sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6

Chập choạng tối một ngày chủ nhật đầu tháng bảy - lúc đó, ông nghị Buddenbrook đã dọn về nhà mới khoảng bốn tuần lễ - bỗng bà Tony đến. Bà đi qua dãy hành lang trước nhà, lát đá tấm mát rượi, phía trên trang trí bức phù điêu của nhà điêu khắc Thorwaldsen, bên phải có cánh cửa thông sang bàn giấy. Bà kéo cái chuông ở trước cửa chắn gió, người ở dưới bếp bóp quả bóng cao su một cái là cửa sẽ tự động mở ra, rồi bà đi vào căn phòng rộng lớn phía trước; ở đây, phía dưới cầu thang bày tiêu bản con gấu màu nâu của ông Tiburtius tặng.

Anh đầy tớ Anton cho bà biết ông nghị đang làm việc.

— Thôi được! - Bà nói - cảm ơn Anton. Để tôi đi vào gặp ông.

Nhưng đi qua cửa phòng giấy, bà vẫn không bước vào, mà đi sang phải mấy bước, đến phía dưới một cái cầu thang rất lớn. Cầu thang này lên đến gác hai thì có hàng rào sắt chặn lại, đến gác ba sẽ biến thành một dãy hành lang có cột trụ đá cẩm thạch màu vàng óng và màu tuyết giao hòa với nhau. Ở cửa sổ phía trên cao treo cái giá đèn hình cành cây to tướng, lấp lánh ánh vàng, lóa cả mắt... “Sang trọng thật”. Bà nhìn căn phòng rộng rãi, sáng chói, hoa lệ, lấy làm hài lòng lắm, khẽ nói. Đối với bà, nó tượng trưng cho quyền lực, cho vinh dự và cho thắng lợi của gia đình Buddenbrook. Lúc đó bà sực nhớ ra rằng bà đến đây để báo một tin buồn. Thế là bà thong thả đi đến cửa phòng làm việc.

Trong phòng chỉ có một mình ông Thomas đang ngồi quay lưng về phía cửa sổ viết thư. Ông ngẩng đầu lên, hàng lông mày nhàn nhạt nhíu lại, rồi chìa tay cho bà em gái.

— Chào cô Tony! Cô mang tin vui gì đến thế?

— Chao ôi! Không có tin gì vui đâu, anh Tom ạ!... À, cái cầu thang của anh đẹp quá!... Sao anh ngồi viết mà đèn lại để tối om thế này?

— Ồ... một bức thư gấp. Thế nào, không có tin gì vui à? Hay là chúng ta đi ra vườn hoa dạo một vòng, ở ngoài ấy thoải mái hơn nhiều. Đi đi!

Khi hai anh em đi ra hành lang, thì tiếng đàn violon véo von từ gác hai vọng đến.

— Anh nghe kìa! - Bà Tony nói và đứng dừng lại. - Chị Gerda đàn đấy. Hay tuyệt! A, lạy Chúa, chị ấy đúng là một bà tiên! Cháu Hanno thế nào, anh?

— Bà Jungmann đang cho cháu ăn. Rắc rối quá! Mãi đến nay cháu bước vẫn chưa vững...

— Sớm muộn rồi thì cũng biết đi thôi, anh ạ, sớm muộn thì rồi cũng biết đi thôi! Anh chị có hài lòng về bà Jungmann không?

— Ồ, tại sao anh chị lại không hài lòng cơ chứ?

Họ đi qua con đường lát đá tấm phía sau tòa nhà, qua nhà bếp ở bên tay phải, qua một cái cửa kính, đi xuống hai bậc đá, thì đến vườn hoa ở bên ngoài.

— Có chuyện gì thế? - Ông nghị hỏi.

Vườn hoa ấm áp và yên lặng. Các bồn hoa cắt xén gọn gàng. Không khí lúc chạng vạng phảng phất thơm... Một cái vòi xung quanh có những cây phượng vĩ hoa màu đỏ cao to, đang phun những cột nước sáng loáng trong không trung tối om. Tiếng nước bắn tung tóe nghe róc rách, đều đều. Mấy ngôi sao nhỏ mọc đầu tiên trên nền trời đã bắt đầu lấp lánh. Cuối vườn hoa, một cái bậc tam cấp giữa hai trụ đá nhọn, hình vuông, thông lên cái nền cao cao rải đá vụn, trên đó là một cái nhà lầu hóng mát bằng gỗ, phía dưới trần nhà thâm thấp, bày mấy chiếc ghế. Bên trái có bức tường ngăn bên này với vườn hoa nhà hàng xóm, bên phải là bức tường của nhà hàng xóm. Có cái giá gỗ cao bằng bức tường, chuẩn bị sau này làm giàn cho cây vạn niên thanh. Phía trên hai bên bậc tam cấp và ở gần lầu hóng mát, trồng mấy bụi cây sơn trà và quất chua, nhưng trong vườn chỉ có một cây to và một cây bồ đào, vỏ rất cứng, mọc phía trước bức tường bên trái.

— Chuyện thế này này, - khi hai anh em đi trong thả trên con đường rải sỏi rẽ ra phía trước vườn hoa, bà Tony mới nói ấp a ấp úng - chú Tiburtius viết thư nói rằng...

— Klara?! - Ông Thomas hỏi... - Đừng giấu giếm quanh co nữa, cô cứ nói đi xem nào?

— Vâng, anh Tom này, cô ấy ốm nguy kịch lắm, theo lời thầy thuốc thì sợ mắc bệnh lao... lao não... Nghe khủng khiếp quá, em không dám nói ra! Anh xem, đây là thư của chú ấy gửi cho em. Còn có cả thư gửi cho me nữa, cũng viết tương tự như thế. Chú ấy bảo chúng ta nên chuẩn bị tư tưởng trước cho me rồi hãy đưa. Ngoài ra còn bức này nữa, cũng gửi cho me, do chính tay cô ấy viết bằng bút chì, xem thì biết cô ấy cầm bút không vững nữa rồi! Chú Tiburtius nói, khi viết thư này, cô ấy bảo đây là mấy dòng chữ cuối cùng của cô ấy. Thảm nhất là cô ấy không muốn sống nữa. Xưa nay cô ấy vốn ao ước lên thiên đường...

Nói xong bấy nhiêu câu, bà Tony lau nước mắt.

Ông nghị im lặng đi sóng đôi với em, tay chắp sau lưng đầu cúi xuống.

— Anh không nói gì cả, anh Tom?... Như vậy là đúng còn nói gì nữa cơ chứ! Tại sao lại đúng vào lúc này, đúng vào lúc anh Christian ở Hamburg... cũng đang ốm nặng?

Bà Tony nói rất thực tình. Dạo gần đây, ông Christian ở London, nửa người bên trái buốt ghê lắm, đúng là đau thật rồi, khiến ông ta quên hết những bệnh vớ vẩn khác, ông ta không biết làm thế nào, đành viết cho bà mẹ một bức thư, nói nhất định ông ta sẽ về nhà để bà cụ chăm sóc cho. Ông ta xin thôi việc ở London, lên đường, nhưng vừa đến Hamburg thì ốm nặng. Theo bác sĩ chẩn đoán, ông ta bị bệnh thấp khớp. Từ khách sạn, người ta đưa vào bệnh viện, theo tình hình hiện tại thì không thể về được. Bây giờ ông ta đành nằm trong bệnh viện, đọc cho các cô hộ lý viết hộ bức thư thê thảm này đến bức thư thê thảm khác...

— Ừ, - ông nghị khẽ trả lời - Thật là họa vô đơn chí!

Bà Tony để tay lên vai ông anh một lúc.

— Nhưng nhất định anh không được nản chí, anh Tom ạ! Cũng chưa đến nỗi tuyệt vọng! Anh phải can đảm lên...

— Ừ, trời có mắt. Anh phải tỏ ra can đảm...

— Sao thế hả, anh Tom?... Anh nói cho em biết, hôm thứ năm vừa rồi, tại sao suốt cả buổi chiều, anh cứ làm thinh không nói gì hết. Em có biết tại sao được không?

— Chà... Chuyện buôn bán, cô ạ! Anh bán một số khá lớn lúa mạch, bị lỗ... Hừ, tóm lại là anh không thể không xuất một số khá lớn lúa mạch, dù biết là thiệt to!

— Ồ, những chuyện như thế thì không tránh khỏi được đâu anh Tom ạ! Hôm nay lỗ thì ngày mai lại lãi nhiều. Nếu để những chuyện như thế làm cho mất tinh thần thì...

— Cô nhầm rồi, cô Tony - ông lắc lắc đầu - không phải vì anh bị vố đó mà tinh thần sụt xuống đâu, hoàn toàn trái lại. Khi trong tâm tư anh cảm thấy không thoải mái thì thế nào cũng có chuyện không hay.

— Nhưng, anh cảm thấy như thế nào trong tâm tư? - Bà ngơ ngác hỏi - Ai cũng cho rằng, đáng lý ra anh phải là người vui sướng nhất, anh Tom ạ! Klara còn sống... nhờ ơn Chúa phù hộ, cô ấy sẽ khỏi! Vậy thì còn có chuyện gì nữa? Bây giờ chúng ta đang đi dạo trong vườn hoa nhà anh, hoa thơm ngào ngạt. Bên kia là tòa nhà của anh, hào hoa tráng lệ như trong giấc mơ. Nhà lão Hermann Hagenström so với tòa nhà này thì có khác gì một căn nhà gianh ở nơi thôn dã! Tất cả đều do tay anh gây dựng nên...

— Đúng như thế cô Tony ạ, quả là đẹp thực. Anh còn muốn nói là rất tráng lệ. Tráng lệ đến nỗi làm cho người ta không yên tâm. Sở dĩ anh thấy chán không còn thấy hứng thú gì nữa, nguyên nhân có lẽ là ở đấy. Lẽ ra anh vui sướng lắm, nhưng cũng như bất cứ trong một trường hợp nào khác, nỗi vui sướng cũng là phần tốt đẹp nhất, mà phần tốt đẹp đến rất chậm. Tòa nhà này phải mãi mãi, rất lâu mới làm xong, lúc đó thì người ta mất hết hứng thú rồi...!

— Mất hết hứng thú rồi hả, anh Tom! Nhưng anh còn trẻ cơ mà?

— Muốn biết người ta trẻ hay già, phải xem cảm giác của người ta như thế nào đã. Những cái tốt đẹp người ta hằng mong mỏi bao giờ cũng đến chậm trải qua bao nhiêu gian khổ, hơn nữa còn mang theo đủ các loại chuyện vụn vặt phiền hà khiến người ta khóc dở mếu dở, là những cái rác rưởi trong cuộc sống hiện thực mà khi ước mơ người ta không ngờ tới. Những chuyện đó làm cho người ta cáu... làm cho người ta giận...

— Ừ, ừ đấy... Nhưng anh bảo muốn biết người ta trẻ hay già, phải xem cảm giác của người ta như thế nào đã, hả anh Tom?

— Đúng như thế, cô Tony ạ. Có lẽ cái đó sẽ qua đi nhanh thôi, có điều, trong chốc lát, tâm tư sẽ trầm lặng xuống. Tất nhiên như vậy. Nhưng trong khoảnh khắc ấy, anh cảm thấy mình già trước tuổi nhiều lắm. Trong việc buôn bán, anh có rất nhiều chuyện phiền muộn. Hôm qua, ở trong hội đồng giám sát đường hỏa xa Boden, lão tham Hagenström nói anh thậm tệ, suýt nữa thì không còn mặt mũi nào nhìn ai. Trước nay anh chưa hề gặp chuyện như thế bao giờ. Anh cảm thấy rằng, có cái gì đó bắt đầu tuột ra khỏi tay anh. Hình như anh không thể nắm chặt được như trước kia nữa, cái gì đó mà mình không thể nói ra. Rốt cục cái mà chúng ta gọi là thành công là cái gì nào? Là một sức mạnh thần bí, không thể hình dung được, là sự thoải mái, thong dong, là sự ý thức rằng chỉ có bản thân mình tồn tại mới có thể làm cho sự vật quanh mình xoay chuyển, là lòng tin tưởng rằng trong đời mọi cái đều phù hợp với lợi ích của mình, rằng hạnh phúc và thành công là ở về phía chúng ta. Chúng ta nhất định phải nắm lấy, nắm thật chặt, không buông ra mảy may. Nếu có cái gì đó hơi bắt đầu lỏng lẻo, chậm chạp, uể oải, thì lập tức mọi cái xung quanh chúng ta sẽ nổi dậy ngay, cũng muốn chống đối, phản bội chúng ta, tránh không cho chúng ta khống chế nữa... Rồi, chuyện này tiếp đến chuyện kia, lần thất bại này tiếp đến lần thất bại khác, thế là hỏng hết. Mấy ngày gần đây, anh thường nghĩ đến một câu ngạn ngữ Thổ Nhĩ Kỳ, không nhớ đã đọc được ở đâu: “Nhà làm xong thì Tử thần cũng vừa đến”. Ờ, mà cũng chưa hẳn là Tử thần, không biết chừng là sự suy vong sa sút... đã bắt đầu...! Cô Tony, cô cũng biết đấy, - ông khoác tay bà em gái, nói tiếp, giọng nhẹ nhàng hơn - Hôm chúng ta làm lễ rửa tội cho cháu Hanno ấy mà, cô còn nhớ chứ? Lúc đó, cô nói với anh: “Em thấy bây giờ một thế lực mới bắt đầu!”. Câu đó đến nay anh vẫn nhớ rất rõ. Hình như lúc đó anh cũng cho là cô nói rất đúng, chả bao lâu thì bầu cử nghị viên, anh gặp vận may, rồi lại xây tòa nhà này nổi lên ở giữa chỗ bình địa! Nhưng chức “nghị viên” và tòa nhà này chẳng qua chỉ là hiện tượng bề ngoài. Anh còn biết những chuyện cô chưa hề nghĩ đến, những chuyện rút ra từ cuộc sống, từ lịch sử. Anh biết, trong thực tế thường thường chỉ những lúc bắt đầu xuống dốc thì các thứ như hạnh phúc và sự thịnh vượng, tức là một số dấu hiệu ở mặt ngoài, có thể nhìn thấy, sờ thấy, mới xuất hiện; những dấu hiệu ở mặt ngoài đó, cần một thời gian nhất định mới lộ dần ra. Cũng như chúng ta thấy trên bầu trời có một ngôi sao sáng chói, nhưng chúng ta biết đâu chính nó đã mờ, thậm chí đã tắt ngấm từ lâu rồi!

Ông Thomas trầm ngâm. Hai người im lặng đi một lúc nữa, trong bầu không khí tĩnh mịch chỉ nghe tiếng nước ở vòi phun lên và tiếng gió thổi vi vu trên ngọn cây hồ đào. Bà Tony thở dài não nùng, nghe như rên rỉ.

— Anh nói nghe thảm quá, anh Tom ạ! Xưa nay chưa bao giờ em nghe anh nói những lời thê thảm như vậy! Nhưng anh nói hết những điều anh để trong bụng cũng hay. Xua đuổi được những ý nghĩ đó ra khỏi đầu óc, chắc anh sẽ nhẹ nhõm hơn.

— Phải đấy cô Tony ạ, cái đó anh phải làm bằng được. Bây giờ cô đưa hai bức thư của cô Klara và của chú ấy cho anh, để anh giải quyết sáng ngày mai. Anh sẽ nói chuyện với mẹ, như vậy tiện cho cô hơn. Thương mẹ quá! Nhưng nếu quả là bệnh lao thật thì chúng ta cũng đành bó tay!


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx