sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Ông Permaneder đã dọn đến phố Meng. Hôm sau, ông ta đến ngôi nhà mới ăn cơm cùng vợ chồng Thomas Buddenbrook. Hôm sau nữa, vừa đúng ngày thứ năm, ông ta làm quen với vợ chồng ông Justus Kröger, với bà Gotthold và ba chị em gái họ Buddenbrook ở phố Breiten (họ cho là ông ta buồn cười lắm; họ nói chữ “lắm” thành “làm”), làm quen với cô Sesemi Weichbrodt (thái độ của cô Weichbrodt đối với ông ta khá nghiêm túc) và cũng đã làm quen với Klothilde đáng thương và bé Erika. Ông ta ấn một gói kẹo vào tay con bé...

Lúc nào ông ta cũng tươi cười mặc dù thỉnh thoảng ông ta lại thở dài một cái, nhưng thở dài là vì thoải mái quá chứ không phải vì cái gì khác. Ông ta hút tẩu, nói giọng quê rất lạ tai, và tỏ ra có khả năng ngồi im lặng lâu một cách kinh người. Sau mỗi bữa ăn, ông ta thường ngồi với tư thế thoải mái nhất, hút thuốc, uống trà, tán gẫu. Mặc dù ông ta đã mang lại cho gia đình này một tinh điệu hoàn toàn mới lạ trong cuộc sống, mặc dù hình như chính bản thân ông ta cũng đã đưa vào tòa nhà này những cái gì đó không thật phù hợp, nhưng ông ta vẫn không hề đảo lộn bất cứ một tập quán cũ nào đã thâm căn cố đế ở đây. Ông ta không hề bỏ một buổi cầu nguyện nào vào buổi sáng hay buổi tối, lại được chủ nhà cho phép dự thính lớp học chủ nhật bà cụ tham mở, thậm chí trong một buổi “dạ hội Jerusalem”, ông ta cũng có mặt ở gian phòng rộng lớn, và bảo người khác giới thiệu ông ta với các bà. Tất nhiên, khi bà Lea Gerhardt bắt đầu đọc kinh, ông ta hoảng hốt chuồn mất!

Chả bao lâu khắp thành phố biết có một con người như vậy. Một số nhà thượng lưu đang kháo nhau một cách tò mò về ông khách từ Bayern đến ở nhà Buddenbrook. Nhưng ông ta vẫn chưa đi lại với các gia đình khác, cũng như chưa đến Sở giao dịch. Vì thời tiết, phần lớn người ta đều sửa soạn ra bờ biển nghỉ mát, nên ông tham chưa giới thiệu ông ta với người quen kẻ thuộc. Còn bản thân ông tham thì suốt ngày quanh quẩn bên ông khách, tiếp đãi chu đáo nhiệt tình lắm. Mặc dù ông rất bận công việc buôn bán và công việc ở tòa thị chính, nhưng ông vẫn để dành thì giờ đưa khách đi chơi khắp các nơi trong thành phố và đi xem tất cả các danh lam thắng cảnh thời trung cổ, nào là nhà thờ, cổng thành, suối phun nước, chợ, nhà Quốc hội, nhà Thủy thủ, vân vân... Ông tìm đủ mọi cách để chiêu đãi khách, giới thiệu khách với những người bạn thân nhất của mình trong Sở giao dịch... Khi bà mẹ tình cờ cảm ơn lòng sốt sắng đó của con thì ông tham chỉ lạnh nhạt nói: - Ồ, me! Có gì đâu mà!

Bà cụ tham không trả lời câu nói đó của ông. Thậm chí bà cụ cũng không cười, cũng không ngước lên nhìn con. Bà cụ chỉ đưa đôi mắt trong veo của bà cụ nhìn sang một bên, và bắt chuyện khác...

Thái độ của bà cụ đối với ông Permaneder trước sau vẫn thành khẩn và thân thiết, nhưng thái độ của con gái bà cụ thì khác hẳn. Vị khách buôn hublon đã ở đây hai “ngày nhi đồng”, mặc dù được ba hoặc bốn hôm, ông ta bảo ông ta giải quyết xong công việc với xưởng rượu ở đây rồi; tuần lễ nữa lại dần dần trôi qua. Trong hai buổi họp mặt ngày thứ năm, mỗi lần ông Permaneder nói câu gì hoặc làm một cử chỉ gì, Tony thường nhìn người nhà, ánh mắt bồn chồn lo sợ. Cô nhìn bác Justus, nhìn mấy chị em con ông bác, hoặc nhìn Thomas. Lúc đó mặt cô đỏ ửng, cô ngồi thừ ra mấy phút đồng hồ không nói một lời nào, hoặc là bỏ đi nơi khác...

Hai cánh cửa sổ trong phòng ngủ của Tony ở tầng thứ ba mở rộng, bức rèm cửa màu xanh lá cây khẽ lay động trong cơn gió nóng bức của buổi tối tháng sáu. Trên cái kỷ nhỏ cạnh chiếc giường rộng đã buông màn, để một cái lọ thủy tinh đựng nước, trên mặt nước nổi một lớp dầu và mấy ngọn bấc đèn. Ánh sáng yên tĩnh và dịu dàng tỏa khắp căn phòng rộng rãi, chiếu mờ mờ trên chiếc đi văng trải tấm khăn màu ghi. Tony đang nằm trên giường, cái đầu đẹp đẽ của cô kê trên chiếc gối mềm mại viền đăng ten rộng, hai tay bắt tréo trên cái chăn lông vịt. Nhưng vì suy nghĩ quá nhiều nên cô không nhắm mắt được. Một con thiêu thân, mình dài, lặng lẽ bay quanh ngọn đèn, ánh mắt cô thong thả di động theo con vật đang bay... Trên bức tường cạnh giường; giữa hai tấm đồng khắc phong cảnh thành phố thời trung cổ, có treo một câu cách ngôn trích trong Kinh thánh, lồng khung kính: “Hãy để Chúa đưa đường cho con”. Khi người ta mở mắt nằm thao thức vào lúc nửa đêm muốn quyết định chuyện chung thân đại sự của mình, nhưng không biết hỏi ai, không có ai mà hỏi thì liệu câu kinh thánh kia có thể an ủi được người ta không?

Trong phòng im phăng phắc, chỉ có tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo trên tường và thỉnh thoảng tiếng ho của chị Jungmann ở phòng bên cạnh vọng sang (căn phòng này và phòng ngủ của Tony chỉ cách nhau một cái màn). Bên kia, đèn vẫn sáng trưng. Lúc này người đàn bà Phổ trung thành ấy đang ngồi thẳng người trước một cái bàn con, mặt bàn có thể di động được, vá tất cho Erika dưới một ngọn đèn treo. Ngoài ra, còn có thể nghe tiếng thở lặng lẽ, đều đều của Erika. Thời gian này nó về phố Meng ở vì trường cô Sesemi Weichbrodt cho học sinh nghỉ hè.

Tony thở dài, nhổm nửa người trên lên rồi lấy tay chống đầu.

— Chị Ida! - Cô gọi khẽ trong cổ họng - Chị chưa ngủ à! Còn vá quần áo hay sao?

— À, cô Tony! - Tiếng chị từ bên kia vọng sang... Cô ngủ đi, ngày mai cô phải dậy sớm đấy, khéo không ngủ đẫy giấc đâu!

— Được rồi! Chị Ida này... Sáu giờ sáng mai, chị gọi tôi dậy nhé!

— Sáu rưỡi, còn sớm chán! Tám giờ xe ngựa mới tới. Cô ngủ đi, ngày mai thế nào cô cũng phải cho xinh đẹp, tươi tỉnh.

— Ồ, tôi không chợp mắt được tí nào cả!

— Chao ôi! Cô Tony này, như vậy không ổn đâu! Cô định ngày mai ở Schwartauer, mặt mày cứ ủ rũ đấy à? Muốn ngủ thì đi uống bảy ngụm nước, nằm nghiêng sang bên phải, đếm một nghìn cái...

— Chị Ida ơi, chị sang đây một lát! Tôi không ngủ được. Tôi nói cho chị biết là tôi cứ nghĩ đến việc ấy mà đau cả đầu... Chị sang sờ xem, chắc là tôi lên cơn sốt mất, lại đau dạ dày nữa, nếu không có lẽ là thiếu máu. Mạch máu ở trên thái dương tôi căng hẳn lên, đập thình thịch, đau lắm. Mạch máu căng như thế, nhưng máu trên đầu vẫn thiếu...

Có tiếng ghế xê dịch. Tiếp đó, chị Jungmann, thân hình to lớn, khỏe mạnh, mặc cái áo màu nâu kiểu cũ rất đơn giản, đến chỗ bức màn che.

— Chao ôi! Cô Tony. Cô sốt đấy à? Để tôi sờ xem nào? Ta lấy khăn lạnh đắp lên vậy...

Nói xong, chị bước mạnh như đàn ông, đến tủ lấy một chiếc mùi soa, ngâm vào thau nước một lúc rồi trở về trước giường, cẩn thận đắp lên trán Tony, xong đưa hai tay vuốt thật thẳng.

— Cảm ơn chị Ida! Dễ chịu lắm... Chà, chị ngồi đây một lát. Chị Ida thân mến, chị ngồi xuống mép giường đây này! Chị xem, tôi cứ nghĩ đến việc ngày mai. Làm thế nào nhỉ? Chóng mặt lắm rồi!

Chị Ida ngồi xuống cạnh người Tony, tay cầm cái kim và chiếc bít tất đang căng trên cái khung. Mái tóc xám trơn bóng rủ xuống, đôi mắt màu nâu sáng sủa không biết mệt mỏi nhìn chằm chằm vào mũi kim, chị bắt đầu nói:

— Cô cho rằng ngày mai ông ấy sẽ đặt vấn đề à?

— Nhất định rồi, chị Ida ạ! Không còn nghi ngờ gì nữa. Ông ấy không bỏ lỡ cơ hội này đâu! Chuyện của Klara xảy ra như thế nào nhỉ? Cũng trong một chuyến đi chơi như thế này chứ gì? Chị biết đấy, tất nhiên tôi cũng có thể tránh đi được. Tôi có thể cứ ở cạnh người khác, không để ông ấy đến gần... Nhưng như vậy thì coi như là hết! Ngày kia, ông ấy sẽ đi. Ông ấy nói rồi, nếu ngày mai không có kết quả gì thì ông ấy cũng không ở lại thêm được nữa... Dù thế nào đi nữa, ngày mai cũng phải quyết định... Nhưng nếu ông ấy đặt vấn đề, tôi biết nói thế nào, chị Ida nhỉ? Chị chưa hề lấy chồng nên chị không hiểu nổi cuộc sống, nhưng chị là người đàn bà thành thật. Năm nay chị bốn hai rồi, chị có cách hiểu của chị. Chị có thể nghĩ hộ cách cho tôi được không? Tôi cần người khác nghĩ hộ tôi...

Chị Jungmann để chiếc bít tất vào lòng:

— Đúng đấy, cô Tony ạ! Việc ấy tôi cũng nghĩ nhiều, rất nhiều. Nhưng tôi thấy không làm sao nghĩ hộ cô cách gì được! Ông ấy không đưa việc ấy nói với cô hoặc với cụ, thì ông ấy sẽ không đi khỏi nơi đây đâu! Với lại, cô không bằng lòng thì cô đã tống cổ ông ấy đi từ lâu rồi!

— Chị nói đúng đấy, chị Ida ạ. Nhưng tôi vẫn không thể làm như thế được. Dù sao, sớm hay muộn thì chuyện đó cũng xảy ra thôi! Nhưng mặt khác, lúc nào tôi cũng lại cứ nghĩ rằng tôi vẫn còn có thể từ chối được. Cũng chưa muộn! Thành ra tôi nằm không ngủ được, tự giày vò mình mãi...

— Cô Tony, cô có yêu ông ấy không? Cô nói thật đi!

— Ừ, nếu phủ nhận thì ra tôi nói dối, chị Ida ạ! Ông ấy không đẹp người, nhưng trong cuộc sống điều đó không quan hệ lắm. Ông ấy là người lương thiện, không thể làm những chuyện bậy bạ, điều đó chị có thể tin lời tôi nói... Hễ tôi nghĩ đến Grünlich... Chao, trời ơi! Grünlich lúc nào cũng nói mình thông minh tài giỏi, nhưng hắn lại cực kỳ gian xảo, che giấu được tính nham hiểm của hắn. Ông Permaneder thì không phải hạng người như thế. Chị đã thấy rõ điều đó rồi! Tôi chỉ có thể nói rằng ông ấy quá tùy tiện, quá tham sự yên tĩnh. Tất nhiên, đó cũng là một thiếu sót. Vì cứ như vậy thì ông ấy sẽ không thể giàu được. Ông ấy có chiều hướng để mọi việc tự nhiên mặc nó, qua quýt thế nào xong thôi, như những người ở chỗ ông ấy nói... Những người ở chỗ ông ấy đều như thế cả. Tôi muốn nói đến điều đó chị Ida ạ! Chủ yếu là ở đấy. Ở Munich, ông ấy sống với người xứ mình, giữa những người ăn nói và làm việc như ông ấy. Tôi rất thích ông ấy, tôi thấy ông ấy rất phóng khoáng, rất thành khẩn và rất thân mật. Với lại tôi cũng thấy việc này có hai mặt. Ông ấy có thể cho tôi là một người đàn bà giàu sang, giàu sang hơn cả tình hình thực của tôi, nhưng cái đó cũng không hề gì! Chị biết đấy, me tôi không thể cho tôi nhiều tiền được, nhưng tôi tin điều đó không ảnh hưởng gì đến ông ấy cả. Ông ấy không hề nghĩ lấy tôi sẽ có một số tiền thật lớn! Thôi! Tôi nên nói gì nữa, chị Ida nhỉ?

— Ở Munich thì thế được! Nhưng cô Tony này, ở đây...

— Ở đây à, chị Ida! Chị có biết tôi định nói gì không? Ở đây ông ấy hoàn toàn khác với lúc ở quê ông ấy. Ở đây tất cả đều khác. Người ở đây nghiêm túc hơn, ham danh lợi hơn, biết nói thế nào nhỉ, kiêu căng hơn... Ở đây, tôi luôn luôn xấu hổ thay cho ông ấy. Ừ, tôi không giấu chị điều gì cả, chị Ida ạ! Tôi là người thật thà, tôi xấu hổ thay cho ông ấy mặc dù đó cũng là chỗ kém cỏi của tôi! Chị biết đấy... lúc ông ấy nói chuyện, nhiều lần phải nói chữ “tôi” theo cách bốn thì ông ấy một miệng nói cách ba. Người ở xứ họ như vậy đấy, chị Ida ạ! Thậm chí ngay cả những người có học, gặp lúc tâm tư thoải mái, cũng nói thế, không ai thấy chướng tai, không ai cho là lạ cả. Nhưng ở đây me đưa mắt nhìn, anh Tom chau mày lại, bác Justus cứ run lên, những người ở gia đình Kröger suýt nữa thì phì cười! Còn các chị Pfiffi, Friederike hay Henriette thì đưa mắt nhìn me các chị ấy. Mỗi khi như vậy, tôi phát ngượng muốn đi ra khỏi nhà ngay. Lúc đó, tôi cứ nghĩ mình không thể lấy ông ấy được...

— Cô nói gì thế hở, cô Tony! Sau này cô sẽ ở Munich với ông ấy cơ mà!

— Chị nói đúng đấy, chị Ida ạ. Nhưng lễ đính hôn thì sao? Lễ đính hôn phải tổ chức ở đây. Chị thử nghĩ xem, nếu vì cử chỉ vụng về của ông ấy mà trước mặt cả nhà, trước những người trong gia đình Kistenmaker, Möllendorpf, tôi xấu hổ không thể ngẩng mặt lên được, thì... Ôi! Grünlich lịch thiệp hơn ông ấy nhiều, nhưng tâm địa hắn thì lại đen tối, giống như lời thầy Stengel thường nói... Chị Ida ạ, tôi chóng mặt lắm! Chị thay hộ tôi cái mùi soa đi! Dù thế nào đi nữa, sớm muộn thì cũng phải thế thôi. - Tony thở dài, cầm lấy mùi soa nói tiếp - Bây giờ hay sau này cũng được, điều chủ yếu nhất là tôi phải đi bước nữa, không thể sống dở dang như thế này được. Chao ôi! Chị Ida này! Mấy hôm tôi cứ nghĩ đến những chuyện trước kia, nghĩ đến hôm Grünlich đến đây lần đầu tiên, nghĩ đến màn kịch hắn đóng trước mặt tôi, một màn kịch bỉ ổi, chị Ida ạ! Tôi lại nghĩ đến Travemünde, nghĩ đến cả nhà ông cụ Schwarzkopf... - Cô thong thả nói, ánh mắt mơ mơ màng màng dừng lại trong giây lát ở dấu mạng trên chiếc bít tất của Erika... - Nghĩ đến chuyện đính hôn, Eimsbüttel và nhà ta. Ở đấy thật là giàu có sang trọng, chị Ida ạ! Khi tôi nghĩ đến bộ đồ ngủ của mình... Sống với ông Permaneder, tôi sẽ không có những thứ đó nữa đâu! Chị biết đấy, cuộc sống dạy cho chúng ta ngày càng biết khiêm tốn hơn. Tôi lại nghĩ đến bác sĩ Klaaßen, nghĩ đến đứa con, và ông Kistenmaker, chủ nhà băng... Cuối cùng, nghĩ đến màn kịch kết thúc. Quả thật là đáng sợ! Chắc chị không làm sao có thể tưởng tượng nổi rằng, khi người ta gặp phải những chuyện đáng sợ như vậy trong cuộc đời, thì... Nhưng ông Permaneder sẽ không giở những trò bẩn thỉu đó ra đâu! Ông ấy có thể làm cho người khác tin được điều đó. Nói đến chuyện buôn bán, chúng ta cũng có thể tin được ông ấy. Tôi tin chắc là ông ấy và ông Noppe kiếm được khá nhiều tiền ở xưởng rượu của ông Niederpaur. Nếu tôi lấy ông ấy, chị sẽ thấy, chị Ida, tôi nhất định sẽ tìm cách để ông ấy có thể lưu tâm vào sự nghiệp của mình nhiều hơn, giúp cho ông ấy đạt được nhiều thành tích hơn, cố gắng hơn, để tôi và tất cả mọi người, chúng ta mát mặt. Nếu ông ấy kết hôn với một người trong dòng họ Buddenbrook này thì ông ấy sẽ đảm đương nổi một trách nhiệm như thế.

Cô bắt tréo tay dưới gáy, ngẩng đầu lên nhìn trần nhà.

— Đúng rồi, từ ngày tôi nhận lời kết hôn với Grünlich, đến nay đã tròn mười năm rồi... Mười năm! Bây giờ tôi lại đi bước nữa, lại nhận lời cầu hôn của một người khác. Chị Ida, cuộc sống thật vô cùng nghiêm túc!... Có khác là lúc bấy giờ đó là một chuyện lớn lắm. Mọi người trong nhà này đều giày vò bắt buộc tôi phải nhận lời, còn như bây giờ thì mọi người lặng lẽ, cho rằng tôi nhận lời đám này là tất nhiên. Chị Ida ạ! Lần này, tôi đính hôn với anh Alois, bây giờ thì tôi đã dám gọi tên anh ấy, vì sớm muộn thì cũng vậy thôi, không có gì đáng sung sướng, đáng vui mừng cả. Không liên quan gì đến hạnh phúc của tôi cả. Tôi lấy đời chồng thứ hai này chẳng qua là muốn lặng lẽ phục tùng bù đắp cho cái sai lầm trước kia mà thôi, khỏi làm nhơ nhuốc thanh danh của gia đình. Đó là nghĩa vụ của tôi. Mẹ tôi nghĩ như thế, anh Tom cũng nghĩ như thế...

— Cô nói gì đâu đâu thế, hả cô Tony? Nếu cô không thích ông ấy, nếu ông ấy không mang lại hạnh phúc cho cô...

— Chị Ida ạ, tôi đã nhận ra được lẽ sống, tôi không còn đần độn nữa. Tôi đã thấy rõ tất cả rồi! Me tôi... me tôi không phản đối đến cùng đâu. Gặp chuyện gì không vừa ý, bao giờ bà cụ cũng chỉ nói một tiếng “thôi!” thế là tránh ra. Nhưng anh Tom, anh Tom thì lại muốn chuyện này xong xuôi đi. Anh ấy là người thế nào, chị tưởng tôi không biết đấy à! Chị có biết anh Tom nghĩ gì không? Anh ấy nghĩ như thế này này: miễn không đến nỗi tệ quá thôi, chứ người nào mà chả được! Bởi vì điều quan trọng là lần này không phải lấy một đám nào sang trọng, chỉ cốt bước thêm bước nữa, bù đắp cho những chuyện không may trước kia, thế là ổn rồi! Ý nghĩ của anh Tom như vậy đấy. Anh Permaneder vừa đến đây thì anh Tom đã lặng lẽ đi hỏi dò tình hình buôn bán làm ăn của anh ấy. Đó là chuyện chắc chắn nhất, khi anh đã hài lòng về chuyện kia thì chuyện này, đối với anh, cho như là đã xong. Anh Tom là một nhà chính trị, anh biết rõ anh phải làm những gì. Ai là người đã đuổi anh Christian ra khỏi nơi này nào?... Có lẽ dùng chữ ấy hơi quá, nhưng quả là như vậy, chị Ida ạ! Tại sao anh ấy phải xử sự như thế? Vì anh Christian đã làm cho Công ty và gia đình mất mặt. Trong con mắt anh ấy thì tôi cũng là người như thế, chị Ida ạ, cũng chả phải là tôi đã làm gì, nói năng điều gì, mà chỉ vì tôi ở trong cái nhà này, bởi vì tôi là gái bỏ chồng về ăn bám nhà mẹ. Anh Tom mong kết thúc chuyện này đi. Anh ấy nghĩ như thế cũng có lý của nó. Không phải vì vậy mà tình cảm của tôi đối với anh ấy sứt mẻ, chính tôi cũng mong anh ấy đối xử với tôi như vậy. Nói thực, mấy năm nay tôi rất muốn làm lại cuộc đời, bởi vì - có lẽ tôi không nên nói điều này - tôi ở đây với mẹ tôi quả là buồn lắm. Tôi mới ngoài ba mươi, tôi thấy mình vẫn còn trẻ. Không phải ai cũng giống như nhau cả, chị Ida ạ! Năm chị ba mươi tuổi, tóc chị đã ngả màu tro, đó là vì dòng máu của gia đình chị, còn ông Prahl, chú chị đã chết vì bệnh tắc thở...

Đêm hôm ấy, cô còn nói nhiều chuyện tương tự như thế, thỉnh thoảng chen vào một câu “dù thế nào đi nữa sớm muộn thì rồi cũng thế thôi”. Cuối cùng cô ngủ liền, mấy tiếng đồng hồ, yên tĩnh, say sưa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx