sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Ông tham Buddenbrook ở câu lạc bộ “Hài hòa” đi về phố Meng, đó là câu lạc bộ đọc sách do các nhà trí thức tổ chức. Ăn sáng lần thứ hai xong, ông đến đây tiêu khiển một tiếng đồng hồ. Ông từ cửa sau vào sân, vội vàng rẽ sang phía vườn hoa, đi trên con đường rải đá giữa hai bức tường cao mọc đầy rêu nối liền sân trước với sân sau, rồi bước vào cửa lớn. Ông thò đầu vào nhà bếp hỏi xem Christian có nhà không, bảo người nhà nếu anh về thì báo cho ông biết ngay. Sau đó ông đi qua phòng giấy - Những người ngồi trong phòng giấy trông thấy liền cúi đầu xuống quyển sổ trước mặt - vào phòng làm việc riêng của mình. Ông để mũ và can sang một bên, khoác áo làm việc vào, bước đến chỗ ông Marcus ngồi, cạnh cửa sổ phía trước mặt. Giữa hàng lông mi nhàn nhạt của ông nổi lên hai nếp nhăn. Mẩu thuốc lá Nga gần tàn chuyển từ khóe miệng bên này sang khóe miệng bên kia. Ông lấy bút, giấy, mực, cử chỉ vội vã, hoảng hốt, khiến ông Marcus luôn luôn đưa hai ngón tay lên vê đi vê lại bộ râu mép của mình cũng phải nhìn ông chủ chằm chằm. Bọn trẻ cũng giương lông mày lên nhìn. Ông chủ giận rồi.

Hơn nửa giờ đồng hồ chỉ nghe tiếng ngòi bút sột soạt trên giấy và tiếng ho thận trọng của ông Marcus. Ông tham nhìn qua cửa sổ diềm màu xanh lá cây, trông thấy Christian, miệng ngậm thuốc lá, từ đầu kia phố đi tới. Anh vừa ăn sáng và chơi bài ở câu lạc bộ, bây giờ mới về. Cái mũ đội lệch trên đầu, chiếc can màu vàng vung vẩy trong tay, chiếc can này anh cũng mang “ở đấy” về, đầu chiếc can là hình người đàn bà bán thân bằng gỗ mun. Trông anh khỏe mạnh, tâm thần sảng khoái lắm, vừa khẽ hát một bài gì vừa bước vào phòng giấy, nói với những người ngồi đấy: “Chào các vị!”. Lúc bấy giờ đã xế trưa, nắng xuân ấm áp tỏa khắp bầu trời. Anh đến chỗ ngồi của mình, định “làm một ít việc”. Nhưng lúc đó ông tham đứng dậy, mắt nhìn nơi khác, nói một cách thản nhiên:

— Này... tôi muốn nói với chú câu chuyện này!

Christian đi theo Thomas. Họ bước nhanh ra cửa. Thomas chắp tay sau lưng, Christian không tự chủ, cũng chắp tay sau lưng, chun mũi lại. Cái mũi diều hâu của anh nhô lên, trông xương xẩu trên bộ râu mép màu hung để kiểu Anh và giữa hai gò má lõm sâu xuống. Khi hai người bước vào sân. Thomas nói:

— Ông bạn đi dạo vườn hoa với tôi một lúc nhé!

— Vâng! - Christian trả lời. Cả hai cùng im lặng đi trên con đường phía ngoài cùng, qua nhà hóng mát kiểu rô-cô-cô, rồi từ bên trái bước vòng qua vườn hoa. Lúc này đang là mùa hoa ra nụ. Cuối cùng, ông tham thở dài một cái, nói to:

— Vừa rồi, tôi giận về hành động của chú lắm!

— Của tôi?

— Phải. Ở câu lạc bộ “Hài hòa”, có người nói với tôi rằng tối qua chú đã nói câu đó ở câu lạc bộ. Thật là lỗ mãng, không biết phân biệt phải trái gì cả. Tôi không biết dùng từ gì cho phải... Cái ngu xuẩn của chú đã làm cho chú mất mặt tại chỗ. Có người đập lại chú ngay, chú còn nhớ chứ?

— À... bây giờ thì tôi biết anh nói cái gì rồi! Ai kể lại với anh?

— Ai kể cũng thế thôi... Döhlmann, tất nhiên ông ta kể câu chuyện ấy cốt để mua vui cho những người chưa biết...

— Đúng thế đấy, anh Tom ạ. Nhất định tôi phải nói với anh... Lão Hagenström thật không biết liêm sỉ là gì!

— Chú còn cho người khác là... nhưng đó là... Chú hãy nghe tôi nói đây này! - Ông tham nghiêng đầu sang một bên, nói to duỗi thẳng hai cánh tay ra, lòng bàn tay ngửa lên, đưa đi đưa lại, vẽ xúc động lắm - Trước một đám đông như vậy, có cả thương gia lẫn học giả, vậy mà chú dám nói cho mọi người nghe rằng: “Cứ nghĩ kỹ mà xem, người nào làm nghề buôn bán cũng bịp bợm cả!”. Bản thân chú cũng là một thương gia, làm việc trong một Công ty mà Công ty đó lại đang tìm mọi cách để giữ tiếng là thành thật, không lừa đảo ai, không ai có thể công kích được...

— Trời ơi, anh Thomas! Tôi nói đùa đấy thôi mà! Mặc dù... thật ra... - Christian nói thêm. Anh chun mũi, đầu hơi nhô ra... bước lên mấy bước.

— Nói đùa à! Nói đùa à! - Ông tham gào lên - Tôi nghĩ rằng tôi biết thế nào là nói đùa. Nhưng chú cũng thấy được rằng người khác hiểu câu nói đùa của chú như thế nào rồi chứ! Ngay lúc đó, Hermann Hagenström đã trả lời chú: “Nhưng chúng tôi thì lại rất xem trọng nghề của chúng tôi!”... Vậy mà chú ngồi đấy như một kẻ nhàn rỗi, không biết trọng nghề của mình...

— Ồ, anh Tom, tôi van anh. Anh nói gì vậy! Tôi mong anh tin lời tôi nói. Hắn ta đã làm cho mọi người cụt hứng. Ai cũng cười ha hả, chứng tỏ họ cho điều tôi nói có lý. Bỗng nhiên anh chàng Hagenström ngồi đấy, nói giọng đứng đắn. Nhưng tôi... thật là ngốc, quả thật tôi đã xấu hổ thay cho hắn. Tối qua về, nằm trên giường, tôi còn suy nghĩ mãi về chuyện ấy. Lúc đó, tôi có một cảm giác kỳ lạ... Không hiểu, anh có cảm giác đó hay không...

— Đừng nói nhảm nữa, tôi van chú! Chú đừng nói nhảm nữa! - Ông tham cắt lời, người ông run lên vì giận dữ - Tôi đồng ý với chú, câu trả lời của hắn ta có lẽ không hợp với không khí lúc bấy giờ, chứng tỏ hắn ta vô duyên! Nhưng trước khi chú nói, cứ tạm cho là chú cần phải nói câu đó, thì ít ra chú cũng phải xem người nghe là ai chứ, để người khác khỏi đốp chát vào mặt chú một cách ngu xuẩn như thế! Lão Hagenström lợi dụng cơ hội đả kích chúng ta... Không phải chỉ đả kích một mình chú, mà đả kích cả Công ty chúng ta. Chú có biết hắn nói câu đó có ý gì không? Hắn muốn nói: “Chắc là bạn ngồi trong phòng giấy của ông anh bạn, mới có nhận xét đó chứ gì?”. Ý hắn ta như vậy đấy! Chú đúng là một con lừa!

— Cái gì... Con lừa!

Christian nói, mặt anh trông ngơ ngác làm sao ấy!

— Cuối cùng, chú nên hiểu rằng chú không phải chỉ thuộc về một mình chú. - Ông tham nói tiếp - Mặc dù như vậy, nhưng nếu chú chỉ nói đùa thì tôi nghe ra cũng cho là tự nhiên thôi. Có ngày nào chú không nói đùa đâu nào! - Ông nói to, mặt tái nhợt. Mái tóc rẽ giữa chải lật ra phía sau che kín thái dương nhỏ bé phía trước lúc đó nổi gân xanh. Đôi lông mày thưa thớt dựng ngược lên, thậm chí hàng râu mép vểnh lên cũng rung rung vì giận. Ông hất tay sang một bên, như muốn gạt những lời nói của mình xuống con đường rải đá phía trước Christian... - Những chuyện trai gái, những cử chỉ khôi hài của chú, bệnh tật và cách chữa bệnh của chú, tất cả những cái đó đã làm cho chú thành một tên hề chính cống rồi!...

— Ồ, anh Tom, - Christian lắc đầu, nghiêm túc, lại chìa ngón tay trỏ ra, trông có vẻ hơi đần độn... - Nói đến chuyện này, rõ ràng anh không hiểu gì tôi cả. Anh biết đấy... Sự thể như thế này... Người ta ai cũng cần để lương tâm mình yên ổn... Tôi không rõ anh có hiểu điều ấy không... Bác sĩ Grabow cho tôi một liều thuốc chữa cơ bắp ở cổ... Tốt lắm! Nếu tôi không dùng liều thuốc của ông ta, nếu tôi vứt đi, thì tôi sẽ không yên tâm. Tôi sẽ không có một chỗ dựa nào nữa, sẽ hoang mang hết sức, sẽ cảm thấy không thoải mái, và không nuốt được thức ăn xuống khỏi cổ. Nhưng, nếu tôi dùng liều thuốc ấy, thì sẽ cảm thấy mình đã làm tròn trách nhiệm, sẽ thấy sức khỏe mình bình thường. Thế là lương tâm tôi sẽ rất thanh thản. Tôi sẽ bình tĩnh, thỏa mãn, ăn uống tự nhiên, không có vấn đề gì nữa. Tôi nghĩ, đó chưa hẳn là công hiệu của liều thuốc ông ta cho. Anh biết đấy, nhưng sự thể là như vậy. Tưởng tượng cả mà thôi, nếu tôi hiểu một cách đúng đắn. Chỉ có thông qua tưởng tượng, một thứ tưởng tượng hoàn toàn ngược lại với thứ tưởng tượng kia, mới có thể giải trừ được nó. Tôi không rõ anh có hiểu điều ấy hay không?

— Đúng, ừ, đúng lắm! - Ông tham nói to, hai tay ôm đầu một lúc - chú cứ làm như thế! Làm theo cách của chú! Nhưng không được đưa ra bàn luận! Không được ăn nói bừa bãi! Không được đem những chuyện nhỏ nhặt, vô vị của chú ra quấy đảo người khác! Suốt ngày chú ba hoa xích đế như vậy cũng đủ cho người ta cười chết ngất đi rồi! Tôi nói cho chú biết, tôi nhắc lại một lần nữa rằng nếu chú chỉ đưa một mình chú ra làm trò hề thì tôi không hơi sức đâu mà để ý, nhưng tôi cấm chú, chú nghe không, tôi cấm chú không được để Công ty dính vào, như chú đã làm hôm qua chẳng hạn!

Christian không trả lời, chỉ thong thả đưa tay vuốt mái tóc màu nâu thưa thớt của mình. Nét mặt anh nghiêm nghị, hoảng hốt, hai con mắt đảo đi đảo lại như đang suy nghĩ gì. Rõ ràng anh vẫn đang nghĩ đến những điều anh vừa nói. Im lặng một lúc, Thomas đi đi lại lại, lòng đầy tuyệt vọng.

— Chú bảo tất cả các thương gia đều bịp bợm à? - Ông lại bắt đầu nói - Thôi được rồi! Chú chán nghề của chú phải không? Chú hối hận đã trót làm một thương gia ư? Lúc đầu, chú nói mãi ba mới bằng lòng...

— Đúng đấy, anh Tom ạ, - Christian có vẻ nghĩ ngợi - quả thực tôi hối hận là không đi học tiếp nữa. Học đại học chắc là thú vị lắm. Thích đến thì đến, hoàn toàn tùy ý mình. Ngồi nghe giảng bài như ngồi trong rạp hát...

— Như ngồi trong rạp hát!... Hừ, theo tôi, thích hợp với chú nhất là đóng vai hề, làm trò ảo thuật trong quán cà phê... Tôi không nói đùa đâu! Tôi thành thật nghĩ rằng đó là nguyện vọng thầm kín của chú.

Ông tham dứt lời, Christian không cãi lại, anh chỉ mơ màng nhìn lên không trung.

— Nhưng chú đã mặt dày mày dạn nói câu đó ra rồi. Chú không hiểu... không mảy may hiểu được thế nào là công việc. Suốt ngày chú chỉ biết vào rạp hát, du đãng, làm trò hề. Trong ruột gan chú chỉ có những cảm xúc này, cảm xúc nọ, câu chuyện này, câu chuyện nọ. Chú chỉ biết có những thứ đó, coi như là châu báu, suy đi ngẫm lại, rồi chú có thể đưa ra nói với mọi người, điềm nhiên, không biết xấu hổ.

— Đúng thế đấy, anh Tom ạ. - Christian nói giọng hơi buồn rầu, và đưa tay phải lên sờ đỉnh đầu - Quả là như vậy, anh nói không sai tí nào cả. Anh cũng biết đó là chỗ khác nhau giữa chúng ta. Anh cũng thích xem hát: với lại trước kia - đây là ta nói riêng với nhau - trước kia, anh cũng trai gái lung tung. Có một dạo anh cũng rất thích đọc tiểu thuyết, thơ ca... Nhưng anh biết kết hợp những thứ đó với công việc bình thường, với cuộc sống đứng đắn... Còn tôi thì lại không làm như thế được. Tôi hoàn toàn bị những cái khác, những cái vô ích lôi cuốn. Đối với công việc đứng đắn thì tôi không hăng hái chút nào... Tôi không hiểu anh có thông cảm cho tôi hay không...

— Ơ, chú cũng thấy được điều đó à? - Thomas nói to. Ông đứng không yên, hai tay bắt tréo trước ngực - Chú khiếp sợ mà thừa nhận như thế, nhưng vẫn chứng nào tật ấy! Chả nhẽ chú là một con chó hay sao, hả Christian!? Còn có Thượng đế thì người ta còn phải biết tự trọng! Nếu người ta không tìm được lời lẽ để biện hộ cho cách sống của mình nữa thì làm sao có thể tiếp tục sống như thế mãi. Chú thích làm con người như vậy. Bản tính của chú đúng là như vậy! Nếu như chú có thể thấy rõ một việc nào đó, có thể tìm hiểu kỹ, trình bày lại... nhưng thôi! Sức chịu đựng của tôi đã đến tột cùng rồi, Christian ạ! - Thomas lùi lại một bước, duỗi thẳng cánh tay vung một cái thật mạnh... - Tôi nói với chú đến đây cho như là chấm dứt! Chú cứ vẫn lĩnh lương như cũ, nhưng chú đừng đi làm nữa... Tôi không giận gì chú cả. Chú có thể đến chỗ khác làm những việc vớ vẩn như chú thường làm. Nhưng dù chú đi đâu thì chú cũng đừng làm cho chúng tôi, cho cả những người trong gia đình chúng ta phải liên lụy. Chú là một cục thịt thừa, chú là một miếng thịt thối trên thân thể gia đình chúng ta! Chú là tai vạ của cả thành phố này! Nếu tòa nhà này là của riêng tôi thì tôi đã tống cổ chú đi rồi, đuổi chú ra khỏi cổng rồi! - Ông gào lên, khoát tay một cái mạnh về phía vườn hoa, sân và con đường lớn... Ông không thể tự kiềm chế được nữa rồi. Cơn giận bấy lâu nén lại trong lòng bỗng chốc nổ tung ra.

— Anh làm gì thế hả, anh Thomas! - Christian nói. Lúc đó, anh cũng nổi nóng, mặc dù trông anh có vẻ hơi buồn cười. Anh đứng dậy, dáng điệu y hệt tất cả những người chân vòng kiềng, lưng gù, đầu, bụng, đầu gối nhô ra, trông hơi giống một cái dấu hỏi to tướng. Anh cố mở to đôi mắt ti hí, sâu hoắm, giống hệt như khi ông bố nổi giận, xung quanh mắt nổi lên một quầng đỏ ửng đến tận gò má. Anh lại nói - Tại sao anh lại nói với tôi những điều đó? Tôi đã làm gì không phải với anh? Tự tôi, tôi sẽ đi, không cần anh phải đuổi. Xì - Câu đó, anh thốt tự đáy lòng. Nói xong chữ cuối cùng, anh đưa tay chụp một cái trong không khí như định bắt một con nhặng.

Thật không ngờ Thomas nghe anh nói vậy mà cũng không giận dữ hơn chút nào cả. Trái lại ông lặng lẽ cúi đầu xuống, thong thả đi đi lại lại trong vườn hoa. Hình như cuối cùng ông đã làm cho chú em nổi giận, cãi lại kịch liệt, thốt ra những lời chống cự, như vậy là ông thỏa mãn rồi, cảm thấy thỏa mãn lắm rồi!

— Chú có thể tin lời tôi. - Ông bình tĩnh nói, tay chắp sau lưng - Buổi nói chuyện này làm cho tôi rất đau lòng, Christian ạ! Nhưng sớm muộn thì chúng ta cũng phải nói với nhau một lần như thế này. Anh em một nhà với nhau mà làm thế này thì không ra thể thống gì nữa, nhưng thế nào chúng ta cũng phải nói hết những điều giấu kín trong lòng... Bây giờ chúng ta có thể bình tĩnh nói chuyện với nhau được rồi, anh bạn ạ! Nếu tôi nhận xét không nhầm thì chú không thích địa vị của chú hiện giờ, có phải không?

— Không thích chút nào cả. Anh Tom, anh nhận xét đúng lắm. Anh biết đấy, lúc đầu tôi rất lấy làm hài lòng... Tôi thấy mình làm việc ở đây hay hơn làm cho các hãng buôn của người khác. Nhưng tôi không được độc lập. Tôi nghĩ rằng khi tôi nhìn thấy anh ngồi làm việc ở đấy, tôi rất phục anh, bởi vì đối với anh, không thể nói là làm việc được. Không phải vì cần thiết mà anh làm. Anh vừa là ông chủ vừa là người có cổ phần. Anh có thể bảo người khác làm thay anh. Anh chỉ cần tính sổ, trông coi người khác là được rồi. Anh không có việc gì mà làm cả. Khác nhau lắm...

— Phải đấy, Christian ạ. Thế tại sao trước đây chú không nói với tôi? Chú hoàn toàn có tự do để làm cho chú độc lập, hoặc trở thành một người độc lập hẳn. Chú cũng biết là ba đã nói cho chú và tôi mỗi người năm vạn mark tiền mặt trong số gia tài ba để lại. Nếu chú cần số tiền đó để làm một việc gì chính đáng, tin cậy được thì tôi sẵn sàng giao cho chú bất cứ lúc nào. Ở Hamburg hay bất cứ một thành phố nào cũng có rất nhiều hiệu buôn đáng tin cậy nhưng thiếu vốn, đang cần người hùn vốn vào. Chú có thể tham gia với tư cách là một cổ đông... Mỗi chúng ta sẽ suy nghĩ thêm và cùng tìm dịp thưa chuyện với me. Bây giờ tôi có tí việc phải làm, còn chú, chú viết cho xong mấy bức thư tiếng Anh trong mấy ngày tới. Thôi nhé!...

— Ví dụ, ở Hamburg có Công ty H. C. F Burmeester chú thấy thế nào? - Khi vào đến cửa, ông hỏi... - Đó là một công ty xuất nhập khẩu... Tôi có quen ông ta. Tôi tin rằng ông ta nghe nói, chắc sẽ không bỏ lỡ cơ hội...

Đó là chuyện xảy ra cuối tháng năm năm 1857. Đầu tháng sáu, Christian đã lên đường đi qua Büchen đến Hamburg... Đối với câu lạc bộ, với nhà hát thành phố, với Tivoli và tất cả những người thích chơi bời trong thành phố, việc anh đi là một thiệt hại lớn. Các cậu công tử, trong đó có cả Gieseke và Peter Döhlmann, đều ra ga tiễn chân, tặng hoa, thậm chí cả thuốc lá. Họ cười hể hả. Nhất định họ đang nghĩ đến những câu chuyện Christian đã kể cho họ nghe. Cuối cùng, luật sư tiến sĩ Gieseke gắn lên áo ngoài Christian một chiếc huy hiệu bằng giấy trang kim, giữa tiếng hoan hô của mọi người. Cái huy hiệu này họ lấy ở một nhà gần bến tàu, một khách sạn nhỏ, ban đêm treo một ngọn đèn đỏ ngoài cửa, nơi mọi người tha hồ chơi bời phóng túng, nơi lúc nào cũng có tiếng cười nói vang trời... cái huy hiệu đó bây giờ đem tặng Christian Buddenbrook sắp từ giã chốn này là để kỷ niệm những thành tích nổi bật của anh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx