông giương đôi lông mày dưới cái mũ dạ rộng vành lên, rồi nhíu lại.

— Chú Johann! - Ông nói, nhưng không chìa tay ra cho chú em bắt - Thế nào rồi?

Giọng ông oang oang nhưng không chối tai tí nào.

— Ba mất từ tối hôm qua! - Ông tham xúc động nói, một tay nắm lấy tay đang cầm ô của ông anh - Ba...

Ông Gotthold hạ đôi lông mày xuống rất thấp, thấp đến nỗi mắt như nhắm lại. Im lặng một lúc, ông trịnh trọng hỏi:

— Cho đến phút cuối cùng, thầy cũng không thay đổi ý kiến à?

Ông tham vội buông bàn tay đang nắm chặt tay ông Gotthold ra, thậm chí còn lùi lại một bước. Ông chớp chớp đôi mắt tròn xoe, sâu lõm, rồi trả lời:

— Không.

Lông mày của ông Gotthold lại dựng lên dưới vành mũ, mắt chằm chằm nhìn chú em.

— Chú cứ công bằng mà nói, chú thấy tôi có hy vọng gì không? - Ông Gotthold nói câu đó rất khẽ.

Lại đến lượt ông tham cúi gằm xuống. Sau đó, ông buông thõng tay, tỏ ý quyết tâm, tiếp tục cúi xuống nhìn mặt đất, trả lời, giọng bình tĩnh nhưng rất kiên quyết:

— Trong phút trang nghiêm này, tôi bắt tay anh với tư cách là một người em. Nhưng nếu tính đến chuyện buôn bán làm ăn thì tôi xin lấy danh nghĩa là giám đốc của cái công ty tiếng tăm lừng lẫy này mà nói chuyện. Như anh biết đấy, hiện nay tôi là người sở hữu duy nhất của hãng buôn này. Là giám đốc công ty, tôi có trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi, anh đừng hy vọng tôi làm việc gì đó trái với chức trách của tôi. Việc này không thể giải quyết bằng tình nghĩa được.

Ông Gotthold bỏ đi... Nhưng hôm đưa đám, ông lại đến, đi lẫn trong đám đông, gồm có họ hàng thân thích bạn bè, những người quen biết trong giới thương mại, đại diện các hãng buôn lớn, phu khuân vác, viên chức, nhân viên làm ở các kho hàng... Họ đứng trong phòng, trên cầu thang, ngoài hành lang, chật ních, đi lại thật là khó khăn. Xe ngựa trong thành phố được thuê về hầu hết, xếp hàng dài dằng dặc dọc phố Meng. Ông Gotthold cũng đến dự lễ tang, khiến ông tham vui mừng hết sức. Không những ông đến mà còn mang theo cả bà vợ, họ Stüwing, và ba cô con gái đã lớn: Friederike và Henriette vừa cao vừa gầy, nhưng Pfiffi, cô gái út, năm nay mười tám, thì lại lùn tịt và béo tròn.

Nghĩa địa của gia đình Buddenbrook ở ngoài cổng Burgtore, sát cạnh lùm cây thấp của nghĩa địa công cộng. Mục sư Kölling ở nhà thờ Sankt Marien, người béo, đầu to như cái rá, ăn nói cộc lốc, đứng cạnh huyệt làm lễ. Ông ca tụng người quá cố hết lòng thành kính Thượng đế, sống điều độ, tằn tiện. Ông khuyên những kẻ “ham mê tửu sắc, ăn uống phè phỡn” phải lấy đó làm gương. Nghe những lời thiếu nhã nhặn ấy, nhiều người lắc đầu không tán thành và nhớ đến cách nói văn hoa của mục sư Wunderlich vừa từ trần được ít lâu. Làm xong mọi nghi lễ, kẻ quá cố đã yên nghỉ dưới mồ, thì bảy tám chục cỗ xe ngựa bắt đầu chuyển bánh về... Ông Gotthold yêu cầu ông tham cùng về với mình để nói ít câu chuyện riêng. Thế là hai anh em cùng bố khác mẹ ngồi sánh vai nhau trên dãy ghế sau của một cỗ xe cao to và nặng nề. Ông Gotthold gác đôi chân ngắn ngủn lên nhau, thái độ rất hòa nhã, như muốn giải hòa. Ông nói càng ngày ông càng nhận ra rằng ông tham không có cách nào khác, đành phải xử sự như bây giờ, ông cũng không muốn oán giận người cha đã quá cố. Ông quyết định bỏ những điều ông đòi hỏi thậm chí còn muốn thôi không buôn bán gì nữa, chỉ sống vào tài sản của mình và số vốn còn lại, bởi vì ông không thích gì cái nghề buôn quần áo lót, với lại cái nghề ấy cũng thanh đạm lắm, ông không muốn mạo hiểm bỏ thêm vốn vào nữa... Ông tham nghĩ thầm: “Anh ấy làm trái ý cha nên không thể hạnh phúc được!”. Ông càng tin Thượng đế hơn nữa. Có thể ông Gotthold cũng đang nghĩ đến điều đó.

Về đến phố Meng, ông tham cùng ông anh lên thẳng phòng ăn sáng trên gác. Mặc quần áo tang mỏng manh đứng ngoài đồng giữa tiết xuân, cả hai anh em đều cảm thấy lành lạnh, bèn lấy rượu brandy ra uống. Ông Gotthold nói chuyện với em dâu vài ba câu, xoa đầu các cháu một lúc, rồi cáo từ ra về. Mấy hôm sau, ông lại đến dự “ngày nhi đồng” tổ chức tại biệt thự cụ Kröger ở ngoại ô thành phố... Ông đã đóng cửa hiệu buôn của ông rồi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx