sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

— Em làm sao thế, Bethsy? - Ông tham vừa đến trước bàn, bưng đĩa xúp đã múc sẵn, vừa nói - Em khó chịu à? Khó chịu ở đâu? Mặt em trông nhợt nhạt lắm!

Cái bàn tròn bày trong phòng ăn rộng lớn trông bé hẳn đi. Ngoài hai ông bà, hằng ngày chỉ có chị Jungmann, Klara và Klothilde, gầy còm, biết điều, chỉ cặm cụi ăn, là ngồi xung quanh bàn. Ông tham nhìn khắp lượt, mặt người nào người nấy đờ ra, trông thiểu não lắm. Chuyện gì đã xảy ra thế? Chính ông cũng đang bực bội và lo lắng vì sự kiện Scheswig-Holstein rắc rối đã làm cho thị trường chứng khoán không còn ổn định nữa. Vậy mà bây giờ lại có thêm chuyện này làm cho ông bồn chồn không yên! Một lát sau, khi Anton đi bê thức ăn, ông tham mới nghe kể câu chuyện đã xảy ra trong nhà này. Chị nấu bếp Trina, xưa nay vốn thật thà trung hậu, vậy mà lần này bỗng ngang nhiên cãi lại bà chủ. Gần đây, chị ta có đi lại với một anh làm công ở quầy bán thịt, hai bên xây dựng một thứ “liên minh tinh thần” làm cho bà tham bực bội hết sức. Thế nào cái anh chàng hôi hám, tanh tưởi ấy cũng mớm cho cô ả một số quan điểm chính trị nào đó, cô ả bị ảnh hưởng, nên tư tưởng cô ả thay đổi ghê gớm. Cô ả pha hỏng nước chấm, bà tham chỉ mắng một câu, vậy mà cô ả đã xắn tay áo lên, đứng chống nạnh, nói bô bô: “Bà tham này! Bà chờ đấy rồi mà xem!

Chả bao lâu nữa, thời thế sẽ đổi khác! Lúc đó con này sẽ ăn mặc sang trọng ngồi trên ghế xô-pha, còn bà thì đứng cạnh hầu!...”. Tất nhiên, cô ả phải thôi việc ngay.

Ông tham lắc đầu. Thời gian gần đây, chính ông cũng được chứng kiến những chuyện đáng buồn như thế. Lẽ tất nhiên, những người cu ly khuân vác và nhân viên kho hàng đã có tuổi thì vẫn rất ngoan ngoãn, không có ý nghĩ gì xấu xa. Nhưng, qua một số biểu hiện của người này người nọ trong bọn thợ thuyền trẻ, ông thấy rất rõ là anh nào cũng có đầu óc chống đối cả... Mùa xuân vừa qua, phố xá đã loạn lên một lần rồi, mặc dù lúc bấy giờ đã thảo xong Hiến pháp mới, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Sau đó ít lâu, tuy cụ Lebrecht Kröger và một số ông già bảo thủ khác phản đối, Nghị viện vẫn thông qua. Sau đó, bầu đại biểu nhân dân, triệu tập hội nghị đại biểu thị dân. Nhưng tình hình vẫn không yên tí nào. Đâu đâu cũng hỗn loạn, người nào cũng đòi sửa đổi Hiến pháp và luật bầu cử, thị dân cứ tranh cãi với nhau mãi không ngớt. Một số người nói: “Phải bầu theo nguyên tắc dựa vào chế độ đẳng cấp!”. Ông Johann Buddenbrook cũng chủ trương như thế. Một số người khác nói: “Phải bầu theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu”. Ông Hinrich Hagenström là người nêu lên khẩu hiệu này. Loại người thứ ba thì nói: “Bầu cử phổ thông theo chế độ đẳng cấp!”. Không biết chừng chính những người nêu ra ý kiến này cũng không hiểu được ý nghĩa của nó như thế nào! Ngoài ra, còn có nhiều tư tưởng khác, ví dụ có người gào lên phải xóa bỏ ranh giới giữa thị dân và cư dân, mở rộng quyền của thị dân, những người không phải tín đồ đạo Cơ đốc cũng có cơ hội trở thành thị dân... Thật là hỗn loạn vô cùng. Chị Trina làm ở gia đình Buddenbrook mà có tư tưởng ngồi ghế xô-pha, ăn mặc lụa là, cũng không lấy gì làm lạ! Chà, sau này còn loạn nữa! Nhìn chung, tình hình có thể sẽ trở nên nguy hiểm.

Một ngày đầu tháng mười năm 1848. Những đám mây lơ lửng bay trên nền trời xanh biếc, vì bị ánh nắng rọi vào nên trở thành màu trắng bạc. Lúc này, nắng đã dịu dần, trong lò sưởi ở phòng phong cảnh, những thanh củi gỗ đang rực cháy, nổ lách tách sau hàng lan can cao to, sáng lấp lánh.

Klara có bộ tóc vàng thẫm và đôi mắt sắc sảo đang ngồi may vá gì đó ở cạnh bàn may trước cửa sổ. Klothilde ngồi trên chiếc ghế xô-pha để cạnh bà tham cũng đang may vá. Klothilde Buddenbrook mới hăm mốt tuổi, tuy không lớn hơn cô em họ đã đi lấy chồng mấy, nhưng trên khuôn mặt lưỡi cày của cô ta đã bắt đầu có những nếp nhăn khá sâu. Mái tóc xam xám màu tro của cô ta ngay từ khi mới lọt lòng cũng không thể nói là màu vàng óng, khi chải bóng mượt càng làm cho vẻ mặt cô ta giống hệt một gái già. Nhưng cô ta hài lòng lắm, không muốn thay đổi tình cảnh của mình. Có lẽ cô ta chỉ mong mình già ngay đi thật nhanh để vượt nhanh ra khỏi vòng phiền muộn rối gan rối ruột mà thôi. Bởi vì cô ta không có một chút tài sản nào nên cô ta biết trên cái thế gian rộng mênh mông này, không ai muốn lấy cô ta. Cô ta đau khổ nhìn thấy tương lai của mình. Sau này cô ta chỉ có thể dựa vào Hội từ thiện cứu tế của những người con gái nghèo khổ, sống trong một căn phòng nhỏ bé, hưởng chút ít lợi tức mà thôi.

Lúc này, bà tham đang đọc hai bức thư: thư của Tony cho biết cháu Erika bình an khỏe mạnh, và thư của Christian say sưa kể lại cuộc sống và hoạt động của anh ở London, nhưng về công việc làm ăn ở nhà ông Richardson, thì chỉ nói qua vài ba câu... Bà tham mới gần bốn lăm tuổi, nhưng cũng chóng già như số phận những người đàn bà tóc vàng da trắng. Bà đã dùng đủ các thứ dầu, thế mà mái tóc màu hung rất ăn với nước da trắng mịn của bà, mấy năm gần đây, đã khô khốc hẳn đi, nếu không có loại thuốc nhuộm mua từ Paris về (thật phải cảm ơn ông trời!), thì đã bắt đầu lốm đốm bạc một cách không thương tiếc rồi! May có loại thuốc đó mới tạm thời giữ được nguyên vẹn. Bà tham có ý định không để cho mình trở thành bà già tóc bạc! Nếu một ngày kia, loại thuốc nhuộm này không còn hiệu nghiệm nữa thì bà sẽ dùng mái tóc giả giống như mái tóc bà hồi còn trẻ... Phía trên đỉnh đầu vẫn chải rất mượt, bà thắt một dải lụa viền đăng ten trắng, cái dải lụa ấy chỉ là mở đầu cho việc đội loại mũ của các bà già, nó tượng trưng cho các loại mũ đó. Bà mặc bộ đồ lụa rộng thùng tình, ống tay áo phồng phồng hình chuông, viền nhiễu mềm nhũn. Như thường lệ, cổ tay bà vẫn đeo một bộ xuyến, thỉnh thoảng chạm vào nhau kêu lanh canh. Lúc này là ba giờ chiều.

Bỗng từ ngoài phố có tiếng ồn ào rầm rập vọng tới, hình như người ta đang gào thét cái gì, có tiếng huýt sáo, tiếng giẫm chân thình thịch, mỗi lúc một gần, mỗi lúc một to hơn...

— Mẹ ơi! Cái gì thế nhỉ? - Klara nhìn vào chiếc gương phản chiếu ở cửa sổ, hỏi - Họ làm sao thế nhỉ? Sao họ lại cao hứng lên như thế nhỉ?

— Trời ơi! - Bà tham vừa kêu lên vừa bỏ thư ra, rồi hoảng hốt chạy lại bên cửa sổ quỳ xuống nhìn - Chết thật rồi!... Trời ơi, cách mạng nổi lên rồi! Đấy, những người ấy đấy!

Quả vậy, thành phố này đã trải qua cơn hãi hùng khủng khiếp, suốt một ngày trời! Sáng sớm, hiệu vải Benthien ở phố Breiten bị ném đá, vỡ tan cửa kính. Có Chúa mới biết được cửa kính nhà ông ta có liên quan gì đến những tư tưởng chính trị cao cả ấy!

— Anton! - Bà tham giọng run run, gọi vào phòng ăn, Anton đang thu dọn các bộ bát đĩa, cùi dìa bằng bạc ở đấy... - Anton, xuống đóng cổng lại! Đóng hết tất cả các cửa sổ lại! Chúng nó đến rồi đấy!

— Vâng! - Anton nói - Con ra không nguy hiểm gì chứ? Con là người giúp việc cho chủ nhà... Chắc họ sẽ nhìn thấy dấu hiệu riêng trên áo của con...

— Bọn phá hoại!

Klothilde kéo dài giọng, nói thê thảm, nhưng tay vẫn không ngừng đưa kim. Giữa lúc đó, ông tham đi qua gian phòng lớn cột tròn, bước vào, một tay khoác chiếc áo ba-đơ-xuy, còn tay kia cầm mũ.

— Anh đi ra đấy à, anh Jean? - Bà tham hỏi, giọng kinh hãi.

— Ừ, em thân mến ạ! Nhất định anh phải đến họp Hội đồng đại biểu...- Nhưng những người kia!... Anh Jean! Cách mạng đã...

— Chà, em quả thật là...! Bethsy, không đến nỗi nghiêm trọng như vậy đâu!... Vận mệnh chúng ta ở trong tay Thượng đế! Chúng nó đã đi qua nhà ta rồi. Anh ra đằng cửa sau...

— Anh Jean, anh có yêu em không?... Anh định đi vào chỗ nguy hiểm đến tính mạng như thế hay sao? Định bỏ em và con ở nhà một mình trơ trọi hay sao? Ôi chao ơi, em sợ, em sợ lắm!

— Em thân mến, anh van em, em đừng hoảng hốt lên như vậy! Chẳng qua chúng nó chỉ đến trụ sở Nghị viện hay bãi đất trống ngoài chợ hò hét điên cuồng một lúc rồi thôi... Có lẽ Nhà nước sẽ thiệt hại thêm mấy tấm kính nữa, chẳng có gì ghê gớm cả.

— Anh đi đâu đấy, anh Jean?

— Đi họp Hội đồng đại biểu..., bây giờ đi là muộn lắm rồi. Công việc buôn bán làm anh đến trễ. Nếu hôm nay không đến, thì mất mặt! Em cho là ba không đến hay sao? Ba tuy đã già như thế rồi...

— Thế thì thôi. Cầu Chúa phù hộ cho anh. Anh đi đi... Nhưng phải cẩn thận đấy. Em van anh, phải hết sức đề phòng. Anh chú ý đến ba một tí nhé! Nếu ba gặp phải chuyện gì...

— Em cứ yên tâm, em thân mến ạ!

— Bao giờ anh về? - Bà tham đứng phía sau nói to.

— Ồ, khoảng bốn năm giờ gì đấy... Còn phải xem tình hình ra sao đã. Những việc đưa ra thảo luận quan trọng lắm, không định thì giờ trước được...

— Ôi chao ơi, em sợ, em sợ lắm!

Bà tham nói lắp bắp hai ba lần, lòng bồn chồn lo lắng, bà bước từng bước một đi quanh quẩn trong phòng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx