sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần 8 - Chương 1

Gần đây, ông Hugo Weinschenk được vinh dự nhận chức Giám đốc Công ty bảo hiểm hỏa hoạn của thành phố. Dãy khuy trên cái áo đuôi én của ông lúc nào cũng cài chặt. Môi dưới ông hơi xệ xuống, hai đầu nhọn hàng ria mép bé tí, đen sì phía trên môi chọc vào hai khóe mép, trông rõ vẻ uy nghiêm khí khái của một đấng nam nhi!

Mặt khác, Erika Grünlich năm nay tròn hai mươi tuổi cũng đã trở nên một thiếu nữ cao lớn, đầy đặn. Cô có nước da mịn màng, khỏe mạnh, rất đẹp. Thỉnh thoảng cô từ trên gác đi xuống hoặc từ dưới nhà đi lên thì tình cờ gặp ông Weinschenk - những dịp tình cờ như thế không phải là ít. Lúc đó, ông Giám đốc bỏ mũ ra, để lộ cái đầu, trên đỉnh tóc vẫn còn đen nhánh, nhưng hai bên mái thì đã ngả màu tro muối, rún rẩy tấm thân bó chặt trong cái áo đuôi én, rồi mạnh dạn đưa đôi mắt màu nâu liếc nhìn cô thiếu nữ, vẻ ngạc nhiên và hâm mộ, thay lời chào... Mỗi lần như thế, Erika vội vàng bỏ chạy đến ngồi bên khung cửa sổ không cho ai nhìn thấy, khóc hàng tiếng đồng hồ, lòng buồn rầu và rối loạn.

Erika lớn lên dưới sự chăm sóc và giáo dục của bà Therese Weichbrodt, nên cách suy nghĩ của cô cũng hẹp hòi. Cô khóc vì cái mũ rộng vành của ông Weinschenk, vì điệu bộ của ông ta, lúc nào nhìn cô cũng giương đôi lông mày lên rồi cụp xuống ngay, vì tư thế uy nghiêm của ông ta, và vì hai bàn tay ông ta nắm chặt cứ giăng ra! Nhưng bà Tony, mẹ cô, thì xem ra có vẻ muốn lánh xa ông ta hơn là cô.

Mấy năm gần đây, bà thường lo cho tiền đồ của con gái, bởi vì so với các cô gái đến tuổi lấy chồng, Erika có nhiều điều thiệt thòi. Không những bà Tony ít đi lại xã giao với người khác, mà còn coi họ như kẻ thù. Bà cảm thấy rằng, trong bọn họ có một số khinh thường bà, vì bà đã hai đời chồng; điều ấy hình như đã trở thành định kiến ở trong đầu óc bà. Có lúc chẳng qua người ta lạnh nhạt với bà nhưng bà thì lại cho là họ khinh bỉ và thù ghét bà. Chẳng hạn như ông tham Hermann Hagenström gặp bà ở ngoài đường, lẽ ra ông ta nên chào bà một tiếng vì ông ta là người thông minh trung hậu, tuy ông ta giàu có, nhưng cái đó chỉ làm cho tính tình ông ta cởi mở, thân thiết hơn mà thôi. Nhưng gặp ông ta, bà Tony lúc nào cũng vểnh đầu lên, nhìn cái “bộ mặt tựa bánh gan ngỗng” của ông ta (nói theo cách nói của bà, bà chế giễu thấu xương cái bộ mặt đó) đi lướt qua. Như vậy, dù ông Hermann có muốn chào hỏi đi nữa, cũng đành phải làm ngơ! Thái độ đó của bà mẹ làm hại cô con gái, khiến cô phải cách tuyệt với những người thường đi lại xã giao với ông bác. Xưa nay, cô chưa hề dự buổi khiêu vũ nào, và cũng chưa hề có dịp làm quen với bạn trai nào!

Nhưng nguyện vọng tha thiết của bà Antonie là muốn cho con cái thực hiện những điều mình thường ước mơ mà không thực hiện được, lấy một người chồng giàu sang và được hưởng hạnh phúc để làm cho rạng rỡ môn mi và làm cho người khác quên duyên số hẩm hiu bi thảm của mình. Nguyện vọng đó đối với bà bức thiết lắm, nhất là sau mấy lần bà bị “thất bại thảm hại” như bà thường nói. Gần đây, thấy ông anh trai lúc nào cũng buồn bực không vui, bà muốn làm một việc gì đó thật đúng như ý nguyện để chứng minh rằng gia đình mình chưa đến lúc suy vong, dứt khoát chưa đến chỗ cùng đường mạt vận... Số tiền một vạn bảy nghìn thaler của hồi môn của bà khi bà đi lấy đời chồng thứ hai, được ông Permaneder hoàn lại một cách rộng lượng và khẳng khái, bà để dành cho Erika cả. Bà Antonie có cách nhìn thật sắc sảo, xứng đáng là một người lọc lõi trong vấn đề này. Khi vừa phát hiện mối quan hệ mong manh giữa con gái và ông Giám đốc Công ty bảo hiểm, bà liền cầu nguyện Thượng đế làm sao cho ông Weinschenk trở thành khách quý của nhà mình.

Ông Weinschenk không phụ lòng mong mỏi của bà. Ông vừa bước lên gác hai liền được bà ngoại, mẹ và cô con gái đón tiếp niềm nở. Ông nói chuyện với họ khoảng mười phút, hẹn sẽ trở lại thăm gia đình vào lúc uống cà phê buổi chiều, bấy giờ mọi người có thể chuyện trò thoải mái hơn.

Việc đó đã được thực hiện. Họ ngồi tìm hiểu nhau. Ông Giám đốc vốn người Silesia, ông bố ở nhà quê vẫn còn khỏe mạnh. Hình như không phải bận tâm suy nghĩ nhiều về gia đình ông nữa, chẳng phải ông Weinschenk nói là ông tay trắng làm nên rồi hay sao? Thái độ ông có cái vẻ kiêu căng tự phụ mà hạng người này thường hay có - một vẻ kiêu căng tự phụ không phải bẩm sinh. Ông rất tin ở mình, có vẻ khoác lác một tí, lại không tin ở người lắm. Cử chỉ ông không phải là không có chỗ đáng chê. Ông ăn nói hết sức vụng về; ngoài ra bộ lễ phục của ông hơi tồi tàn, có chỗ đã sờn bóng, hai ống tay sơ mi trắng cài khuy chai màu đen cũng không tươm tất gì cả; ngón giữa bên tay trái của ông không hiểu bị thương thế nào mà móng tay bị dập, nay đen sì... Tóm lại, bề ngoài của ông không làm người ta hài lòng lắm, nhưng những cái đó không ảnh hưởng gì đến việc ông Weinschenk đã trở thành một người sức lực dồi dào, cần cù vui vẻ, lương mỗi tháng một vạn hai nghìn mark, và được mọi người kính nể. Thậm chí, theo con mắt của Erika, ông còn là một người đàn ông tuyệt đẹp là đằng khác!

Bà Tony nhận thấy điều đó rất nhanh và đánh giá tình hình trước mắt một cách thỏa đáng. Bà thẳng thắn nói hết ý nghĩ của bà cho bà cụ tham và ông nghị nghe. Rõ ràng việc này không những phù hợp với lợi ích của đôi bên, mà cả đôi bên còn có thể bổ sung cho nhau nữa. Ngoài ra, ông giám đốc Weinschenk cũng như Erika đều ít giao du nên hai người có thể nương tựa vào nhau, thật là một cặp vợ chồng trời đất gây dựng cho! Ông Giám đốc tuổi xấp xỉ tứ tuần, tóc trên đầu đã lốm đốc bạc, xét về địa vị hay về hoàn cảnh kinh tế, ông cũng nên lập gia đình rồi. Nếu như ông có ý định ấy thì việc ông lấy Erika Grünlich còn có thể đem lại cho ông cái bậc thang để ông leo lên tầng lớp trên của thành phố này nữa. Như vậy là có lợi cho sự nghiệp cũng như cho địa vị ông. Nói về hạnh phúc của Erika thì ít ra bà Tony cũng thấy được bảo đảm phần nào. Con gái bà chắc chắn sẽ không phải đi theo gót chân bà. Ông Weinschenk hoàn toàn khác lão Permaneder và cũng không hề giống lão Bendix Grünlich, bởi vì ông là một viên chức cao cấp, có nguồn thu nhập cố định và có địa vị vững vàng. Tất nhiên, người như thế không lo không có tiền đồ.

Tóm lại, cả đôi bên đều có thiện chí cả. Buổi chiều nào ông Giám đốc Weinschenk cũng đến chơi. Cuối cùng, tháng giêng năm 1867, ông ngỏ lời cầu hôn với Erika Grünlich bằng những câu đơn giản, thẳng thắn nhưng không được duyên dáng cho lắm.

Từ đó, ông là người của gia đình này, bắt đầu tham dự “Ngày nhi đồng”, được người trong họ nhà gái tiếp đón rất niềm nở. Nhất định ông cũng nhận thấy ngay rằng mình không hợp với những người này lắm, nhưng ông giấu kín thứ cảm giác đó, cố làm ra vẻ lịch thiệp hào hoa. Mặt khác, bà cụ tham, ông cậu Justus, ông nghị Buddenbrook cũng hết sức bỏ qua cho người viên chức cần cù, vui vẻ, ít giao thiệp với bên ngoài này. Tất nhiên, chỉ có ba cô gái già họ Buddenbrook ở phố Breiten là không như vậy.

Quả thật cũng phải bỏ qua cho ông mới được. Có lúc cả nhà đang ngồi quanh bàn ăn, bỗng ông Giám đốc tỏ ra tha thiết quá đáng với đôi má và cánh tay của Erika, hoặc giả khi đang nói chuyện với người khác, ông hỏi to lên rằng, có phải món mứt quất làm bằng bột mì hay không - mấy tiếng “làm bằng bột mì” ông ta nói giọng lên bổng xuống trầm rất nhịp nhàng, - không nữa thì ông ta cũng phát biểu rằng Romeo và Juliet là tác phẩm của Schiller, dứt khoát và khẳng định lắm, rồi lơ đãng xoa tay, còn nửa thân hình phía trên thì tựa vào tay ghế... Lúc đó quanh bàn ăn bỗng mọi người lặng đi trong chốc lát. Để phá tan bầu không khí trầm lặng đó, người ta đành phải nói xen vào một câu pha trò vớ vẩn hoặc bắt sang chuyện khác.

Ông giám đốc và ông nghị thì ăn ý nhau lắm. Nói chuyện chính trị hay chuyện buôn bán, ông nghị cũng biết lựa chiều mà nói, không để xảy ra điều gì đáng tiếc cả. Còn ông ta và bà Gerda Buddenbrook thì khó quá. Tính tình bà khác người nên ông ta không làm sao có thể tìm được chuyện gì để nói với bà vài ba phút: ông ta biết bà Gerda rất hay chơi đàn violon, điều đó cho ông ta một ấn tượng sâu sắc đến nỗi những buổi gặp mặt vào ngày thứ năm, ông ta thường hỏi giọng nửa đùa nửa thật: “Nhị tây bà kéo thế nào rồi?”. Nghe đến lần thứ ba thì bà nghị không trả lời nữa.

Còn ông Christian thì lúc nào cũng chun mũi lại quan sát người bà con mới của mình, để rồi hôm sau nhại lại thật giống mọi lời ăn tiếng nói của ông ta. Người con trai thứ hai của bà cụ tham Johann Buddenbrook đã chữa khỏi bệnh thấp khớp ở bệnh viện, nhưng tay chân vẫn còn ngượng nghịu. Ngoài ra vẫn chưa chữa khỏi bệnh “tê buốt” nửa người bên trái theo chu kỳ, nghe nói ông bị thế là vì các sợi thần kinh nửa người phía bên ấy ngắn quá, và một số bệnh khác ông thường mắc phải, như khó thở, ăn hay bị nghẹn, tim đập không đều, triệu chứng bệnh tê liệt, hay ít ra là nỗi lo sợ có triệu chứng ấy, thì vẫn chưa khỏi. Nhìn bề ngoài, ông không còn dáng dấp một người chưa đầy tứ tuần nữa. Trên đỉnh đầu không còn một sợi tóc nào, chỉ sau gáy và hai bên thái dương còn lưa thưa vài sợi đỏ hoe mà thôi. Đôi mắt ti hí tròn xoe, lúc nào cũng nhìn ngược nhìn xuôi, vẻ nghiêm túc nhưng bồn chồn không yên, càng lõm sâu hơn trước. Cái mũi diều hâu trông càng cao hơn bất cứ lúc nào, nổi lên giữa hai gò má nhợt nhạt và trên hàng râu mép rậm rì cũng đỏ hoe... Cái quần len mềm hàng Anh trùm phía ngoài đôi chân vòng kiềng khẳng kheo.

Từ dạo về nhà tới nay, ông Christian ở một căn phòng trên hành lang gác hai nhà mẹ, y như trước kia, nhưng thời gian ông ở câu lạc bộ nhiều hơn ở phố Meng, vì sống ở nhà, ông thấy không được thoải mái lắm. Bà Ida Jungmann đi khỏi nhà này rồi thì chị Riekchen Severin liền thay trông nom việc trong nhà cho bà cụ tham. Chị là một cô gái thôn quê vạm vỡ, hăm bảy tuổi, mặt hồng hào, tròn vo, môi dày. Chị nhìn mọi thứ hoàn toàn bằng con mắt người thôn quê. Là chủ nhà, ông nghị nhìn ông Christian bằng nửa con mắt, còn chị đầy tớ gái cũng không tôn trọng lắm cái con người suốt ngày nhàn rỗi, chỉ thích nói chuyện ở đâu đâu, cử chỉ lúc thì rất buồn cười, nhưng cũng có lúc rất thảm hại vì bệnh tật. Có một số việc, ông bảo chị làm, chị dứt khoát không làm, cứ mặc kệ. Chị nói:

— Tôi không có thì giờ hầu ông đâu, ông Christian ạ!

Thế là ông ta chun mũi nhìn chị chằm chằm như muốn bảo: “Chị không biết xấu hổ hay sao?”, rồi duỗi thẳng đôi chân bước đi.

— Cô tưởng tôi lúc nào cũng có nến dùng ư? - Ông nói với bà Tony - Tôi ít khi có nến thắp... thường thường khi đi ngủ, tôi phải đánh diêm soi - Nếu không nữa thì ông cũng nói là bà cụ tham cho ông ít tiền tiêu vặt quá. - Thời buổi khó khăn!... Đúng thế thật, trước kia có thế này đâu! Cô cho còn ra thể thống gì nữa không? Bây giờ tôi thường phải đi vay người khác năm schilling để mua thuốc đánh răng đấy!

Bà Tony gào to:

— Xấu hổ quá, anh Christian ạ! Đánh diêm soi, vay năm schilling! Anh đừng nói nữa!

Bà vừa xúc động vừa phẫn nộ, cảm thấy tình cảm thiêng liêng nhất của mình bị chà đạp, nhưng những lời bà nói không thể thay đổi được hoàn cảnh của ông Christian...

Năm schilling mua thuốc đánh răng ấy, ông Christian mượn của ông tiến sĩ luật sư Andreas Gieseke. Ông Christian có thể chơi thân với một người bạn như thế là điều may mắn cho ông, có thể nâng cao danh giá ông lên, vì luật sư Gieseke là một vị công tử, biết làm thế nào để duy trì địa vị hiển hách của mình. Mùa đông năm ngoái, sau khi ông Kaspar Överdieck an giấc ngàn thu, tiến sĩ Langhals leo lên địa vị của ông ta, thì ông Gieseke được bầu làm nghị viên, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến nếp sống của ông. Ai cũng biết, từ sau khi ông kết hôn với tiểu thư Huneus, ngoài tòa nhà rộng lớn ở trong thành phố, ông còn có một ngôi biệt thự nhỏ nằm thoải mái giữa khu rừng mát rượi ở ngoại ô St. Gertrud, ở đấy chỉ có mỗi một cô gái trẻ đẹp, không ai rõ từ đâu đến, sống một mình. Ngoài cổng lớn có mấy chữ “Quisisana” mạ vàng lấp lánh. Nhờ cái tên ấy mà ngôi nhà nhỏ kia lừng danh khắp phố. Khi người ta nhắc đến cái tên ấy, người ta thích đọc nhẹ chữ “Sa” và cố tình nhấn mạnh chữ “na”. Là bạn thân của ông nghị Gieseke, ông Christian cũng có quyền ra vào Quisisana. Ở đấy cũng như ở nhà cô Aline Puvogel tại Hamburg hay ở London, ở Valparaiso, hoặc ở nhiều nơi tương tự khác trên trái đất này, ông đều thi thố tài năng của mình và thu được kết quả tốt đẹp. Ông kể mấy mẩu chuyện “tỏ một ít tình cảm”, thế là bây giờ ông ra vào ngôi nhà màu xanh lục nhỏ bé ấy thường xuyên không kém ông nghị Gieseke. Ông làm thế, tiến sĩ Gieseke có biết hay không, có bằng lòng hay không, còn là nghi vấn. Nhưng có một điều chắc chắn là ông Gieseke phải bỏ ra rất nhiều tiền cho cô kia tiêu xài mới có thể mua vui được ở Quisisana, còn ông Christian thì không mất đồng xu nào mà cũng hưởng được thứ đó.

Đính hôn với Erika Grünlich được ít hôm, ông Giám đốc Hugo Weinschenk bèn mời ông bác Christian vào làm ở Công ty bảo hiểm. Ông bác đã đến đây làm việc được hai tuần lễ. Nhưng đáng tiếc là sau hai tuần lễ, cái bệnh “tê buốt” nửa người bên trái ông lại tái phát và một số bệnh vớ va vớ vẩn khác cũng ngày càng nặng hơn. Ngoài ra, ông Giám đốc lại là một cấp trên tính tình nóng nảy quá sức, thường vì một nhỡ nhàng nào đó, đã không khách khí mắng cả ông bác là “đồ ngốc”! Ông Christian đành phải bỏ việc.

Riêng về bà Tony, gần đây, bà cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Người ta có thể thấy được nỗi vui mừng của bà qua một số câu nói bà thường buột ra ngoài miệng. Ví dụ, gần đây bà thích nói: “Con người ta sinh ra ở đời cũng có lúc vận số thay đổi”. Quả như vậy thật, mấy tuần lễ gần đây, mặt bà tươi tỉnh hẳn lên, chân tay luôn luôn cử động, đầu óc lúc nào cũng có kế hoạch này ý định nọ, hết dọn dẹp sửa sang nhà cửa, bà lại lo thu xếp sắm sửa của hồi môn. Tất cả những công việc đó làm cho bà nhớ lại cảnh đính hôn lần đầu tiên của bà. Bất giác bà cảm thấy mình trẻ ra, và hy vọng cũng như tinh lực của bà tăng lên. Bất cứ là về dáng dấp hay cử chỉ, bà cũng đã khôi phục lại được vẻ đẹp của bà thời còn con gái. Đúng như thế, có lần toàn bộ không khí buổi “dạ hội Jerusalem” đã bị cái phóng túng của bà làm cho tan biến, khiến bà Lea Gerhardt phải bỏ quyển kinh thánh tổ tiên lưu truyền lại xuống, rồi đưa cặp mắt tròn xoe của người điếc nhìn căn phòng rộng lớn.

Erika không phải sống xa mẹ, sau khi được ông Giám đốc đồng ý, không, có thể nói là theo ông yêu cầu, bà Antonie quyết định ở với con gái (ít ra thì tạm thời cũng như thế), như vậy bà có thể giúp đỡ con gái chưa có kinh nghiệm sắp xếp công việc gia đình... Chính điều đó khiến lòng bà tràn ngập hân hoan. Trên trái đất này hình như không hề có Bendix Grünlich và cũng không hề có Alois Permaneder và mọi thất bại, đau khổ tuyệt vọng mà đời bà đã từng chịu đựng, hình như cũng tiêu tan thành mây khói. Bây giờ bà có thể chứa chan hy vọng làm lại từ đầu. Tuy bà cũng đã nhắc nhở Erika, bảo Erika cảm ơn Thượng đế đã ban cho mình cuộc hôn nhân tốt lành như thế, nhưng chính bà là người mẹ, vì trách nhiệm và lý trí, bà đã phải hy sinh mối tình đầu chân thực của mình. Tay bà run run vì sung sướng đã ghi tên ông Giám đốc cùng với tên Erika vào quyển nhật ký của gia đình. Nhưng bà, chính bà Tony Buddenbrook, mới thực sự là cô dâu! Người chọn rèm cửa và thảm nhà với bàn tay sành sỏi chính là bà; người ra vào hiệu đồ gỗ hay hiệu may quần áo thử đi thử lại hay nhằm được tòa nhà sang trọng rồi đứng tên thuê, cũng là bà! Lần này bà lại có thể từ giã tòa nhà cổ kính, đầy không khí tín ngưỡng nhưng trống trải của mẹ, và bà không còn là người đàn bà bị ruồng bỏ ăn nhờ ở đậu nữa. Bà có thể ngửng cao đầu lên làm lại cuộc đời và có đủ tư cách buộc người khác phải chú ý đến mình, làm cho rạng rỡ môn mi hơn... Đúng như vậy, chả nhẽ đây là một giấc mơ hay sao? Ngay cả áo ngủ, trước mắt bà cũng đã chuẩn bị đầy đủ hai bộ cho bà và cho con gái bằng hàng tơ lụa mềm nhũn, dài quét đất, có những cái vòng tròn bằng nhung chạy từ cổ xuống tận gấu.

Tuần này qua tuần khác, xem chừng Erika sắp kết thúc những ngày Erika Grünlich sống một mình. Cô dâu chú rể chỉ đi thăm hỏi mấy nơi, vì ông Giám đốc là người tính nghiêm nghị, thích làm việc mà không thích giao du. Mặc dù nhàn rỗi, ông cũng chỉ thích sống trong cảnh gia đình ấm cúng... Tiệc đính hôn được tổ chức trong căn phòng rộng lớn của tòa nhà mới ở ngõ Hàng Cá. Những người đến dự, ngoài ông Thomas bà Gerda, cô dâu, chú rể và ba cô gái già họ Buddenbrook là Friederike, Henriette và Pfiffi, chỉ có thêm mấy người bạn thân ông nghị mà thôi. Trong bữa tiệc, ông Giám đốc luôn tay vỗ vỗ vào cái cổ trần của Erika làm mọi người khó chịu hết sức... Lễ thành hôn ngày càng gần.

Căn phòng lớn cột tròn lại trở thành nơi khiêu vũ như khi bà Tony cài vòng hoa hồng nhạt trên đầu lần đầu tiên. Bà Stuht ở phố Đúc Chuông, người đàn bà hay lui tới các nhà giàu sang, lần này lại đến giúp cô dâu xếp những nếp gấp trên bộ quần áo cưới bằng xa-tanh và cài hoa lên đầu cho cô dâu. Ông nghị Buddenbrook và ông nghị Gieseke, bạn ông Christian làm phù rể, hai cô bạn học trước kia cùng ở trường nội trú với Erika làm phù dâu. Ông Giám đốc Hugo Weinschenk ăn mặc thật trang nghiêm oai vệ. Lúc đi đến trước bàn thờ dựng tạm, ông giẫm lên tấm voan trùm đầu dài quét đất của Erika. Mục sư Pringsheim chống hai cánh tay dưới cằm chủ trì lễ thành hôn với dáng điệu vừa thiêng liêng vừa hiền hậu như thường lệ. Tóm lại, mọi việc đã được tiến hành vô cùng long trọng, rất đúng với nghi thức. Sau khi hai người trao nhẫn cho nhau, một giọng trầm và một giọng cao, mặc dù cả hai giọng có phần khản đặc, đều đồng thanh nói “vâng” trong bầu không khí yên lặng. Bà Tony nhìn vào hiện tại, hồi tưởng lại quá khứ và suy nghĩ về tương lai, thế là hàng trăm ý nghĩ, tình cảm xen nhau, dồn dập đến. Bất giác bà nấc lên (vẫn là tiếng nấc không cần suy nghĩ cũng không cần che giấu như hồi còn nhỏ). Ba cô gái già họ Buddenbrook cười chua chát như hầu hết những lúc gặp trường hợp này. Đến dự lễ cưới hôm nay, Pfiffi đeo một sợi dây chuyền vàng lên cái kính cặp mũi của mình... Bà Weichbrodt cũng đến dự. Mấy năm gần đây, người bà Therese Weichbrodt càng quắt hơn trước nhiều. Trên cái cổ gầy nhẳng của bà vẫn đeo cái “lập lắc” mặt sứ hình bầu dục có ảnh bà mẹ. Để giấu kín nỗi xúc động trong lòng, bà Sesemi làm ra vẻ hết sức bình tĩnh nói:

— Chúc cháu hạnh phúc!

Tiếp đó, trong căn phòng lớn bày bữa tiệc cưới vô cùng thịnh soạn. Những bức tượng các vị thần thêu màu trắng trên tấm thảm xanh treo xung quanh phòng vẫn lặng lẽ cúi nhìn như trước kia. Lúc bữa tiệc sắp kết thúc, cô dâu chú rể bước ra khỏi bàn tiệc, chuẩn bị lên đường đến mấy thành phố lớn hưởng tuần trăng mật... Lúc đó vào khoảng trung tuần tháng tư. Hai tuần lễ sau, được sự giúp đỡ của họa sĩ Jakob chuyên trang trí nhà cửa, bà Tony đã hoàn thành được một kỳ công: thuê toàn bộ gác hai một tòa nhà rộng lớn ở ngõ Xưởng Bánh mì, trang trí đẹp lắm, bày đầy hoa tươi, chuẩn bị đón cô dâu chú rể đi du lịch về.

Lần kết hôn thứ ba của bà Tony bắt đầu như vậy!

Đúng, phải nói như thế mới thật thỏa đáng. Trong một buổi đoàn tụ ngày thứ năm, vợ chồng Weinschenk không đến, chính ông nghị nói như vậy, còn bà Tony nghe nói như vậy cũng lấy làm thú vị hết sức. Thực ra, những việc gia đình mà ông Weinschenk phải lo thì bà đảm đương hết, nhưng bà cũng được đền bù bằng những niềm vui sướng tự hào. Một hôm, tình cờ gặp người con gái ông Hagenström, hay là bà Julchen Möllendorpf ở ngoài phố, bà bèn nhìn bà ta bằng con mắt kẻ chiến thắng đầy khiêu khích. Bà Möllendorpf thấy thế ngẩn người ra rồi bất giác lên tiếng chào trước... Những lúc bạn bè đến xem nhà mới, bà dẫn đi khắp nơi, niềm tự hào và vui sướng lộ rõ trên nét mặt và dáng điệu trông thật là nghiêm nghị. Còn Erika Weinschenk thì đứng cạnh, chẳng khác gì một người khách đang tán thưởng.

Tà sau cái áo ngủ quét xuống mặt đất đằng sau lưng, đôi vai hơi nhún nhảy, đầu ngả ra phía sau; cánh tay đeo chùm chìa khóa có dải xa-tanh dài mà bà rất thích, bà Antonie chỉ cho khách xem đồ đạc trong nhà, rèm cửa, bát đĩa bằng sứ trong suốt và mấy bức tranh sơn dầu to tướng, ông Giám đốc mua về. Không phải tranh tĩnh vật, hoa quả, mà toàn là tranh đàn bà khỏa thân, vì ông Hugo Weinschenk thích ngắm những thứ đó. Mỗi một cử chỉ của bà như đang nói với khách: “Đấy, rút cuộc, tôi lại vùng lên một lần nữa trong đời tôi”. Những thứ này sang trọng như ở nhà Grünlich, còn so với nhà Permaneder thì sang trọng hơn nhiều.

Bà cụ tham đến. Cụ mặc bộ đồ lụa sọc đen, mùi nước hoa thoang thoảng quanh người. Cụ liếc nhìn đồ đạc trong nhà, ánh mắt trong sáng hiền từ. Tuy cụ không tỏ lời khen ngợi nhưng cũng tỏ vẻ hài lòng. Ông nghị và bà nghị cùng cậu con trai nhỏ cũng đến. Hai người nói đùa mấy câu về vẻ đắc ý của bà Tony và vất vả lắm mới can không để bà Tony làm cho Hanno, cậu con trai yêu quý của họ, bội thực bằng bánh mì nho khô và rượu đỏ... Ba cô gái già họ Buddenbrook cũng đến, cả ba cô cùng đồng thanh nói rằng, cái gì cũng đẹp cả, nhưng những người quen sống giản dị như các cô, không thích ở những ngôi nhà như thế này... Cô Kolthilde đáng thương cũng đến. Cô người gầy còm, nước da ngăm ngăm, và tính tình vẫn ngoan ngoãn như xưa. Cô đến cho người ta đùa cợt mình một lúc, uống bốn tách cà phê liền, rồi kéo dài giọng nói hiền hòa của cô, khen hết cái này đến cái kia... Lúc câu lạc bộ vắng người, ông Christian cũng đến đây mấy lần. Lúc nào đến, ông cũng uống một ly rượu ngọt, rồi nói với mọi người rằng, ít lâu nữa ông sẽ làm đại lý cho một hãng rượu champagne, vì nghề này ông thành thạo lắm, với lại, đây là công việc vui thú, không mất sức tí nào, mình có thể làm chủ được, chỉ thỉnh thoảng ghi mấy dòng vào quyển sổ, trong chốc lát có thể kiếm được ba mươi thaler như chơi. Nói xong chuyện đó rồi, ông bèn mượn bà Tony bốn mươi schilling để mua một bó hoa tặng cô diễn viên số một ở nhà hát thành phố. Tiếp theo, không hiểu do một sự liên tưởng nào, ông bỗng nghĩ đến “Maria” và bắt đầu nói về những tội ác ở London. Ông kể chuyện con chó ghẻ bị người đóng vào hòm, chở từ Valparaiso đến San Francisco. Lúc đó, ông kể say sưa, hấp dẫn, buồn cười vô cùng, dù người nghe chật ních cả phòng cũng bị câu chuyện của ông lôi cuốn.

Thích chí, ông nói đủ các thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng địa phương miền bắc nước Đức, tiếng lóng Hamburg. Ông kể chuyện đảng dao găm ở Chi-lê, và bọn cướp ở Whitechapel. Rồi ông liếc nhìn vào cuốn sổ tay chép đầy những bài hát khôi hài, bắt đầu hát, điệu bộ say sưa, tay đánh nhịp rất là thú vị. Bài hát như sau:

Hôm kia tôi lang thang

Một mình trên đường cái quan,

Bỗng phía trước có một cô nàng,

Thân hình thật là yểu điệu

Váy Pháp thật là đàng hoàng!

Đội cái mũ như cái chậu,

Tôi hát ghẹo cô nàng:

“Hỡi cô con gái kia ơi!

Người cô xinh đẹp làm tôi phải lòng,

Khoác tay nhau ta đến chốn vườn hồng!”

Bỗng cô nàng quay ngoắt lại,

Giương mắt nhìn tôi không cười,

Lại nói: “Cút ngay đi, đồ tồi!”

Hát xong, ông ta kể sang chuyện đoàn xiếc Renz và bắt chước một tên hề nước Anh khi lên sân khấu. Nhìn ông ta, ai cũng tưởng là đang ngồi xem gánh xiếc biểu diễn. Hình như nghe rõ cả tiếng ồn ào ở ngoài rạp, có tiếng người đang cãi nhau với anh xe ngựa. Tiếp đó, ông lại kể một câu chuyện bằng các thứ tiếng địa phương, tiếng Anh và tiếng Đức lẫn lộn. Có chuyện về anh chàng nằm ngủ nuốt một con chuột, đi mời bác sĩ thú ý đến bắt mạch xem bệnh, bác sĩ thú y khuyên hãy nuốt thêm một con mèo vào... Chuyện nữa là chuyện về “Bà già cứng cỏi”, chuyện kể rằng, có một bà già đi ra ga, dọc đường gặp đủ các thứ trở ngại, khó khăn, đến nơi thì xe lửa chạy mất rồi! Kể đến đây, ông Christian liền gọi ầm lên: “Nổi nhạc lên đi!” cắt đứt câu chuyện của mình. Nhưng không có tiếng nhạc nào cả, ông chẳng khác gì người nằm mê tỉnh dậy, tỏ vẻ ngạc nhiên hết sức!

Trong khoảnh khắc, ông bỗng im bặt, nét mặt biến đổi, cử chỉ rời rạc. Đôi mắt ti hí sâu hoắm của ông bắt đầu đảo ngược đảo xuôi, vẻ bồn chồn lo lắng, còn tay thì xoa bóp nửa người bên trái, hình như trong người ông có sự chuyển biến gì kỳ quặc lắm, và ông đang lắng nghe nó biến chuyển ra sao... Ông lại uống một cốc rượu ngọt, tinh thần có vẻ phấn chấn lên một chút và kể tiếp thêm một chuyện nữa, nhưng vừa kể được một nửa, bỗng dừng lại, từ biệt mọi người ra về vẻ thiểu não hết sức.

Gần đây, bà Tony rất hay cười, bà rất thú vị về những trò ông anh vừa biểu diễn. Bà vui vẻ tiễn ông anh ra đến cầu thang, nói:

— Tạm biệt nhà đại lý! Tạm biệt người có tài ngâm thơ, người săn gái giỏi! Ngốc ơi là ngốc! Rồi lại đến nhé!

Bà nhìn phía sau lưng ông anh, cười sặc sụa một lúc rồi trở vào nhà.

Nhưng ông Christian không trả lời. Ông đang trầm ngâm suy nghĩ, không nghe bà nói gì. Ông đang nghĩ như thế này: “Đúng rồi! Phải đến đằng Quisisana một lúc!”. Thế là ông đội lệch cái mũ, chống ba-toong ưỡn thẳng người, bước từng bước khập khiễng xuống cầu thang.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx