sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5

Nguyện vọng và hành động của chúng ta là do một số nhu cầu nào đó của hệ thống thần kinh sinh ra. Những nhu cầu đó là gì, thật khó lòng dùng ngôn từ chính xác mà trình bày được. Ví dụ như “lòng hư vinh” của ông Thomas Buddenbrook chẳng hạn, ông hết sức chăm chú tô điểm bề ngoài của ông, hay mặc những bộ quần áo diêm dúa đắt tiền, nhưng thực ra đó lại là chuyện khác. Xét thật kỹ, chẳng qua ông là một nhà hoạt động chính trị, ông phải cố giữ cho mình, từ đầu đến chân, lúc nào cũng thật quy củ, thật thích hợp với tư cách của ông. Chính bản thân ông và cả người khác nữa cũng đòi hỏi nhiều ở tài năng và trí tuệ của ông. Việc tư cũng như việc công cứ chồng chất hàng đống lên đầu. Trong một cuộc hội nghị phân công chức vụ ở tòa thị chính, người ta giao cho ông một trách nhiệm rất nặng nề là quản lý thuế vụ. Sau đó, công việc ngành hỏa xa, thuế quan và nhiều công việc quan trọng của một số nước khác cứ dồn dập đến, cũng chiếm mất một phần tinh lực của ông. Từ ngày trúng cử, ông đứng ra triệu tập nhiều cuộc hội nghị của Ủy ban giám sát và quản lý. Trong những cuộc hội nghị này, một mặt, ông phải làm ra vẻ tôn trọng kinh nghiệm các bậc đàn anh tích lũy trong bao nhiêu năm để khỏi làm thương tổn lòng tự ái của các vị. Mặt khác, ông lại phải nắm thực quyền trong tay, cái đó đòi hỏi ông phải dốc hết tài nhanh nhẹn, trí thông minh và các thủ đoạn khi giao thiệp với mọi người. Nếu ai chú ý sẽ thấy một chuyện rất đỗi ngạc nhiên là trong thời gian này, “lòng hư vinh” của ông nổi bật lên rất rõ. Nói như thế cũng là nói một số yêu cầu của ông như việc nghỉ ngơi cho lại sức, việc di dưỡng tinh thần, việc một ngày thay hai ba bộ quần áo để cho tinh thần thêm phấn chấn vân vân, càng trở nên cấp bách hơn trước. Như vậy là: mặc dù ông Thomas Buddenbrook mới băm bảy tuổi, nhưng tinh lực đã sút lắm rồi, sức khỏe đã xuống nhanh lắm rồi!

Mỗi khi bác sĩ Grabow yêu cầu ông nghỉ ngơi nhiều hơn nữa, ông thường trả lời:

— Chà chà, ông bác sĩ thân mến này! Tôi chưa đến tuổi đó đâu mà!

Ý ông muốn nói rằng, tương lai sẽ có một ngày, ông đạt được tình hình nào đó, tức là công thành danh toại rồi, thì có lẽ ông sẽ hưởng thụ một cách thật sự thoải mái. Nhưng cho đến lúc ấy, ông còn có rất nhiều việc phải làm. Mà thực ra thì hình như ông không tin rằng ông sẽ đạt được tình hình đó. Có một sức mạnh cứ thúc ông tiến tới, không để ông yên tĩnh phút nào. Thậm chí khi bề ngoài trông ông có vẻ đang nghỉ ngơi, ví dụ như khi ông cầm tờ báo sau bữa ăn, thong thả chăm chú mân mê bộ râu, nhưng lúc ấy những đường gân xanh vẫn hằn rõ trên huyệt thái dương nhợt nhạt của ông và óc ông vẫn lởn vởn hàng nghìn ý nghĩ. Vả lại, ông đã nghĩ thì nghĩ cẩn thận đến nơi đến chốn, bất cứ là về mưu kế nào trong thương mại, về bài diễn thuyết nào phải đọc, hay là về kế hoạch trù tính lâu nay, đổi ngay toàn bộ áo lót đi, như thế ít ra cũng tạm thời không phải bận tâm đến chuyện đó nữa!

Nếu như những chuyện mua bán hoặc thay đổi đồ dùng có thể làm cho tinh thần ông tạm thời thoải mái yên tĩnh, thì ông không hà tiện một tí nào, bởi vì năm ấy ông buôn bán làm ăn phát tài lắm, chỉ những năm ông nội còn sống mới bì kịp! Công ty này không phải chỉ nổi tiếng ở thành phố này mà thôi đâu, ngay cả những nơi khác cũng lừng danh, mà uy tín của ông ở ngoài xã hội cũng ngày càng tăng. Ai nấy đều thừa nhận ông là người lão luyện, tài hoa. Tất nhiên có người ghen tị, cũng có người thán phục, kính trọng, nhưng ông thì cứ ra sức tìm kiếm một phương pháp làm việc nhàn nhã, có qui củ, vì ông cảm thấy lúc nào ông cũng không sao thực hiện hết những ước mơ và những kế hoạch vô cùng vô tận của ông được.

Nếu chúng ta hiểu điều đó, thì đối với việc ông nghị Buddenbrook lo lắng đặt kế hoạch xây một tòa nhà mới, rộng rãi, vào mùa hè năm 1863, chúng ta sẽ không thể cho ông là kiêu căng, phóng túng. Người hạnh phúc là người được hưởng một cuộc sống thanh nhàn, mà cái bản tính không thể ngồi yên tĩnh được một phút của ông lại thôi thúc ông phải bôn ba vì chuyện đó. Tất nhiên một số người cho công việc to lớn đó biểu hiện “lòng hư vinh” của ông. Thực ra cũng khó tìm được một lời giải thích nào khác. Xây một tòa nhà mới, thay đổi hoàn toàn bộ mặt cuộc sống, di chuyển, dọn dẹp, sắp xếp lại nhà mới, vứt bỏ những thứ cũ kỹ, thừa thãi, cặn bã tích lũy bao nhiêu năm tháng... thậm chí khi ông tưởng tượng tới những chuyện đó, thì ông đã có cảm giác sạch sẽ, mới lại, trong trắng, không một vết dơ, tai mắt đều như đổi mới hết, làm cho sức mạnh của ông tăng thêm. Mà những thứ ấy thì ông rất cần, bởi vì ông đang dốc toàn bộ tâm lực ra để thực hiện kế hoạch đó, thậm chí ông đã chọn được một khoảnh đất rồi!

Khoảnh đất này khá rộng, ở phía dưới ngõ Hàng cá. Ở đó có một ngôi nhà cũ nát muốn bán đi, chủ nhà là một bà già lọm khọm, không chồng con gì cả, người duy nhất của một gia đình tiếng tăm ngày trước còn sót lại, nhưng bị người ta bỏ quên. Trước kia, bà ta sống ở đây một mình, rất cô đơn, nhưng cách đây ít lâu, bà chết rồi. Ông nghĩ muốn xây tòa nhà mới của mình ở nơi này nên mỗi lần đi qua để xuống bến tàu, ông thường ngắm nghía kỹ khoảnh đất ấy. Ở đây, hàng xóm láng giềng đều là người giàu sang. Toàn là biệt thự có tường hình tam giác xinh xắn. Nghèo nhất là ngôi nhà phía trước mặt: một căn nhà gác chật hẹp, tầng dưới là một quán bán hoa tươi.

Chao ôi, lạy Chúa! Đối với bà Tony, thì cái gì mà ông anh trai chả cần! Bà hết sức vui sướng đưa hai tay bắt tréo nhau trên ngực, vai hơi nhô lên, đầu ngửng, đi đi lại lại trong phòng.

— Cần lắm chứ anh Tom! Trời ôi! Anh cần làm thế quá đi chứ lị! không ai có lý do để phản đối anh cả. Vả lại lấy con gái nhà ông Arnoldsen, của hồi môn những mười vạn thaler cơ mà! Anh đối với em tốt lắm, đem chuyện đó ra bàn với em trước, em rất lấy làm tự hào!...

Đã quyết tâm làm thì làm cho thật sang. Ý em là như thế.

— Ừ, tôi cũng nghĩ như vậy. Tôi cũng cho là phải tốn ít tiền vào việc này. Tôi định cho ông Voigt nhận thầu. Tôi rất sung sướng có thể cùng cô xem bản vẽ trước. Con mắt thẩm mỹ của ông Voigt cừ lắm đấy!

Ông Thomas tìm được người ủng hộ thứ hai là bà Gerda, bà rất tán thành kế hoạch đó. Mặc dù dọn nhà thì xáo động nháo nhào lên, không vui vẻ gì, nhưng bà cảm thấy có một phòng âm nhạc lớn trang bị những phương tiện đặc biệt về âm hưởng là một điều vô cùng hạnh phúc. Về cụ tham thì, bà cụ cho chuyện làm nhà mới là kết quả tất nhiên của hàng loạt chuyện tốt lành gần đây trong nhà mình. Bà cụ chỉ biết hài lòng và cảm ơn Chúa! Từ ngày có đứa cháu đích tôn thừa trọng, rồi ông tham lại được bầu làm nghị viên, so với trước kia, bà cụ càng không che giấu niềm kiêu hãnh của người làm mẹ. Gần đây, động một tí là bà cụ nói: “Anh nghị, con của mẹ!”. Câu ấy ba chị em họ Buddenbrook ở phố Breiten nghe chối tai quá thể!

Ba cô gái luống tuổi ấy không tìm ra được một bóng đen nào trong cuộc sống lên như diều của ông Thomas. Ngày thứ năm, chế diễu Kolthilde đáng thương một lúc cũng không mang lại cho các cô điều gì thú vị lắm. Còn ông Christian thì nhờ người chủ cũ là ông Richardson giới thiệu, ông ta đã tìm được việc làm ở London, gần đây lại đánh điện về, đòi kết hôn với Puvogel. Thật là hết sức phóng đãng. Tất nhiên là bị cụ tham cự tuyệt bằng những lời lẽ nghiêm khắc. Tóm lại, ông Christian đã trụy lạc như ông Jakob Kröger rồi, người như ông ta không ai thèm đếm xỉa đến nữa! Thế là, ba cô gái già ấy đành phải tìm những thiếu sót của bà cụ tham hay của bà Tony bù vào. Ví dụ, ba cô quay sang bàn các kiểu tóc; bà cụ tham lơ đãng nói rằng: kiểu tóc của cụ là đơn giản nhất... Nhưng người nào được Thượng đế ban cho lý trí đều biết - nhất là ba cô gái họ Buddenbrook lại càng biết rất rõ rằng mái tóc màu hoe không bao giờ phai màu dưới cái mũ mềm của cụ, không phải nói là tóc “của cụ” được. Nhưng thú nhất là trêu cô em họ - bà Tony - để cho bà nói đến những người đã để lại những dấu vết đáng căm giận trong đời bà, chẳng hạn như Trieschke “nước mắt lưng tròng”, Grünlich, Permaneder, cả nhà Hagenström vân vân... Thế là bà Tony nổi giận, nhún vai, nói một thôi một hồi những cái đó ra, một tràng âm thanh hết sức chối tai, như thổi một chiếc kèn đồng. Nhưng với lỗ tai của cái cô gái con ông bác Gotthold, thì nghe vui biết mấy!

Ngoài ra, các cô cũng không muốn giấu điều này - với lại các cô cũng không có nghĩa vụ phải giấu - là chú Johann chậm biết đi, chậm biết nói quá thể... Kể ra, điều đó các cô nói đúng. Ai cũng thừa nhận rằng Hanno - đó là tên vợ chồng ông nghị Buddenbrook đặt cho con trai mình - có thể gọi khá chính xác tên bất cứ người nào trong nhà, duy chỉ ba cái tên Friederike, Henriette và Pfiffi là nó nói không rõ. Còn về tập đi, bây giờ tuy nó đã mười lăm tháng rồi, nhưng không có người nâng đỡ, nó vẫn không bước được một bước. Chính ngay lúc đó, ba cô lắc đầu nói, giọng bi quan rằng thằng bé rồi sẽ què và câm suốt đời cho mà xem!

Về sau, mặc dù các cô không thể không thừa nhận rằng những lời tiên đoán bi thảm đó của các cô đều không đúng cả, nhưng ai cũng không thể phủ nhận rằng Hanno lớn hơi chậm. Khi còn nằm trong tã lót, chú đã phải vật lộn với con ma bệnh rồi, cả nhà luôn luôn mất hồn vì chú. Khi chú chào đời, chú yếu đến nỗi không khóc ra tiếng. Làm lễ rửa tội được ít lâu, chú nôn mửa ba ngày liền; người ta phải mất bao nhiêu công sức mới làm cho tim chú đập. Lần ấy chỉ ốm ba ngày thôi, suýt nữa thì đi đứt! Nhưng rồi chú qua được. Bây giờ bác sĩ Grabow hiền lành đang chăm sóc chú hết sức chu đáo, ông ta bỏ cả tâm huyết ra kê cho chú các thức ăn tẩm bổ, để cho chú có thể yên ổn vượt qua cơn hiểm nghèo là lúc mọc răng. Ấy thế mà khi mấy cái răng trắng nhòn nhọn đầu tiên vừa nhú lên khỏi lợi, thì bệnh co giật lại tiếp đến liền, hơn nữa càng ngày càng nặng, mấy lần làm cả nhà hết vía, sau đó đến mức độ là vị thầy thuốc già kia chỉ có thể im lặng cầm lấy tay bố mẹ... còn chú bé thì nằm trên giường thở thoi thóp. Nhìn hai con mắt thâm quầng đờ đẫn của chú, biết rõ chú bé đau tận trong óc! Xem chừng không còn hy vọng gì nữa!

Nhưng rồi Hanno lại khỏe dần, mắt đã bắt đầu tinh anh. Trận ốm thập tử nhất sinh ấy làm cho chú bé chậm đi chậm nói, nhưng tạm thời không nguy hiểm nữa.

Tay chân Hanno khẳng khiu; tính theo tuổi, vóc người chú cũng cao. Mái tóc màu nâu nhạt, mềm nhũn của chú có một dạo mọc rất nhanh, uốn thành làn sóng, xõa xuống đôi vai bé nhỏ của tấm áo lồng gấp nếp. Những nét đặc biệt trên tướng mạo của những người trong gia đình Buddenbrook bây giờ cũng hiện rõ trên người chú. Trước tiên là chú có hai bàn tay độc đáo của những người trong gia đình Buddenbrook: rộng bàn, hơi ngắn, ngón tay rất đẹp, mũi hoàn toàn giống mũi ông bố và mũi cụ nội, duy chỉ có cánh mũi xinh xắn hơn, ngay cả sau này cũng không thể thay đổi hình dáng được. Nhưng nửa phía dưới khuôn mặt chú, vừa nhọn vừa gãy, thì lại không giống người gia đình Buddenbrook, mà cũng không giống người gia đình Kröger. Chú đã kế thừa bên ngoại. Miệng càng giống hệt miệng mẹ. Từ bé - thậm chí ngay từ bây giờ, chú đã thích mím chặt môi lại làm ra vẻ đau khổ, bàng hoàng, lo sợ, cái vẻ ấy càng về sau càng ăn khớp với đôi mắt màu nâu óng ánh, rất độc đáo, với cái quầng màu xanh xung quanh.

Ông bố, lúc nào cũng nhìn chú với ánh mắt dịu dàng, còn bà mẹ thì chăm chút quần áo chú từng li, từng tí. Bà Tony cầu nguyện cho chú; bà cụ tham và ông bác Justus thì cho chú những thứ đồ chơi như là chú kỵ binh, con quay quay tít. Chú bắt đầu cuộc sống trong hoàn cảnh như vậy. Khi chú ngồi trong cỗ xe ngựa nhỏ bé xinh xắn đi ra phố thì người đi đường ai nấy đều nhìn theo, lòng chất chứa kỳ vọng. Nói về chị Decho, người vú em nhanh nhẹn, hoạt bát ấy, thì mặc dù cho đến bây giờ vẫn trông coi bé Hanno, nhưng gia đình đã định từ trước là, hễ dọn đến nhà mới, thì sẽ để bà Ida Jungmann làm thay; lúc đó bà cụ tham sẽ tìm người khác giúp việc.

Ông nghị Buddenbrook thực hiện kế hoạch của mình. Mua đám đất ở ngõ Hàng cá cũng không tốn kém bao nhiêu, còn như bán ngôi nhà cũ ở phố Breiten thì ông Gosch, chuyên nghề môi giới chào hàng, vừa nghe tin đã làm ra bộ thiểu não xin đảm nhận ngay. Chỉ mấy hôm sau thôi, ông Stephan Kistenmaker đã mua cơ ngơi ấy rồi; nhà ông ta ngày càng tăng thêm nhân khẩu, mà hãng rượu hai anh em ông ta hùn vốn với nhau kinh doanh cũng kiếm được khá nhiều lãi. Ông Voigt nhận xây dựng tòa nhà mới. Chẳng bao lâu, bản đồ án ông ta vẽ rõ ràng tỉ mỉ được trải ra trước mặt mọi người trong gia đình vào ngày đoàn tụ thứ năm; ai nấy đều đã có thể ngắm nghía mặt chính của tòa nhà. Đó là một công trình kiến trúc đồ sộ có những cái cột trụ đắp tượng nữ thần chống những phần nhô ra, phía trên còn có một cái ban công; cô Kolthilde kéo dài giọng thong thả bình luận về cái ban công ấy nói rằng, buổi chiều mọi người có thể ngồi uống cà phê ở đấy đấy. Ông nghị cũng có kế hoạch đưa phòng giấy của Công ty đến ngõ Hàng cá nữa. Như thế thì những căn phòng tầng dưới tòa nhà ở phố Meng sẽ bỏ trống. Nhưng việc ấy cũng được thu xếp ổn thỏa chóng thôi, vì Công ty bảo hiểm hỏa hoạn của thành phố đã đồng ý thuê làm phòng giấy rồi.

Mùa thu đến, bức tường cũ màu xám đã thành đống gạch vụn, và sang mùa đông thì nó mất hết cái vẻ oai vệ của nó: tòa nhà mới của ông Thomas Buddenbrook sừng sững mọc lên trên căn nhà hầm rộng rãi. Trong thành phố, không có câu chuyện nào khác làm cho người ta vui hơn là câu chuyện tòa nhà ông Buddenbrook mới xây! Đúng là tòa nhà “loại một” trong vòng mấy chục dặm không thể tìm thấy cái nào đẹp hơn! Ở Hamburg có cái nào đẹp hơn không nhỉ?..

... Nhưng tiền thì nhất định phải bỏ ra không hạn chế, cụ tham ngày trước làm gì dám vung tay như thế! Còn láng giềng hàng xóm xung quanh, những người thị dân ở trong những ngôi nhà có tường hình tam giác, đều nấp đằng sau cửa sổ, thích thú nhìn những người thợ bên này làm việc trên dàn giáo. Họ thấy tòa nhà xây ngày một cao, không khỏi mừng thầm trong bụng; ai nấy tính thầm xem lúc nào làm lễ thượng lương.

Cuối cùng, ngày làm lễ thượng lương đã đến: lúc làm lễ, không hề bỏ sót một chi tiết nhỏ nào của phong tục tập quán. Một bác thợ nề có tuổi đứng trên ban công nói mấy câu, sau đó, ném một chai rượu champagne qua vai. Giữa những lá cờ ngũ sắc, một vòng hoa rất to tết bằng hoa hồng và các thứ lá cây khác, đu đưa theo chiều gió. Xong thì tất cả anh em thợ được mời đến quán rượu gần đấy, ăn tiệc mừng công. Họ ngồi cạnh mấy dãy bàn dài, trên bàn bày là bia, bánh mì kẹp thịt, thuốc lá, xì gà. Ông nghị Buddenbrook, vợ và con trai (vú em Decho bế chú bé trên tay) đi một vòng giữa các dãy bàn trong căn nhà thấp lè tè ấy, cảm ơn anh em, chúc mừng họ.

Ra ngoài, Hanno lại được cho vào cái xe của chú, còn vợ chồng ông Thomas thì cùng đi sang phía bên kia đường, xem lại một lần nữa mặt chính quét màu đỏ của tòa nhà và những cái cột trụ đá trắng đắp tượng nữ thần. Họ đi quá thêm vài bước nữa đến một cái quán hoa tươi với một khung cửa ra vào chật hẹp; phía trong cái tủ quầy nhỏ bé, lạnh lẽo, bày mấy chậu cây cảnh hình quả cầu trên tấm kính màu lục. Lúc này, Iwersen, chủ quán hoa đang cùng với vợ đứng trước cửa. Anh ta người vạm vỡ, khỏe mạnh, tóc màu vàng óng, mặc áo lông cừu. So với chồng thì chị vợ trông gầy yếu tiều tụy quá chừng. Chị ta có khuôn mặt người miền Nam châu Âu, nước da ngăm ngăm, một tay dắt đứa con bốn năm tuổi, tay kia thong thả đẩy xe trong đó có đứa bé nhỏ hơn đang ngủ. Nhìn qua cũng biết chị ta lại sắp đẻ đứa nữa.

Iwersen cúi gập mình xuống chào, vẻ hết sức vụng về. Chị vợ vẫn không ngừng đẩy chiếc xe trong tay, chỉ đưa đôi mắt lá răm đen láy, lặng lẽ chăm chú nhìn bà nghị. Lúc này, bà nghị đang khoác tay chồng đi về phía chị.

Ông Thomas đứng dừng lại, đưa cái can chỉ lên vòng hoa phía trên: - Hoa anh tết đẹp lắm, anh Iwersen!

— Thưa ông, đó không phải là việc của tôi mà là tài khéo của nhà tôi đấy ạ!

— “Á” - ông nghị ngạc nhiên kêu lên một tiếng rồi vội quay đầu lại nhìn khuôn mặt chị vợ Iwersen một lúc, ánh mắt ông lúc đó trong trẻo, rắn rỏi, nhưng thân thiết. Sau đó, ông không nói gì thêm nữa, chỉ vẫy tay chào, vẻ khách khí, rồi bỏ đi.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx