sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 7

Tám giờ sáng, ông tham Buddenbrook xuống giường, theo cầu thang xoáy trôn ốc phía sau cửa ngầm xuống nhà hầm, tắm rửa xong xuôi lại khoác áo ngủ, rồi bàn bạc ngay những việc lớn ngoài xã hội. Hằng ngày, vào khoảng này, bác Wenzel, thợ cắt tóc, đồng thời là đại biểu Hội đồng thị dân, bê một chậu nước nóng ở nhà bếp lên, cầm bộ đồ cắt tóc đi vào phòng tắm. Bác Wenzel có đôi tay đỏ ửng và bộ mặt thông minh. Hễ ông tham Buddenbrook ngửa đầu ngồi trên cái ghế lưng tựa to lớn, và ông Wenzel bắt đầu xoa bọt xà phòng, thì hầu như hai người lúc nào cũng nói chuyện. Chuyện họ nói với nhau thường là đêm nghỉ ngơi thế nào, thời tiết hôm nay ra sao, rồi bắt sang chuyện đại sự trên thế giới, sau đó quay về những tin tức mới trong thành phố, cuối cùng kết thúc bằng những chuyện thiết thân như buôn bán và gia đình... Họ nói đủ thứ chuyện nên cạo mặt rất lâu. Mỗi lần ông tham nói, ông Wenzel thường phải tạm nhấc con dao lên khỏi mặt ông.

— Ông tham ngủ ngon giấc chứ ạ?

— Cảm ơn. Thời tiết hôm nay thế nào đấy nhỉ?

— Trời sương mù nhưng không dày lắm, có lẫn ít tuyết ạ! Bọn trẻ con đắp một con đường để trượt băng ở trước nhà thờ Jakob dài mười mét, lúc tôi ở chỗ ông thị trưởng đi ra đến đó, suýt thì trượt ngã! Đồ quỷ sứ! - Ông đã xem báo chưa?

— Vâng, xem rồi ạ! Tờ Công báo và tờ Tin Hamburg. Ngoài cuộc xử vụ Orsini[111] ném tạc đạn ra, không có tin gì khác nữa ạ! Ghê quá! Xảy ra ngay trên con đường đi đến nhà hát! Người đông thế!

— Ồ, theo tôi thì chẳng có nghĩa lý gì cả. Chẳng liên quan gì đến nhân dân cả. Kết quả duy nhất chẳng qua là làm cho cảnh sát và báo chí sẽ bị gấp đôi sức ép mà thôi. Ông ta cũng đang đề phòng đấy! Đúng như thế, nghe nói lúc nào ông ta cũng sợ nơm nớp. Nhất định đó là sự thật. Vì ông ta phải giữ ngôi báu của ông ta chứ! Không thể nghĩ cách khác. Mặc dù vậy, tôi vẫn tôn kính ông ta. Xét việc đã qua, ông ta không phải là thằng ngốc, ví dụ ông ta đổi lương thực lấy vàng và hạ giá lương thực làm tôi phải thầm phục! Rõ ràng là ông ta đã làm được một số việc cho nhân dân.

— Vâng! Cách đây ít lâu, ông Kistenmaker cũng nói thế đấy ạ!

— Ông Stephan ấy à? Hôm qua tôi đã nói với ông ta chuyện này.

— Tình trạng của Friedrich Wilhelm[112] nước Phổ cũng nguy kịch lắm, ông tham ạ! Xem chừng không thể sống được nữa! Người ta đồn rằng Công tước [113] sắp lên nhiếp chính rồi đấy...

— Ồ, việc này sẽ diễn biến ra sao, chúng ta phải chờ xem mới được. Hiện nay ngài Wilhelm tỏ ra là người có tư tưởng tự do. Với lại, chắc chắn là thâm tâm ngài không ghét bản Hiến pháp, như anh trai ngài... chẳng qua... chẳng qua vì lo buồn mà ngài hao tổn tinh thần đó thôi. Thật đáng thương!... Copenhagen có tin tức gì không thế?

— Không có gì, ông tham ạ! Họ không bằng lòng. Đã tuyên bố thành lập Liên minh rồi[114], bản hiến pháp chung của Holstein và Lauenburg trái với luật pháp[115]... Nhưng phía Bắc họ không chịu bỏ...

— Ừ! Thật là lạ lùng! Ông Wenzel nhỉ! Họ buộc Hội đồng liên bang phải có hành động, nếu như Hội đồng liên bang nhạy bén hơn... Chà, người Đan Mạch! Tôi nhớ rất rõ là hồi còn bé tôi có hát một bài ca ngợi Chúa, câu đầu là: “Lạy Chúa, hãy cho con và cho tất cả những người đạm bạc với trần thế!...”. Lúc bấy giờ tôi không hiểu “trần thế” là gì, và nghĩ rằng “người đạm bạc” tức là “người Đan Mạch”[116] rồi thắc mắc mãi: tại làm sao Chúa lại phải đặc biệt ban cho người Đan Mạch cái gì đó!... Ông Wenzel! Ông để ý nhé! Da tôi bị sượt một tí ở đấy! Ông cười à! Đúng đấy, lại nói ví dụ đoạn đường xe lửa chạy thẳng đến Hamburg của chúng ta hiện nay nhé! Về mặt ngoại giao, không hiểu đã phải trao đổi đến bao nhiêu lần rồi, và không hiểu đã phí mất bao nhiêu công sức rồi!

— Phải đấy, ông tham ạ! Điều ngu xuẩn nhất là người chống lại việc này lại là Công ty đường xe lửa Altona-Kieler, nói toạc móng heo ra, tức là những người ở Holstein. Cách đây ít lâu, ông Överdieck, thị trưởng của chúng ta, cũng đã nói như vậy. Họ sợ nhất là Kiel cũng bắt tay vào việc buôn bán...

— Tất nhiên rồi, ông Wenzel ạ! Con kênh mới đào nối liền biển Baltic với Bắc hải... rồi ông xem, nhất định Công ty Altona-Kieler sẽ tìm trăm phương nghìn kế phá ở bên trong cho mà xem. Có thể họ sẽ mở một con đường xe lửa khác để cạnh tranh: Đông Holstein, Neumünster-Neustadt. Việc ấy không phải khó lắm. Nhưng chúng ta không nên làm cho người ta sợ, nhất định chúng ta phải có đoạn đường xe lửa chạy thẳng đến Hamburg.

— Ông tham nhiệt tình với việc này lắm nhỉ?

— Phải... Chỉ cần khả năng của tôi cho phép, chỉ cần thế lực mỏng manh của tôi còn có ít nhiều tác dụng... Tôi rất thú vị với chính sách đường xe lửa của chúng ta. Đó là truyền thống gia đình chúng tôi. Năm 1851, ông cụ tôi đã tham gia Hội đồng quản trị đường xe lửa Büchen, năm tôi hăm ba tuổi, tôi cũng đã được bầu vào Hội đồng ấy, chưa chừng cũng là vì lý do đó. Đáng tiếc là tôi chưa đóng góp được gì...

— Ờ, ông tham này! Theo như ông nói thì Hội đồng thị dân lúc đó...

— Phải, như vậy ít ra tôi cũng đã để lại cho người khác một ấn tượng nào đó, ít ra người ta cũng biết tâm địa tôi rất tốt. Ông biết đấy, ông tổ tôi, ông nội tôi và bố tôi đã vạch đường cho tôi đi, tôi biết ơn vô cùng. Với lại, tôi rất dễ dàng hưởng thụ lòng tín nhiệm và lòng thương yêu mà ông cha tôi đã có được ở thành phố này. Nếu không, làm sao bây giờ tôi có thể hoạt động được trôi chảy như thế này! Ví dụ, sau năm 1818, đầu những năm năm mươi, ông cụ tôi đã bỏ biết bao công sức vào việc cải cách ngành dây thép của chúng ta! Ông Wenzel, ông có biết trong Hội đồng thị dân, ông cụ đã hết sức chủ trương gắn liền xe thư Hamburg với ngành dây thép lại không? Năm 1850, ở Nghị viện thành phố, lúc đó Nghị viện làm việc kéo dài, không chú ý gì đến trách nhiệm cả, ông cụ tôi lại một lần nữa đề xướng thực hiện việc tham gia Liên minh ngành dây thép Đức-Áo. Nếu như bây giờ, tiền tem khá rẻ, có người đưa thư, có hòm thư, có thể đánh điện cho Berlin và Travemünde, vân vân, thì công lao của ông cụ tôi cũng không kém gì người khác. Nếu ông cụ tôi và một số người khác không đốc thúc Nghị viện nhiều lần, thì chế độ dây thép của chúng ta sẽ mãi mãi thua xa Đan Mạch và Thurn-und-Taxis[117]. Cho nên bây giờ tôi phát biểu ý kiến gì về mặt này, người ta cũng vui lòng lắng nghe...

— Ông tham nói không sai tí nào cả, Thượng đế thấy rõ điều đó. Nói đến đường xe lửa Hamburg, cách đây hai ba hôm, ông thị trưởng tiến sĩ Överdieck còn nói với tôi rằng, nếu công việc của chúng ta thuận lợi, có thể mua ở Hamburg một thửa đất làm sân ga, nhất định phải cử ông Buddenbrook đi lo việc này, ông ta còn được việc hơn nhiều luật sư khác... Ông ta nói như vậy đấy...

— Ồ, ngài thị trưởng quá khen đấy, ông Wenzel ạ! Ông xoa thêm tí xà phòng dưới cằm, ở đấy phải cạo sạch hơn một tí. Đúng, nói đi nói lại, chúng ta phải hành động! Tôi cũng không chống lại ông Överdieck. Tôi muốn nói, ông ta đã có tuổi rồi, nếu tôi là thị trưởng, mọi việc sẽ được giải quyết rất nhanh. Bây giờ đã bắt đầu lắp đèn hơi rồi, loại đèn dầu hỏa chết tiệt kia với sợi xích sắt, đã đến lúc phải vứt bỏ đi rồi. Về việc này, tôi tự nhận là mình cũng đã đóng góp một ít công sức... Chà, còn nhiều việc phải làm lắm! Ông cũng biết đấy, ông Wenzel ạ! Thời thế đang thay đổi, trước thời đại mới mẻ này, nghĩa vụ của chúng ta nặng lắm. Khi tôi nhớ lại tuổi thơ ấu của mình... chà, lúc ấy, ở đấy như thế nào, chắc ông biết rõ hơn tôi. Ngoài phố không có vỉa hè, giữa những phiến đá xây hai bên đường, cỏ dại mọc cao hàng thước. Nhà nào cũng có chái, một vạt đất bỏ không và ghế băng bày tận giữa lòng đường!... Những ngôi nhà thời trung cổ của chúng ta, thì bao nhiêu năm nay cứ xây thêm nên đã thành những hình thù quái lạ, cuối cùng, đổ nát dần. Bởi vì người ở đây, tuy có tiền, không một ai thiếu ăn, nhưng Chính phủ thì lại không để ý đến, cứ thế bỏ qua, giống như chú em rể tôi là Permaneder đã nói, không ai nghĩ đến chuyện sửa chữa, bảo quản cả. Thời đại bây giờ đúng là thời đại người ta bằng lòng với những cái đã có sẵn. Cụ Jean Jacques Hoffstede, bạn thân của ông nội tôi - chắc ông biết cụ ấy chứ? - Đi khắp đó đây, dịch từ tiếng Pháp ra một số bài thơ ngắn công kích tệ hại đó... Nhưng không thể kéo dài mãi mãi như thế được. Nhiều cái đã thay đổi rồi, sau này còn phải thay đổi nhiều nữa... Dân số thành phố chúng ta không phải ba vạn bảy nữa, mà đã trên năm vạn rồi. Điều đó, ông cũng đã biết. Với lại tính chất của thành phố chúng ta cũng đang thay đổi. Chúng ta xây dựng thêm nhà mới, ngoại ô được mở rộng, đường sá sửa sang ngay ngắn hơn. Những kiến trúc thuộc thời đại vĩ đại trước kia được để lại làm kỷ niệm, cũng có thể khôi phục lại... Nhưng chẳng qua đó chỉ là thay đổi bề ngoài. Những chuyện quan trọng nhất còn ở trước mắt chúng ta, ông Wenzel thân mến ạ! Ở đây tôi xin nhắc lại câu “Ceterum censeo”[118] của ông cụ tôi, nói đến Liên minh thuế quan, ông Wenzel ạ! Nhất định chúng ta phải gia nhập Liên minh thuế quan, điều này không thành vấn đề gì nữa. Nếu tôi tranh đấu để đốc thúc việc này cho xong, nhất định các ông sẽ phải ủng hộ tôi một tay. Ông tin lời tôi, mặc dù tôi là thương gia nhưng biết rõ hơn nhà ngoại giao. Nếu sợ việc này làm tổn thương đến độc lập và tự do, thì thật buồn cười quá! Gia nhập Liên minh thuế quan như Mecklenburg và Schleswig-Holstein, thì cái cửa lớn của nội địa cũng sẽ mở cho chúng ta. Ngày nay, chúng ta hoàn toàn không thể khống chế đường giao thông lên miền Bắc như trước kia nữa, thì chúng ta cầu mong cũng không được!... Thôi được rồi! Ông đưa hộ tôi cái khăn, ông Wenzel!

Ông tham đã kết thúc câu chuyện ấy. Sau đó hai người lại trao đổi với nhau vài ba câu về tình hình giá cả lúa mì đen - hiện nay giá lúa mì đen vẫn dừng lại ở mức năm mươi lăm thaler và còn có cơ hạ hơn nữa, và nói chuyện gì đó của một nhà nào trong thành phố - xong bác Wenzel đi ra khỏi nhà hầm, đổ cái chén sáng lấp lánh đựng đầy bọt xà phòng xuống mặt đường rải đá ngoài phố, còn ông tham thì theo cầu thang xoáy trôn ốc đi lên phòng ngủ. Lúc đó, Gerda đã tỉnh dậy, ông hôn lên trán vợ một cái, rồi đi mặc quần áo.

Câu chuyện dài dòng với ông thợ cắt tóc mỗi buổi sáng mở màn cho một ngày làm việc của ông tham, sau đó thì ông làm việc rất căng; suy nghĩ chuyện này chuyện khác, viết lách, tính toán, đi đến chỗ nọ chỗ kia, suốt ngày bận túi bụi về công việc... Vì đi nhiều, hiểu biết nhiều, lại thích nhiều chuyện, nên so với những người xung quanh, đầu óc Thomas Buddenbrook không bị tư tưởng tiểu thị dân hạn chế. Rõ ràng ông là người đầu tiên cảm thấy phạm vi hoạt động của mình quá chật hẹp. Nhưng ngoài thành phố này, ở trên lãnh thổ rộng lớn của Tổ quốc ông, tiếp sau sự phồn vinh thịnh vượng mà những năm tháng cách mạng mang lại cho đời sống xã hội, là thời đại thụt lùi, tàn tạ, ngột ngạt, trống rỗng. Những tư tưởng sôi nổi không thể tìm thấy chỗ dựa. Nhưng Thomas Buddenbrook lại rất thông minh. Ông đã lấy câu: “Mọi hoạt động của loài người chỉ có nghĩa tượng trưng” làm châm ngôn. Đồng thời ông đã đem hết ý chí, tài năng, nhiệt tình và tinh thần chủ động vào công việc xã hội nhỏ bé của ông, vào danh dự và công ty do ông kế thừa. Trong những người có công xây dựng thành phố này, ông đã trở thành nhân vật hàng đầu. Ông hăng hái say mê muốn làm nên sự nghiệp vĩ đại trong cái thế giới nhỏ bé này, và nắm lấy quyền lực. Nhưng ông cũng rất thông minh, không những có thể nhìn rõ hoài bão của mình mà cũng biết mỉa mai nó.

Sau khi Anton hầu ông ăn sáng xong, ông liền mặc quần áo, đi đến phòng giấy ở phố Meng. Lâu lắm ông cũng chỉ ở đấy một tiếng đồng hồ, viết vài ba bức thư cần thảo mấy bức điện, ra lệnh này hoặc lệnh nọ, khẽ thúc đẩy bánh lái chính trong bộ máy thương mại rồi giao phó trách nhiệm giám sát đốc thúc cho ông Marcus, hoàn toàn dựa vào đôi mắt cẩn thận, chu đáo của ông ta.

Ông đi dự các cuộc hội nghị và các buổi họp, phát biểu ý kiến, dừng lại chốc lát ở Sở giao dịch chứng khoán dưới đường vòm kiểu gôtích ở ngoài chợ, ra bến tàu, đến kho hàng quan sát một lúc, bàn bạc một số vấn đề với mấy ông thuyền trưởng các tàu của mình... Trong một ngày, ngoài thì giờ ăn sáng qua quýt với bà cụ tham, ăn trưa với Gerda và nửa giờ nghỉ ngơi nằm trên xô pha, tay cầm tờ báo, miệng ngậm thuốc lá sau bữa trưa, làm gián đoạn những hoạt động căng thẳng của ông ra, ông phải làm rất nhiều việc, bận cho đến khi trời tối. Ví dụ, việc buôn bán của ông, việc hải quan thuế vụ, lại còn các việc khác như làm đường xe lửa, xây dựng ngành dây thép, tổ chức cứu tế người nghèo, vân vân, thật không sao kể xiết. Thậm chí trong một số lĩnh vực đáng lý thuộc về các nhà chuyên môn hoặc các học giả, ông cũng hiểu biết rất sâu. Đặc biệt là những việc thuộc về tài chính. Về mặt này, ông tỏ ra mình là người tài hoa xuất chúng...

Về mặt xã giao, ông tham cũng cẩn thận như thế, chưa bao giờ sơ suất điều gì, mặc dù ông ít khi giữ đúng lời hẹn, thường phải phút cuối cùng, khi bà tham đã trang điểm gọn gàng, đứng dưới xe ngựa chờ nửa giờ rồi, ông mới có mặt. Lúc đó, ông vừa nói: “Xin lỗi Gerda, công việc bận quá, anh không dứt ngay ra được...” vừa vội vã mặc cái áo ngoài vào. Nhưng đến chỗ ăn tiệc, nơi khiêu vũ, hoặc dạ hội, ông biết tỏ ra mình thích thú với các hoạt động đó, biết làm cho mình trở thành một người nói chuyện rất có duyên... Khi đãi khách, hai vợ chồng ông không thua kém gì những nhà giàu sang khác. Nhà bếp, hầm chứa rượu của ông nổi tiếng là “loại một”. Bản thân ông được mọi người thừa nhận là một ông chủ niềm nở, lịch sự, chu đáo. Lúc nâng cốc chúc mừng, ông nói những lời rất diêm dúa, văn hoa, khó mà hay hơn được. Nhưng những buổi tối ông ngồi với Gerda, thì lại là những buổi tối rất yên tĩnh. Ông hút thuốc lá, hoặc nghe vợ kéo violon, hoặc cùng xem những cuốn truyện bằng tiếng Đức, tiếng Pháp, hoặc tiếng Nga, do Gerda chọn...

Ông hoạt động không biết mệt mỏi như thế để mưu cầu danh lợi. Đối với những người ở trong thành phố này, danh vọng của ông ngày càng tăng. Mặc dù khi Christian xây dựng cơ nghiệp và khi Tony đi bước nữa, họ đã rút bớt một số vốn trong công ty ông. Nhưng mấy năm nay, công ty ông vẫn phát tài lắm. Tuy vậy không phải là ông hoàn toàn không có điều gì lo nghĩ. Có lúc những chuyện buồn phiền không đâu vào đâu giày vò ông suốt mấy tiếng đồng hồ liền, làm ông bớt hăng hái đi, mắt cứ ỉu xìu xìu.

Ví dụ, Christian ở Hamburg đối với ông là một gánh nặng. Mùa xuân năm 1858, ông Burmeester, người chung vốn kinh doanh với Christian, bất ngờ cảm gió chết. Người thừa kế ông ta rút hết vốn của ông ta ra khỏi công ty. Ông tham hết sức khuyên can chú em không nên tiếp tục kinh doanh một mình, vì ông biết rằng trong tình hình tiền vốn giảm sút, tiếp tục kinh doanh một mình ở một cửa hàng đã có nền nếp, là điều rất khó. Nhưng Christian vẫn khăng khăng làm theo ý mình: anh ta gánh lấy toàn bộ tài sản và nợ nần của công ty H. C. F.

Burmeester... Sau đó đã xảy ra bao nhiêu chuyện lo lắng!

Ngoài ra, còn chuyện cô em là Klara ở Riga nữa.

Sau khi lấy mục sư Tiburtius, cho đến nay cô vẫn chưa sinh đẻ lần nào. Nhưng cũng tạm cho qua đi, bởi vì dù sao chính Klara xưa nay cũng không hề hy vọng có con, rõ ràng là cô không có khả năng làm mẹ. Nhưng qua thư của hai vợ chồng thì sức khỏe của cô cũng không hề khá hơn. Bệnh đau đầu cô bị từ hồi bé, nay đã thành mãn tính, với lại đau đến nỗi không làm sao chịu nổi.

Đó là những chuyện làm cho mọi người phải áy náy, không yên lòng được. Lại còn chuyện thứ ba, ở ngay trong nhà này! Tức là, cho đến nay vẫn chưa dám khẳng định dòng họ Buddenbrook có người thừa kế nữa hay không? Gerda thì không bao giờ bàn đến chuyện ấy, bà tỏ ra lạnh nhạt đến mức khiến cho người khác đoán bà không thích có con. Đối với nỗi lo buồn của mình, Thomas cũng không hé miệng nói nửa lời, chỉ có bà cụ tham cho mình là có trách nhiệm, kéo bác sĩ Grabow sang một bên, nói:

— Bác sĩ à, chúng ta bàn riêng một tí! Nên nghĩ cách gì bây giờ? Không khí ở vùng núi Kreuth hay bãi biển Glücksburg, hay Travemünde hình như đều không có hiệu quả gì! Ông nghĩ nên làm thế nào?

Bác sĩ Grabow biết rõ phương thuốc ôn hòa cũ rích của mình là “ăn uống phải cẩn thận - ăn một tí thịt bồ câu và một ít bánh mì Pháp” lần này cũng sẽ không có công hiệu gì lắm, bèn kê một đơn thuốc mới: đến núi Pyrmont và bãi tắm Schlangen...

Đó là chuyện thứ ba khiến ông tham buồn phiền. Còn Tony thì sao? Tony đáng thương ấy mà!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx