sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 2

Mùa xuân năm 1668, khoảng mười giờ tối, bà Tony đến tòa nhà mới ở ngõ Hàng Cá, lên gác hai. Ông nghị Buddenbrook đang ngồi một mình trong phòng khách; trong phòng, đồ đạc đều có những tấm vải màn màu xanh kẻ hình quả trám bao phủ, chính giữa trần nhà treo một ngọn đèn măng-sông, phía dưới là một cái bàn tròn. Ông nghị đang ngồi cạnh bàn, cúi xuống đọc tờ Tin tức sở giao dịch Berlin. Ngón tay giữa và ngón tay trỏ của ông cặp điếu thuốc lá, mũi cặp cái kính gọng vàng. Gần đây, lúc làm việc ông đã phải đeo kính rồi. Nghe tiếng chân bà em gái từ phòng ăn bước tới, ông bỏ kính xuống, nhìn kỹ vào bóng tối, mãi cho đến khi bóng bà Tony hiện ra trong ánh đèn giữa cái màn treo.

— À, chào cô! Đã ở Pöppenrade về rồi đấy à? Bạn bè cô khỏe cả chứ?

— Chào anh Tom! Cảm ơn anh! Armgard khỏe... Anh ngồi đây một mình thôi ư?

— Vâng! Cô đến rất đúng lúc. Tối nay tôi ăn cơm một mình, đơn độc lắm, chẳng khác gì đức giáo hoàng. Có bà Jungmann cũng như không, chốc chốc bà ta lại chạy lên gác với Hanno... Gerda thì đến câu lạc bộ. Chú Christian thì đi đón cô ấy đi nghe Tamayo biểu diễn violon...

— Lạ thật! Em lại nói câu mẹ thường nói ở đầu miệng rồi! Đúng đấy, anh Tom ạ, gần đây em thấy chị Gerda ăn ý với anh Christian lắm!

— Tôi cũng vậy, từ sau khi chú ấy về, cô ấy bắt đầu thích chú ấy lắm. Thậm chí những lúc chú ấy kể bệnh tình của mình, cô ấy cũng lắng tai nghe, không chán... Trời ơi! Tôi cho là chú Christian có thể làm cho Gerda khuây khỏa. Hai hôm trước, Gerda còn nói với tôi: “Chú ấy không giống thị dân tí nào, anh Thomas ạ! Lại càng không giống anh mảy may!”

— Thị dân... Thị dân hả anh Tom? Ha ha,... theo em thì trên thế giới rộng bao la này, không một người thị dân nào tốt hơn anh được.

— Có lẽ thế! Nhưng ý cô ấy thì không phải như vậy! Cô hãy cởi áo ngoài ra! Xem sắc mặt cô đỏ đắn lắm. Chắc khí hậu ở thôn quê bổ ích cho cô lắm nhỉ!

— Đối với em, tốt lắm! - Bà vừa nói vừa để cái mũ che gió đính dải lụa tím nhạt và cái voan sang một bên, rồi ngả lưng vào ghế tựa, trông rất đàng hoàng... Bệnh dạ dày và chứng mất ngủ khỏi cả rồi, chỉ trong một thời gian ngắn mà khỏi hẳn. Nào sữa tươi, xúc xích, giăm-bông... Em béo ra chẳng khác gì chú bê con và tốt tươi như hoa màu! Lại còn có cả mật ong mới lấy nữa, anh Tom ạ! Xưa nay em vẫn cho mật ong là bổ nhất, nó là sản vật thiên nhiên thuần chất! Thức ăn thế mới gọi là thức ăn. Armgard tốt thật, thế mà còn nhớ tới người bạn trước đây học cùng trường, mời em tới chơi. Von Maiboom cũng niềm nở như thế... Hai vợ chồng nó cứ khẩn khoản mời em ở lại mấy tuần lễ nữa, nhưng anh biết đấy, em mà đi vắng thì cháu Erika không thể xoay xở nổi, nhất là bây giờ lại vừa sinh cháu Elisabeth.

— Ờ, tôi quên không hỏi, cháu bé thế nào?

— Cám ơn anh, cháu khỏe lắm, vừa chẵn bốn tháng mà trông bụ bẫm ghê, mặc dù các chị Friederike, Henriette và Pfiffi đều nói là cháu không thể sống được...

— Còn Weinschenk thì thế nào? Nó có chăm sóc con không? Tôi thì chỉ ngày thứ năm tôi mới đến chơi với cháu được!

— Ờ nó vẫn như trước kia thôi! Anh biết đấy nó là người cần cù, an phận thủ thường, về phương diện nào đó, có thể nói là người chồng mẫu mực, vì nó rất ghét quán rượu, hết giờ là thẳng một mạch từ phòng giấy về nhà, bao nhiêu thì giờ rỗi dành cho mẹ con em tất. Nhưng có một điều, anh Tom ạ, em nói riêng với anh: Lúc nào nó cũng muốn con Erika đùa giỡn, chuyện trò với nó. Nó bảo, sau một ngày làm việc mệt nhọc về nhà, nó chỉ muốn vợ nó vui vẻ, cười đùa với nó, như thế tinh thần mới sảng khoái. Nó bảo trên đời này đàn bà chỉ có được việc ấy thôi!

— Thằng ngốc! - Ông nghị lẩm bẩm.

— Sao?... Tai hại nhất là lúc nào con Erika cũng ỉu xìu. Chắc là em truyền cho nó đấy, anh Tom ạ. Có lúc nó rất nghiêm, cứ làm thinh, không nói năng gì, như đang trầm ngâm suy nghĩ điều gì ấy, lúc đó thằng chồng mắng mỏ con vợ. Nó cáu lên, nó dùng những lời lẽ không nhã nhặn tí nào cả. Nó thường cố để cho người ta thấy rằng, nó không phải là con nhà giàu sang quý phái gì cả, cũng không được giáo dục tử tế, như người ta thường nói! Đúng như thế, em chẳng muốn giấu anh làm gì, mấy hôm trước em lên đường đi Pöppenrade, chỉ vì món xúp mặn một tí mà nó ném cả cái nắp liễn xuống nền nhà vỡ tan!

— Hay nhỉ?

— Không đâu! Hoàn toàn ngược lại. Nhưng cũng không nên vì thế mà bảo nó không tốt. Thực ra chúng ta ai không có khuyết điểm? Người cần kiệm, thật thà, tháo vát như nó thì không nên cho là xấu được. Không, anh Tom ạ! Trên đời này những người bề ngoài cục cằn nhưng tâm địa tốt không thể cho là xấu được. Anh Tom, em kể cho anh nghe cảnh ngộ gia đình các bà mà em vừa đến chơi. Thảm hại lắm! Một hôm nhân lúc vắng vẻ, Armgard cũng đã khóc lóc với em...

— Cô nói von Maiboom hả?

— Đúng, em nói chuyện anh ấy đấy, anh Tom ạ! A, nãy giờ chúng ta ngồi nói chuyện phiếm, thực tình tối nay em tới đây là vì một chuyện đứng đắn và quan trọng cơ!

— Thế nào? von Maiboom làm sao?

— Von Maiboom là người hiền lành dễ gần, anh Thomas ạ. Nhưng là một tay chơi bời, một con ma bạc đấy. Đánh bạc ở Rostock, ở Warnemünde. Tiền mắc nợ thì nhiều như cát ngoài bãi biển. Ai chỉ ở Pöppenrade vài tuần lễ thì không thể ngờ được. Sữa bò, xúc xích, giăm-bông không thiếu thứ gì. Ở một cái trang trại như vậy không ai có thể đoán được tình hình thực tế như thế nào... Tóm lại, anh Tom ạ, chúng nó đã đến lúc khánh kiệt rồi, Armgard vừa khóc vừa nói với em như vậy đấy.

— Thảm hại nhỉ! Thảm hại nhỉ!

— Chả phải nói nữa. Nhưng chuyện đâu phải chỉ có thế. Về sau em mới biết vợ chồng nó mời em đến không phải không tính toán điều gì.

— Thế là thế nào?

— Em muốn nói với anh điều này, anh Tom ạ! von Maiboom cần tiền. Anh ấy cần có ngay một số tiền rất lớn. Biết cô vợ với em là chỗ bè bạn với nhau từ xưa, mà em lại là em gái anh, cho nên lần này, gấp quá, anh chồng đành bảo vợ nói với em, còn cô vợ thì yêu cầu em nói với anh... Anh hiểu không?

Ông nghị đưa năm đầu ngón tay phải lên vuốt tóc hai lượt, mặt buồn thiu.

— Anh nghĩ là anh hiểu rồi đấy! - Ông nói - Nếu như anh đoán không sai thì chuyện đứng đắn và quan trọng cô nói hình như là họ muốn đem lúa ở Pöppenrade ra cầm để vay tiền chứ gì. Nhưng theo anh thì lần này cô và hai người bạn của cô đã gõ nhầm cửa rồi. Một là xưa nay anh chưa buôn bán với von Maiboom, với lại cách đặt quan hệ như thế cũng đặc biệt quá. Hai là gia đình ta từ cụ cố đến ông nội, đến ba, nay kể cả anh nữa, tuy thỉnh thoảng cũng cho người thôn quê vay tiền, nhưng người vay phải có một điều kiện khác nữa... Nhưng theo như cô nói hai phút trước đây về nhân cách và hoàn cảnh của von Maiboom thì khó lòng tin cậy lắm.

— Anh đoán nhầm rồi, anh Tom ạ. Em để anh nói hết, nhưng anh đã đoán nhầm rồi. Món tiền ấy không phải để von Maiboom tiêu. Anh ấy cần ba vạn năm nghìn mark để thanh toán nợ.

— Trời ơi!

— Trong vòng hai tuần lễ phải thanh toán ba vạn năm nghìn mark! Dao kề tận cổ rồi! Nói rõ hơn nữa là hiện nay anh ấy muốn tìm một người nào mua thì anh ấy bán.

— Lúa mì chưa gặt mà đã bán à? Chao ôi, anh chàng đáng thương hại thật! - Ông nghị vừa đưa tay đùa nghịch cái kính cặp mũi để trên mặt bàn, vừa lắc đầu - Nhưng đứng về phía chúng ta mà nói thì đó là một chuyện mua bán hiếm có. Phần lớn điền chủ ở đây đều bị người Do Thái nắm chặt trong tay... Ai biết được von Maiboom đáng thương hại kia đã rơi vào tay cho vay nặng lãi chó chết nào rồi...

— Anh nói cái gì? Người Do thái cho vay nặng lãi à? - Bà Tony hết sức ngạc nhiên nói to - Nhưng chúng em nói anh kia mà, anh Tom, nói anh kia mà!

Ông Thomas Buddenbrook quẳng cái kính xuống mặt bàn, khiến nó tuột một đoạn trên tờ báo rồi đứng lại. Bỗng ông quay nửa người trên về phía bà em gái:

— Nói anh, hả? - Chỉ thấy môi ông mấp máy chứ không nghe rõ tiếng. Sau đó, ông nói to lên - đi ngủ đi thôi, cô ơi! Cô mệt lắm rồi đấy!

— Đúng đấy, anh Tom ạ, tối nào chúng ta bắt đầu đùa hứng thú một tí thì bà Jungmann thường nói với chúng ta câu ấy đấy. Nhưng em xin bảo đảm với anh rằng, xưa nay chưa bao giờ em tỉnh táo và phấn khởi như bây giờ. Em không quản đêm tối và sương mù tới đây cốt là để chuyển lời yêu cầu của Armgard và gián tiếp là lời yêu cầu của von Maiboom cho anh...

— Ờ, nhưng anh xin trả lại lời yêu cầu cho cô em ngây thơ của anh và cho Maiboom đang gặp lúc bí...

— Ngây thơ? Đang gặp lúc bí? Em không hiểu được lời anh nói, anh Thomas ạ! Rất đáng tiếc là em không mảy may hiểu ý anh muốn nói gì! Người ta mang đến cho anh một dịp may để làm một việc tốt, lại vớ được một món hời...

— Chao! Cô ơi, cô đừng nói những lời ngu xuẩn như vậy nữa! - Ông nghị nói to và bực bội ngả người ra đằng sau ghế - Cô bỏ qua câu nói của tôi. Cô lẩm cẩm, không hiểu gì hết làm cho tôi phải nổi cáu mất thôi. Chả nhẽ cô không biết được rằng, như vậy là cô khuyên tôi làm một việc xấu xa bẩn thỉu, mất cả nhân phẩm đó hay sao? Chả nhẽ tôi lại làm cái việc đục nước béo cò, bóc lột người ta một cách tàn nhẫn ư? Lợi dụng ông điền chủ ấy lúc ông ta quẫn bách để phát tài ư? Bắt anh ta phải bán thu hoạch cả năm lấy nửa tiền, để tôi làm giàu một cách không chính đáng ư?

— Chao ôi, anh nghĩ như vậy hay sao? - Bà Tony nói, vẻ sợ sệt. Suy nghĩ một lúc rồi bà lại phấn chấn lên, nói tiếp - Không cần thiết, hoàn toàn không cần thiết phải nhìn việc này về khía cạnh đó, anh Tom ạ! Tại sao anh lại nói bắt buộc anh ấy? Chính anh ấy yêu cầu cơ mà? Anh ấy cần tiền, anh ấy muốn giải quyết việc này trên tình bạn, giữ kín tiếng không hở ra cho người ngoài biết cơ mà! Chính vì thế anh ấy mới nghĩ đến chúng ta, mới mời em đến!

— Tóm lại một câu, anh ấy đã hiểu nhầm anh và tính chất của Công ty chúng ta. Chúng có truyền thống của chúng ta. Một trăm năm lại nay, chúng ta chưa hề buôn bán kiểu đó bao giờ. Tôi cũng không muốn là người đầu tiên làm chuyện bậy bạ như thế!

— Tất nhiên, anh Tom ạ! Công ty có truyền thống của Công ty mà ai cũng phải tôn trọng, hơn nữa, nếu ba còn sống ba cũng không làm như vậy, điều đó không cần phải nói nhiều nữa... Có điều, em đần độn đấy, nhưng em cũng thấy rằng anh không phải là người đi theo con đường của ba, với lại từ ngày anh thay ba buôn bán thì tình hình có khá hơn lúc ba còn sống nhiều. Nhưng việc anh làm mấy năm nay phần lớn đều là những việc trước kia ba không dám làm. Đó là vì anh còn trẻ, anh có đầu óc làm những chuyện to tát. Nhưng em chỉ sợ là, thời gian gần đây anh gặp những chuyện không vừa ý, làm cho anh nhụt chí... Nếu như hiện nay anh giải quyết công việc không được thành công, không thuận lợi như trước kia, nguyên nhân là vì anh quá thận trọng rụt rè, quá an phận thủ thường, có những dịp kiếm được rất nhiều lãi, anh cũng bỏ qua.

— Chà chà! Tôi mong cô đừng nói nữa, cô ơi! Cô làm tôi cáu tiết lên rồi đấy! - Ông nghị nói gắt gỏng và quay người đi - chúng ta nói chuyện khác có được không?

— Đúng là anh nổi cáu rồi, anh Thomas ạ! Em thấy rõ như thế. Ngay từ lúc đầu anh đã nổi cáu, nhưng sở dĩ em cứ nói là vì em muốn chứng minh với anh rằng, anh cảm thấy bị sỉ nhục là không đúng. Nếu em đặt ra cho em câu hỏi tại sao anh lại nổi cáu, thì em chỉ có thể trả lời là, vì không phải tự đáy lòng anh, anh không thích buôn bán như vậy. Em tuy là phụ nữ không biết gì, nhưng qua những điều em từng trải và qua người khác, em nghiệm thấy rằng: chỉ khi nào mình không thể cự tuyệt lời người khác yêu cầu một cách kiên quyết, chỉ khi trong bụng mình cũng muốn thử xem ra làm sao, thì lời yêu cầu đó mới khiến mình nổi cáu mà thôi!

— Cô nói hay lắm! - Ông nghị cắn đứt cái đầu lọc thuốc lá rồi lặng thinh.

— Hay lắm ư? Hừ, không phải thế đâu! Chẳng qua cuộc sống dạy cho em một thứ kinh nghiệm hết sức đơn giản đấy thôi. Có điều hẵng khoan bàn chuyện này đã, anh Tom ạ! Em không muốn tranh luận với anh đâu. Lẽ nào em lại có thể thuyết phục được anh. Không thể được, em không có khả năng ấy. Em chỉ là một con ngốc, thật là đáng tiếc! Nhưng thôi, nói thế nào cũng được, ta hãy bàn chuyện kia đi... em thấy thú vị hơn. Một mặt thì em buồn cho vợ chồng Maiboom, mặt khác em lại mừng cho anh. Em nghĩ, gần đây lúc nào cũng thấy anh Tom rầu rĩ, trước kia anh còn kêu ca, nhưng dạo này kêu ca anh cũng chẳng kêu ca nữa. Anh thua lỗ nơi này nơi nọ, làm ăn chẳng ra gì, trong khi đó thì nhờ trời, em bắt đầu phấn chấn lên, cuộc sống đã hạnh phúc phần nào. Nhưng rồi em lại nghĩ, thế này là mình thu xếp cho anh một việc đây, đem lại cho anh một dịp may, một cơ hội tốt. Anh có thể bù đắp bao nhiêu thua thiệt trước kia. Với lại, còn có thể cho người ta thấy rằng Công ty Johann Buddenbrook ngày nay chưa đến nỗi sa sút lắm. Nếu em làm theo đề nghị kia thì em là người mối lái, em cũng thấy hết sức tự hào. Anh biết đấy, em hằng mơ ước được làm một việc gì đó để thanh danh nhà ta rạng rỡ hơn lên, đó cũng là nguyện vọng vô cùng bức thiết của em... Thôi, hẵng dừng lại ở đây đã... Bực nhất là sớm muộn gì rồi Maiboom cũng phải bán non số hoa màu kia đi. Nếu anh ta thăm dò ở thành phố này, thế nào cũng tìm được người mua ngay thôi, anh Tom ạ! Tìm được ngay... Chính là Hermann Hagenström, cái thằng cha đểu cáng ấy chứ ai!

— Ừ, đúng đấy, hắn từ chối ư? Chuyện ấy ngờ lắm!

Ông nghị nói, giọng chua chát, nhưng bà Tony đã vội hỏi dồn:

— Anh biết ư? Anh biết ư? Anh biết ư?

Ông Thomas Buddenbrook cười mỉm:

— Thật là vô duyên... Chúng ta đang bàn một chuyện không đáng tin cậy gì cả, một chuyện hết sức vu vơ với một thái độ hết sức nghiêm túc... Ít ra cô là như thế! Nếu tôi không nhớ nhầm thì hình như tôi chưa hề hỏi cô rằng, rốt cuộc chúng ta nói chuyện gì? von Maiboom muốn bán khoảnh đất nào, tôi không hay biết gì tình hình ở Pöppenrade cả...

— Ờ, anh cũng nên đi đến nơi mà xem xem - Bà say sưa nói - Từ đây đến Rostock không bao xa. Đến Rostock là coi như đến Pöppenrade rồi! Anh ta định bán khoảnh đất nào ư? Pöppenrade là cái trang trại lớn, mỗi năm thu hoạch hơn nghìn bao lúa mì, điều đó em biết chắc. Nhưng tình hình cụ thể như thế nào em không rõ. Lúa mạch, yến mạch, đại mạch mỗi thứ bao nhiêu? Có phải mỗi thứ năm trăm bao hay không, nhiều hơn hay ít hơn? Em không rõ, nhưng em dám chắc là thứ nào cũng rất tốt. Có điều là em không thể cho anh biết con số cụ thể. Anh Tom, em là một con ngốc mà! Tất nhiên anh cũng nên đến nơi mà xem...

Hai người im lặng một lúc.

— Thôi nhé! Chả cần phải bàn mãi chuyện ấy nữa - Ông nghị nói dứt khoát, tay nhấc cái kính cặp mũi ra, đút vào túi gi-lê, cài khuy áo ngoài, đứng dậy rồi đi đi lại lại trong phòng, cử chỉ nhanh nhẹn khỏe khoắn, nhưng rất thoải mái, cố ý tỏ ra mình đã xua đuổi được hết mọi điều suy nghĩ và mọi nỗi do dự rồi.

Một lát sau, ông lại đến đứng cạnh bàn, người hơi cúi về phía bà em gái, quặp ngón tay trỏ gõ gõ xuống bàn nói:

— Bây giờ anh kể cho cô nghe câu chuyện này, cô Tony thân mến! Nó sẽ cho cô thấy thái độ của anh đối với việc này như thế nào. Anh biết cô rất tôn trọng các nhà quý tộc, đặc biệt là quý tộc Mecklenburg, nên mong cô cứ chịu khó lắng nghe, mặc dù ở chỗ nào đó anh tỏ ra không tôn trọng một vị nào đó trong số những vị chúa đất ấy... Cô nên biết là, trong những vị ấy có một vài vị tuy bản thân rất cần các thương gia giúp đỡ - Cũng như von Maiboom đang cần đến họ ấy mà - thì lại không tôn trọng gì họ cả. Khi giao thiệp với họ, các vị quá đề cao (tất nhiên trong một chừng mực nhất định, phải thừa nhận là đúng) vai trò ưu việt của người sản xuất so với các thương gia là tầng lớp trung gian. Tóm lại là họ nhìn thương gia như là nhìn bọn con buôn, bọn Do Thái hay ra vào các ngõ hẻm mua quần áo cũ, dù mình biết là mình hớ to rồi nhưng vẫn cứ bán. Anh hết sức tự hào là khi giao thiệp với các vị ấy, anh chưa để lại cho các vị ấy ấn tượng một người đạo đức tồi bại, đến bòn vét các vị. Trái lại, anh phát hiện ra trong các vị ấy một số con buôn tính toán chi li hơn anh nhiều! Một lần gặp một vị như vậy, anh đã phải nhẹ nhàng cho ông ta biết tay một tí, để cho địa vị xã hội của anh xích gần với ông ta hơn... Đó là một vị chúa đất ở Poggendorf. Chắc cô đã có nghe nói tới ông ta rồi. Trước đây, ông ta có giao thiệp với anh một thời gian khá lâu: Bá tước Strelitz ấy mà! Một con người đầu óc vô cùng phong kiến! Mắt đeo cái kính mặt vuông[123], không hiểu sao cái mắt kính ấy không cứa đứt mắt ông ta! Chân đi ủng da sơn, thành ủng lật ra ngoài, tay cầm roi ngựa cán mạ vàng. Ông ta có thói quen há nửa miệng, lim dim mắt, nhìn anh vẻ bực tức, khinh khỉnh... Hôm gặp ông ta lần đầu, đáng được nhắc lại. Trước đó, hai người đã gửi cho nhau mấy bức thư. Anh đến, người đầy tớ vào thưa với ông ta, ông ta mời anh vào phòng làm việc. Bá tước Strelitz đang ngồi trước bàn giấy. Anh chào, ông ta cứ ngồi yên trên ghế, cúi người chào lại, viết nốt mấy dòng chữ cuối cùng một bức thư, rồi mới quay sang phía anh, nói chuyện về hàng họ của ông ta, mắt ông ta cứ nhìn thẳng lên phía trên đầu anh. Anh tựa người vào bàn xa-lông, tay vòng trước ngực, chân bắt tréo, ngắm nhìn ông ta thú vị lắm. Đứng nói chuyện năm phút rồi, anh ngồi ngay lên bàn, hai chân đung đưa. Anh và ông ta cứ thế bàn bạc tiếp. Độ mươi lăm phút sau nữa, ông ta mới huơ huơ tay, ra vẻ ban ơn, nói: “Ông ngồi xuống nói chuyện, được không?”. “Cái gì?” - Anh bảo - “Không cần khách sáo, tôi ngồi từ lâu rồi!”

— Thật anh đã nói như thế ư? Thật thế không, anh Tom? - bà Tony thích chí quá, không nén được, nói to... Bà quên hết chuyện lúc nãy, bây giờ trong óc chỉ còn mỗi một chuyện này nữa thôi - Anh ngồi từ lâu rồi, hay quá!

— Đúng như thế. Anh kể nốt cô nghe. Từ giờ phút đó trở đi, thái độ ông bá tước hoàn toàn thay đổi. Lần sau đến là ông ta bắt tay và mời ngồi ngay. Sau đó, quan hệ giữa ông ta và anh rất tốt. Vì sao anh lại kể cho cô nghe câu chuyện này? Ấy là anh muốn hỏi cô, ví dụ khi von Maiboom bàn chuyện buôn bán với anh mà anh ta quên không mời anh ngồi, thì anh có nên có cái can đảm ấy không, anh có quyền làm như thế không, đem lòng tự tin của mình cho von Maiboom một bài học?

— Thôi cũng được, có lẽ anh đúng, anh Tom ạ! Như em vừa nói, em không muốn ép anh. Chắc là anh đã biết việc gì nên làm, việc gì không nên làm. Chấm dứt thôi nhé! Chỉ mong anh tin cho rằng em nói chuyện kia với ý muốn tốt đẹp là được rồi... Thôi, chào anh, anh Tom! À, hãy thong thả, em còn phải hôn cháu Hanno và chào bà Ida... một tiếng... rồi còn phải gặp anh một lát nữa...

Nói xong, bà đi ra khỏi phòng...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx