sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 9

Một ngày cuối tháng mười một. Trời thu giá lạnh, mây dày đặc, tuyết rơi lác đác. Từng đám sương mù di chuyển trên mặt đất. Tuy vậy, thỉnh thoảng ánh nắng vẫn rọi xuống. Ở cái thành phố cảng này thường là gió tây bắc thổi vun vút qua góc tường dày của nhà thờ.

Hơi một tí người ta bị viêm phổi. Thời tiết hôm ấy đúng là như vậy.

Gần giữa trưa, Thomas Buddenbrook bước vào phòng ăn, thấy mẹ đeo cái kính lão trên sống mũi cao cao, đang cúi gằm xuống tờ giấy để trên bàn.

— Anh Tom! - bà cụ nói, mắt nhìn Thomas. Hai tay bà cụ cầm tờ giấy đưa sang một bên, hình như do dự không muốn cho ông xem - Hãy bình tĩnh... Chuyện không vui vẻ gì... me cũng không hiểu... Từ Berlin gửi về... chắc lại xảy ra chuyện gì!...

— Đưa con xem! - Thomas nói giọng dứt khoát. Mặt ông trắng bợt, răng ông nghiến chặt, những đường gân xanh nổi hẳn trên thái dương, tay ông duỗi ra tỏ ý cương quyết, như muốn nói “không vui cũng được. Đưa nhanh con xem. Không phải rào trước đón sau gì cả!”.

Ông đứng đọc mấy dòng trên tờ giấy rồi nhíu đôi lông mày thưa thớt, thong thả mân mê hàng râu mép. Đó là một bức điện. Bức điện viết: “Me cứ yên tâm. Con và cháu Erika sẽ về ngay. Thế là xong, Antonie bất hạnh của gia đình”.

— Ngay... ngay... - ông bực bội nói, vừa nhìn bức điện vừa lắc đầu lia lịa - ngay là thế nào...?

— Nó viết như thế thôi, chắc không có ý nghĩa gì đâu, anh Tom ạ! Có lẽ nó muốn nói sẽ đáp chuyến xe lửa sớm nhất gì gì đó...

— Tại sao lại từ Berlin về? Cô ấy đến Berlin làm cái gì? Cô ấy đến Berlin bằng cách nào?

— Không biết nữa! Me cũng nghĩ không ra. Bức điện khẩn này vừa đến cách đây mươi phút. Me nghĩ chắc lại xảy ra chuyện gì. Hãy chờ xem! Và hãy cầu nguyện Thượng đế phù hộ cho em con bình yên vô sự. Anh ngồi xuống ăn đi!

Thomas ngồi xuống, rót bia đen vào cái cốc thủy tinh như một cái máy.

— “Thế là xong!” - ông lặp lại một câu trong bức điện - Cuối cùng lại ký “Antonie”, thật là trẻ con!

Sau đó, ông lặng lẽ ngồi ăn và uống rượu.

Một lát, bà cụ tham chép miệng nói:

— Liệu có liên quan gì đến anh Permaneder không, hả anh Tom?

Lúc sắp đi, một tay nắm quả đấm ở cửa, ông nói:

— Phải đấy me ạ! Phải chờ cô ấy về đã! Có thể cô ấy không về vào lúc đêm hôm khuya khoắt đâu! Chắc là ngày mai rồi. Me cho người đến báo con biết nhé!...

Bà cụ tham chờ hết giờ này qua giờ khác. Đêm hôm đó bà cụ cứ thấp thỏm, một lúc lại rung chuông gọi chị Ida Jungmann đến (bây giờ, chị Jungmann ngủ ở phòng cuối tầng giữa, sát cạnh buồng bà cụ tham), bảo chị pha cho bà cụ một cốc nước đường, thậm chí đã lên giường rồi, bà cụ vẫn ngồi thẳng người khâu vá một lúc lâu. Trưa hôm sau, tâm trạng bà cụ vẫn căng thẳng như vậy. Lúc ăn sáng lần thứ hai, ông tham nói, nếu Tony về thì chỉ có thể đáp chuyến tàu đi từ Büchen, như vậy ba giờ ba mươi ba phút chiều mới đến. Buổi chiều, bà cụ tham ngồi tựa cửa sổ phòng phong cảnh, định đọc cái gì cho qua thì giờ. Bà cụ cầm quyển sách bìa đen in cành lá cọ mạ vàng.

Thời tiết hôm nay cũng như hôm qua: trời giá lạnh, mây mù và gió rét thấu xương. Cái lò sưởi ở sau hàng lan can sắt sáng lấp lánh nổ lách tách. Hễ nghe tiếng bánh xe là bà cụ không khỏi giật mình, vội nhìn ra. Đến bốn giờ, hầu như lúc này, bà cụ không để ý đến mọi động tĩnh bên ngoài nữa, và hình như bà cụ đã quên mất chuyện đón con gái rồi, thì phía dưới gác có tiếng ồn ào. Bà cụ vội quay người ra phía cửa sổ, lấy khăn lau hơi nước đọng trên kính. Quả nhiên có một cỗ xe ngựa cho thuê đỗ phía dưới, người đã đi lên cầu thang.

Bà cụ nắm chặt tay vịn chiếc ghế, định đứng dậy, nhưng nghĩ gì, lại ngồi xuống, chỉ hơi quay đầu về phía con gái đang đi vào, mặt lạnh lùng. Chị Ida Jungmann nắm tay Erika, đứng cạnh cửa kính, Tony thì chạy bổ vào nhà.

Tony mặc áo choàng da, đội cái mũ da hình dài, có voan che mặt. Trông cô nhợt nhạt, mệt mỏi, mắt đỏ ngầu, môi run run. Lúc còn nhỏ, mỗi lần Tony khóc, cô đều như thế cả. Cô giơ tay lên nhưng lại bỏ thõng xuống ngay, quỳ hai đầu gối xuống trước chân mẹ, úp mặt vào thân áo bà cụ khóc nức nở. Cử chỉ đó làm cho người ta có cảm tưởng như cô chạy thẳng một mạch từ Munich về, bây giờ tới nơi rồi, được cứu thoát, nhưng mệt quá lăn đùng xuống đất. Bà cụ tham trầm ngâm một lúc.

— Tony!

Bà cụ nói, giọng ôn tồn nhưng có vẻ trách móc, thận trọng tháo cái kim băng cài mũ của Tony rồi bỏ xuống cửa sổ. Sau đó bà cụ đưa hai tay thân mật vuốt mái tóc dây màu vàng nhạt của con gái như muốn an ủi...

— Thế nào, con?... Xảy ra chuyện gì vậy?

Nhưng bà cụ phải kiên nhẫn chờ rất lâu, vì một lúc sau, câu hỏi của bà cụ mới được trả lời:

— Me, - giọng Tony khản đặc... - Me. - Nhưng cô chỉ nói được hai tiếng rồi im bặt.

Bà cụ tham ngẩng đầu lên nhìn ra cửa sổ, một tay ôm con gái, còn tay kia giơ về phía cháu ngoại. Con bé đút ngón tay trỏ vào miệng, đứng thừ người không biết nên làm gì.

— Lại đây cháu! “Chào bà” đi nào! Trông lớn lắm rồi! Nhanh nhẹn, khỏe mạnh đấy chứ! Chúng ta phải cảm ơn Thượng đế. Năm nay cháu bao nhiêu tuổi nhỉ, Erika?

— Thưa bà, cháu mười ba ạ!

— Trời ơi, ra dáng lắm rồi!

Bà cụ chồm qua đầu Tony hôn con bé một cái, lại nói tiếp:

— Cháu đi lên gác với chị Ida, lát nữa chúng ta sẽ ăn. Bây giờ mẹ cháu phải ở đây nói chuyện với bà đã nhé!

Trong phòng chỉ còn lại hai mẹ con.

— Ồ, Tony thân mến của me! Con vẫn còn muốn khóc à? Nếu Thượng đế bắt chúng ta chịu đựng một lần thử thách nữa thì chúng ta cũng phải vui lòng chịu đựng! “Hãy đeo tượng thánh giá của con!” như sách Phúc âm dạy... Nhưng con hãy lên gác nghỉ một lát cho tỉnh người đã, rồi xuống đây gặp me, được chứ? Chị Jungmann đã dọn dẹp phòng cho con rồi đấy!... May mà con đã đánh điện về! Tất nhiên là bức điện của con làm cả nhà hoảng lên...

Lời nói của bà cụ tham bị giọng run run, khản đặc của Tony từ tà áo vọng lên làm cho ngắt quãng:

— Hắn là đồ tồi! Đồ tồi... đồ tồi...

Ngoài mấy tiếng cay nghiệt đó, Tony không nói gì thêm được nữa. Hình như trong đầu óc Tony chỉ có chừng ấy. Cô càng giúi đầu vào lòng mẹ, bàn tay duỗi cạnh ghế nắm chặt lại.

— Con nói chồng con phải không? - Một lát sau, bà cụ lại hỏi - Me biết me không nên nghĩ thế, nhưng me không thể nghĩ ra người nào nữa, Tony ạ! Anh Permaneder có điều gì không phải với con à? Con giận chồng con phải không?

— Babette!... - Tony buột miệng nói - Babette!

— Babette? - bà cụ tham hỏi lại và ngả người ra lưng tựa, đôi mắt sáng quắc liếc nhìn ra ngoài cửa sổ. Bà cụ không biết chuyện gì. Cả hai mẹ con đều im lặng, chỉ nghe tiếng Tony thút thít mỗi lúc một thưa dần. Lát sau, bà cụ tham nói:

— Tony! Bây giờ me mới biết, quả là con gặp phải nhiều điều bực bội... Con về để nói cho me biết nguyên nhân, nhưng việc gì con phải thổ lộ nỗi bất bình của con dữ dội như thế? Việc gì phải đi từ Munich xa xôi thế kia về đây? Lại còn đưa cả Erika về nữa! Con không biết như thế sẽ làm cho một số người nào đó, những người không hiểu đầu đuôi xuôi ngược như chúng ta, có những ý nghĩ sai lầm à? Họ sẽ nghĩ rằng con sẽ không trở lại với chồng con nữa...

— Đúng là con không định trở lại nữa!... Không bao giờ trở lại nữa!

Tony nói to, cô ngửng phắt đầu lên, giận dữ nhìn mẹ, nước mắt lưng tròng. Sau đó lại úp mặt xuống tà áo mẹ. Hình như bà cụ tham không nghe tiếng cô nói.

— Nhưng bây giờ, - bà cụ cất cao giọng nói tiếp, rồi thong thả lắc đầu - Nhưng bây giờ, con đã về đây, như vậy cũng hay. Con hãy thong thả kể những điều bấy lâu tích lại trong bụng con cho me nghe. Sau này, chúng ta hãy bàn nên thể theo tình thương yêu, tha thứ và chiếu cố lẫn nhau như thế nào để cứu vãn chuyện này.

— Không bao giờ nữa! - Tony lại nói - Không bao giờ nữa! - Sau đó, cô bắt đầu kể lại chuyện của mình. Mặc dù người ta không thể nghe rành rọt từng lời, một là vì cô cứ úp mặt vào tà áo của bà cụ tham mà nói, hai là cô kể không liên tục, thỉnh thoảng những tiếng gào thét giận dữ lại làm cho ngắt quẵng, nhưng vẫn có thể tóm tắt câu chuyện lại như sau:

Giữa đêm khuya hôm hăm bốn rạng ngày hăm lăm tháng này, sau một giấc ngủ chập chờn, Tony thức giấc tỉnh dậy. Hôm ấy, suốt ngày cô đau lâm râm ở dạ dày nên tối đến đi ngủ rất muộn. Cô tỉnh dậy vì phía trước cầu thang có tiếng ồn ào có vẻ bí hiểm, như muốn che giấu đi nhưng không che giấu nổi. Trong những âm thanh đó, có thể phân biệt được tiếng thình thịch trên sàn gỗ, tiếng ho lẫn tiếng cười khanh khách, lại có cả tiếng chống cự nhưng bị chẹn lại ở cổ họng. Ngoài ra, còn có tiếng ư ứ, tiếng rên rỉ rất đặc biệt... Không biết là cái gì, thoáng nghe không thể nhận ra được. Mặc dù vẫn còn ngái ngủ nhưng Tony đã biết xảy ra chuyện gì rồi. Cô cảm thấy máu trên đầu dồn hết xuống tim. Tim cô bắt đầu thắt bóp lại, đập một cách nặng nề, khiến cô thở không ra hơi. Cô nằm đờ người trên gối như bị tê liệt trong một phút, đúng là một phút tàn nhẫn. Sau đó, tiếng ồn ào vô liêm sỉ vẫn chưa tắt hẳn. Với hai bàn tay run bần bật, cô thắp đèn bước xuống giường, vừa tuyệt vọng vừa phẫn nộ. Cô mở cửa, cầm đèn, đi dép ra chỗ gần cầu thang phía trước. Chính là cái “thang trời” thẳng tắp từ cổng lên gác hai đã nói ở trên. Cô bước đến bậc trên cùng của cầu thang thì cảnh cô tưởng tượng trong đầu óc khi nghe những tiếng kêu không thể hiểu lầm ở trong phòng ngủ hiện ra trước mắt cô rõ mồn một... Đấy là cảnh chị nấu bếp Babette và ông Permaneder vật lộn nhau đến là đồi phong bại tục! Chị nấu bếp tay cầm chùm chìa khóa và một cây nến (tuy đã khuya lắm rồi, nhưng chắc chị còn làm gì ở trong nhà) đang vật vã chống cự. Còn ông Permaneder thì cái mũ hất ngược sau gáy, đang ôm lấy chị ta, cố gí bộ râu báo biển của mình lên mặt chị ta, tất nhiên là cũng đi được một lần rồi... Thấy Tony ra, Babette kêu lên: “Jesus, Maria, Joseph!”. Ông Permaneder cũng lặp lại “Jesus, Maria, Joseph!” rồi buông chị nấu bếp ra. Chị ta vội vàng chạy mất tích chỉ còn lại một mình ông Permaneder đứng co ro trước mặt vợ, lẩm bẩm mấy tiếng, không có ý nghĩa gì hết: “Hỏng rồi!... Trời ơi!...”. Khi ông ta cố can đảm mở mắt ra thì Tony không còn ở đấy nữa. Ông ta tìm thấy cô trong phòng ngủ, nửa nằm nửa ngồi, khóc thút thít, miệng nói “Bỉ ổi, bỉ ổi!”. Lúc đầu, ông ta đứng tựa vào cửa, người mềm nhũn, sau ông ta đưa vai về phía trước, hình như định lấy cùi tay cù vào xương sườn cô cho cô vui lên, miệng nói:

— Đừng giận nữa! Thôi đi, Tonerl ạ! Em biết đấy, tối nay mừng ngày sinh nhật anh Ramsauer Franzl, bọn anh quá chén...

Nhưng mùi rượu nồng nặc tỏa khắp căn phòng càng làm cho Tony giận tột độ. Cô không khóc nữa. Cô không nhu nhược, không hèn yếu nữa. Cô đã nổi giận thì không cái gì có thể làm cô nguôi được. Lại vì cô đang hết sức bi quan tuyệt vọng, nên cô trút hết lên mặt ông ta mọi nỗi bực bội căm hờn của cô đối với ông ta cũng như đối với nhân cách và hành động bỉ ổi của ông ta. Ông Permaneder không chịu được nữa, đầu ông ta nóng bừng. Khi chúc mừng ông bạn Ramsauer không những ông ta đã uống rất nhiều bia, mà còn uống cả champagne nữa. Ông ta cũng nói lại, nói lại rất thô lỗ. Hai vợ chồng cãi nhau, lần này còn gay gắt hơn lần ông Permaneder bỏ không buôn nữa. Tony thu dọn quần áo, định chạy sang phòng khách... thì ngay lúc đó, ông ta lại nói tiếp một câu sau lưng cô. Cô không muốn lặp lại câu nói đó, cô nói không ra lời, một câu... một câu...

Đó là những điều Tony đã than thở trong tà áo của mẹ. Còn câu nói kia, câu nói làm cô nổi gai ốc trong đêm tối khủng khiếp ấy, cô vẫn không nói ra. Cô không thể lặp lại câu đó được. Trời ơi, cô không thể lặp lại được, cô nói, mặc dù bà cụ tham không hề ép cô phải nói ra. Khi Tony kể lại câu chuyện này, bà cụ tham vừa nhìn mái tóc màu be nhạt, đẹp đẽ của cô, vừa thong thả gật đầu, đăm chiêu. Hình như không thể thấy được bà cụ đang gật đầu.

— Ừ, ừ - bà cụ nói - chuyện con kể me nghe thật là chua xót, Tony ạ. Me hiểu lắm, con đáng thương của me! Bởi vì me không những là me của con, mà cũng như con, me còn là một người đàn bà... Bây giờ me đã biết, con đau khổ cũng có lý do. Me biết chồng con đã dại dột trong chốc lát quên mất những lợi lộc mà con đưa lại cho nó...

— Dại dột trong chốc lát à?! - Tony nói to. Cô vùng dậy, lùi ra hai bước, vội lau khô nước mắt - Me nói dại dột trong chốc lát, hả me? Những lợi lộc mà con và cả họ ta đưa lại cho anh ấy, anh ấy quên hết! Không, ngay từ đầu anh ấy đã không biết tới rồi! Con người cầm được của hồi môn của vợ trong tay rồi bỏ không buôn bán gì nữa! Con người không có chí hướng, không có dục vọng, không có mục đích! Con người trong mạch máu không có máu, chỉ có bia, mạch nha, hublon... đúng, điều này con không nghi ngờ gì nữa! Với lại, con người đã làm chuyện đồi bại như thế kia, trêu ghẹo Babette! Nếu con nói những điều xấu xa bỉ ổi của anh ấy ra, rồi cũng dùng một câu chửi lại anh ấy... đùng một cái...

Cô lại muốn nói đến câu kia, nói đến câu mà cô không thể nói ra được. Bỗng cô bước lên một bước, nói, giọng lúc này trở nên ôn tồn, dịu dàng, mừng rỡ:

— Trông thích quá! Ở đâu ra thế me?

Cô hất hàm chỉ cái làn nhỏ bện bằng cọng lúa mạch, rất xinh, thắt cái nơ xa-tanh, gần đây bà cụ tham dùng đựng kim chỉ và đồ khâu vá.

— Me mua đấy - Bà cụ tham trả lời - Me rất cần có một cái làn đựng đồ khâu như thế này.

— Xinh quá!

Tony vừa nói, vừa nghiêng đầu ngắm cái làn nhỏ. Bà cụ tham cũng nhìn theo, nhưng mắt nhìn mà đầu óc thì đang nghĩ chuyện khác.

— Thôi, Tony thương yêu của me - cuối cùng bà cụ nói, rồi đưa tay về phía con gái - Dù thế nào đi nữa, nay con đã về đây thì me chân thành đón con. Khi chúng ta thật bình tĩnh, chúng ta lại bàn... Con lên phòng thay quần áo nghỉ một lát cho khỏe người... Chị Ida đâu? - Cụ cất cao giọng gọi về phía phòng ăn - Chị bảo chúng nó dọn cho Tony và cháu Erika.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx