sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Mây mù phủ kín bầu trời thành phố nhưng tám giờ sáng hôm ấy, ông Longuet, chủ hãng xe ngựa ở phố Johnnis, đã đánh chiếc xe ngựa che kín, không có cửa sổ, đến phố Meng, nói:

— Khoảng gần một giờ đồng hồ sau, ông trời sẽ ló mặt.

Nghe câu nói đó, mọi người yên tâm hơn.

Bà cụ tham, Tony, ông Permaneder, Erika, chị Ida Jungmann cùng ăn sáng xong, sửa soạn gọn gàng, rồi lần lượt tụ tập ở đường ra vào ngoài cổng, chờ Gerda và Tom. Tony mặc bộ quần áo màu cà phê sữa, dưới cằm thắt cái nơ xa-tanh. Mặc dù đêm qua mất ngủ nhưng trông cô vẫn tươi tỉnh lắm. Hình như những nỗi nghi ngờ lo sợ trong lòng cô đã tiêu tan đâu hết, bởi vì khi cô vừa khoan thai cài cái khuy ở găng tay, vừa nói chuyện với khách, thì nét mặt cô bình tĩnh và ung dung lắm, có thể nói vui sướng là đằng khác... Cô lại khôi phục được tâm tình của cô như dạo trước đây. Cô cảm thấy mình rất quan trọng; đồng thời cũng cảm thấy mình sẽ quyết định một việc vô cùng quan trọng. Cô nhận thức được rằng một ngày như thế rồi sẽ đến, cô lại sẽ phải nghiêm túc, trịnh trọng ghi tên mình vào cuốn sổ lớn của gia đình. Đầu óc cô lúc nào cũng nghĩ những chuyện đó, tim cô càng đập mạnh. Đêm hôm trước, cô nằm mê thấy một trang giấy trắng trong cuốn sổ lớn của gia đình trải ra trước mặt, cô sẽ ghi vào đấy cuộc hôn nhân thứ hai của mình... Chuyện này sẽ xóa sạch một vết nhơ khác trong cuốn sổ. Cô sốt ruột chờ anh Tom đến, bấy giờ cô sẽ gật đầu chào anh một cách rất có ý nghĩa...

Hai vợ chồng ông tham đến hơi muộn một tí, bởi vì bà tham không quen chải đầu, trang điểm sớm như vậy. Ông tham vui vẻ lắm. Ông mặc bộ quần áo ca rô nhỏ màu nâu nhạt, cổ rộng, để lòi cái áo gi lê trắng bên trong. Khi trông thấy vẻ kiêu căng, khó bắt chước của Tony, bất giác ông nheo mắt lại cười. Nhưng Gerda thì không mảy may tỏ ý thích cuộc đi chơi nhân ngày nghỉ này. Có lẽ vì bà chưa ngủ đẫy giấc buổi sáng. Bà rất đẹp, nhưng cái vẻ đẹp bệnh tật, thần bí của bà và cái vẻ đẹp lành mạnh của cô em chồng trái ngược nhau một cách kỳ lạ. Quần áo bà mặc màu tím đậm, đi với mái tóc dày màu đỏ trông thật là đẹp mắt, lại càng làm nổi bật nước da trắng nõn của bà. Quầng thâm quanh đôi mắt màu nâu tương đối gần nhau, hôm nay trông càng thâm càng sâu... Bà lạnh nhạt đưa đầu cho mẹ chồng hôn lên trán, rồi chìa tay cho Permaneder, trông như có vẻ giễu cợt. Khi trông thấy chị dâu, Tony vỗ tay nói to:

— Ồ, trời ơi! Hôm nay chị đẹp quá, chị Gerda ạ!

Bà cũng chỉ cười lạnh nhạt.

Gerda không thích những hoạt động ồn ào như hôm nay, đặc biệt là giữa mùa hè, lại vào ngày chủ nhật. Căn phòng bà ở, treo màn gần khắp, tối mờ mờ. Bà cũng suốt ngày ở trong phòng ít khi ra ngoài, sợ ánh nắng, sợ bụi bặm, sợ trông thấy những người tiểu thị dân ngày lễ ăn mặc đẹp, sợ ngửi mùi cà phê, mùi bia, mùi thuốc lá... Trên đời này, bà ghét nhất là oi bức và cảnh lộn xộn ồn ào. Lần này, sau khi gia đình thu xếp chuyến đi chơi xa, dẫn ông khách ở Munich đi xem phong cảnh ở ngoại ô, đến đường Schwartauer và “Rừng cây người khổng lồ”, một hôm bà lơ đãng nói với ông tham:

— Anh thân yêu! Anh biết đấy, em từ nhỏ chỉ có thể sống yên tĩnh và bình thường thôi... Người như em không thích hợp với những hoàn cảnh ồn ào lộn xộn. Lần này gia đình miễn cho em, được không?

Nếu những việc như thế này mà Gerda không biết chắc là có thể được chồng đồng ý thì lúc đầu chưa dễ gì bà đã lấy Thomas.

— Tất nhiên rồi! Em nói đúng lắm, Gerda ạ. Sở dĩ người ta cảm thấy những việc đó thú vị chủ yếu là do họ tưởng tượng ra mà thôi... Tuy vậy gặp trường hợp này, người ta vẫn phải tham dự, bởi vì không ai muốn mình là một con người kỳ quái, bất cứ đối với kẻ khác hay đối với mình cũng vậy. Người nào cũng có chút tự trọng cả, anh nghĩ em cũng có, đúng thế không nào? Nếu không đi, người khác sẽ cho mình cô độc, hoặc giả có việc gì đó không vừa ý, như vậy mình sẽ mất uy tín ngay. Ngoài ra còn điều này nữa, Gerda thân yêu ạ! Chúng ta đều có lý do để tỏ ra niềm nở với Permaneder. Anh tin em hiểu rõ tình thế ấy. Có một việc đang hình thành, nếu bỏ dở thì thật rất đáng tiếc, rất đáng tiếc!

— Anh yêu! Em vẫn chưa hiểu em tham gia thì có lợi gì! Nhưng cũng không sao. Anh đã muốn thì em đi. Chúng ta sẽ cùng thưởng thức những điều thú vị.

— Anh cảm ơn em lắm!

Mọi người bước ra cổng... Lúc đó mặt trời từ sau sương mù đã ló ra. Chuông nhà thờ Sankt Marien điểm binh boong, binh boong, báo cho mọi người biết hôm nay là ngày chủ nhật. Chim hót vang cả bầu trời. Anh xà ích bỏ mũ chào. Với thái độ hòa nhã, thương yêu bề dưới, thường làm cho ông tham khó chịu, bà cụ thân mật gật đầu chào lại:

— Chào anh! - bà cụ nói với mọi người - Lên xe nhanh lên, các cô, các cậu! Bây giờ đúng là lúc đọc kinh buổi sáng, nhưng hôm nay chúng ta đi thăm cảnh thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ, do Thượng đế sáng tạo ra để ca tụng Người, ông bảo có đúng không, ông Permaneder?

— Dạ thưa bà, đúng lắm ạ!

Thế là lần lượt từng người giẫm lên bàn đạp bằng sắt ở hai bên, leo qua cái cửa hẹp phía sau cái xe ngựa to lớn có thể chứa được mười người. Cái ghế mềm có đệm tựa đã được sửa soạn tử tế, đệm tựa phủ vải xanh nhạt, rõ ràng là để tỏ lòng yêu quý ông Permaneder. Cửa xe đóng sầm, ông Longuet tặc một cái đầu lưỡi, quát một tiếng “hư... hừ!” nghe không rõ lắm, thế là ông ta kéo căng dây cương của mấy con ngựa màu nâu to lớn, khỏe mạnh. Xe liền chạy khỏi phố Meng, đi dọc bờ sông Trave một đoạn, qua cổng Holstein, rồi rẽ sang phải và bắt đầu chạy lóc cóc dọc theo con đường Schwartauer...

Đồng ruộng, bãi cỏ, lùm cây, nhà dân... Người ta đưa mắt tìm những con chim bách linh thỉnh thoảng nghe hót trong đám sương mù ban mai mỗi lúc một cao, mỗi lúc một mỏng, màu sắc cũng trở nên mỗi lúc một xanh biếc. Khi xe chạy qua cánh đồng trồng hoa màu. Thomas miệng ngậm thuốc lá, lúc nào cũng chú ý nhìn bốn xung quanh, chỉ cho ông Permaneder xem. Hình như ông khách buôn hublon trở lại với tuổi thơ; ông ta đội cái mũ màu xanh lá cây trên chỏm có lông linh dương lệch sang một bên, đưa bàn tay vừa trắng vừa to nghịch cái can bằng sừng bò cho nó nằm ngang, thậm chí muốn dựng nó lên trên cằm như làm xiếc. Tuy trò này ông ta làm thất bại mấy lần nhưng cũng được bé Erika hoan hô. Miệng ông ta lúc nào cũng lặp đi lặp lại câu: “Tuy đây không phải là leo núi Zugspitz, nhưng chúng ta cũng phải leo trèo tí chút, chơi cho thật thoải mái, thật thỏa thích, cô bảo có đúng thế không, cô Tony?”.

Tiếp đó, ông ta lại say sưa kể chuyện leo núi, lưng đeo ba lô, tay chống gậy. Ông ta được bà cụ tham khen mấy lần: “Ghê quá nhỉ!”. Sau đó, không hiểu thế nào, bỗng ông ta lấy làm tiếc là Christian vắng mặt; ông ta được nghe nói Christian là người rất vui tính!

— Cái đó còn phải xem là ở trong trường hợp nào nữa cơ! - Ông tham nói - Nhưng trường hợp như ngày hôm nay thì không ai có thể thay thế chú ấy được, quả thật như vậy. Lát nữa, chúng ta sẽ được ăn tôm hùm, ông Permaneder ạ! - Ông thích chí nói to - Ăn tôm hùm và tôm biển Baltic bóc vỏ. Lúc ở nhà me tôi, ông đã được ăn vài lần, nhưng ông bạn Dieckmann, chủ quán cơm “Rừng cây khổng lồ” của chúng tôi ấy mà, là người làm món ăn ngon nhất. Lại còn bánh nước gừng, bánh nước gừng ở vùng này cũng nổi tiếng lắm đấy. Có điều, chắc tiếng tăm của nó chưa đồn sang đến bên kia bờ sông Ida nhỉ?

Tóm lại, rồi ông sẽ được thấy những điều đó.

Tony bảo xe đỗ lại hai ba lần, xuống hái hoa giẻ và hoa quỳ ở hai bên đường. Lần nào xe đỗ, ông Permaneder cũng tình nguyện xuống hái hoa cho cô, nhưng vì ông ta lên xuống hơi phiền phức, nên rút cục vẫn không làm theo lời hứa.

Mỗi lần Erika thấy một con quạ bay lên thì thích chí hoa tay giẫm chân. Trời chưa chắc đã mưa nhưng chị Ida Jungmann vẫn mang theo cái ô và mặc thêm cái áo mưa dài thùng thình. Chị đúng là một người trông trẻ rất tốt. Không những bề ngoài mà ngay trong lòng, chị cũng chia sẻ tình cảm với đứa bé. Chị vui đùa với nó, cười ha hả, không cần giữ ý. Tiếng cười của chị nghe hơi giống tiếng ngựa hí làm cho Gerda mới sống với chị chưa được bao lâu, nhiều lần phải nhìn chị một cách lạnh nhạt, cho là kỳ quái...

Họ đã đến núi Oldenburg. Phía trước, núi rừng sừng sững. Một lát sau, xe xuyên rừng đi qua chợ có một cái giếng nước, lại đi qua một bãi cỏ rộng. Khi xe vượt qua cầu con bắc ngang sông Au, thì dừng lại trước quán cơm “Rừng cây khổng lồ”. Đó là ngôi nhà một tầng, trước là mấy bồn cỏ, đường rải đá cuội, và một vườn hoa có phong vị thôn dã. Phía bên kia là cây mọc từng bậc từng bậc như sân khấu hình tròn ở La-mã. Giữa bậc này và bậc kia có “tam cấp” sơ sài. Gọi là “tam cấp” thật ra là những hòn đá nổi lên khỏi mặt đất. Trên mỗi bậc có bày bàn ghế hoặc những chiếc băng dài sơn trắng.

Gia đình Buddenbrook không phải là tốp khách đầu tiên. Hai ba cô hầu bàn vừa trắng vừa béo và một người bán hàng mặc áo đuôi én, dính đầy mỡ đã chạy lên chạy xuống đưa thức ăn nguội, nước chanh sữa bò và bia. Thậm chí những cái bàn ở ngoài cùng thì những gia đình mang theo trẻ con đã chiếm hết rồi.

Lão Dieckmann, chủ quán, đội cái mũ vàng thêu hoa, xắn tay áo sơ-mi, ra tận cửa xe đón tiếp các ông các bà. Khi lão Longuet đánh xe sang một bên để tháo xe, bà cụ tham nói:

— Ông chủ quán này, chúng tôi đi chơi một tí đã nhé! Khoảng tiếng đồng hồ nữa, chúng tôi sẽ trở lại ăn sáng. Lúc ấy ông sẽ mang thức ăn lên. Nhưng đừng lên cao quá nhé, ở bậc thứ hai cũng được!

— Ông chịu khó tí, ông Dieckmann nhé! - Ông tham nói thêm - Chúng tôi có một vị khách kén ăn lắm đấy!

Ông Permaneder cãi lại:

— Đâu có! Bia và pho mát là được rồi!

Lão Dieckmann không hiểu ông ta nói gì, cứ kể vanh vách các món ăn ra: Hôm nay món gì cũng có, ông tham ạ!... Tôm hùm, tôm nõn, các loại xúc xích, các loại pho mát, các loại cá, cá chim, cá nhở...

— Được rồi, ông Dieckmann ạ! Ông cứ liệu đấy mà làm! Ngoài ra, ông cho chúng tôi sáu cốc sữa và một lít bia. Tôi nói không sai, phải không ông Permaneder...

— Một suất bia, sáu suất sữa..., ông tham cần dùng loại sữa nào ạ? Sữa ngọt, sữa đặc, sữa chua, lại còn bơ nữa...?

— Sữa ngọt và sữa đặc, mỗi thứ một nửa, ông Dieckmann ạ! Một tiếng đồng hồ nữa nhé!

Thế là cả gia đình đi qua bãi sông.

— Chúng ta đi xem nguồn nước trước, ông Permaneder nhé! - Thomas nói - tức là nơi phát nguyên ra sông Au đấy mà! Sông Au nhỏ thôi, đường Schwartauer ở ngay cạnh bờ sông. Thời Trung cổ, thành phố chúng tôi xây dựng cạnh sông này đây, về sau không may bị hỏa hoạn, cháy sạch! Nhà cửa lúc bấy giờ không có tính chất vĩnh cửu, như ông biết đấy, nên mới xây dựng lại trên bờ sông Trave. Với lại, hễ nhắc đến con sông này, tôi lại cứ nhớ đến những chuyện nghịch ngợm hồi còn bé, chúng tôi thường véo vào tay người khác mà hỏi đố:

— Con sông ở cạnh đường Schwartauer tên là gì nào? Người ấy đau quá, tự nhiên “au”[109] lên một tiếng, thế là họ trả lời đúng. Xem kìa! - ông đứng chỗ cách bậc tam cấp khoảng mười bước, bỗng dừng lại, nói sang chuyện khác - Gia đình Möllendorpf và gia đình Hagenström đã đi trước chúng ta kia kìa!

Đúng, trên bãi, dưới rừng cây râm mát, trên bậc thứ ba ở phía dưới, có đủ mặt những con người chủ chốt nhất đang ngồi vây lấy hai cái bàn ghép lại, vừa ăn uống nhồm nhoàm vừa tán đủ mọi thứ chuyện. Cụ nghị Möllendorpf ngồi ở ghế đầu. Đấy là một cụ già mặt xanh xao, cằm nhọn, râu trắng chỉ mọc lưa thưa mấy sợi, hiện đang bị bệnh đái đường. Cụ bà người họ Langhals, đang cầm nghịch cái ống nhòm cán dài, mái tóc hoa râm của cụ bà vẫn bù xù trên đầu như mọi hôm. August, con trai của hai cụ, cũng có mặt. Anh ta là một thanh niên mặt trắng nõn, tóc vàng khè, có vẻ công tử con nhà giàu lắm. Julchen, vợ August, là con gái Hagenström, người bé nhỏ, nhanh nhẹn, có đôi mắt đen láy, vừa sáng vừa to. Đôi hoa tai mặt kim cương cô ta đeo to bằng hai con mắt. Cô ta ngồi giữa hai anh ruột là Hermann và Moritz. Vì sống đầy đủ, ăn uống sung sướng, Hermann đã béo phì ra rồi, người ta đồn rằng sáng sớm vừa mở mắt, anh ta đã phải ăn bánh nhân gan ngỗng. Anh ta để bộ râu quai nón màu vàng ngả sang màu đỏ, ngắn cũn, mũi giống hệt mũi mẹ, dán trên môi trên, tẹt một cách kỳ lạ. Tiến sĩ Moritz có bộ ngực lép kẹp, da vàng khè, lúc nào nói chuyện cao hứng là y như để lòi bộ răng chuột thưa thớt mấy chiếc. Vợ họ ngồi cạnh, lúc ấy vị luật sư đã lấy vợ được bao nhiêu năm rồi! Vợ ông ta, người họ Puttfarken ở Hamburg, có mái tóc màu mỡ gà, mặt lạnh như tiền giống người Anh, nhưng mặt mũi cân xứng, đẹp lắm. Tiến sĩ Moritz là người nổi tiếng về am hiểu mỹ thuật, nếu ông ta lấy cô vợ xấu, thế nào cũng ảnh hưởng đến thanh danh. Ngoài những người kể trên, còn có con gái Hermann, con trai Moritz nữa. Cả hai đứa bé mặc toàn đồ trắng. Có thể nói chúng nó cũng đã đính hôn rồi, vì ông Huneus không muốn phân tán tài sản của mình đi. Bọn họ đang ăn giăm-bông rán với trứng.

Khi những người trong gia đình Buddenbrook đi gần họ, bọn họ đều chào hỏi. Thomas giơ cao mũ, môi mấp máy, hình như đang nói một câu xã giao gì đó, còn Gerda thì lạnh nhạt, khách khí cúi người xuống. Chỉ có Permaneder vừa leo dốc đang mệt, nên đưa cái mũ màu xanh lá cây vẫy vẫy một cách ngây thơ rồi cất tiếng chào to: “Chào các vị!”. Lập tức, bà tham Möllendorpf cầm ống nhòm lên... Còn Tony vẫn như mọi hôm, hai vai nhô lên, đầu ngẩng và cố ép cái cằm xuống sát ngực. Trông cô giống như đang ở trên một đỉnh núi cao vời vợi, không sao leo lên được, nhìn xuống mà chào, có nghĩa là, đôi mắt cô nhìn thẳng vào cái mũ rộng vành rất đẹp của Julchen Möllendorpf... Chính trong giờ phút đó, cô dứt khoát với mình, dù thế nào cũng không thay đổi ý định nữa.

— Cảm ơn trời đất! Chúng ta còn những một giờ nữa mới ăn sáng! Anh Tom, anh biết không, em không thích để con Julchen nhìn chúng mình ăn... Anh có để ý nó chào chúng mình như thế nào không? Nó không hề gật đầu. Cái mũ của nó, tuy không thể lấy con mắt em làm tiêu chuẩn được, nhưng em dám nói, thô quá thể.

— Ha, về mũ thì anh không biết tí gì cả. Nhưng về cách chào hỏi thì mức độ kiêu kỳ của cô cũng không kém gì cô ấy đâu, cô Tony thân mến ạ! Cô đừng giận, giận thì sẽ có nếp nhăn đấy!

— Giận hả anh Tom? Em không giận đâu! Nhưng những người đó, họ cho là họ cao hơn người khác một cái đầu, thật buồn cười đến chết ngất đi được! Em hỏi anh này, con Julchen hơn em cái gì nào? Chẳng qua nó không lấy phải một thằng đại bịp, chỉ vớ một thằng ngốc làm chồng mà thôi! Nó ở vào địa vị em ấy à! Thử xem xem, nó sẽ tìm được ai?

— Vậy theo cô thì cô đã tìm được người rồi chứ gì?

— Tìm được một anh ngốc phải không, anh Thomas?

— Còn hơn gấp mấy thằng đại bịp.

— Không cần thằng bịp, mà thằng ngốc cũng không cần! Nhưng thôi, bây giờ không nói chuyện ấy nữa.

— Phải đấy! Chúng ta tụt ra đằng sau rồi! ông Permaneder leo núi giỏi thật!

Con đường nhỏ râm mát trở nên bằng phẳng. Họ đi thêm một quãng ngắn nữa thì đến “nguồn nước”. Nơi ấy rất đẹp, rất nên thơ. Một cái cầu gỗ bắc ngang một vũng hồ nhỏ. Trên sườn đá nứt nẻ, mọc những cây to, cành lá xum xuê, rễ cây nổi hẳn trên mặt đất. Bà cụ tham mang theo một cái cốc bằng bạc có thể xếp lại được; họ liền lấy cái cốc đó múc nước ở một cái vũng nhỏ phía dưới nguồn; ai cũng uống một ít nước suối có chất sắt để cho đầu óc tỉnh táo. Lúc uống, ông Permaneder muốn tỏ mình cũng biết nịnh đầm, cứ khăng khăng yêu cầu Tony uống trước một ngụm, rồi mới chịu uống. Ông ta thích quá, miệng nói lắp:

— Thật... là... tuyệt... quá!

Ông ta cố gắng đối xử hết sức chu đáo với mọi người, lúc thì nói chuyện với bà cụ tham và Thomas, lúc thì nói chuyện với Gerda và Tony, thậm chí cả với bé Erika nữa... Gerda khổ sở vì trời oi bức, chỉ làm thinh không nói năng gì, trông vẻ sốt ruột lắm, nhưng lúc này bà cũng đã tươi tỉnh hơn. Khi mọi người nhanh nhẹn trở về quán cơm, ngồi xung quanh cái bàn bày đầy thức ăn trên bậc thứ hai, bà còn dùng những lời lẽ thân thiết tỏ ra rất tiếc về chuyện ông Permaneder sắp phải lên đường; mọi người vừa mới quen nhau, những chuyện hiểu lầm nhau hoặc ngăn cách nhau vì ngôn ngữ đã giảm bớt, thì ông Permaneder lại sắp đi rồi!... Suýt nữa thì bà nói: “Chúa phù hộ”. Bà đã nghe bạn gái của mình và cô Tony hai ba lần bắt chước câu nói ấy của người Munich... một cách thành công.

Lúc nào lên đường, ông Permaneder chưa nói dứt khoát, vì lúc này ông đang để hết tinh thần vào các món cao lương mỹ vị bày đầy bàn. Ông ta ở bên kia bờ sông Danube, nên không phải ngày nào cũng được ăn những món ấy!

Mọi người thong thả ăn hết những thức ăn ngon lành đó. Điều mà bé Erika lấy làm thú vị nhất là ở đây người ta dùng giấy bóng kính làm khăn lau, nó còn đẹp hơn loại khăn vải lanh ở nhà vẫn dùng gấp bao nhiêu lần. Sau khi được người hầu bàn đồng ý, nó lấy mấy tờ đút vào túi làm kỷ niệm. Ăn xong, Permaneder uống bia và hút mấy điếu xì gà đen, ông tham thì vẫn hút thuốc điếu. Cả nhà lại ngồi rất lâu, nói chuyện rất nhiều, để tiếp khách. Đáng chú ý nhất là không ai đả động gì đến chuyện ông Permaneder lên đường nữa. Câu chuyện tương lai cũng không ai nhắc tới. Trái lại họ toàn nói chuyện quá khứ và thời cuộc mấy năm lại đây. Bà cụ tham kể mấy mẩu chuyện về cuộc Cách mạng năm 1848 mà cụ nghe cụ ông đã qua đời nói lại. Ông Permaneder cười bổ nghiêng bổ ngửa. Rồi ông ta cũng kể một vài mẩu chuyện về cuộc cách mạng ở Munich và về bà Lola Montez[110], Tony rất thích nghe chuyện bà ta. Sau bữa trưa, thời gian cứ thế thong thả trôi qua. Khoảng một giờ sau, Erika theo chị Ida đi chơi về, hai má đỏ hây hây, ôm một ôm hoa cúc, mào gà và cỏ dại. Nó sực nghĩ đến chuyện mua bánh nước gừng, thế là cả nhà đứng dậy, sửa soạn đi xuống phía dưới rừng dạo một vòng... Tất nhiên, bà cụ tham, khổ chủ hôm đó, phải trả tiền cho lão chủ đã. Bà cụ bỏ ra đúng một đồng tiền vàng, không hơn không kém.

Trước quán cơm, họ bảo anh xà ích, trong vòng một tiếng đồng hồ, phải sửa soạn cho xong để về thành phố có thể nghỉ ngơi một lúc trước bữa ăn tối. Sau đó, họ đi tới mấy gian nhà nhỏ ở trong rừng. Họ bước rất chậm vì lúc đó ánh nắng chiếu thẳng xuống con đường bụi bay mù mịt.

Qua khỏi cái cầu bắc ngang sông Au, đoàn người tự nhiên tản ra; mãi về sau, họ vẫn giữ nguyên đội hình đó. Người đi đầu là chị Jungmann, bước những bước thật dài; đi sát cạnh chị, là bé Erika chạy nhảy tung tăng đuổi bắt bươm bướm, không biết mệt mỏi là gì cả; sau đó là bà cụ tham, Thomas và Gerda, ba người đi cùng nhau, cuối cùng là Tony và ông Permaneder đi cách tốp giữa một khoảng. Tốp đi trước sôi nổi nhất, vì dọc đường bé Erika cứ cười khanh khách, còn chị Ida thì lúc nào cũng phụ họa theo bằng giọng cười tốt bụng, nghe như ngựa hí. Ba người đi giữa đều im lặng. Vì bụi nên Gerda tỏ ra bực bội buồn thỉu buồn thiu, còn bà cụ tham và con trai thì vẻ trầm tư, không biết nghĩ chuyện gì. Tốp đi sau cùng cũng im lặng... Nhưng đấy chỉ là bề ngoài thôi, vì thực tế Tony và ông khách từ Bayern đến đang thầm thì với nhau. Họ nói chuyện gì?

Họ đang nói về Grünlich.

Ông Permaneder nói Erika xinh đẹp dễ thương nhưng lại không giống mẹ tí nào cả. Nhận xét đó đúng quá, Tony trả lời:

— Nó giống hệt bố nó nhưng đối với nó, không có gì là đáng tiếc cả, vì nhìn bề ngoài Grünlich là người lịch thiệp. Anh ta để bộ râu quai nón màu vàng, rất độc đáo, từ bấy đến nay em không hề thấy ai để bộ râu như thế nữa...

Lúc ở nhà Niederpaur tại Munich, Tony đã kể khá tường tận cho ông ta nghe chuyện chồng con của cô, nhưng lúc này ông ta lại yêu cầu Tony kể rành rọt cho ông ta nghe một lần nữa. Ông ta hỏi kỹ về chuyện bị phá sản, nghe không chán tai tí nào, đôi mắt cứ nhấp nháy vì lo lắng và thương hại.

— Anh ta không phải là người tốt, anh Permaneder, nếu không, ba đã không đưa em về nhà. Anh có thể tin lời em nói. Trên đời không phải ai cũng tốt bụng cả. Em còn trẻ, có thể nói mười năm nay em đã sống những ngày góa bụa, nhưng cuộc sống đã giúp em hiểu rõ điều đó. Anh ta không phải là người tốt, lão chủ nhà băng Kesselmeyer còn tồi hơn anh ta nữa, và ngu như một con chó. Em nói như vậy không có nghĩa là em cho mình là thần thánh, không có chút lỗi lầm nào cả... Anh không nên hiểu lầm ý em! Trong mắt Grünlich hình như không có em, thỉnh thoảng anh ta ngồi cạnh em xem báo. Anh ta lừa dối em, cứ để mặc em một mình ru rú trong ngôi nhà ở Eimsbüttel, vì sợ em vào thành phố, em sẽ biết hết sự thật về chuyện anh ta đã sa xuống hố bùn như thế nào... Nhưng em cũng là người đàn bà nhu nhược. Em cũng có thiếu sót của em. Em rất biết hồi bấy giờ em cũng quá đáng. Ví dụ, em nhẹ dạ, thích ăn diện, những bộ đồ ngủ của em cũng đã làm cho anh ta phiền muộn và vô cùng bực bội rồi. Nhưng ở đây, em phải nói thêm một câu là, em cũng có lý do để tha thứ cho mình. Tức là khi em lấy chồng, em còn bé bỏng, khờ dại, ngốc nghếch... Ví dụ, nói ra chắc anh không tin, trước khi em lấy chồng, em vẫn không biết luật Liên bang đã từng sửa đổi các điều khoản nói về trường đại học và báo chí. Thì ra đó là một đạo luật rất hay!... Chao ôi, có đáng buồn không, anh Permaneder! Người ta chỉ có thể sống một lần, không thể sống lại một lần thứ hai nữa, nếu có thể được sống lại lần thứ hai, thì người ta sẽ thông minh hơn nhiều...

Cô im lặng cúi đầu chăm chú nhìn xuống đường. Cô đã khéo kéo gợi ý cho ông ta, bởi vì bất cứ người nào nghe những lời đó của cô cũng sẽ nghĩ rằng: tuy không thể có một cuộc sống hoàn toàn mới được, nhưng vẫn có cơ hội đi bước nữa, và được sống lại những ngày đẹp đẽ. Nhưng ông Permaneder đã bỏ lỡ cơ hội đó, ông ta cứ dùng những lời lẽ cay nghiệt thóa mạ Grünlich, khiến chùm râu dưới cái cằm nhỏ bé của ông ta cứ dựng ngược lên.

— Đồ lưu manh mất dạy! Nếu hôm nào đó, anh bắt gặp cái thằng chó ấy, anh sẽ cho nó biết tay!...

— Ồ, anh Permaneder! Anh chớ làm thế! Chúng ta nên rộng lòng tha thứ, hãy quên đi những lỗi lầm đã qua. Thượng đế nói: báo thù là chuyện của ta... Anh có thể hỏi me xem có câu đó hay không. Thượng đế không cho phép làm như vậy... Em không biết bây giờ Grünlich ở đâu, hoàn cảnh anh ta như thế nào, nhưng em vẫn chúc anh ta mọi điều may mắn, mặc dù có lẽ anh ta không xứng với lời chúc mừng đó của em...

Họ đã đi vào trong thôn, đứng trước một căn nhà bé nhỏ, một quán bán bánh mì. Hình như hai anh chị không biết là họ đã dừng chân lại. Họ nhìn Erika, Ida, bà cụ tham, Thomas và Gerda đang cúi lom khom bước vào cái cửa nhỏ bé thấp lè tè đến buồn cười của cái quán, nhưng ánh mắt họ cứ đờ đẫn, tuy nhìn nhưng hình như không trông thấy gì cả. Cả hai đều nói chuyện say sưa, mặc dù đến bây giờ họ chỉ nói với nhau những chuyện vớ vẩn, đâu đâu.

Cạnh họ là một bờ dậu, dọc theo bờ dậu là một bồn hoa dài và hẹp, có mấy cây hoa quế. Tony cúi đầu lấy mũi nhọn cái ô che nắng đào xới đất đen mềm nhũn trong bồn hoa. Đầu cô bị nắng rọi nóng bỏng. Cái mũ màu xanh lá cây nhỏ bé trên có lông linh dương của ông Permaneder thì đã tụt xuống trước trán; ông ta đang đứng sát cạnh cô, thỉnh thoảng lấy cái can của mình đào đất giúp. Ông ta cũng cúi đầu xuống nhưng đôi mắt màu xanh lơ của ông ta lúc này có vẻ sắc sảo lắm, trông húp húp. Ông ta đưa mắt nhìn Tony từ dưới lên trên, đôi mắt ông ta vừa khao khát, buồn rầu và chờ đợi, chùm râu lưa thưa trên môi, một như bông lúa, trông cũng có vẻ như thế.

— Có lẽ bây giờ - ông ta nói - cô sợ lấy chồng lắm nhỉ, không bao giờ muốn thử lại một lần nữa nhỉ? Có phải thế không, hở cô Tony?

“Thật là ngốc!” - Tony nghĩ thầm - “Chả nhẽ bắt mình nói toạc ra hay sao?...”. Cô bèn trả lời:

— Phải đấy, anh Permaneder thân mến ạ, em xin thú thực với anh rằng bắt em trả lời về việc chung thân đại sự của em một lần nữa, quả không phải là chuyện dễ, vì em đã nhận được một bài học rồi! Anh biết đấy, đó là việc lớn có liên quan đến vận mệnh của cả đời mình... Với lại cần phải nắm thật chắc đã, phải biết rõ người chồng tương lai của mình có phải là người thành thực, cao quý và tốt bụng hay không đã.

Lúc đó, ông ta mới đặt vấn đề, hỏi cô xem có coi ông ta là người như vậy không. Tony trả lời như sau:

— Anh Permaneder ạ, em coi anh là người như vậy đấy.

Hai người lại thầm thì nói thêm mấy câu hứa hẹn với nhau. Ông Permaneder được phép sau khi về nhà sẽ thưa chuyện với bà cụ tham và Thomas...

Khi những người kia xách mấy túi bánh nước gừng đi ra ngoài, ông tham cố nhìn lên phía trên đỉnh đầu họ, vì lúc đó cả hai người tỏ ra rất lúng túng. Ông Permaneder không muốn che giấu sự lúng túng của mình, trái lại, Tony thì ngẩng mặt lên, làm ra vẻ nghiêm túc lắm.

Lúc này, mây đen phủ kín bầu trời, lác đác rơi vài giọt mưa. Mọi người vội vàng chạy về chỗ xe ngựa.

Tony đoán không sai tí nào, ông Permaneder vừa đến đây thì anh cô đã thăm dò tình hình kinh tế của ông ta. Kết quả là Công ty Noppe không phải là một công ty to lớn lắm nhưng tin cậy được, lại hợp tác với xưởng rượu do ông Niederpaur, một người có cổ phần, làm giám đốc, thu được rất nhiều lãi. Sau này, nếu có thêm một vạn bảy nghìn thaler của Tony nữa, mặc dù ông Permaneder không thể ăn tiêu xa xỉ nhưng cũng có thể sống dư dật, thoải mái. Việc đó ông ta đã thưa với bà cụ tham. Ngay tối hôm làm lễ đính hôn, bà cụ tham, ông Permaneder, Antonie, và Thomas bàn bạc với nhau rất kỹ trong phòng phong cảnh. Mọi chuyện đã được giải quyết rất thuận lợi, thậm chí ngay cả tương lai của Erika cũng được thu xếp ổn thỏa. Erika cũng sẽ về Munich ở, đó chính là điều Tony mong muốn, mà ông chồng chưa cưới của cô cũng rất cảm động và vui lòng làm theo ý muốn đó của cô.

Sau hai ngày, ông khách buôn hublon lên đường, nếu không công ty Noppe sẽ rầy cho một phen ra trò, nhưng tháng sáu, Tony lại gặp Permaneder ở tại quê ông ta. Tom và Gerda cùng đi với cô. Sau đó, hai vợ chồng ông tham lại đưa cô đến bãi tắm Kreuth nghỉ bốn năm tuần, còn bà cụ tham thì đưa Erika và chị Jungmann đến bờ biển Baltic nghỉ suốt cả mùa hè. Khi hai người dừng lại ở Munich, họ đã tìm cơ hội cùng đi xem một ngôi nhà gần nhà Niederpaur ở phố Kaufinger. Ông Permaneder định mua ngôi nhà này, sau này sẽ cho người khác thuê bớt một phần lớn. Đây là một ngôi nhà cũ, hình thù kỳ lạ, vừa vào khỏi cửa đã có một cái cầu thang dựng đứng, chật hẹp, đi thẳng lên gác hai, không có chỗ rẽ, cũng không có chỗ nghỉ chân, y như thang trèo lên trên trời ấy! Đến gác hai, người ta mới đi dọc theo hành lang hai bên trở về gian buồng sát tường...

Trung tuần tháng tám, Tony trở về nhà, sửa soạn đồ cưới mấy tuần lễ. Tuy đồ đạc khi cưới lần trước còn để dành được rất nhiều, nhưng vẫn phải sắm thêm. Cô đặt mua nhiều thứ ở Hamburg, thậm chí một hôm còn nhận được một bộ đồ ngủ, tất nhiên, lần này không viền nhung mà là viền vải thường.

Cuối mùa thu năm đó, ông Permaneder lại đến phố Meng. Họ không muốn để lâu nữa...

Lễ cưới lần này, tất cả đều làm theo nguyện vọng của Tony, hoàn toàn giống như cô tưởng tượng, không có gì là phô trương cả.

— Chúng ta không cần bày vẽ - ông tham nói - Lần này cô tái giá, nên sơ sài thôi. Hẵng coi như không có chuyện ly dị.

Tony chỉ gửi mấy cái thiếp báo hỉ; cô con gái Hagenström là Julchen Möllendorpf cũng nhận được một cái. Cô cố tình như vậy. Họ không muốn đi chơi trong tuần trăng mật, vì ông Permaneder không thích như thế. Với lại Tony cũng vừa nghỉ hè về và cảm thấy chuyến đi Munich vừa rồi cũng đã mệt bở hơi tai! Ngoài ra, không tổ chức lễ cưới ở căn phòng cột tròn mà ở trong nhà thờ Sankt Marien. Tới dự cũng chỉ có người nhà và mấy người thân thích. Trên đầu Tony cài hoa chanh, chứ không phải hoa đào viền vàng, dáng điệu trông hết sức cao quý. Trong lời chúc mừng, mục sư Kölling vẫn nói đến việc kiêng rượu, ông ta vẫn dùng những lời nghe rờn rợn như trước, chỉ có khác là giọng ông ta không sang sảng như trước nữa mà thôi.

Christian từ Hamburg về. Anh ăn mặc lịch sự, nhìn có vẻ ốm yếu, nhưng vẫn tươi cười vui vẻ. Anh nói với mọi người rằng, anh hùn vốn với ông Burmeester, buôn bán cũng kha khá, có lẽ Klothilde và anh sẽ lập gia đình ở bên ấy, tất nhiên là mỗi người tự tìm lấy đối tượng cho mình. Anh đến nhà thờ rất muộn, vì trước tiên anh còn phải đảo qua câu lạc bộ một lát đã. Dự đám cưới này, bác Justus vô cùng xúc động, ông ta lại bộc lộ rõ tính khảng khái sẵn có của mình, tặng cô dâu chú rể cái đĩa bạc to tướng, nặng lắm, và rất tinh xảo... Hai vợ chồng ông ta ở nhà suýt phải nhịn ăn, vì bà vợ bẩm tính nhu nhược vẫn lấy tiền chi tiêu trong gia đình trả nợ cho cậu con phá gia chi tử là Jakob, đã bị ông bố tống cổ ra khỏi nhà. Người ta đồn rằng, hiện giờ Jakob đang ở Paris. Mấy cô gái họ Buddenbrook ở phố Breiten nói rằng: “Mong sao lần này không nửa đường đứt gánh nữa!”. Điều làm mọi người không vui là ai cũng nghĩ rằng không chắc các cô đã thật lòng mong muốn như vậy!... Cô Sesemi Weichbrodt thì kiễng chân hôn lên trán cô học sinh bây giờ là bà Permaneder một cái, sau đó nói một câu đầy chân tình, và đặc biệt nhấn mạnh các nguyên âm: “Chúc em hạnh phúc!”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx