sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 4 - Chương 1

Ngày 30 tháng 4 năm 1846

Me thân yêu,

Con đã nhận được thư me. Cảm ơn me đã báo cho con biết tin Armgard von Schilling đính hôn với anh Maiboom ở Pöppenrade, Armgard cũng có gửi cho con thiếp mời viền vàng, rất nhã. Nó lại còn viết cho con một bức thư kể rằng nó say anh chàng như điếu đổ. Chắc anh ta vừa bảnh trai vừa sang trọng. Nó sướng thật! Bọn con đứa nào cũng chồng con cả rồi. Con còn nhận được thiếp báo hỷ của Eva Ewers từ Munich gửi đến. Nó lấy ông giám đốc nhà máy rượu.

Bây giờ con xin lỗi me điều này, me thân yêu, tại sao đến nay con vẫn chưa được tin bao giờ có người ở gia đình Buddenbrook đến đây thăm chúng con? Chả nhẽ ba me còn chờ anh Grünlich mời nữa hay sao? Theo con, không cần thiết phải như thế vì nhà con không hề có ý nghĩ ấy. Cũng có lúc con nhắc nhà con, anh ấy cứ bảo: “Chao ôi, chao ôi, con với cái, ba còn bận bao nhiêu việc!”. Chắc ba me nghĩ là ba me đến sẽ quấy rầy con hay sao? Không, không bao giờ lại như thế! Hay ba me cho là ba me đến sẽ làm con nhớ nhà? Trời ơi, lẽ nào ba me lại không hay rằng con cũng là người biết điều? Con đã bước vào đời, đã già dặn rồi.

Con vừa sang nhà bà hàng xóm Käselau uống cà phê. Nhà bà ấy người nào cũng đáng mến. Ngoài ra, gia đình bác Gußmann ở phía tay trái nhà con, cũng thường hay đi lại với chúng con, mặc dù hai nhà cách nhau khá xa. Chúng con có hai người bạn thường hay lui tới, cũng ở ngoại ô như chúng con. Một là bác sĩ Klaaßen, (rồi con sẽ kể vài mẩu chuyện về ông ta cho me nghe), một nữa là ông Kesselmeyer, chủ nhà băng, bạn thân anh Grünlich. Chắc me không tưởng tượng nổi ông ta buồn cười đến như thế nào! Bộ râu trắng cắt ngắn, mái tóc hoa râm trên đầu mọc lưa thưa, trông như một dúm lông tơ, gió thoảng qua là bay phơ phất. Ông ta thích lắc lư cái đầu để đùa nghịch như con chim non; còn nói chuyện, thôi thì không biết bao giờ dứt, nên con thường gọi đùa ông ta là “con sáo”. Song anh Grünlich không cho con gọi như vậy, anh ấy bảo giống sáo hay ăn vụng, còn ông Kesselmeyer thì lại là người rất đứng đắn. Lúc đi, ông ta lưng lòng khòng, hai cánh tay vung vẩy, dúm tóc trên đầu chỉ che được phần nửa phía sau để lòi cái cổ ra, hồng hào, béo nung núc. Lúc nào ông ta cũng vui như ngày hội, khó mà tả xiết! Có lúc ông ta để tay vào miệng con, vỗ vỗ rồi nói: “Anh Grünlich lấy được người vợ hiền lành như cô thật là may mắn!”. Rồi ông ta lấy ra cái kính cặp mũi (lúc nào ông ta cũng mang theo ba cái kính cặp mũi, đều để trong một cái túi vải dài, giắt trong cái áo gi-lê trắng, phồng lên một cục), nhăn mũi lại, cặp kính vào, há hốc miệng, ngắm nhìn con. Ông ta nhìn chằm chằm làm cho con không nén được, cứ cười ha hả trước mặt ông ta. Nhưng ông ta cũng chẳng giận tí nào!

Anh Grünlich bận lắm, sáng nào cũng ngồi chiếc xe ngựa nhỏ bé sơn màu vàng của chúng con đi lên phố khuya lắm mới về. Cũng có lúc anh ấy ngồi cạnh con xem báo.

Khi nào chúng con đi chơi nhà ai, ví dụ đến nhà ông Kesselmeyer, nhà ông tham Goudstikker ở Amsterdam, hoặc đền nhà ông nghị Bock ở phố Nghị viện chẳng hạn, chúng con đều phải thuê xe ngựa. Con đã nói với anh Grünlich nhiều lần là phải đóng một cỗ xe khác, ở ngoại ô rất cần. Có thể nói gần như anh ấy cũng đã bằng lòng, nhưng lạ thật, anh ấy không thích đi đâu với con cả. Có lúc con nói chuyện với những người trong thành phố, anh ấy tỏ vẻ không vui tí nào. Có phải anh ấy ghen không, hở me?

Về cái biệt thự của chúng con ấy mà, con đã tả tỉ mỉ cho me nghe rồi. Đẹp lắm, bây giờ lại mới sắm thêm đồ đạc nên càng đẹp. Phòng khách lớn trên gác, me không thể chê vào đâu được, chung quanh toàn đính gấm nâu. Vách tường trong phòng ăn, cạnh phòng khách, cũng tuyệt. Ghế toàn loại hai mươi lăm mark một chiếc. Phòng đọc sách hiện con đang ngồi đây cũng dùng làm phòng tiếp khách. Ngoài ra, còn có một phòng dành riêng để ngồi hút thuốc hay chơi bài. Nửa gác phía đằng kia hành lang là một căn phòng rộng, treo toàn rèm cửa màu vàng, trông lộng lẫy lắm. Trên gác là phòng ngủ, phòng tắm, phòng thay quần áo và phòng dành cho bọn đầy tớ ở. Tên xà ích đánh cỗ xe ngựa sơn vàng của chúng con là một chú bé. Hai người hầu gái cũng làm con hài lòng lắm. Con không hiểu chúng nó có thật thà không, nhưng, cảm ơn Chúa, con không cần phải tính từng xu một! Nói tóm lại một câu là, tất cả đều không làm hại đến thanh danh nhà ta!

Me thân yêu, bây giờ đến một việc rất quan trọng, con tính để cuối thư mới nói. Gần đây, con thấy trong người khang khác; sức khỏe của con thất thường, me cũng biết đấy, nhưng chưa chắc đã phải là đau ốm gì. Con đã tìm dịp nói chuyện này với bác sĩ Klaaßen, cái ông người bé nhỏ mà đầu thì rất to, đội cái mũ rộng vành to tướng ấy mà. Lúc nào ông ta cũng cầm cái ba tong, cán bằng xương tròn tròn, kiểu Tây Ban Nha, thỉnh thoảng đưa lên gẩy gẩy vào bộ râu, bao nhiêu năm nay nhuộm đi nhuộm lại hầu như bây giờ thành màu thiên lý rồi! Ồ, me nên gặp ông ta xem một tí! Con hỏi, ông ta không trả lời, chỉ khẽ nhấc cái kính lên, nhấp nháy đôi mắt ti hí, đỏ khè, vuốt cái mũi trông như củ khoai tây, cười hì hì, rồi nhìn con vẻ trâng tráo, làm con phát ngượng. Thế rồi, ông ta khám cho con và nói với con là cái gì cũng bình thường cả, chỉ nên uống nhiều nước suối, có lẽ con hơi thiếu máu. Ồ, me ạ, me nói lại cho ba con biết điều này, để ba con ghi vào cuốn sổ nhật ký gia đình. Về những chuyện khác, lần sau con xin nói me rõ.

Con gái ngoan của me

Antonie

○○○

Ngày 2 tháng 8 năm 1816

Thomas thân yêu,

Nhận được thư con cho biết con gặp em Christian ở Amsterdam, ba rất mừng. Chắc chắn là hai con sẽ sống với nhau những ngày vui vẻ. Cho đến nay, ba vẫn chưa nhận được tin gì về chuyện em con vượt biển Ostende sang Anh du lịch, cầu mong Thượng đế phù hộ cho em con gặp mọi sự may mắn. Em Christian đã bỏ việc nghiên cứu học thuật, nhưng mong nó không chần chừ quá lâu để sớm học được cái bản lĩnh chân thực ở ông Richardson, và mong từ nay về sau, nó đi vào con đường buôn bán làm ăn được thuận lợi. Ông Richardson (ở phố Kim chỉ[80]) là bạn hàng thân thiết của nhà ta, con đã rõ. Ba đưa được hai con vào học làm ăn trong cái công ty, từ lâu đã đi lại với gia đình ta, ba cho là hạnh phúc lắm. Chắc bây giờ con đã thấy rõ điều đó có lợi như thế nào rồi. Ba rất hài lòng về việc ông van der Kellen tăng lương cho con trong quý này, với lại thế nào tương lai ông ta cũng sẽ tìm cách giúp con có thêm những món thu nhập khác. Ba tin chắc là con sẽ làm ăn chăm chỉ để đáp lại công ơn người ta, không bao giờ phụ lòng tốt của họ.

Nghe nói con không được khỏe, ba rất lo. Hiện tượng về bệnh thần kinh con nói trong thư gửi cho ba làm ba nghĩ tới thời ba còn trẻ. Hồi ấy ba đang làm việc ở Antwerpen, vì mắc bệnh ấy nên ba phải đến Ems chữa. Nếu làm như vậy được việc cho con, tất nhiên ta sẽ hết sức giúp đỡ con về mọi mặt, mặc dù tình hình chính trị bây giờ đang lộn xộn, đối với người khác trong gia đình, tiết kiệm được một món chi tiêu như vậy là tốt nhất.

Tuy vậy, tháng sáu vừa rồi, ba và me con cũng đã đến Hamburg thăm Tony, em con. Chồng nó không mời ba me nhưng đón tiếp cũng hết sức niềm nở. Ba me chơi ở nhà nó hai ngày, suốt hai ngày ấy, lúc nào nó cũng quanh quẩn bên ba me, bỏ cả công ăn việc làm, thành ra ba cũng chẳng có thì giờ lên phố thăm gia đình ông Duchamps một tí. Em con đã có chửa năm tháng rồi, thầy thuốc theo dõi sức khỏe cho nó khuyên ba me cứ yên tâm. Ông ta bảo mọi việc đều bình thường và thuận lợi cả.

Ba còn muốn nói đến bức thư của ông van der Kellen một chút. Qua thư ông ta, ba được biết ngoài giờ làm việc, con còn đến nhà ông ta chơi và được ông ta đón tiếp niềm nở, điều đó làm cho ba rất vui mừng. Con thân yêu của ba! Trước kia con còn nhỏ dại, ba me chăm sóc nuôi nấng con, bây giờ đã đến lúc con thu hoạch kết quả của sự giáo dục đó. Ba muốn kể chuyện của ba cho con nghe, hy vọng sẽ có ích cho con. Lúc ba bằng tuổi con bây giờ, dù ở Bergen hay Antwerpen, ba vẫn thường giúp gia đình ông giám đốc làm những việc lặt vặt, rất là thân tình, cái đó có lợi cho ba lắm. Như vậy, không những thắt chặt mối quan hệ giữa ba với gia đình cấp trên, đã có lợi rồi mà ba đã tìm được cho ba một người che chở, ấy là bà giám đốc. Gặp phải việc mình cố tránh cũng không tránh được, nói ví dụ, trong công việc mình có điều gì sai sót, hoặc ông giám đốc có điều gì không hài lòng về mình, nếu được một người như thế che chở cho, quả thật là hay vô cùng.

Về ý định làm ăn của con sau này, ba rất vui mừng thấy con tỏ ra rất chí thú, mặc dù cũng có những điều ba chưa hài lòng lắm. Con có ý định kinh doanh lâu dài những sản phẩm ở các vùng xung quanh thành phố này, như ngũ cốc, các loại cây có dầu, da, bông, mỡ, khô dầu, xương thú, vân vân, là mặt hàng có sẵn trong thiên nhiên, không phải chế biến, nên ngoài việc làm đại lý, con sẽ chuyển dần sang buôn bán các thứ đó. Trước đây, có dạo ba cũng đã tính toán như vậy. Hồi bấy giờ, người ta ít cạnh tranh nhau về những mặt hàng ấy, (nay thì ghê lắm rồi!); hơn nữa là, trong phạm vi tình hình và thời cơ cho phép, ba cũng đã làm thử một vài chuyến. Trong một chuyến đi sang Anh, mục đích chính của ba là hy vọng tìm được nơi liên hệ để mở một hãng của ba ở nước này. Ba đi đến Scotland với mục đích đó, và cũng đã làm quen với một số người có lợi cho việc buôn bán của mình. Nhưng ba nhận ngay ra rằng, xuất khẩu hàng sang đây hơi mạo hiểm nên ba quyết định thôi không phát triển theo chiều hướng ấy nữa. Với lại, lúc nào ba cũng tâm niệm lời răn bảo của tổ tiên chúng ta - người đã sáng lập ra công ty chúng ta đây, - “Các con ơi, ban ngày các con hãy chăm chỉ mà làm việc, nhưng chớ làm điều gì táng tận lương tâm thì đêm khuya các con mới ngủ ngon lành được”.

Ngày nào ba còn sống thì ba cũng coi điều di huấn ấy là khuôn vàng thước ngọc, mặc dù có lúc trông thấy những kẻ không theo đạo lý đó mà vẫn đàng hoàng như thường thì ba không khỏi hoài nghi đôi chút. Ba đang nghĩ đến công ty Strunck - Hagenström. Khi công việc của chúng ta hầu như bị đình trệ, không tiến lên được, thì họ lại ngày càng phất tợn. Con biết đấy, vì ông nội con qua đời nên chúng ta phải thu hẹp phạm vi kinh doanh lại, mãi cho đến ngày nay, vẫn chưa mở rộng thêm ra được. Nhưng ba chỉ dám cầu nguyện Chúa sau này ba có thể giao lại sự nghiệp cho con với quy mô như thế này thôi. Ông Marcus, giám đốc Công ty chúng ta, là người giàu kinh nghiệm, làm ăn cẩn thận, chín chắn. Chỉ cần gia đình ông bà ngoại con chi tiêu dè xẻn một tí là được rồi. Gia tài ông bà ngoại để lại cho me con, đối với nhà ta, to lắm đấy!

Công việc làm ăn buôn bán và những hoạt động xã hội trong thành phố làm ba bận túi bụi. Hiện giờ ba là hội trưởng Hội đường biển Bergen. Lần này, ba lại được bầu làm đại biểu thành phố, tham gia công việc Sở tài chính, Sở thương nghiệp, Ban thanh tra kinh tế và Viện cứu tế St. Annen.

Me con, em Klara và Klothilde gửi lời thăm con. Ngoài ra, còn có rất nhiều người nhờ ba chuyển lời hỏi thăm con, như ông nghị Möllendorpf, tiến sĩ Överdieck, ông Kistenmaker, ông Gosch, chuyên làm nghề môi giới chào hàng, ông C. F Köppen, ông Marcus, giám đốc công ty nhà, các ông thuyền trưởng Kloot và Klötermann. Cầu xin Thượng đế ban phúc lành cho con! Con thân yêu của ba! Con hãy chăm chỉ làm việc, cầu nguyện và sống thật cần kiệm!

Ba yêu quý và thương nhớ con.

○○○

Ngày 8 tháng 10 năm 1846

Thưa thầy me kính mến,

Con sung sướng thưa với thầy me rõ, Antonie, con gái của thầy me, người vợ yêu quý của con, đã ở cữ cách đây nửa giờ, bình yên vô sự.

Theo ý Chúa, nhà con sinh cháu gái, con sung sướng và xúc động vô cùng, không bút mực nào tả xiết. Cả hai mẹ con đều rất khỏe. Bác sĩ Klaaßen rất hài lòng về việc nhà con sinh nở lần này. Bà đỡ Großgeorgis cũng cho là nhà con ở cữ lần này hết sức dễ dàng. Vì con quá xúc động nên đành dừng bút ở đây. Xin cho phép con tỏ lòng tôn kính và biết ơn thầy me.

Grünlich

TB. Giả thử cháu là trai thì con đã đặt cho cháu một cái tên rất tuyệt. Bây giờ, con định gọi cháu là Meta, nhưng anh Grünlich thì lại thích gọi cháu là Erika!

Tony


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx