sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10

Từ ngày vợ Grünlich đưa con gái về tòa biệt thự ở phố Meng, trong một thời gian rất lâu, không khí ở đây bỗng trở nên âm thầm, lặng lẽ. Cả nhà đi lại đều rón rén, không một ai muốn đả động đến “chuyện đó” cả... Chỉ có vai chính trong vở kịch là ngoại lệ. Tony khác hẳn mọi người, cô rất thích nói đến “chuyện đó” mà lại nói rất say sưa!

Tony và Erika dọn lên ở trong một căn phòng trên gác ba. Hồi hai vợ chồng cụ Buddenbrook còn sống, bố mẹ Tony ở đấy. Tony thấy bố không nghĩ đến chuyện thuê riêng cho mình một người làm thì không khỏi có ít nhiều thất vọng. Khi bố dùng những lời lẽ ôn tồn nói cho cô biết rằng hiện giờ điều thích hợp với cô nhất là tạm thời hãy lánh những chuyện đi lại xã giao với người trong thành phố; bởi vì, xét về tình hay lý thì trong tai họa này rõ ràng là Thượng đế muốn thử thách cô. Mặc dù cô không có điều gì sai trái, nhưng cô vẫn là người đàn bà ly dị chồng, thân phận ấy buộc cô phải sống xa mọi người. Lần nói chuyện ấy khiến Tony trầm ngâm suy nghĩ mất nửa tiếng đồng hồ, nhưng may cô được trời phú cho tài năng kỳ diệu là dù trong hoàn cảnh mới nào, cô cũng vẫn có thể vui vẻ như thường. Chẳng bao lâu, cô rất yêu vai người thiếu phụ vô tội bị thiệt thòi mà cô đang đóng. Cô mặc toàn màu đen. Lúc chải mái tóc màu xám, bóng mượt, đẹp đẽ của mình, cô thường rẽ giữa như một thiếu nữ. Mặc dù ít có dịp được ra ngoài giao thiệp, nhưng ở nhà cô đã được bù đắp lại. Hoàn cảnh ngang trái, không bình thường của cô khiến cô trở thành một người vô cùng quan trọng. Cô thích thú và không biết mệt mỏi nói với người khác quan niệm của mình về chuyện chồng con, về Grünlich, về cuộc đời và số phận, v.v...

Không phải ai cũng thích nghe những lời hùng biện của cô cả. Chẳng hạn bà tham, tuy bà cho rằng chồng bà làm như vậy là đúng, là trọn nghĩa vụ của người cha, nhưng mỗi lần Tony bắt đầu nhắc đến “chuyện đó” thì bà thường xua xua bàn tay xinh đẹp của mình, nói:

— Thôi[89], con ạ! Me chẳng thích nghe đâu!

Klara mới mười hai tuổi, nghe không hiểu gì, nhưng Klothilde thì lại ngốc nghếch than thở: “Ồ, cô Tony, thương tâm quá nhỉ!”. Câu đó cô ta có thể kéo dài giọng, nói một cách tò mò, sợ hãi. Tony tìm được một người chú ý lắng nghe chuyện của mình là chị Jungmann. Năm nay chị ba mươi nhăm tuổi, hiện giờ chị đủ tư cách để khoe rằng chị phục dịch trong nhà những người giàu sang lâu đến nỗi mái tóc đã hoa râm. Chị nói:

— Đừng lo, cô Tony ạ! Cô còn trẻ, còn có thể lấy đời chồng khác.

Ngoài ra, chị để hết tâm tư dạy bảo Erika. Chị rất thích làm việc ấy. Chị kể cho nó nghe những mẩu chuyện vụn vặt mà mười lăm năm về trước, con cái ông tham đã từng được nghe chị kể. Đặc biệt là chuyện ông chú ở Marienwerder, ông ta vì quá “thương tâm” nên chết vì bệnh tắc thở!

Nhưng Tony vẫn thích nói chuyện với bố nhất. Thực ra, Tony cũng đã nói chuyện với ông nhiều nhất, lúc thì sau bữa ăn trưa, lúc thì bên bàn ăn bữa sáng. Quan hệ giữa cô và ông bố bỗng trở nên hết sức mật thiết, khác hẳn trước kia rất nhiều. Trước kia thấy bố có quyền thế ở trong thành phố, bố lại tài giỏi, chăm chỉ, chân thành, nghiêm túc, không bao giờ lơ là với công việc thì cô kính nể nhiều hơn là yêu thương. Nhưng lần nói chuyện ở phòng khách nhà cô, ông đã biểu lộ tính tình của ông trước mặt con gái, ông đã nghiêm trang dốc bầu tâm sự của ông với cô, ông đã cho cô quyền lựa chọn cuối cùng, ông, một người không bao giờ mắc sai lầm, vậy mà đã khiêm tốn thừa nhận với cô là chính ông cũng lấy làm xấu hổ. Những chuyện như vậy khiến Tony vừa tự hào vừa cảm động. Chúng ta có thể nói chắc chắn rằng bản thân cô xưa nay không hề nghĩ đến chuyện bố mình lại có thể xấu hổ với mình. Nhưng ông đã nói vậy thì cô cũng tin vậy, và vì thế mà tình cảm của cô đối với ông càng dịu dàng, càng ấm áp. Riêng về ông tham, ông vẫn không hề thay đổi cách nhìn của ông, ông nghĩ là mình nên yêu thương con gái gấp bội để bù đắp vào chỗ thiệt thòi mà số phận tàn nhẫn đã dành cho nó.

Ông Johann Buddenbrook vẫn không hề dùng bất cứ biện pháp nào để đối phó lại thằng con rể bịp bợm cả. Cố nhiên qua những lần trò chuyện, Tony và mẹ Tony đã biết Grünlich dùng thủ đoạn xảo trá như thế nào để lấy tám vạn mark, nhưng ông tham lại hết sức cẩn thận, không để câu chuyện đó lan ra ngoài, càng không nghĩ đến việc kiện cáo gì hết. Ông cảm thấy, là một thương gia, danh dự của ông bị tổn thương nặng, ông đã bị mắc lừa một vố rất đau. Thật là nhục nhã. Nhưng rồi ông chỉ muốn im lặng, một mình vật lộn với sự nhục nhã đó.

Mặc dù vậy, sau khi Grünlich tuyên bố phá sản - tiện thể xin nói qua là Grünlich phá sản đã liên lụy đến nhiều hãng buôn ở Hamburg, họ bị thiệt hại khá nặng - ông tham lập tức kiên quyết làm thủ tục cho con gái ly dị. Trong vụ ly dị này, Tony cho mình đóng vai chính thật sự nên cô lấy làm vinh dự vô cùng, khó mà miêu tả nổi.

— Thưa thầy - cô nói. Những lúc nói chuyện như thế này, không bao giờ cô gọi ông tham là “ba” cả - Thưa thầy, công việc của chúng ta ra sao rồi? Thầy cho là mọi việc thuận lợi cả phải không? Luật lệ rõ ràng lắm, chính con đã xem kỹ: “Phàm người chồng không đủ khả năng nuôi nấng chăm sóc vợ con...”, nhất định họ cũng thấy được điều đó.

Nếu có con trai, Grünlich được giữ lại nuôi...

Lại một lần nữa, cô nói:

— Thưa thầy, con nghĩ rất nhiều về những chuyện trong mấy năm chúng con chung sống với nhau. Mấy năm đó, con rất muốn ở trong phố nhưng anh ta lại kiên quyết phản đối, thì ra là vì thế! Anh ta một mực không thích cho con lên phố, giao thiệp với người này, người nọ, thăm hỏi khách khứa. Thì ra cũng là vì thế! Ở trong thành phố nguy hiểm hơn ở Eimsbüttel. Ở trong thành phố, thế nào bộ mặt thật của anh ta cũng bị con khám phá... Thật là một thằng đại bịp!

— Chúng ta không nên kết luận như vậy, con ạ - Ông tham trả lời.

Cuối cùng, sau khi ly dị rồi, cô lại nói một cách đứng đắn, nghiêm chỉnh rằng:

— Thầy đã ghi vào sổ gia đình chưa ạ? Chưa, phải không ạ? Ồ, thế thì con ghi vậy nhé! Thầy đưa chìa khóa bàn sách cho con.

Thế là ngay dưới những dòng chữ chính tay cô viết cách đây bốn năm, cô lại tự hào và nắn nót viết thêm: “Cuộc hôn nhân này đã được pháp luật tuyên bố hủy bỏ tháng hai năm 1850”.

Cô đặt bút xuống suy nghĩ một lúc:

— Thưa thầy, cô nói - Con rất hiểu, chuyện này là một vết nhơ trong lịch sử gia đình ta. Con đã suy nghĩ rất nhiều. Chả khác gì trong quyển sổ này có vết mực. Nhưng xin thầy yên lòng... Làm thế nào để tẩy sạch vết nhơ ấy đi là chuyện của con! Con còn trẻ... thầy không thấy con vẫn còn xinh đẹp hay sao? Mặc dù khi bà Stuht gặp lại con lần đầu, bà ta đã nói với con rằng: “Chao, trời ơi, chị già rồi, chị Grünlich ạ!”. Nhưng con không thể ngốc nghếch mãi như bốn năm trước đây... Ngày tháng đã làm cho con người già đi... Tóm lại, con sẽ lấy chồng! Thầy sẽ xem con sẽ tìm nơi xứng đáng để bù đắp lại. Thầy bảo có đúng không?

— Chuyện đó nằm trong tay Thượng đế, con ạ! Nhưng bây giờ tuyệt đối không nên nói đến chuyện đó.

Từ dạo ấy, Tony thường thích nói câu “cuộc đời là như vậy...”. Khi nói chữ “cuộc đời”, mắt cô giương to, trông vừa đẹp vừa nghiêm, hình như muốn nói: “Tôi nhìn thấu suốt cuộc đời và số phận của con người rồi!”.

Tháng tám năm đó, Thomas ở Pau về. Xung quanh cái bàn tròn trong phòng ăn đã có nhiều người ngồi hơn trước. Tony cũng đã có người bạn mới để chuyện trò tâm sự. Cô rất yêu anh trai và cũng rất trọng anh. Lúc trước, trên đường từ Travemünde về nhà, anh đã hiểu nỗi đau khổ của cô, và đã từng thông cảm với cô; với lại xưa nay Tony vẫn coi anh là ông giám đốc tương lai của công ty và là người đứng đầu trong gia đình.

— Ừ, ừ - Anh nói - Cái gì hai anh em mình cũng đã từng trải cả rồi, Tony nhỉ!

Anh vừa nói vừa dựng ngược lông mày lên, chuyển điếu thuốc lá Nga ngậm trong miệng từ khóe bên này sang khóe bên kia. Có lẽ trong đầu óc, anh đang nghĩ đến cô gái ở hiệu bán hoa tươi có khuôn mặt kiểu người Mã Lai. Cách đây ít lâu, cô ta đã lấy con trai ông chủ, hiện giờ tiếp quản quán bán hoa tươi ở phố Hàng cá rồi!

Mặc dù Thomas Buddenbrook nước da hơi xanh nhưng trông anh vẫn đường hoàng lắm. Hình như trong mấy năm gần đây anh đã được thử thách nhiều. Hai bên tai, anh để hai dải tóc bồng bồng nho nhỏ, râu mép để kiểu Pháp, hai đầu tỉa nhọn, sấy vểnh lên. Người anh to và lùn, hai vai rộng. Những nét đó làm cho anh có vẻ hơi giống một người lính. Nhưng thực ra thì anh không được khỏe lắm. Dưới thái dương nhỏ bé, dưới mái tóc xoắn đi xoắn lại như hai vòng nhỏ, gân xanh nổi lên rất rõ. Anh lại rất dễ cảm lạnh, cảm sốt, bác sĩ Grabow tốt bụng mặc dù đã tốn hết bao tâm huyết nhưng vẫn không chữa cho anh khỏi được. Còn những bộ phận khác ở trong người anh, ví dụ quai hàm, mũi... đặc biệt là hai bàn tay (bàn tay rất điển hình của gia đình Buddenbrook) giống hệt ông nội đã qua đời!

Anh nói tiếng Pháp pha giọng Tây Ban Nha. Anh rất mê một số nhà văn hiện đại chuyên viết châm biếm, có giọng văn chua chát khiến bất cứ ai cũng kinh hãi. Người trong thành phố, chỉ có ông Gosch, chuyên làm nghề môi giới chào hàng, luôn luôn buồn thảm, là tri âm duy nhất của anh. Bố anh đã quở mắng anh một trận nên thân về cái tội say mê đó.

Tuy vậy, trong đôi mắt ông tham vẫn lộ niềm tự hào về người con cả của mình. Thomas về nhà chưa bao lâu, ông tham lại xúc động và vui vẻ đưa anh vào giúp việc cho công ty. Với lại ông tham bây giờ cũng ngày một hài lòng về công việc của công ty, đặc biệt là sau khi cụ bà Kröger từ trần hồi cuối năm ngoái.

Cụ bà qua đời, ai cũng cho là chuyện bình thường. Sự thực thì cụ già lắm rồi, có sống cũng chỉ sống cô đơn một mình thôi. Cụ về chầu trời, gia đình Buddenbrook được một món tiền lớn, khoảng mười vạn thaler khiến công ty có thêm vốn kinh doanh. Đó chính là điều nhiều người mong mỏi từ lâu.

Cụ bà Kröger qua đời còn có một hậu quả nữa. Người anh vợ ông tham, ông Justus, mấy lần thua lỗ nên từ lâu đã chán ngán nghề buôn, bây giờ được chia gia tài liền trả hết nợ và tuyên bố thôi không buôn bán gì nữa. Ông công tử bột Justus Kröger, con trai nhà kỵ sĩ cận đại, chỉ quen hưởng thụ, không được gặp vận may. Tính xốc nổi lại vụng về, ông không thể gây dựng được một địa vị vững chắc trong giới thương mại. Ông đã phá mất một số lớn tài sản bố mẹ để lại trước khi vào tay mình. Hiện giờ người con trai cả ông là Jakob, lại mang lại cho ông một mối lo rất lớn.

Người ta đồn rằng tại thành phố Hamburg, anh bạn trẻ này giao du với một số người ăn chơi đàng điếm, mấy năm nay, phá của ông bố một khoản tiền khó mà bù lại được. Vậy mà khi ông tham Kröger cự tuyệt không gửi tiền cho anh ta xài nữa thì vợ ông tham, một người đàn bà hiền lành, nhu nhược lại lén lút gửi hết số tiền này đến số tiền khác cho thằng con du đãng ấy. Thành ra giữa hai vợ chồng ông xảy ra nhiều điều không được vui vẻ lắm. Cuối cùng những cái ấy phát triển đến đỉnh cao nhất. Hình như cùng lúc với Grünlich bị phá sản, công ty Dalbeck ở Hamburg, nơi Jakob Kröger làm việc, cũng xảy ra chuyện rất không hay: một vụ bịp bợm rất tồi tệ!... Mọi người đều làm thinh không đả động gì đến chuyện ấy, cũng không ai hỏi han gì ông Justus Kröger cả. Nhưng chẳng bao lâu, người ta đồn là Jakob tìm được công ăn việc làm ở New York, sắp sửa vượt đại dương sang đấy. Trước khi anh ta lên đường, mọi người mới lại gặp anh ta ở quê nhà. Lần này về, thế nào anh ta cũng xin được ông bố phí tổn đi đường, lại còn xoay bà mẹ một khoản tiền khác nữa. Anh ta là một chàng trai ăn mặc diêm dúa nhưng trông vẻ người thì không lấy gì làm khỏe lắm.

Nói xa nói gần, vì có chuyện đó xảy ra nên khi nhắc đến Jürgen, ông tham Justus mới dùng đến hai chữ “con tôi”, làm cho ông chỉ có mỗi một đứa con trai thừa tự. Cậu con này của ông tuy không làm điều gì lầm lỗi, nhưng hình như đầu óc lại quá chậm chạp. Sau khi tốt nghiệp trung học một cách vất vả, cậu lại đến Jena học luật một thời gian. Cậu không thích học hành và cũng không thành đạt gì cả.

Ông Johann Buddenbrook đau lòng về sự sa sút của bên nhà vợ nên lại càng lo lắng cho tiền đồ của con cái mình. Ông gửi gắm hết mọi hy vọng của ông vào đứa con cả siêng năng, thật thà, cũng có lý do của nó. Về Christian, ông Richardson gửi thư đến nói như sau: Anh bạn trẻ này rất có khả năng học tiếng Anh, nhưng lại không thiết tha làm ăn buôn bán. Ngoài ra, anh ta còn say mê những thú vui ở chốn phồn hoa đô hội này, ví dụ như kịch chẳng hạn. Trong thư của mình, Christian tỏ ra rất muốn đi du lịch, tha thiết xin gia đình cho phép được tìm một chỗ đứng ở “bên kia”. “Bên kia” mà anh muốn nói ở đây là Nam Mỹ, hoặc là Chi-lê. Ông tham nói: “Đó là tính mạo hiểm đang tác oai tác quái!”. Ông viết thư trả lời bảo anh hãy tạm thời ở chỗ ông Richardson thêm một năm nữa (đó là năm thứ tư) để có thêm một số kiến thức về thương mại. Sau đó, trong mấy bức thư hai bố con gửi cho nhau có bàn đến kế hoạch của anh. Mùa hè năm 1851, Christian Buddenbrook đáp thuyền đến Valparaiso[90]. Anh đã tìm được chỗ đứng ở đấy. Anh đi từ Anh sang, trước đó, không về nhà.

Đại để về tình hình hai cậu con trai thì như vậy. Riêng Tony thì ông tham rất hài lòng khi thấy cô kiên quyết và tự tin trong việc bảo vệ địa vị của cô, bảo vệ địa vị của một người thuộc dòng họ Buddenbrook ở trong thành phố này như thế nào... Một người thiếu phụ ly dị chồng phải nhìn biết bao khuôn mặt sung sướng vì thấy người khác gặp điều không may, phải chịu biết bao lời giễu cợt xằng bậy, cái đó không cần nói cũng biết.

— Hừ! - Tony nói. Cô vừa đi dạo về, mặt đỏ ửng. Bước vào phòng phong cảnh, cô vứt ngay mũ xuống xô-pha... - Bọn con Möllendorpf, con Hagenström, con Semlinger, con Julchen, lũ chúng nó ti tiện quá thể! Me thử đoán xem sao nào! Nó không thèm chào con... Nó không muốn hỏi han gì con! Nó chờ con chào trước! Me bảo còn ra cái gì không? Lúc gặp nó ở phố Breiten, con cứ vểnh mặt lên, nhìn trân trân vào mặt nó...

— Con quá quắt lắm, Tony ạ!... Không nên thế. Làm gì cũng phải có chừng mực. Tại sao con không chào cô Möllendorpf trước? Các con bằng vai bằng lứa nhau, bây giờ cô ấy đã lấy chồng. Cũng như con trước kia...

— Dứt khoát con không hỏi nó trước! Lũ chúng nó tệ lắm!

— Thôi[91], con ạ! Sao con lại ăn nói như thế?

— Ồ, tức điên cả người!

Có lúc Tony nghĩ rằng có lẽ bây giờ những người trong gia đình Hagenström càng có lý do để khinh thường cô, đặc biệt là khi thời vận của họ đang lên như diều. Ý nghĩ đó càng làm cho Tony ghét cay ghét đắng bọn “hãnh tiến” ấy. Ông Hinrich chết đầu mùa xuân năm 1851, sau đó con trai ông là Hermann - anh chàng trước kia đổi bánh ga-tô chanh lấy cái bạt tai - hùn vốn với ông Strunck, buôn hàng xã hội, phát tài lắm. Chưa được một năm, anh ta lấy con gái ông tham Huneus, giàu nhất thành phố. Ông ta buôn gỗ, kiếm được rất nhiều tiền, chia cho ba anh con trai, mỗi anh hai triệu. Moritz, anh trai Hermann, mắc bệnh lao phổi, nhưng hồi học ở trường đại học rất xuất sắc, bây giờ làm luật sư ở thành phố này. Mọi người đều cho anh ta sáng suốt, cơ mưu, tháo vát, lại còn thông thạo cả văn học nghệ thuật nữa, nên chẳng bao lâu làm ăn khấm khá lắm. Nhìn bề ngoài, anh ta không có những đặc điểm của họ Semlinger, mặt võ vàng, răng nhọn hoắt và mọc lộn xộn.

Thậm chí ở trong nhà, Tony cũng hết sức giữ vẻ tôn nghiêm của mình. Từ ngày ông Gotthold thôi không buôn nữa thì vô công rồi nghề, chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà sơ sài của mình. Ông ta thường mặc cái quần rộng ống, hai chân ngắn cũn cỡn, vừa đi đi lại lại, vừa luôn tay lấy kẹo ho trong cái hộp thiếc ra nhá (ông ta rất thích đồ ngọt)... Càng về già, dần dần ông ta cũng bớt giận người em cùng cha khác mẹ được bố nuông chiều và trở nên vui đời, an phận. Nhưng trước mặt ba cô con gái chưa chồng, ông ta không khỏi mừng thầm về chuyện chồng con rắc rối của Tony. Còn như bà vợ ông ta, người họ Stüwing, và ba cô con gái (ba cô này đều lỡ thì, hăm sáu, hăm bảy, hăm tám tuổi cả rồi) thì lại tỏ ra hết sức vui mừng trước cảnh ngộ không may của cô em con ông chú, vui mừng hơn cả hồi ăn hỏi và cưới Tony nữa. Sau khi cụ Kröger qua đời, “ngày nhi đồng” tối thứ tư cũng được chuyển sang tổ chức ở phố Meng. Tony thường phải tốn khá nhiều thì giờ trong những ngày gặp mặt thân mật đó.

— Trời ơi! Cô thật đáng thương hại! - Pfiffi nói, giọng hết sức đau khổ. Trong ba chị em, cô trẻ nhất, người béo tròn béo trục, khi nói nước bọt bắn tứ tung, cứ nói một tiếng lại lắc người một cái, trông rất buồn cười - Tòa xử rồi à? Như vậy thì cô lại như trước rồi!

Henriette nói:

— Chao ôi! Trái lại chứ! - Cô này cũng gầy còm, khô đét như cô chị cả - Bây giờ tình cảnh Tony còn thảm hơn lúc chưa lấy chồng đấy!

— Tao cũng nghĩ thế! - Friederike nói hùa theo - Thế này thì thà chẳng lấy chồng còn hơn!

— Ồ, không thể nói thế được, chị Friederike thân mến ạ! - Tony vừa nói vừa ngả đầu ra phía sau, cô nghĩ một câu bác lại có mức độ mà lại tỏ ra là thông minh - Chị nói thế là nhầm rồi! Dù thế nào đi chăng nữa thì em cũng hiểu đời hơn trước kia nhiều chứ! Chị nên biết là em không còn khờ dại như trước kia nữa đâu! Với lại em còn có cơ hội lấy chồng hơn là gái trinh cơ đấy!

— Như thế cơ à? - Ba chị em cùng nói, họ nhấn mạnh chữ “cơ” nghe có vẻ châm biếm và không tin.

Cô Sesemi Weichbrodt thì lại rất hiền lành và rất tốt bụng, cô không hề đả động gì đến chuyện này cả. Thỉnh thoảng Tony vẫn đến thăm cô giáo ở ngôi nhà nho nhỏ, quét vôi đỏ, số bảy phố Mühlenbrink. Trường nội trú này đã bắt đầu lỗi thời nhưng vẫn còn có một số em gái ở đấy và thỉnh thoảng cô gái già thông minh này cũng được mời đến phố Meng ăn một bữa thịt hươu hoặc một bữa thịt ngỗng nhồi. Lúc đó cô kiễng chân hôn một cái “chút” lên trán Tony, tình tứ và cảm động vô cùng. Riêng bà Kethelsen, người chị đần độn của cô Sesemi, gần đây hai lỗ tai ngày càng điếc câm điếc cảy. Có thể nói hầu như bà không biết chuyện gì của Tony cả. Cái tật cười ha hả, lạc lõng và có vẻ như muốn tố khổ điều gì ấy, càng nặng hơn trước, làm cho cô Sesemi cứ phải liên tiếp đập bàn gọi “Nelly!”.

Năm này qua năm khác, chuyện con gái ông tham Buddenbrook bỏ chồng cứ nhạt dần đối với người trong thành phố cũng như người trong gia đình. Ngay cả Tony cũng vậy, chỉ những lúc nhìn thấy trên khuôn mặt đầy đặn của bé Erika ngày càng lớn những nét giống Grünlich thì cô mới nghĩ đến chuyện chồng con hẩm hiu của mình. Cô lại ăn diện thật lộng lẫy, uốn mái tóc trước trán xoăn tít, lui tới thăm hỏi những người quen biết như trước kia.

Hàng năm mùa hè đến, cô lại có dịp đi xa thành phố một thời gian.

Những lúc đó, cô vẫn cảm thấy rất vui...

Tình trạng sức khỏe của ông tham buộc ông phải đến các nơi nghỉ ngơi một thời gian dài.

— Các con thật không biết thế nào là tuổi già! - Ông nói - Quần ba dính tí cà phê, ba chỉ lấy tí nước lã gột đi thế mà bị phong thấp ngay... Trước kia, có việc gì mà ba không dám làm?

Ngoài ra, thỉnh thoảng ông cũng hay chóng mặt.

Họ đến Obersalzbrunn, Ems, Baden-Baden, và Kissingen, từ đó họ có thể làm một chuyến du lịch đã lý thú lại được mở rộng tầm mắt qua Nürnberg đến Munich, qua ngoại ô Salzburg và Ischl đến Vienna. Sau đó, qua Praha, Dresden, Berlin rồi về nhà... Gần đây, Tony mắc bệnh thần kinh suy nhược, ăn không tiêu, nên đến các bể tắm, cô phải nghiêm khắc tuân theo cách điều trị, nhưng cô vẫn thấy chuyến đi này giá trị nhất, được nghe, được thấy nhiều nhất. Cô không giấu chút nào, nói thẳng ra là ru rú ở nhà chán lắm.

— Trời ơi! Ba biết rõ thế nào là cuộc sống đấy! - Cô vừa nói vừa nhìn lên trần nhà, vẻ nghĩ ngợi - Tất nhiên con cũng đã biết là thế nào. Nhưng chính vì thế mà con mới cảm thấy cứ ru rú ở nhà như khúc gỗ mục thì tiền đồ mờ mịt lắm! Ba đừng hiểu nhầm là con không thích sống ở nhà với ba... Nếu quả con vong ân bội nghĩa như vậy thì con thật đáng đánh đòn! Thế nhưng đã nói đến cuộc sống thì ba biết đấy...

Điều làm cô chán nhất là tòa nhà cũ rộng rãi của ông bố ngày càng tràn ngập không khí tôn giáo. Ông tham ngày càng già yếu, bệnh tật, nên lòng thành kính của ông đối với tôn giáo cũng ngày càng tăng thêm. Còn bà tham từ ngày có tuổi cũng bắt đầu mê tín. Xưa nay, trước những bữa ăn, trong gia đình Buddenbrook đều có cầu nguyện, nhưng gần đây lại đặt thêm một nền nếp mới nữa: sớm tối, những người trong gia đình, chủ nhà và đầy tớ, đều tụ họp ở phòng ăn sáng lắng nghe ông tham đọc một vài đoạn Kinh thánh. Ngoài ra, các vị mục sư giáo sĩ đến phố Meng thăm hỏi cũng ngày càng nhiều, bởi vì tòa nhà sang trọng ở phố Meng này bao năm nay đã nổi tiếng là quý mến các vị khách, nhân sĩ trong giới đạo cải cách phái Luther[92] và những người thuộc giáo hội trong và ngoài nước. Tiện thể nói qua là ở đây họ được ăn uống hả hê. Lại thường có một số vị mặc quần áo đen, để tóc dài, từ các nơi đến ở mấy ngày... Chắc chắn họ được dịp nói rất nhiều về những chuyện cứu vớt linh hồn và chén mấy bữa cơm để bồi bổ sức khỏe, lúc ra về còn quyên được một món tiền nho nhỏ cho sự nghiệp thiêng liêng của họ. Các vị mục sư trong thành phố thì lại càng hay đến nhà ông Buddenbrook luôn.

Tom tỏ ra rất biết điều, lúc nào cũng nghiêm nghị nhưng Tony thì lại hay đùa giỡn, không giữ gìn gì cả. Hễ có dịp là cô đưa các vị ra chế giễu.

Thỉnh thoảng, gặp lúc ba đau đầu, hay thế nào đó, Tony phải cáng đáng lấy việc bày biện các món ăn. Một hôm, có một vị giáo sĩ ở nơi khác đến chơi. Ông ta ăn rất khỏe, làm cả nhà ai cũng phải cười. Tony tinh nghịch, bảo nấu món xúp cho thật béo ngậy. Đây là món ăn độc đáo ở địa phương này, gồm có rau cải với các thức ăn khác, như giămbông, khoai tây, mận chua, lê rán, súp lơ, đậu ván, đậu Hà Lan, cà rốt, không thiếu thứ gì, ngoài ra còn có nước hoa quả nữa, nấu thành một món hổ lốn. Trừ những người ăn quen từ bé, ít ai có thể nuốt trôi được. - Ngon đấy chứ ạ? Mục sư có thích không ạ? - Tony hỏi đi hỏi lại...

— Không thích ạ? Trời ơi, thế mà cháu không biết!

Nói xong, cô nhăn mặt nhăn mũi, lè lưỡi ra, y như khi cô nghĩ điều gì hoặc làm việc gì nghịch ngợm.

Vị mục sư béo phị bỗng bỏ thìa xuống, ngây thơ nói:

— Tôi chờ món sau vậy!

— Vâng, còn món nữa ăn sau cùng - Bà tham vội vàng nói... Bởi vì sau món “hổ lốn”, còn món khác, đó là điều không phải bàn cãi gì nữa. Kết cục là sau đó, mặc dù có món bánh rán to bằng quả táo muối, nhưng vị mục sư đành phải ra khỏi bàn ăn với cái bụng lép kẹp! Tony cúi đầu cười sặc sụa mãi không thôi. Tom thì cố nín nhịn, đôi lông mày lúc ấy giương lên rất cao.

Lại một lần, Tony đang đứng ở hành lang bày vẽ gì cho chị nấu bếp Stina thì mục sư Mathias ở Kannstatt đi đâu về; ông ta đã ở nhà Buddenbrook mấy hôm rồi. Chị Trina nghe chuông cửa, lạch bạch chạy ra mở (chị ta vẫn giữ kiểu đi của người nhà quê). Chắc vị mục sư muốn nói với chị một vài lời thân mật đồng thời muốn thử thách lòng thành kính của chị, bèn tươi cười hỏi chị:

— Con có yêu Chúa không đấy?

Chưa chừng, ông ta còn định cho cái gì nữa, nếu chị nhận là chị trung thành với Chúa cứu thế.

— Dạ, thưa mục sư... - Chị Trina bẽn lẽn, lo lắng nói. Đôi mắt chị mở to, mặt đỏ ửng - ngài nói ai đấy ạ, cụ chủ hay là cậu chủ ạ?

Tony kể ầm chuyện đó trong bữa ăn, bà tham không nhịn được, cũng cười sằng sặc. Điệu cười của bà y hệt điệu cười của những người họ Kröger.

Tất nhiên ông tham thì phải nghiêm túc và bực bội cúi đầu nhìn cái đĩa trước mặt.

— Như vậy là hiểu lầm...

Mục sư Mathias ngượng nghịu nói.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx