sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Cuối tháng 4, Tony về đến nhà. Mặc dù cô vừa sống những ngày không bình thường nhưng bây giờ thì đâu lại hoàn đấy. Cô lại phải cầu nguyện, lại phải nghe bà Lea Gerhardt đọc kinh trong các buổi “Dạ hội Jerusalem”, nhưng rõ ràng cô đang hết sức vui sướng, lòng tràn trề hy vọng.

Hôm cô ở Büchen trở về, ông tham anh cô cũng ra ga đón và cùng cô ngồi xe ngựa về nhà. Khi đi qua cổng Holsten, ông tham không kìm được, khen cô: “Ngoài Klothilde ra, cô là người đẹp nhất nhà!”.

— Trời! Em giận anh lắm đấy, anh Tom ạ! - Tony trả lời - Tại sao anh lại thích làm cho một con mụ già đau khổ như thế...!

Nhưng ông tham nói rất thực, Tony vẫn giữ được vẻ kiều diễm của mình. Mái tóc màu vàng ghi rất dày, chải bồng bồng ra hai bên rồi vén ra sau tai, xong lấy cái lược đồi mồi cuộn thành một búi thật cao trên đỉnh đầu. Đôi mắt màu xanh lơ vẫn dịu dàng như xưa. Ngoài ra, vành môi trên xinh đẹp, khuôn mặt trái xoan, nước da nõn nà khiến người ta tưởng cô chỉ mới hăm ba hăm bốn chứ không phải đã tròn ba mươi. Cô đeo đôi hoa tai vàng rất diện. Thời bà nội, loại hoa tai này rất thịnh hành, duy chỉ hơi khác kiểu một tí mà thôi. Bộ quần áo lụa mỏng màu xám có cái cổ lật bằng xa-tanh và đường viền ở vai, ngang thắt lưng hơi rộng làm cho bộ ngực của cô càng thêm nở nang đầy đặn, vô cùng hấp dẫn.

Như chúng tôi đã nói ở trên, lòng cô rộn ràng vui sướng, cứ đến ngày thứ năm, khi ông tham Buddenbrook, mấy người chị họ ở phố Breiten, ông tham Kröger, Klothilde, cô Sesemi Weichbrodt dẫn cả Erika đến dự tiệc, Tony thường say sưa kể chuyện Munich. Cô nói đến bia và xúp mì sợi ở đấy, nói đến chàng họa sĩ xin vẽ ảnh cô, nói đến chuyện xe ngựa của cung đình đã để lại cho cô một ấn tượng vô cùng sâu sắc. Có lúc cô cũng buột miệng nhắc đến ông Permaneder, nhưng giả thử cô Pfiffi Buddenbrook nói rằng đi chơi như thế cố nhiên cũng vui đấy, có điều chẳng mang lại kết quả thực tế gì cả thì Tony liền nghiêm nét mặt lại, không thèm chấp, chỉ ngả người ra sau và cố ép cằm xuống ngực.

Ngoài ra, cô còn có thêm một thói quen mới, mỗi khi chuông cửa hành lang reo lên, cô liền chạy xuống cầu thang nhìn xem ai. Thế là thế nào nhỉ? Chuyện này hình như chỉ có một mình chị Jungmann, người trông giữ Tony hồi còn bé và là người bạn chân thành của cô trong bao nhiêu năm nay, biết mà thôi. Chị Jungmann thường nói với cô:

— Tony à! Sớm muộn thì rồi ông ta cũng đến thôi. Ông ta không muốn làm một thằng ngốc đâu...

Người trong gia đình đều cảm ơn Tony đã mang về nhà một bầu không khí vui vẻ. Nói thực, lúc này quả là phải khuấy động bầu không khí trong nhà lên một tí. Nguyên nhân vì, ngày tháng trôi qua, mối quan hệ giữa ông chủ Công ty với người em vốn chẳng ra gì nay ngày càng xấu hơn nữa. Bà cụ tham thấy hai anh em như thế thì rất buồn. Là người ở giữa, bà cụ đã mất biết bao tâm huyết để dàn hòa... Mặc dù bà cụ đã nhiều lần khuyên Christian nên làm ăn cho ra trò, nhưng anh chỉ lơ đãng trả lời bằng sự im lặng. Có lúc Thomas cũng trách anh như vậy thì anh trở nên nghiêm túc, mặt mày ủ dột, có vẻ như xấu hổ lắm. Anh không phân bua cho mình gì cả, mà suốt mấy ngày liền say sưa đọc và thảo những thư từ bằng tiếng Anh. Nhưng Thomas thì ngày càng oán giận và tỏ ra khinh thường chú em. Khi bị anh trách móc, Christian không nói năng gì cả, chỉ im lặng nghe, trông có vẻ trầm tư, mà ánh mắt thì tỏ ra hoảng sợ. Nhưng không vì thế mà Thomas bớt giận hoặc thôi không khinh em nữa.

Vì công việc bận rộn và tính tình nóng nảy, Thomas không thông cảm với Christian, hoặc ít ra thì cũng không bình tĩnh lắng nghe Christian nói kỹ về tình hình bệnh tật của anh. Thậm chí, ngay cả trước mặt mẹ và em gái, ông còn nói một cách độc địa rằng thứ bệnh đó là “kết quả ngu xuẩn của việc tự quan sát mình rất đáng ghét!”.

Cái chân đau của Christian hay bị tê buốt thất thường, nhờ chữa theo phương pháp xoa bóp, một dạo đã hơi đỡ. Nhưng vẫn xảy ra hiện tượng có lúc ngồi vào bàn ăn mà không nuốt được thức ăn xuống. Hơn nữa, gần đây anh lại mắc thêm bệnh hen suyễn, sinh ra khó thở. Đã mấy tuần, Christian cứ cho là bệnh phổi, luôn luôn chun mũi lại kể cặn kẽ cho người nhà nghe bệnh tình của mình. Bác sĩ Grabow được mời đến hỏi ý kiến. Ông ta nói dứt khoát rằng tim và phổi bình thường, còn hiện tượng khó thở thì ông cho là do một phần cơ bắp nào đó nhất thời lười biếng, không chịu hoạt động. Lúc đầu ông ta bảo, muốn thở thật thoải mái thì nên dùng quạt. Sau đó, ông ta lại cho một ít thuốc bột màu xanh, lúc dùng chấm bột vào thuốc lá mà hút. Suốt ngày Christian không rời cái quạt, ngay ở trong phòng giấy cũng ngồi quạt mãi, không dừng tay, khi ông chủ Công ty ngăn lại, anh ta nói rằng thời tiết ở Valparaiso oi bức, nhân viên nào cũng có một cái quạt: “Johnny Thunderstorm... Trời ơi!”. Lại một lần nữa, cũng ở trong phòng giấy, lúc đầu anh đứng lên ngồi xuống mãi không yên, rồi lấy gói thuốc bột châm thuốc hút, khói um lên, mùi hăng hắc, không sao chịu nổi. Nhiều người ho sặc sụa, thậm chí mặt ông Marcus cứ trắng bệch ra... Lần này, hai anh em xung đột công khai, cãi nhau kịch liệt, nếu không có bà cụ tham đứng ra dàn xếp khuyên can thì đã xảy ra chuyện không hay rồi!

Nhưng không phải chỉ mỗi chuyện đó là không vui. Ông tham rất bực về những hoạt động của Christian ở bên ngoài, đồng thời cũng có ác cảm với người bạn học cũ của em là luật sư tiến sĩ Gieseke. Christian không phải là công tử bột, không biết làm ra vẻ đứng đắn.

Anh biết rất rõ, mặc dù những người thị dân làm nghề buôn bán ở quê hương mình được mọi người tôn kính, mặt mũi đạo mạo, không thể chê trách vào đâu được, đi đi lại lại ngoài đường phố thì tay cầm ba toong gõ xuống vỉa hè rất bệ vệ, nhưng ở cái thành phố cảng nhỏ bé này, về mặt đạo đức, họ không phải không có tí vết gì. Để bù lại những giờ phút mệt nhọc khi ngồi trên ghế trong phòng giấy, không những người ta chỉ ăn uống phè phỡn... mà họ còn tìm cách che giấu đi, không cho ai thấy. Nếu nói: điều thứ nhất ông tham cho là phải giữ gìn kỳ được là “thể diện”, thì quả thật ông đã hiểu sâu cái đạo xử thế của những người trong thành phố này. Luật sư Gieseke là một trong những nhà học giả biết thích nghi với cách sống của các thương gia, nhưng ai thoáng nhìn cũng có thể biết được ông ta cũng là một chàng công tử bột. Có điều, cũng như tất cả những người thích hưởng lạc khác, ông ta biết làm thế nào để giữ cái vẻ chính nhân quân tử, làm thế nào để che giấu những chuyện bỉ ổi xấu xa. Về mặt chính trị và nghiệp vụ, ông ta luôn luôn giữ tiếng tốt cho mình, không chê vào đâu được. Gần đây, tin ông đính hôn với cô Huneus vừa được tuyên bố, như thế có nghĩa là ông ta đã leo lên tầng lớp trên của xã hội, vớ được một khoản tiền hồi môn khơ khớ. Ông ta rất lấy làm thú vị với những công việc trong thành phố này. Người ta đồn rằng ông ta đang dòm ngó một chỗ ngồi trong nghị viện, hơn nữa, ông ta còn có tham vọng chiếm cái ghế của ngài thị trưởng Överdieck!

Vậy mà bạn ông ta, Christian Buddenbrook, người đã từng mạnh dạn đến chỗ tiểu thư Meyer de la Grange tặng cô một bó hoa và nói: “Ôi! Tiểu thư diễn tuyệt quá!”, cái anh chàng Christian đó, do bản tính một phần và một phần do lưu lạc ở nước ngoài lâu ngày, đã trở nên một cậu công tử ngây thơ, không biết kiêng sợ gì cả. Về tình yêu cũng như những việc khác, anh không muốn tự gò bó mình, không biết thận trọng lời ăn tiếng nói cũng như mọi hành vi cử chỉ để giữ thể diện. Ví dụ, câu chuyện xảy ra giữa anh và cô đào hát nọ trong rạp Mùa hè đã trở thành đề tài cho mọi người trong thành phố bàn tán cười cợt. Bà Stuht ở phố Đúc chuông thường hay đi lại với những gia đình giàu sang, nói với các bà thích nghe chuyện rằng vừa rồi lại có người gặp Christian đi với cô Tivoli ở ngoài phố.

Chuyện đó cũng không làm cho mọi người tức giận... Nhưng những người ở đây thẳng thắn và đa nghi, họ không muốn bộc lộ những bực bội của mình về mặt đạo đức một cách trịnh trọng. Christian Buddenbrook và ông tham Peter Döhlmann, tính tình cũng tương tự như anh - một người làm ăn không phấn phát nên việc gì cũng hay buông tuồng như thế - được coi là những người mua vui cho mọi người, nhất là những lúc các nhà trí thức họp mặt thì không thể vắng mặt họ được. Nhưng cũng không ai coi trọng hai người đó. Khi bàn bạc những chuyện nghiêm túc, hai người thường không được đếm xỉa tới. Trong thành phố, ở câu lạc bộ, ở Sở giao dịch, hay ở bến tàu, người ta cứ gọi thẳng tên hai người là “Christian” và “Peter” mà thôi, điều đó đủ có thể nói rõ thái độ của mọi người đối với họ như thế nào rồi. Còn như những người ác ý, ví dụ những người trong gia đình Hagenström, thì họ lại không cười những câu chuyện Christian kể, hay những lời Christian nói đùa, mà cười chính bản thân anh.

Christian không để ý điều đó, hoặc quá lắm thì cũng như lúc bình thường, chỉ suy nghĩ bàng hoàng trong giây lát rồi bỏ qua. Nhưng anh trai anh, ông tham Buddenbrook, thì lại thấy rất rõ. Ông biết Christian đang bộc lộ nhược điểm để cho kẻ thù được dịp công kích gia đình mình. Với lại... nhược điểm đó vốn đã rõ lắm rồi. Hai gia đình Buddenbrook và Överdieck không còn gắn bó như trước nữa, nhất là từ khi ngài thị trưởng qua đời, thì lại càng lạnh nhạt. Danh tiếng của gia đình Kröger đã sụt hẳn, hiện giờ không làm sao vớt vát được nữa. Nhất là những chuyện xấu xa bỉ ổi của cậu ấm nhà đã làm cho cả thành phố ồn ào lên một dạo... Chuyện bác Gotthold, nay đã quá cố, lấy bà vợ không môn đăng hộ đối đã không đẹp đẽ gì rồi... Cô em gái ông tham, tuy chưa hoàn toàn hết hy vọng đi thêm bước nữa, nhưng hiện giờ đang là gái bỏ chồng. Ngay người em trai ông lại chuyên làm trò cười cho thiên hạ như vậy; những trò hề của anh chỉ có thể mua vui cho các ông trí thức lúc trà dư tửu hậu, dù thiện ý hay ác ý thì cũng vậy mà thôi. Đó là chưa kể anh còn nợ nần khắp nơi. Cuối mỗi quý, khi trong tay hết tiền anh cứ để mặc Gieseke trả thay cho mình, cũng là chuyện làm cho Công ty mất mặt.

Lòng bực bội và khinh miệt của Thomas đối với em được bộc lộ trong bất cứ một việc nhỏ nhặt nào xảy ra trong gia đình, còn Christian thì chỉ lặng lẽ đón nhận tình cảm đó một cách nhạt nhẽo. Ví dụ, khi mọi người nhắc đến quá khứ của gia đình Buddenbrook thì Christian có thể say sưa nói đến quê hương và tổ tiên mình với thái độ hết sức chân thành và dạt dào tình cảm, mặc dù thái độ ấy hoàn toàn khác hẳn thái độ thường ngày của Christian. Nhưng ông tham đã lạnh lùng ngắt lời của Christian. Ông không thể chịu được những chuyện như thế. Ông khinh thường em đến mức như vậy, thậm chí không cho phép em thích những thứ ông thích. Nếu Christian nói những chuyện đó theo giọng của thầy Marcellus Stengel, may ra ông có thể nghe tiếp được. Lại ví dụ: Thomas đọc một quyển sách, bất cứ một quyển lịch sử nào đó, giữ lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc rồi ca ngợi một cách hết sức cảm động; Christian, thiếu sáng kiến, bản thân không biết trước quyển sách ấy nhưng lại rất dễ tiếp thu ý kiến người khác, dễ chịu ảnh hưởng người khác, nghe anh trai khen, cũng tìm đọc cho bằng được rồi cũng thấy sách hay, say sưa nói hết những điều mình tiếp thu được... Kết quả thế nào? Kết quả là Thomas không thích quyển sách kia nữa. Có nhắc đến thì ông lạnh nhạt làm ra vẻ chưa đọc bao giờ để mặc cho em tán thưởng một mình...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx