sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Những lời suy đoán của cụ Jean Jacques Hoffstede về hai cậu con trai ông tham Buddenbrook rất đúng.

Thomas sinh ra đã có khiếu là một thương gia rồi, nhất định sẽ là người sau này thừa kế công ty. Bây giờ, cậu đang theo học khoa học thực dụng trong một ngôi trường lối cũ, mái vòm, kiểu gô-tích. Thomas thông minh, hoạt bát, tiếp thu nhanh; mỗi lần cậu em trai Christian bắt chước điệu bộ thầy giáo, bao giờ cậu cũng cười ha hả. Christian học ở trường phổ thông, tư chất cũng thông minh sáng sủa nhưng không cẩn thận, nghiêm túc bằng Thomas. Cậu bắt chước thầy giáo giống như đúc, đặc biệt là bắt chước thầy Marcellus Stengel dạy môn vẽ và nhạc.

Trong túi áo gi-lê của thầy bao giờ cũng cắm khoảng nửa tá bút chì vót nhọn hoắt. Đầu đội bộ tóc giả đỏ hoe, mặc cái áo khoác màu nâu nhạt, dài tận gót, cái cổ cồn cứng cao gần đến gò má. Thầy thích nói những câu bóng gió mỉa mai, ví dụ “Em vẽ một đường cong thì đẹp đấy, em học sinh ngoan ngoãn của tôi ạ!”, “Vẽ cái gì thế này, chả ra cái gì cả!”. Hoặc nói với một học sinh lười: “Em ở lại ba năm lớp ba, thì lên lớp sáu thế nào cũng phải ở lại sáu năm!”. Giờ học thú vị nhất của thầy là tập hát bài Rừng xanh. Trước khi bắt đầu hát, thầy cho mấy người ra đứng ngoài hành lang, chờ đến lúc trong lớp hát đến câu “Chúng ta vui vẻ đi qua đồng ruộng núi rừng...” thì bọn đứng ở hành lang khẽ hát chữ cuối cùng làm tiếng vọng. Một lần, Christian cùng anh họ là Jürgen Kröger và Andreas Giesecke, con trai ông đội trưởng đội cứu hỏa được thầy cử ra làm tiếng vọng, khi phải hát lên tiếng vọng dịu dàng ấy, các cậu lại đẩy cái thùng đựng than lăn xuống cầu thang kêu lẻng xẻng. Vì vậy, cuối giờ học buổi chiều, các cậu phải đến nhà thầy chờ phạt. Nhưng các cậu lại được thầy niềm nở đón tiếp. Chuyện xảy ra ban sáng, thầy quên khuấy, bảo người nhà pha cho mỗi cậu một cốc cà phê, sau đó cho về...

Thật ra thì trước đây, ngôi trường mái vòm này vốn của nhà chung, thầy giáo nào cũng hiền lành, hòa nhã. Thầy hiệu trưởng cũng là một ông già rất tốt, thích ngửi thuốc mũi[60]. Thầy hiệu trưởng chủ trương phải rộng lượng với mọi người, nên các thầy đều nhất trí cho rằng có vui thích thì học mới tiến tới. Các thầy thi nhau giữ thái độ nhã nhặn khi dạy dỗ ở các lớp trung học. Có thầy giáo dạy chữ La-tinh, trước kia làm mục sư. Thầy người cao to, có bộ râu màu nâu, đôi mắt sáng quắc. Điều làm thầy thấy vẻ vang nhất là nghề của mình rất phù hợp với thiên chức của mình, nên nhiều lần thầy cho học sinh dịch chữ pastor [61]. Thầy thường nói luôn đầu miệng câu “hạn chế lắm”, nhưng không một ai hiểu thầy nói vậy có phải là có ý nói đùa hay không. Có lúc thầy còn biểu diễn cái trò này: uốn lưỡi trong miệng rồi bật ra ngoài, kêu một tiếng rất giòn, chả khác gì mở nút chai champagne, làm cả lớp học cứ ngồi đực ra đấy, chẳng hiểu nên làm thế nào cả. Thầy thích đi đi lại lại trong lớp, nói chuyện với một số học sinh nào đó về cuộc sống của mình, rất say sưa. Rõ ràng thầy làm như vậy là nhằm mục đích khêu gợi trí tưởng tượng của học sinh. Cuối cùng, thầy mới lại trở về với bài học, thái độ rất nghiêm túc, đưa cho học sinh ngâm mấy bài thơ mình sáng tác, trong đó thầy khéo đưa các nguyên tắc biến cách và các kết cấu văn phạm rắc rối vào. Chính thầy cũng thường đắc chí đọc to những bài thơ ấy lên, đặc biệt là làm nổi bật tiết tấu, vần điệu.

Thời thơ ấu của Tom và Christian... không có gì đặc biệt đáng ghi lại. Những năm ấy, gia đình Buddenbrook vô cùng ấm cúng, buôn bán làm ăn phát đạt, mặc dù thỉnh thoảng cũng xảy ra một vài cơn bão táp hoặc gặp một vài tai họa nhỏ, như những chuyện sau đây:

Bác Stuht, làm nghề thợ may ở phố Đúc chuông, có bà vợ chuyên buôn quần áo cũ, thường lui tới các nhà giàu sang. Bác ta thường mặc áo lông cừu, che cái bụng phệ lòi ra ngoài quần... Bác nhận may cho các cậu ấm Buddenbrook hai bộ quần áo, tiền công và tiền vải là bảy mươi mark, nhưng hai cậu nài mãi, bác bằng lòng ghi vào biên lai tám mươi mark, số tiền thừa đó để cho hai cậu. Đấy là chuyện vụn vặt, tuy không lấy gì làm trong sạch nhưng cũng không phải là hiếm có. Rủi thay chuyện bị lộ. Bác Stuht phải khoác áo choàng đen ra ngoài áo lông cừu, đến phòng giấy ông tham để đối chất. Tom và Christian đã bị hỏi tội nghiêm khắc trước mặt bác thợ may. Bác đứng chạng hai chân cạnh cái đi-văng của ông tham, đầu nghiêng sang một bên vẻ mặt đầy cung kính, tìm mọi cách để kết thúc câu chuyện. Bác nói: “Chuyện ấy cũng chẳng có gì là ghê gớm lắm”... “Dù sao thì cũng đã xảy ra rồi”, nếu được bảy mươi mark là bác thỏa mãn lắm rồi. Nhưng chuyện dối trá ấy làm cho ông ta bực bội vô cùng. Suy nghĩ một lúc lâu với nét mặt nghiêm túc, cuối cùng ông cho các con thêm tiền tiêu vặt. Chẳng phải trong Kinh thánh đã nói rõ là “không nên để chúng ta bị cám dỗ” hay sao.

Rõ ràng, người trong gia đình này trông mong nhiều ở Thomas hơn cậu em. Thomas cử chỉ khoan thai, tính tình hoạt bát, nhưng không quá sôi nổi. Trái lại, Christian yêu ghét thất thường, lúc thì có vẻ ngốc nghếch đến buồn cười, lúc lại làm cho cả nhà sợ hết hồn...

Có một lần, sau bữa cơm, cả nhà đang ngồi quanh bàn hoa quả tráng miệng, chuyện trò rất vui vẻ. Bỗng Christian bỏ quả đào cắn dở xuống bàn, mặt tái nhợt trợn tròn đôi mắt sâu lõm trên cái mũi to tướng, nói:

— Không bao giờ con ăn đào nữa!

— Sao thế hả Christian? Thằng này lúc nào cũng vẻ lẩm cẩm... Làm sao thế?

— Cả nhà thử nghĩ xem nhé! Con mà không cẩn thận... nuốt cả cái hột to tướng này thì nó sẽ mắc cứng cổ họng đến ngạt thở...! Con sẽ hốt hoảng, hai mắt trợn trừng, cả nhà cũng sẽ hốt hoảng nhảy dựng lên cho mà xem!

Bỗng cậu ta mặt thất sắc, rên rỉ một lúc, rồi đứng dậy, vẻ sợ hãi, như muốn bỏ chạy.

— Trời ơi... Christian! Con chưa nuốt thật đấy chứ, hở con?!

Qua cử chỉ cậu bé, hình như đã xảy ra chuyện ấy thật rồi!

— Chưa, chưa ạ! - Christian nói, dần dần cậu ta trở lại yên tĩnh - Đấy là con nói... giả dụ con nuốt phải mà thôi!

Ông tham vốn cũng đã sợ tái mặt, bây giờ mới mắng cậu bé. Cả ông nội cũng nổi giận, đập bàn bảo từ nay cấm không được giở cái trò lừa dối đó ra nữa... Đúng là sau này, có một dạo rất lâu, Christian không dám lừa đảo.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx