sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Đường đến Travemünde rất thẳng, chặng giữa phải qua một con sông, sau đó thì cứ một mạch mà đi. Hai anh em Tony thuộc đoạn đường này lắm. Con ngựa của cụ Lebrecht Kröger là giống ngựa Mecklenburg, cao to, màu hạt dẻ. Con đường xám lướt nhanh trong nhịp vó buồn bã đều đều của con ngựa màu hạt dẻ ấy, mặc dù mặt trời trên đỉnh đầu hơi nóng, vó ngựa tung bụi lên lại che mất cảnh sắc vốn dĩ đã khô khan. Hôm ấy, khác lệ thường, cả nhà ăn bữa trưa lúc một giờ chiều. Đúng hai giờ, hai anh em lên đường như vậy khoảng quá bốn rưỡi là đến nơi. Bởi vì, giả dụ xe ngựa bình thường phải đi ba tiếng đồng hồ, thì anh Jochen xà ích của cụ Kröger, vì muốn trổ tài nhất định chỉ đi khoảng hai tiếng thôi.

Tony đội mũ cói chóp bằng, rộng vành, cầm ô màu ghi nhạt, viền vải hoa màu mỡ gà, mũi ô chìa ra sau tấm vải bạt. Cô cứ mơ mơ màng màng, ngủ gà ngủ gật. Bộ quần áo cô mặc trên người giản dị, sít sao, rất đẹp, cũng màu ghi nhạt như cái ô. Chân cô bắt tréo, có thể thấy đôi giày buộc chữ thập và đôi tất trắng đi ở chân. Cô ngả người ra phía sau, thung dung thoải mái, trông rất đài các.

Năm ấy, Tom hai mươi tuổi. Anh mặc bộ quần áo màu ghi nhạt, may rất vừa người, cái mũ cói lật ra phía sau gáy, ngồi hút thuốc lá Nga, hết điếu này sang điếu khác. Người anh không cao nhưng râu thì không những rậm mà màu sắc cũng đậm hơn tóc và lông mi. Anh có thói quen hay dựng ngược một bên lông mày lên. Lúc này, anh ngồi chăm chú nhìn cát bụi bay mù mịt, và hàng cây hai bên đường lướt nhanh qua.

Tony nói:

— Chưa lần nào em đến Travemünde thích thú bằng lần này. Vì sao thì anh biết rồi! Nhưng anh Tom này, anh không được cười em đấy! Quả thật em rất muốn lánh xa cái ông có bộ râu vàng khè ấy! Với lại, nhà cụ Schwarzkopf sát ngay bờ biển, ở đấy sẽ được trông thấy những cảnh chưa hề trông thấy! Em sẽ không để cho những người đến nghỉ mát ở đây quấy rầy em... Em đã chán ngấy chuyện ấy lắm rồi! Với lại, bây giờ em cũng không còn tâm tư nào mà để ý đến những chuyện ấy nữa. Hơn nữa, đối với con người ấy thì ở đây cũng không phải là khu cấm. Anh sẽ thấy một hôm nào đó, nhất định ông ta sẽ xuất hiện một cách trơ tráo trước mặt em để nịnh hót bợ đỡ cho mà xem!

Tom vứt mẩu thuốc còn lại, lấy trong hộp ra điếu khác. Nắp hộp thuốc lá chạm một đàn sói đuổi cỗ xe ba ngựa kéo. Đó là tặng phẩm của một khách hàng người Nga biếu ông tham. Gần đây, Tom nghiện loại thuốc lá nặng, đầu có cái lọc giấy mạ vàng này. Anh hút cả hộp, với lại có thói xấu hít thẳng khói vào phổi, lúc nói chuyện mới từ từ nhả ra.

— Đúng, - anh nói - Cô nói đúng lắm. Những người cô sẽ chạm trán ở vườn hoa bên bờ biển đều ở Hamburg cả. Cái ông tham Fritsche, người mua cả một vườn hoa ấy mà, cũng là người Hamburg đấy! Nghe ba nói bây giờ ông ta buôn bán phát tài lắm... Nhưng nếu cô cứ tránh những người đó thì nhất định cô sẽ không thấy được nhiều điều thú vị... Thế nào ông Peter Döhlmann cũng ở đấy. Thời tiết này ông ta không chịu ở trong thành phố đâu. Việc buôn bán của ông ta không cần ai quản, dù sao thì cũng đang sống dở chết dở... Thật là khôi hài! À, mà thế nào ngày chủ nhật cậu Justus chả ra ngoài ấy chơi một vài ván ru-lét... Ngoài ra, anh chắc gia đình Möllendorpf, gia đình Kistenmaker cũng ra cả nhà cho mà xem! Còn gia đình Hagenström nữa!

— Hì! Đúng đấy! Làm sao có thể thiếu Sarah Semlinger được!

— Tên cô ấy là Laura! Đừng đặt tên bừa cho người ta như thế!

— Tất nhiên sẽ có con Julchen đi hộ vệ. Nghe nói mùa hè này, nó đã đính hôn với August Möllendorpf. Chắc chắn nó bằng lòng thôi. Hai anh chị ấy thì xứng đôi lắm! Anh Tom này, em rất ghét bọn ấy. Nhà chúng nó đều là giàu lõi...

— Còn phải nói, Công ty Strunck và Hagenström làm ăn phất lắm.

Đạo lý là ở chỗ ấy.

— Tất nhiên rồi! Nhưng họ làm ăn như thế nào, trời mà biết được! Họ có kể gì ai, chèn ép ai được là chèn ép. Anh biết đấy...! Họ chẳng theo đạo đức của các thương gia, không thừa nhận quyền ưu tiên... Mỗi lần nhắc đến lão Hinrich Hagenström, ông nội thường nói: “Họ bắt cả bò đực phải đẻ ra bê”. Chính tai em nghe ông nội nói như vậy đấy!

— Đúng thế, nhưng điều đó có can hệ gì! Chỉ cần vơ được nhiều tiền là thiên hạ trọng vọng. Chuyện hôn nhân của hai người đó thì đúng là một trò mua bán! Julchen làm bà Möllendorpf thì August sẽ có một địa vị khơ khớ...

— Ồ,... anh cố tình chọc tức em đấy à, anh Tom... Em chẳng coi bọn đó ra gì cả...

Tom cười ồ lên:

— Trời ơi, cô nên biết là vẫn cần phải giao thiệp, thù tạc với bọn họ. Đúng như những lời ba nói gần đây: họ là những người đang lên như diều, chẳng hạn như nhà Möllendorpf... Với lại, chúng ta cũng không nên phủ nhận rằng những người trong gia đình Hagenström thông minh tài giỏi. Hermann đã là một tay buôn bán thành thạo, còn Moritz, yếu phổi, nhưng cũng đã tốt nghiệp vào loại giỏi. Nghe nói cậu ấy thông minh lắm, hiện đang học luật.

— Cứ cho là anh nói đúng đi! Nhưng nói như thế thì nói, điều làm em vui sướng mãi là còn có những nhà khác không chịu khom lưng quỳ gối trước mặt họ. Chẳng hạn như những người trong họ Buddenbrook chúng ta...

Tom nói:

— Thôi đi! Chúng ta không nên hợm mình. Nhà nào cũng có những cái dở của nhà ấy. - Anh đưa mắt nhìn cái lưng to như tấm phản của anh xà ích Jochen, nói khẽ - Chẳng hạn như chuyện cậu Justus, thật là có trời biết! Hễ nói đến cậu ấy là ba cứ lắc đầu, anh nghe nói ông ngoại đã mấy lần phải cho cậu ấy những món tiền khá lớn!... Rồi mấy ông anh họ chúng ta cũng chẳng ra trò trống gì! Jürgen muốn học lên nữa, nhưng mãi không giật được cái bằng trung học... Nghe nói Jakob làm ở công ty Dalbeck tại Hamburg, cũng không được người ta thích lắm. Tuy anh ấy kiếm được khá tiền, nhưng lúc nào cũng không có một đồng xu dính túi. Nếu cậu Justus không cho thêm thì anh ấy sẽ xoay ở mỏ Rosalie thôi! Anh nghĩ rằng ta không nên xoi mói những điều không hay của người khác. Nếu em muốn so bề hơn thua với nhà Hagenström thì anh cho rằng em nên lấy Grünlich đi!

— Chúng ta ngồi trên cỗ xe ngựa này để nói chuyện ấy à? Ừ, có lẽ anh nói phải, em nên lấy ông ta, nhưng bây giờ em chưa dám nghĩ đến chuyện đó vội. Em muốn quên đi đã. Bây giờ chúng ta đến nhà cụ Schwarzkopf. Em chưa hề quen biết người trong gia đình này... Họ có tốt lắm không anh?

— Ồ, lão Diederich Schwarzkopf tốt lắm... Nếu lão không nốc Grog[74] vào thì không chịu nói tiếng địa phương đâu nhé! Có một lần lão vào hãng chúng ta, anh và lão cùng đến Câu lạc bộ thủy thủ, lão cứ nốc rượu mãi như một cái thùng không đáy. Bố lão làm trên tàu chở hàng Na Uy, sau làm thuyền trưởng trên một con tàu chạy tuyến đường đó. Lão Diederich được giáo dục cẩn thận; chỉ huy hoa tiêu là một chức vụ quan trọng; lương bổng cũng to lắm. Lão là một con hải cẩu già nhưng nịnh đầm gớm lắm đấy. Em phải cẩn thận, thế nào lão cũng tán cho mà xem...

— Ủa! Thế vợ lão đâu?

— Anh không biết rõ vợ lão ta, chắc bà vợ cũng biết ăn ở. Họ còn có một anh con trai, hồi anh đi học, nó không ở lớp thi tốt nghiệp, mà dưới một lớp, bây giờ chắc là sinh viên đại học rồi! Xem kìa! Biển đấy rồi! Không đầy mười lăm phút nữa sẽ tới nơi...

Hai anh em lại đi một đoạn nữa trên con đường râm mát cạnh bờ biển. Hai bên trồng toàn phi lao. Trong ánh nắng, nước biển xanh biếc, yên lặng vô cùng. Đằng xa có một ngọn hải đăng, màu vàng, cột tròn. Hai anh em ngắm nhìn eo biển, bờ đê, mái nhà đỏ ở thị trấn, hải cảng và cánh buồm, dây leo trên những chiếc thuyền đậu ở đấy. Xe ngựa của họ chạy giữa hai dãy nhà phía ngoài thị trấn, qua một ngôi nhà thờ, rồi dọc theo dãy nhà ở “Phố gần biển”, cuối cùng thì đỗ trước một ngôi nhà hai tầng, nhỏ bé nhưng sạch sẽ, trước ban công có giàn nho.

Lão Schwarzkopf, chỉ huy hoa tiêu, đứng ở trước cửa. Thấy cỗ xe ngựa chạy tới, bèn cất cái mũ thủy thủ trên đầu xuống. Lão người thấp lùn, khỏe mạnh, mặt đỏ lựng, đôi mắt xanh biếc, bộ râu cứng màu tro, trông như cái quạt xòe từ tai bên này sang tai bên kia. Miệng lão ngậm tẩu bằng gỗ, khóe miệng hơi xệ xuống, môi trên hình vòng cung vừa đỏ vừa trắng, trông rất rõ góc cạnh, mép cạo nhẵn thín. Miệng lão để lại cho người ta ấn tượng oai nghiêm mà thành thực. Lão mặc áo ngoài viền kim tuyến, không cài khuy, để lộ áo sơ mi vải áo trắng tinh.

Lão đương bắt tréo chân, bụng hơi phình ra phía trước.

— Thành thực mà nói, được cô đến ở một thời gian trong nhà, quả là điều chúng tôi rất lấy làm vinh hạnh... - Lão cẩn thận đỡ Tony xuống xe - Chào cậu Thomas Buddenbrook! Ông tham khỏe chứ? Bà tham thế nào? Tôi mừng lắm!... À, mời vào nhà! Bà nhà tôi đã chuẩn bị sẵn điểm tâm rồi, chả có gì cả, xoàng thôi! Anh đến quán trọ Peddersen mà nghỉ. - Lão quay lại nói với anh xà ích, lúc này đã bê xong vali vào nhà rồi - Họ chăm sóc ngựa tận tâm đấy!... Cậu Thomas cũng ở lại với chúng tôi một đêm chứ?... Ồ, sao lại không được nhỉ? Phải cho ngựa thở với chứ! Dù sao thì cũng không về đến nhà trước khi trời tối đâu!...

— À! Ở đây cũng chẳng thua gì ở khách sạn bên ngoài - Khoảng mười lăm phút sau, khi mọi người đã ngồi ổn định quanh bàn cà phê trên ban công. Tony nói vẻ tán thưởng - Không khí ở đây tốt quá! Ngửi thấy cả mùi rong biển nữa. Lần này cháu lại được đến Travemünde, sung sướng vô cùng!

Nhìn qua những cột trụ của giàn nho trước ban công, có thể trông thấy cửa sông rộng mênh mông, mặt nước lấp lánh trong nắng, những con thuyền nhỏ bé trên mặt nước và những chiếc cầu nổi! Xa nữa là phà sang ngang trên “Priwal”, tức bán đảo Leuchten nhô ra biển. Các chén trà viền xanh bày trên bàn vừa sâu vừa to trông như một cái bát, so với đồ sứ tinh xảo ở nhà thì thô hơn nhiều. Có điều thức ăn bày trên bàn hấp dẫn lắm. Trước chỗ Tony ngồi cắm một lọ hoa dại, với lại đi một quãng đường xa nên ăn cũng rất ngon miệng.

— Vâng, cô ở đây thế nào cũng béo đỏ ra cho mà xem! - Bà chủ nhà nói - Nói thế này không phải, nhưng ở ngoài thành phố mà sắc mặt không hồng hào chẳng qua chỉ vì không khí không được tốt. Rồi lại phải đi dự tiệc tùng...

Vợ lão Schwarzkopf là con một mục sư ở Schlutup, năm nay khoảng năm mươi tuổi, thấp hơn Tony một cái đầu, người hơi gầy, tóc còn đen nhánh, chải bóng mượt, bao lưới, mặc bộ quần áo màu mận chín, cổ và tay viền trắng, trang điểm trông gọn gàng tươm tất. Với ai bà cũng thân thiết nhiệt tình, thường mời khách ăn món bánh mì nho khô tự tay nướng lấy, rất là sốt sắng. Bánh mì bày trong cái làn hình bầu dục, xung quanh để đầy bơ, đường, phó mát, mật ong, vân vân. Đầu làn có trang điểm một đường đăng ten rút hình trân châu, do bé Meta lên tám, con gái út xinh đẹp của bà Schwarzkopf thêu. Cô bé ngồi cạnh mẹ, mặc bộ quần áo nhung ca rô, mái tóc màu vàng hoe chải thành hai cái bím.

Bằng một giọng khiêm tốn, bà Schwarzkopf nói căn phòng thu xếp cho Tony ở không được tử tế lắm, đơn giản quá... Vừa rồi Tony đã vào đó chải đầu rửa mặt, nên cô đỡ lời ngay:

— Đâu phải thế, tốt lắm đấy chứ ạ! Hay nhất là căn phòng này ngó ra biển - Tony vừa nói vừa chấm miếng bánh mì nho khô thứ tư vào cốc cà phê của mình. Lúc này, Tom đang nói với lão về chuyện sửa chữa chiếc tàu Wullenwewer ở trên thành phố.

Bỗng một anh thanh niên khoảng hai mươi tuổi, cắp một quyển sách đi vào ban công. Anh bỏ chiếc mũ da xuống, mặt đỏ ửng, cúi đầu chào mọi người, vẻ lúng túng.

Lão chỉ huy hoa tiêu nói:

— Ồ, con về muộn quá!... - Rồi giới thiệu với khách - Đây là con trai tôi... - Lão nói tên gì, Tony không nghe rõ - Còn đi học, sắp ra bác sĩ đấy. Hiện đang ở nhà nghỉ hè...

— Rất vui sướng được làm quen với anh.

Tony trả lời theo phép lịch sự cô đã học được. Tom đứng dậy, giơ tay ra bắt. Con trai lão Schwarzkopf cúi mình chào, bỏ cuốn sách trên tay xuống, ngồi vào ghế, xấu hổ, mặt đỏ bừng.

Anh người tầm thước, hơi mảnh khảnh, nước da rất trắng, mái tóc vàng nhạt. Khuôn mặt hơi dài, bộ râu mới mọc cũng vàng nhạt như mái tóc vừa cắt, khó mà nhìn thấy. Tương xứng với màu tóc là nước da trắng như trứng gà bóc trong suốt hệt thủy tinh, hơi một tí là đỏ ửng. Đôi mắt đậm hơn ông bố, không lanh lợi lắm nhưng lại rất chân tình. Mặt mày cân đối, rất dễ thương, lúc ăn còn thấy rõ bộ răng đều đặn, bóng như ngà voi chuốt. Anh mặc áo vét-tông, túi chéo nắp màu ghi, bó sát người, sau lưng đeo dây đai.

— Vâng, con về muộn quá, hãy tha lỗi cho con. - Anh nói giọng trầm trầm và hơi chậm - Con ngồi ngoài bãi biển, xem sách một lúc, nhớ ra, xem đồng hồ, thì đã muộn quá rồi. - Sau đó anh im lặng ngồi ăn, chỉ thỉnh thoảng ngước lên nhìn Tom và Tony.

Một lát sau, khi bà mẹ lại mời Tony ăn, anh nói xen vào:

— Cô lấy thật nhiều mật ong vào, cô Buddenbrook ạ! Đấy là sản phẩm thiên nhiên... Nên ăn gì, không nên ăn gì, cái đó chúng tôi biết... Cô phải ăn thật no, không khí ở đây làm cho thể lực hao tổn và khí huyết trong người thay đổi nhanh lắm. Cô ăn ít thì xuống cân ngay đấy!

Khi anh nói, anh hơi cúi đầu xuống, có lúc không nhìn người mình đang nói mà quay sang nhìn người khác, điệu bộ rất tự nhiên, rất dễ có cảm tình.

Bà mẹ lắng nghe con nói, rồi nhìn sắc mặt Tony, thăm dò. Bà muốn xem cô có phản ứng gì về những điều con mình vừa nói không. Nhưng lúc bây giờ lão Schwarzkopf đã nói chen vào:

— Thôi đi ông bác sĩ ơi! Ông đừng có đưa cái lý luận thay đổi khí huyết của ông ra nữa...! Chúng tôi chẳng muốn biết điều đó tí nào cả đâu!

Nghe câu nói đùa đó, anh lại đỏ mặt nhìn vào đĩa của Tony.

Lão chỉ huy hoa tiêu nhắc đến tên con trai hai ba lần nhưng không lần nào Tony nghe rõ cả. Hình như là “Moor” nhưng lại giống như “Mord”... cái giọng địa phương bằng bằng của lão quả thật nghe không rõ.

Ăn xong, lão Diederich Schwarzkopf phanh áo ngoài ra, để lôi cái sơ mi trắng tinh bên trong, vừa ngồi chớp chớp mắt, thoải mái, dưới ánh nắng, vừa cùng con trai hút thuốc lá bằng cái tẩu ngắn của nhà. Lúc đó, Tom cũng châm một điếu thuốc lá thơm. Bất giác, hai anh thanh niên kể lại những kỷ niệm vui vui lúc ở trường, họ chuyện trò sôi nổi. Tony không kìm được cũng nói góp vào. Họ nhại giọng thầy Stengel: “Em phải vẽ một đường cong nhưng em đang làm gì đấy? Em vẽ một đường cong quen rồi!”. Tiếc là Christian không có mặt ở đây, cậu ta bắt chước giống hơn nhiều!

Có một lần, Tom chỉ vào những bông hoa cắm trước mặt, nói đùa em gái một câu:

— Nếu Grünlich mà ở đây thì anh ta sẽ nói: “Những bông hoa này quả đã tô điểm cho căn phòng trở nên khác thường” đấy!

Tony giận đỏ mặt, cô đẩy anh một cái và ngượng nghịu đưa mắt nhìn anh con trai lão Schwarzkopf.

Hôm ấy, lâu lắm, lâu lắm, vẫn chưa thấy đưa cà phê đến, họ đành phải ngồi mãi. Đã sáu rưỡi tối, màn đêm trên bán đảo Priwal đã lặng lẽ buông xuống. Lão chỉ huy hoa tiêu đứng dậy, nói:

— Xin lỗi, tôi phải đến phòng giấy Cảng có tí việc... Chúng tôi thường tám giờ tối mới ăn cơm, nếu cậu và cô đồng ý... Hay hôm nay ăn muộn hơn một tí nhé!...... - ta, thế nào?... Ý con sao?... - Lần nào, lão lại gọi tên con trai - Anh không nên ngồi đấy mãi... Đi mà tìm sách của anh đi thôi... Cô Buddenbrook còn phải lấy đồ đạc trong vali ra, hoặc giả còn muốn ra biển đi dạo một lúc..., anh đừng quấy rầy người ta làm được rồi!

— Ông Diederich! Ông thật là...! Tại sao con nó lại không ngồi đây được? - Bà Schwarzkopf dịu dàng trách chồng - Nếu cậu Tom và cô Tony muốn ra bờ biển dạo, tại sao nó không đưa đi được? Hiện giờ nó còn nghỉ hè cơ mà! Chả nhẽ nó không thể tiếp khách của chúng ta được hay sao?


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx